Hiệu ứng Ricardo (Phần cuối)
6
Trong các trường hợp được xem xét, sớm hay muộn cũng không thể tránh khỏi được việc các mức tiền công thực sẽ giảm, và chi phí đầu tư sẽ bị thu hẹp; và thực tế này sẽ trở nên rõ ràng nếu ngay bây giờ chúng ta xem xét những kết quả mâu thuẫn sẽ xảy ra nếu các điều kiện diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Việc tăng các mức giá của hàng hoá tiêu dùng, trong điều kiện số lượng tiền không giới hạn sẵn có ở một mức lãi suất cố định, sẽ dẫn đến sự gia tăng của cả chi phí đầu tư lẫn hoạt động đầu tư thực; và do không tồn tại nguồn lao động dự phòng sẵn có, điều này chỉ có thể xảy ra với chi phí đánh đổi là sản lượng hàng hóa tiêu dùng trong tương lai gần. Sự gia tăng của các mức thu nhập danh nghĩa (và nhu cầu cuối cùng như là hệ quả) cùng với sự sụt giảm sản lượng hàng hóa tiêu dùng sẽ làm cho những mức giá của chúng tăng cao hơn nữa so với các mức tiền công. Việc các mức giá của hàng hoá tiêu dùng tiếp tục tăng sẽ, theo cách suy luận trên, dẫn đến sự gia tăng đầu tư hơn nữa với chi phí đánh đổi là sản lượng hàng hóa tiêu dùng, và quá trình cứ diễn ra như vậy có lẽ cho đến khi không còn người sản xuất hàng hoá tiêu dùng nào nữa và tất cả mọi người đều tham gia cung cấp máy móc cho sản xuất hàng tiêu dùng trong tương lai xa khi mà tất cả mọi người sẽ chết vì đói trong khoảng thời gian giữa chừng. Trong khi một xu hướng nào đó theo hướng này có thể tồn tại trong những năm đầu của giai đoạn bùng nổ, thì hầu như không cần bất kỳ sự mê tín nào về sức mạnh tự cân bằng của hệ thống kinh tế để nghi ngờ rằng, trước khi kết quả cực đoan đó xảy ra khoảng một thời gian, các phản lực sẽ hoạt động để kìm hãm sự tiến triển theo hướng như vậy. Điều này đưa chúng ta đến phiên bản thứ hai của lĩ lẽ này, theo đó lãi suất danh nghĩa phải là nhân tố thống lĩnh.
Phiên bản lí lẽ này thừa nhận rằng các mức tiền công có thể giữ được ở mức tương đối thấp so với mức lãi suất, nhưng nhấn mạnh rằng, bất chấp điều này, nếu cung tiền là co giãn hoàn toàn, thì mức lãi suất chứ không phải là mức tiền công sẽ chi phối hình thức đầu tư1. Đại diện tiêu biểu cho phiên bản này là Kaldor và Wilson. Tuy nhiên, hai tác giả này, như chúng tôi cố gắng chỉ ra, đã đơn giản hóa rất nhiều nhiệm vụ của họ đến mức họ không chứng minh những gì họ muốn chứng minh. Tất cả những gì họ chứng minh, một cách chi tiết không cần thiết, đó là, chừng nào còn có thể nhận được lượng tiền không giới hạn ở một mức lãi suất nhất định, thì lãi suất là nhân tố duy nhất quyết định phương pháp sản xuất nào mang lại mức lợi nhuận hiện tại cao nhất vượt trên mức chi phí hiện tại sau khi mua sắm các máy móc phù hợp cho phương pháp đó. Nhận định này không khá hơn một phiên bản có tính hiển nhiên mà chúng tôi đã nhấn mạnh ngay từ đầu, rằng chừng nào lãi suất còn không đổi, một sự thay đổi trong các mức tiền công thực không thể làm thay đổi những mức chi phí tương đối của các phương pháp sản xuất khác nhau. Điều mà Kaldor và Wilson hoàn toàn bỏ qua là, khi so sánh các mức lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất bằng những phương pháp khác nhau, họ so sánh các phương pháp sản xuất sử dụng những khoản vốn khác nhau mà không đếm xỉa gì đến các chi phí để tạo thêm nguồn vốn thực cần thiết cho một trong hai phương pháp sản xuất. Họ thực hiện điều này bằng cách bỏ qua không chú ý đến những gì sẽ xảy ra trong thời kỳ quá độ trước khi máy móc thiết bị mới trở nên sẵn có. Tuy nhiên, liệu máy móc thiết bị này có luôn sẵn có hay không sẽ phụ thuộc chính xác vào những gì xảy ra trong thời gian chuyển tiếp này. Vấn đề vẫn không hề được giải quyết khi tuyên bố rằng, nếu chúng ta chấp nhận một phương pháp sản xuất nhất định thì phần chênh lệch giữa các khoản thu hiện tại so với mức kinh phí đầu tư hiện tại sẽ đạt mức lớn nhất kể từ một ngày nhất định trong tương lai trở đi, vì chúng ta không hề biết những gì xảy ra từ nay đến ngày đó trong tương lai. Trong việc lựa chọn giữa hai phương pháp sản xuất thay thế, chúng ta không thể quyết định chỉ căn cứ vào vị trí của một cân bằng dài hạn mới cụ thể nào đó đã được thiết lập, mà còn phải xem xét những gì sẽ xảy ra giữa bây giờ và sau này, bởi vì vị trí cân bằng dài hạn cụ thể nào đó sẽ được thiết lập phụ thuộc vào điều này. Điều mà Kaldor và Wilson làm chung quy lại là loại khỏi dữ liệu của họ các yếu tố thực vốn quyết định cung vốn và giả thiết rằng lượng vốn sẽ tất yếu tự điều chỉnh trong dài hạn để sao cho đưa "hiệu suất cận biên" của nó về mức độ tương ứng với một mức lãi suất được quyết định chỉ bởi các yếu tố danh nghĩa.
Cụ thể hơn, Kaldor và Wilson cho rằng, nếu chỉ các quỹ tài chính là có sẵn, thì trong những điều kiện được giả định, việc đáp ứng một lượng cầu gia tăng đối với hàng hoá tiêu dùng bằng cách tăng lượng máy móc thiết bị với tỉ lệ tương ứng với mức tăng lượng sản phẩm có thể bán được ở một mức giá nhất định tất sẽ dẫn đến khả năng sinh lợi cao nhất, mặc dù theo cách này thì, theo lẽ thường, khả năng bắt kịp được cầu gia tăng chỉ xảy ra sau một khoảng thời gian đáng kể. Chỉ khi (và trong phạm vi mà) chúng ta có thể giả định lượng máy móc thiết bị bổ sung phải sẵn có ở cửa hàng để mua và sẵn sàng được lắp đặt ngay tức thì, thì mới không cần đến khoảng thời gian chuyển tiếp như vậy. Giả định này (mà chung quy lại là tiền giả định, rằng tất cả nguồn vốn thực cần cho việc mở rộng sản xuất đã tồn tại) rõ ràng là giả định có thể đúng với bất kỳ hãng nào, nhưng sẽ là không đúng khi tất cả các hãng có cùng một vị thế. Trong tình huống mà chúng ta đang quan tâm, máy móc thiết bị bổ sung và đặc biệt là lượng hàng hoá tiêu dùng được tạo ra bởi nó sẽ chỉ có sẵn sau một khoảng thời gian trì hoãn đáng kể. Trong khoảng thời gian cho đến khi lượng hàng hoá tiêu dùng này có sẵn, những khoản lợi nhuận mà lẽ ra đã có thể kiếm được bằng các biện pháp sản xuất nhanh hơn sẽ bị mất, và chúng cần phải được tính như là một phần của chi phí sản xuất cho tương lai xa hơn.
Về vấn đề này, câu trả lời sau đây không còn gì phải nghi ngờ. Đó là, không có lí do gì mà các nghiệp chủ lại không nên thực hiện cả hai hoạt động: cung cấp những sản phẩm hàng hoá tiêu dùng trong tương lai gần bằng các biện pháp sản xuất nhanh chóng nhưng đắt tiền và cung cấp cho tương lai xa hơn bằng cách lắp đặt thêm máy móc thiết bị. Nhưng điều này lại tạo ra cho chúng ta một vấn đề cơ bản, rằng liệu có đủ lượng các nguồn lực thực hay không, và đặc biệt là lao động, để có thể thực hiện được cả hai hoạt động này cùng một lúc. Hay nói một cách khác, câu hỏi đặt ra là, mà hiện tại đang có xu hướng bỏ qua những vấn đề này trong các cuộc thảo luận, liệu một nguồn tài chính không giới hạn có bảo đảm một nguồn cung cũng hoàn toàn không giới hạn cho những nguồn lực thực. Chúng ta đã thấy rằng, trong các tình huống mà chúng ta quan tâm, điều này là không có khả năng.
Tuy nhiên, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn khi xem xét kỹ hơn phương thức mà một số nhà kinh tế học tìm cách che đậy khó khăn này và do đó thành công trong việc loại bỏ yếu tố nguồn cung vốn sẵn có khỏi các dữ liệu có liên quan đến vấn đề. Cách xử lí vấn đề trong bài viết của Kaldor là ví dụ minh hoạ sáng giá nhất trên khía cạnh này. Ông tuyên bố rõ ràng, để xử lí tất cả trường hợp mà đầu ra của các hãng riêng lẻ bị giới hạn bởi “đường cầu giảm đối với sản phẩm và/hoặc đường cung tăng đối với các yếu tố sản xuất của nó”2 là đưa chúng về một trường hợp duy nhất bị giới hạn bởi cung tín dụng không co dãn. Tuy nhiên, khi bàn về trường hợp này, ông lại giả định, và cuối cùng, thậm chí đưa vào phần chú thích, rằng “đối với từng hãng riêng lẻ, độ co giãn về cung của các yếu tố sản xuất là vô hạn”3. Nhưng mặc dù ông quả thực đã giới hạn chứng minh của mình vào chỉ một phần của nhóm các trường hợp mà ông đã nêu ra ban đầu, ông tiến hành như thể ông đã chứng minh điều đó cho tất cả trường hợp và tiếp tục coi trường hợp ban đầu của mình (cung tín dụng không co dãn hoặc đường cầu giảm đối với sản phẩm và/hoặc đường cung tăng đối với các yếu tố sản xuất) là phù hợp với sự phân biệt giữa những tình huống theo đó hoặc chỉ tiền công hoặc chỉ lãi suất quyết định các phương pháp sản xuất sẽ có khả năng sinh lợi.
Thiếu sót của Kaldor khi đối mặt với các hiệu ứng về sự hạn chế trong nguồn cung lao động là rất lớn bởi vì sự tăng giá cung ứng lao động sẽ dẫn tới sự thiếu hụt những nguồn lực thực dành cho đầu tư (do nhu cầu cạnh tranh của các nhà sản xuất hàng hoá tiêu dùng). Kết luận của ông được hình thành đơn thuần từ giả định rằng, và chỉ đúng nếu, độ co giãn của cung lao động (và các yếu tố sản xuất khác) là vô hạn. Nếu điều này đúng thì không có lí do gì mà nghiệp chủ lại không thành công trong việc sử dụng quỹ tài chính không giới hạn để tăng sản lượng một cách nhanh chóng bằng các biện pháp sản xuất tốn kém đồng thời chuẩn bị cho những hoạt động sản xuất kinh tế hơn để tạo ra sản lượng lớn hơn cho thời gian sau này. Chừng nào lực lượng lao động dự phòng còn sẵn có ở một mức giá không đổi, thì các nguồn tài chính không giới hạn vẫn hàm ý một sự kiểm soát không giới hạn đối với các nguồn lực. Nhưng đây không phải là điều kiện có liên quan đến tình trạng toàn dụng lao động mà sẽ chiếm ưu thế trong khoảng cao nhất của một giai đoạn bùng nổ.
Chúng ta sẽ thấy vấn đề phát sinh rõ ràng hơn nếu tạm giả định rằng mỗi hãng đại diện cho một quá trình sản xuất tích hợp đầy đủ (a completely integrated process of production), nghĩa là, không chỉ việc sản xuất hàng hoá tiêu dùng và tất cả nguyên vật liệu khác nhau, v.v., được sử dụng, mà cả việc sản xuất tất cả các loại máy móc thiết bị cần thiết cho việc sản xuất hàng hoá tiêu dùng đó của hãng đều được sản xuất bên trong hãng. Trong các tình huống mà ta đang nói đến, mỗi hãng trong các hãng tích hợp này sẽ có khả năng thu hút được thêm lao động chỉ khi đề nghị những mức tiền công cao hơn; và mặc dù, các ngành sử dụng ít vốn có thể thấy lợi khi thu hút thêm lao động bằng cách này với chi phí đánh đổi bởi những ngành sử dụng nhiều vốn hơn, thì nếu như không có sẵn lực lượng thất nghiệp, đây sẽ là điều không thể với tất cả các hãng hoặc với những ngành hoặc các hãng có “cường độ vốn” trung bình.
Đối với mỗi hãng trong nhóm các hãng tích hợp này, mà vì mục đích nghiên cứu của chúng ta, có thể coi là đại diện cho một xu hướng chung, thì khi đó vấn đề sẽ là làm thế nào để phân phối lực lượng lao động sẵn có của mình giữa việc sản xuất hàng hóa tiêu dùng và việc sản xuất máy móc thiết bị. Giải pháp tối đa hóa mức chênh giữa doanh thu hiện hành so với chi phí đầu tư hiện hành trong tất cả những giai đoạn sau khi sự thay đổi kết thúc sẽ là: tạm thời chuyển lao động từ sản xuất hàng hóa tiêu dùng sang sản xuất máy móc thiết bị. Điều này sẽ liên quan đến việc giảm sản lượng hiện tại của hàng hóa tiêu dùng, và do vậy, làm giảm những khoản lợi nhuận hiện tại, không chỉ dưới mức mà lẽ ra đạt được khi sản lượng đầu ra trước đó được duy trì, mà còn dưới cả mức có thể đạt được nếu như làm cho sản lượng hiện tại tăng lên bằng cách áp dụng các biện pháp sản xuất nhanh chóng nhưng tốn kém hơn cho tới khi chi phí cận biên ngang bằng với giá cả. Những khoản lợi nhuận này, mà sẽ phải bỏ qua nếu trang bị thêm máy móc thiết bị, sẽ phải được coi là chi phí, và do đó cần phải được bù trừ lại, để tiếp tục có được các khoản lợi nhuận lớn hơn trong tương lai. Đây chính là khoản mục đại diện cho các chi phí của thời gian chờ đợi mà những phương pháp thâm dụng nhiều vốn hơn gây ra, và nó không được Kaldor hoặc Wilson xem xét ở bất cứ nơi đâu trong các tính toán của mình. Như chúng ta đã thấy, do những khoản lợi nhuận này, mà sẽ kiếm được trong quãng thời gian chuyển tiếp này, có khả năng là rất đáng kể, nên nhiều khả năng, chúng sẽ quay sang chống lại việc sử dụng quá trình sản xuất thâm dụng nhiều vốn hơn. Hay nói cách khác, những khoản lợi nhuận sẽ cao hơn từ phương pháp sản xuất có tốc độ vòng quay vốn cao hơn, không phải là vì chúng sẽ cộng dồn ở tỉ lệ lớn hơn sau khi trạng thái cân bằng mới theo dự kiến của Kaldor được hình thành (mà chúng sẽ không diễn ra như thế), mà bởi vì các khoản lợi nhuận từ những phương pháp sản xuất thâm dụng ít vốn hơn sẽ bắt đầu cộng dồn sớm hơn so với các khoản lợi nhuận từ những phương pháp sản xuất thâm dụng nhiều vốn hơn. Đó chính là các khoản lợi nhuận mà từ hiện tại trở đi, chứ không chỉ đơn thuần là những khoản lợi nhuận sau khi bổ sung các máy móc thiết bị, phải được xem xét khi quyết định liệu có nên bổ sung các máy móc thiết bị hay không. Vì những lí do này mà các hãng tích hợp, nếu tỉ suất lợi tức nội bộ của chúng tăng lên đủ cao, chắc chắn sẽ không chuyển lao động từ sản xuất hàng hóa tiêu dùng sang sản xuất máy móc thiết bị, mà ngược lại, sẽ chuyển lao động từ sản xuất máy móc thiết bị sang sản xuất hàng hóa tiêu dùng. Sự thay đổi này không đơn thuần chỉ là tạm thời, mà rõ ràng sẽ được duy trì đến chừng nào còn đảm bảo được những điều kiện khiến nó là biện pháp tỏ ra có khả năng sinh lợi trước tiên, nghĩa là, chừng nào mà các mức giá của những hàng hóa tiêu dùng vẫn giữ ở mức cao hơn so với các mức tiền công.
Trước khi ngừng bàn luận về các hãng tích hợp, sẽ là hữu ích nếu chúng ta xem xét thêm điều gì sẽ xảy ra ở những phân xưởng sản xuất máy móc thiết bị của chúng. Những phân xưởng sản xuất máy móc thiết bị này sẽ phải từ bỏ một số lao động mà có thể sử dụng gián tiếp để sản xuất hàng hàng hoá tiêu dùng, và chúng sẽ phải chuyển sang sản xuất máy móc thiết bị ít phức tạp và ít tốn kém hơn. Cả hai sự thay đổi này sẽ có tác dụng làm dư thừa các loại lao động chuyên dụng sản xuất những loại máy móc phức tạp hoặc làm các công việc (như sàng tuyển những loại nguyên liệu thô nhất định cần thiết để sản xuất máy móc thiết bị) gắn với tổng sản lượng máy móc thiết bị theo một tỉ lệ cứng. Nói cách khác, kết quả của tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng tương đối phổ thông sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp đối với một số loại lao động đặc biệt - loại lao động có tính chuyên dụng cao để sản xuất một số loại máy móc thiết bị nhất định.
Trong khi có vẻ khá hiển nhiên rằng những kết quả phân tích phải được giữ nguyên nếu chúng ta từ bỏ giả định về sự tích hợp đầy đủ tại các ngành khác nhau, thì tôi phải thừa nhận rằng tôi thấy khó khăn trong việc hình dung chính xác điều đó sẽ được tạo ra như thế nào. Dĩ nhiên các điều kiện vật chất của vấn đề là giống nhau: vẫn đúng là sẽ không có đủ lao động có sẵn cùng một lúc để tăng sản lượng hàng hoá tiêu dùng một cách nhanh chóng và cung cấp thêm máy móc thiết bị để sản xuất một sản lượng lớn hơn bằng những biện pháp hiệu quả hơn vào một thời điểm sau đó. Và cũng vẫn đúng là, nếu các nghiệp chủ quyết định sử dụng những biện pháp sản xuất tốn kém hơn nhưng tốc độ nhanh hơn, thì điều này sẽ mang lại cho họ lợi nhuận lớn hơn. Vấn đề là điều gì sẽ giúp họ có thể nhìn thấy trước kết quả này; bởi vì, chừng nào họ còn tin rằng, ở mức giá nhân công hiện hành họ đều sẽ có khả năng có được lao động để tăng sản lượng hàng hoá tiêu dùng ngay lập tức cũng như yêu cầu được các nhà sản xuất máy móc thiết bị tạo ra máy móc thiết bị cho họ, thì việc theo đuổi cả hai khả năng này đều sẽ mang lại lợi nhuận; nghiệp chủ riêng lẻ sẽ không còn phải đối mặt trực tiếp với vấn đề sử dụng cùng một nguồn lao động hoặc là để sản xuất thêm hàng hóa tiêu dùng hoặc để sản xuất thêm máy móc thiết bị; và vấn đề này sẽ chỉ nảy sinh khi anh ta và tất cả những nghiệp chủ khác, những người có cùng vị thế, đều cố gắng làm như thế và họ nhận ra rằng điều đó là không thể thực hiện được.
Tôi nghĩ là phải tìm câu trả lời, trước hết, dựa trên thực tế là nghiệp chủ tất sẽ luôn ưu tiên chú ý đến việc dự phòng cho một tương lai gần, bởi vì, nếu các khoản lợi nhuận không thể có được trong tương lai gần thì chúng (và có lẽ một số hoạt động kinh doanh lâu dài nhất định) sẽ bị mất vĩnh viễn cho một đối thủ cạnh tranh, trong khi sự chậm trễ trong việc có được những máy móc thiết bị hiệu quả hơn sẽ ảnh hưởng ít hơn đến khối lượng sản phẩm đầu ra và đơn thuần chỉ làm chậm thời điểm tại đó chi phí của nó sẽ thấp hơn. Quan hệ chặt chẽ với điều này là tác động của tình trạng không chắc chắn liên quan đến tương lai xa hơn. Mặc dù các nghiệp chủ có thể mong đợi các mức giá cứ tăng mãi, họ sẽ thấy kém chắc chắn hơn về điều này ở tương lai xa hơn so với tương lai gần. Trên nguyên tắc "tận dụng thời cơ thuận lợi", các kế hoạch tăng lợi nhuận ở tương lai gần sẽ được ưu tiên.
Thứ hai là, có một thực tế rằng, vì trong ngắn hạn, những phương pháp sản xuất thâm dụng vốn nhiều hơn sẽ đòi hỏi nhiều lao động hơn đối với bất kỳ sự gia tăng sản lượng nào so với các phương pháp sản xuất thâm dụng vốn ít hơn, nên sự tăng giá đối với nguồn cung lao động sẽ càng làm lượng lao động giảm mạnh hơn với phương pháp đầu so với phương pháp sau, tức là, những nỗ lực để mua sắm máy móc thiết bị cần thiết nhằm tăng một sản lượng hàng hoá tiêu dùng nhất định sẽ làm máy móc thiết bị tăng giá ở mức độ lớn hơn một cách tương đối so với mức tăng của chi phí nhân công gây ra bởi việc sử dụng một số lượng nhân công cần thiết để sản xuất cùng lượng sản phẩm hàng hoá tiêu dùng bằng phương pháp thâm dụng ít vốn hơn.
Thứ ba là, có một điểm là, chừng nào các nhà sản xuất hàng hóa tiêu dùng còn ưu tiên tăng sản lượng của họ, không phải là không bổ sung thêm máy móc thiết bị mà là lắp đặt những loại máy móc thiết bị rẻ hơn, thì nhu cầu đối với các máy móc thiết bị phức tạp hơn sẽ chỉ phát sinh khi những máy móc thiết bị được lắp đặt tạm thời bị hao mòn hết, và do đó, nhu cầu đối với loại máy móc thiết bị phức tạp hơn sẽ biến mất hoàn toàn trong một thời gian ngắn.
Cuối cùng, và có lẽ là điểm quan trọng nhất, sẽ có một hiện tượng là, chừng nào các nhà sản xuất hàng hóa tiêu dùng còn không thành công trong việc tăng sản lượng một cách nhanh chóng đến mức cần thiết để đưa mức lợi nhuận cận biên xuống mức mà họ kỳ vọng sẽ thống lĩnh trong dài hạn, thì họ sẽ không dám chắc sự thay đổi của yếu tố nào trong bức tranh sẽ tạo ra một vị trí cân bằng mới. Nói cách khác, chừng nào các khoản lợi nhuận từ những biện pháp sản xuất nhanh chóng không thực sự bị suy giảm và cần phải nỗ lực hơn nữa để thu các khoản lợi nhuận cao mà có thể tạo ra được một cách nhanh chóng, thì việc chuẩn bị cho những phương pháp sản xuất phức tạp hơn để tạo ra các khoản lợi nhuận trong tương lai với tỉ suất thấp hơn (mặc dù cao hơn xét về tổng số) và có nguy cơ rủi ro cao hơn sẽ không thực sự hấp dẫn. Nhưng chừng nào người ta còn áp dụng cả hai biện pháp, tăng sản lượng hàng hoá tiêu dùng một cách nhanh chóng và lắp đặt nhiều máy móc thiết bị hơn, thì các khoản thu nhập và nhu cầu hàng hoá tiêu dùng sẽ tiếp tục đi trước kỳ vọng của những nhà sản xuất hàng hoá tiêu dùng. Có lẽ chỉ sau khi hoạt động đầu tư bị thu hẹp đáng kể thì chi phí của những phương pháp sản xuất đắt đỏ mới bắt kịp được với các mức giá, và khi đó, những phương pháp thâm dụng vốn nhiều hơn mới lại trở nên hấp dẫn.
Tôi hoàn toàn nhận thức được rằng kết quả phân tích này chưa thực sự thỏa đáng, và thực sự cần có một bức tranh rõ ràng hơn về quá trình chuẩn xác mà qua đó cạnh tranh mang lại kết quả này. Nhưng tôi không chắc việc đó có khả thi không nữa. Chúng ta đang đối phó với một trạng thái phi cân bằng mà tại đó việc triển khai phân tích phụ thuộc vào thứ tự chính xác của những thay đổi khác nhau nối tiếp xảy ra theo thời gian và ở đó tình huống diễn ra ở bất cứ thời điểm nào đều có vẻ “mơ hồ”, như cách chúng ta đã nói trong chiến tranh. Chúng ta không thể nói được một cách chính xác khi nào thì các nghiệp chủ dừng các biện pháp tự làm hại mình, đó là đồng thời tiến hành cả việc lắp đặt những máy móc thiết bị phức tạp hơn lẫn việc tăng sản lượng hàng hoá tiêu dùng một cách nhanh chóng. Tất cả những gì chúng ta có thể nói là, hiệu ứng mà chúng ta quan tâm bị trì hoãn xảy ra càng lâu thì các lực đẩy sẽ lại càng mạnh để tạo ra hiệu ứng đó (tức là, nếu những mức tăng cầu tiêu dùng càng được kéo dài để mang lại mức tăng vốn đầu tư càng lớn theo tỉ lệ tương ứng, thì các mức giá của hàng hoá tiêu dùng sẽ lại càng tăng cao hơn nữa trong mối tương quan với những mức chi phí sản xuất), và vì thế sớm hay muộn chúng cũng trở thành yếu tố quyết định trong bức tranh này.
7
Bất kỳ nỗ lực nào trong việc khai thác số liệu thống kê sẵn có để khám phá xem liệu hiệu ứng Ricardo trong thực tế có hoạt động như những điều đã nêu hay không đều phải đối mặt với những khó khăn đáng kể. Chúng ta không thể làm gì hơn là chỉ ra những khó khăn của công việc chứng thực đó là gì, và sau đó lí giải tại sao các bằng chứng thu thập được từ trước tới nay có vẻ như không đem lại bất kỳ một kết luận chắc chắn nào.
Trước hết cần phải đề cập đến cụm từ "các mức tiền công thực" thỉnh thoảng được dùng ở đây. Mối quan hệ giữa các mức tiền công và những mức giá sản phẩm hàng hoá tiêu dùng mà ta quan tâm không có mối liên quan chặt chẽ nào với cụm từ "các mức tiền công thực" theo nghĩa thông thường. Trong khi ở hầu hết những ngữ cảnh, thuật ngữ các mức tiền công thực được nhắc đến thường hàm ý là mối quan hệ giữa những mức tiền công trả cho một người lao động và các mức giá của những hàng hoá tiêu dùng trên thị trường mà anh ta dùng tiền công đó để mua, thì ở đây chúng ta dùng thuật ngữ này để chỉ chi phí lao động mà một nghiệp chủ phải gánh chịu và mối quan hệ của nó với các mức giá của những sản phẩm hàng hoá tiêu dùng mà anh ta sản xuất ra. Chúng tôi sẽ chỉ giải thích ngắn gọn rằng các mức tiền công trả cho người lao động và chi phí lao động mà nghiệp chủ phải gánh chịu thậm chí đôi khi biến động khác nhau4. Tuy nhiên, sự khác biệt quan trọng hơn là sự khác biệt giữa những mức giá của các hàng hoá tiêu dùng mà người lao động dành tiền công của họ để mua và những mức giá của các hàng hóa tiêu dùng được tạo ra bởi quá trình sản xuất mà lao động được sử dụng. Sau đây là những nguyên nhân chính của sự khác biệt này:
1. Trong khi "chi phí sinh hoạt" bị ảnh hưởng nhiều bởi giá cả của các sản phẩm nông nghiệp, thì vì mục đích phân tích của chúng ta, giá cả của những hàng hoá chế biến lại là quan trọng. Tổng quát hơn, chúng ta quan tâm đến ảnh hưởng của sự thay đổi trong giá cả của bất kỳ sản phẩm hàng hóa tiêu dùng cụ thể nào đối với lượng vốn tương đối được sử dụng để sản xuất ra sản phẩm đó (ảnh hưởng này tương đối thấp trong lĩnh vực nông nghiệp và tương đối cao trong lĩnh vực sản xuất chế biến). Ta sẽ thấy được ý nghĩa của việc này khi nhớ rằng, vì các mục đích phân tích của chúng ta, một sự dịch chuyển cầu đơn thuần từ những sản phẩm hàng hoá tiêu dùng đòi hỏi tương đối ít vốn đầu tư cho việc sản xuất chúng sang các sản phẩm hàng hoá tiêu dùng đòi hỏi nhiều hơn vốn đầu tư sẽ tạo ra cùng hiệu ứng như khi tăng tổng cầu. Bất kỳ điều tra thống kê nào cũng có thể làm tốt việc khoanh vùng trước hết vào các tác động của những thay đổi trong mối quan hệ giữa các mức giá của những sản phẩm hàng hoá tiêu dùng và các mức tiền công trong bất kỳ ngành nào tới vốn đầu tư trong ngành đó. Nếu tiến hành những điều tra thống kê rộng hơn, thì các mức giá có lẽ phải được cân đối trọng số tỉ lệ tương ứng với lượng vốn đầu tư cho việc sản xuất những sản phẩm hàng hoá tiêu dùng khác nhau đó. Trong trường hợp chúng ta phải đối phó với một "hệ thống mở", như phần lớn các trường hợp trong điều tra thống kê, chúng ta phải phân biệt tiếp nữa giữa các mức giá của hàng hoá tiêu dùng nội địa và những mức giá của các hàng hoá tiêu dùng nhập khẩu.
2. Trong khi từ quan điểm "chi phí sinh hoạt", các mức giá bán lẻ là đối tượng liên quan, thì vì mục đích phân tích của chúng ta, những mức giá mà các nhà sản xuất nhận được mới là đối tượng được quan tâm; và nói chung là, vì những lí do khác nhau mà chúng ta sẽ không đề cập đến ở đây, các mức giá mà những nhà sản xuất nhận được (hoặc ít nhất là giá bán buôn) luôn dao động nhiều hơn so với các mức giá bán lẻ.
3. Trong khi từ quan điểm "chi phí sinh hoạt", người ta quan tâm tới mối quan hệ giữa những mức tiền công và mức giá của một số lượng cố định các hàng hoá tiêu dùng, chúng ta lại quan tâm đến các mối quan hệ giữa những mức chi phí (của) lao động và sản phẩm cận biên của lao động đó. Tuy nhiên, sản phẩm cận biên này bản thân nó không phải là một hằng số mà là một biến số, và nó có thể thay đổi do hiệu ứng mà chúng ta quan tâm mang lại hoặc, bởi sự thay đổi của nó, lại trở thành nguyên nhân của hiệu ứng này. Nói cách khác, những thay đổi trong sản phẩm cận biên có thể là các biến phụ thuộc khi chúng là hệ quả của sự thay đổi tỉ lệ kết hợp giữa vốn và lao động, hoặc chúng có thể là các biến độc lập, khi chúng được tạo ra bởi những thay đổi trong các "dữ liệu", cụ thể hơn là những thay đổi về tri thức công nghệ. Thay đổi công nghệ, ít nhất là khi nó diễn ra nhanh chóng và phổ biến, có thể gây ra những khó khăn nghiêm trọng.
Chừng nào tri thức công nghệ còn không đổi, những mối quan hệ giữa chi phí lao động và giá của sản phẩm do nó tạo ra, mà liên quan đến mục đích phân tích của chúng ta, nói chung sẽ giống như mối quan hệ giữa các mức chi phí cho một lượng lao động cố định và giá của một lượng sản phẩm cố định - mặc dù, khi chúng ta ở trong một hệ thống "mở", những thay đổi về giá của một nguyên liệu thô quan trọng có thể làm nhiễu loạn mối quan hệ đơn giản này. Nhưng một khi chúng ta phải cân nhắc cả các thay đổi trong tri thức công nghệ, thì vấn đề trở nên phức tạp rất nhiều. Hãy xét một trường hợp đặc biệt, rõ ràng là nếu tiến bộ công nghệ cho phép chúng ta chế tạo cùng loại máy móc thiết bị với 20% chi phí đầu tư tăng thêm, hiệu ứng tức thì của nó sẽ tương tự như là hiệu ứng của việc tăng giá sản phẩm. Chừng nào một sự thay đổi như thế còn diễn ra một cách riêng biệt, thì mối quan hệ này không có gì là phức tạp cả. Nhưng khi nó được kết hợp với các thay đổi về giá cả, xì sẽ làm nảy sinh một vấn đề mà khó có thể tìm thấy một giải pháp thực tiễn khả thi nào cho nó. Để đánh giá ảnh hưởng của bất kỳ sự thay đổi giá nào diễn ra cùng với sự thay đổi về công nghệ, chúng ta cần biết mối quan hệ giá cả nào giờ đây “tương tự” với mối quan hệ giá cả đã tồn tại trước đó, nghĩa là, mối quan hệ nào giữa chi phí lao động và giá của sản phẩm giờ đây sẽ làm cho việc đầu tư hấp dẫn không hơn không kém so với mối quan hệ giá cả tồn tại trước khi có sự thay đổi về công nghệ. Tại thời điểm này, tôi không có giải pháp nào để vượt qua khó khăn này.
Chú thích
(1) Theo N. Kaldor, "Capital Intensity and the Trade Cycle”, Economica, tháng Hai, 1939, và T.Wilson, "Capital Theory and the Trade Cycle”, Review of Economic Studies, tháng Sáu, 1940.
(2) Đã trích dẫn, trang 46 (phần in nghiêng là của chúng tôi).
(3) Như trên, trang 50, chú thích 4. Giả định được hàm ý trong toàn bộ bài thảo luận ở trang này và trang trước, vì chỉ khi số lượng lao động sẵn có là vô hạn ở mức giá xác định thì “đường cung vốn sẽ nằm ngang” theo nghĩa giá trị thực mà thuật ngữ “vốn” được sử dụng ở đó.
(4) Đó là hệ quả của những thay đổi trong lĩnh vực thuế, phí bảo hiểm xã hội và các quy định pháp luật hoặc nghiệp đoàn ảnh hưởng đến điều kiện làm việc. Tôi nhớ có lần nhìn thấy chi tiết số liệu so sánh "tiền công thực tế" của các thợ sắp chữ ở Thụy Điển và Áo. Những số liệu đó dường như đã chỉ ra một cách thuyết phục rằng, trong khi sức mua của tiền công đối với người lao động ở Áo là rất thấp, thì chi phí thực của lao động đối với nhà sản xuất lại rất cao.
Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 11, NXB Tri thức, 2016