Tính toán xã hội chủ nghĩa III: Giải pháp cạnh tranh (Phần 1)
1
Đến đây có thể xem như đã khép lại hai chương trong cuộc luận bàn về kinh tế học xã hội chủ nghĩa. Chương thứ nhất xoay quanh ý kiến cho rằng chủ nghĩa xã hội sẽ bỏ qua hoàn toàn sự tính toán dựa trên giá trị và thay vào đó là một vài kiểu tính toán “tự nhiên” (in natura) dựa trên các đơn vị năng lượng hoặc những đơn vị đo lường vật lí khác. Quan điểm này, dù chưa mai một và vẫn được giữ bởi vài nhà khoa học và các kỹ sư, nhưng nó đã bị bác bỏ dứt khoát bởi những nhà kinh tế học. Chương thứ hai bàn về bản đề xuất theo đó các giá trị, thay vì được xác định bởi quá trình cạnh tranh, thì nên được tìm ra thông qua một quá trình tính toán thực hiện bởi cơ quan kế hoạch hoá bằng cách sử dụng kỹ thuật của toán kinh tế. Liên quan đến đề xuất này, Pareto (kỳ lạ thay, thường được trích dẫn là người có quan điểm này) đã phát biểu những điều có ý nghĩa như là những lời nói sau chốt. Sau khi trình bày cách một hệ thống các phương trình đồng thời có thể được dùng để giải thích những gì quyết định các mức giá cả trên thị trường, ông nói thêm:
“Tôi muốn nói ở đây rằng sự xác định này không hề mang mục đích hướng tới một sự tính toán bằng số cho các mức giá cả. Chúng ta hãy đặt ra một giả thiết thuận lợi nhất cho kiểu tính toán này, giả dụ như chúng ta đã vượt qua hết những khó khăn trong việc tìm dữ liệu của bài toán và chúng ta biết “giá trị sử dụng” (opheslimités) của tất cả những hàng hóa khác nhau đối với từng cá nhân, và biết hết về điều kiện sản xuất của mọi hàng hóa, v.v. Việc đặt ra các giả thiết này đã là rất ngớ ngẩn. Tuy nhiên, nó vẫn chưa đủ để làm cho lời giải cho bài toán trở nên khả thi. Chúng ta thấy rằng trong trường hợp có 100 người và 700 hàng hóa thì sẽ có 70.699 điều kiện (trên thực tế, còn có rất nhiều các hoàn cảnh mà cho đến giờ chúng ta đã bỏ qua, [nên nếu đưa cả vào thì] sẽ làm tăng con số này thêm nữa); vì vậy chúng ta sẽ phải giải một hệ thống 70.699 phương trình. Điều này, trên thực tế, vượt quá khả năng của phân tích đại số, và thậm chí còn đúng hơn nếu ai đó dự định xây dựng hệ thống với số lượng phương trình không đếm xuể cho một lượng dân số bốn mươi triệu người và hàng nghìn loại hàng hóa. Trong trường hợp này, các vai trò sẽ bị hoán đổi: Không phải toán học sẽ trợ giúp kinh tế chính trị, mà là kinh tế chính trị trợ giúp toán học. Nói theo cách khác, nếu một ai thực sự có thể biết tất cả các phương trình này, thì cách giải chúng duy nhất trong phạm vi khả năng của con người là quan sát những giải pháp thực tiễn mà thị trường cung cấp”1.
Trong bài luận này, chúng ta chủ yếu quan tâm đến giai đoạn thứ ba của cuộc luận bàn này, và vấn đề tranh luận được xác định rõ ràng nhờ sự mổ xẻ chi tiết các đề xuất về một chủ nghĩa xã hội cạnh tranh do Giáo sư Lange và tiến sĩ Dickinson thực hiện. Tuy nhiên, vì không hiếm khi ý nghĩa của kết quả rút ra từ những cuộc bàn luận trước được thể hiện dưới dạng gần như là trái sự thật, và ít nhất là một trong hai cuốn sách sẽ được bàn luận không hoàn toàn thoát khỏi chiều hướng này, nên có lẽ cần thiết phải có thêm một số lưu ý về ý nghĩa thực sự của những kết quả đạt được trong các cuộc tranh luận trước đây.
Điểm đầu tiên liên quan đến bản chất của phê phán ban đầu nhằm vào những ý niệm nguyên sơ hơn, thịnh hành cho đến khoảng năm 1920, về sự vận hành của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Ý tưởng này được Engels phát biểu rõ ràng trong tác phẩm Anti-Duhring khi ông cho rằng việc hoạch định xã hội cho khâu sản xuất “sẽ được tạo lập một cách hết sức đơn giản mà chẳng cần đến cái “giá trị” vẫn cứ được nhắc đến hoài (the famous value)” (Ý tưởng này tiếp tục được tán dương bởi, ví dụ, Otto Neurath). Để chống lại niềm tin chung này, N.G. Pierson, Ludwig von Mises và những người khác đã đưa ra luận điểm rằng nếu cộng đồng xã hội chủ nghĩa muốn hành động duy lí thì sự tính toán của nó phải được định hướng bởi cùng các quy luật hình thức tương thích với một xã hội tư bản. Có lẽ đặc biệt cần phải nhấn mạnh rằng đây là một luận điểm được đưa ra bởi những người phê phán kế hoạch xã hội chủ nghĩa, bởi vì hiện tại Giáo sư Lange và người biên tập của ông ta2 có khuynh hướng diễn giải theo chiều hướng rằng việc chỉ ra các nguyên lí hình thức của lí thuyết kinh tế tương thích với nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cung cấp câu trả lời cho những phê phán trên. Thực chất là, chưa một ai, trừ những người theo xã hội chủ nghĩa, phủ nhận rằng các nguyên lí hình thức này buộc phải tương thích với xã hội xã hội chủ nghĩa, và câu hỏi đặt ra bởi Mises và các nhà kinh tế khác không phải chúng có buộc phải tương thích hay không, mà là chúng có thể được áp dụng trong thực tiễn hay không khi không có một thị trường. Vì vậy, khi Lange và các nhà kinh tế học khác trích dẫn Pareto và Barone như là minh chứng cho rằng những giá trị trong xã hội xã hội chủ nghĩa về cơ bản sẽ phụ thuộc vào cùng các yếu tố như trong một xã hội cạnh tranh, thì đây là việc làm hoàn toàn tránh né luận điểm chính này. Điều này, dĩ nhiên, đã được chỉ ra từ trước đó rất lâu, cụ thể là bởi von Wieser. Nhưng không một tác giả nào trên đây nỗ lực chỉ ra bằng cách nào có thể tìm ra được các giá trị này, những thứ mà xã hội xã hội chủ nghĩa buộc phải sử dụng để hành động một cách duy lí, và Pareto, như chúng ta đã thấy, đã dứt khoát phủ nhận rằng chúng có thể được tìm ra qua sự tính toán.
Tới thời điểm này, những phê phán các bản đề xuất xã hội chủ nghĩa trước đó dường như đã rất thành công, đến nỗi mà những người biện hộ, trừ một số trường hợp3, cũng cảm thấy lí lẽ của phe phê phán là đúng đắn và buộc phải đưa ra những đề xuất hoàn toàn mới mà trước đây chưa từng ai nghĩ đến. Các bản đề xuất trước đó cho rằng có thể tiến hành kế hoạch hóa một cách duy lí mà không cần tính toán về mặt giá trị, nhưng dựa trên những lập luận hợp lí có thể chỉ ra rằng các đề xuất này là bất khả thi về mặt logic; trái ngược với những đề xuất cũ, những đề xuất mới hơn được đưa ra để xác định các giá trị thông qua một quá trình nhất định nào đó thay cho cơ chế cạnh tranh dựa trên sở hữu tư nhân, và điều này làm nảy sinh một vấn đề theo kiểu khác. Thật không công bằng khi cho rằng, giống như Lange nhận định, những người phê phán, do sử dụng cách tiếp cận mới để xem xét các đề xuất và rồi quay trở lại phê phán ban đầu, “đã từ bỏ những điểm quan trọng” và “lùi về hàng phòng thủ thứ hai”4. Phải chăng đây không phải là trường hợp che đậy sự rút lui của chính mình bằng cách làm cho vấn đề trở nên rối mù?
Điểm thứ hai là phần trình bày của Lange về hiện trạng của cuộc tranh luận gây ra hiểu lầm trầm trọng. Người đọc những nghiên cứu của Lange rất khó tránh khỏi ấn tượng rằng ý tưởng cho rằng các giá trị nên và có thể được xác định bằng kỹ thuật của toán kinh tế, ví dụ như qua việc giải hàng triệu phương trình, là một ý đồ xấu của các nhà phê phán, với mục đích chế nhạo những tác giả theo phe xã hội chủ nghĩa hiện đại. Dĩ nhiên, sự thật mà Lange không thể không biết chính là quy trình này đã hơn một lần được gợi ý một cách nghiêm túc bởi các tác giả xã hội chủ nghĩa như một giải pháp để vượt qua khó khăn; trong số đó có tiến sĩ Dickinson, nhưng hiện nay ông đã thể hiện dứt khoát từ bỏ ý tưởng này, điều mà trước đây ông từng đề xuất5.
2
Giờ là lúc tiến đến giai đoạn thứ ba của cuộc tranh luận với đề xuất giải quyết những vấn đề xung quanh việc xác định các giá trị bằng cách đưa cơ chế cạnh tranh trở lại [hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa]. Vào thời điểm năm năm trước, khi cố gắng đánh giá tầm quan trọng của những nỗ lực trên6, tôi buộc phải dựa vào những điều được tổng hợp lại từ cuộc đàm đạo giữa các nhà kinh tế học xã hội chủ nghĩa, bởi lẽ đến thời điểm đó, không có một trình bày mang tính hệ thống nào về các nền tảng lí thuyết cho mô hình xã hội chủ nghĩa cạnh tranh. Khoảng trống này giờ đây đã được lấp đầy bằng hai cuốn sách được bàn luận tới ở đây. Cuốn đầu tiên chứa một bản in lại bài luận của Lange, được xuất bản lần đầu vào năm 1936 và 1937, cùng với một bài báo cũ hơn của cố Giáo sư Taylor (in năm 1928), và bài giới thiệu viết bởi chủ biên, B. E. Lippincott. Bài giới thiệu này, bên cạnh việc nhắc lại không cần thiết lí lẽ của Lange bằng những ngôn từ thô thiển hơn, đã đưa ra những lời tán dương vô hạn dành cho các lí lẽ này, cộng thêm những khẳng định vô lí để đẩy lí lẽ đó bay xa hơn nữa, và chính những thứ này thực sự khiến cho độc giả mang định kiến đối với các tác phẩm học thuật quan trọng có liên quan sau này7. Mặc dù được viết với văn phong sinh động, giới hạn trong dàn ý chính của chủ đề, tác phẩm thực sự phải vật lộn với những khó khăn cốt yếu trong lĩnh vực.
Cuốn sách gần đây hơn của H. D. Dickinson - một nghiên cứu dễ hiểu hơn nhiều trong lĩnh vực này, về cơ bản đề xuất một giải pháp tương tự8. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một cuốn sách xuất sắc, tổ chức chặt chẽ, dễ hiểu, súc tích và sẽ nhanh chóng trở thành tác phẩm chuẩn mực về chủ đề này. Với các nhà kinh tế học, việc đọc cuốn sách này thực sự mang lại niềm vui hiếm hoi với cảm giác rằng những tiến bộ gần đây trong lí thuyết kinh tế đã không vô ích và đã thậm chí giúp thu hẹp sự khác biệt chính trị vào những điểm mà có thể bàn luận được trên tinh thần duy lí. Bản thân Tiến sĩ Dickinson có lẽ cũng đồng ý rằng ông chia sẻ toàn bộ hiểu biết của mình về kinh tế học với - và quả thực ông đã tiếp nhận hầu hết chúng từ - các nhà kinh tế học không theo xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, trong những kết luận quan trọng của mình về một chính sách kinh tế thỏa đáng cho một cộng đồng xã hội chủ nghĩa, Dickinson bất đồng với những đồng nghiệp xã hội chủ nghĩa nhiều hơn là với các nhà kinh tế học “chính thống”. Điều này, cùng với sự cởi mở của tác giả và sự cân nhắc các lí lẽ đối lập, làm cho cuộc bàn luận xoay quanh quan điểm của Dickinson thực sự trở nên thú vị. Nếu những người theo xã hội chủ nghĩa, giống như những nhà kinh tế học, sẵn sàng chấp nhận cuốn sách của Dickinson như một nghiên cứu đại cương cập nhật nhất về kinh tế học chủ nghĩa xã hội nhìn từ quan điểm xã hội chủ nghĩa, thì đây sẽ là nền tảng cho một sự bàn luận hứa hẹn mang lại nhiều kết quả hơn.
Như đã đề cập, dàn ý chính cho giải pháp đưa ra bởi cả hai tác giả về cơ bản là giống nhau. Trong một chừng mực nào đó, chúng đều dựa trên cơ chế cạnh tranh ở một mức độ nhất định cho việc xác định các mức giá liên quan. Nhưng cả hai đều từ chối việc để giá cả được quyết định trực tiếp bởi thị trường, và thay vào đó đề xuất một hệ thống ấn định giá cả bởi cơ quan kế hoạch hóa trung ương, ở đó tình trạng của thị trường của một loại hàng hóa cụ thể, nghĩa là mối quan hệ giữa cầu và cung, chỉ đơn thuần là dấu hiệu giúp cơ quan này quyết định cần phải nâng lên hay hạ xuống các mức giá đã được niêm yết. Cả hai tác giả đều không giải thích tại sao họ từ chối việc đi tới cùng và khôi phục cơ chế giá cả một cách đầy đủ. Nhưng bởi vì tôi cũng đồng ý (mặc dù có lẽ vì các lí do khác) rằng điều này là không khả thi khi triển khai trên thực tiễn trong một cộng đồng xã hội chủ nghĩa, nên chúng ta có thể gác lại câu hỏi này một lúc và cứ coi như là sự cạnh tranh trong một xã hội như vậy không thực sự giữ vai trò giống như trong một xã hội dựa trên sở hữu tư nhân, và cụ thể là các tỉ lệ mà tại đó hàng hóa sẽ được trao đổi bởi các bên trên thị trường sẽ phải được ban bố bởi cơ quan có thẩm quyền.
Chúng ta sẽ bàn luận sau về các chi tiết của hình thức tổ chức ngành được đề xuất, còn trước hết hãy xem xét ý nghĩa tổng thể của giải pháp này dưới ba khía cạnh. Đầu tiên, chúng ta sẽ đặt ra câu hỏi, rằng dạng thức xã hội chủ nghĩa này sẽ đáp ứng đến đâu cái hy vọng trước đây đã được đặt vào một hệ thống xã hội chủ nghĩa được hoạch định để thay thế cho một sự lộn xộn của cạnh tranh. Thứ hai, quy trình được đề xuất sẽ giải quyết khó khăn chính được đến đâu, và cuối cùng, quy trình đó có thể áp dụng trong thực tế đến được mức độ nào.
Câu hỏi đầu tiên và cũng là tổng thể nhất có thể được giải quyết một cách khá gọn ghẽ, dù nó không phải là không quan trọng nếu ai đó muốn hiểu đúng đắn về những đề xuất mới. Nó đơn thuần là sự nhắc nhở cho việc người ta sẽ phải từ bỏ bao nhiêu phần trong tuyên bố ban đầu về tính ưu việt của việc kế hoạch hóa so với sự cạnh tranh nếu như một xã hội được hoạch định giờ đây lại phải dựa nhiều vào cơ chế cạnh tranh để định hướng hoạt động cho các ngành nghề của mình. Ít nhất là cho đến thật gần đây, kế hoạch hóa và cạnh tranh vẫn thường được xem là đối nghịch nhau; đối với gần như tất cả các nhà kế hoạch hoá, ngoại trừ một số ít các nhà kinh tế học trong số họ, vẫn coi điều này là đúng và không cần phải bàn cãi. Tôi sợ rằng các đề xuất của Lange và Dickinson sẽ làm tất cả những nhà kế hoạch hoá có tinh thần khoa học thất vọng cay đắng; đó là những người mà, theo như những từ ngữ gần đây của B. M. S Blackett, tin rằng “mục tiêu của kế hoạch hóa chủ yếu là để vượt qua những kết quả mang lại từ cơ chế cạnh tranh”9. Điều này thậm chí còn đúng hơn nếu như việc loại bỏ các yếu tố độc đoán trong hệ thống xã hội chủ nghĩa cạnh tranh là thực sự khả thi như Dickinson tin tưởng. Ông hy vọng rằng “chủ nghĩa xã hội của những người tự do” “có thể sẽ thiết lập lần đầu tiên trong lịch sử loài người một chủ nghĩa cá nhân hiệu quả”10. Thật không may, như chúng ta sẽ thấy, điều này lại không phải như vậy.
3
Câu hỏi tổng thể thứ hai mà chúng ta phải xem xét là: phương pháp ấn định giá cả tập trung được đề xuất, trong khi lại cho phép các doanh nghiệp riêng lẻ và người tiêu thụ điều chỉnh cầu và cung theo các mức giá được định sẵn, sẽ có khả năng giải quyết được đến đâu một bài toán mà thú thực không thể giải được bằng tính toán toán học. Ở đây, tôi e rằng quá khó để có thể hiểu được những căn cứ cho một khẳng định như vậy. Lange cũng như Dickinson tuyên bố rằng ngay cả khi hệ thống giá cả ban đầu được chọn hoàn toàn ngẫu nhiên thì việc dần dần tiến đến một hệ thống hợp lí vẫn sẽ khả thi nhờ một quá trình thử-sai.11 Điều này khá giống với việc gợi ý rằng, với một hệ thống những phương trình quá phức tạp, với các trị số của chúng liên tục thay đổi, để giải được bằng phương pháp tính toán trong một khoảng thời gian hợp lí, thì ta có thể xử lí nó hiệu quả bằng việc thử các trị số một cách tùy ý, và cứ thử như vậy cho đến khi tìm được một lời giải phù hợp. Hoặc so sánh theo cách khác, sự khác nhau giữa một hệ thống giá cả bị đưa vào khuôn khổ và hệ thống giá cả được quyết định bởi thị trường cũng giống như sự khác nhau giữa một đoàn quân tấn công mà ở đó mỗi đơn vị, mỗi người lính chỉ có thể di chuyển khi có mệnh lệnh đặc biệt, với một khoảng cách chính xác được ra lệnh bởi sở chỉ huy và một đoàn quân mà mỗi đơn vị, mỗi người lính có thể tận dụng mọi cơ hội dành cho họ. Dĩ nhiên, xét trên khía cạnh logic, thì không phải là không khả thi khi hình dung ra một cơ quan chỉ đạo cho nền kinh tế tập trung, không chỉ “hiện diện ở mọi nơi và thông tuệ” theo như mường tượng của Dickinson12, mà còn có quyền lực tối cao, và do đó, có một vị thế để thay đổi ngay tức khắc mọi giá cả ở đúng mức cần thiết. Tuy nhiên, khi ai đó tiến hành xem xét một bộ máy thực sự để thực hiện việc điều chỉnh theo kiểu này, anh ta bắt đầu băn khoăn liệu có còn ai đó còn muốn gợi ý rằng trong phạm vi cân nhắc tính khả thi trên thực tế, một hệ thống như vậy sẽ chắc chắn, ngay cả chỉ là xấp xỉ, tiệm cận được mức hiệu quả của một hệ thống nơi mà những thay đổi cần thiết được đưa đến từ hành động tự phát của các cá nhân liên quan trực tiếp.
Ở phần dưới, khi xem xét về khung thể chế được đề xuất, chúng ta sẽ quay trở lại câu hỏi loại cơ chế này có khả năng vận hành như thế nào trong thực tiễn. Tuy nhiên, trong phạm vi mà câu hỏi tổng thể này liên quan đến, thật khó để ngăn chặn nghi ngờ rằng đề xuất cụ thể này được phát sinh từ một mối bận tâm quá mức về những vấn đề của lí thuyết thuần túy liên quan đến cân bằng tĩnh. Nếu giá như trong thế giới thực, chúng ta phải chỉ xử lí các dữ liệu gần như bất biến, nếu giá như vấn đề lại là tìm ra một hệ thống giá cả mà gần như không cần phải thay đổi trong một thời gian dài, thì đề xuất đang được xem xét sẽ không hẳn là bất hợp lí. Với dữ liệu được đưa ra và bất biến, một trạng thái cân bằng như vậy hoàn toàn có thể đạt tới được bằng phương pháp thử-sai. Nhưng điều này không hề đúng với tình hình thực tiễn khi mà sự thay đổi liên tục ngự trị. Liệu mọi thứ có thể tiến đến trạng thái cân bằng được không, và tiến đến ở mức độ nào, phụ thuộc hoàn toàn vào tốc độ của những điều chỉnh. Vấn đề của thực tiễn không phải là liệu có một phương pháp cụ thể nào cuối cùng sẽ dẫn đến một sự cân bằng giả định hay không, mà là phương pháp nào sẽ đảm bảo cho việc điều chỉnh để thích ứng với những hoàn cảnh thay đổi từng ngày ở các địa điểm khác nhau và những ngành nghề khác nhau được diễn ra nhanh hơn và hoàn thiện hơn. Dĩ nhiên, mức độ khác biệt như thế nào trên khía cạnh này giữa một phương pháp mà giá cả được thỏa thuận liên tục bởi các bên trên thị trường và một phương pháp mà giá cả được ban bố từ bên trên lại phụ thuộc vào sự đánh giá trên thực tiễn. Nhưng tôi thực sự thấy khó tin nếu vẫn còn ai đó hoài nghi về tính hiệu quả yếu kém hơn hẳn của phương pháp thứ hai.
Câu hỏi tổng thể thứ ba cũng là câu hỏi mà tôi tin rằng mối bận tâm về các khái niệm của lí thuyết kinh tế học thuần túy đã gây hiểu lầm nghiêm trọng cho cả hai tác giả. Trong trường hợp này, chính khái niệm về sự cạnh tranh hoàn hảo hiển nhiên đã khiến họ bỏ sót một lĩnh vực rất quan trọng mà ở đó đơn giản là không thể áp dụng được phương pháp của họ. Bất cứ nơi nào chúng ta có một thị trường cho loại hàng hóa đã tương đối được chuẩn hoá, thì ta vẫn có thể hình dung được việc tất cả các mức giá nên được ban bố trước từ bên trên trong một giai đoạn nhất định. Tuy nhiên, tình huống sẽ rất khác khi xét đến những hàng hóa không thể chuẩn hoá được, và cụ thể là những loại hàng hóa mà ngày nay được sản xuất theo các đơn đặt hàng riêng lẻ, có thể là sau khi được mời thầu. Phần lớn sản phẩm của “các ngành công nghiệp nặng”, mà dĩ nhiên sẽ được xã hội hóa đầu tiên, sẽ rơi vào nhóm này. Đa số các máy móc, nhà cửa, tàu bè, và các loại sản phẩm tương tự khác rất hiếm khi được sản xuất cho một thị trường; chúng thường được làm ra chỉ khi có hợp đồng cụ thể. Điều này không có nghĩa là sẽ không có sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường cho các sản phẩm thuộc những ngành trên, dù rằng sự cạnh tranh này không phải là “cạnh tranh hoàn hảo” từ góc độ lí thuyết thuần túy; thực tế đơn giản là, ở những ngành này, những sản phẩm giống nhau hiếm khi được sản xuất hai lần trong một khoảng thời gian ngắn; và phạm vi các nhà sản xuất cạnh tranh lẫn nhau, tức có khả năng thay thế lẫn nhau trong việc cung cấp hàng, trong mỗi trường hợp sẽ là khác nhau đối với mỗi tình huống riêng rẽ, cũng giống như phạm vi các khách hàng tiềm năng cạnh tranh lẫn nhau trước mỗi dịch vụ của một nhà máy cụ thể cũng sẽ khác nhau theo từng tuần. Vậy liệu có một cơ sở nào để ấn định giá cả cho sản phẩm trong tất cả các trường hợp trên nhằm “cân bằng cầu và cung”? Nếu tất cả các mức giá ở đây được ấn định bởi một cơ quan trung ương thì chúng sẽ phải được ấn định cho từng trường hợp riêng lẻ và trên cơ sở một cuộc khảo sát tính toán, được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền trên, liên quan đến tất cả các nhà cung cấp tiềm năng và người mua tiềm năng. Có lẽ không cần phải chỉ ra những sự rắc rối sẽ nảy sinh khi giá cả được ấn định trước hoặc sau khi một khách hàng có triển vọng quyết định mua một phần máy móc hay tòa nhà mà anh ta muốn. Giả dụ rằng, những ước tính của các nhà sản xuất, trước khi được chào ra cho khách hàng tiềm năng, sẽ được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền. Trong tất cả những trường hợp này, trừ phi cơ quan có thẩm quyền hiện hành đảm nhận mọi chức năng của một nghiệp chủ (nghĩa là, loại bỏ hệ thống đang được đề xuất và thay thế bằng một cơ quan chỉ đạo từ trung ương hoàn chỉnh), thì thật không rõ cho lắm, rằng quá trình ấn định giá cả sẽ trở nên hoặc là quá cồng kềnh và dẫn đến sự đình trệ vô cùng tệ hại, hay là nó chỉ thuần túy có tính hình thức?
(còn nữa)
Chú thích:
(*) In lại từ Economica, Tập VII, Số 26 (series mới; 5, 1940). Hai cuốn sách chính mà chương này quan tâm là, Oskar Lange và Fred M. Taylor, On the Economic Theory of Socialism, do B. E. Lippincott biên tập (Minneapolis, 1938), và H. D. Dickinson, Economics of Socialism (Oxford, 1939). Chúng sẽ được đề cập đến trong suốt chương này với kí hiệu lần lượt là "LT" (Lange-Taylor) và "D" (Dickinson).
(1) Pareto, Manuel d'economie politique (ấn bản 2, 1927), tr. 233-34.
(2) Xem B. E. Lippincott trong LT, tr. 7.
(3) Ngoại lệ đáng chú ý nhất là tiến sĩ M. Dobb. Xem Political Economy and Capitalism (1937) của ông, Chương VIII, và sự phê bình của ông đối với quyển sách của Giáo sư Lange trong Modern Quarterly, 1939.
(4) LT, tr. 63.
(5) D, tr. 104, và K. Tisch, Wirtschaftsrechnung und Verteilung im zentralistischorganisierten sozialistischen Gemeinwesen (1932).
(6) Trong Collectivist Economic Planning (London, 1935), tiểu luận về "The Present State of the Debate", được in lại ở trên, Chương IX.
(7) Tiểu luận của Tiến sĩ Lange được miêu tả là "tác phẩm đầu tiên đánh dấu một bước tiến dựa trên đóng góp của Barone" và chỉ ra "tính khả thi và sự ưu việt rõ ràng" của hệ thống xã hội chủ nghĩa bằng lí lẽ "không thể bác bỏ" (LT, tr. 13, 24, 37).
(8) Một điều kỳ lạ là Tiến sĩ Dickinson không đề cập đến tác phẩm của Giáo sư Lange trong cuốn sách của mình (ngoại trừ trong phần Sách tham khảo).
(9) Xem Sir Daniel Hall và những người khác, The Frustration of Science (London, 1935), tr. 142.
(10) D, tr. 26.
(11) LT, tr. 70 và 86; D, tr. 103 và 113.
(12) D, tr. 191.
Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 8, NXB Tri thức, 2016