Tính toán xã hội chủ nghĩa III: Giải pháp cạnh tranh (Phần 2)

Tính toán xã hội chủ nghĩa III: Giải pháp cạnh tranh (Phần 2)

4

Tất cả những cân nhắc này xem ra đều liên quan cho dù bất cứ hình thức tổ chức ngành nào được lựa chọn. Tuy nhiên trước khi đi xa hơn, chúng ta cần phải xem xét chi tiết hơn một chút về cơ quan kiểm soát ngành mà cả hai tác giả đề xuất. Các bản phác thảo về tổ chức ngành mà họ cung cấp khá là giống nhau. Mặc dù về điểm này thì Lange cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin hơn một chút so với Dickinson, người tham khảo các tác phẩm của Webbs và G. D. H. Cole cho hầu hết các vấn đề về tổ chức kinh tế1.

Cả hai tác giả đều dựng lên một hệ thống xã hội chủ nghĩa mà ở đó sự lựa chọn công việc sẽ là tự do và được điều chỉnh chủ yếu bởi cơ chế giá cả (nghĩa là, hệ thống tiền công); và ở hệ thống này, những người tiêu dùng cũng được tự do chi tiêu thu nhập của mình theo cách mà họ lựa chọn. Rõ ràng là cả hai tác giả đều muốn giá cả của hàng hóa tiêu dùng phải được ấn định bởi những quá trình thị trường thông thường (mặc dù Dickinson có vẻ chưa thật chắc chắn về điểm này)2 và để việc xác định tiền công cho các bên liên quan tự thỏa thuận3. Cả hai cũng đều đồng tình rằng, vì các lí do này khác, nên không nhất thiết phải xã hội hoá toàn bộ ngành; bên cạnh bộ phận bị xã hội hóa, vẫn nên duy trì một khu vực tư nhân, bao gồm các doanh nghiệp nhỏ, hoạt động chủ yếu dựa trên đường lối tư bản. Tôi thấy khó đồng ý được với quan điểm của họ, rằng sự tồn tại của một khu vực tư nhân song song với khu vực được xã hội hóa sẽ không gây ra bất cứ khó khăn đặc biệt nào. Nhưng vì khó có thể xử lí thỏa đáng vấn đề trên trong khuôn khổ của bài luận này, nên để tiếp tục cuộc bàn luận, chúng ta hãy bỏ qua sự tồn tại của khu vực kinh tế tư nhân và cứ xem như toàn bộ ngành đã được xã hội hóa.

Việc xác định giá cả của tất cả các loại hàng hoá, thay vì chỉ là giá cả của hàng tiêu dùng và tiền công, là nhiệm vụ chính của cơ quan kinh tế trung ương. Lange gọi đây là Ủy ban kế hoạnh trung ương, còn Dickinson gọi là Hội đồng kinh tế tối cao (Chúng ta sẽ theo cách gọi của Dickinson, và từ giờ trở đi, gọi bộ phận này là “Hội đồng kinh tế tối cao” [Supreme Economic Council], viết tắt là “S.E.C”). Về kỹ thuật công bố và điều chỉnh các mức giá cả cụ thể, chúng tôi thấy Lange cung cấp nhiều thông tin hơn, dù không phải là đầy đủ, trong khi đó Dickinson đi toàn diện hơn vào câu hỏi liên quan đến những cơ sở giúp S.E.C định hướng trong hoạt động ấn định giá cả. Cả hai câu hỏi đều có sự quan trọng đặc biệt và cần phải được xem xét một cách riêng rẽ.

Theo Lange, thỉnh thoảng S.E.C sẽ thường xuyên công bố cái mà ông gọi là “bảng niêm yết giá các yếu tố sản xuất”, thuật ngữ ông kế thừa từ Giáo sư Taylor; đó là danh mục đầy đủ các mức giá của tất cả phương tiện sản xuất (trừ lao động)4. Những mức giá này sẽ là căn cứ duy nhất cho tất cả các giao dịch giữa các doanh nghiệp khác nhau. Toàn bộ công việc tính toán của tất cả các ngành và các nhà máy còn đang hoạt động, cũng như tất cả các nhà quản lí, đều phải coi những giá cả này như là hằng số5. Tuy nhiên, điều chúng ta chưa được cho biết, bởi cả Lange và Dickinson, chính là ở giai đoạn nào thì các mức giá này được ấn định. Đây là một trong số những điểm mập mờ thực sự nghiêm trọng trong bản trình bày của cả hai tác giả. Một khoảng trống trong trình bày khiến người ta có quyền nghi ngờ liệu rằng họ có thực sự nỗ lực để hiện thực hóa hệ thống của họ. Các mức giá sẽ được ấn định trước cho một khoảng thời gian xác định hay là sẽ được thay đổi bất cứ khi nào có vẻ hợp lí? F. M. Taylor dường như gợi ý cách làm đầu tiên khi ông viết rằng: Sự phù hợp của các mức giá cụ thể sẽ được thể hiện vào cuối của “giai đoạn sản xuất”6. Và Lange, ít nhất một lần, cũng tạo ra ấn tượng tương tự khi ông cho rằng “bất cứ mức giá nào khác với mức giá ở trạng thái cân bằng sẽ cho thấy một sự thừa thãi hoặc thiếu hàng hóa vào cuối giai đoạn tính toán”7. Tuy nhiên trong một dịp khác, Lange lại nói: “Việc điều chỉnh giá cả này sẽ được liên tục tiến hành”8, trong khi đó, Dickinson lại giới hạn mình trong khẳng định rằng sau khi, “bằng một quá trình ước tính liên tục”, “một tập hợp giá cả có thể rốt cuộc sẽ được thiết lập tuân theo nguyên lí khan hiếm và thay thế”, thì “những điều chỉnh nho nhỏ sẽ đủ để giữ cho hệ thống ở trong trạng thái cân bằng, trừ trường hợp có các cải tiến kỹ thuật quan trọng hay những thay đổi lớn trong xu hướng của người tiêu dùng”9. Liệu có còn cách minh hoạ nào rõ hơn thế về sự thất bại trong việc hiểu rõ chức năng thực sự của cơ chế giá cả gây ra bởi những ưu tư hiện đại về trạng thái cân bằng tĩnh?

Mặc dù Dickinson cung cấp ít thông tin về cơ chế để đưa những thay đổi giá cả đi vào hiệu lực, ông đã xem xét toàn diện hơn Lange các cơ sở mà S.E.C sẽ lấy làm căn cứ cho những quyết định của họ. Không giống Lange, Dickinson không hài lòng với việc S.E.C chỉ đơn thuần quan sát thị trường, điều chỉnh các mức giá khi xuất hiện cung hay cầu quá mức, và rồi sau đó cố gắng tìm ra một mức cân bằng mới thông qua thử nghiệm. Thay vào đó, ông muốn S.E.C sử dụng những biểu cung-cầu được hình thành qua thống kê như một định hướng để quyết định các mức giá cân bằng. Đây hiển nhiên là điểm còn sót lại trong quan niệm ban đầu của ông về tính khả thi của việc giải quyết toàn bộ vấn đề bằng phương pháp sử dụng hệ thống phương trình đồng thời. Nhưng, dù giờ đây ông đã từ bỏ ý tưởng này (không phải vì ông cho rằng nó là bất khả thi, vì ông vẫn tin rằng nó có thể được thực hiện bằng cách đơn giản là “giải hai hoặc ba nghìn phương trình đồng thời”10, mà bởi vì ông nhận ra rằng “chính những dữ liệu được đưa vào hệ thống phương trình cũng liên tục thay đổi”), thì ông vẫn tin rằng việc xác định dựa trên cơ sở thống kê các biểu cung-cầu sẽ hữu dụng như là một sự trợ giúp, nếu không nói là một sự thay thế cho phương pháp thử-sai, và do vậy, vẫn đáng để nỗ lực thiết lập những giá trị bằng số cho những hằng số (sic) trong hệ thống cân bằng Walrasian.

5

Dù với bất kỳ phương pháp nào được S.E.C dùng để ấn định các mức giá, và đặc biệt là, dù tại thời điểm nào và cho khoảng thời gian nào mà các mức giá được công bố, thì vẫn tồn tại hai điểm cần phải làm sáng tỏ thêm: (i) những thay đổi sẽ diễn ra chậm hơn so với khi các mức giá được quyết định bởi các bên tham gia thị trường, và (ii) sẽ kém đa dạng hơn giữa các loại giá cả hàng hóa dù có sự khác biệt về chất lượng và hoàn cảnh không-thời gian. Trong khi, với cơ chế cạnh tranh thực sự, những thay đổi giá cả sẽ diễn ra khi các bên liên quan trực tiếp nhận ra rằng các điều kiện đã thay đổi, thì S.E.C lại chỉ có thể hành động sau khi nhận được những báo cáo từ các bên, chứng thực những bản báo cáo, và giải quyết xong các điểm mâu thuẫn trong báo cáo, v.v.; và các mức giá mới sẽ chỉ có hiệu lực sau khi tất cả những bên liên quan đã được thông báo, nghĩa là, hoặc sẽ phải cố định trước ngày các mức giá cả có hiệu lực, hoặc việc hạch toán sẽ phải bao gồm một hệ thống chi tiết để sao cho mọi nhà quản lí sản xuất sẽ liên tục nhận được thông báo về các mức giá mới để phục vụ cho những công việc tính toán của mình. Vì, trên thực tế, mọi nhà quản lí sản xuất sẽ phải được thông báo liên tục về nhiều loại giá cả hơn là chỉ giá cả của các hàng hóa mà anh ta thực sự sử dụng (ít nhất là giá cả của những vật dụng có khả năng thay thế), nên việc xuất bản định kỳ theo một hình thức nào đó những danh mục đầy đủ của tất cả các loại giá cả sẽ là cần thiết. Rõ ràng là, trong khi hiệu quả kinh tế đòi hỏi giá cả nên được thay đổi càng nhanh chóng càng tốt, thì tính khả thi trong thực tiễn lại giới hạn những thay đổi thực vào trong những khoảng thời gian tương đối dài.

Như vậy, gần như rõ ràng là, quá trình ấn định giá cả sẽ bị giới hạn vào việc đưa ra những mức giá đồng bộ cho các nhóm hàng hóa, và do đó những sự khác biệt dựa trên các điều kiện thời gian, địa điểm và chất lượng sẽ không được thể hiện trong giá cả. Nếu không đơn giản hóa như thế thì con số những loại hàng hóa khác nhau mà từng mức giá phải được ấn định cho chúng sẽ là vô hạn trên thực tế. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là các nhà quản lí quá trình sản xuất sẽ không còn động lực khuyến khích, và không có ngay cả một khả năng thực tế, để tận dụng những cơ hội đặc biệt, những thỏa thuận đặc biệt, và tất cả lợi ích nhỏ do những điều kiện đặc thù của địa phương mang lại, bởi lẽ tất cả những yếu tố này không được xét đến trong tính toán của các nhà quản lí sản xuất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, như là một minh họa khác về những hệ lụy, mong muốn tăng thêm các chi phí nhằm khắc phục nhanh chóng một sự khan hiếm đột xuất sẽ không bao giờ khả thi trên thực tiễn, bởi vì một sự khan hiếm tạm thời hoặc mang tính cục bộ không thể ảnh hưởng đến giá cả cho đến khi bộ máy có thẩm quyền chính thức hành động.

Bởi vì cả hai lí do này, tức bởi vì nhiều loại giá cả sẽ phải được cố định trong những giai đoạn xác định và bởi vì chúng phải được cố định ở những mức chung cho các nhóm hàng hóa, nên các mức giá ở hầu hết những thời điểm trong một hệ thống như vậy sẽ khác với các mức giá trong một hệ thống tự do. Điều này là rất quan trọng đối với sự hoạt động của hệ thống. Lange tỏ ra cực kỳ xem nhẹ chức năng thuần tuý của giá cả như là “các chỉ số tham chiếu mà dựa vào đó các phương án lựa chọn được đưa ra”11; ông cho rằng “chức năng tham số của giá cả”12 này, nhờ đó giá cả định hướng hành động của mọi nhà quản lí sản xuất thay vì bị xác định trực tiếp bởi họ, sẽ được bảo toàn dưới một hệ thống ấn định giá cả như vậy. Như chính ông tự chỉ ra rằng “tính tất định của các mức giá hạch toán, tuy vậy, chỉ được giữ vững khi mọi sự chênh lệch giữa cung và cầu của một loại hàng hóa được xử lí bởi một sự thay đổi hợp lí trong giá cả”, và cũng vì lí do này “chế độ phân phối phải bị loại trừ” và “nguyên tắc sản xuất dựa trên chi phí bình quân nhỏ nhất không còn ý nghĩa nếu giá cả không phản ánh một sự khan hiếm nhất định của các yếu tố sản xuất”13. Nói theo cách khác, giá cả chỉ đem lại một căn cứ tính toán hợp lí khi nó là giá cả hiện hành mà bất cứ ai có thể bán hoặc mua tùy theo ý muốn hoặc bất cứ ai cũng được tự do mua thật rẻ và bán thật đắt với sự bằng lòng của bên đối tác. Nếu tôi không thể mua nhiều hơn một thứ gì, chừng nào mà nó còn có ý nghĩa với tôi nhiều hơn mức giá của nó, và nếu tôi không thể bán một thứ gì chừng nào mà nó trị giá đối với tôi ít hơn so với mức giá mà ai đó sẵn sàng trả cho nó, thì giá cả sẽ không còn là chỉ số cho những cơ hội thay thế.

Chúng ta sẽ thấy tầm quan trọng của điều này một cách rõ ràng hơn khi xem xét hành động của những nhà quản lí sản xuất trong các ngành nghề xã hội chủ nghĩa. Nhưng trước khi làm vậy, chúng ta phải biết rằng họ là ai và họ có những chức năng gì.

6

Còn một điểm khác mà cả hai tác giả đều mập mờ đáng trách, đó là bản chất của đơn vị ngành được quản lí riêng rẽ và của những yếu tố sản xuất quyết định quy mô của nó cũng như sự chọn lựa cách thức quản lí nó. Lange dường như tính đến việc tổ chức các ngành khác nhau dưới dạng các tơ-rớt quốc gia (national trusts). Mặc dù vậy, điểm quan trọng này được chạm tới đúng chỉ một lần khi “tơ-rớt than quốc gia” được đề cập đến như là một ví dụ14. Một câu hỏi vô cùng quan trọng và có liên quan, thế nào là một ngành, thì lại không hề được bàn luận ở bất cứ nơi đâu. Nhưng rõ ràng ông lại cho rằng “các nhà quản lí sản xuất” khác nhau sẽ kiểm soát độc quyền những nhóm hàng hóa cụ thể mà họ liên quan đến. Nói chung, Lange sử dụng thuật ngữ “các nhà quản lí sản xuất” một cách quá mập mờ15, không rõ ám chỉ những người điều khiển toàn bộ “ngành” hay chỉ một đơn vị riêng lẻ. Tuy nhiên, ở các điểm then chốt16, xuất hiện sự phân biệt giữa các nhà quản lí của một nhà máy với của toàn bộ ngành nhưng lại không có những giới hạn cụ thể về các chức năng của họ. Dickinson thì thậm chí còn mập mờ hơn khi nói về những hoạt động kinh tế “được phi tập trung hoá và thực hiện bởi một số lượng lớn các cơ quan riêng biệt của nền kinh tế tập thể”; các cơ quan này sẽ có “vốn danh nghĩa cũng như tài khoản lỗ-lãi của riêng mình và sẽ được quản lí chặt chẽ giống như những doanh nghiệp riêng rẽ trong chủ nghĩa tư bản”17.

Cho dù những nhà quản lí sản xuất này là ai thì chức năng chính của họ là quyết định sản xuất bao nhiêu và sản xuất như thế nào trên cơ sở các mức giá ấn định bởi S.E.C (còn giá hàng tiêu dùng cùng với tiền công thì được quyết định bởi thị trường). Họ sẽ được S.E.C hướng dẫn cách sản xuất với chi phí trung bình thấp nhất18 và cách mở rộng sản xuất của từng nhà máy đơn lẻ cho đến khi chi phí cận biên bằng với giá cả19. Theo như Lange, những vị tư lệnh ngành (để phân biệt với những nhà quản lí của từng nhà máy riêng lẻ) cũng sẽ có thêm một nhiệm vụ nữa, đó là quan sát xem số lượng thiết bị trong toàn ngành có được điều chỉnh để sao cho “chi phí cận biên mà ngành phải gánh chịu” khi sản xuất một sản phẩm mà “có thể được bán hoặc được “hạch toán” ở mức giá bằng với chi phí cận biên” là thấp nhất có thể20.

Về điều này, một vấn đề đặc biệt khác nảy sinh, nhưng rất tiếc là nó sẽ không được bàn tới ở đây, bởi lẽ, nó làm dấy lên các câu hỏi có độ khó và độ phức tạp cao mà có lẽ cần phải có một bài viết riêng để bàn đến. Đó là vấn đề liên quan đến trường hợp giảm chi phí cận biên, mà theo như cả hai tác giả, ở đó các ngành trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sẽ hoạt động khác với các ngành trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa nhờ việc mở rộng sản xuất cho đến khi giá cả trở nên ngang bằng, không phải với chi phí trung bình, mà với chi phí cận biên. Mặc dù lí lẽ được sử dụng có độ hợp lí nhất định, nhưng vẫn khó có thể cho rằng vấn đề đã được phác họa một cách thoả đáng bởi bất kỳ cuốn sách nào trong hai cuốn sách, và những kết luận rút ra từ đó còn kém thuyết phục hơn nhiều. Tuy nhiên, trong phạm vi cho phép này, chúng ta không thể làm gì hơn ngoài việc nghiêm túc nghi vấn khẳng định của tiến sĩ Dickinson rằng “với các điều kiện kỹ thuật hiện đại thì việc giảm chi phí là thông thường hơn nhiều so với việc tăng chi phí”. Xem xét bối cảnh của khẳng định này, thì rõ ràng là nó đề cập tới chi phí cận biên21.

Ở đây chúng ta sẽ tự giới hạn trong việc xem xét một câu hỏi nảy sinh từ khía cạnh này của đề xuất - câu hỏi bằng cách nào mà S.E.C đảm bảo được việc thực hành nguyên tắc giá cả cân bằng với mức chi phí cận biên thấp nhất tại đó một lượng sản phẩm liên quan có thể được sản xuất. Câu hỏi nảy sinh ở đây không chỉ “đơn thuần” là về sự trung thành hay năng lực của các nhà quản lí sản xuất xã hội chủ nghĩa. Vì mục đích lập luận, ta có thể cứ cho là họ đủ năng lực và cũng nóng lòng sản xuất với giá rẻ như người chủ doanh nghiệp tư bản thông thường. Vấn đề phát sinh bởi lẽ có sự vắng mặt của một trong số những lực lượng quan trọng nhất đem lại sự giảm thiểu chi phí đến mức có thể trong một nền kinh tế cạnh tranh đúng nghĩa. Đó chính là cạnh tranh giá cả. Trong cuộc bàn luận về loại vấn đề này, cũng giống như cuộc bàn luận thiên về lí thuyết kinh tế ở thời điểm hiện tại, người ta thường xem xét vấn đề cứ như thể các đường chi phí là những sự kiện được đưa ra khách quan. Điều đã bị bỏ quên ở đây là, phương pháp rẻ nhất dưới những điều kiện được cho sẵn là một thứ cần phải được khám phá ra, được khám phá thêm một lần nữa, thường hầu như từ ngày này sang ngày nọ, bởi nghiệp chủ. Và mặc dù có động lực mạnh mẽ, không cứ phải là nghiệp chủ có tên tuổi rõ ràng - người chịu trách nhiệm điều hành một nhà máy hiện hành - mới là người tìm ra phương pháp tốt nhất. Trong một xã hội cạnh tranh, chính cơ hội dành cho bất cứ ai biết một phương pháp rẻ hơn tham gia vào thị trường với sự mạo hiểm của bản thân mình và biết thu hút khách hàng bằng cách chào mức giá bán thấp hơn các nhà sản xuất khác mới là lực lượng mang đến sự giảm thiểu giá cả đến mức chi phí thấp nhất (tức mức giá cho phép một lượng sản phẩm được sản xuất ra ở mức chi phí đó vẫn có khả năng bán được). Nhưng, nếu giá cả bị cố định bởi cơ quan có thẩm quyền thì phương pháp này bị loại trừ. Bất cứ sự cải thiện và điều chỉnh nào của kỹ thuật sản xuất để thích ứng với những điều kiện thay đổi sẽ phụ thuộc vào năng lực của một ai đó trong việc thuyết phục S.E.C rằng hàng hóa được nói đến có thể được sản xuất với chi phí thấp hơn, và vì vậy giá cả nên được hạ xuống. Vì một người với những ý tưởng mới sẽ không có cơ hội củng cố niềm tin bằng việc bán hàng hóa với giá rẻ hơn; ý tưởng mới sẽ không được chứng minh bằng thử nghiệm cho đến khi anh ta thuyết phục được S.E.C rằng phương pháp của mình có chi phí thấp hơn. Hay nói cách khác, mọi sự tính toán bởi một người ngoài cuộc tin rằng anh ta có thể làm tốt hơn phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét và chấp thuận. Điều này có nghĩa là, cơ quan này sẽ phải đảm nhận tất cả các chức năng của một nghiệp chủ.

(Còn nữa)

Chú thích:

(1) D, tr. 30.

(2) LT, tr. 78; D, tr. 60.

(3) LT, tr. 78; D, tr. 126.

(4) LT, tr. 46 và 52.

(5) LT, tr. 81.

(6) LT, tr. 53.

(7) LT, tr. 82.

(8) LT, tr. 86.

(9) D, tr. 100, 102, và 103.

(10) D, tr. 104.

(11) LT, tr. 78.

(12) LT, tr. 70 và 86.

(13) LT, tr. 93-94.

(14) LT, tr. 78.

(15) LT, tr. 75, 79, và 86.

(16) LT, tr. 76 và 82, chú thích.

(17) D, tr. 213.

(18) LT, tr. 75.

(19) LT, tr. 76; D, tr. 107.

(20) LT, tr. 77.

(21) D, tr. 108.

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 8, NXB Tri thức, 2016