[Tình trạng Không chính quyền, Nhà nước và Xã hội không tưởng] Chương 1: Tại sao lại là lý thuyết về trạng thái tự nhiên
Nếu nhà nước chưa từng tồn tại, liệu ta có cần phải tạo ra nó? Nó có cần thiết hay chăng, và ta có nhất định phải tạo ra nó? Triết học chính trị và các lý thuyết giải thích các hiện tượng chính trị phải đối mặt với những câu hỏi này, và giải đáp chúng bằng cách khám phá “trạng thái tự nhiên” - thuật ngữ của lý thuyết chính trị truyền thống. Việc sử dụng lại quan niệm cũ kỹ này cần được biện minh bởi ý nghĩa phong phú, sự hấp dẫn, và sức ảnh hưởng sâu rộng của chính nó. Để làm rõ cho những độc giả (còn hoài nghi) muốn cảm thấy chắc chắn ngay từ đầu, trong chương này chúng ta sẽ thảo luận những lý do về việc tại sao việc nghiên cứu lý thuyết trạng thái tự nhiên lại quan trọng, và tại sao lại cho rằng lý thuyết này có lợi. Tất nhiên, những lý do này ít nhiều trừu tượng và mang tính meta-theory (lý thuyết về lý thuyết). Lý do quan trọng nhất nằm ở bản thân lý thuyết này.
Triết học chính trị
Trước khi bàn về việc nhà nước nên được tổ chức như thế nào, câu hỏi cơ bản của triết học chính trị là: liệu có nên tồn tại bất cứ nhà nước nào hay không. Tại sao không phải là không chính quyền? Vì nếu bảo vệ thành công, lý thuyết không chính quyền sẽ rút ngắn toàn bộ chủ đề của triết học chính trị, nên sẽ thích hợp nếu ta bắt đầu tìm hiểu triết học chính trị bằng cách xem xét không chính quyền như một phương án lựa chọn về mặt lý thuyết. Với những ai vốn xem chủ nghĩa không chính quyền là một học thuyết hấp dẫn, hẳn họ sẽ cho rằng triết học chính trị có thể dừng lại ở đây cũng được. Còn những người khác sẽ sốt ruột chờ đợi xem điều gì xảy đến sau đó. Nhưng, như chúng ta sẽ thấy, từ những người theo thuyết tập quyền (archists), tức những người cảm thấy bực dọc nhảy dựng lên ngay từ xuất phát điểm, cho tới những người theo thuyết không chính quyền, vốn cảm thấy miễn cưỡng khi phải tranh luận những gì vượt ra khỏi xuất phát điểm ấy, đều đồng ý rằng việc bắt đầu triết học chính trị bằng lý thuyết trạng thái tự nhiên là nhằm mục tiêu giải thích. (Nếu ta bắt đầu nhận thức luận bằng nỗ lực bác bỏ sự hoài nghi, thì một mục tiêu như thế sẽ không tồn tại.)
Để trả lời cho câu hỏi ‘tại sao không phải là không chính quyền’, ta nên nghiên cứu tình trạng không chính quyền nào? Có lẽ đó là tình trạng mà: nếu giả sử tình trạng chính trị thực tế chưa bao giờ tồn tại, cũng như bất kỳ tình trạng chính trị khả dĩ nào khác cũng chưa từng tồn tại, thì tình trạng này sẽ tồn tại. Tuy nhiên, tình trạng này thiếu đi sự hấp dẫn về mặt lý thuyết ngoại trừ giả định vô cớ, không dựa trên căn cứ nào, theo đó tất cả mọi người ở mọi nơi đều cùng sống ở tình trạng vô-nhà-nước, và họ đang phải đối mặt với những khó khăn lớn lao khó kiểm soát khi cố gắng lèo lái tình trạng giả tưởng này đến một tình trạng xác định cụ thể. Thật vậy, giả sử tình trạng vô-nhà-nước đó đủ khủng khiếp, hẳn sẽ có ngay lý do để từ chối việc tháo dỡ hay phá hủy một trạng thái cụ thể để rồi thay thế nó bằng không gì cả.
Như vậy, có vẻ sẽ hứa hẹn hơn nếu ta tập trung vào một mô tả trừu tượng cơ bản, có khả năng bao quát mọi trạng thái mà chúng ta quan tâm, gồm cả trạng thái “giờ đây ta sẽ ở đâu nếu giả sử”. Nếu mô tả này đủ khủng khiếp, thì nhà nước sẽ trở thành một lựa chọn ưu tiên, giống như ta đi khám răng khi bị đau răng vậy. Những mô tả tồi tệ như vậy hiếm khi thuyết phục, không chỉ vì chúng không thể khiến mọi người hài lòng. Các tài liệu tâm lý học và xã hội học quá nghèo nàn để có thể giúp khái quát hóa rằng mọi xã hội và mọi cá thể đều ở trong tình trạng bi quan, nhất là bởi kiểu lập luận này còn phụ thuộc vào việc nó cần phải không tạo ra những giả định bi quan tương tự về cách mà nhà nước vận hành. Tất nhiên, người ta đều biết ít nhiều về việc các nhà nước vận hành ra sao trên thực tế, và mỗi người có một quan điểm khác nhau. Do tầm quan trọng to lớn của sự lựa chọn giữa nhà nước và tình trạng không chính quyền, để thận trọng, người ta có thể sử dụng tiêu chuẩn “minimax” (tối thiểu hóa tối đa), và tập trung đánh giá mặt bi quan của tình trạng vô-nhà-nước: đem so sánh nhà nước với trạng thái tự nhiên mà những nhà Hobbesian coi là bi quan nhất. Tuy nhiên, khi sử dụng tiêu chuẩn minimax, trạng thái tự nhiên Hobbesian này nên được đem ra so sánh với mô tả bi quan nhất của một nhà nước khả dĩ, kể cả các nhà nước tương lai. Bằng cách so sánh như thế, rõ ràng là trạng thái tự nhiên tồi tệ nhất sẽ chiến thắng nhà nước tồi tệ nhất. Với những người vốn ghê tởm nhà nước, họ sẽ không coi tiêu chuẩn minimax đủ thuyết phục, đặc biệt là vì có vẻ như người ta luôn có thể đem nhà nước trở lại nếu nó là thứ đáng muốn. Mặt khác, tiêu chuẩn “maximax” (tối đa hóa tối đa) đi theo hướng đặt ra những giả định lạc quan nhất về cách mọi việc vận hành – tình trạng không chính quyền theo mô tả của Godwin nếu như bạn muốn có một cái gì đó để hình dung1. Nhưng sự lạc quan thiếu đi những xem xét cẩn trọng cũng chẳng thuyết phục được ai. Thật vậy, bất kỳ tiêu chí ra quyết định nào, được đề xuất cho các lựa chọn trong điều kiện bất định, đều không tỏ ra thuyết phục, và phương pháp tối đa hóa độ thoả dụng kỳ vọng, vốn dựa trên cơ sở xác suất mong manh, cũng không có tính thuyết phục nốt.
Hướng đi khả dĩ hơn, đặc biệt với tình huống mọi người đang quyết định mục tiêu nào cần nỗ lực đạt được, có lẽ là tập trung vào tình trạng vô-nhà-nước, nơi mọi người nói chung có thể đáp ứng các ràng buộc về mặt đạo đức và thường làm những gì họ nên làm. Giả định này không lạc quan một cách mù quáng; cũng không cho rằng tất cả mọi người đều làm đúng những gì họ nên làm. Tuy vậy, trạng thái tự nhiên này vẫn là tình trạng không chính quyền tốt nhất mà người ta có thể mong đợi một cách hợp lý. Do đó, để quyết định lựa chọn nhà nước thay vì không chính quyền, việc quan trọng cần làm là ta phải nghiên cứu bản chất và các nhược điểm của tình trạng tự nhiên đó. Nếu ta có thể chỉ ra rằng nhà nước vượt trội hơn so với tình trạng không chính quyền được ưa chuộng nhất này - trạng thái tốt nhất có thể mong đợi trên thực tế, hoặc trạng thái có khả năng hình thành qua một quá trình không gồm bất kỳ bước nào không thể chấp nhận về mặt đạo đức, hoặc trạng thái đã được cải tiến rồi, thì đây là cơ sở để lý giải cho sự tồn tại của nhà nước; và là cơ sở để biện minh cho nhà nước.2
Cuộc thảo luận này sẽ đặt ra một câu hỏi, rằng tất cả các hành động mà mọi người phải thực hiện để thiết lập và vận hành một nhà nước liệu có được cho phép về mặt đạo đức hay không. Một số người theo chủ nghĩa không chính quyền không chỉ tuyên bố rằng chúng ta sẽ sống tốt hơn nếu không có nhà nước, mà còn cho rằng bất kỳ nhà nước nào cũng chắc chắn sẽ xâm phạm đến các quyền đạo đức của con người, và do đó trái đạo đức. Thế cho nên, chúng ta phải chủ ý chọn điểm khởi đầu, dù phi chính trị, là tránh xa phi đạo đức. Triết học đạo đức đặt ra nền tảng và ranh giới cho triết học chính trị. Những gì con người có thể và không thể làm đối với người khác sẽ giới hạn những điều họ có thể làm thông qua các bộ máy nhà nước, hoặc những điều họ có thể làm để thiết lập nên một bộ máy như vậy. Các cấm đoán có hiệu lực về mặt đạo đức chính là gốc rễ tạo nên mọi tính chính danh cho quyền lực cưỡng chế cơ bản của nhà nước. (Quyền lực cưỡng chế cơ bản tức là quyền lực áp chế lên một cá nhân mà không dựa trên sự đồng ý của cá nhân ấy.) Điều này cung cấp một phạm vi hoạt động cơ bản cho nhà nước, và có lẽ là phạm vi chính danh duy nhất. Ngoài ra, ở những nơi mà triết học đạo đức không rõ ràng, dễ gây ra sự mâu thuẫn trong sự phán xét đạo đức của mọi người, nó cũng đặt ra các vấn đề mà mọi người có thể nghĩ rằng chúng có thể được giải quyết một cách thích đáng trong phạm vi chính trị.
Lý thuyết chính trị giải thích
Việc nghiên cứu trạng thái tự nhiên không chỉ quan trọng đối với triết học chính trị, mà còn phục vụ cho mục đích giải thích. Có ba cách khả dĩ để hiểu về lĩnh vực chính trị là: (1) giải thích đầy đủ lĩnh vực chính trị từ góc độ phi chính trị; (2) coi lĩnh vực chính trị như là phát sinh từ phi chính trị, nhưng không thể quy giản về phi chính trị, một kiểu tổ chức các nhân tố phi chính trị mà chỉ có thể hiểu được bằng các nguyên lý chính trị hoàn toàn mới; hoặc (3) coi lĩnh vực chính trị như một lĩnh vực hoàn toàn độc lập. Vì chỉ quan niệm đầu tiên có thể giúp ta hiểu biết đầy đủ về tổng thể lĩnh vực chính trị [1], nên nó vẫn là lựa chọn lý thuyết đáng hứa hẹn nhất, và ta chỉ từ bỏ nó khi ta thấy rằng nó không khả thi. Chúng ta hãy gọi kiểu giải thích vẹn toàn và hứa hẹn nhất này là lời giải thích cơ bản của lĩnh vực.
Để giải thích chính trị từ góc độ phi chính trị một cách cơ bản, người ta có thể bắt đầu bằng một tình trạng phi chính trị, từ đó chỉ ra cách thức và lý do tại sao tình trạng chính trị khởi sinh từ nó; hoặc bắt đầu bằng một tình trạng chính trị được mô tả một cách phi chính trị, suy ra các đặc điểm chính trị từ mô tả phi chính trị này. Lối suy luận theo cách thứ hai sẽ đồng nhất các đặc trưng chính trị với các đặc trưng được mô tả một cách phi chính trị, hoặc sẽ sử dụng các quy luật khoa học nhằm kết nối các đặc trưng riêng biệt với nhau. Có lẽ ngoại trừ cách tiếp cận sau chót (sử dụng các quy luật khoa học), thì sự tỏ tường của lời giải thích sẽ phụ thuộc trực tiếp vào sắc diện của điểm xuất phát phi chính trị (cho dù đó là trạng thái hay là mô tả) và vào khoảng cách - dù là trên thực tế hay vẻ bề ngoài - giữa điểm xuất phát này với trạng thái chính trị như là kết quả của quá trình hình thành. Điểm khởi đầu càng cơ bản (càng có nhiều đặc trưng cơ bản, quan trọng, và khó tránh khỏi của tình trạng mà con người phải đối mặt), và càng xa hoặc có vẻ xa với trạng thái đích (trông nó càng ít có tính chính chính trị hơn hoặc ít giống một nhà nước), thì càng tốt. Nếu ta bắt đầu bằng một điểm xuất phát tùy hứng và không trọng yếu, và điểm xuất phát này rất gần với nhà nước, thì sẽ không giúp ta tăng thêm hiểu biết về nhà nước. Trong khi đó, việc khám phá ra rằng các đặc trưng và các mối quan hệ chính trị có khả năng quy giản thành, hoặc đồng nhất với, các đặc trưng phi chính trị tưởng chừng rất khác biệt sẽ là một kết quả lý thú. Nếu những đặc trưng này là cơ bản, thì lĩnh vực chính trị sẽ có cơ sở vững chắc. Cho đến nay, chúng ta vẫn còn ở rất xa để có được một lý thuyết lớn lao như vậy, do đó, chúng ta sẽ thận trọng quay sang tìm hiểu cách mà một tình trạng chính trị có thể khởi sinh từ tình trạng phi chính trị; tức là, chúng ta bắt đầu phát triển lời giải thích cơ bản bằng việc tìm hiểu lý thuyết về trạng thái tự nhiên, vốn quen thuộc trong triết học chính trị.
Một lý thuyết về trạng thái tự nhiên đáp ứng được các mục đích giải thích của chúng ta là nó bắt đầu bằng những mô tả chung cơ bản về những hành động được phép và không được phép về mặt đạo đức, và về những nguyên nhân sâu xa cho thấy tại sao một số người trong bất kỳ xã hội nào cũng có thể vi phạm những ràng buộc về mặt đạo đức này, và nó tiếp tục mô tả cách thức nhà nước khởi sinh từ trạng thái tự nhiên, dù trước nay không có nhà nước thực tế nào khởi sinh theo cách đó. Hempel đã thảo luận về ý niệm thế nào là một giải thích tiềm năng, rằng theo trực giác (và rộng hơn), nếu mọi thứ được đề cập trong một lời giải thích là đúng và hiện hữu trong thực tiễn (true and operated), thì đó sẽ là lời giải thích chuẩn xác (correct) [2]. Hãy gọi một giải thích tiềm năng khiếm khuyết về quy tắc (law-defective) là một giải thích tiềm năng chứa đựng một mệnh đề phát biểu sai quy tắc, và một giải thích tiềm năng khiếm khuyết về thực tế (fact-defective) là một giải thích tiềm năng chứa đựng một tiền đề sai. Một giải thích tiềm năng, vốn dùng để giải thích một hiện tượng như là kết quả của quá trình P, vẫn sẽ khiếm khuyết (mặc dù nó không khiếm khuyết về quy tắc cũng như về thực tế) nếu hiện tượng này phát sinh từ một quá trình Q nào đó chứ không phải P, mặc dù P có khả năng tạo ra hiện tượng ấy. Nếu quá trình Q này không tạo ra hiện tượng, thì có khả năng là P đã tạo ra nó3. Chúng ta hãy gọi lời giải thích tiềm năng thực sự không thể giải thích hiện tượng theo cách này là lời giải thích tiềm năng khiếm khuyết về quy trình (process-defective).
Một giải thích tiềm năng cơ bản (một giải thích mà có lẽ giải thích được toàn bộ lĩnh vực đang được xét đến nếu như nó là lời giải thích được thực tiễn) có sức mạnh soi sáng đáng kể, kể cả khi nó không phải là lời giải thích chuẩn xác. Nói chung, việc tìm hiểu cách mà toàn bộ một lĩnh vực có thể được giải thích một cách tường tận, sẽ rất giúp ích cho chúng ta trau dồi hiểu biết về lĩnh vực ấy4. Thật vậy, rất khó để thảo luận thêm về vấn đề này mà không thử nghiệm nhiều loại tình huống khác nhau; thực ra là không thử nghiệm nhiều trường hợp cụ thể, và chúng ta không thể làm những điều này ở đây được. Nếu các điều kiện ban đầu mang giá trị sai của chúng “có thể trở thành đúng”, thì những giải thích tiềm năng cơ bản với khiếm khuyết về thực tế sẽ có sức mạnh soi sáng rất đáng kể; kể cả khi những điều kiện ban đầu sai lè lè, chúng vẫn mang sức mạnh soi sáng, đôi khi rất khủng khiếp là đằng khác. Những giải thích tiềm năng cơ bản với các khiếm khuyết về quy tắc cũng có thể soi tỏ bản chất của lĩnh vực tốt không thua kém gì những lời giải thích chuẩn xác, đặc biệt nếu “các quy tắc” kết hợp với nhau tạo nên một lý thuyết thống nhất và thú vị. Và những giải thích tiềm năng cơ bản với các khiếm khuyết về mặt quy trình (không bị khiếm khuyết về quy tắc lẫn về thực tế) lại phù hợp với các sơ đồ giải thích và các mục đích giải thích của chúng ta một cách gần như hoàn hảo. Đối với những lời giải thích phi cơ bản, thì những lợi ích soi sáng kể trên lại chẳng đáng nhắc đến.
Trong lĩnh vực chính trị, việc lựa chọn các lời giải thích về trạng thái tự nhiên chính là những lời giải thích tiềm năng cơ bản của lĩnh vực này và, ngay cả khi nó không chuẩn xác, nó có sức mạnh soi sáng rất lớn. Qua việc tìm hiểu cách thức mà nhà nước có thể được khởi sinh, ngay cả khi nó không hề được khởi sinh theo cách đó chăng nữa, chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều. Nếu nhà nước không được tạo ra theo cách đó, chúng ta cũng có thể học hỏi từ việc xác định nguyên nhân tại sao không; và từ việc cố gắng giải thích tại sao một phần cụ thể của thế giới thực, vốn tách ra từ mô hình trạng thái tự nhiên, lại trở nên như hiện tại.
Bởi trạng thái tự nhiên của Locke hội tụ cả triết học chính trị lẫn lý thuyết giải thích chính trị, nên chúng ta sẽ bắt đầu từ đó. Chính xác hơn, chúng ta sẽ bắt đầu với các cá nhân có hoàn cảnh đủ giống với trạng thái tự nhiên của Locke, đến mức có thể bỏ qua những điểm khác biệt quan trọng khác. Chỉ khi những khác biệt nhất định giữa quan niệm của chúng ta và quan niệm của Locke liên quan đến triết học chính trị và liên quan đến lập luận của chúng ta về nhà nước, thì những khác biệt này mới được đề cập đến. Để trình bày trọn vẹn và chuẩn xác về nền tảng đạo đức, bao gồm cả lý thuyết đạo đức và nền tảng của nó, sẽ cần một công trình đồ sộ, và đây là nhiệm vụ của một tác phẩm khác. (Một nhiệm vụ kéo dài cả cuộc đời?) Đấy là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, và khoảng trống chần phải lấp đầy để hoàn thành nó quá lớn, thế cho nên, thật không thoả mái cho lắm khi phải lưu ý rằng chúng ta vẫn đang tuân theo truyền thống đầy cảm hứng của Locke, khi mà ông đã không cung cấp bất cứ thứ gì trông giống như một lời giải thích thỏa đáng về trạng thái và nền tảng của luật tự nhiên trong cuốn Khảo luận thứ hai về chính quyền.
(Còn nữa)
Chú thích
(1) William Godwin (1756-1836), nhà văn người Anh theo chủ nghĩa tự do chuyên viết về chủ đề ngợi ca xã hội không chính quyền (ND).
(2) Lập luận này trái ngược với lý thuyết về một trạng thái phát sinh từ một trạng thái tự nhiên do quá trình suy thoái tự nhiên không thể tránh khỏi, đặc biệt như là lý thuyết y học trình bày sự già đi hoặc chết đi. Một lý thuyết như vậy sẽ không "biện minh" cho nhà nước, mặc dù nó có thể khiến chúng ta cam chịu sự tồn tại của nhà nước.
(3) Hoặc, có lẽ một quá trình R nào đó khác sẽ tạo ra hiện tượng nếu không phải là P, nếu R không tạo ra hiện tượng này thì P mới là nguồn gốc của hiện tượng, hoặc… Như vậy, ta có thể viết lại rằng: P sẽ tạo ra hiện tượng nếu không có bất kỳ phần tử nào của tập hợp [Q, R, …] tạo ra hiện tượng. Ở đây, chúng ta bỏ qua sự phức tạp trong việc điều gì có thể ngăn trở Q tạo ra hiện tượng cũng có thể ngăn trở P tương tự vậy.
(4) Tuyên bố này cần phải đủ điều kiện. Nếu như ta được nghe một lời giải thích tiềm năng mà ta biết là sai, thì nó sẽ không làm tăng hiểu biết của chúng ta về một lĩnh vực, chẳng hạn như lời giải thích tiềm năng này: rằng bằng cách thực hiện một điệu nhảy nào đó, ma hoặc phù thủy hoặc yêu tinh đã tạo ra một lĩnh vực theo cách đó. Thật hợp lý khi nghĩ rằng một giải thích về một lĩnh vực phải trình bày những cơ chế cơ bản tạo nên lĩnh vực ấy. (Hoặc làm điều gì đó khác có hiệu quả nhận thức tương đương.) Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là phải nêu ra chính xác những điều kiện sâu xa mà một cơ chế cơ bản phải thỏa mãn để giải thích một lĩnh vực. Việc xác minh tính chính xác của tuyên bố trong văn bản bên trên đòi hỏi những tiến bộ trong lý thuyết diễn giải, và những khó khăn khác cũng đòi hỏi những tiến bộ như vậy. Xem Jaegwon Kim, “Causation, Nomic Subsumption, and the Concept of Event,” The Journal of Philosophy, 70, no. 8 (April 26, 1973), 217-236.
Nguồn: Nozick, Robert (1974). Anarchy, State and Utopia. Basic Books