Hiệu ứng Ricardo (Phần 2)

Hiệu ứng Ricardo (Phần 2)

3

Trước khi đi tiếp, sẽ là hữu ích nếu chúng ta tìm hiểu nhanh ý nghĩa định lượng khả dĩ trong ngắn hạn của hiện tượng đang xem xét. Nhiều người tin rằng, mặc dù lập luận có thể đúng, ý nghĩa thực tiễn của hiệu ứng đang xem xét có thể chỉ là rất nhỏ. Thường thì công việc lập luận sẽ thuận tiện hơn nếu tạm dừng cân nhắc trường hợp cụ thể cho đến khi hoàn chỉnh, nhưng [tôi vẫn làm điều này] vì thấy được cảm giác thiếu kiên nhẫn của một lượng độc giả, những người cảm thấy rằng toàn bộ lập luận dài dằng dặc này đã đi lạc vào một điểm, mà ngay cả khi được chứng minh là đúng, thì cũng không có nhiều ý nghĩa thực tiễn.

Tuy nhiên, niềm tin phổ biến này dường như dựa trên một quan niệm sai lầm. Dĩ nhiên, tỉ lệ giữa vốn cố định và và vốn lưu động (hoặc gần giống như vậy, giữa máy móc lâu bền hoặc sử dụng ít lao động hơn và máy móc kém lâu bền hoặc sử dụng nhiều lao động hơn) được sử dụng trong sản xuất có thể được thay đổi dần dần và chậm trong một khoảng thời gian dài. Nhưng đây không phải điểm chính. Chúng ta quan tâm không chỉ đến những tỉ lệ giữa nguồn vốn cố định và nguồn vốn lưu động hiện tại mà còn giữa các tỉ lệ tương đối theo đó các hãng sẽ phân bổ nguồn kinh phí đầu tư hiện tại của mình cho việc làm mới lại (hoặc bổ sung cho) hai loại tài sản vốn này. Ở đây, cả kinh nghiệm chung lẫn các phân tích tổng quát đều gợi ý rằng tỉ lệ này biến đổi rất mạnh trong ngắn hạn.

Quan niệm sai lầm này có lẽ là do kiểu biểu đạt quá trình chuyển tiếp từ những phương pháp sản xuất thâm dụng vốn ít hơn sang các phương pháp sản xuất thâm dụng vốn nhiều hơn được sử dụng rộng rãi trong các sách giáo khoa cũng như do việc mô tả những vị trí cân bằng dài hạn thay thế lẫn nhau. Các ví dụ quen thuộc về “những sự thay đổi trong phương pháp sản xuất” thông qua việc thay thế tất cả máy móc thiết bị thuộc loại này bằng máy móc thiết bị thuộc loại khác, loại ít lâu bền hơn bằng loại lâu bền hơn, loại ít tiết kiệm lao động hơn bằng loại tiết kiệm nhiều lao động hơn, hoặc việc thay thế những quá trình sản xuất mà tất cả đều ngắn hơn bằng các quá trình mà tất cả đều dài hơn, tất cả chúng đều nhấn mạnh một khía cạnh mà thực ra có vẻ như không quan trọng lắm trong ngắn hạn. Nếu muốn nhận ra được một xu hướng như vậy vận động cũng không kém phần mạnh mẽ trong ngắn hạn, chúng ta phải vượt qua được định kiến về “so sánh tĩnh” trong sách giáo khoa và cố gắng suy nghĩ một cách thực tế hơn về loại quyết định cụ thể mà các nghiệp chủ sẽ phải liên tục đưa ra.

Do giới hạn về độ dài, chúng tôi chỉ có thể minh hoạ điều này qua một số ví dụ được lựa chọn. Nhưng tôi hi vọng là, chúng sẽ chỉ ra được một dải rộng của các biến đổi khả thể trong một giai đoạn rất ngắn.

Hãy nghĩ về các nghiệp chủ được trang bị, ở bất kỳ thời điểm nào đó, một kho nhất định các máy móc lâu bền, nhưng chỉ có một phần nhỏ là cần thay thế trong bất kỳ một khoảng thời gian ngắn nào đó. Nếu những điều kiện giữ nguyên như trước đây, họ sẽ tiếp tục hết thời kỳ này sang thời kỳ khác đầu tư các khoản trích khấu hao vào máy móc cùng loại. Nhưng họ sẽ làm thế chỉ bởi vì đây là phương pháp sử dụng các quỹ tài chính của họ đem lại lợi nhuận cao nhất; và chúng ta không được phép giả thiết họ sẽ tiếp tục làm như thế sau khi các điều kiện đã thay đổi. Cụ thể, khi cầu tăng sẽ có nhiều cách thức khả dĩ để tăng sản lượng thay vì nhân thêm số lượng máy móc cùng loại mà họ đã sử dụng trước đây. Nếu họ không thể vay lãi để đưa tỉ suất lợi tức của mình xuống mức như trước, một số trong số những cách thức khả dĩ này dường như sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn so với các cách thức được sử dụng trước đây.

Sẽ có hai loại thay đổi chính dường như mang lại lợi thế: một nghiệp chủ có thể sử dụng máy móc hiện có của mình với cường độ cao hơn (nghĩa là, với nhiều lao động hơn) - sử dụng cho mục đích này một phần quỹ tài chính mà đáng ra sẽ được dành để đầu tư thay thế các máy móc đang sử dụng bằng những máy móc mới cùng loại, hay anh ta có thể thay thế các máy móc đã hao mòn bằng một số lượng lớn hơn những máy móc rẻ hơn. Cả hai cách thức này đều có thể sẽ được cân nhắc sử dụng, mặc dù cách thức đầu tiên có lẽ là quan trọng hơn.

Những cách thức dễ thấy nhất để làm tăng nhanh sản lượng khi các mức giá hàng hoá tiêu dùng tăng là làm việc thêm giờ, là tăng số ca lên gấp đôi hoặc gấp ba, là rút bớt công nhân từ những hoạt động phụ trợ để hỗ trợ cho công nhân làm việc trên các máy móc hiện có v.v. Những cách thức này thường sẽ tăng chi phí lao động trên một đơn vị sản lượng, và đây là thực tế khiến cho chúng không được sử dụng trước khi giá cả tăng. Nhưng nếu việc áp dụng bất kỳ cách thức nào làm tăng chi phí lao động cận biên trên mỗi đơn vị sản lượng, chẳng hạn, 4%1, thì điều này vẫn sẽ, với 5% tăng giá, để lại biên lợi nhuận tăng thêm 1%, và với tốc độ quay vòng vốn là 6, cách thức đầu tư này vẫn sẽ tạo ra tỉ suất lợi tức nội bộ là 12%, so với mức 6,5% khi đầu tư vào máy móc với tốc độ quay vòng vốn là 1/10. Phương pháp sản xuất tốn kém hơn này do đó sẽ trở thành một phương pháp giúp thu về được, với nguồn lực hạn chế trong tay của nghiệp chủ, mức lợi nhuận lớn nhất; và hợp tác lao động với máy móc sẽ tăng lên cho đến khi xu hướng lợi tức giảm xuống của vốn đầu tư để có nhiều lao động hơn và xu hướng lợi tức tăng lên của vốn đầu tư vào máy móc khiến cho hai tỉ suất lợi tức này một lần nữa ngang bằng nhau ở một con số nằm giữa.

Rõ ràng là có rất nhiều cách thức thay đổi liên quan đến máy móc đang được sử dụng, mà phải được cân nhắc áp dụng thậm chí trong ngắn hạn, và chúng cũng sẽ có hiệu ứng làm tăng các mức chi phí cận biên. Trước hết sẽ là khả năng bảo trì và chăm sóc kém hoàn hảo hơn, sử dụng tạm thời thay vì sửa chữa triệt để, thời gian ngừng máy để kiểm tra và đại tu ngắn hơn hoặc với tần suất ít hơn, tất cả điều này sẽ làm giảm hiệu quả và rút ngắn tuổi thọ của máy móc hiện có, nhưng cũng có thể là đáng giá nếu nhờ đó giúp sản lượng hiện tại tăng lên. Thứ hai, sẽ có khả năng không thay mới ngay, dĩ nhiên không phải là những bộ phận thiết yếu của thiết bị mà là nhiều thiết bị phụ trợ tiết kiệm nhiều lao động như các bộ nạp tự động và những hoạt động sử dụng dụng cụ tiện ích khác vốn dĩ cũng có thể được thực hiện bằng tay. Thứ ba, sẽ có khả năng sử dụng máy móc lỗi thời hoặc máy cũ thay vì những máy móc mới. Nhiều nhà máy cũ có một số lượng nhất định các máy móc cũ như vậy để sử dụng tạm thời đáp ứng nhu cầu lúc cao điểm hoặc trong trường hợp khẩn cấp, mà sẽ không mất tiền mua một máy mới để dự phòng. Tồn tại trong nhiều ngành một nguồn cung cấp các máy móc cũ mà có thể được sử dụng theo cùng cách thức như vậy. Thứ tư, và cũng là cuối cùng, sẽ có khả năng thay thế cho các máy móc hao mòn bằng những máy mới rẻ hơn và ít hiệu quả hơn. Vì vậy, miễn là duy trì được tỉ suất lợi tức nội bộ ở mức cao hơn trước đây, thì việc một hãng nào đó mua hai máy kém hiệu quả hơn với mức chi phí bằng loại máy hiệu quả hơn cũng có thể đem lại lợi nhuận nhiều hơn nếu như hai máy kém hiệu quả cho phép hãng đó, thông qua việc kết hợp với nhiều lao động hơn, tạo ra nhiều sản lượng hơn so với loại máy hiệu quả.

Nếu chúng ta xem xét hiệu ứng của tất cả thay đổi khả dĩ này, không phải lên những tỉ lệ các phần vốn khác nhau cấu thành tổng nguồn vốn của bất kỳ hãng nào, mà là lên những tỉ lệ tại đó nguồn kinh phí đầu tư hiện hành của hãng được chi cho các loại nguồn lực khác nhau, hoặc là lên một tỉ lệ để phân bổ nguồn kinh phí giữa vốn cố định và vốn lưu động, thì có vẻ rõ ràng là, có thể sẽ xuất hiện những thay đổi đáng kể của các đại lượng trên trong một quãng thời gian tương đối ngắn như là hệ quả của một sự thay đổi chung về những mức giá hàng hóa tiêu dùng. Trong những trường hợp đặc biệt, các nghiệp chủ thậm chí vẫn có thể kiếm được lợi nhuận tạm thời khi ngừng tất cả nhu cầu về máy móc, ngay cả trong một khoảng thời gian đáng kể, để tăng sản lượng. Nhưng trong khi kết quả đặc biệt này có thể không xảy ra, thì không hẳn là không có khả năng nhu cầu đối với một số loại máy móc thiết bị mới nhất định nào đó chắc chắn sẽ bị suy giảm. Điều này dường như có khả năng xảy ra, đặc biệt là khi, như với trường hợp nhà xưởng và hầu hết máy móc hạng nặng, thiết bị phải được lắp đặt theo yêu cầu và người mua phải đặt cọc một số tiền lớn trong suốt quá trình sản xuất ra thiết bị đó mà không đem lại khoản lợi tức nào cho người mua; tương tự cũng đúng với bất cứ quá trình chuyển đổi dần dần sang loại máy móc mới (ví dụ, tiết kiệm lao động hơn) nhưng đắt tiền hơn, nhưng giờ đây sẽ bị tạm dừng; và nói chung là bất cứ sự thay đổi nào trong những phương thức sản xuất được áp dụng mà gây ra một sự thay đổi thiết bị được sản xuất bởi một nhóm người này sang thiết bị được sản xuất bởi một nhóm người khác2. Tới mức độ mà bất kỳ lao động nào cũng trở thành lao động chuyên biệt cho sản xuất máy móc thiết bị, thì nhu cầu dành cho nó sẽ giảm hoặc chấm dứt hoàn toàn, và do đó, hậu quả của việc gia tăng nhu cầu hàng hoá tiêu dùng sẽ là nạn thất nghiệp trong các ngành hàng hóa tư liệu sản xuất.

4

Giờ là lúc chúng ta đưa vào khả năng vay tiền với những mức lãi suất được quyết định bởi thị trường nhưng không nhất thiết phải được thay đổi để đáp lại một sự gia tăng nhu cầu đối với các quỹ tài chính. Trong phần này, chúng ta sẽ xem điều này sẽ làm thay đổi các kết luận đã đạt được như thế nào nếu chúng ta đưa ra các giả định, mà xét trên những khía cạnh quan trọng nhất, gần như tương ứng với các với các điều kiện trong thế giới thực, và do đó, cho phép chúng ta đánh giá ý nghĩa thực tế của các kết luận của mình. Trường hợp, tuy rất thú vị về mặt lí thuyết nhưng không liên quan mấy đến thực tế, về một “cung tín dụng co dãn hoàn toàn” sẽ được để lại cho phần tiếp theo.

Sự khác biệt rõ ràng giữa hai trường hợp và thứ tự xem xét chúng xuất phát từ việc áp dụng khung phân tích “cạnh tranh hoàn hảo” vào vấn đề này tương đối thường xuyên nhưng lại theo cách sai lệch; khái niệm “cạnh tranh hoàn hảo” hoàn toàn không phù hợp với vấn đề này, đơn giản là vì các khoản cho vay (bổ sung) kế tiếp nhau cho cùng một người vay sẽ không bao giờ đại diện cho “cùng một hàng hóa” theo nghĩa mà thuật ngữ này được sử dụng trong lí thuyết về cạnh tranh. Trong khi, ở một thị trường hàng hóa, “cạnh tranh hoàn hảo” hàm ý rằng bất kỳ một người mua nào đều có thể mua ở mức giá thị trường đã cho bất kỳ lượng hàng hoá nào mà anh ta thích, thì dĩ nhiên, thật vô lí khi cho rằng ngay cả trong thị trường tiền tệ cạnh tranh hoàn hảo nhất, mỗi người vay (hoặc, với trường hợp này, bất kỳ người đi vay nào) có thể vay ở mức lãi suất vay đã cho bất kỳ khoản tiền nào anh ta thích. Điều này được loại trừ bởi thực tế rằng, trong những hoàn cảnh nhất định, vật chế chấp mà một người vay phải đưa ra cho một khoản vay lớn không như đối với một khoản vay nhỏ. Kết quả là, mỗi người vay tiềm năng sẽ phải đối mặt với một đường cung tín dụng đi lên - hay đúng hơn, không phải đường cung liên tục, mà là một “đường” cung bậc thang theo hướng đi lên, cho thấy lãi suất, trong khi không đổi ở một khoảng giới hạn nhất định, sẽ tăng lên theo các nấc bất cứ khi nào đạt tới một trong số những giới hạn, tại đó anh ta có thể vay được với một mức lãi suất đã cho.

Yếu tố quan trọng nhất, mặc dù không phải duy nhất, hạn chế khả năng vay vốn của một hãng tại một mức lãi suất đã cho là quy mô vốn sở hữu của hãng. Ngân hàng, theo lẽ thường, sẽ không sẵn sàng cho bất kỳ hãng nào vay nhiều hơn một tỉ lệ nhất định số vốn của hãng đó, và cũng hết sức lưu ý rằng không có hãng nào được phép vay cùng lúc từ nhiều hơn một ngân hàng; và ngoài ngưỡng giới hạn này, để có thể vay được tiền, hãng buộc phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn, hoặc diễn đạt theo một cách khác, phải chịu những điều kiện ràng buộc khó khăn hơn. Giới hạn này về lượng tài chính mà hãng có thể huy động để tăng sản lượng đầu ra sẽ còn bị thắt chặt hơn nữa bởi các ngân hàng cung cấp những khoản vay chỉ cho đầu tư vào vốn lưu động và từ chối cung cấp tài chính cho việc đầu tư vào vốn cố định. Thông điệp tổng quát mà chúng ta phải nhớ ở đây là, trong khung khổ thể chế hiện hành, hoạt động cho vay (theo đúng nghĩa của từ này), và đặc biệt là cho vay ngắn hạn, sẽ đảm bảo tính lưu động của vốn chỉ ở một mức độ giới hạn; và chúng ta cũng cần phải nhớ rằng, trong một thế giới khi mà rủi ro luôn tồn tại, bản thân điều đó vẫn là không đủ để làm cho các tỉ suất sinh lợi trên vốn được đầu tư vào các hãng khác nhau trở nên ngang bằng; nó cũng hoàn toàn không đủ để điều chỉnh những mức tỉ suất sinh lợi này theo một mức lãi suất thị trường nhất định. Để giải quyết khó khăn này, ngoài hoạt động cho vay, các khoản chuyển giao vốn theo cách tham gia đầy đủ vào việc gánh chịu rủi ro kinh doanh, tức là những thay đổi trong vốn cổ phần hoặc cái mà ta vẫn thường mô tả là “vốn chủ sở hữu” (để phân biệt với vốn vay) của các hãng sẽ là cần thiết. Nhưng quá trình chuyển giao vốn này chắc chắn chậm hơn rất nhiều so với việc cung ứng những khoản vay thêm từ ngân hàng, và thường thì đúng là, trong ngắn hạn, hầu hết các hãng không thể huy động được nhiều vốn để có thể sử dụng theo cách mang lại hiệu quả, hoặc nói theo cách khác, họ sẽ có thể làm được thế chỉ ở những mức lãi suất cao hơn đáng kể so với mức “lãi suất thị trường”.

Điều này không có nghĩa rằng, mức tối đa mà một hãng có thể vay ở một mức lãi suất nhất định sẽ là một con số cố định cứng nhắc theo tỉ lệ với số vốn chủ sở hữu của hãng. Giám đốc của một hãng, người có thể thuyết phục được người quản lí ngân hàng của mình rằng anh ta có một cơ hội đặc biệt hứa hẹn mang lại lợi nhuận lớn cho khoản vay thêm và do đó có thể đảm bảo một biên độ an toàn lớn trong trường hợp sự lạc quan của anh ta tỏ ra không được xác thực như kỳ vọng, sẽ có thể vay với tỉ lệ cao hơn so với người khác. Nói chung, khi có triển vọng tốt, tất cả các hãng đều có thể vay được với tỉ lệ cao hơn theo vốn chủ sở hữu của họ so với khi không có triển vọng tốt3. “Đường” cung tín dụng bậc thang mà tất cả các hãng đối mặt sẽ dịch chuyển sang phải do triển vọng chung trở nên tốt hơn (và dịch sang trái khi triển vọng chung xấu đi), và sự dịch chuyển ngang như vậy của đường cung sẽ diễn ra thường xuyên, và thường được sử dụng theo cách có chủ ý, giống hệt như cách thức mà một sự thay đổi dứt khoát về lãi suất (tức là, sự nâng lên hoặc hạ xuống của toàn bộ đường cung) tạo ra.

Nhưng, mặc dù bất kỳ mức tăng chung nào trong những mức lợi nhuận kỳ vọng đều có khả năng làm tăng lượng tiền mà các hãng có thể vay, thì trong nhiều trường hợp, điều đó sẽ làm tăng hơn nữa những lượng tiền mà họ muốn vay ở các mức lãi suất hiện hành và do đó, đẩy hãng tới giới hạn mà nếu vượt qua thì họ phải chấp nhận huy động vốn với chi phí cao hơn. Dù rằng, ở mức lãi suất hiện hành, sẽ có một lượng cầu không được đáp ứng, nhưng lượng cầu này không phải là cầu “hiệu quả”, vì nó không thuộc những đối tượng mà các mức lãi suất hiện hành này áp dụng, và do đó, những mức lãi suất này sẽ không thay đổi. Tình huống này cũng tương tự như tình huống gây ra bởi biện pháp phân phối tín dụng, tuy nhiên nó sẽ tăng, mà không cần sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền hoặc của một hãng độc quyền, chỉ đơn thuần bởi sự đánh giá của ngân hàng về “mức độ tín nhiệm” của những người đi vay.

Không cần phải giải thích dài dòng rằng, bất kỳ khi nào những lượng tiền người ta muốn vay ở mức lãi suất hiện hành lớn hơn những lượng tiền họ có thể vay được ở mức đó, thì những lượng tiền này, chứ không phải lãi suất thị trường hiện hành, sẽ quyết định các tỉ suất lợi tức nội bộ của các hãng khác nhau. Như trong tình huống được thảo luận trong phần trước, các tỉ suất lợi tức nội bộ sẽ khác nhau đối với các hãng khác nhau tùy theo những hoàn cảnh được liệt kê sau đó (mà bây giờ chúng ta phải thêm vào những hạn chế về các điều kiện vay thuận lợi dành cho bất kỳ hãng nào); và hoạt động đầu tư của mỗi hãng sẽ bị chi phối bởi tỉ suất lợi tức nội bộ của chính nó, và tỉ suất này có thể cao hơn rất nhiều so với mức lãi suất thị trường vốn dĩ có thể không thay đổi gì cả. Sự gia tăng trong những tỉ suất lợi tức nội bộ sẽ tạo ra một xu hướng thay đổi chung sang sử dụng những phương pháp sản xuất thâm dụng vốn ít hơn, nhưng ở các mức độ khác nhau tùy theo mức độ thay đổi của tỉ suất lợi tức nội bộ tại những hãng khác nhau.

Tuy nhiên, vẫn còn câu hỏi liệu, trong quãng thời gian cho tới khi các hãng có thể huy động được những khoản tín dụng bổ sung, điều này có làm giảm mức độ mà các tỉ suất lợi tức nội bộ sẽ tăng lên hay không, và do đó, làm giảm mức độ mà họ sẽ chuyển sang sử dụng phương pháp sản xuất thâm dụng vốn ít hơn hay không, so với những trường hợp khi không có bất kỳ khoản tín dụng bổ sung nào cả. Vấn đề phát sinh ở đây giống với trường hợp mà chúng ta dự định sẽ xem xét trong phần tiếp theo nhưng ở mức độ tổng quan hơn, bởi vì, nếu định đề của chúng ta đúng ngay cả khi cung tín dụng co dãn hoàn toàn, thì nó ắt sẽ phải càng đúng với trường hợp hiện tại. Do đó, chúng ta có thể ngay lập tức tiến đến trường hợp “mạnh hơn” này.

Chú thích

(1) Nếu có phản bác rằng sự gia tăng chi phí mà chúng ta giả định là do việc áp dụng làm thêm giờ hoặc các biện pháp tương tự không thể nào nhỏ được, thì điều này đơn giản chỉ có nghĩa là, mức tăng giá rất nhỏ, chẳng hạn 5% như chúng ta đã giả định, sẽ không gây ra hiệu ứng đặc biệt này, và mức tăng phải lên tới, chẳng hạn 20% hay 25%, thì mới tạo ra hiệu ứng đó.

(2) Có vẻ như thuật ngữ “cấu trúc sản xuất”, mà tôi đã sử dụng trong cuốn sách Prices and Production để mô tả sự phân bố lao động hiện hành giữa “các giai đoạn sản xuất” khác nhau, đôi khi được diễn giải theo nghĩa vật chất, cho rằng tôi ủng hộ cho sự hiểu lầm rằng “những thay đổi trong các phương pháp sản xuất” mà tôi đã bàn luận ngụ ý một sự thay đổi tức thời trong các máy móc thực tế được sử dụng. Nhưng “cấu trúc sản xuất” theo nghĩa mà tôi sử dụng dĩ nhiên có thể thay đổi một cách cơ bản mà không cần bất kỳ sự thay đổi nào trong các thiết bị thực tế được sử dụng; sự thay đổi máy móc thiết bị này sẽ chỉ diễn ra dần dần như là một kết quả của sự thay đổi trong cấu trúc sản xuất; và thực ra, sự thay đổi cực đoan nhất của loại này sẽ là việc ngừng sản xuất hoàn toàn các loại máy móc, mặc dù con người có lẽ còn tiếp tục sử dụng trong một thời gian dài cùng loại máy móc để sản xuất hàng hoá tiêu dùng.

(3) Cần lưu ý rằng, giới hạn đặt ra cho năng lực vay vốn của các hãng là một giới hạn luôn thay đổi, chỉ cố định trong ngắn hạn, nhưng tăng dần do thu nhập, nhu cầu cuối cùng, và do đó, triển vọng lợi nhuận tăng lên như là hệ quả của mỗi lần bổ sung thêm vào lượng tín dụng đã cấp. Nói cách khác, nó chỉ hạn chế đơn thuần tỉ lệ mở rộng tín dụng nhưng có thể không ngăn cản được sự mở rộng tín dụng liên tục, luỹ tiến (nếu vì mục đích ước tính mức độ đảm bảo an toàn của người vay thì giá trị tài sản của anh ta sẽ được ghi nhận tăng lên với sự tăng lên của giá cả), và thậm chí tới vô hạn.

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 11, NXB Tri thức, 2016

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh