Lạm phát và chính sách mở rộng tín dụng (Phần 2/3)
(Tiếp theo Phần 1)
2. Mở rộng tín dụng
Một sự thật cơ bản về hành vi con người là mọi người định giá hàng hóa tại thời điểm hiện tại cao hơn hàng hóa trong tương lai. Một quả táo để ăn ngay tại thời điểm này sẽ được định giá cao hơn một quả táo để ăn vào năm sau. Và tương tự như thế, một quả táo để ăn vào năm sau sẽ được định giá cao hơn một quả táo để ăn năm năm sau đó. Khác biệt về sự định giá này hiện diện trong nền kinh tế thị trường dưới hình thức chiết khấu, đó là tỷ lệ để so sánh giá trị của hàng hóa trong tương lai với hàng hóa ở thời điểm hiện tại. Trong các giao dịch tiền tệ, khoản chiết khấu này được gọi là tiền lãi.
Vì vậy không thể loại bỏ được tiền lãi. Để tránh tính tiền lãi, chúng ta sẽ phải ngăn không cho mọi người định giá một ngôi nhà có thể sử dụng ngày hôm nay cao hơn một căn nhà mà sẽ chỉ có thể sử dụng sau mười năm nữa. Tiền lãi không chỉ là sản phẩm của riêng hệ thống tư bản chủ nghĩa. Trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa cũng vậy, có một thực tế là một ổ bánh mì có được sau một năm nữa sẽ chẳng thể thỏa mãn cơn đói hiện tại.
Tiền lãi không có nguồn gốc từ sự giao thoa giữa cung và cầu tiền trên thị trường vốn. Đúng hơn, thị trường vay nợ, mà trong thuật ngữ kinh tế được gọi là thị trường tiền tệ (đối với tín dụng ngắn hạn) và thị trường vốn (đối với tín dụng dài hạn), có chức năng điều chỉnh các mức lãi suất cho các khoản vay nợ giao dịch bằng tiền tương ứng với mức chênh lệch giữa giá trị của hàng hóa tại thời điểm hiện tại và hàng hóa tương lai. Sự chênh lệch trong việc định giá này chính là nguồn gốc thực sự của tiền lãi. Việc gia tăng khối lượng tiền tệ, bất kể ở mức nào, không thể ảnh hưởng đến lãi suất trong dài hạn.
Không một quy luật kinh tế nào nổi tiếng hơn quy luật theo đó các mức lãi suất trong dài hạn độc lập với khối lượng tiền tệ. Dư luận tỏ ra miễn cưỡng trong việc thừa nhận rằng tiền lãi là một hiện tượng của thị trường. Tiền lãi vẫn được coi là một điều xấu xa, một rào cản đối với phúc lợi của con người, và vì vậy, mọi người yêu cầu xóa bỏ nó hay chí ít là giảm thiểu đáng kể nó. Và việc mở rộng tín dụng được coi là phương thức hợp lý để tạo ra “đồng tiền dễ dãi”.
Không nghi ngờ rằng chính sách mở rộng tín dụng sẽ làm giảm lãi suất ngắn hạn. Ban đầu, tăng cung tín dụng sẽ gây áp lực kéo lãi suất đối với các khoản vay nợ xuống dưới mức trong thị trường không bị can thiệp. Nhưng có một điều tương đối rõ ràng rằng ngay cả chính sách mở rộng tín dụng mạnh mẽ nhất cũng không làm thay đổi nhiều sự khác biệt trong việc định giá hàng hóa tại thời điểm hiện tại và tương lai. Lãi suất cuối cùng cũng sẽ trở về mức tương ứng với sự khác biệt trong định giá hàng hóa. Sự mô tả quá trình điều chỉnh này là nhiệm vụ của nhánh kinh tế học được gọi là lý thuyết về chu kỳ kinh doanh.
Tại mỗi tổ hợp giá cả, tiền lương, và lãi suất có những dự án không thể hiện thực hóa bởi lẽ tính toán về khả năng sinh lợi cho thấy không hề có bất cứ khả năng thành công nào cho những dự án đó. Doanh nhân sẽ không có động lực khởi tạo doanh nghiệp bởi theo tính toán của anh ta, anh ta không những không có lợi mà còn phải chịu thiệt.
Sự thiếu hấp dẫn của của một dự án không phải là hậu quả của các trạng thái tiền tệ hay tín dụng; nó xảy ra bởi sự khan hiếm hàng hóa và lao động, và bởi thực tế là họ cần phải ưu tiên sử dụng nguồn lực cho các mục đích sử dụng cấp thiết hơn và vì thế hấp dẫn hơn.
Khi lãi suất được giữ thấp một cách nhân tạo nhờ chính sách mở rộng tín dụng, nó tạo ra cái nhìn sai lầm, theo đó các doanh nghiệp trước đó không thu được lợi nhuận nay trở nên có lợi nhuận. Chính sách nới lỏng tiền tệ khiến cho các nghiệp chủ lao vào những hoạt động kinh doanh mà đúng ra họ sẽ không làm vậy khi lãi suất cao hơn. Nhờ tiền vay mượn từ ngân hàng, họ tham gia vào thị trường có lượng cầu tăng thêm và khiến mức lương cũng như giá cả các phương tiện sản xuất tăng lên. Dĩ nhiên, sự bùng nổ này có thể sẽ sụp đổ ngay lập tức nếu không tiếp tục duy trì chính sách mở rộng tín dụng, bởi giá cả tăng sẽ khiến các doanh nghiệp mới thành lập không có lợi nhuận. Nhưng nếu các ngân hàng tiếp tục chính sách mở rộng tín dụng, chiếc phanh này sẽ không hoạt động. Sự bùng nổ sẽ tiếp tục.
Nhưng sự bùng nổ sẽ không thể kéo dài mãi mãi. Có hai lựa chọn ở đây. Hoặc là các ngân hàng tiếp tục chính sách mở rộng tín dụng không giới hạn và vì thế khiến giá cả liên tục leo thang, cùng với đó là sự phát triển không ngừng của các nhóm đầu cơ, và cuối cùng sẽ là kết cục tương tự như trong các trường hợp lạm phát không được giới hạn, một giai đoạn “bùng nổ vỡ-rạn” (crack-up boom) và sự sụp đổ của hệ thống tiền tệ và tín dụng1. Hoặc các ngân hàng sẽ ngừng lại trước khi đạt đến điểm sụp đổ, tự nguyện từ bỏ chính sách mở rộng tín dụng và vì thế dẫn đến một cuộc khủng hoảng. Suy thoái kinh tế sẽ xảy ra trong cả hai trường hợp.
Có một điều rõ ràng là nghiệp vụ ngân hàng thuần túy giống như chính sách mở rộng tín dụng không thể tạo ra thêm hàng hóa và của cải. Điều mà chính sách mở rộng tín dụng thực sự gây ra là khởi tạo cơ sở tính toán sai lầm của các nghiệp chủ và khiến họ đánh giá sai các dự án kinh doanh và đầu tư. Các nghiệp chủ hành động với hình dung rằng hàng hóa phục vụ sản xuất là sẵn có hơn thực tế mà họ có thể có được. Họ lên kế hoạch mở rộng sản xuất cho một quy mô mà trên thực tế thiếu hụt lượng hàng hóa phục vụ sản xuất. Những kế hoạch này chắc chắn sẽ thất bại do sự thiếu hụt lượng hàng hóa sẵn có phục vụ cho các nhà sản xuất. Kết quả là sẽ có những cơ sở sản xuất không thể đi vào hoạt động bởi sự thiếu hụt trang thiết bị cần thiết; có những cơ sở sản xuất không thể hoàn thành; và có những cơ sở sản xuất mà hàng hóa của chúng không thể bán được bởi khách hàng muốn mua các loại sản phẩm khác thiết yếu hơn, nhưng không thể sản xuất được với số lượng đủ để đáp ứng nhu cầu do trang thiết bị sản xuất cần thiết chưa sẵn sàng. Sự bùng nổ này không phải là đầu tư quá mức, mà là đầu tư chệch hướng.
Người ta thường đưa ra lập luận phản bác lại kết luận này khi cho rằng kết luận này chỉ đúng nếu như ở thời điểm bắt đầu chính sách mở rộng tín dụng không có sự dư thừa năng lực suất hoặc không có thất nghiệp. Họ cho rằng nếu như tồn tại thất nghiệp và dư thừa năng lực sản xuất, mọi thứ sẽ khác. Nhưng các giả định đó không ảnh hưởng đến kết luận này.
Thực tế là, do hậu quả của những sai lầm đầu tư trong quá khứ, sẽ tồn tại một phần năng lực sản xuất không thể chuyển đổi để sử dụng cho mục đích khác, tức không được đưa vào sử dụng. Đó là những khoản đầu tư được thực hiện trong quá khứ dựa trên những giả định này được chứng minh là sai lầm; thị trường hiện tại có nhu cầu về điều gì đó khác thay vì những thứ mà các trang thiết bị sản xuất này có thể sản xuất được2. Tích lũy hàng tồn kho thực tế là hoạt động đầu cơ. Chủ doanh nghiệp không muốn bán hàng hóa ở mức giá hiện tại bởi ông ta hy vọng có thể nhận được một mức giá cao hơn trong tương lai. Công nhân thất nghiệp cũng là một khía cạnh đầu cơ. Công nhân không muốn thay đổi địa điểm và nghề nghiệp của mình, cũng như không muốn giảm mức lương yêu cầu bởi anh ta hy vọng có thể tìm được một công việc, tại địa điểm mong muốn hơn và với mức lương cao hơn. Cả giới chủ và những người thất nghiệp đều từ chối tự mình điều chỉnh theo các điều kiện thị trường bởi họ hy vọng vào những dữ liệu mới sẽ làm thay đổi các điều kiện thị trường theo chiều hướng có lợi cho họ. Vì họ không chịu chấp nhận những thay đổi cần thiết, hệ thống kinh tế sẽ không thể tiến đến “trạng thái cân bằng”.
Theo quan điểm của những người ủng hộ chính sách mở rộng tín dụng, để sử dụng hết năng lực sản xuất dư thừa, để bán hàng hóa ở mức giá chấp nhận được, và cho phép những người thất nghiệp tìm được công việc với mức lương mà họ chấp nhận, điều cần làm đơn giản là tăng cung tín dụng, đây là điều mà chính sách mở rộng tín dụng trên có thể thực hiện. Đây là quan điểm đằng sau các kế hoạch “bơm mồi”. Điều này đúng với hàng hóa tồn kho và với những người thất nghiệp nếu thỏa mãn hai điều kiện: (1) sự gia tăng giá cả, do gia tăng khối lượng tiền tệ và tín dụng, diễn ra đồng thời và giống nhau đối với tất cả giá cả và tiền lương, và (2) những người chủ của nguồn cung dư thừa và những người thất nghiệp không đòi tăng thêm giá bán hàng cũng như tiền lương. Điều đó sẽ khiến tỉ lệ trao đổi giữa những hàng hóa và dịch vụ đó với nhưng hàng hóa và dịch vụ khác thay đổi theo cùng cách thức giống như trong trường hợp không có chính sách mở rộng tín dụng, tức bằng việc giảm yêu cầu về giá cả và tiền lương nhằm tìm kiếm thêm người mua và người thuê lao động.
Diễn biến của giai đoạn bùng nổ không khác nhiều bởi tại thời điểm ban đầu của giai đoạn này vẫn còn năng lực sản xuất dư thừa, hàng hóa tồn đọng, và công nhân thất nghiệp. Ví dụ về câu chuyện các mỏ đồng, đồng tồn kho, và các công nhân khai mỏ đồng. Mức giá đồng đang ở mức khiến một số mỏ không thể tiếp tục hoạt động vì không có lợi nhuận; công nhân của những mỏ này sẽ ở trạng thái chờ việc nếu họ không muốn thay đổi công việc; và những người chủ sở hữu đồng tồn kho có thể sẽ chỉ bán được một phần sản phẩm nếu như họ không sẵn lòng chấp nhận một mức giá thấp hơn. Điều cần thiết để đưa các mỏ và công nhân khai mỏ chờ việc quay trở lại hoạt động và giải quyết lượng đồng tồn kho mà không gây sụt giá là gia tăng sản xuất các hàng hóa nói chung (p), điều này sẽ cho phép mở rộng toàn bộ hoạt động sản xuất, kéo theo sự gia tăng giá cả, doanh số, và sản lượng đồng. Nếu như sự gia tăng (p) này không xảy ra, nhưng các nghiệp chủ bị thuyết phục bởi chính sách mở rộng tín dụng và hành động như thể điều này xảy ra, thì những tác động lên thị trường đồng đầu tiên sẽ giống như khi (p) thực sự xảy ra. Nhưng tất cả những điều đã đề cập ở phần trên về ảnh hưởng của chính sách mở rộng tín dụng cũng sẽ xảy ra trong tình huống này. Khác biệt duy nhất là: phần vốn đầu tư bị chệch hướng, chừng nào đồng vẫn còn có nhu cầu, không nhất thiết dẫn đến đòi hỏi phải rút vốn và lao động ra khỏi các ngành sản xuất khác mà theo điều kiện hiện thời được xem là quan trọng hơn đối với người tiêu dùng. Nhưng điều này là do, chừng nào đồng vẫn còn có nhu cầu, sự bùng nổ kinh tế nhờ mở rộng tín dụng khiến cho những khoản tư bản và lao động bị chệch hướng trước đó không được hiệu chỉnh thông qua các quá trình hiệu chỉnh thông thường của cơ chế giá
Giờ đây, ý nghĩa thực sự trong lập luận về năng lực sản xuất dư thừa, hàng tồn kho (hay thường nói một cách không chính xác là hàng không thể bán được), và lao động nhàn rỗi, trở nên rõ ràng. Khởi đầu của mỗi chính sách mở rộng tín dụng đối diện với chính những tàn dư của những khoản đầu tư chệch hướng trước đây và hiển nhiên là nhằm “hiệu chỉnh” lại chúng. Trên thực tế, nó chả làm được gì ngoại trừ việc làm xáo trộn quá trình hiệu chỉnh. Sự tồn tại của các phương tiện sản xuất chưa được sử dụng không làm thay đổi các kết luận của lý thuyết tiền tệ về chu kỳ kinh doanh. Những người ủng hộ cho chính sách mở rộng tín dụng đã nhầm lẫn khi tin rằng, việc ngừng toàn bộ các khả năng triển khai chính sách mở rộng tín dụng sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế do sự tồn tại của những phương tiện sản xuất chưa được sử dụng. Những biện pháp mà họ đề xuất sẽ không kéo dài sự thịnh vượng, mà sẽ liên tục can thiệp vào quá trình hiệu chỉnh và sự quay trở lại tình trạng bình thường.
Việc giải thích những thay đổi mang tính chu kỳ kinh doanh dựa trên bất kì nền tảng nào ngoài lý thuyết thường được biết đến với cái tên lý thuyết tiền tệ về chu kỳ kinh doanh là bất khả thi. Ngay cả các nhà kinh tế học không chấp nhận việc coi lý thuyết tiền tệ là cách giải thích hợp lý đối với chu kỳ kinh doanh cũng chưa bao giờ có ý từ bỏ tính hợp lệ trong những kết luận của lý thuyết này về tác động của chính sách mở rộng tín dụng. Với mục đích bảo vệ các lý thuyết của mình, mà khác với lý thuyết tiền tệ, về chu kỳ kinh doanh họ vẫn phải thừa nhận rằng xu hướng đi lên không thể xảy ra nếu không có chính sách mở rộng tín dụng song hành, và rằng việc kết thúc chính sách mở rộng tín dụng cũng đánh dấu bước ngoặt của chu kỳ. Những người phản đối lý thuyết tiền tệ tự bó mình vào quan niệm cho rằng xu hướng đi lên của chu kì không phải do chính sách mở rộng tín dụng tạo ra mà là bởi các yếu tố khác, và rằng chính sách mở rộng tín dụng, mà nếu không có thì không thể tạo ra được xu hướng đi lên, không phải là kết quả của chính sách hướng đến hạ lãi suất nhằm có thêm các hoạt động kinh doanh mà là vì một lý do nào khác đến từ những yếu tố dẫn đến xu hướng đi lên, không cần sự can thiệp của các ngân hàng hay các cơ quan chính quyền.
Có người cho rằng việc mở rộng tín dụng được tiến hành là nhằm gia tăng mức tiền lãi bởi nhà băng không thể nâng được mức lãi suất của mình tương ứng với mức tăng của lãi suất “tự nhiên”3. Lập luận này cũng bỏ qua luận điểm chính của lý thuyết tiền tệ về chu kỳ kinh doanh. Việc mở rộng tín dụng diễn ra là do các ngân hàng nới lỏng các điều khoản tín dụng hay bởi họ thất bại trong việc thắt chặt các điều khoản tương ứng với sự thay đổi các điều kiện thị trường, chỉ mang tính thứ yếu. Chính sự tồn tại các định chế xem việc gia tăng tín dụng nhằm tác động đến lãi suất là nhiệm vụ của họ mới là nguyên nhân có tính quyết định duy nhất đối với sự mở rộng tín dụng4. Bất kì ai tin rằng chính sách mở rộng tín dụng là một nhân tố thiết yếu để huy động nguồn lực thúc đẩy nền kinh tế theo chiều hướng đi lên, nhưng kèm theo sau đó là một cuộc khủng hoảng hay suy thoái, cũng sẽ thừa nhận rằng giải pháp chắc chắn nhất để giúp nền kinh tế tránh khỏi chu kỳ kinh doanh là ngăn chặn chính sách mở rộng tín dụng. Nhưng bất chấp đồng thuận chung về các biện pháp cần được thực thi để làm mềm các sóng chu kỳ, các biện pháp ngăn cản chính sách mở rộng tín dụng vẫn không được cân nhắc. Chính sách chu kỳ kinh doanh được giao nhiệm vụ giữ vững xu hướng tăng trưởng, được kiến tạo bởi chính sách mở rộng tín dụng, nhưng đồng thời vẫn ngăn được sự suy giảm. Những đề xuất chấm dứt chính sách mở rộng tín dụng bị cự tuyệt bởi chúng bị coi là sẽ kéo dài thời gian suy thoái. Chính sự ngoan cố cự tuyệt từ bỏ chính sách mở rộng tín dụng là bằng chứng thuyết phục hơn bất kỳ bằng chứng nào cho lý thuyết giải thích chu kỳ kinh doanh bắt nguồn từ sự can thiệp ủng hộ cho chính sách nới lỏng tiền tệ.
Chỉ kẻ phớt lờ toàn bộ những thực tế đã xảy ra trong lịch sử kinh tế gần đây mới tiếp tục cho rằng những biện pháp làm giảm lãi suất là đáng ao ước và chính sách mở rộng tín dụng là phương tiện đáng tin cậy nhất để đạt được mục tiêu này. Sự vận hành trơn tru cũng như quá trình phát triển tiến đến trạng thái ổn định của nền kinh tế liên tục bị quấy nhiễu bởi các giai đoạn bùng nổ phi tự nhiên, dẫn đến các giai đoạn suy thoái; nhưng đây không phải là một đặc tính tất yếu của nền kinh tế thị trường. Nó nên được xem là hậu quả không thể tránh khỏi của những can thiệp lặp đi lặp lại theo chiều hướng nới lỏng tiền tệ thông qua chính sách mở rộng tín dụng.
(Xem tiếp Phần 3)
Chú thích:
(1) Như đã được giải thích trong mục “Mở rộng tín dụng”.
(2) Trong trường hợp không có sự mở rộng tín dụng vẫn có thể có những cơ sở sản xuất chưa được sử dụng toàn bộ công suất. Nhưng chúng sẽ không ảnh hưởng đến thị trường nhiều hơn so với đất đai dưới mức cận biên chưa được sử dụng.
(3) [Fritz] Machlup, The Stock Market, Credit and Capital Formation, [Thị trường chứng khoán, sự hình thành tín dụng và vốn], London, 1940, tr. 248) nói về “chính sách lạm phát thụ động”.
(4) Nếu một ngân hàng không thể mở rộng tín dụng, nó không thể tạo ra một xu hướng đi lên bất kể nó giảm lãi suất xuống dưới mức lãi suất của thị trường. Nó sẽ chỉ tạo ra một món quà cho những người đi vay. Kết luận rút ra từ chính sách tiền tệ về chu kỳ liên quan đến những biện pháp bình ổn không phải là nguyên lý cho rằng các ngân hàng không nên giảm lãi suất, mà nên mở rộng tín dụng. Hiểu lầm này của [Gottfried] Haberler (Prosperity and Depression [Thịnh vượng và Suy thoái], Hội Quốc Liên, Geneva, 1939, tr. 65ff) khiến cho những phê bình của ông không thể đứng vững được.
Nguồn: Ludwig von Mises, Interventionism: An Economic Analysis, Edited by Bettina Bien Greaves, FEE, 1998