Bộ máy quan liêu: Quản lý theo lối quan liêu trong doanh nghiệp tư nhân (phần 8)
1. Những biện pháp can thiệp của nhà nước dẫn tới quan liêu hóa
Nếu chỉ hoạt động với mục đích duy nhất là tìm kiếm lợi nhuận thì không doanh nghiệp tư nhân nào trở thành nạn nhân của phương pháp quản lý quan liêu. Như đã nói, với động cơ lợi nhuận, mọi tổ hợp công nghiệp, bất kể quy mô như thế nào, cũng đều tổ chức toàn bộ hoạt động kinh doanh, cũng như từng bộ phận của nó, sao cho tinh thần tìm kiếm lợi nhuận tư bản chủ nghĩa thấm đẫm từ trên xuống dưới.
Nhưng thời đại của chúng ta là thời đại của những cuộc tấn công toàn diện vào động cơ lợi nhuận. Dư luận lên án nó, cho rằng đấy là vô đạo đức và cực kỳ bất lợi cho cộng đồng. Các đảng chính trị, các chính phủ tìm cách xóa bỏ nó và dùng cái mà họ gọi là “phụng sự”, mà thực chất là bộ máy quản lý quan liêu, để thay thế cho nó.
Chúng ta không cần bàn chi tiết với những việc Đức quốc xã đã làm được trong vấn đề này. Đức Quốc xã đã thành công trong việc loại bỏ hoàn toàn động cơ lợi nhuận trong quản lý kinh doanh. Ở nước Đức Quốc xã, không ai nói về doanh nghiệp tư nhân nữa. Cũng không còn doanh nhân nữa. Các cựu doanh nhân đã được quy giản thành Betriebsfuhrer (lãnh đạo xí nghiệp). Họ không được tự do hoạt động; họ phải tuân theo mệnh lệnh do Reichswirtschaftsministerium (Tổng cục Quản lý Sản xuất) và các sở, phòng ban của nó một cách vô điều kiện. Chính phủ không chỉ ấn định giá và lãi suất, tiền lương và tiền công, số sản phẩm cần sản xuất, phương pháp được áp dụng trong sản xuất; mà còn phân bổ thu nhập cho từng lãnh đạo xí nghiệp, do đó, thực chất là đã biến người quản lý doanh nghiệp thành công chức hưởng lương. Hệ thống này, ngoài một số thuật ngữ, không có gì chung với chủ nghĩa tư bản và nền kinh tế thị trường. Nó chỉ đơn giản là chủ nghĩa xã hội Zwangswirtschajt (theo mô hình Đức) mà thôi. Nó chỉ khác mô hình xã hội chủ nghĩa Nga - quốc hữu hóa tất cả các nhà máy - trong các vấn đề kỹ thuật. Và, tất nhiên là, tương tự như hệ thống của Nga, đây là hình thức tổ chức xã hội độc tài.
Ở những nước khác trên thế giới, mọi thứ chưa tiến xa đến như thế. Ở các nước Anglo-Saxon, vẫn còn doanh nghiệp tư nhân. Nhưng xu hướng chung của thời đại chúng ta là cho phép chính phủ can thiệp vào lĩnh vực kinh doanh tư nhân. Và, trong nhiều trường hợp, sự can thiệp như thế đã áp đặt quản lý quan liêu lên các doanh nghiệp tư nhân.
2. Hạn chế lợi nhuận
Chính phủ có thể áp dụng các biện pháp khác nhau nhằm hạn chế lợi nhuận mà doanh nghiệp được tự do tìm kiếm. Các phương pháp thường gặp là:
1. Giới hạn lợi nhuận của một số loại hình doanh nghiệp. Số tiền dư ra sẽ được trao cho chính quyền (ví dụ, thành phố) hoặc dùng làm phần thưởng cho người lao động hoặc loại bỏ bằng cách giảm lãi suất hoặc giá bán cho khách hàng.
2. Cơ quan nhà nước được tự do xác định giá hoặc tỷ suất mà doanh nghiệp có quyền tính phí khi bán hàng hoặc làm dịch vụ. Cơ quan nhà nước sử dụng quyền này nhằm ngăn chặn cái mà họ gọi là lợi nhuận quá cao.
3. Doanh nghiệp không được đòi giá hàng hóa và dịch vụ cao hơn chi phí thực tế cộng với một số tiền bổ sung do chính quyền đưa ra, được tính theo phần trăm chi phí hay phí cố định.
Doanh nghiệp có thể được tự do kiếm tiền theo điều kiện của thị trường, nhưng thuế “ăn” hết lợi nhuận hoặc phần lớn số tiền cao hơn mức nhất định nào đó.
Hiện tượng chung cho tất cả những ví dụ này: Doanh nghiệp không còn quan tâm đến việc tìm kiếm thêm lợi nhuận. Doanh nghiệp không còn động cơ giảm chi phí và tiến hành công việc một cách hiệu quả nhất và rẻ nhất nữa. Nhưng mặt khác, tất cả những khó khăn trong việc cải tiến quy trình và cố gắng làm giảm chi phí thì vẫn giữ nguyên. Doanh nhân phải gánh chịu những rủi ro liên quan đến việc áp dụng những biện pháp nhằm tiết kiệm chi phí. Doanh nhân cũng có trách nhiệm giải quyết những bất đồng liên quan đến đòi hỏi tăng lương và tăng tiền công của người lao động.
Dư luận xã hội, bị những câu chuyện ngụ ngôn bịp bợm của những người xã hội chủ nghĩa lừa phỉnh, đã vội vàng lên án các doanh nhân. Họ bảo chúng ta rằng chính bọn doanh nhân vô đạo đức cố tình làm giảm hiệu quả sản xuất. Nếu là những kẻ có ý thức và nhiệt tình trong việc thúc đẩy phúc lợi công cộng như các công chức tận tụy hiện nay thì họ đã quyết tâm làm hết sức mình để cải tiến những dịch vụ mà họ cung cấp ngay cả khi chúng không liên quan gì tới những lợi ích ích kỷ của mình. Chính lòng tham của họ đã cản trở hoạt động của các doanh nghiệp khi cơ hội tìm kiếm lợi nhuận bị hạn chế. Tại sao người ta không cố gắng hết sức mình ngay cả khi người đó không mong đợi bất kỳ lợi thế nào nếu mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao?
Không có gì nhảm nhí hơn là đưa quan chức bàn giấy ra làm gương cho doanh nhân. Quan chức không được tự do coi cải thiện là mục đích của mình. Quan chức phải tuân theo luật lệ và quy định do cấp trên ban hành. Anh ta không có quyền đổi mới khi chưa được cấp trên đồng ý. Nhiệm vụ và ưu điểm của anh ta là vâng lời.
Xin lấy ví dụ điều kiện sống của quân đội. Quân đội chắc chắn là tổ chức quan liêu lý tưởng và hoàn hảo nhất. Ở hầu hết các quốc gia, quân đội nằm dưới quyền của các sĩ quan, những người chân thành tận tụy với mục tiêu duy nhất: Làm cho lực lượng vũ trang của đất nước mình trở thành lực lượng hiệu quả nhất. Tuy nhiên, lãnh đạo công việc nhà binh có đặc điểm là ghét cay ghét đắng mọi nỗ lực cải thiện. Có người nói rằng bộ tổng tham mưu luôn luôn chuẩn bị cho cuộc chiến diễn ra gần đây nhất, chứ không bao giờ chuẩn bị cho cuộc chiến tranh trong tương lai. Những ý tưởng mới bao giờ cũng gặp thái độ phản đối quyết liệt của những người có trách nhiệm quản lý. Hầu hết những người cổ vũ cho tiến bộ đều đã gặp những sự kiện khó chịu như thế. Không cần phải chứng minh; mọi người hẳn đều đã biết.
Nguyên nhân của tình trạng bất như ý này là rõ ràng. Bất kỳ tiến bộ nào cũng luôn luôn mâu thuẫn với cái cũ và những tư tưởng đã trở thành thói quen, và do đó, mâu thuẫn với những luật lệ được những tư tưởng này ủng hộ. Tiến bộ là thay đổi kèm theo rủi ro đầy thách thức. Chỉ có ít người, được trời phú những khả năng đặc biệt và hiếm có, đủ sức lập kế hoạch cho những điều mới mẻ và nhận thức được lợi thế của chúng mà thôi. Trong chủ nghĩa tư bản, người đổi mới có thể tự do thực hiện kế hoạch của mình, dù đa số không muốn thừa nhận giá trị của nó. Anh ta chỉ cần thuyết phục được một số người có tư duy duy lý cho mình mượn tiền để khởi động dự án là được. Trong hệ thống quan liêu, cần phải thuyết phục những người lãnh đạo cao nhất, mà thường là những người già nua đã quen làm việc theo quy định, và không còn khả năng chấp nhận những ý tưởng mới. Không thể kỳ vọng vào tiến bộ và cải cách khi mà bước đầu tiên phải được những người già đồng ý. Những người tiên phong, muốn áp dụng phương pháp mới được coi là những kẻ nổi loạn và bị đối xử như những kẻ nổi loạn. Đối với người có đầu óc quan liêu, tuân thủ pháp luật, tức là, bám vào những cái đã quen thuộc và cỗ lỗ là đức tính cao quý nhất.
Nói với chủ doanh nghiệp không có nhiều cơ hội thu được lợi nhuận rằng, hãy hành xử như những quan chức có lương tâm, thì chẳng khác gì bảo anh ta tránh xa mọi cuộc cải cách. Không người nào có thể vừa là quan chức thực thụ lại vừa là người cách tân. Tiến bộ chính là những sự kiện mà luật lệ và quy định không thể dự đoán được; tiến bộ nhất thiết phải nằm bên ngoài lĩnh vực của hoạt động quan liêu.
Ưu điểm của hệ thống lợi nhuận là cải tiến sẽ được tưởng thưởng rất lớn và đây chính là động lực để người ta chấp nhận rủi ro cao. Nếu tưởng thưởng không còn hoặc giảm nghiêm trọng thì tiến bộ cũng sẽ không còn.
Các doanh nghiệp lớn thường dành khoản tiền khá lớn cho nghiên cứu vì họ mong thu được lợi nhuận từ các phương pháp sản xuất mới. Từng doanh nhân cũng luôn luôn tìm cách cải tiến; doanh nhân muốn có lời bằng cách giảm chi phí hoặc cải thiện sản phẩm của mình. Công chúng chỉ thấy những đổi mới sáng tạo thành công mà thôi. Công chúng không thấy biết bao nhiêu doanh nghiệp thất bại vì sai lầm trong khi áp dụng những quy trình sản xuất mới.
Nếu không có động cơ lợi nhuận thì đòi hỏi doanh nhân thực hiện những cải tiến mà anh ta sẽ làm, với hy vọng thu được lợi nhuận giúp cho anh ta giàu có hơn, là việc làm vô ích. Doanh nhân tự do quyết định sau khi đã kiểm tra chặt chẽ và cẩn thận tất cả các ưu và nhược điểm của dự án và đánh giá cơ hội thành công và thất bại. Anh ta so sánh được và mất. Mất hoặc được với tài sản của chính anh ta. Đây là vấn đề cốt lõi. Cân nhắc giữa nguy cơ mất tiền của chính mình với cơ hội của chính phủ hay người khác được lợi có nghĩa là xem vấn đề từ quan điểm hoàn toàn khác nhau.
Nhưng còn vấn đề quan trọng hơn hẳn. Đổi mới sáng tạo sai lầm không chỉ làm giảm số vốn đã đầu tư, mà còn làm giảm lợi nhuận trong tương lai. Nếu có lời, phần lớn khoản lợi nhuận này được chuyển vào kho bạc. Bây giờ, khoản suy giảm kia sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của chính phủ. Chính phủ sẽ không cho phép doanh nhân mạo hiểm khoản tiền mà họ coi là doanh thu của mình. Chính phủ sẽ nghĩ rằng cho doanh nhân quyền mạo hiểm tiền của chính phủ là không thể biện hộ được. Chính phủ sẽ hạn chế quyền của doanh nhân trong việc quản lý công việc “của chính anh ta”, mà thực ra không còn là của anh ta nữa mà là công việc của chính phủ.
Chúng ta chứng kiến giai đoạn đầu của những chính sách như thế. Trong các hợp đồng “chi phí cộng với một khoản phụ thêm”, chính phủ tìm cách bảo đảm rằng không chỉ các chi phí mà nhà thầu yêu cầu là có thực, mà còn đảm bảo rằng các khoản chi phí này nằm trong các điều khoản của hợp đồng. Chính phủ cho rằng giảm chi phí là đương nhiên, nhưng không chấp nhận những khoản chi tiêu, mà theo các quan chức, là không cần thiết. Kết quả sẽ như sau: Nhà thầu bỏ ra một số tiền nhằm làm giảm chi phí sản xuất. Nếu nhà thầu thành công, thì hợp đồng theo kiểu chi phí cộng với thặng số (tính bằng %) sẽ làm giảm lợi nhuận của nhà thầu. Nếu nhà thầu không thành công, chính phủ không bù đắp khoản tiền đã bỏ ra và nhà thầu lỗ. Mọi nỗ lực nhằm thay đổi bất cứ điều gì trong dây truyền sản xuất truyền thống đều có hại cho nhà thầu. Muốn tránh bị phạt thì cách duy nhất là giữ nguyên, không thay đổi bất cứ điều gì.
Trong lĩnh vực thuế, những hạn chế áp đặt lên tiền lương là điểm khởi đầu cách tiếp cận mới. Hiện nay, những biện pháp này mới có ảnh hưởng đối với những người được nhận lương cao1. Nhưng sẽ khó dừng ở đây. Một khi người ta chấp nhận nguyên tắc nói rằng, Cục Thuế Nội địa có quyền tuyên bố là chi phí, các khoản khấu trừ, hoặc thua lỗ có hợp lý hay không, thì, sau này người ta cũng có thể hạn chế quyền lực của doanh nhân trong những khoản chi phí khác. Lúc đó, trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào, ban quản lý cũng đều phải chắc chắn rằng cơ quan thuế có chấp thuận các chi phí cần phải bỏ ra hay không. Cục Thuế Nội địa sẽ trở thành cơ quan có quyền lực cao nhất trong các vấn đề về sản xuất.
3. Can thiệp vào lựa chọn nhân sự
Mọi hình thức can thiệp của chính phủ vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân đều dẫn tới những hậu quả tai hại tương tự nhau. Can thiệp làm tê liệt sáng kiến và tạo ra chủ nghĩa quan liêu. Chúng ta không thể nghiên cứu tất cả các biện pháp can thiệp đã được áp dụng. Chỉ cần xem xét một trường hợp đáng ghét nhất là đủ.
Ngay cả trong thế kỷ XIX, trong giai đoạn sung mãn nhất của chủ nghĩa tự do ở châu Âu, doanh nghiệp tư nhân ở đó cũng chưa bao giờ được tự do như các doanh nghiệp ở Mĩ từng được hưởng. Ở châu Âu lục địa, tất cả các doanh nghiệp và đặc biệt các tập đoàn, về nhiều mặt, đều luôn luôn phụ thuộc quyết định tùy tiện của các cơ quan chính phủ. Các cơ quan quản lý hành chính quan liêu có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho bất cứ công ty nào. Để tránh những thiệt hại như thế, những người quản lý phải giữ quan hệ tốt với những người có chức có quyền.
Biện pháp thường được áp dụng nhất là thỏa mãn mong muốn của chính phủ về vấn đề thành phần hội đồng quản trị. Thậm chí ở Vương quốc Anh, ban giám đốc mà không có một vài quý tộc thì thường bị coi là không hoàn toàn đáng được tôn trọng. Ở lục địa châu Âu và đặc biệt là ở Đông và Nam Âu, các hội đồng quản trị thường có rất nhiều cựu bộ trưởng và tướng lĩnh, các chính trị gia và anh em họ, anh em rể, bạn học và những người bạn khác của những người quyền cao chức trọng. Những vị giám đốc này không cần có khả năng thương mại hay kinh nghiệm kinh doanh.
Những kẻ ngu dốt như thế nằm trong ban giám đốc là vô hại. Họ chỉ làm mỗi việc là nhận tiền thù lao và tiền thưởng mà thôi. Nhưng có những người thân và bạn bè của những người nắm quyền không xứng đáng giữ chức vụ. Đây là những người có chân trong danh sách nhân viên được lĩnh lương. Những người này lợi bất cập hại.
Với việc chính phủ ngày càng can thiệp sâu hơn vào lĩnh vực kinh doanh, người ta phải bổ nhiệm những giám đốc điều hành mà nhiệm vụ chính là giải quyết những rắc rối với chính quyền. Ban đầu, đấy chỉ là phó chủ tịch phụ trách “những vấn đề liên quan tới chính quyền”. Sau đó, chủ tịch và tất cả các phó chủ tịch phải là những người có uy tín đối với chính phủ và các chính đảng. Cuối cùng, không có tập đoàn nào có thể “chơi ngông” bằng cách bổ nhiệm giám đốc điều hành mà chính quyền, các công đoàn lao động và các đảng chính trị lớn không ưa. Các cựu quan chức chính phủ, các viên trợ lý, các vị cố vấn của bộ được coi là lựa chọn thích hợp nhất cho chức vụ giám đốc điều hành.
Những giám đốc điều hành như thế không thèm quan tâm tới sự thịnh vượng của công ty. Họ đã quen với quản lý theo lối quan liêu và thay đổi hoạt động của tập đoàn theo lối quan liêu. Tại sao phải làm ra những sản phẩm tốt hơn và các rẻ hơn nếu có thể dựa vào các khoản hỗ trợ của chính phủ? Có thêm nhiều hợp đồng với chính phủ, được bảo vệ về thuế quan hiệu quả hơn và các ưu đãi khác của chính phủ là quan tâm chính của họ. Và họ trả cho những đặc quyền như vậy bằng những khoản đóng góp cho quỹ đảng và quỹ tuyên truyền của chính phủ và bổ nhiệm những người được chính quyền ưu ái.
Đã qua từ lâu cái thời mà nhân viên của các tập đoàn lớn ở Đức được lựa chọn nhờ có năng lực về thương mại và công nghệ. Cựu thành viên các câu lạc bộ sinh viên hợp thời và đáng tin cậy về chính trị thường có cơ hội tìm được việc làm và thăng tiến nhanh hơn các chuyên gia có năng lực thực sự.
Ở Mĩ tình hình khác hẳn. Cũng như trong tất cả các lĩnh vực quan liêu, nước Mĩ đã “tụt hậu” trong quá trình quan liêu hóa doanh nghiệp tư nhân. Không rõ liệu Bộ trưởng Ickes2 có đúng hay không khi ông bảo: “Doanh nghiệp lớn nào mà chả là bộ máy quan liêu”.3 Nhưng nếu vị Bộ trưởng Nội vụ này nói đúng, hoặc đúng ở mức độ nào đó, thì đây không phải là kết quả của quá trình phát triển của lĩnh vực kinh doanh tư nhân mà là kết quả của những biện pháp can thiệp ngày càng tăng của chính phủ vào lĩnh vực kinh doanh.
4. Sự phụ thuộc vào quyết định tùy tiện của các cơ quan nhà nước
Doanh nhân Mĩ nào có cơ hội làm quen với điều kiện kinh tế ở Nam và Đông Âu đều có thể rút ra những nhận xét cô đọng, gồm hai điểm: Doanh nhân ở đây không quan tâm tới hiệu quả sản xuất, còn chính phủ thì nằm trong tay bè lũ tham nhũng.4 Nói chung, mô tả đặc điểm như vậy là chính xác. Nhưng họ chưa nói rằng hiệu quả thấp và tham nhũng là hậu quả của những biện pháp can thiệp của chính phủ vào lĩnh vực kinh doanh ở những nước này.
Trong hệ thống như thế, chính phủ có toàn quyền hủy hoại hoặc ưu ái bất kỳ doanh nghiệp nào. Thành công hay thất bại của mọi doanh nghiệp đều phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định tùy tiện của quan chức chính phủ. Nếu doanh nhân không phải là công dân của một quốc gia nước ngoài hùng mạnh, được cơ quan ngoại giao và lãnh sự bảo vệ, thì anh ta hoàn toàn nằm trong tay chính quyền và đảng cầm quyền. Họ có thể tước đoạt tất cả tài sản và bỏ tù anh ta. Nhưng, họ cũng có thể làm cho anh ta trở thành người giàu có.
Chính phủ quyết định biểu thuế xuất, nhập khẩu và giá cước vận chuyển. Chính phủ cấp hoặc không cấp giấy phép xuất, nhập khẩu. Mọi công dân và cư dân đều phải bán tất cả số ngoại tệ mà mình thu được cho chính phủ với mức giá do chính phủ ấn định. Mặt khác, chính phủ là người bán ngoại tệ duy nhất; chính phủ tự ý quyết định có bán ngoại hối cho người nào đó hay không. Ở châu Âu, nơi hầu như mọi ngành sản xuất đều phụ thuộc vào nhập khẩu thiết bị, máy móc, nguyên liệu, và bán thành phẩm từ nước ngoài, không bán cho doanh nhân ngoại tệ cũng chẳng khác gì đóng cửa nhà máy. Thuế khóa phải đóng phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định tùy tiện của chính quyền. Chính quyền có thể sử dụng bất kỳ lý do nào để tịch thu nhà máy hoặc cửa hàng. Nghị viện là con rối trong bàn tay nhà cầm quyền; quan tòa do chính quyền lựa chọn.
Trong môi trường như thế, doanh nhân chỉ còn hai cách: ngoại giao và hối lộ. Anh ta phải dùng những biện pháp như thế không chỉ với đảng cầm quyền, mà còn với những nhóm đối lập nằm ngoài vòng pháp luật và bị đàn áp, nhưng một ngày nào đó có thể giành được chính quyền. Đây là trò chơi hai mặt đầy nguy hiểm; chỉ có những người không biết sợ hãi và kiềm chế mới có thể sống sót được trong môi trường thối nát này. Những doanh nhân từng phát đạt trong những điều kiện của thời đại tự do hơn phải ra đi và được thay thế bằng những kẻ gian hùng. Doanh nhân Tây Âu và Mĩ đã quen với môi trường trung thực và tuân theo pháp luật chắc chắn sẽ thất bại, nếu không dùng những người đại lý địa phương.
Đương nhiên là, hệ thống này không khuyến khích người ta cải tiến trong lĩnh vực công nghệ. Doanh nhân chỉ nghĩ tới những khoản đầu tư bổ sung khi có thể vay nước ngoài để mua thêm máy móc. Là con nợ của một tập đoàn của một nước phương Tây nào đó được coi là lợi thế, vì người ta kỳ vọng rằng các nhà ngoại giao có liên quan sẽ can thiệp nhằm bảo vệ chủ nợ và do đó, cũng là giúp cho con nợ. Người ta chỉ mở chi nhánh mới khi được chính phủ bảo kê, cấp cho đặc quyền cho phép người ta kỳ vọng là sẽ lãi to.
Sẽ là sai lầm khi lên án sự can thiệp của chính phủ vào lĩnh vực kinh doanh và chủ nghĩa quan liêu, coi đây là nguyên nhân gây ra tham nhũng. Đây là chủ nghĩa quan liêu lọt vào tay các chính trị gia biến chất đã biến thành hệ thống bảo kê, làm tiền phi pháp. Nhưng, chúng ta phải biết rằng các nước này có thể đã tránh được những hiện tượng xấu xa đó nếu họ không từ bỏ hệ thống kinh doanh tự do. Ở những nước này, công cuộc tái thiết kinh tế thời hậu chiến phải bắt đầu với những thay đổi căn bản trong lĩnh vực chính sách.
Chú thích:
(1) Với mục tiêu chống lạm phát trong giai đoạn chiến tranh, tháng 4 năm 1943, Tổng thống Hoa Kỳ đã quyết định “đóng băng” tiền lương – chú thích bản tiếng Nga, ND.
(2) Harold LeClair Ickes (1874 -1952) Bộ trưởng Nội vụ Hoa Kỳ trong giai đoạn 1933 - 1946, chú thích bản tiếng Nga, ND.
(3) The New York Times Magazine, January 16, 1944, tr. 9.
(4) Vào thời điểm Mises chấp bút tác phẩm này, trên thực tế, các doanh nhân Mĩ đã tiếp cận được với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp và ở một mức độ nào đó - Nam Tư. Có lẽ, Mises muốn nói tới những đánh giá tình hình ở Romania, Bulgaria, Hungary thời tiền chiến, vì năm 1944, hệ thống kinh tế và chính trị ở những nước này chưa có thay đổi đáng kể - ghi chú bản tiếng Nga, ND.
Nguồn: Ludwig von Mises, Bureaucracy, Yale University Press, 1944