Các thể chế (Phần 3)
Khi các thể chế không tiến hóa
Trong tất cả các hệ thống trao đổi, các chủ thể kinh tế có động lực đầu tư thời gian, các nguồn lực và năng lực cho loại tri thức và các kỹ năng để cải thiện tình trạng vật chất của mình. Tuy nhiên, trong một số hệ thống thể chế nguyên thủy, loại tri thức và kỹ năng hữu ích lại không mang đến sự tiến hóa của các thể chế hướng tới nền kinh tế năng suất hơn. Để minh họa cho lập luận này, tôi xem xét ba hình thức trao đổi nguyên thuỷ, đó là xã hội bộ lạc, nền kinh tế khu vực gắn với chợ, và các đoàn lữ hành buôn bán đường dài; đây là những hình thức trao đổi dường như không tiến hóa từ bên trong.
Như đã đề cập ở trên, các hoạt động trao đổi trong xã hội bộ lạc dựa trên các mối liên kết xã hội khăng khít. Elizabeth Colson (1974, tr. 59) đã mô tả những liên kết này như sau:
Các cộng đồng mà mọi người chung sống được quản trị định hướng bởi một sự cân bằng mong manh về quyền lực, thứ luôn bị đe dọa và không bao giờ được coi là hiển nhiên: mỗi cá nhân đều liên tục cố gắng đảm bảo vị trí của mình trong hoàn cảnh buộc họ phải thể hiện những thiện chí tốt. Tập quán và phong tục có vẻ như là công cụ phán xử linh hoạt và mềm dẻo về việc ai đó có cư xử đúng đắn hay không, tùy từng trường hợp… Nhưng đó lại chính là vì cá nhân bị phán xử chứ không phải bị coi là tội phạm. Trong điều kiện này, việc ai đó phớt lờ các chuẩn mực chung đã được chấp nhận chẳng khác gì với tuyên bố rằng quyền lực [cộng đồng] là bất hợp pháp và điều này trở thành bằng chứng chống lại cá nhân đó.
Hàm ý trong phân tích của Colson cũng như Richard Posne về xã hội nguyên thủy (1980) đó là việc sống lệch chuẩn và đổi mới sáng tạo được xem như mối đe dọa cho sự sống còn của tập thể.
Một hình thức trao đổi thứ hai đã tồn tại hàng nghìn năm và vẫn hiện diện cho đến ngày nay ở Bắc Phi và Trung Đông là Suq (khu chợ tại các quốc gia hồi giáo), nơi mà những trao đổi rộng mở và tương đối không mang tính cá nhân đi cùng với chi phí giao dịch cao một cách tương ứng1. Những đặc tính cơ bản của hình thức trao đổi này là: có số lượng lớn các tổ chức kinh tế quy mô nhỏ chiểm khoảng 40-50% lực lượng lao động của tỉnh thành tham gia vào quá trình trao đổi này; với chi phí cố định trong việc thuê nhà xưởng và máy móc thấp; sự phân chia lao động rõ ràng; một số lượng khổng lồ các giao dịch nhỏ, ít nhiều độc lập với nhau; tiếp xúc trực tiếp; và hàng hóa và dịch vụ không đồng nhất.
Không có thể chế nào đảm nhiệm chức năng tập hợp và phân phối thông tin thị trường, điều đó có nghĩa là không có niêm yết giá, không có báo cáo sản xuất, không có cơ quan tuyển dụng, không có hướng dẫn sử dụng v.v. Hệ thống đo lường rất phức tạp và không được tiêu chuẩn hóa hoàn toàn. Kỹ năng mua bán được phát triển rất công phu và là yếu tố tiên quyết cho việc người này thay vì người kia sẽ phất lên trong khu buôn bán. Việc mặc cả về bất cứ khía cạnh nào của cuộc trao đổi là phổ biến, gay gắt và diễn ra không ngớt. Mua và bán về bản chất đều không khác nhau, là cùng một hoạt động; việc buôn bán đòi hỏi phải liên tục tìm kiếm những đối tác cụ thể chứ không chỉ là cung cấp hàng hóa ra công chúng. Quy chế giải quyết tranh chấp cần sử dụng lời khai của các nhân chứng đáng tin cậy về các sự việc đã xảy ra chứ không phải là suy xét dựa trên các nguyên tắc cạnh tranh và các nguyên tắc công lý. Sự quản lý của chính phủ đối với các hoạt động thị trường là phụ, phi tập trung và mang tính tượng trưng.
Tóm lại, những đặc điểm chính yếu của Suq là (1) chi phí đo lường cao, (2) nỗ lực không ngừng để thiết lập mối quan hệ khách hàng (sự phát triển của các mối quan hệ trao đổi lặp lại với các đối tác khác, tuy nhiên không hoàn hảo); và (3) đòi hỏi nhiều sự thương lượng ở mọi mức cận biên. Xét về chất, tên của trò chơi là tìm cách làm tăng chi phí giao dịch của bên còn lại trong trao đổi. Một bên sẽ có được tiền nhờ sở hữu lợi thế về thông tin nhiều hơn đối thủ.
Dễ dàng nhận ra vì sao đổi mới sáng tạo lại trở thành nguy cơ đối với sự sống còn của những xã hội bộ lạc, nhưng để hiểu được tại sao những hình thái trao đổi phi hiệu quả vẫn được duy trì trong Suq sẽ khó khăn hơn nhiều. Ai đó có thể dự đoán rằng, trong các xã hội quen thuộc, các tổ chức tự nguyện sẽ khởi sinh nhằm bảo vệ chống lại mối nguy và bất trắc trong những trường hợp thông tin bất đối xứng như vậy. Nhưng đó lại chính là vấn đề. Điều thiếu hụt trong Suq chính là các thể chế nền tảng cơ bản cho các tổ chức tự nguyện đó tồn tại và mang lại giá trị. Đó là, cần phải có một cấu trúc pháp lý hiệu quả và một hệ thống tòa án để duy trì hiệu lực hợp đồng, và đến lượt các thể chế này lại phụ thuộc vào sự phát triển cả các thể chế chính trị để tạo ra một khung khổ như vậy. Chính sự vắng mặt của những thể chế này đã triệt tiêu động cơ thay đổi hệ thống.
Hình thức trao đổi thứ ba, thương mại lữ hành, sẽ minh họa những ràng buộc phi chính thức giúp trao đổi có thể diễn ra trong một thế giới mà sự bảo vệ là tối cần thiết nhưng lại không có sự hiện diện của một tổ chức nhà nước nào cả. Clifford Geertz (1979, trang 137) đã đưa ra những miêu tả về thương mại lữ hành ở Morocco vào thời điểm đầu thế kỷ mới:
Theo nghĩa hẹp, zettata (xuất phát từ thuật ngữ TAZETTAT của cộng đồng người Berber, nghĩa là ‘một mảnh vải nhỏ’) là một loại phí thông quan, một số tiền phải trả cho thế lực địa phương …để bảo vệ khi đi ngang qua địa phương nơi ông ta nắm quyền. Nhưng trên thực tế, nói một cách chính xác, đây còn hơn là một khoản thanh toán đơn thuần. Đó là một phần trong tổng thể phức hợp của những nghi lễ đạo đức, phong tục với sự cưỡng chế của luật pháp và mức độ coi trọng tính thiêng liêng trong các mối quan hệ chủ-khách, thân chủ-người bảo trợ, lưu vong- người bảo hộ, thần linh-con chiên. Tất cả những điều này bằng một cách nào đó đã được gói gọn tại vùng nông thôn ở Morocco. Để thâm nhập vào thế giới vật chất của các bộ lạc, những thương nhân (hay chí ít là các đại diện của họ) cũng cần phải đi vào khía cạnh văn hóa của thế giới đó.
Mặc dù có mức độ khác biệt đáng kể về các hình thức biểu hiện cụ thể của các xã hội, những đặc điểm cho thấy có sự bảo lãnh trong xã hội người Berer của vùng Cao và Trung Atlas là rõ ràng và liên tục. Sự bảo lãnh mang tính cá nhân, không giới hạn, rõ ràng và được nhìn nhận giống như việc khoác lên người danh tiếng của một người khác. Danh tiếng có thể đến từ chính trị, đạo đức, tinh thần hoặc thậm chí dị biệt, hay thông thường là đủ cả bốn yếu tố cùng một lúc. Nhưng cốt lõi của thoả thuận là một người che chở “đứng lên và nói" (quam wa qal, như được ghi lại trong các ghi chú cổ điển) với những người mà anh ta để mắt đến: “người này là của tôi; làm hại anh ta là sỉ nhục tôi; sỉ nhục tôi và bạn sẽ phải trả giá cho việc đó”. Sự chúc phúc (baraka nổi tiếng), lòng hiếu khách, tôn nghiêm, và gia ân đều giống nhau ở một điểm: chúng đều dựa trên một ý niệm có vẻ nghịch lý rằng mặc dù danh tính một người là hoàn toàn mang tính cá nhân, từ nguồn gốc đến cách thể hiện của nó, nó lại không hẳn là không có khả năng đóng dấu/ảnh hưởng lên cái tôi của một người nào đó khác.
Những tù trưởng của các bộ lạc nguyên thủy nhận thấy lợi ích khi bảo vệ những đoàn thương gia lữ hành, nhưng họ không có quân đội cũng như cấu trúc chính trị để mở rộng, phát triển, và thúc đẩy quyền tài sản một cách bền vững hơn.
(còn nữa)
Chú thích
(1) Có một tổng luận bao quát về Suq. Một phân tích phức tạp (mà tôi đã sử dụng nhiều) tập trung vào các Suq ở Sefrou, Ma-rốc có thể tìm thấy trong Geertz, Geertz, và Rosen (1979).
Nguồn: Douglass C. North, “Institutions”, The Journal of Economic Perspectives, Quyển 5, Số 1 (Mùa đông 1991)