[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 10: Những vấn đề của thời đại (Hết chương 10)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 10: Những vấn đề của thời đại (Hết chương 10)

Bảo vệ môi trường

Chất lượng của môi trường là khía cạnh quan trọng của một xã hội tử tế và nhiều người nghĩ rằng thị trường tự do không thể bảo đảm được môi trường sống trong lành. Không hệ thống triết học hay chính trị nào có thể đưa ra được những giải pháp hoàn hảo về vấn đề môi trường, chủ nghĩa tự do đề xuất được phương án tốt nhất trong số những phương án hiện có nhằm đạt được mức độ bảo vệ môi trường mà mọi người mong muốn.

Tăng trưởng kinh tế giúp cải thiện chất lượng môi trường. Người giàu và những xã hội giàu có có thể đủ khả năng đòi hỏi và trả tiền để làm cho không khí trong lành hơn và nước sạch hơn. Những người vắt mũi không đủ bỏ miệng hay phải lao động cực nhọc không quan tâm nhiều đến vấn đề môi trường, khi người ta có mức sống với những tiện nghi nhất định thì họ sẽ chú ý đến những món “hàng hóa” cao cấp hơn. Trên thực tế, chất lượng không khí và nước ở Mỹ đã liên tục được cải thiện trong suốt thế kỷ này (TK XX – ND) và tuổi thọ của chúng ta tăng lên là bằng chứng tốt nhất chứng tỏ rằng môi trường đang trở thành thân thiện hơn, chứ không phải là kém thân thiện hơn, đối với con người.

Khi các nền kinh tế trở nên hiệu quả hơn và có công nghệ tiên tiến hơn thì sẽ sử dụng ít tài nguyên nhưng lại làm ra nhiều giá trị hơn cho người tiêu dùng. Nên nhớ rằng, vấn đề kinh tế cơ bản là buộc các nguồn lực phải tạo ra được nhiều giá trị hơn. Vì các công ty nước giải khát muốn tiết kiệm tiền, họ đã phát triển những phương pháp sản xuất lon đựng nước sử dụng ít thiếc hơn (sau này, dùng nhôm thay cho thiếc). Năm 1974, một pound (1 pound = 453,592 g. – ND) nhôm làm ra được 22,7 lon nước giải khát; năm 1994, một pound sản xuất được 30,13 lon. Chính động cơ lợi nhuận thúc đã đẩy các công ty tìm cách sử dụng chất thải trong qui trình sản xuất, hãng Coca-Cola phát hiện ra rằng những tấm kim loại mà họ dùng để đục nắp chai có thể trở thành những bộ lọc lí tưởng cho lò đốt. Phân xưởng Minute Maid chuyên sản xuất nước cam vắt của hãng Coca-Cola không bỏ bất phí bất cứ thứ gì: ép đến giọt nước cam cuối cùng, đem vỏ đi ép lấy dầu, phần còn lại thì đem cho bò ăn.

Một trong những tác nhân lớn nhất trong vấn đề môi trường là những cái mà nhà môi trường học Garrett Hardin gọi là “bi kịch của sở hữu cộng đồng1”. Khi các nguồn lực như bãi chăn thả chung, rừng hoặc hồ là “sở hữu” chung của tất cả mọi người, thực ra lại chẳng thuộc quyền sở hữu của bất kỳ ai. Không ai thấy cần phải duy trì giá trị của tài sản hoặc giữ gìn để có thể sử dụng nó một cách lâu dài. Tương tự như đưa cho sáu trẻ một cốc sữa: đứa nào cũng muốn uống hết nhanh trước khi những đứa kia kịp ghé miệng vào. Khi các công ty gỗ chặt cây trong khu rừng của nhà nước, họ muốn chặt tất ngay lập tức, trước khi những công ty khác được quyền khai thác khu vực đó. Nhưng, khi các công ty gỗ chặt cây trên đất của họ thì họ sẽ trồng bù số cây đã chặt, vì vậy mà họ sẽ có tài sản hái ra tiền trong tương lai. Một trong những vấn đề môi trường lớn nhất hiện nay là sự suy giảm ngành đánh cá biển, một ví dụ rõ ràng về bi kịch của sở hữu cộng đồng, tư nhân hóa là giải pháp cấp bách.

Quan điểm của chủ nghĩa tự do cá nhân giúp cải thiện chất lượng môi trường như thế nào? Trước hết, xã hội tự do có thể đưa ra nhiều phương án để giải quyết vấn đề. Các hệ thống cạnh tranh - chủ nghĩa tư bản, chế độ dân chủ và khoa học – tạo điều kiện để người ta kiểm tra các ý tưởng và sẽ chọn được những ý tưởng tốt. Những quy định theo lối hành chính quan liêu xuất phát từ Washington không thể quản lý một cách hiệu quả các vấn đề môi trường mà hàng trăm doanh nghiệp đang gặp, cũng như những quy định này không thể hướng dẫn được các hoạt động kinh tế của xã hội.

Thứ hai, chủ sở hữu tư nhân chăm sóc các nguồn tài nguyên tốt hơn là chủ sở hữu công cộng. Quyền sở hữu tư nhân có nghĩa là biên giới quyền hạn rõ ràng và một số người cụ thể nào đó sẽ thu được lợi ích hoặc phải gánh chịu chi phí cho những hành động của họ. Muốn tránh bi kịch của sở hữu cộng đồng thì phải tiến hành tư nhân hóa. Nhà kinh tế học, chuyên về lĩnh vực môi trường, Richard Stroup, nói rằng quyền sở hữu phải là “3-D”2: “được xác định một cách rõ ràng, dễ dàng bảo vệ nhằm chống lại sự xâm lược, và dễ dàng chuyển nhượng theo những điều mà người mua và người bán đồng ý”. Tại sao trâu rừng có nguy cơ tuyệt chủng mà bò thì không? Tại sao chim bồ câu di cư biến mất mà gà thì không? Vì chủ sở hữu có động cơ bảo vệ tài sản của mình. Quốc hội nên ngưng những cuộc tranh luận đã bị chính trị hóa về những biện pháp quản lý đất đai thuộc quyền sở hữu của liên bang - hạn ngạch đốn gỗ, quyền khai thác khoáng sản, lệ phí chăn thả, khoan dầu ở ngoài khơi - và chuyển sang tư nhân hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên, để người quản lý tư nhân có thể áp dụng những biện pháp quản lý phù hợp.

Thứ ba, càng gắn việc xử lý các vấn đề môi trường với những điều kiện của chính địa phương đó thì càng tốt. Các nhà hoạt động ở cả hai phía, cả những người ủng hộ bảo vệ môi trường lẫn những người phản bác họ, đều kéo về Washington nhằm áp đặt chương trình của mình cho cả nước. Nhưng các nguyên tắc của chế độ liên bang và địa phương cho rằng nếu có thể thì nên đưa những vấn đề đó cho tư nhân xử lý, và nếu không, sau đó là địa phương hoặc bang, rồi mới xem xét đến việc tham gia của liên bang. Áp đặt một giải pháp cho cả nước là làm mất những lợi ích của việc phân cấp và thử nghiệm.

Thứ tư, nơi mà các quan hệ thị trường không phải lúc nào cũng phát huy được tác dụng - tức là nơi mà quyền sở hữu tài sản chưa được xác định một cách rõ ràng hoặc những loại hàng hóa khó chia – thì thông luật là thiết chế quan trọng cho việc giải quyết vấn đề. Đông người sống chung với nhau là có vấn đề môi trường - mùi, chất thải, khói nhà máy. Khi người ta đưa những bất đồng như thế ra tòa là họ giúp xác định quyền sở hữu và pháp luật. Việc hình thành luật theo lối tiến hóa và phân cấp như thế sẽ dẫn đến những giải pháp tốt hơn là mệnh lệnh của cơ quan lập pháp theo nguyên tắc “một cỡ giầy cho tất cả”.

Thứ năm, những người theo phái tự do cá nhân nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm của cá nhân, nghĩa là chúng ta phải tránh những biểu hiện vô trách nhiệm của cá nhân, vốn là hậu quả của tinh thần trách nhiệm tập thể và áp dụng nguyên tắc trách nhiệm “ai gây ô nhiễm người đó phải trả tiền”. Superfund3 là sai lầm mang tính kinh điển. Nguyên tắc hoạt động của Qũy này là tất cả các nhà sản xuất tạo ra các chất thải nguy hại phải góp tiền vào quỹ, bộ máy quản lý hành chính quan liêu sẽ phân bổ tiền để làm sạch những khu vực cụ thể. Chúng ta phải buộc những người gây ô nhiễm chịu trách nhiệm về thiệt hại mà họ gây ra, chứ không phải là áp đặt tội lỗi tập thể lên toàn ngành và làm cho các công ty không còn động lực trong việc phòng, tránh ô nhiễm nữa. Mục đích của chính sách môi trường là bảo vệ con người và tài sản của họ, và đấy cũng là mục đích của hệ thống pháp luật của chúng ta nói chung.

Cuối cùng, chính phủ nhỏ hơn có nghĩa là tự bản thân chính phủ sẽ không còn gây ô nhiễm cho môi trường và không còn khuyến khích người ta gây ra thiệt hại cho môi trường. Sự hủy hoại môi trường do chính phủ Liên Xô gây ra là hiện tượng rõ ràng nhất, nhưng trong các nền kinh tế hỗn hợp đây cũng là vấn đề thực tế. Các khoản trợ cấp của chính phủ khuyến khích người ta đốn sạch những cánh rừng mưa nhiệt đới. Các dự án thủy điện lớn của các nước, từ Mỹ tới Trung Quốc, hầu như bao giờ cũng được chính phủ tài trợ. Các chương trình trợ cấp nông nghiệp, đặc biệt là hạn ngạch về đường, khuyến khích người ta lạm dụng đất nông nghiệp. Những chính phủ không có quyền hành lớn như vậy sẽ ít gây thiệt hại đến mức đó cho môi trường, cũng như cho nền kinh tế.

Các thiết chế sở hữu tư nhân, phi tập trung hóa quá trình ra quyết định, thông luật và trách  nhiệm trực tiếp sẽ đưa chúng ta đến những giải pháp hiệu quả hơn – tức là những giải pháp phản ánh đúng chi phí thực tế và những lợi ích khi sống trong môi trường có chất lượng tốt – hơn là những quy định mang tính hành chính qua liêu, vốn là kết quả của hoạt động chính trị và được thực hiện bởi những quan chức chẳng phải chịu trách nhiệm gì về hậu quả của hành động của mình. Nhưng, cả thông luật lẫn quyền sở hữu tài sản đều liên tục phát triển, chắc chắn là có những vấn đề môi trường mà chúng ta chưa có giải pháp thích hợp. Chúng ta đã soạn thảo quyền sở hữu dòng nước, quyền sở hữu các bể nước ngầm, quyền sở hữu bãi chăn thả gia súc; nhưng quyền sở hữu không khí thì sao? Nếu hiện tượng ấm nóng toàn cầu trở thành vấn đề thực tế - về điểm này, bằng chứng vẫn còn chưa rõ ràng - quyền sở hữu hay thông luật có giúp chúng ta tìm được giải pháp hay không?

Các nhà kinh tế học, các luật sư, thẩm phán, doanh nhân và chủ sở hữu tài sản không ngừng tham gia vào công cuộc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi đó. Thị trường tự do hoặc chí ít là các thiết chế theo định hướng thị trường mà chúng ta đã xây dựng được trong thời gian gần đây, nhằm giải quyết những vấn đề môi trường một cách hợp lý và với chi phí thấp nhất đối với xã hội bao gồm phạt vì gây ô nhiễm, hạn ngạch khí thải mang ra bán trên thị trường, thị trường buôn bán các chất có thể tái chế, và tiêu chuẩn về môi trường (thay cho những quy định về công nghệ và những hình thức làm giảm ô nhiễm cụ thể nào đó). Theo quan điểm của chủ nghĩa tự do cá nhân, đây không phải là những giải pháp hoàn hảo và cần phải làm việc nhiều hơn nữa, nhưng đây là những ví dụ về những biện pháp mà chúng ta có thể sử dụng nhằm cải thiện chất lượng của môi trường mà không chính trị hóa vấn đề môi trường, cũng như không buộc nền kinh tế của chúng ta phải chịu những khoản chi phí không cần thiết.

Cách đây mấy năm, tại một hội nghị khoa học về môi trường, tôi nghe báo cáo của một giáo sư sinh vật học - ông này quản lý một trang trại ở Montana suốt hai mươi năm – bàn về những biện pháp tốt nhất trong việc quản lý các nguồn tài nguyên trong trang trại của mình. Điều làm tôi ngạc nhiên là ông là người tận tụy với môi trường, chuyên gia trong lĩnh vực sinh học, với hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nguồn lực nhưng vẫn không tìm được câu trả lời cho những câu hỏi mà trang trại của ông đang phải đối mặt. Bài học ở đây là không có ai biết tất cả các câu trả lời, vì vậy, không ai được áp đặt giải pháp của mình cho toàn bộ xã hội. Điều chúng ta cần, như Karl Hess, Jr., viết trong tác phẩm Visions upon the Land: “thị trường của những quan niệm về cảnh quan,. . . một nước cộng hòa đoan chính của những nhà quản lý chu đáo và có trách nhiệm” những nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình.

Bảo vệ hòa bình

Những người theo phái tự do cổ điển luôn luôn cho rằng chiến tranh là tai họa lớn nhất mà chỉ có chính phủ mới có thể đẩy được cả xã hội vào. Họ căm ghét cảnh giết chóc mà chiến tranh gây ra và còn biết rằng chiến tranh tàn phá gia đình, doanh nghiệp và xã hội dân sự. Một trong những mục đích chính của họ là không để cho các ông vua đẩy thần dân của mình vào những cuộc chiến tranh vô ích. Adam Smith khẳng định rằng, muốn xây dựng một xã hội hạnh phúc và thịnh vượng thì chỉ cần “hòa bình, thuế khóa thấp và luật pháp phù hợp” là đủ.

Những người lập quốc Mỹ, những người cảm thấy hạnh phúc vì đã thoát khỏi những cuộc chiến tranh bất tận ở châu Âu, đã biến hòa bình và trung lập thành nguyên tắc căn bản của chính quyền mới. Trong diễn văn từ biệt, George Washington đã nói với cả nước: “Trong quan hệ với các quốc gia khác, chúng ta phải tuân theo quy tắc vĩ đại sau đây: tăng cường các mối quan hệ thương mại sẵn có và giảm những liên kết chính trị đến mức thấp nhất có thể”. Còn Thomas Jefferson thì mô tả chính sách đối ngoại của Mỹ trong Diễn văn nhậm chức đầu tiên của mình như sau: “Hòa bình, thương mại và tình hữu nghị chân thành với tất cả nước, không để bị lôi kéo vào liên minh với bất cứ quốc gia nào”. 

Nhưng, trong thế kỷ XX, nhiều người bắt đầu tin rằng Mỹ phải tham gia giải quyết những  vấn đề của thế giới và tiến hành chiến tranh ở nước ngoài. Trong suốt 50 năm qua, mục tiêu của chính sách đối ngoại của Mỹ là đánh bại hai cường quốc toàn trị - phát xít Đức và Nga Xô. Hôm nay, cuộc thập tự chinh vĩ đại đó đã hoàn thành, nước Mỹ không còn phải lo và không còn hệ tư tưởng hung hãn nào có thể đe dọa được các công dân Mỹ hay hòa bình thế giới nữa. Nhưng, những cơ quan ngoại giao và quân sự khổng lồ hình thành trong giai đoạn Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh không chịu tuyên bố chiến thắng và quay về với tình trạng thời bình. Ngược lại, lực lượng quân sự Mỹ vẫn còn rất lớn và tốn kém, và người ta nói với dân Mỹ rằng thế giới hậu-chiến-tranh-lạnh thậm chí nguy hiểm hơn và bất ổn hơn so với thời còn bị Liên Xô đe doạ. Vì vậy mà chúng ta vẫn còn khá nhiều quân đóng ở châu Âu, ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Đông.

Chỉ mấy năm ngắn ngủi sau cuộc Chiến vùng Vịnh Ba Tư, chúng ta đã gửi các đơn vị quân đội Mỹ hay được người ta kêu gọi gửi quân tới Somalia, Haiti, Bosnia, Liberia, Rwanda, Burundi, Macedonia và nhiều địa điểm khác. Tất cả những nơi này đều có một điểm chung: đấy không phải là những nơi mà lợi ích sống còn của Mỹ bị đe dọa. Chưa đến một thế hệ sau thảm họa Việt Nam, dường như chúng ta đã quên những bài học về sự can thiệp của chúng ta ở đất nước này. Cuộc can thiệp đó cũng bắt đầu từ những hành động nhỏ, với ý định tốt; không ai nghĩ rằng chúng ta sẽ đưa tới đó 500.000 binh lính Mỹ và 55.000 người trong số đó đã thiệt mạng.

Về chiến tranh và chính sách đối ngoại, chúng ta phải nhớ một vài quy tắc đơn giản sau đây. Thứ nhất, chiến tranh là giết người. Trong những cuộc chiến tranh hiện đại người dân bình thường chết cũng nhiều chẳng khác gì binh sĩ. Không thể tránh chiến tranh bằng mọi giá, nhưng cần phải tránh khi có thể. Cần phải xử lý những đề xuất nhằm lôi kéo Mỹ - hay bất kỳ chính phủ nào khác – vào những cuộc xung đột ở bên ngoài một cách cực kỳ thận trọng.

Thứ hai, như đã nói, chiến tranh làm cho chính phủ phình ra. Trong suốt chiều dài của lịch sử, chiến tranh luôn luôn tạo cớ cho chính phủ cướp đoạt tiền và quyền, và buộc xã hội phải khuất phục. Trong Thế chiến I và Thế chiến II, chính phủ Mỹ đã giành được những quyền mà nó không bao giờ có thể có trong thời bình: kiểm soát tiền lương và giá cả, phân phối theo tem phiếu, kiểm soát chặt chẽ lao động và sản xuất, và những khoản thuế khóa cao ngất trời. Những hạn chế mang tính hiến định đối với quyền lực của chính phủ liên bang đã bị xói mòn một cách nhanh chóng. Điều đó không có nghĩa là không cần phải tham gia vào những cuộc chiến tranh đó. Nó chỉ có nghĩa là chúng ta phải biết những hậu quả của chiến tranh đối với toàn bộ trật tự xã hội của chúng ta và do đó chỉ tham chiến khi thật sự cần thiết.

Thứ ba, Mỹ không thể tiếp tục đóng vai trò sen đầm quốc tế và lập kế hoạch cho toàn thế giới khi nước này không thể lập được kế hoạch cho nền kinh tế quốc gia của mình. Hiện không có mối đe dọa của siêu cường nào đến mức mọi người cần phải tập hợp lại, thì các tổ hợp chính trị-quân sự lại muốn chúng ta triển khai những nguồn lực quân sự của mình nhân danh chế độ dân chủ và quyền tự quyết trên toàn thế giới và chống lại những mối đe dọa mơ hồ, tản mác của chủ nghĩa khủng bố, ma túy và phá hoại môi trường. Quân đội được xây dựng để tiến hành chiến tranh nhằm bảo vệ tự do và chủ quyền của nước Mỹ, quân đội không được trang bị để trở thành cảnh sát và nhân viên hoạt động xã hội của thế giới.

Thứ tư, các đồng minh trong thời Chiến tranh lạnh của chúng ta đã phục hồi khỏi những tàn phá từ thời Thế chiến II và hoàn toàn có khả năng tự vệ. Liên Xô không còn đe dọa châu Âu nữa, các nước thuộc Liên minh châu Âu có hơn 370 triệu người, với GDP là 7 ngàn tỷ USD một năm và hơn 2 triệu binh sĩ. Họ có thể bảo vệ châu Âu và xử lý những vấn đề như cuộc xâm lược của Serb mà không cần sự hỗ trợ của Mỹ. Hàn Quốc có số dân đông gấp 2 và sản lượng kinh tế gấp 18 lần Bắc Triều Tiên; họ không cần 37.000 quân của chúng ta mới bảo vệ được mình.

Thứ năm, bùng nổ thông tin liên lạc có nghĩa là sự mất cân đối giữa các nhà lãnh đạo chính trị và công dân đã giảm đi rất nhiều. Các vị tổng thống cũng thường xem các sự kiện thế giới trên CNN, chẳng khác gì tất cả chúng ta. Điều đó có nghĩa là các vị tổng thống sẽ khó kỳ vọng sự tôn trọng của công chúng đối với chính sách đối ngoại, do đó, họ phải thận trọng trong việc đưa ra những cam kết với nước ngoài khi không được dân chúng ủng hộ.

Thế giới còn đầy đủ những mối đe dọa tiềm tàng, và mục đích đầu tiên của chính phủ là bảo vệ các quyền của công dân. Chúng ta phải duy trì lực lượng quốc phòng phù hợp, nhưng chúng ta có thể bảo vệ lợi ích sống còn của nước Mỹ với một đội quân chỉ bằng một nửa hiện nay - đặc biệt là nếu chúng ta lái chính sách đối ngoại của chúng ta theo hướng độc lập về chiến lược, chứ không cam kết với những hiệp ước an ninh tập thể trên toàn thế giới nữa. Lúc đó, cũng vẫn sẽ còn khoảng 1 triệu người phục vụ trong quân đội. Đồng thời với việc loại bỏ một số loại vũ khí đắt tiền nhằm khuếch trương sức mạnh Mỹ ra bên ngoài lãnh thổ nước ta – được sản xuất từ thời chiến tranh lạnh - chúng ta phải thực sự bảo vệ được các công dân Mỹ bằng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Những người theo phái tự do cá nhân đề nghị đưa quân đội Mỹ về nước và tập trung vào việc bảo vệ Mỹ đôi khi bị cáo buộc là những người theo phái “biệt lập”. Đó là quan niệm sai lầm. Những người theo phái tự do cá nhân, trên thực tế, là những người quốc tế chủ nghĩa (cosmopolitans). Chúng tôi hướng đến thế giới liên kết với nhau bằng thương mại tự do, thông tin liên lạc toàn cầu và trao đổi văn hóa. Chúng tôi tin rằng việc can thiệp quân sự trên khắp thế giới cản trở những nỗ lực đó. Chúng tôi cũng tin rằng, mặc dù các nước đang xích lại gần nhau hơn trong nhiều lĩnh vực, nhưng quan điểm cho rằng thế giới là một ngôi làng, trong đó tất cả mọi người đều phải tham gia nhằm ngăn chặn mọi cuộc xung đột là không phù hợp. Trong một thế giới đầy nguy hiểm, với chủ nghĩa khủng bố và vũ khí hạt nhân, tốt nhất là các siêu cường không được tham gia vào các cuộc sung đột khu vực, không để cho xung đột leo thang.

Nhiều độc giả có thể nghĩ rằng đây là bản tổng quan đầy đủ chính sách nhằm giải quyết những vấn đề của thời đại, nhưng thực ra mới chỉ là cưỡi ngựa xem hoa mà thôi, nhiều câu hỏi rõ ràng là chưa có câu trả lời. Nhưng, nền tảng cho công việc phân tích chính sách của chủ nghĩa tự do cá nhân là rõ ràng: tự do cá nhân, sở hữu tư nhân, thị trường tự do và chính phủ hạn chế tạo ra xã hội dân sự năng động và đầy sức sống, xã hội đó sẽ đáp ứng một cách tốt nhất các nhu cầu và ước muốn của hàng triệu công dân.

 

Năm        

Phần trăm 

1929   

13.7

 

1939

31.4

 

1947

26.4

 

1960 

42.5

 

1970 

51.5

 

1980

52.2

 

1990

55.8

1994

54.5

(Hết chương 10)

Chú thích

(1) Dịch thoát ý từ commons, nghĩa là những nguồn lực văn hóa hoặc tự nhiên, trong đó có không khí, nước và đất ở, mà mọi thành viên trong xã hội đều có thể tiếp cận. Đây là những nguồn lực của cộng đồng, không thuộc sở hữu riêng của người nào.

(2) 3-D là những chữ cái đầu của Defined (xác định), Defended (bảo vệ), Divestible (chuyển nhượng).

(3) Superfund là chương trình của liên bang nhằm làm sạch những khu vực chứa chất thải nguy hiểm.

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường

Tác phẩm liên quan