[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 4: New York

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 4: New York

CHƯƠNG IV.  NEW YORK

Hayek hy vọng sau khi nhận được văn bằng luật khoa, ông có thể dành một năm tới một trường đại học ở Đức, có thể là tại Munich, nơi nhà xã hội học Max Weber15 giảng dạy. Tuy nhiên, Max Weber mất năm 1920, và trong bất kỳ trường hợp nào thì tình hình lạm phát ở Áo cũng đã khiến cho phụ thân của Hayek không thể trang trải nổi phí tổn một năm học tập ở Đức cho con trai. Tiếp đó, từ tháng 3 năm 1923 đến tháng 5 năm 1924, Hayek sống ở Mỹ, sau khi đã nhận được văn bằng thứ hai về khoa học chính trị của Đại học Vienna năm 1923, chưa đầy một năm rưỡi sau văn bằng thứ nhất năm 1921. Ông khát khao trở thành nhà kinh tế học chuyên nghiệp và nhận ra rằng sự thân thuộc với nước Mỹ, cùng khả năng tiếng Anh thành thạo, sẽ có giá trị.

Không như nhiều nghiên cứu sinh sau này, ông tới Mỹ không phải qua Quỹ Rockefeller (Rockefeller Foundation). Ông nhớ lại, “Tất cả các vị khách về sau tới Mỹ đều rất thoải mái, có thể đi lại và tham quan đủ mọi thứ. Trường hợp của tôi là độc nhất. Tôi là người duy nhất đến đấy một mình, tự gánh chịu rủi ro, trên thực tế không có lấy một đồng dành dụm, và vật lộn suốt mười lăm tháng chỉ với sáu dollar mỗi tháng. Tình thế sẽ thật khốn khổ nếu tôi không được biết rằng trong trường hợp gặp khó khăn thực sự thì mình chỉ cần gửi điện tín về cho bố mẹ, ‘Xin hãy gửi tiền cho con về.’ Tuy nhiên, ngoài sự tự tin là không gì có thể xảy ra với mình, tôi đã từng sống nghèo túng và khốn khó như chính các bạn cũng có thể vậy.”1

Cơ hội nghiên cứu ở Mỹ của ông đến qua lời mời không rõ ràng của giáo sư Jeremiah Jenks16,  Đại học New York, người vừa tham gia vào một uỷ ban quốc tế các nhà kinh tế học, trong đó có John Maynard Keynes, nhằm cố vấn cho chính phủ Đức về cải cách tiền tệ. Jenks tới Vienna năm 1922, lúc ấy Hayek tới gặp ông ta và trình bày là mình “khắc khoải muốn tới Mỹ để nâng cao kiến thức kinh tế. Ông đảm bảo với tôi, ‘Tôi đang chuẩn bị viết một cuốn sách về Trung Âu; do vậy nếu anh sang, tôi có thể thu dụng anh làm trợ lý nghiên cứu một thời gian.’ Đó là thời điểm ngay sau khi kết thúc giai đoạn lạm phát ở Áo, thế nên chỉ việc kiếm đủ tiền vé cũng đã là một vấn đề. Tôi tiết kiệm thậm chí cả tiền điện tín để thông báo về chuyến đi. Hậu quả là khi tới New York, tôi mới biết giáo sư Jenks đang đi nghỉ và dặn lại là đừng liên lạc với ông.”2

Hayek đặt chân tới New York với “chính xác hai mươi lăm dollar trong túi. Hai mươi lăm dollar là một món tiền lớn vào thời điểm ấy. Vì thế tôi bắt đầu trình tất cả thư giới thiệu của mình… việc này chỉ mang lại cho tôi một bữa trưa và không còn gì nữa. Với sự hiệp trợ của năm dollar khác ai đó đã đút vào vỏ bao thuốc lá mà người ta đưa cho tôi sau bữa trưa, tôi cầm cự được thêm hơn hai tuần nữa với số tiền đó. Cuối cùng, sau khi đã không ngừng xuống thang tham vọng của bản thân, tôi phải hạ mình chấp nhận chân rửa bát tại một nhà hàng ở Đại lộ Số Sáu. Tôi chuẩn bị bắt đầu vào sáng hôm sau. Nhưng rồi một sự giải thoát vĩ đại đã tới – dù thế thì chuyện tôi không bao giờ bắt tay vào việc rửa bát lại là căn nguyên của nỗi niềm tiếc nuối khôn nguôi bây giờ. (cười) Sáng hôm đó, chuông điện thoại đổ. Giáo sư Jenks đã quay về và sẵn sàng thu dụng tôi.”3

Trong số những người viết thư giới thiệu tới các nhà kinh tế học Mỹ giúp ông có Joseph Schumpeter, người từng dạy ở Harvard trước Thế chiến I, bấy giờ là một chủ tịch ngân hàng ở Vienna, và là người chịu ảnh hưởng kinh tế học từ ông ngoại Hayek, von Juraschek. Hayek còn nhớ Wieser yêu cầu Schumpeter “trao cho tôi những bức thư giới thiệu tới bạn bè của ông [Schumpeter] ở Mỹ. Bởi thế tôi tới thăm Schumpeter tại văn phòng lộng lẫy của ông – văn phòng của các vị chủ tịch ngân hàng có xu hướng mỗi lúc một nguy nga khi tiến về về phía đông, và văn phòng của Schumpeter lẽ ra phải ở Budapest thay vì ở Vienna – và ông đã cung cấp cho tôi một tập thư giới thiệu thiện chí nhất, lớn đến nỗi tôi phải thửa một cái hộp để chúng khỏi nhàu khi tới nơi. Song chúng đã chứng tỏ thực sự là câu thần chú ‘vừng ơi mở cửa.’ Tôi được đón tiếp và đối xử tốt hơn rất nhiều những gì mà mình đáng được hưởng.”4

Chuyến đi Mỹ của Hayek có thể đã khởi nguồn cho sự chia rẽ quan hệ với cô em họ, người sau này trở thành vợ thứ hai của ông. Bill Letwin, sinh viên của Hayek ở London và Chicago, còn nhớ là ông từng đề cập đến những câu như “Tôi đã không đủ sáng suốt để nói, ‘Chúng mình hãy kết hôn,’”5 khi cả ông và người em họ Helene đều còn trẻ ở Vienna. Sau đó ông sang Mỹ hơn một năm và khi quay về thì cô đã quan hệ với người khác. Theo Stephen Kresge, chủ biên Hayek toàn tập (Hayek’s Collected Works), và được con trai Hayek xác nhận, thì từ “sự hiểu nhầm về dự định nào đó của ông,”6 mà cô em họ của Hayek đã đi lấy người khác.

Thời gian ở Mỹ, Hayek đã tiến hành, dù chưa hoàn thành, một chương trình nghiên cứu học vị tiến sỹ về vấn đề bình ổn tiền tệ. Theo Kresge, “không thái quá khi cho rằng cuộc gặp gỡ với Wesley Clair Mitchell17 [ở New York] đã định hướng phần lớn nghiên cứu sau này của Hayek.”7 Mitchell từng dạy tại Đại học Columbia và là giám đốc Uỷ ban Quốc gia về Nghiên cứu Kinh tế (National Bureau for Economic Research) hai mươi lăm năm. Không như các bậc tiền bối trí thức người Áo của Hayek, Mitchell nhấn mạnh phương pháp tiếp cận mang tính thực nghiệm, thống kê và định lượng trong kinh tế học. Trong số các nhà kinh tế học xuất chúng là học trò của Mitchell có Milton Friedman.

Năm 1926, trong một bức thư ở Vienna gửi cho Mitchell, Hayek viết, “chỉ tới bây giờ tôi mới nhận ra rằng mình đã thực sự học được nhiều suốt năm đó [ở Mỹ]. Mặc dù những ưa chuộng lý thuyết của tôi vẫn không thay đổi, thì nay tôi cũng đã nhận ra những điểm yếu của lý thuyết trừu tượng, điều xem ra đối với phần lớn các ngài đã khiến cho lý thuyết thuần tuý ít nhiều trở nên vô dụng… Tôi hy vọng sẽ tìm ra được những mối liên hệ còn thiếu giữa lý thuyết kinh tế học chính thống với thứ lý thuyết có thể áp dụng để giải thích các quá trình của đời sống kinh tế hiện đại.”8 Bó dây tư tưởng của Hayek gồm hai lõi cơ bản – lõi lý thuyết và lõi thực nghiệm. Xét mức độ chịu ảnh hưởng theo hướng thực nghiệm từ Mitchell cùng quá trình cư trú sau này của ông ở Mỹ thì thời gian ở New York thực sự hết sức có ý nghĩa đối với ông.

Đề tài luận cương mà ông dự định viết tại Đại học New York là “Chức năng tiền tệ có nhất quán với sự bình ổn nhân tạo sức mua của nó hay không?” – đây là chủ đề mà ông quan tâm trong lĩnh vực kinh tế học kỹ thuật (technical economics) suốt những năm 1930. Hayek chưa bao giờ là “nhà bình ổn” theo cách nói đương thời (như Keynes chẳng hạn). Những người này tìm kiếm sự bình ổn giá cả trên toàn quốc thông qua sự dàn xếp về mặt tiền tệ, mang tính chất nội tại, trong phạm vi quốc gia. Một phần mục đích đầu tiên của Hayek là tỷ giá hối đoái quốc tế cố định dựa trên kim bản vị quốc tế (international gold standard). Tuy nhiên, xét từ góc độ nghiên cứu của luận cương mà ông dự định viết tại Đại học New York, vấn đề này liên quan nhiều hơn đến niềm tin của ông là việc ổn định giá cả dẫn tới mất cân đối cơ cấu sản xuất trong hoạt động kinh tế.

Chủ đề chu kỳ kinh doanh trong lý thuyết kinh tế suốt các thập niên đầu thế kỷ hai mươi thịnh hành hơn rất nhiều so với từ đó về sau. Hoạt động kinh tế suốt các thập niên cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 có những thăng trầm dường như không tránh khỏi và mang tính định kỳ. Tiếp theo Mises, Hayek phát triển một cách lý giải về chu kỳ kinh doanh, xác định căn nguyên của nó là do cơ cấu sản xuất kinh tế bất hợp lý, xẩy ra khi lãi suất không phản ánh đúng mức tiết kiệm của nền kinh tế.

Ở Mỹ, điều Hayek thấy đáng quan tâm nhất là công trình về chính sách tiền tệ và kiểm soát các dao động ngành (industrial fluctuations) đang tiến hành có quan hệ với Trung tâm Dịch vụ Kinh tế Harrvard (Harvard Economic Service) và với các thử nghiệm mới về chính sách ngân hàng trung ương của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Ông thấy thất vọng với cuộc thảo luận về lý thuyết kinh tế thuần tuý ở Mỹ. Chuyến đi đã chuyển hướng quan tâm của ông “chút ít từ lý thuyết thuần tuý về giá trị và giá cả sang những vấn đề về quá trình định hướng trong nền kinh tế thị trường. Khi đó, tôi ngày càng ý thức được rằng chức năng định hướng của quá trình xác định hiệu quả những nỗ lực của chúng ta chỉ có thể vận hành mỹ mãn nếu nhu cầu tiền tệ tương xứng với nhu cầu thực tế, vốn không đơn thuần nằm trong tổng cầu mà chủ yếu nằm trong tỷ lệ tương đối giữa các loại hàng hoá khác nhau có nhu cầu và được đáp ứng.”9 Quan niệm của ông về hoạt động kinh tế dựa trên ý tưởng của Menger về thứ bậc khác nhau của hàng hoá và ý tưởng của Böhm-Bawerk về tính chất vòng tròn, hay các giai đoạn, của sản xuất.

Ông đã thai nghén dự án lớn đầu tiên của mình khi đang ở Mỹ, cuốn sách về sự phát triển của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Cho dù công trình này không bao giờ ra đời thì nghiên cứu trên cũng đã cung cấp dữ liệu cho hai bài viết sớm nhất của ông, (bằng tiếng Đức) “Chính sách tiền tệ của Mỹ sau phục hồi từ cuộc khủng hoảng những năm 1920” (The Money Policy of the United States after the Recovery from the 1920s Crisis) và “Hệ thống ngân hàng Mỹ sau cuộc cải tổ 1914” (The American Banking System Since the Reform of 1914). Lợi ích khác từ chuyến sang Mỹ lần đầu còn bao gồm khả năng nói tiếng Anh thành thạo, mà sau này đã chứng tỏ sự vô giá đối với cương vị của ông tại Trường Kinh tế và Chính trị London năm 1931. Ngoài ra việc ông bắt đầu làm quen với các phương pháp thống kê mới phát triển của Mỹ thời gian này đã góp phần vào sự kiện ông được cử làm giám đốc Viện Nghiên cứu Chu kỳ Kinh doanh Áo, ra đời ở Vienna năm 1927.

Bên cạnh những nghiên cứu gắn với Đại học New York, ông còn lọt được vào Đại học Columbia dù không có quan hệ chính thức nào ở đây. Tại Đại học Columbia, Hayek tham dự các buổi thuyết trình của Mitchell về lịch sử kinh tế, và các buổi hội thảo của một nhà kinh tế học người Mỹ xuất chúng khác, John Bates Clark.

Ông viết một bức thư gửi ban biên tập tờ New York Times, công bố ngày 19 tháng 8 năm 1923 với tiêu đề “Nền tài chính Đức.” Bức thư nhận xét về quá trình “bần cùng hoá”10 của Đức, rõ ràng là ấn phẩm đầu tiên bằng tiếng Anh của ông. Tình hình kinh tế thế giới Giécmanh suốt giai đoạn trưởng thành của Hayek luôn là tâm điểm trong tư tưởng kinh tế của ông. Ông coi lạm phát là điều bất hạnh nhất có thể xảy ra cho nền kinh tế và trong một số năm đã trông chờ vào kim bản vị như là phương sách tốt nhất để duy trì một trật tự kinh tế thế giới vững chắc và hoà bình.

Ông hy vọng kéo dài thời gian cư trú ở Mỹ thêm một năm nữa thông qua chương trình học bổng của Quỹ Rockefeller mà ông được Wieser đề xuất là ứng cử viên hàng đầu của Áo. Tuy nhiên, ông đã khởi hành chuyến đi trở lại Vienna trước khi thông báo trao học bổng đến được với mình. Ông dự định trong một số năm sẽ quay lại nhờ vào chương trình học bổng đó. Nhưng trước khi điều này có thể xẩy ra thì ông đã kết hôn và trở thành giám đốc viện nghiên cứu chu kỳ kinh doanh của Áo, khiến cho chuyến đi dài ngày khác ra ngoài nước Áo trở nên bất khả thi. Thời gian ở Mỹ ông để râu quai nón và hàng chục năm về sau vẫn thích thú bông đùa, “Bây giờ tôi sử dụng mệnh đề sau như lời mào đầu rất hiệu quả trước các sinh viên Mỹ, ‘cách đây 50 năm, khi lần đầu tiên tôi để râu để phản đối nền văn minh Mỹ…’ (cười).”11

Kỷ niệm về thời gian lưu trú đầu tiên của ông ở Mỹ không thật vui vẻ gì. Ông hồi tưởng về thế giới học thuật và xã hội phong phú ở Vienna so với những gì ông trải qua ở New York, “cuộc sống trong cái thế giới đầu tiên [ở Vienna] hoàn toàn không tồn tại. Nhưng cố nhiên, thời gian ở New York tôi cũng lại quá nghèo nàn đến mức không thể làm được gì. Tôi không quan sát được bất kỳ thứ gì thuộc về đời sống văn hoá ở New York vì không thể có tiền để đi bất cứ đâu.” Ông không có một “mối giao lưu thực sự nào. Tôi không phải là sinh viên chính quy. Tôi thường đọc sách tại Thư viện công cộng New York, và có bốn hay năm người cùng bàn là những người mà tôi dần quen biết. Tuy nhiên đó là toàn bộ quen biết của tôi với người Mỹ.” Ông gặp một số ít gia đình Áo, nhưng “thực sự rất ít giao tiếp với đời sống nước Mỹ suốt năm đó. Tôi nghèo túng tới mức mà người mẹ đáng kính của tôi về cuối đời vẫn thường nhắc tôi rằng khi từ Mỹ trở về tôi mang hai đôi tất, đôi này trùm lên đôi kia, vì đôi nào cũng những lỗ là lỗ, và đó là cách duy nhất có thể.”12 Tháng 5 năm 1923, khi vừa bước sang tuổi hai lăm, Hayek rạo rực lên đường trở về Vienna.

Chú thích: 

(15) Maximilian Weber (1864-1920): Nhà kinh tế chính trị và nhà xã hội học người Đức, được coi là một trong những người sáng lập chuyên ngành xã hội học. Các tác phẩm chủ yếu của ông là về xã hội học tôn giáo và về chính phủ song ông cũng viết nhiều về kinh tế học. Tác phẩm nổi tiếng của ông là The Protestant Ethic and the Spirit of CapitalismPolitics as a Vocation. (N.D.)

(16) Jeremiah Whipple Jenks (1856-1929): Nhà kinh tế học người Mỹ, giáo sư Đại học Cornell (1891-1912) và Đại học New York (1912-1929). Các tác phẩm chính của ông gồm The Trust Problem (1900), The Immigration Problem (với W. J. Lauck, 1911), Principles of Politics (1909), và Govermental Action for Social Welfare (1910). (N.D.)

(17) Wesley Clair Mitchell (1874-1948): Nhà kinh tế học người Mỹ. Các tác phẩm chủ yếu: Business Cycles (1913, 1927), A History of the Greenbacks (1903), The Backward Art of Spending Money (1937), và Measuring Bussiness Cycles (với A. F. Burns, 1946).

Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh

Bài viết liên quan

Tác giả liên quan