[Chế độ dân chủ: nhà nước và xã hội] - Chương 8: Văn hóa và dân chủ
Nhiều lúc chúng ta thường tự hỏi: tại sao các cuộc cải cách lại diễn ra một cách chật vật như thế? Mục tiêu cải cách là rõ ràng, nhưng tại sao vẫn có người phản ứng một cách tiêu cực? Sự thờ ơ chính trị, hư vô chủ nghĩa về pháp lí là do đâu?
Chúng tôi sẽ cố gắng trả lời những câu hỏi nêu trên trong chương, theo chúng tôi là đặc biệt quan trọng, nói về văn hoá và dân chủ này.
1. Văn hóa chính trị là gì?
Chúng ta thường nói đến dân chủ như là tập hợp các thiết chế. Nhưng dân chủ chỉ có thể vận hành khi trong xã hội đã hình thành những tiêu chuẩn hành vi thúc đẩy quá trình tự quản. Khi thái độ bàng quan, thụ động, yếm thế là những đặc trưng gắn liền với chế độ toàn trị còn thịnh hành thì không thể có tự quản. Cần phải xây dựng cho được những đặc điểm mới, mà quan trọng nhất là:
- Mọi người đều có khát vọng thể hiện khả năng và đáp ứng nhu cầu của mình trên cơ sở sử dụng các quyền cá nhân;
- Mọi người đều có trách nhiệm trước cuộc sống của mình cũng như của đồng bào mình.
Điều quan trọng là từng người phải có khả năng tự quyết định xem anh ta phải làm nghề gì, phải có quan điểm chính trị nào, có tham gia hay ủng hộ đảng phái hay phong trào này hay phong trào kia không..v.v... Nói cách khác, cải cách dân chủ liên quan mật thiết đến vấn đề văn hóa chính trị.
Văn hóa chính trị được hiểu là kinh nghiệm lịch sử, trí nhớ của cộng đồng xã hội và từng con người riêng biệt trong lĩnh vực lịch sử, các định hướng của từng người và cả cộng đồng có ảnh hưởng đến thái độ chính trị của họ. Khái niệm văn hóa chính trị được nhà chính trị học người Mĩ, ông G. Almond, đưa vào sử dụng vào năm 1956.
Theo chúng tôi, văn hóa chính trị, một mặt, là một phần của nền văn hóa của xã hội, mặc dù nó chỉ liên quan đến một khía cạnh nhất định của cuộc sống; mặt khác, văn hóa chính trị luôn luôn gắn bó với một hệ thống chính trị cụ thể, hiện hành trong xã hội. Theo quan niệm của chúng tôi, văn hóa chính trị phụ thuộc rất nhiều vào trí lực.
Chúng tôi hiểu trí lực là tầng nhận thức, chứa đựng truyền thống, thói quen, các phương pháp nhận thức thế giới do lịch sử để lại, nói cách khác, trí lực là “công cụ tinh thần” của nhân dân. Rõ ràng là trí lực của nước Nga được hình thành trong chế độ độc tài, quân chủ, toàn trị không có một số đặc điểm điển hình của các dân tộc có truyền thống dân chủ.
Nhưng như thế cũng không có nghĩa là xây dựng chế độ dân chủ ở nước ta chỉ là những cố gắng vô vọng. Điều đó chỉ có nghĩa là, một mặt, quá trình dân chủ hóa sẽ diễn ra một cách khó khăn vì ta chưa có truyền thống văn hóa dân chủ; thứ hai, quá trình này phải thúc đẩy việc hình thành và phổ biến các đặc điểm văn hóa và trí lực cần thiết cho mỗi con người vốn là một phần của xã hội dân chủ. Nghĩa là, việc xây dựng xã hội dân chủ không phải là biểu hiện của trí lực mà là cơ sở để hình thành một trí lực “mới”.
Nghiên cứu truyền thống, văn hóa, trong tiến trình lịch sử của đất nước cho phép ta tìm ra nguyên nhân của thái độ chính trị đặc trưng của người Nga. Tạo lập nền văn hóa chính trị văn minh là công việc khó khăn, lại càng đặc biệt khó khăn trong trường hợp của nước ta, vì “dân Nga có thái độ đối với chính quyền khác hẳn dân các nước châu Âu khác. Họ không chống lại, và quan trọng hơn, họ không tham gia. Dân Nga luôn coi chính quyền như một tai họa cần tránh cho xa...” (L. N. Tolstoi).
Đấy chính là lí do vì sao nhiều người không thích tham gia bầu cử: tôi còn nhiều việc lắm, họ thường nói như thế.
Mặt khác, giai đoạn chuyển tiếp thường tiềm ẩn nguy cơ biến nhân dân thành đám đông. Các nhà xã hội học thế giới, khi nghiên cứu hiện tượng đám đông, đã liệt kê những đặc điểm cơ bản sau:
1. Đám đông thường bất dung và có tính phá họai.
2. Đám đông càng lớn thì trình độ càng thấp.
3. Đám đông phục tùng quyền lực không khác gì nô lệ.
4. Đám đông bị điều khiển không phải bằng lí trí mà bằng tình cảm.
5. Đám đông không đi tìm nguyên nhân của các sự kiện, không tìm phương pháp giải quyết vấn đề mà tìm “nguốn gốc của cái ác”.
Trong đám đông, con người đánh mất cá tính vốn có của mình.
Có thể liệt kê thêm những đặc trưng khác của đám đông, nhưng chỉ từng đó cũng đủ thấy mối nguy hiểm của quyền lực của đám đông rồi.
Cuối cùng, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng hậu quả của những áp lực về mặt tình cảm do đám đông gây ra có thể làm biến dạng tâm lí của con người trong một thời gian dài, người đó có thể đánh mất khả năng đánh giá tình huống một cách khách quan, đánh mất khả năng thấu hiểu quan điểm của người khác.
Tình hình đất nước, phân bố các lực lượng chính trị, quan điểm của các lãnh tụ có ảnh hưởng rất lớn đối với việc hình thành nền văn hóa chính trị dân chủ.
Có rất nhiều hình thức văn hóa chính trị khác nhau. Các nhà khoa học chưa tìm được đồng thuận về vấn đề này. Để so sánh, chúng tôi xin dẫn một số quan điểm sau đây.
Có người cho rằng văn hóa chính trị có thể là đóng và mở; có văn hoá chính trị châu Âu, văn hoá chính trị phương Tây, văn hoá chính trị châu Á; có người lại chia theo mối quan hệ giữa người với người thành đối địch và đồng thuận..v.v...
Nhà chính trị học người Mĩ, ông G. Almond, chia thành bốn loại văn hóa chính trị: Anh-Mĩ, châu Âu lục địa, gia trưởng-độc đoán, toàn trị.
Theo ông, văn hóa chính trị Anh-Mĩ có đặc điểm là thế tục, thực dụng, đồng thuận toàn dân, trung dung, nghĩa là ôn hòa, không chấp nhận cực đoan.
Văn hóa chính trị châu Âu lục địa cũng có đặc điểm là trung dung nhưng có thêm các thành tố mang tính lí tưởng hóa, có tính chu kì, chia tách cử tri thành các khối. Thí dụ rõ nhất là nền văn hóa chính trị của Pháp.
Đặc trưng của nền văn hóa chính trị gia trưởng-độc đoán là việc coi xã hội như một gia đình lớn, đứng đầu là một lãnh tụ cứng rắn. Cuối cùng, văn hóa toàn trị là hậu quả của việc vận hành một cơ chế xã hội mà ở đó con người mất hết cá tính và chỉ còn là một phần của cơ chế.
Cần phải hiểu rằng văn hóa chính trị là một quá trình tư duy liên tục về các nhân tố và hiện tượng của đời sống chính trị. Trình độ văn hóa chính trị của xã hội càng cao thì càng ít có khả năng rơi vào ảnh hưởng của các chính khách mị dân.
Mị dân là hướng về nhân dân để tìm sự ủng hộ của họ. Trong nền chính trị hiện đại, mị dân có nghĩa là giữ tiếng tăm trong quần chúng bằng những lời hứa hẹn vô căn cứ.
Ở Nga, vấn đề nâng cao văn hóa chính trị cho các công dân, các tổ chức của họ và của các chính đảng càng được giải quyết sớm bao nhiêu thì việc thành lập xã hội công dân và nhà nước pháp quyền càng mau đến thắng lợi bấy nhiêu.
2. Dân chủ và giáo dục
Giáo dục là thành phần quan trọng sống còn của bất kì xã hội nào, đặc biệt là xã hội dân chủ. Chính Thomas Jefferson từng nhấn mạnh: “Nếu một dân tộc nào đó cho rằng ở một giai đoạn văn minh nào đó, họ có thể là những người ngu dốt nhưng tự do, thì có nghĩa là họ muốn một điều chưa từng có và không bao giờ có được”.
Dĩ nhiên là, như chúng tôi đã từng nhấn mạnh, không có mối liên hệ trực tiếp giữa giáo dục và dân chủ. Nhưng có lẽ phải công nhận rằng trình độ học vấn góp phần thúc đẩy việc phổ biến các giá trị dân chủ.
Mọi người đều công nhận rằng giáo dục là tác nhân quan trọng nhất trong việc tác động lên các tiến trình xã hội vì, một mặt, nó ảnh hưởng đền việc tiếp thu các công nghệ tiên tiến, và mặt khác, nó tạo ra các định hướng giá trị.
Chắc nhắn không có công dân của nước nào hài lòng với hệ thống giáo dục của mình. Tất cả các nước trên thế giới đều tìm cách cải tiến, đều tìm cách hiện đại hóa hệ thống giáo dục, làm cho nó đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của thời đại. Công cuộc cải cách diễn ra ở mỗi nước một khác, người ta phải tính đến nhu cầu, trình độ phát triển cũng như truyền thống giáo dục của nước đó. Nhưng xu hướng chung trên toàn thế giới vẫn là như sau:
1. Dân chủ hóa giáo dục;
2. Nâng cao tính chất nền tảng của giáo dục;
3. Nhân đạo hóa và nhân văn hóa nền giáo dục.
Thí dụ, ngay từ những năm 90 của thế kỉ XX, nước Mĩ đã soạn xong chương trình giáo dục quốc dân, họ coi giáo dục là chỉ số quan trọng nhất của chất lượng cuộc sống, là chìa khóa đảm bảo khả năng cạnh tranh của nước Mĩ trong thế kỉ XXI. “Chúng ta phải trở thành một dân tộc tôn trọng học vấn và giáo dục”, người Mĩ đã nói như thế. Mong sao khẩu hiệu đó cũng được áp dụng ở nước Nga, với ý nghĩa rộng nhất của nó, bắt đầu từ việc nâng cao uy tín của ngành giáo dục cũng như tăng thêm ngân sách đầu tư cho ngành này. Nếu như trong các nước phát triển đầu tư cho giáo dục chiếm 5-8% tổng thu nhập quốc dân, thì tại Nga chỉ số này thấp hơn nhiều.
Cũng phải nói thêm rằng mục đích của hệ thống giáo dục dân chủ và toàn trị là khác nhau. Mục đích của nền giáo dục dân chủ là tạo ra những điều kiện hình thành người công dân tự chủ, ham hiểu biết, có nhận thức sâu sắc về luật lệ và thực hành dân chủ. Nghĩa là những khả năng to lớn trong việc nghiên cứu và sử dụng các quan điểm khác nhau, không chấp nhận một hệ tư tưởng thống trị duy nhất.
Khi nói đến việc nghiên cứu các nguyên tắc dân chủ, điều quan trọng nhất là tinh thần tự do tìm kiếm, bản thân điều đó cũng là một giá trị dân chủ. Ông E. Finn, một giáo sư thuộc trường đại học Vanderbilt của Hoa Kì đã nói: “Giáo dục có vai trò đặc biệt trong các xã hội dân chủ. Nếu trong các chế độ khác, giáo dục là công cụ của chế độ thì trong chế độ dân chủ, chế độ là đầy tớ của dân và khả năng của người dân trong việc tạo dựng, ủng hộ và cải tiến chế độ đó phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục mà họ đã trải qua. Hoàn toàn có lí khi nói rằng trong chế độ dân chủ, giáo dục nhằm tạo điều kiện cho tự do nở hoa kết trái trong một thời gian dài”.
Chúng tôi không thuộc số những người cho rằng phải phá hủy hoàn toàn hệ thống giáo dục từng tồn tại ở nước Nga và để cho nền giáo dục mới hình thành trên khoảng trống vừa được tạo ra đó. Hơn thế nữa, chúng tôi nhấn mạnh rằng hệ thống giáo dục Nga được toàn thế giới thừa nhận, nhiều thành tố của nó cần được phát triển và hoàn thiện. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, các phương pháp giáo dục toàn trị, lỗi thời, cần phải lùi bước trong cuộc cạnh tranh tự do, nhường chỗ cho những phương pháp giáo dục mới. Chúng ta đã thấy công cuộc cải cách hệ thống giáo dục Nga đã đạt được một số thành công trong những hướng sau:
1. Thủ tiêu nạn độc quyền trong giáo dục
2. Áp dụng các hệ thống giáo dục mới, luôn luôn là niềm tự hào của nước Nga, nhưng việc đó đã bị hạn chế trong thời gian vừa qua
3. Áp dụng các chương trình mới, giúp cho thế hệ trẻ thích ứng với những điều kiện mới về kinh tế và chính trị, hình thành những định hướng giá trị mà gần đây vẫn được coi là không chấp nhận được trong xã hội chúng ta và bị phê phán kịch liệt
4. Xem xét lại hầu hết các chương trình học bắt buộc trong trường phổ thông, nhất là các môn chính trị xã hội và nhân văn.
Và cuối cùng, phải tính đến khía cạnh tiếp thu các tiêu chuẩn dân chủ. Một mặt, tất cả chúng ta bẩm sinh đều yêu chuộng tự do cá nhân. Nhưng mặt khác, mỗi chúng ta đều cần phải học để hiểu các thiết chế của chế độ dân chủ. Nhưng vì nhiều thiết chế như thế mới đang hình thành, một số còn chưa có, cho nên cần phải nghiên cứu cẩn thận kinh nghiệm của thế giới, cũng như cần phải nghiên cứu những đặc thù của quá trình phát triển về kinh tế, chính trị và xã hội của nhân dân ta, của đất nước chúng ta. Điều đó giúp ta có thái độ sáng tạo khi xem xét chế độ dân chủ của các nước khác, áp dụng những khía cạnh tích nhất của nó và tránh được sai lầm, đồng thời xây dựng được nền dân chủ Nga chứ không bê nguyên xi kinh nghiệm của những nước khác.
Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, từng người đã phải học được những phẩm chất để dù có rơi vào những tình huống phức tạp nhất về kinh tế, chính trị và xã hội thì cũng vẫn hành động như những người trí thức, văn minh và văn hóa cao. Nói đến trí thức, trong trường hợp này là chúng tôi sử dụng từ gốc Latin – intelligens, nghĩa là người có hiểu biết, có tư duy. Đây là những phẩm chất quan trọng nhất của tâm hồn, là sự tiếp xúc với tài sản của nền văn hóa dân tộc và thế giới, là hướng đến những giá trị tinh thần của toàn nhân loại, là bác bỏ lòng thù hận và thói bất dung, dù đấy là trong quan hệ với âm nhạc hay xung đột sắc tộc và tôn giáo.
3. Vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong chế độ dân chủ
Trong xã hội nào thì mục đích của các phương tiện thông tin đại chúng cũng là thông tin và giáo dục. Trong xã hội dân chủ, điều đó lại càng quan trọng bởi vì người dân phải có thông tin khách quan để có thể đưa ra quyết định đúng đắn. Trong các nước dân chủ, sách báo, chương trình phát thanh, truyền hình là phản ứng đối với những yêu cầu và quyền lợi hiện thời hoặc sẽ xuất hiện trong xã hội. Dưới chế độ toàn trị, tất cả các tài liệu báo chí đều do nhóm tinh hoa trong lĩnh vực chính trị - tư tưởng quyết định. Công tác tuyên truyền chính trị trong chế độ toàn trị mang tính kế hoạch, tập trung, do nhà nước kiểm soát, nhờ hệ thống kiểm duyệt hoặc tự kiểm duyệt.
Bằng tuyên truyền chính trị, người ta đưa vào nhận thức của người dân những quan điểm và giá trị mà giới lãnh đạo chính trị của đất nước cho là cần trong từng giai đoạn cụ thể. Nói về hệ thống tuyên truyền ở Liên Xô, cho đến năm 1985 nó đã nắm trong tay toàn bộ hệ thống giáo dục và đào tạo chính thức.
Khác với chế độ toàn trị, trong xã hội dân chủ, có rất nhiều quan điểm cùng tồn tại. Nhưng những quan điểm đó không làm xã hội mất thăng bằng. Ngược lại, nhờ nắm bắt được những quan điểm khác nhau, nhờ có sự cạnh tranh một cách văn minh giữa những tư tưởng mà người ta có thể lựa chọn được con đường cải cách tối ưu.
Thứ hai, các phương tiện thông tin đại chúng có trách nhiệm theo dõi và giám sát hành động của chính phủ, cũng như của các cơ quan quyền lực khác. Giữ thái độ độc lập và khách quan, các phương tiện thông tin đại chúng có thể phát hiện được sự thật đằng sau tuyên bố của các cơ quan quyền lực nhà nước. Chính nhờ nó mà người ta có thể theo dõi được hành vi của các quan chức chính phủ.
Các phương tiện thông tin đại chúng còn tiến hành những chiến dịch vận động cho các đường lối hay công cuộc cải cách nhất định. Nhờ đó, từng người dân, các tổ chức hay đảng phái có thể công bố quan điểm của mình.
Một số chính đảng, phong trào, hiệp hội có các phương tiện thông tin riêng. Đấy là: báo, tạp chí, sách, truyền thanh, truyền hình.
Xu hướng này cũng đang xuất hiện ở nước ta. Các chính đảng và lãnh tụ của họ thường xuyên sử dụng các phương tiện phát thanh, truyền hình để quảng bá đường lối của mình, một số đảng có báo và tạp chí riêng. Họp báo, trả lời phỏng vấn cũng thường được sử dụng. Hoạt động của cả hai viện, các biện pháp của chính phủ, kết quả các cuộc bỏ phiếu, kể cả những cuộc bỏ phiếu ghi danh được công bố rộng rãi trong các tài liệu của quốc hội, đấy là điều kiện cần thiết để kiểm soát họat động của các đại biểu.
Cuối cùng, như chúng tôi đã từng nhấn mạnh, trình độ kĩ thuật hiện nay cho phép không chỉ thông tin mà còn điều khiển được dư luận xã hội. Vì vậy, đôi khi người ta còn gọi các phương tiện thông tin đại chúng là quyền lực thứ tư, bên cạnh ba nhánh quyền lực kia là lập pháp, hành pháp và tư pháp.
4. Văn hóa quyền lực
Chúng ta hãy cùng nhau trả lời câu hỏi: chính khách hiện đại cần những phẩm chất gì?
Thật khó trả lời một cách dứt khoát, nhưng theo chúng tôi, đấy là:
- Tư duy chính trị
- Có khả năng thấu hiểu người khác
- Dám chịu trách nhiệm
- Được dân chúng tin cậy
- Biến sử dụng quyền lực
- Không lạm dụng quyền lực
Nói đến tư duy chính trị của người lãnh đạo, chúng ta cho rằng người đại biểu của nhân dân phải có tư duy chính trị rộng, có thể phân tích tình hình đất nước một cách đúng đắn, có thể tư duy trên bình diện quốc gia. Ông ta cũng cần có khả năng dự báo, vì trước khi soạn thảo một dự luật, trước khi đưa một chương trình ra thực hiện, chính khách phải dự đoán được phản ứng của dân chúng, phải thấy trước thành phần nào sẽ tỏ ra bất mãn, nghĩa là phải tính được hậu quả của bất kì động thái nào, dù đấy là lĩnh vực kinh tế, chính trị hay xã hội.
Khi nói về niềm tin của người dân, chúng ta hiểu rằng công nhận một người nào đó là lãnh tụ, nghĩa là quần chúng đã giao cho ông ta toàn quyền biểu đạt quyền lợi của họ. Vì vậy, ngay từ khi trúng cử, người đó không còn chỉ chịu trách nhiệm với mình mà còn với những người đã bầu cho ông ta, ông ta phải biết sử dụng quyền lực, không được lạm quyền, ông ta phải chịu trách nhiệm về các cuộc cải cách trong các lĩnh vực kinh tế và chính trị.
Biết sử dụng quyền lực, theo chúng tôi, là trình độ trí thức cao, rất cần cho các lãnh tụ chính trị trong điều kiện hiện nay, là biết tạo ra một đội ngũ những người đồng chí hướng, là khả năng thuyết phục quần chúng ủng hộ đường lối của mình..v.v...
Văn hóa chính trị ở nước ta đòi hỏi phải giải quyết một số vấn đề đặc thù sau đây:
Trước hết, trên bình diện quốc gia cũng như từng người chúng ta phải vượt qua thói quen cho rằng tất cả những thứ đã được làm vì ta đều là những thứ chẳng ra gì. Vì vậy, chúng ta mới thường xuyên viết lại lịch sử, chúng ta không đánh giá đúng thành quả văn hóa của mình, chúng ta thường xuyên “mở rộng không gian” cho những cuộc cải cách mới. N. Berdaiev đã từng nói rằng chúng ta là nạn nhân của sự man rợ của chính mình. Theo chúng tôi, xu hướng phá hoại như thế cũng đang giữ thế thượng phong ngay cả trong nền chính trị hiện đại. Chúng ta phải tôn trọng kinh nghiệm, dù đấy là kinh nghiệm tiêu cực, phải học hỏi kinh nghiệm và trên cơ sở đó xây dựng xã hội dân chủ.
Thứ hai, cần phải nhận thức rằng không thể xây dựng được xã hội dân chủ nếu không có nhận thức đúng về chủ nghĩa cá nhân lành mạnh như là giá trị tự thân của cá nhân con người, là quyền tự do, là trách nhiệm của người đó trước số phận của mình và của tha nhân.
Thứ ba, mục đích của người làm chính trị là tạo ra những điều kiện để con người có thể thể hiện mình, thể hiện những khả năng tiềm tàng của mình. Vì vậy, viện dẫn rằng “con người còn chưa tốt” theo chúng tôi là không có cơ sở và không thích đáng. Nhưng mặt khác, mỗi người chúng ta cần phải làm mọi việc để tự thể hiện mình chứ không chỉ phàn nàn rằng “chính quyền không ra gì”.
Thứ tư, cần phải nhớ rằng các cuộc cải cách dù tốt đến đâu, nếu không tác động đến các tầng lớp rộng rãi nhất của xã hội Nga cũng đều sẽ trở thành vô nghĩa. Đấy chính là giá trị xã hội của mọi chính khách.
Nguồn bản dịch: https://phamnguyentruong.blogspot.com/2016/01/che-o-dan-chu-nha-nuoc-va-xa-hoi-ki-8.html