Hiệu ứng Ricardo (Phần 1)

Hiệu ứng Ricardo (Phần 1)

1

Trong một tiểu luận viết gần đây về các dao động ngành, tác giả đã giới thiệu "định đề Ricardo quen thuộc theo đó các mức tiền công tăng lên sẽ khuyến khích các nhà tư bản thay thế lao động bằng máy móc"1. Tôi đã đưa ra nhận xét này với ảo tưởng rằng, vậy là một luận điểm được ông sử dụng trong một thời gian dài đã có thể được phát biểu dưới một hình thức quen thuộc hơn và dễ được chấp nhận hơn. Ảo tưởng này đã bị vỡ tan bởi những bình luận ​​khác nhau về bài tiểu luận đó2; và khi xem xét lại các tư liệu trước đây về chủ đề này, tôi đã phát hiện một tình huống khá đặc biệt: trong khi định đề này được ủng hộ và được sử dụng bởi nhiều tác giả kể từ khi nó được Ricardo đưa ra lần đầu tiên3, thì có vẻ như là nó vẫn chưa bao giờ được giải nghĩa một cách thoả đáng. Cụ thể, mặc dù định đề này đóng vai trò nền tảng cho những cuộc thảo luận về tiền lãi trong các tác phẩm của Böhm-Bawerk, Wicksell, và Mises, nhưng không ai trong số những tác giả này phát triển nó thêm. Các công trình lí thuyết đại cương khác trong thời hiện đại4 thường xuyên tham chiếu vắn tắt tới nó, và điều này có vẻ đã tạo ra ấn tượng rằng nó đã được chấp nhận rộng rãi; hiện tượng này cho thấy việc xem xét nó không chỉ thiếu đầy đủ mà còn thường xuyên dựa trên lí lẽ sai lầm. Mặc dù định đề này từng được sử dụng phổ biến trong những nghiên cứu thực tiễn về ảnh hưởng của các mức tiền công cao đối với việc sử dụng máy móc, nhưng chúng tôi vẫn không tài nào tìm được một lí lẽ hợp lí nào trong những tư liệu đó5. Các cuộc thảo luận tương đối đầy đủ nhất trong thời gian gần đây về nó có thể tìm thấy trong một số ấn phẩm bằng tiếng Đức6. Nhưng ở Anh, cách đây vài năm, khi giáo sư Hicks sử dụng định đề này trong một chương của tác phẩm Theory of Wages [Lí thuyết Tiền công], ông Shove, trong bài phê bình tác phẩm đó, đã đưa ra một lí lẽ, mà nay đã trở thành chuẩn mực, đó là: chừng nào lãi suất còn chưa thay đổi, một sự thay đổi nói chung về các mức tiền công sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của các phương pháp sản xuất khác nhau với cùng một tỉ lệ (đây là điều không thể phủ nhận) và do đó, nó không thể làm thay đổi lợi thế tương đối của chúng (đây là suy luận không đúng)7; và sau này Giáo sư Hicks đã bỏ toàn bộ chương sách có chứa đoạn bị phê phán đó, và điều này ngụ ý rằng ông từ bỏ cuộc tranh luận8. Cho đến gần đây ông Kaldor, trong một bài tiểu luận mà chúng tôi sẽ còn tham chiếu đến ở phần sau, trong khi thừa nhận nguyên lí, dường như vẫn giới hạn ý nghĩa của nó vào trong những điều kiện đặc biệt9.

Định đề đang xem xét có tầm quan trọng vượt xa khỏi ngữ cảnh riêng mà nó đã được sử dụng trong các cuộc thảo luận gần đây. Không ngạc nhiên là những người hoàn toàn bác bỏ nó dường như cũng không thể làm sáng tỏ thêm khái niệm mức cung vốn thực hạn chế và sẵn có (a given and limited supply of real capital)10, bởi vì, qua hiệu ứng này, (i) sự khan hiếm về vốn thực rốt cuộc cũng sẽ làm cho chính nó bị ảnh hưởng, bất kể lãi suất có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thuần túy tiền tệ lớn như thế nào, và (ii) khối lượng đầu tư rốt cuộc cũng phải được điều chỉnh đến một mức độ tương thích với cầu về hàng hóa tiêu dùng. Do vậy, định đề này là một phần quan trọng trong lí thuyết cơ bản về sản xuất. Nếu điều này đúng thì việc các nhà kinh tế học chưa thống nhất được với nhau về định đề này chính là nguyên do sâu xa giải thích tại sao lại có sự mâu thuẫn sâu sắc, đến độ không thể dung hoà, giữa họ về các vấn đề phức tạp liên quan đến các dao động ngành, và một nỗ lực đưa ra một bản lĩ lẽ đầy đủ hơn để biện minh cho định đề này dường như là cấp thiết.

Bài tiểu luận này sẽ cố gắng đưa ra một bản lí lẽ như vậy dưới góc độ độc lập nhất có thể đối với những điểm tranh cãi trong lí thuyết về vốn, và không áp dụng trực tiếp để giải quyết các vấn đề về dao động ngành ngoài phạm vi (1) một áp lực chung lên những hiệu ứng ngắn hạn thay vì dài hạn, và (2) tập trung vào hiệu ứng giảm thay vì hiệu ứng tăng các mức tiền công tương đối so với những mức giá sản phẩm, bởi vì ở góc độ này các nguyên lí có vẻ liên quan đáng kể đến việc tìm hiểu về những cuộc khủng hoảng ngành. Nhằm phân tách những phần khác nhau của lập luận, vấn đề sẽ được tiếp cận theo các phân đoạn. Phần tiếp theo sẽ dành để giải thích những khái niệm được sử dụng và trình bày một nguyên lí tổng quát về các giả thiết để cho phép chúng ta bỏ qua yếu tố lãi suất danh nghĩa. Sau khi thiết lập xong nguyên lí chung, các kênh tác động tới cầu đầu tư sẽ được thảo luận trong phần 3. Ở phần 4, tương tác giữa hiệu ứng Ricardo và lãi suất cho vay sẽ được xem xét và thảo luận trước hết với các giả thiết liên quan đến cung tín dụng sao cho gần giống với thực tế. Trong phần 5 và 6 cùng một vấn đề sẽ được xem xét dựa trên giả định về một "cung tín dụng có độ co dãn hoàn hảo", mặc dù rất không thực tế, nhưng nó nêu lên những vấn đề lí thuyết rất đáng quan tâm. Phần cuối cùng sẽ đưa thêm một vài xem xét cần chú ý đối với bất kỳ hoạt động nghiên cứu kiểm chứng về mặt thống kế đối với định đề này.

2

Định đề được mô tả ở đây, với cái tên hiệu ứng Ricardo, khẳng định rằng một sự thay đổi chung về các mức tiền công tương đối so với những mức giá của các sản phẩm sẽ làm thay đổi khả năng sinh lợi tương đối của những ngành khác nhau hoặc sẽ làm thay đổi những phương pháp sản xuất mà sử dụng lao động và vốn ("lao động gián tiếp") theo những tỉ lệ khác nhau. Ở hình thức nguyên sơ, nó khẳng định rằng một mức tăng chung về những mức tiền công so với các mức giá sản phẩm sẽ không làm giảm khả năng sinh lợi của các ngành hoặc của những phương pháp sản xuất sử dụng tương đối nhiều vốn xuống đến mức giống như phương pháp sản xuất sử dụng ít vốn hơn. Ở đây, chúng ta quan tâm nhiều hơn tới định đề nghịch đảo của định đề này, cụ thể là, một mức giảm chung về những mức tiền công so với các mức giá sản phẩm sẽ có tác dụng ngược lại11.

Một sự thay đổi chung trong các mối quan hệ giữa những mức tiền công và các mức giá sản phẩm có thể được tạo ra bởi một sự thay đổi chung về các mức giá sản phẩm, hoặc bởi một sự thay đổi chung về những mức tiền công, hoặc bởi một sự thay đổi về công nghệ hoặc về lượng (vật lí) của các yếu tố sẵn có khác dẫn đến thay đổi năng suất lao động. Trong khi bất kỳ loại nào trong những thay đổi trên có thể phục vụ cho mục đích nghiên cứu của chúng ta như là một biến độc lập, thì dĩ nhiên chúng ta phải không được phép đối xử theo cùng cách như vậy với sự thay đổi về năng suất lao động, vốn là hệ quả của các thay đổi về tỉ lệ giữa giữa vốn và lao động được sử dụng, bởi nó là biến phụ thuộc trong bài toán của chúng ta.

Loại thay đổi cụ thể mà chúng ta sẽ dùng làm minh họa định đề sẽ là một mức tăng chung trong những mức giá của các hàng hoá cuối cùng (hay hàng hoá tiêu dùng)12, trong khi những mức tiền công danh nghĩa được giả định là không đổi (và do đó giảm tương đối so với các mức giá hàng hoá tiêu dùng). Chúng ta sẽ giả định sự tăng giá cả này là do có một sự gia tăng về cầu, xuất phát từ một sự tăng thu nhập từ hoạt động sản xuất hàng hoá tư liệu sản xuất, và mức tăng này vượt quá ngưỡng mà kể từ đó trở đi sản lượng hàng hoá tiêu dùng có thể tăng lên một cách dễ dàng. Chúng tôi sẽ giả sử tiếp là nghiệp chủ kỳ vọng các mức giá hàng hoá tiêu dùng tiếp tục giữ ở mức cao mới này ít nhất trong một khoảng thời gian đáng kể nhất định. Không có giả định nào được đưa ra liên quan đến bất kỳ sự thay đổi nào về mức giá của hàng hoá tư liệu sản xuất, đó chính là một phần trong vấn đề của chúng ta.

Giả thiết về mức tăng chung của những mức giá hàng hoá tiêu dùng trong khi các mức tiền công vẫn không thay đổi dĩ nhiên hàm ý rằng tất cả mức tiền công giảm xuống tương đối so với các mức giá hàng hóa tiêu dùng. Chỗ nhấn mạnh ở trên là rất quan trọng bởi vì định đề này thường bị hiểu sai là nó liên quan đến tình huống tại đó chỉ có những mức tiền công của lao động kết hợp với máy móc là thay đổi tương đối so với các mức giá, còn những mức tiền công được sử dụng để sản xuất máy móc thì không bị ảnh hưởng13. Cần phải thừa nhận ngay rằng, với một sự thay đổi chung như thế về những mức tiền công so với các mức giá hàng hoá, thì những mức chi phí sản xuất các hàng hoá tiêu dùng bởi những phương pháp sản xuất khác nhau cũng sẽ phải, nếu giả sử chúng ta giả định mức lãi suất là đồng nhất, được thay đổi theo cùng tỉ lệ. Tuy nhiên, luận điểm của chúng ta lại là khả năng thu hút đầu tư vào các ngành hoặc những phương pháp sản xuất khác nhau sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau.

Vì mục đích của phần lập luận này, để loại trừ bất kỳ ảnh hưởng nào do lãi suất danh nghĩa gây ra, chúng tôi sẽ giả sử rằng không có hoạt động cho vay dưới bất kỳ hình thức nào trong phân đoạn mà chúng ta xem xét: các nghiệp chủ hoặc là sở hữu toàn bộ vốn họ sử dụng và bị ngăn cản một cách hữu hiệu việc mang vốn đi cho vay, hoặc bị hạn chế bởi một chính sách phân phối tín dụng nghiêm ngặt. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ giả thiết rằng, trước khi nâng các mức giá hàng hoá tiêu dùng, tỉ suất lợi tức trên vốn đầu tư phải là như nhau đối với tất cả các hãng. Bằng cách loại trừ việc xem xét lãi suất trong thảo luận về những hiệu ứng của sự thay đổi các mức giá hàng hoá tiêu dùng, chúng ta, ở thời điểm hiện tại, chủ ý tránh được cái mà sau này sẽ trở thành vấn đề chính của chúng ta. Tuy nhiên, việc khoanh lại tạm thời vấn đề chính sẽ giúp chúng ta khu trú vào những phần cơ bản nhất của lập luận để có được một trình bày rõ ràng.

Do đó vấn đề hiện nay của chúng ta là, với những mức tiền công không thay đổi, việc tăng các mức giá hàng hóa tiêu dùng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phân bổ hiện tại của những quỹ tài chính thuộc quyền kiểm soát của các nghiệp chủ giữa chi phí cho tiền công (hay đầu tư cho "vốn lưu động") và chi phí cho máy móc thiết bị (đầu tư cho "vốn cố định"). Để tránh sự phức tạp phát sinh từ những thay đổi trong giá cả của nguyên vật liệu thô, v.v., mà tôi đã thảo luận ở nơi khác14, chúng ta có thể giả định rằng các hãng mà chúng ta quan tâm đều dưới dạng một nhà máy nằm trên một khu đất không có hoa lợi (marginal land) trong đó lao động được thuê sản xuất không chỉ toàn bộ nguyên vật liệu thô mà còn cả nhiên liệu.

Vẫn cần phải đưa ra một thước đo rõ ràng và tránh được tranh cãi càng nhiều càng tốt về những tỉ lệ trong đó vốn và lao động được kết hợp ở các hãng khác nhau và trong những phương pháp sản xuất khả thể. Đối với mục đích lập luận trước mắt, thước đo thuận tiện nhất và cũng quen thuộc với các nghiệp chủ là khái niệm về "tốc độ quay vòng" (rate of turnover), áp dụng cho hoặc toàn bộ vốn hoặc bất kỳ phần vốn nào của một hãng. Một số hãng có thể kỳ vọng "quay vòng" vốn của họ (tức là, lấy từ các khoản thu nhập hiện tại một lượng tiền tương đương với số vốn của mình để tái đầu tư) hai tháng một lần, trong khi những hãng khác có thể kỳ vọng làm như vậy chỉ năm hoặc thậm chí mười năm một lần, và tốc độ quay vòng này phụ thuộc, ít nhất là một phần15, vào bản chất của hoạt động kinh doanh và các đặc trưng của phương pháp sản xuất được áp dụng; và đấy là những thực tế quen thuộc. Tương tự, sự thật là trong bất cứ hãng nào một phần của tài sản sẽ được "quay vòng", hoặc hoàn toàn chuyển thành tiền mặt và tái đầu tư, mười hai lần trong một năm, trong khi hãng khác có thể bị khấu hao hoàn toàn và thay thế chỉ một lần trong hai mươi năm. "Tốc độ quay vòng" thể hiện (như một số nguyên hoặc phân số) số lần vốn được luân chuyển trong suốt một năm. Để thuận tiện, chúng ta sẽ sử dụng một tính từ để miêu tả các hãng hoặc những phương pháp sản xuất có tốc độ quay vòng tương đối cao hoặc tương đối thấp; cụ thể, chúng ta sẽ, vì những lí do hiển nhiên, đôi lúc sử dụng những thuật ngữ kỹ thuật "thâm dụng vốn nhiều hơn" cho các hãng hoặc những phương thức có tốc độ quay vòng vốn tương đối thấp, và "thâm dụng vốn ít hơn" cho các hãng hoặc những phương pháp sản xuất có tốc độ quay vòng tương đối cao.

Khái niệm tốc độ quay vòng vốn cung cấp một điểm khởi đầu đặc biệt hữu ích cho cuộc thảo luận của chúng ta, bởi vì những thay đổi trong mối quan hệ tiền công - giá hàng hoá tiêu dùng hiển nhiên sẽ ảnh hưởng trước hết tới khoản lời kiếm được mỗi khi sản phẩm được sản xuất ở một mức chi phí nhất định có thể được bán ra. Chừng nào giá cả hàng hoá tiêu dùng còn cao hơn so với chi phí sản xuất, thì mức chênh lệch sẽ là một khoản lợi nhuận với tỉ lệ xác định trên vốn mỗi lần vốn được quay vòng, và bất kỳ mức tăng xác định nào đối với giá hàng hoá tiêu dùng so với chi phí sản xuất sẽ cho phép nghiệp chủ kiếm được lợi nhuận cao hơn trên mỗi đơn vị thời gian từ lượng vốn xác định của mình nhờ việc anh ta có khả năng quay vòng vốn của mình thường xuyên hơn.

Trong tình huống cần bằng dài hạn mà chúng tôi giả sử là đã tồn tại trước khi các mức giá tăng, một tình huống mà tỉ suất lợi tức trên vốn đầu tư sẽ là như nhau cho tất cả các hãng, thì mối quan hệ giữa tốc độ quay vòng và khoản lợi nhuận trên mỗi vòng quay vốn là rất đơn giản. Để tránh thuật ngữ mơ hồ "lợi nhuận", từ đây trở đi chúng ta sẽ sử dụng các thuật ngữ sau đây: (1) Tỉ suất lợi tức thuần hằng năm trên toàn bộ vốn của một hãng (hoặc bất kỳ phần vốn nào mà chúng ta thấy cần thiết để tính toán chỉ số này một cách riêng rẽ), sau khi khấu trừ “tiền công quản lí” và bảo hiểm rủi ro, sẽ được gọi là “tỉ suất lợi tức nội bộ”16. Ở trạng thái cân bằng dài hạn mà chúng ta vừa đề cập đến, tỉ suất lợi tức nội bộ này sẽ giống nhau cho tất cả các hãng và cho mỗi phần vốn của bất kỳ hãng nào. (2) Tỉ lệ tiền lời trên mỗi kỳ doanh thu, và do vậy, trên vốn tại mỗi vòng quay, được thể hiện dưới dạng phần trăm, và chúng ta gọi nó là “biên lợi nhuận”. Hãy nhớ rằng tỉ lệ quay vòng vốn thể hiện số lần tổng doanh thu (hoặc đúng hơn là các chi phí để tạo ra sản phẩm được bán ra trong năm) vượt giá trị vốn của hãng, thì rõ ràng là, nếu tỉ suất lợi tức nội bộ là đồng nhất với tất cả các hãng, biên lợi nhuận sẽ phải tỉ lệ nghịch với tỉ lệ quay vòng vốn. Do đó, nếu chúng ta gọi tỉ suất lợi tức nội bộ là I, tốc độ quay vòng T, và biên lợi nhuận M, mối quan hệ giữa chúng sẽ được diễn tả bởi công thức:

I = TM    hay   M =I/T

Nếu, ví dụ, tỉ suất lợi tức nội bộ là 6%, biên lợi nhuận của một hãng có tốc độ quay vòng vốn sáu lần một năm sẽ là 1%, trong khi biên lợi nhuận của một hãng có tốc độ quay vòng vốn chỉ một lần trong hai năm sẽ là 12% trên tổng doanh số bán hàng, và một hãng có tốc độ quay vòng vốn 10 năm một lần sẽ kiếm được biên lợi nhuận là 60%17.

Tỉ suất lợi tức nội bộ của các hãng khác nhau sẽ bị ảnh hưởng bởi một mức tăng giá chung 5% như thế nào? Một sự tăng giá như vậy có nghĩa là một sự gia tăng với tỉ lệ tương ứng của các khoản thu từ việc bán bất kỳ lượng hàng hóa tiêu dùng nào, chi phí sản xuất lượng hàng hoá đó là không thay đổi, có nghĩa là làm gia tăng biên lợi nhuận kiếm được trên mỗi vòng quay vốn bằng với mức tăng giá chung. Đối với ba hãng mà chúng đã minh họa, hãng đầu tiên (với tốc tốc độ quay vòng vốn hàng năm T = 6) sẽ có mức biên lợi nhuận tăng từ 1% lên 6 %; hãng thứ hai (với T = 1), tăng từ 6% lên 11%; và hãng thứ ba (với T = 1/10), tăng từ 60% lên 65%. Nhân biên lợi nhuận tương ứng với tốc độ quay vòng vốn, chúng ta sẽ nhận được tỉ suất lợi tức nội bộ mới là 6 x 6 = 36% cho hãng đầu tiên, 1 x 11 = 11% cho hãng thứ hai, và 1/10 x 65 = 6,5% cho hãng thứ ba18.

Trong những hoàn cảnh được giả định, những sự khác biệt về tỉ suất lợi tức nội bộ của các hãng khác nhau không dẫn đến bất kỳ thay đổi nào trong ngắn hạn về lượng vốn mà các hãng nắm giữ (không vượt quá phần tái đầu tư để duy trì mức lợi nhuận) - mặc dù những sự khác biệt này, mà lẽ ra tồn tại trong thế giới thực, tạo ra hiệu ứng khá rõ ràng lên sự phân bổ vốn giữa các hãng. Do vậy, cho phép chúng tôi chuyển từ sự khác biệt giữa những hiệu ứng lên lợi nhuận của các hãng khác nhau sang sự khác biệt giữa hiệu ứng của cùng sự thay đổi lên tỉ suất lợi tức của những phần khác nhau của vốn đầu tư tại bất kỳ một hãng nào. Khái niệm các tỉ lệ quay vòng vốn, và cả những tỉ suất lợi tức nữa, riêng rẽ và có khả năng biết chắc của các phần khác nhau của nguồn vốn của bất kỳ hãng nào (biết một cách chắc chắn, dù có khả năng là không bao giờ xác định được một cách chính xác trên thực tế) phụ thuộc vào khả năng nắm chắc được mức đóng góp cận biên vào sản phẩm của những phần vốn khác nhau; và đến lượt, một cách tương tự, điều này phụ thuộc vào khả năng biến đổi các tỉ lệ tại đó những dạng thức khác nhau của vốn được kết hợp. Chúng ta sẽ giải thích trong phần tiếp theo tại sao chúng ta nghĩ rằng, theo một nghĩa liên quan, sự biến đổi này là tương đối cao, ngay cả trong ngắn hạn. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta sẽ tiến hành dựa trên giả định rằng điều này là như vậy và nhờ vậy, chúng ta ở vào vị thế xác định tỉ lệ quay vòng vốn cũng như sản phẩm cận biên, và do đó mức biên lợi nhuận kiếm được, của bất kỳ phần vốn nào của các hãng19.

Vì mục đích của phân tích này, chúng tôi có thể sử dụng cùng cách biểu đạt dạng số mà chúng ta đã sử dụng với trường hợp nhiều hãng khác nhau; nghĩa là, chúng ta có thể giả định rằng, đối với các cấu phần chính của vốn của một hãng cụ thể mà giờ đây chúng ta xem xét, tốc độ quay vòng vốn là 6 cho phần vốn được dành cho tiền công hiện hành, là 1 cho phần vốn dành cho công cụ, thiết bị, v.v. và là 1/10 cho máy móc hạng nặng, nhà xưởng, v.v. Chúng ta sẽ tiếp tục giả định rằng sau khi tỉ suất lợi tức nội bộ đồng nhất được thiết lập, những mức giá hàng hoá tiêu dùng tăng 5% và hệ quả là, các tỉ suất lợi tức nội bộ kiếm được trên những loại vốn khác nhau sẽ tăng so với trước đây lần lượt là 36%, 11% và 6,5%. Rõ ràng đây chỉ có thể là một tình trạng tạm thời nếu như các tỉ lệ giữa các loại vốn có những tỉ lệ quay vòng vốn khác nhau có thể biến đổi. Bây giờ hãng sẽ tái phân bổ nguồn kinh phí đầu tư hiện tại để tăng đầu tư vào phần vốn có tỉ lệ quay vòng vốn cao và giảm đầu tư vào phần vốn có tỉ lệ quay vòng vốn thấp. Sự thay đổi này sẽ tiếp diễn cho tới khi nào các tỉ suất lợi tức kỳ vọng một lần nữa là như nhau cho tất cả dạng đầu tư, và kinh phí đầu tư hiện tại sẽ tiếp tục được phân bổ theo cơ cấu mới này cho tới chừng nào các điều kiện như thế vẫn còn hiện hữu, và rốt cuộc là tất cả lượng vốn của hãng được phân bổ theo cách tương thích với những điều kiện mới. Kết quả là, một tỉ suất lợi tức nội bộ đồng nhất mới cho hãng được thiết lập ở đâu đó giữa hai thái cực 6,5% và 36%, và ở tỉ suất lợi tức mới này, tổng lợi tức có thể thu được từ các nguồn lực giới hạn của hãng (được gia tăng là nhờ việc tái đầu tư bất kỳ khoản lợi nhuận tăng thêm nào) sẽ đạt tới mức tối đa.

Mặc dù các tỉ suất lợi tức nội bộ một lần nữa được thiết lập đồng nhất cho bất kỳ một hãng cụ thể nào, chúng vẫn tiếp tục khác nhau đối với những ngành khác nhau và (ở một mức độ thấp hơn) đối với các hãng khác nhau trong cùng một ngành. Việc tỉ suất lợi tức nội bộ được cố định ở một mức nào đó cho một hãng cụ thể nào đó sẽ phụ thuộc vào cấu phần ban đầu của vốn của hãng đó và vào mức độ mà chi phí sản xuất sẽ bị đội lên trong quá trình chuyển tiếp sang các phương pháp sản xuất thâm dụng vốn ít hơn. Nhưng, nói chung, các tỉ suất lợi tức sẽ tiếp tục cao hơn ở những ngành, do bản chất sản phầm đầu ra của chúng, cần vốn tương đối ít hơn, và thấp hơn ở những ngành cần vốn tương đối nhiều hơn, mặc dù cả hai loại ngành đều có xu hướng thay đổi nhanh nhất có thể xuống các phương pháp sản xuất thâm dụng vốn ít hơn20.

(còn nữa)

Chú thích

(1) Profits, Interest, and Investment (1939); xem thêm The Pure Theory of Capital (1941), chương xxvii.

(2) Xem bình luận về Profits, Interest, and Investment, của H. Townsend trên Economic Journal, tháng 3/1940, and T. Wilson, "Capital Theory and the Trade Cycle", Review of Economic Studies, tháng 6/1940. Tôi đã không không thể tìm và đọc được C. Welinder, "Hayek och 'Ricardoeffekten'", Ekonomisk Tidskrift, tháng 3/1940.

(3) Các đoạn có liên quan trong tác phẩm Principles của Ricardo có thể được tìm thấy trong Works, biên tập bởi McCulloch, trang 26 và 241.

(4) Ví dụ, N. G. Pierson, Principles of Economics, I (1902), 219, 308; G. Cassel, The Nature and Necessity of Interest (1903), trang 116: "Giả sử lãi suất là không đổi, khi đó, giá nhân công càng cao thì nguy cơ lao động bị thay thế càng lớn"; F. A. Fetter, Economic Principles (1915), trang 340; H. R. Seager, Principles of Economics (tái bản, 1917), trang 278, 289; R. G. Hawtrey, The Economic Problem (1926), trang 324 và tiếp; cũng xem H. G. Hayes, "The Rate of Wages and the Use of Machinery”, và C. O. Fisher, "An Issue in Economic Theory: The Rate of Wages and the Use of Machinery”,trên American Economic Review, 1923, một cuộc thảo luận cực kỳ ấn tượng, mà lập luận sai lầm của tác giả thứ nhất đã dễ dàng bị tác giả thứ hai phản bác.

(5) Ví dụ, G. von Schulze-Gaevernitz, Der Grossbetrieb (1892); J. Schrenhof, The Economy of High Wages (1893), trang 33, 279; L. Brentano, Hours and Wages in Their Relation to Production (1894); và J. A. Hobson, The Evolution of Modern Capitalism (1894), trang 81.

(6) Cụ thể xem H. Neisser, "Lohnhohe und Beschaftigungsgrad im Marktgleichgewicht”, Weltwirtschaftliches Archiv, Vol. XXXVI (Tháng 10/1932); và A. Kahler, Die Theorie der Arbeiterfreisetzung durch die Maschine (Leipzig, 1933), trang 75. Có lẽ tôi nên nói thêm rằng nhờ Giáo sư Neisser mà tôi đã có thêm niềm tin rằng định đề đã được chấp nhận rộng rãi; vì vào cùng khoảng thời gian bài viết của ông xuất hiện, khi tôi gặp phải nhầm lẫn tai hại về luận điểm này (trong một bài tiểu luận đăng trên cùng tạp chí), thì chính ông là người đã kịp thời giúp tôi thoát ra và chỉ ra cho tôi sự nhầm lẫn [thông qua nói chuyện].

(7) J. R. Hicks, The Theory of Wages (1932), chương ix, và bài phê bình của G. F. Shove trong Economic Journal, XLlll (Tháng 9/1933), 471.

(8) J. R. Hicks, "Wages and Interest: The Dynamic Problem”, Economic Journal, Vol. XLV (tháng 9/1935).

(9) N. Kaldor, "Capital Intensity and the Trade Cycle”, Economica, Vol. VI, No. 21 (tháng 2/1939); xem thêm "Annual Survey of Economic Theory: The Recent Controversy on the Theory of Capital”, Econometrica, Vol. V, No.3 (tháng 7/1937).

(10) Như tôi đã cố gắng để diễn tả ở đâu đó (Pure Theory of Capital, trang 147), cách duy nhất để mô tả thoả đáng về khái niệm "mức cung vốn" này là liệt kê đầy đủ những dòng sản phẩm đầu ra khả dĩ tại các khuôn thời gian (time shapes) khác nhau mà có thể được sản xuất từ ​​những nguồn lực hiện có. Dòng sản phẩm đầu ra nào trong số này sẽ được sản xuất phụ thuộc trước hết vào cái có lẽ được gọi là "tỉ lệ việc làm" (tức là tỉ lệ người được tuyển dụng tại những thời điểm kế tiếp trong giai đoạn xem xét) và vào loại hình tuyển dụng, đến lượt các yếu tố này phụ thuộc vào cầu cuối cùng, những mức tiền công danh nghĩa, và hệ quả của những điều này là, phụ thuộc vào quan hệ giữa các mức tiền công danh nghĩa với các mức giá của các sản phẩm. Thường thì sẽ chỉ có một dòng sản phẩm đầu ra, khi được sản xuất, sẽ tạo ra một dòng thu nhập với quy mô và khuôn thời gian sao cho một phần của thu nhập đó, mà tại thời điểm bất kỳ sẽ được chi cho hàng hóa tiêu dùng, sẽ ngang bằng đúng với chi phí cho sản lượng hàng hóa tiêu dùng hiện tại, tính đến cả tỉ suất lợi tức được kỳ vọng để quyết định lựa chọn phương pháp sản xuất đã được sử dụng.

Sai lầm chết người của Bohm-Bawerk (và cũng là của Wicksell, nhưng ở mức độ ít nghiêm trọng hơn) là, mặc dù ông hoàn toàn ý thức được rằng nguồn tư liệu sản xuất hiện tại có khả năng sản xuất nhiều hơn một dòng sản phẩm đầu ra duy nhất, ông đã cố gắng đơn giản hóa quan điểm của mình bằng cách đồng nhất nguồn tư liệu sản xuất với một số lượng xác định hàng hóa tiêu dùng và thể hiện điều này trong minh họa của mình bằng một lượng cố định vốn danh nghĩa có sẵn. Phân tích tại chương cuối nổi tiếng "The Market for Capital in Its Full Development” [Thị trường vốn ở dạng phát triển đầy đủ] trong cuốn Positive Theory sẽ có ý nghĩa hoàn hảo nếu chúng ta lưu ý đến sự đơn giản hóa này, rằng nó gần như không liên quan đến bất cứ điều gì trong thế giới thực đối với bất cứ ai nhìn việc biểu diễn cung vốn bằng một khối lượng tiền theo nghĩa đen.

(11) G.P. Shove đã viết một bài phê bình (đang trong giai đoạn bình duyệt) đối với bài luận này, và kết quả là tôi không còn dám chắc liệu việc chỉ ra chân giá trị của định đề ở dạng nghịch đảo có chứng tỏ được định đề gốc là đúng nữa hay không.

(12) Ở đây, Hayek sử dụng các thuật ngữ “final products”, “final goods”, “consumers goods” và “commodities” với nghĩa tương đương, vì vậy, chúng đều sẽ được dịch là “hàng hoá tiêu dùng” (ND).

(13) Trong khi nhiều tác giả sau này đã nhầm lẫn ở điểm này, thì Ricardo rõ ràng đã giả thuyết về một sự thay đổi chung của các mức tiền công; xuất phát điểm của thảo luận ngắn của ông về toàn bộ vấn đề là câu hỏi, nếu các mức tiền công tăng 10%, "phải chăng máy móc sẽ không tăng giá" ở cùng một mức độ? Xem Works, McCulloch biên tập, trang 26.

(14) Profits, Interest, and Investment, trang 29 và tiếp.

(15) Tất nhiên tốc độ quay vòng phụ thuộc không chỉ vào bản chất của hoạt động kinh doanh và các phương pháp kỹ thuật được áp dụng, mà còn (ngoài "tình trạng thương mại") vào kỹ năng và sự thành công của nghiệp chủ. Không nghi ngờ gì, một nghiệp chủ - người mà hoạt động trong cùng một lĩnh vực kinh doanh và cùng áp dụng những phương pháp kỹ thuật có thể làm cho một số tiền vốn nhất định quay vòng nhiều hơn đồng nghiệp biên (marginal colleague) của mình - sẽ kiếm được từ kỹ năng riêng này một khoản lợi nhuận khác biệt; nhưng điều này không làm thay đổi thực tế đang được bàn luận là các nghiệp chủ với cùng kỹ năng, ở những ngành kinh doanh khác nhau và với các phương pháp kỹ thuật khác nhau, sẽ phải kiếm được những mức biên lợi nhuận khác nhau trên mỗi vòng quay của vốn để có được cùng một tỉ suất lợi tức trên vốn. Một ví dụ điển hình là, một người bán sách cũ, bởi tốc độ quay vòng vốn của anh ta nhỏ hơn nhiều so với người bán những cuốn sách mới, sẽ phải kiếm được một tỉ lệ phần trăm lợi nhuận lớn hơn nhiều trên mỗi cuốn sách bán ra so với người kia.

(16) Thuật ngữ "tỉ suất lợi tức nội bộ" được vay mượn từ K. E. Boulding, "The Theory of a Single Investment", Quarterly Journal of Economics, XLIX (tháng 5/1935), trang 478 và tiếp. Thuật ngữ tương đương trong tiếng Đức (chính xác ra phải là thuật ngữ "innerer Zinssatz") đã được sử dụng trước đó, có lẽ trong những trao đổi về các hiệu ứng của phân phối tín dụng thì phải, nhưng bây giờ tôi không thể nhớ là khi nào và bởi ai.

(17) Để đơn giản hóa việc tính toán, lãi kép được bỏ qua xuyên suốt bài viết.

(18) Dĩ nhiên những con số này cho thấy hiệu ứng của việc tăng giá lên lợi nhuận của các hãng là khác nhau, và chúng sẽ thay đổi khi có những điều chỉnh trong các cấu phần vốn của các hãng; đây là điều mà chúng ta sẽ còn thảo luận tiếp.

(19) Tiến sĩ Hawtrey, trong bài phê bình cuốn sách của tôi “Pure Theory of Capital” (Economic Journal, tháng 6-9/1941, trang 286), cố gắng đưa ra sự phân biệt giữa phép đo lợi suất của bất kỳ khoản đầu tư nào dưới góc độ "khả năng tiết kiệm chi phí ròng" và dưới góc độ đóng góp cận biên của nó vào sản lượng đầu ra cuối cùng và khẳng định rằng, trong khi cái trước thường là khả dĩ, thì cái sau sẽ chỉ có thể làm được trong một số trường hợp đặc biệt. Nhưng cả hai cách này chắc chắn chỉ là các khía cạnh khác nhau của cùng một thứ, và không cái nào tỏ vẻ hữu dụng hơn cái kia: sự khác biệt giữa chúng chỉ là, trong trường hợp đầu tiên chúng tôi giả định các tỉ lệ giữa những yếu tố sản xuất khác nhau được điều chỉnh sao cho đảm bảo đầu ra không đổi, trong khi, trong trường hợp thứ hai, chúng tôi giả định số lượng của tất cả những nguồn lực, ngoại trừ một loại, là không đổi, và quan sát các hiệu ứng của sự thay đổi trong loại đó lên số lượng đầu ra. Hay, nói cách khác, cách tiếp cận đầu tiên là dưới góc độ các chuyển động dọc theo một đường sản phẩm đồng đẳng (equiproduct curve) và những thay đổi trong các tỉ lệ thay thế cận biên giữa những yếu tố sản xuất, trong khi cách tiếp cận thứ hai là dưới góc độ các chuyển động song song với các trục của cùng biểu đồ và những thay đổi mang tính hệ quả trong sản phẩm cận biên.

(20) Có người đã lập luận (bởi Wilson trong bài luận đã được trích dẫn trước) rằng những minh họa bằng số mà tôi đã một lần nữa thực hiện trong các lập luận trên đây gây ra hiểu nhầm bởi vì trong bối cảnh hiện đại, sự lựa chọn thực tiễn không phải là giữa vốn đầu tư kéo dài vài tháng và vốn đầu tư kéo dài một hoặc hai năm, mà là giữa các loại máy móc có thời gian sử dụng nhiều năm, và điều này có nghĩa là, sự khác biệt về tỉ suất lợi tức giữa chúng gây ra bởi những thay đổi trong các mức giá sản phẩm là rất nhỏ và gần như không đáng kể. Hoàn toàn đúng là, ví dụ, trong minh họa của chúng tôi, tỉ suất lợi tức trên vốn với tốc độ quay vòng là 1/10 sẽ tăng từ 6% lên 6,5%, lợi tức trên vốn với tốc độ quay vòng là 1/12 sẽ được tăng từ 6% lên 6,417% - một sự khác biệt thực sự không đáng kể. Nhưng phản bác này hoàn toàn không đụng chạm đến điểm mấu chốt của lập luận. Nó dựa trên một sự nhầm lẫn, có lẽ là do sự giống nhau trong cách phát biểu của của hai mệnh đề. Đúng là máy móc mới, bền hơn (hoặc tiết kiệm lao động hơn) sẽ thay thế máy móc kém bền hơn hoặc ít tiết kiệm lao động hơn. Nhưng mệnh đề này có một ý nghĩa khác với mệnh đề cho rằng vốn bổ sung là để thay thế những yếu tố sản xuất khác. Vốn bổ sung, tức số tiền được thêm vào để đầu tư máy móc mới, đắt hơn (vì độ bền lớn hơn hoặc tiết kiệm lao động hơn), vượt quá ngưỡng cần thiết để thay thế máy móc cũ bằng loại giống vậy, không phải được dành để thay thế máy móc cũ. Không có gì khác nữa ở đây. Khoản này đã được trù định để tiết kiệm chi phí hơn nữa, để giảm số lượng các yếu tố sản xuất cần thiết khác, và tỉ suất lợi tức của khoản này phải được so sánh với tỉ suất lợi tức trên vốn đầu tư vào các yếu tố khác mà nó dự định thay thế. Để đơn giản hóa một chút, chúng ta có thể nói rằng khoản vốn bổ sung đầu tư vào máy móc được sử dụng để thay thế thêm lao động bằng cách làm cho máy móc trở nên bền hơn, với kết quả là đầu tư thêm cho máy móc sẽ thay thế lao động nhiều hơn con số lẽ ra sẽ là nếu như khoản đó được dành để đầu tư vào máy móc kém bền hơn (bởi vì, tại bất kỳ tỉ lệ lãi suất dương nào, việc đầu tư để làm cho máy bền hơn sẽ mang lại lợi nhuận chỉ khi thời gian sử dụng của nó được tăng lên nhiều hơn so với chi phí phát sinh); hoặc chúng ta có thể nói rằng nó được sử dụng để làm cho máy móc tiết kiệm lao động nhiều hơn, trong trường hợp đó, càng rõ ràng là vốn bổ sung không dành để thay thế các máy móc khác mà là thay thế lao động hiện hành. Bằng cách so sánh (trong minh họa mà Wilson phản đối) hiệu ứng của việc tăng giá hàng hoá tiêu dùng lên khoản đầu tư trong hai năm với các khoản đầu tư trong một vài tháng, tôi đã thể hiện hết được lập luận của mình, và những điều có vẻ đúng trong các trường hợp giả định này cần phải càng đúng hơn nữa trong những tình huống thực tế hơn, tại đó máy móc với vòng đời lên tới mười hay thậm chí hai mươi năm sẽ được đưa vào để tiết kiệm lao động hiện hành.

Dĩ nhiên, lập luận vẫn đúng, rằng nếu chúng ta tính toán tốc độ quay vòng (hoặc "chu kỳ đầu tư trung bình") và tỉ suất lợi tức cho toàn bộ vốn của một hãng, thì các thay đổi trong bất kỳ chỉ số nào đều sẽ nhỏ. Nhưng điểm mấu chốt ở đây là, ở vào bất kỳ thời điểm nào, nghiệp chủ không đưa ra quyết định đối với toàn bộ vốn, và các khoản lời theo những phương án đầu tư khác nhau có được từ các khoản tái đầu tư hiện hành sẽ khác nhau đáng kể, dù là dưới dạng con số tuyệt đối hay được thể hiện bằng tỉ lệ phần trăm so với giá trị của những khoản tái đầu tư hiện hành này.

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 11, NXB Tri thức, 2016

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh