[Cuộc cách mạng thị trường xanh] Tại sao Chính phủ thất bại?
Hầu hết những yêu cầu bảo vệ môi trường đều kêu gọi Chính phủ phải hành động tích cực hơn nữa. Những ví dụ trong chương này chứng tỏ rằng từ trước tới nay các chính phủ thường xuyên thất bại trong việc bảo vệ môi trường. Cần phải giảm tối đa các biện pháp bảo vệ môi trường mang tính chính trị.
Con người cần một môi trường trong sạch và lành mạnh để có thức ăn, quần áo mặc và nghỉ ngơi. Vì vậy, việc người ta đánh giá cao công tác bảo tồn và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề liên quan đến môi trường như nạn ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên là hoàn toàn dễ hiểu.
Không hiểu tại sao chúng ta lại thường đòi hỏi chính phủ giải quyết những vấn đề môi trường. Từ Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng (Endangered Species Act) đến Đạo luật về nước sạch (Clean Water Act), đến Thỏa ước Paris, các 'giải pháp' về môi trường thường đồng nghĩa với chính sách và quy định của chính phủ. Thế nhưng chính phủ tham gia nhiều hơn không có nghĩa là môi trường lành mạnh hơn. Tại sao? Bởi vì động cơ đóng một vai trò quan trọng.
Con người luôn có những nhu cầu trái ngược nhau đối với các nguồn tài nguyên khan hiếm bởi chúng ta lệ thuộc vào chúng cho nhiều nhu cầu và ham muốn khác nhau. Xin lấy dòng sông làm ví dụ. Có thể chuyển hướng dòng nước để cung cấp nguồn nước cho thành phố ở hạ lưu, có thể chèo thuyền và câu cá trên đó, hay mặc kệ nó chảy để cung cấp môi trường sống cho động vật hoang dã, có thể xây đập thủy điện để có nguồn điện tái tạo, hoặc sử dụng để dọn sạch và hòa tan chất thải. Tuy nhiên, nước sông không thể phục vụ tất cả nhu cầu của tất cả mọi người. Sử dụng tài nguyên như thế nào là vần đề phân bổ - khi một quyết định được đưa ra, sự đánh đổi và giá trị của những biện pháp sử dụng khác nhau cần phải được tính tới. Người được trao quyền lựa chọn sẽ tạo ảnh hưởng lên quá trình lựa chọn những sự đánh đổi đó.
Quan chức chính phủ có những lựa chọn khác hẳn với người trong khu vực tư nhân, vì họ có động cơ khác nhau. Quan chức chính phủ ban hành quyết định không phải chịu toàn bộ chi phí hay được hưởng tất cả các lợi ích do quyết định của mình tạo ra. Nếu mái nhà của bạn bị dột, bạn nên sửa chữa ngay lập tức. Là chủ nhà, bạn phải trả toàn bộ chi phí thiệt hại và lĩnh hậu quả lâu dài nếu để cho tình hình ngày càng xấu đi. Sửa chữa ngay sẽ làm bạn cảm thấy yên tâm hơn, đồng thời cũng làm gia tăng giá trị của công trình. Quyết định của các quan chức chính phủ thường không tính đến những phương án sử dụng nguồn lực cho những mục đích khác nhau hoặc hiểu không đúng về sự đánh đổi. Trong khi đó, các giải pháp về môi trường dựa trên quyền sở hữu tư nhân và thị trường có thể sử dụng các động cơ một cách phù hợp, vì người sở hữu chịu toàn bộ các chi phí và được hưởng tất cả lợi ích do các quyết định về quản lý nguồn tài nguyên mang lại, trong đó có sử dụng các nguồn tài nguyên thay thế.
Chương này sẽ giải thích vì sao động cơ giải quyết những vấn môi trường của chính phủ thường dẫn đến phân bổ sai nguồn lực, dù đấy có là chế độ kế hoạch hóa tập trung hay các biện pháp bảo vệ môi trường với ý đồ chính trị thì cũng thế. Xác định và hiểu được các vấn đề đi kèm với sự lạm quyền của chính phủ, chúng ta cũng có thể hiểu rõ hơn vì sao những biện pháp bảo vệ môi trường theo hướng thị trường là cách tiếp cận ưu việt hơn trong việc giải quyết những vấn đề môi trường nhằm thúc đẩy công tác bảo tồn môi trường thiên nhiên.
Thất bại của kế hoạch hóa tập trung
Như chương trước đã chỉ ra rằng chủ nghĩa tư bản thường bị chỉ trích và bị coi là nguyên nhân chính làm cho môi trường suy thoái. Nhan đề các bài báo theo kiểu: “Liệu chúng ta đã sẵn sàng tạm biệt chủ nghĩa tư bản để kết thúc biến đổi khí hậu?”1 và “Chính chủ nghĩa tư bản ngu ngốc đã gây nên khủng hoảng khí hậu”2 cho thấy một trào lưu ngày càng gia tăng: chúng ta phải từ bỏ xã hội tự do, nếu muốn cứu hành tinh này. Ở Mỹ, nỗ lực này đã dẫn đến để xuất Green New Deal3, kế hoạch từ bỏ chủ nghĩa tư bản và thúc đẩy các đề xuất kinh tế theo tư tưởng cấp tiến được coi là “tất yếu” nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu4. Tại Liên minh châu Âu, một Green Deal tương tự cũng đang là tiêu điểm của chương trình nghị sự (xem chương 14).
Tuy nhiên, chúng ta nên thận trọng với những hiện tượng sẽ xảy ra với môi trường khi chúng ta kì vọng vào chế độ kế hoạch hóa tập trung. Các chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản đã gây ra những vết sẹo to lớn cho thế giới tự nhiên của chúng ta. Những bài học trong lịch sử đã chứng minh rằng việc kiểm soát quá mức của chính phủ đối với tất cả các khía cạnh của đời sống đã tạo ra những động lực sai lầm đối với công tác bảo tồn.5
Bởi vì những nhà kế hoạch hóa tập trung có rất ít thông tin về giá trị của nguồn tài nguyên nên họ đã phân bổ sai các nguồn lực tới mức khó có thể chấp nhận được. Trong các nỗ lực nhằm thúc đẩy nền sản xuất, nhiều nền kinh tế xã hội chủ nghĩa như ở Đông Âu và Liên Xô cũ đã ban hành chính sách trợ giá cho năng lượng. Kết quả là, sản xuất công nghiệp của họ sử dụng nhiều năng lượng hơn từ 5 đến 10 lần so với sản xuất trong các hệ thống thị trường. Các nhà sản xuất không có lý do gì để sử dụng năng lượng hiệu quả bởi giá nguyên liệu đầu vào quá thấp. Điều này dẫn đến ô nhiễm nhiều hơn. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới vào năm 1992 cho thấy rằng hơn một nửa ô nhiễm không khí trong khu vực có thể là do giá năng lượng đã được trợ giá này.6 Như ví dụ này chỉ ra, bởi vì các nhà kế hoạch hóa tập trung không trực tiếp chịu toàn bộ chi phí sử dụng tài nguyên, cho nên họ không có thông tin đầy đủ về giá trị tài nguyên thực tế, tính cạnh tranh trong việc sử dụng hoặc bảo tồn. Mặt khác, giá thị trường đã phản ánh giá trị của việc sử dụng tài nguyên thay thế, hướng chúng đến giá trị sử dụng cao nhất (xem chương 5).
Kế hoạch hóa tập trung đương nhiên gây ra việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên không hiệu quả trong khi đó giá cả lại quyết định hành vi sử dụng. Khi một nguồn lực bị định giá thấp thì càng có ít lý do để đổi mới và tăng hiệu quả. Mikhail Bernstam nhận thấy rằng để tạo ra một đơn vị GDP, các nền kinh tế thị trường sử dụng khoảng 1/3 năng lượng và thép so với các nước xã hội chủ nghĩa.7 Tương tự như vậy, nhà kinh tế học Thomasz Zylicz nhận thấy rằng các nền kinh tế phi thị trường ở Trung và Đông Âu đòi hỏi lượng đầu vào nhiều hơn 2-3 lần để tạo ra cùng một lượng sản phẩm so với Tây Âu.8
Sự kém hiệu quả này chẳng tốt đẹp gì đối với môi trường. Các nền kinh tế cộng sản của Liên Xô cũ và Trung Quốc thải ra lượng các-bon trên một đơn vị GDP cao hơn nhiều lần so với nền kinh tế thị trường của Hoa Kỳ - hiện nay xu hướng này vẫn chưa thay đổi nhiều.9 Nền kinh tế thị trường cho phép định giá chính xác các nguồn lực thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và cho phép chúng ta nâng cao hiệu suất. Kinh tế thị trường cũng khuyến khích sự bảo tồn tài nguyên hơn thay vì lãng phí chúng trong sản xuất một cách không cần thiết.
Ngoài ra, khó có thể bắt các cá nhân hoặc chính phủ chịu trách nhiệm đối với thiệt hại môi trường khi không có quyền tư hữu. Trong các xã hội kế hoạch hóa tập trung, tài sản và tài nguyên thuộc sở hữu nhà nước, vì vậy nếu nhà nước chặt phá rừng, xây dựng nhà ở, hoặc vận hành một nhà máy gây ra ô nhiễm sông ngòi thì không có cơ chế nào để buộc chính phủ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra.
Ví dụ, ở Cuba, những nỗ lực xã hội chủ nghĩa nhằm tối đa hóa sản lượng đã gây ra ô nhiễm không khí, đất và nước trên diện rộng.10 Ở Venezuela, các chính sách xã hội chủ nghĩa đã làm ô nhiễm nước uống và gây ra sự cố tràn dầu thường xuyên do sự thờ ơ và quản lý yếu kém của công ty năng lượng nhà nước. Xét cho cùng, khi chính phủ được hưởng lợi từ việc sử dụng tài nguyên và cung cấp một số lợi ích trực quan tức thì cho xã hội, thì chẳng có lý do gì nó lại tự bắt mình phải tuân theo các tiêu chuẩn môi trường cao hơn.
Kế hoạch hóa tập trung là một phiên bản cực đoan của sự lạm quyền của chính phủ. Mặc dù lịch sử cho thấy các nền kinh tế do chính phủ điều hành đã khai thác tài nguyên và hủy họai môi trường quá mức, nhưng nó vẫn diễn ra trong thời đại hiện nay dưới cái danh phát triển nền kinh tế quốc gia.
Sự thất bại của các biện pháp bảo vệ môi trường mang tính chính trị
Nhiều quốc gia tự hào vì có nền kinh tế thị trường tự do (hoặc ít nhất là nền kinh tế thị trường). Tuy nhiên, họ thường núp sau chính phủ để giải quyết các vấn đề môi trường. Những ý tưởng ủng hộ các biện pháp bảo vệ môi trường mang tính chính trị đã sai lầm khi tin rằng chỉ có quy định hoặc quyền sở hữu của chính phủ hoặc việc quản lý các nguồn tài nguyên mới có thể đưa đến các kết quả bảo tồn khả quan.11 Nó thường mang ý định tốt dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường cho cả hiện tại và tương lai, nhưng các biện pháp bảo vệ môi trường mang tính chính trị lại làm sai lệch các động cơ khi từ bỏ quyền tư hữu và đổi lấy sự phân bổ nguồn lực theo kiểu về nhất ăn tất.
Các nguồn tài nguyên mở, tức là không có ai sở hữu là một trường hợp điển hình. Những tài nguyên này luôn luôn sẵn sàng cho mọi người khai thác trên cơ sở ai đến trước thì được khai thác trước. Kết quả là mọi người khai thác cạn kiệt các nguồn lực. Nghề đánh bắt cá đại dương là một trong những ví dụ như vậy. Một ngư dân có thể ra khơi và sẽ bắt nhiều cá nhất có thể khi biết rằng nếu không bắt thì kiểu gì cá cũng sẽ rơi vào tay của người khác. Việc tất cả các ngư dân tối đa hóa sản lượng đánh bắt để lại quá ít cá trong đại dương để sinh sản và duy trì các quần thể cá trong tương lai. Sự sụt giảm nguồn cá toàn cầu đã dẫn đến nhiều lo ngại, và nhiều nhà bảo tồn đã nhờ đến chính phủ và các cơ quan quản lý để giải quyết vấn đề này. Các quy định khác nhau đã hạn chế khả năng tiếp cận nguồn cá chung. Mùa đánh bắt bị rút ngắn, nhưng ngư dân lại mua tàu lớn hơn, cải tiến công nghệ đánh bắt và vươn khơi bám biển ngay cả trong điều kiện thời tiết nguy hiểm để bảo vệ sinh kế của mình. Quy định đưa đến kết quả là một cuộc “chạy đua đánh bắt cá” lãng phí có hại cho cả cá và ngư dân, những người đã tốn rất nhiều chi phí để đánh bắt càng nhiều cá càng tốt trước khi mùa vụ kết thúc. Các quy định có thể có mục đích tốt cho việc bảo tồn, nhưng chẳng đi đến đâu vì chúng tạo ra động cơ đánh bắt nhiều hơn và rủi ro hơn thay vì để lại đủ cá để tái sinh sản cho năm sau.12
Quy định cũng tạo ra động cơ khuyến khích các nhóm lợi ích vận động để được hưởng quyền miễn trừ hoặc đối xử đặc biệt. Bởi vì quy định là một quá trình chính trị, các nhóm có quyền lực chính trị có thể vận dụng theo cách của họ để đạt được một kết quả thuận lợi, cuối cùng làm giảm hiệu quả của quy định. Trong thập niên 1970, như một phần sửa đổi của Đạo luật Không khí sạch (Clean Air Act), nhiều công ty cung ứng dịch vụ công có quyền lực chính trị đã có thể vận động Quốc hội Hoa Kỳ để được miễn trừ khỏi các quy định giảm lượng khí thải. Kết quả là các cơ sở cũ hơn, bẩn hơn được tiếp tục hoạt động. Hơn nữa, chi phí cao để xây dựng các cơ sở mới, sạch hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn mới cũng làm chậm tiến độ đưa chúng vào vận hành sản xuất, đồng nghĩa với việc không khí bẩn sẽ kéo dài lâu hơn.
Một cách tiếp cận khác trong việc bảo tồn thiên nhiên thông qua các biện pháp bảo vệ môi trường mang tính chính trị là trao cho chính phủ quyền sở hữu hoặc quản lý các nguồn tài nguyên với kỳ vọng rằng chính phủ sẽ quản lý các nguồn tài nguyên đó vì lợi ích cộng đồng. Não trạng chính phủ-biết-rõ-nhất này giả định rằng các nhà hoạch định chính sách tập trung có cả kiến thức và động cơ để tính toán chính xác tất cả các chi phí và lợi ích của việc quản lý nguồn lực và nâng cao hiệu quả để làm nhiều điều tốt nhất cho công chúng.
Các quan chức chính phủ không gánh chịu toàn bộ chi phí khi đưa ra các quyết định quản lý. Ngay cả khi hành động với mục đích tốt nhất, họ thường thiếu thông tin và các công chức thường bị buộc phải phục tùng chính phủ liên bang hoặc trung ương để xin được ngân sách hơn là coi sóc các nguồn lực hiện có. Tóm lại, các động cơ bị trái ngược lẫn nhau.
Tại Hoa Kỳ, những hạn chế trong quản lý của chính phủ lộ rõ ở các khu đất công và vườn quốc gia. Vườn quốc gia là các khu vực tự nhiên được chính phủ dành để bảo tồn và phục vụ nhu cầu giải trí của công chúng. Chúng là những cảnh quan đẹp và quan trọng, nhưng cũng đầy rẫy những tranh cãi và gặp nhiều vấn đề về kinh phí. Việc quản lý công viên mang nặng tính chính trị. Có rất nhiều nhu cầu cạnh tranh về cảnh quan — nên để chúng hoang sơ cho động vật hoang dã, hay chúng ta nên xây dựng nhà nghỉ và cơ sở hạ tầng cho du khách giải trí? Và có những ý tưởng chính trị cạnh tranh về cách sử dụng tốt nhất nguồn ngân sách — nên sử dụng ngân sách để xây dựng các trung tâm phục vụ du khách nổi tiếng và xứng tầm hay hướng tới nhu cầu bảo trì định kỳ, chẳng hạn như hệ thống thoát nước và cấp nước sạch, vốn không được chú ý nhiều bởi công chúng? Cuối cùng, do hầu hết kinh phí cho công viên đến từ các khoản phân bổ ngân sách mang tính chính trị, nhiều quyết định phân bổ được đưa ra để xoa dịu các ưu tiên chính trị thay vì đáp ứng các nhu cầu của công viên.
Những quyết định khác được đưa ra bởi các quan chức chính phủ ở Washington, D.C., xa rời với chuyên môn thực tế và chủ yếu do các nhóm lợi ích vận động hành lang hiệu quả nhất đưa ra. Cả các chính trị gia lẫn viên chức của các cơ quan đều không cần đảm bảo rằng các khoản thu phải đủ để trang trải cho các khoản chi. Thay vì giải quyết vấn đề mấu chốt và phân bổ hiệu quả các nguồn tài chính cho các khu vực công viên cần nhất, động cơ lại hướng sự tập trung tới các dự án được ưa thích. Kết quả là, các công viên quốc gia của Hoa Kỳ phải đối mặt với gần 12 tỷ đô la bị trì hoãn cho nhu cầu bảo trì, một chủ đề mà chúng ta quay lại trong chương 12.13
Mặc dù chúng ta có thể đòi hỏi các biện pháp bảo vệ môi trường mang tính chính trị với những mục đích tốt, nhưng chúng ta phải nhớ rằng các động cơ đóng vai trò quan trọng. Bởi vì những người ra quyết định của chính phủ không có thông tin đầy đủ về toàn bộ chi phí quản lý tài nguyên hoặc các động cơ để cân nhắc sự đánh đổi, nên các lợi ích môi trường không được tối đa hóa.
Kết luận: Sử dụng các động cơ một cách đúng đắn
Động cơ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các kết quả bảo vệ môi trường. Chính phủ không phải là câu trả lời cho các vấn đề môi trường. Thay vào đó, như chương tiếp theo lập luận, ở đâu chính trị và quyền lực của chính phủ thường thất bại trong việc bảo vệ môi trường, chủ nghĩa môi trường thân thị trường lại đem đến những động cơ bảo tồn thiên nhiên đúng đắn. Quyền tư hữu và trao đổi tự nguyện phù hợp với các động cơ để chúng ta có thể hiểu đầy đủ về những sự đánh đổi và tối đa hóa những lợi ích thu được từ việc bảo tồn. Đây là điều mà những nhà môi trường đòi hỏi cần tập trung hóa cao hơn nữa nên lưu ý.
Hannah Downey là Điều phối viên Chính sách và Quan hệ Đối tác tại Trung tâm Nghiên cứu Tài sản và Môi trường (PERC), một viện phi lợi nhuận ở Bozeman, Montana, Hannah Downey quan tâm đến chủ nghĩa môi trường thị trường tự do.
Holly Fretwell là Giám đốc Tiếp cận cộng đồng và là Thành viên Nghiên cứu tại PERC.
Chú thích:
(1) McDuff, Phil (2019). Ending Climate Change Requires the End of Capitalism. Have We Got the Stomach For It? https://www.theguardian.com/commentisfree/2019/mar/18/ending-climate-change-end-capitalism
(2) Fong, Benjamin Y. (2017). The Climate Crisis? It’s Capitalism, Stupid. https://www.nytimes.com/2017/11/20/opinion/climate-capitalism-crisis.html
(3) New Deal (tạm dịch: Chính sách kinh tế mới) là tên gọi của một tổ hợp các đạo luật, chính sách, giải pháp nhằm đưa Hoa Kỳ thoát ra khỏi cuộc đại suy thoái kinh tế 1929-1933
(4) Ocasio-Cortez, Alexandria (2019). H.Res.109 - Recognizing the duty of the Federal Government to create a Green New Deal.
(5) See Regan, Shawn (2019). Socialism Is Bad for the Environment. https://www.nationalreview.com/magazine/2019/06/03/socialism-is-bad-for-the-environment/
(6) The World Bank (1992). World Development Report 1992: Development and the Environment, p. 12.
(7) Bernstam, Mikhail S. (1990). “The Wealth of Nations and the Environment.” In Population and Development Review 16, pp. 333-373.
(8) Zylicz, Tomasz (1994). “Environmental Policies in Central and Eastern Europe.” In Jannson, Ann Mari et al. Investing in Natural Capital: The Ecological Economics Approach To Sustainability. International Society for Ecological Economics. Island Press.
(9) Human Progress. CO2 Emissions, kilograms, per 2010 U.S. dollar of GDP, 1960-2014. https://humanprogress.org/dwline?p=576&c0=2&c1=41&c2=6&yf=1960&yl=2014&hih=0®=3®1=0
(10) Díaz-Briquets, Sergio & Jorge Pérez-López (2000). Conquering Nature: The Environmental Legacy of Socialism in Cuba. University of Pittsburgh Press.
(11) See Anderson, Terry L. & Donald R. Leal (2015). Free Market Environmentalism for the Next Generation. Palgrave Macmillan.
(12) Leal, Donald R. (2002). Fencing the Fishery: A Primer on Ending the Race for Fish. https://www.perc.org/2002/06/01/fencing-the-fishery/
(13) See Regan, Shawn, Reed Watson, Holly Fretwell & Leonard Gilroy (2016). Breaking the Backlog: 7 Ideas to Address the National Park Deferred Maintenance Problem. https://www.perc.org/2016/02/16/breaking-the-backlog-2/
Nguồn: Hannah Downey & Holly Fretwell, Green Market revolution (Why Government Fails the Environment), Austrian Economics Center and the British Conservation Alliance, 2020