Những nguồn lực tốt nhất của Singapore là Vị trí địa lý và Quyền tự do

Những nguồn lực tốt nhất của Singapore là Vị trí địa lý và Quyền tự do

Thương mại tự do

Thật không sai khi nhắc đến Singapore như một ngôi sao thành công về mặt kinh tế và hiện nay là một trong những nền kinh tế tự do nhất trên thế giới, gần như dẫn đầu về các chỉ số tự do kinh tế. Với diện tích chỉ bằng khoảng 2/3 thành phố New York, đất nước này chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ thế giới. Thường được ví von như một “Chấm đỏ tí hon”, biệt danh dành cho thành bang thịnh vượng này ngày nay được người dân Singapore trân trọng và gìn giữ, mặc dù nguồn gốc của nó là một lời xúc phạm.

Singapore là bằng chứng đầy thuyết phục về sự gắn bó chặt chẽ giữa thịnh vượng kinh tế và tự do thương mại.

Năm 1971, ngay khi người Anh đột ngột rút mạng lưới bảo hộ của họ khỏi Singapore nhằm cắt giảm chi tiêu, chính phủ sơ khai của Singapore lập tức bắt tay hành động. Hiểu được rằng nước mình không có tài nguyên thiên nhiên và lãnh thổ nhỏ bé, các nhà lãnh đạo đầu tiên của Singapore sau khi giành được độc lập đã khởi xướng một đường lối kinh tế mạnh bạo, định hướng thị trường và xuất khẩu.

Cái gì làm cho Singapore thành công? Muốn trả lời câu hỏi này, cần nhìn vào lịch sử trước đây của Singapore, thường hay bị bỏ quên trong các diễn ngôn chính thống, nhưng nó lại được các nhà sử học tìm hiểu một cách kỹ lưỡng. Nhìn lại giai đoạn phát triển sơ khai của Singapore ta sẽ thấy những nền tảng vững chắc trong nền thương mại tự do của nước này.

Vậy chúng ta nên nhìn xa đến đâu? Tại sao không quay lại năm 1819, khi lần đầu tiên người Anh đặt chân lên bờ biển Singapore?

Những người cha lập quốc

Lý Quang Diệu, vị thủ tướng đầu tiên của Singapore, thường được công nhận là cha già của quốc đảo này. Nếu vậy, các tổ phụ của Singapore sẽ là ba người: Sir Stamford Raffles, người đã thành lập các khu định cư thương mại, William Farquhar, người được Raffles chỉ định thay thế trong những năm ông đi vắng, và John Crawfurd, người được Raffles bổ nhiệm kế vị Farquhar.

Đối với Raffles, Singapore là hai thứ: (1) một thuộc địa quý giá của Anh giúp ngăn chặn sự độc quyền thương mại trên các vùng biển phía Đông đang nằm trong tay người Hà Lan, và (2) một nơi trú ngụ mà ông hy vọng một ngày nào đó sẽ trở thành “niềm tự hào của phương Đông”. Mặc cho sự thực là Singapore vẫn chưa chính thức thuộc sở hữu của Anh, nhưng chính tầm nhìn táo bạo của Raffles đã tạo tiền đề cho sự kiện này xảy ra vào năm 1824 dưới thời Crawfurd1.

“Tài nguyên thiên nhiên” lớn nhất của Singapore là vị trí địa lý của nó. Hòn đảo này nằm ở vị trí án ngữ hoàn hảo dọc theo eo biển Malacca, một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất kết nối phương Tây với Đông Á. Hy vọng lớn của Raffles đối với Singapore xuất phát từ thực tế là ông hiểu những lợi thế địa lý độc đáo của hòn đảo này. Như W.G.Huff giải thích, “Địa lý có thể được coi như một nguồn tài nguyên thiên nhiên, giống như các mỏ khoáng sản theo nghĩa cả hai đều là đất “thượng hạng”. 'Tài nguyên thiên nhiên' của Singapore - một hòn đảo chỉ rộng 225 dặm vuông - là vị trí địa lý.”

Raffles đã khai thác tối đa “nguồn tài nguyên thiên nhiên” này, bằng cách quảng bá rằng các cảng biển của Singapore được miễn thuế, có mức phí neo đậu tối thiểu, và không phải đóng thuế hải quan - “một lựa chọn chứng tỏ sức hấp dẫn hơn hẳn so với hầu hết các cảng biển lân cận vào thời điểm khi mà các hải cảng này bị bóc lột thậm tệ, luật pháp không ổn định, thuế má nặng nề cùng với nhiều hạn chế khác”. Khu định cư thương mại còn có một cảng nước sâu tự nhiên, giúp các con tàu lớn dễ dàng neo đậu. Cả hai yếu tố này đã giúp cảng Singapore trở thành độc nhất vô nhị, không hải cảng nào trong khu vực vào thời đó có thể cạnh tranh được.

Không phải Lãnh thổ, mà là Thương mại

Ngay từ năm đầu tiên đặt chân đến Singapore, Raffles đã có ý định rất rõ ràng, như ông viết trong một bức thư vào tháng 6 năm 1819: “Mục tiêu của chúng tôi không phải là lãnh thổ mà là thương mại; một trung tâm thương mại lớn và một điểm tựa để chúng tôi có thể mở rộng ảnh hưởng về mặt chính trị vào một lúc nào đó trong tương lai sẽ cần”, và phát triển “quyền tự do thương mại tối đa nhất có thể và quyền bình đẳng cho tất cả mọi người, với việc bảo vệ tài sản và con người”. Đây chính là dấu mốc lịch sử mà làng chài nghèo nàn và vô danh này bắt đầu có những biến đổi mạnh mẽ nhất.

Những chỉ thị này được trao cho Farquhar mỗi khi Raffles đi xa, có lúc kéo dài tới cả năm. Với tư cách là Đặc sứ trung tá hải quân hoàng gia Anh tại Singapore (1819 - 1823), cảng Singapore non trẻ đã trưởng thành và phát triển dưới sự giám sát tận tình của ông trong 4 năm. Tuy nhiên, Farquhar cũng đi ngược lại với chỉ thị của Raffles, ông hợp pháp hóa các ổ cờ bạc, buôn bán thuốc phiện và rượu để tăng doanh thu. Thái độ lỏng lẻo của ông đối với việc buôn bán nô lệ và những bất đồng trong công việc quản lý khác cuối cùng đã dẫn hai người đến xung đột và kết quả là Farquhar đã bị Crawfurd thay thế vào năm 1823.

Tương tự như Farquhar, Crawfurd cũng có niềm tin mãnh liệt vào thị trường tự do như Raffles và thậm chí còn thúc đẩy các chính sách tự do kinh tế quyết liệt hơn. Crawfurd tiếp tục miễn thuế, bãi bỏ phí cảng, phí neo đậu và các loại phí khác. Crawfurd cũng có quan điểm trung dung khôn khéo giống như Raffles về các sòng bạc: cấp phép hoạt động và đồng thời quản lý và đánh thuế. Dưới sự quản lý của ông trong ba năm, thương mại và doanh thu của Singapore đã tăng vọt.

Được các nhà lãnh đạo và cộng đồng thương gia ủng hộ, chính sách nhập cư không hạn chế là đóng góp quan trọng vào thành công và tăng trưởng kinh tế của Singapore trong giai đoạn đầu. Kết quả là, nhiều người nhập cư Trung Quốc kéo tới thương cảng tự do và nhộn nhịp của Singapore. Từ những năm 1830 đến cuối những năm 1860, dân số Singapore đã tăng gấp bốn lần.

Niềm tin vào tự do thương mại

Một điểm chung của những người đặt nền móng cho Singapore là triết lý kinh tế của họ - niềm tin vào chủ nghĩa tư bản và kinh doanh tự do. Các nhà lãnh đạo đầu tiên của Singapore thuộc địa là những người trung thành với chủ nghĩa tự do cổ điển, họ thể hiện niềm tin mạnh mẽ vào các quyền tự do kinh tế, rao giảng và thực hành xuyên suốt các nguyên tắc của thương mại tự do.

Tự do kinh tế (Laissez-faire) là chuẩn mực và nền kinh tế tự do đã ăn sâu bén rễ vào thể chế của Singapore. Nhà sử học C.M. Turnbull viết trong kiệt tác Lịch sử Singapore hiện đại (A History of Modern Singapore): “Nguyên tắc tự do thương mại đã được Ban điều hành của Công ty Đông Ấn ở Luân Đôn phê chuẩn vào năm 1826 và sau đó được các thương gia Singapore nhiệt tình ủng hộ. Tự do thương mại đã trở thành một nguyên tắc cơ bản thiêng liêng và bất kỳ hành vi xâm phạm hay đe dọa nào đều bị phản đối kịch liệt và bị coi là dị giáo về thương mại”.

Turnbull còn viết rằng, Raffles “... thể hiện tư duy cấp tiến, trí tuệ và nhân đạo tiến bộ nhất trong thời đại của ông. Kiểu xã hội mà ông muốn thiết lập tại Singapore đi trước Anh hay Ấn Độ đương thời trên nhiều mặt… ông đã thiết lập ở Singapore một cảng tự do theo các nguyên tắc của Adam Smith và tự do kinh tế vào thời điểm mà nước Anh vẫn còn là quốc gia theo chủ nghĩa bảo hộ”.

Quá trình chuyển mình từ một làng chài của Thế giới thứ ba thành đô thị sầm uất được nhiều người (đã đúng) cho là nhờ công của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Song, vai trò của các tổ phụ Singapore trong quá trình chuyển đổi này lại thường bị người ta lờ đi. Trong cuốn Lịch sử Singapore (A History of Singapore), sử gia Ernest C.T. Chew và Edwin Lee nhắc lại ý kiến của Turnbull và cho rằng thành công ban đầu của Singapore là nhờ chính sách tự do thương mại và chính sách nhập cư:

“Singapore thành công vì nó là một hòn đảo bao gồm các doanh nghiệp tư nhân tự do, mở cửa cho tất cả các chủng tộc mà không phân biệt bất kỳ tiêu chuẩn tôn giáo hay ngôn ngữ nào. Nó còn là một cảng biển miễn thuế. Ngoài một khoảng thời gian ngắn tại Penang, từ năm 1786 đến 1801, khái niệm cho phép buôn bán mà không đánh thuế hầu như chưa được biết đến ở phương Đông vào thời điểm này. Thương mại tại các cảng dưới sự thống trị của thực dân phương Tây phải chịu sự độc quyền hoặc phải chịu thuế cao với đủ các loại hạn chế, trong khi dưới sự cai trị của địa phương, các cảng lớn nhỏ bị đánh thuế nặng và thường phải chịu tất cả các hình thức cống nạp bị áp đặt theo ý thích của những người cai trị. Đôi khi thương mại có vẻ như được chấp nhận chứ không được khuyến khích. Địa vị cảng biển tự do, hấp dẫn đối với thương nhân cả Á lẫn Âu, là một trong những lý do chính dẫn đến sự thành công nhanh chóng của Singapore”.

Nếu coi Lý Quang Diệu là người có công xây dựng Singapore thành quốc gia đô thị hàng đầu thế giới hiện nay, thì những viên gạch nền tảng nhất của nền kinh tế Singapore đã được đặt bởi các tổ phụ, những người đã xây dựng nên các thiết chế thương mại tự do đã ăn sâu bén rễ cho đến ngày hôm nay. Đây là nền tảng đã đưa Singapore tiến bước trên con đường phát triển thịnh vượng như một cảng biển hàng đầu của Đông Nam Á, thiết lập nền tảng cho đô thị hiện đại ngày nay.

Donovan Choy là thành viên nghiên cứu tại Trung tâm Adam Smith Singapore và là đồng tác giả của cuốn sách “Vén màn chủ nghĩa tự do” (Liberalism Unveiled). Độc giả có thể liên hệ với ông qua choydonovan@gmail.com.

Chú thích:

(1) Anh Quốc giành được chủ quyền đối với đảo vào năm 1824, và Singapore trở thành một trong Các khu định cư Eo biển của Anh Quốc vào năm 1826.

Nguồn: Donovan Choy, Singapore's Greatest Resources Are Location and Liberty, Fee, 28/8/2017

Dịch giả:
Nguyễn Nga
Hiệu đính:
Phạm Nguyên Trường