Chủ nghĩa môi trường thân thị trường tự do
Chủ nghĩa môi trường thân thị trường tự do nhấn mạnh vai trò của thị trường trong việc giải quyết các vấn đề môi trường. Những người ủng hộ chủ nghĩa này lập luận rằng thị trường tự do có thể thành công hơn chính phủ - và xét trên phương diện lịch sử - thì quả là đã thành công hơn trong việc giải quyết các vấn đề môi trường.
Mối quan tâm của chủ nghĩa môi trường thân thị trường tự do phần nào có vẻ trái khoáy bởi các vấn đề môi trường thường được coi là một dạng thất bại của thị trường (tham khảo bài "Hàng hóa công và Ngoại ứng"). Theo quan điểm truyền thống, nhiều vấn nạn môi trường xảy ra là do con người quyết định cắt giảm chi phí bằng cách xả thải xuống hạ lưu hay xuôi chiều gió; còn những vấn nạn khác là do tư nhân không có khả năng cung ứng "hàng hóa công" (chẳng hạn như việc bảo tồn động vật hoang dã) do chẳng có ai trả tiền để nhận được lợi ích chung của việc bảo tồn. Mặc dù những vấn đề này có thể là khá thực tế, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng các chính phủ thường không kiểm soát được ô nhiễm hay cung ứng hàng hóa công với chi phí hợp lý. Hơn nữa, khu vực tư nhân thường phản ứng nhanh hơn chính phủ đối với các nhu cầu về môi trường. Những bằng chứng đó, được hỗ trợ bởi nhiều lý thuyết kinh tế, đã dẫn đến việc xem xét lại quan điểm truyền thống.
Những thất bại của mô hình kế hoạch hoá tập trung tại Đông Âu và Liên Xô đã khơi nguồn lại sự quan tâm đến chủ nghĩa môi trường thân thị trường tự do vào những năm đầu thập niên 90. Khi “glasnost” (công khai và minh bạch hoá) vén lên bức màn bí mật, các bản tin báo chí đã khơi ra được các khu vực rộng lớn ngập tràn sương mù màu nâu lơ lửng trong không khí, mắt người thường xuyên bị bỏng do hóa chất, còn những người lái xe phải dùng đèn pha vào ban ngày. Năm 1990, tờ tạp chí phố Wall (Wall Street Journal) trích lời các bác sĩ Hungary cho rằng hơn 10% số ca tử vong ở Hungary có thể liên quan trực tiếp đến ô nhiễm. Tờ The New York Times đưa tin rằng các khu vực trong thị trấn Merseburg, ở Đông Đức "bị bao phủ vĩnh viễn bởi lớp bụi hóa chất màu trắng, và ai cũng ngửi thấy mùi chua nồng nặc trong mũi mình".
Cũng tương tự các lĩnh vực khác, để thị trường hoạt động được trong mảng môi trường thì phải xác định rõ ràng về quyền sở hữu đối với từng nguồn tài nguyên quan trọng. Những quyền này phải được định nghĩa (define) rõ ràng, được bảo vệ (defend) khỏi sự xâm hại và phải dễ dàng chuyển nhượng (divestible) sở hữu theo các điều khoản mua bán được đôi bên đồng thuận. Nói tóm lại, thị trường chỉ vận hành tốt khi xác lập được quyền sở hữu “3-D” (3D - Define: định nghĩa, “Defend” - bảo vệ, “Divestible” chuyển nhượng). Khi đáp ứng hai yêu cầu đầu tiên của quyền sở hữu, là định nghĩa rõ ràng và dễ dàng bảo vệ, thì sẽ không ai phải chịu ô nhiễm ở mức cao hơn tiêu chuẩn ô nhiễm môi trường của cộng đồng địa phương. Các tiêu chuẩn môi trường sẽ khác nhau ở các địa phương khác nhau bởi những người có cùng sở thích và những người đang tìm kiếm cơ hội giống nhau thường sống quy tụ với nhau. Chẳng hạn, tại một số nơi của bang Montana, Mỹ, do chăn nuôi gia súc là hoạt động chủ yếu nên một số khu vực tại đây được gọi là "vương quốc chăn thả". Ở những khu vực đó, những ai không muốn gia súc hàng xóm làm phiền thì phải rào vườn để xua gia súc ra ngoài. Trên các trang trại siêu khổng lồ tại các "vương quốc chăn thả" ở Montana, giải pháp nhà ai người đó rào sẽ rẻ hơn rào toàn bộ trang trại. Tuy nhiên, tại các khu vực còn lại của Montana thì tiêu chuẩn về quyền sở hữu có khác biệt: chủ sở hữu gia súc có trách nhiệm giữ vật nuôi trong hàng rào. Người dân ở hai vùng chăn thả ít và chăn thả nhiều có những ưu tiên khác nhau, dựa trên những mục tiêu khác nhau giữa các cộng đồng.
Tương tự thế, tiêu chuẩn thế nào là "tiếng ồn có thể chấp nhận được" ở một khu phố sôi động với nhiều thanh niên trẻ tuổi có thể khác với tiêu chuẩn tại một khu vực sang trọng có nhiều người hưu trí giả cả. "Ô nhiễm tiếng ồn" ở một khu dân cư lại trở nên chấp được tại một khu dân cư khác, và do đó, một tiêu chuẩn đối với nhóm đối tượng này lại thành hạn chế đối với đối tượng kia. Những người thi thoảng thích âm nhạc sôi động tại nhà có thể sẵn sàng chấp nhận điều đó từ người khác. Mỗi cá nhân có quyền chống lại việc xâm phạm bản thân và tài sản cá nhân còn tòa án có trách nhiệm bảo vệ những quyền đó, thế nhưng tiêu chuẩn thế nào là sự xâm phạm chấp nhận được có thể khác nhau giữa các cộng đồng. Và cuối cùng, khi đặc điểm thứ ba của quyền sở hữu - "tính chuyển nhượng" – được đảm bảo, mỗi chủ sở hữu đều có động cơ để quản lý tốt tài sản của mình do sự giàu có của chủ sở hữu (giá trị tài sản của họ) phụ thuộc vào việc quản lý tốt tài sản.
Các vấn đề môi trường bắt nguồn do những đặc điểm của quyền sở hữu bị khuyết thiếu hay hiện diện không đầy đủ. Khi các quyền tài nguyên được xác định và dễ dàng bảo vệ trước sự xâm hại, tất cả các cá nhân hay tập đoàn, dù là người gây ô nhiễm hay nạn nhân của ô nhiễm đều có động cơ để tránh các vấn đề ô nhiễm. Khi ô nhiễm không khí hoặc nước gây thiệt hại cho tài sản thuộc sở hữu tư nhân, chủ sở hữu các tài sản này sẽ mong muốn giảm bớt mối nguy ô nhiễm - và nếu cần thì sẽ ra tòa để đòi cho bằng được.
Chằng hạn, tại Anh và Scotland, không giống như Mỹ, quyền câu cá thể thao và thương mại là quyền sở hữu tư nhân, có thể chuyển nhượng. Điều này có nghĩa là người chủ sở hữu quyền câu cá có thể yêu cầu những người làm ô nhiễm dòng nước phải bồi thường thiệt hại. Dù chỉ là những câu lạc bộ câu cá nhỏ với các phương tiện khiêm tốn, họ cũng bảo vệ quyết liệt quyền sở hữu của mình. Những người câu cá rõ ràng có lợi, nhưng họ cũng phải trả giá. Ví dụ, vào năm 2005, các quảng cáo trên Internet về dịch vụ câu cá ở dòng suối đá phấn của sông Anton, New Hampshire với giá 50 bảng Anh mỗi ngày (tương đương 90 đô la Mỹ). Còn trên sông Avon ở Wiltshire thì giá mỗi ngày khoảng 150 bảng anh (tương đương 270 đô la Mỹ). Chính giá trị của quyền đánh bắt cá là động cơ thúc đẩy các chủ sở hữu thành lập hiệp hội riêng và sẵn sàng đi kiện những kẻ gây ô nhiễm, vi phạm quyền của họ.
Trước khi chính thức có Ngày Trái Đất vào năm 1970 hay trước khi kiểm soát ô nhiễm thành một phần trong chính sách công thì những hoạt động như vậy rất thành công. Khi các quyền chống ô nhiễm được thiết lập theo tiền lệ của nhiều năm trước thì việc ra tòa để bảo vệ những quyền đó hiếm khi cần thiết nữa. Các bị đơn tiềm năng nhận ra rằng họ khả năng bị thua nên không muốn thêm án phí vào thiệt hại nữa.
Do đó, việc phải chịu trách nhiệm cho ô nhiễm môi trường là một động lực mạnh mẽ đối với các chủ sở hữu tư nhân của một nhà máy hay một nguồn tài sản có khả năng gây ô nhiễm khác. Trường hợp vụ ô nhiễm tại bãi rác mang tên "Love Canal" minh chứng cho điểm này. Chừng nào mà công ty hóa chất Hooker còn sở hữu bãi rác Love Canal thì chừng đó nó còn được thiết kế, bảo trì và vận hành để đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường những năm 1980 của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ. Vì công ty đơn giản là muốn tránh mọi thiệt hại tài chính nếu lỡ có rò rỉ chất thải.
Chỉ khi bãi rác đó bị chính quyền địa phương tiếp quản bằng cách đe dọa trưng thu với giá mua 1 đô la, và bất chấp cảnh báo của công ty Hooker thì địa điểm này mới bị quản lý yếu kém dẫn đến rò rỉ hóa chất. Những người ra quyết định của chính phủ thiếu trách nhiệm cá nhân hay trách nhiệm doanh nghiệp cần thiết khi đưa ra quyết định. Chính quyền xây một trường học trên một phần của mảnh đất, dỡ bỏ phần lớp đất sét bảo vệ để làm đất nền cho một trường học khác và bán phần còn lại của bãi rác cho một nhà phát triển bất động sản mà không cảnh báo anh ta về những hiểm họa mà công ty Hooker đã cảnh báo. Chính quyền địa phương cũng đục lỗ trên các bức tường đất sét không thấm nước để xây dựng đường dẫn nước và đường cao tốc. Do lớp đất sét bị bóc ra nên khi trời mưa, chất thải cứ vậy chảy ra qua các lỗ trên tường mà không có lớp ngăn nào cả.
Ban quản lý trường học trên khu đất tuy có một mục tiêu tốt nhưng lại đi kèm với một tầm nhìn hạn hẹp: họ muốn cung cấp giáo dục giá rẻ cho trẻ em trong khu vực đó. Các cơ quan chính phủ ít khi phải chịu trách nhiệm cho các mục tiêu xã hội rộng lớn hơn theo cách mà các chủ sở hữu tư nhân tuân theo các quy tắc trách nhiệm pháp lý và lợi nhuận tiềm năng. Tất nhiên, bất kỳ ai, bao gồm cả khu vực tư nhân đều có thể mắc sai lầm, nhưng những người ra quyết định khi tài sản của họ bị đe dọa thường có xu hướng thận trọng hơn. Khu vực công chủ yếu vẫn chưa có sự quy trách nhiệm mà những người ra quyết định trong khu vực tư nhân phải chịu.
Khu vực công cũng không có được tầm nhìn xa trông rộng mà quyền sở hữu mang lại và thúc đẩy họ bảo vệ tài nguyên cho thế hệ sau. Chỉ khi có đặc tính thứ ba của mô hình 3-D, tính chuyển nhượng (Divestibilty), thì quyền sở hữu mới đem lại động lực lâu dài để tối đa hóa giá trị tài sản. Nếu tôi khai thác mảnh đất của tôi và làm giảm năng suất trong tương lai hay làm ảnh hưởng mạch nước ngầm, thì việc làm giảm giá trị của đất sẽ làm hao hụt tài sản hiện tại của tôi. Đó là bởi giá trị hiện tại của đất bằng giá trị hiện tại của tất cả dịch vụ liên quan trong tương lai. Nếu tương lai có ít dịch vụ hơn hay chi phí tăng lên thì giá trị hiện tại sẽ thấp hơn. Trên thực tế, khi người thẩm định hay khách hàng tiềm năng nhận ra những vấn đề tương lai đó thì giá trị tài sản của tôi ngay lập tức giảm sút. Điều ngược lại cũng đúng: bất kỳ cách nào giúp tạo ra nhiều giá trị hơn - chẳng hạn bảo tồn danh lam thắng cảnh khi khai thác đất để thu hút những người trả tiền để thưởng ngoạn - đều được vốn hóa thành giá trị hiện tại của tài sản.
Bởi sự giàu có của chủ sở hữu tài sản phụ thuộc vào khả năng quản lý tốt, ngay cả một chủ sở hữu thiển cận cũng có động cơ để hành động như thể họ quan tâm đến tính hữu ích của tài nguyên đó trong tương lai. Điều này đúng ngay cả khi tài sản thuộc quyền sở hữu của một tập đoàn. Như các nhà kinh tế tài chính, chẳng hạn Michael C. Jensen của trường kinh doanh Harvard đã chỉ ra, các nhà quản lý doanh nghiệp có thể chủ yếu lo lắng về ngắn hạn, nhưng ngay cả họ cũng phải lưu tâm đến tương lai. Nếu biết được rằng hành vi hiện tại có thể gây ra rắc rối trong tương lai hoặc một khoản đầu tư hiện tại hứa hẹn lợi ích trong tương lai thì giá cổ phiếu sẽ tăng hoặc giảm để phản ánh sự thay đổi. Các nhà quản lý doanh nghiệp đều được thông báo (và bị đánh giá) bởi những thay đổi về giá cổ phiếu.
Lĩnh vực công thiếu đi khả năng lẫn động cơ nhìn xa trông rộng. Hãy xem xét ví dụ về công viên Ravenna (bang Seattle). Vào đầu thế kỉ 20, Ravenna là công viên tư nhân do vợ chồng W.W.Beck sở hữu, có loài thông Douglas khổng lồ tuyệt đẹp. Cặp vợ chồng này đã phát triển công viên thành một khu vui chơi giải trí dành cho các gia đình, thu hút hàng ngàn lượt tham quan mỗi ngày khi thời tiết tốt. Tuy nhiên, vì lo ngại chủ nhân tương lai sẽ không bảo quản tốt công viên nên chính quyền địa phương đã phải "bảo tồn" địa điểm xinh đẹp này. Chủ sở hữu lúc đó không muốn chia tay, song chính quyền thành phố Seattle đã khởi xướng các thủ tục lên án và mua lại công viên.
Nhưng bởi tài sản và thu nhập cá nhân của các quan chức địa phương không bị ảnh hưởng, nên họ đã dần để công viên xuống cấp. Trên thực tế, những cây cao bắt đầu biến mất ngay sau khi thành phố mua công viên vào năm 1911. Một nhóm công dân lo ngại đã khiến các quan chức chú ý đến vụ trộm cây, song việc khai thác gỗ vẫn tiếp tục. Đến năm 1972, công viên biến thành chỗ tụ tập xấu xí, nguy hiểm của những tên nghiện ngập. Vợ chồng nhà Becks, chủ nhân cũ của công viên - với mô hình hoạt động không tốn đồng tiền thuế nào mà chỉ dựa trên đóng góp của những người sử dụng, đã quản lý công viên tốt hơn rất nhiều.
Liệu các công viên, thậm chí là các công viên quốc gia như Grand Canyon hay Yellowstone, có thể được điều hành bởi các cá nhân, câu lạc bộ hoặc công ty, giống như cách vợ chồng nhà Becks điều hành công viên Ravenna hay không? Liệu những người tham quan công viên có bị thiệt hại nếu họ đóng góp qua phí sử dụng thay vì trích từ thuế hay không? Donald Leal và Holly Fretwell (hai nhà nghiên cứu chính sách môi trường, tác giả cuốn sách “Chủ nghĩa môi trường thân thị trường tự do”) đã nghiên cứu các công viên quốc gia và so sánh một số trong nhóm này với công viên của các tiểu bang gần đó. Về cơ bản thì công viên tại các tiểu bang cũng giống với các công viên quốc gia, nhưng điểm khác biệt là vận hành bằng phí tham quan. So sánh hai mô hình này đem lại nhiều quan sát thú vị. Leal và Fretwell chỉ ra rằng, vào năm 1997, 16 công viên tiểu bang kiếm được ít nhất một nửa kinh phí hoạt động từ phí tham quan. Việc thúc đẩy doanh thu khiến các nhà quản lý công viên cung cấp dịch vụ tốt hơn và nhiều người phục vụ hơn. Chẳng hạn, trái ngược với các công viên quốc gia với nhiều đặc điểm tương tự gần đó, các công viên bang Texas cung cấp các dịch vụ thú vị đi kèm, chằng hạn, đường mòn chạy bộ, "ngắm chim cú săn mồi", xem cá sấu, đi vườn thú safari và dịch vụ thăm thú gia súc trên xe. Chi phí ở các tiểu bang cũng thấp hơn. Người đến chơi công viên có vẻ vui hơn khi trả tiền để được hưởng nhiều dịch vụ tốt hơn.
Các cá nhân và nhóm tư nhân đã bảo tồn môi trường sống của động vật hoang dã và các vùng đất có phong cảnh đẹp tại hàng ngàn địa điểm ở Hoa Kỳ. Bảng Điều tra Dân số của Liên minh Quỹ tín thác đất đai năm 2003 liệt kê 1.537 quỹ tín thác đất đai tại địa phương, tiểu bang và khu vực phục vụ mục đích này. Nhiều nhóm ở các tiểu bang và địa phương khác có những dự án tương tự, còn các nhóm quốc gia như nhóm Bảo tồn Thiên nhiên (The Nature Conservancy) và Cộng đồng Audubon (Audubon Society) có hàng trăm dự án khác. Không có dự án nào trong số này thuộc sở hữu của chính phủ. Khi sử dụng thị trường, những nhóm như vậy không phải thuyết phục số đông về tính hấp dẫn của dự án, và cũng không phải thuyết phục số đông chọn người quản lý dự án. Kết quả là, theo báo cáo của Hội đồng Chất lượng Môi trường của chính phủ liên bang, có nhiều phương pháp tiếp cận rất đa dạng và lành mạnh.
Dẫu sao, điều quan trọng cần lưu ý là ngay cả trong trường hợp đất ủy thác do tư nhân hiến tặng hay tư nhân quản lý thì chính phủ vẫn tham gia. Những người bảo tồn được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân và các chính sách ưu đãi thuế có tác động tích cực đến các quyết định bảo tồn của họ. Các quy định thuế ảnh hưởng đến việc xác định loại hình quyên góp nào đủ điều kiện khấu trừ, qua đó giúp tăng tổng doanh thu sau khi trừ thuế. Ai được hưởng lợi từ việc tăng cường bảo tồn? Người được hưởng lợi trước nhất chính là các chủ đất gần đó. Khi các nhà quyên góp đất bảo tồn giữ lại tài sản liền kề, họ được hưởng lợi nhờ các khu đất bảo tồn nhiều hơn so với các công dân ở xa hơn. Các không gian mở thường tăng giá trị của các khu đất lân cận.
Hơn nữa, khi có rất nhiều người gây ô nhiễm và chịu ô nhiễm thì làm thế nào để minh định người chịu trách nhiệm gắn với quyền sở hữu? Những người chịu ô nhiễm ở gần nhất thiệt hại nhiều nhất, và hẳn nhiên có thể khởi kiện những người gây ra ô nhiễm - nhưng không phải luôn là như vậy. Hãy xem xét một trường hợp cực đoan: sự nóng lên toàn cầu từ phát thải khí cacbon do đốt gỗ hoặc nhiên liệu hóa thạch, hay chuyện biến đổi khí hậu ảnh hưởng lên toàn cầu. Gần như tất cả mọi người đều sử dụng năng lượng từ các nhiên liệu như vậy, và nếu mối đe dọa về sự nóng lên toàn cầu do sự tích tụ CO2 thực sự nghiêm trọng như một số tuyên bố, thì những người bị tổn hại bởi sự nóng lên toàn cầu sẽ khó khẳng định quyền sở hữu của họ chống lại tất cả các nhà sản xuất hoặc người sử dụng năng lượng trên toàn thế giới. Điều này cũng đúng với những người tiếp xúc với chất ô nhiễm từ ô tô và các ngành công nghiệp trong khu vực Los Angeles. Quyền sở hữu tư nhân, nếu được bảo vệ và giao dịch, sẽ đem lại hiệu quả kì diệu, song nó không phải là thuốc trị bách bệnh.
Tuy nhiên, ngay cả sự thiếu hụt quyền sở hữu như hiện nay không có nghĩa là không bao giờ có một giải pháp tốt về quyền sở hữu. Quyền sở hữu có xu hướng phát triển khi công nghệ, các ưu tiên và giá cả tạo ra thêm động cơ và lựa chọn mới về kỹ thuật. Vào thời kỳ đầu của lịch sử nước Mỹ, chuyện thiết lập quyền sở hữu gia súc ở đại bình nguyên Bắc Mỹ (the Great Plains) dường như là bất khả thi. Nhưng dần dà, khi giá trị của quyền sở hữu ngày càng tăng thì đã xuất hiện các cao bồi bảo vệ các đàn gia súc, hay các hàng rào thép gai để rào các khu vực chăn thả. Như các nhà kinh tế học Terry Anderson và Peter J. Hill đã chỉ ra, các vùng đồng bằng đã mất vị thế tài sản công và bị tư nhân hóa.
Tiến bộ khoa học công nghệ hứa hẹn cho phép thiết lập các quyền sở hữu có thể thực thi đối với các luồng cá voi trong đại dương, các loài chim di cư trên trời và - ai mà biết được? - ngay cả bầu khí quyển. Những quyền sở hữu đối với các chủ thể đó nếu được thực thi sẽ thúc đẩy sự bảo tồn môi trường và khí hậu. Đó chính là hy vọng của chủ nghĩa môi trường thân thị trường tự do.
Nguồn: Richard L. Stroup, Free-Market Environmentalism, The Library of Economics and Liberty