Các thể chế (Phần cuối)
Những câu chuyện trái ngược về sự ổn định và thay đổi
Những câu chuyện trái ngược ở trên về sự ổn định và thay đổi trở thành trung tâm thách đố sự giải thích về những thay đổi điều kiện kinh tế của con người. Trong các trường hợp đầu, hành vi tối đa hóa lợi ích của những người chơi không làm gia tăng những kỹ năng và tri thức cần thiết cho sự điều chỉnh khung khổ thể chế mang lại hiệu quả cao hơn. Trong trường hợp sau, tiến hóa là câu chuyện xuyên suốt của sự thay đổi tiệm tiến được tạo ra bởi lợi ích cá nhân, dẫn đến những thay đổi có thể nhận ra được về tổ chức và thể chế thúc đẩy năng suất.
Cái gì tạo nên sự khác biệt giữa bối cảnh thể chế của Tây Âu với những khu vực khác? Câu trả lời truyền thống của các nhà lịch sử kinh tế là sự cạnh tranh giữa các đơn vị chính trị phân tán của châu Âu đang phải đổi mặt với sự thay đổi của công nghệ quân sự, khiến cho những nhà cai trị buộc phải phải tìm kiếm nguồn thu ngân sách (bằng cách thương lượng với các bên liên quan) để tồn tại (North and Thomas,1973; Jones, 1981; Rosenberg và Birdzell, 1986). Đó rõ ràng là một phần của câu trả lời; các cuộc cạnh tranh chính trị vì sự tồn tại ở châu Âu cận đại phức tạp hơn những khu vực khác trên thế giới. Nhưng nó chỉ là một phần câu trả lời. Tại sao lại vẫn có những kết quả khác bên trong nội bộ Tây Âu? Tại sao Tây Ban Nha, đế chế hùng mạnh thế kỷ 16 lại suy giảm trong khi Anh và Hà Lan lại phát triển?
Để bắt đầu câu trả lời (chỉ là sự bắt đầu), chúng ta cần đào sâu hai phần quan trọng (và có quan hệ với nhau) của câu hỏi: mối quan hệ giữa khung thể chế cơ bản, cấu trúc tổ chức (như là hệ quả) và thay đổi thể chế; và bản chất phụ thuộc theo lối mòn của thay đổi kinh tế, được xem như là hệ quả của đặc điểm lợi suất tăng dần nhờ khung thể chế.
Liên quan đến các khía cạnh thể chế đã được trình bày ở phần đầu, hình thức và định hướng các hoạt động kinh tế của cá nhân và tổ chức phản ánh các cơ hội được mở ra bởi khung thể chế cơ bản, bao gồm tập quán, tín điều tôn giáo và luật lệ chính thức (và cả hiệu lực thực thi). Bất kể trường hợp chúng ta xem xét là hình thức tổ chức hoạt động thương mại ở Suq hoặc ở hội chợ Champagne, thương nhân đều bị ràng buộc bởi khung thể chế, cũng như bởi các ràng buộc truyền thống vốn dĩ đã phổ biến trong lý thuyết kinh tế.
Trong mỗi trường hợp, thương nhân đều đầu tư vào thu nhận tri thức và kỹ năng để gia tăng tài sản của họ. Nhưng trong trường hợp đầu tiên, sự cải thiện tri thức và kỹ năng đồng nghĩa với việc có được thông tin về các cơ hội tốt hơn và có được kỹ năng mặc cả tốt hơn so với những thương nhân khác, bởi các cơ hội có khả năng sinh lời đến từ việc có nguồn thông tin tốt hơn và có kỹ năng thương lượng giỏi hơn những thương nhân khác. Không có hoạt động nào hướng đến làm thay đổi khung thể chế cơ bản. Trong trường hợp sau, trong khi các thương nhân ở hội chợ châu Âu thời Trung cổ chắc chắn cũng thu được thông tin và các kỹ năng như vậy, họ lại có được thêm lợi ích từ nhiều cách thức sáng tạo, có khả năng kế thừa khác để gắn kết với bạn hàng, thiết lập các toà án thương mại, dựa vào các vị quân vương để bảo vệ hàng hóa khỏi cướp bóc đổi lại bằng đóng phí, và chiết khấu hối phiếu đòi nợ. Khoản đầu tư của họ vào tri thức và kỹ năng dần dần làm thay đổi khung thể chế cơ bản.
Chú ý rằng sự tiến hóa trên góc độ thể chế không chỉ tác động đến các tổ chức tự nguyện để mở rộng thương mại và tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi trở nên hiệu quả hơn, mà còn phát triển nhà nước theo hướng đảm nhiệm việc bảo vệ và thực thi quyền tài sản, bởi vì hoạt động trao đổi không mang tính cá nhân khiến cho việc thực thi hợp đồng trở nên ngày càng tốn kém hơn đối với các tổ chức tự nguyện do thiếu quyền lực cưỡng chế. Một phần quan trọng khác của tiến hóa thể chế là hạn chế hành vi chuyên quyền của nhà nước đối với hoạt động kinh tế.
Sự phụ thuộc theo lối mòn không chỉ đơn thuần là quá trình tiến hóa thể chế theo cách tiệm tiến, theo đó khung thể chế ngày hôm qua mang đến một loạt các cơ hội cho các tổ chức và các nhà khởi tạo kinh doanh (chính trị và kinh tế) của ngày hôm nay. Ma trận thể chế bao gồm mạng lưới đan xen, phụ thuộc lẫn nhau của các thế chế và các tổ chức kinh tế và chính trị (gắn với các thể chế đó), được đặc trưng bởi lợi suất tăng dần trên diễn rộng1. Nghĩa là, các tổ chức tồn tại được là nhờ các cơ hội được tạo ra bởi khung thể chế. Các ngoại ứng mạng lưới xuất hiện nhờ chi phí thiết lập ban đầu (giống như việc sáng lập bản Hiến pháp Hoa Kỳ hoàn toàn mới năm 1787), hiệu ứng học hỏi được mô tả ở trên, hiệu ứng phối kết hợp thông qua hợp đồng với các tổ chức khác, và kỳ vọng thích ứng xuất phát từ sự phổ biến của hợp đồng dựa trên các thể chế đang hiện hữu.
Do vậy, khi các nền kinh tế tiến triển, chẳng có cái gì của quá trình đó đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế. Thông thường điều sẽ xảy ra là cấu trúc động cơ khuyến khích được cung cấp bởi khung thể chế cơ bản tạo ra các cơ hội cho các tổ chức gắn với khung thế chế phát triển, nhưng hướng phát triển của chúng không phải là thúc đẩy các hoạt động làm tăng năng suất. Thay vào đó, lợi ích tư nhân được thúc đẩy bởi việc tạo ra sự độc quyền, bởi việc hạn chế sự gia nhập thị trường và tính lưu động của các yếu tố sản xuất, và bởi các tổ chức chính trị thiết lập quyền sở hữu theo hướng phân phối lại thu nhập hơn là làm gia tăng nó.
Những câu chuyện lịch sử tương phản giữa một bên là Hà Lan và Anh và bên kia là Tây Ban Nha phản ánh tập hợp các cơ hội khác nhau của những người chơi trong mỗi câu chuyện. Để hiểu rõ giá trị của ý niệm có ảnh hưởng rộng rãi, sự phụ thuộc theo lối mòn, chúng tôi sẽ mở rộng bằng chứng lịch sử liên quan đến Tây Ban Nha và Anh sang lịch sử kinh tế của Thế giới mới, và cũng xem xét sự tương phản nổi bật về lịch sử của khu vực phía bắc và nam của sông Rio Grande.
Đối với Bắc Mỹ, các thuộc địa của Anh được hình thành vào thế kỷ mà cuộc đấu tranh giữa Quốc hội và Hoàng gia đã lên tới đỉnh điểm. Sự đa dạng về tôn giáo và chính trị ở mẫu quốc đã được mở rộng song hành sang các thuộc địa. Xu hướng phát triển chung theo hướng cho phép kiểm soát chính trị ở cấp địa phương và sự mở rộng của các hội đồng dân cử là rõ ràng. Tương tự, cơ quan phụ trách thuộc địa mang sang [Bắc Mỹ] chế độ thuê đất lĩnh canh trả tô mở rộng cho mọi người (các quyền tư hữu ở mức độ đơn giản) và bảo đảm quyền sở hữu trên các thị trường sản phẩm và nhân tố sản xuất khác.
Chiến tranh giữa Pháp và người Da đỏ từ 1755-1763 (cuộc chiến tranh chinh phạt) là một dấu mốc mang tính bước ngoặt quen thuộc trong lịch sử nước Mỹ. Việc người Anh cố gắng áp đặt một mức thuế rất phải chăng lên những cư dân thuộc địa, cũng như việc kiểm soát nhập cư từ phương Tây, đã gây nên sự phản ứng dữ dội, dẫn tới một loạt các sự kiện do các cá nhân và tổ chức tiến hành, bao gồm: cuộc Cách mạng Mỹ, Tuyên bố độc lập, Các điều khoản hợp bang, Sắc lệnh Tây Bắc, và Hiến pháp; trông chúng giống như một chuỗi tiến hoá thể chế theo một khuôn mẫu nhất quán mặc dù đó là một quá trình không hề được dự định từ trước. Trong khi cuộc cách mạng Mỹ hình thành nên Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, lịch sử của giai đoạn hậu cách mạng được diễn giải như là sự kế thừa liên tục những ràng buộc thể chế chính thức và phi chính thức được thực hiện từ trước Cách mạng và điều chỉnh dần dần (Hughes, 1989).
Bây giờ chuyển sang câu chuyện của Tây Ban Nha (và Bồ Đào Nha) đối với các nước châu Mỹ Latinh. Với trường hợp khu vực Tây Ấn (Spanish Indies), giai đoạn xâm lăng rơi vào đúng thời gian ảnh hưởng của Court de Castile (Quốc hội của xứ) đang trên đà suy giảm và nền quân chủ Castile, vốn là chiếc ghế quyền lực của Tây Ban Nha, đã thiết lập vững chắc bộ máy hành chính kiểm soát tập trung trên toàn đất nước Tây Ban Nha và các vùng Tây Ấn2. Đội quân viễn chinh đã áp đặt một tôn giáo đồng nhất và bộ máy quản lý đồng nhất lên một xã hội nông nghiệp thuần tuý. Bộ máy hành chính quản lý chi tiết mọi khía cạnh chính sách kinh tế và chính trị. Vấn đề người đại diện đã xuất hiện đi xuất hiện lại. Hành vi tối đa hóa lợi ích của các tổ chức và các nhà khởi tạo (chính trị và kinh tế) có xu hướng tìm cách kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng lên toàn bộ bộ máy hành chính của nhà nước. Trong khi một mặt các cuộc chiến tranh giành độc lập ở châu Mỹ Latinh thế kỷ mười chín đã chuyển thành cuộc đấu tranh để kiểm soát bộ máy hành chính, và do đó là các chính sách, giữa một bên là kiểm soát kiểu thuộc địa ở khu vực và một bên là kiểm soát kiểu đế quốc, thì mặt khác cuộc tranh đấu đã thấm đẫm ảnh hưởng tư tưởng có nguồn gốc từ cách mạng Pháp và cách mạng Mỹ. Nền độc lập đã mang đến các bản hiến pháp với âm hưởng từ Mỹ, nhưng các kết quả về cơ bản lại khác hẳn. Trái ngược với những gì ở Mỹ, cấu trúc thể chế liên bang ở các nước châu Mỹ Latinh và các nỗ lực phi tập trung hóa quyền lực đều có chung một điểm phổ sau khi cách mạng thành công, đó là: không hoạt động. Từng quốc gia một lần lượt quay trở lại chế độ kiểm soát hành chính tập trung, và đó là điểm đặc trưng của châu Mỹ Latinh thế kỷ 19.3
Anh và Tây Ban Nha đã lập ra những con đường rẽ theo những hướng khác nhau ở Tân Thế Giới, và chúng đã không hội tụ mặc dù cùng có những nhân tố gián tiếp chung, đó là hệ tư tưởng. Với trường hợp đầu, một khung thể chế đã được phát triển, cho phép hoạt động trao đổi không mang tính cá nhân phức tạp có thể diễn ra, thứ cần thiết cho sự ổn định chính trị cũng như gặt hái được những lợi ích kinh tế tiềm năng của công nghệ hiện đại. Với trường hợp sau, những mối quan hệ “mang tính cá nhân” vẫn là chìa khóa cho phần lớn những trao đổi kinh tế và chính trị. Chúng là hệ quả của một khung thể chế đóng vai trò tạo ra sự tăng trưởng kinh tế thất thường ở Mỹ Latinh, sự bất ổn cả về kinh tế lẫn chính trị, và chẳng thể nhìn ra được tiềm năng của công nghệ hiện đại.
Những phác họa so sánh được đề cập ở trên có thể mang đến nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời về các thể chế và vai trò của chúng trong kết quả hoạt động của các nền kinh tế. Dưới những điều kiện nào thì một con đường phát triển có thể bị đảo ngược, như sự phục hưng của Tây Ban Nha trong giai đoạn hiện đại? Các ràng buộc phi chính thức có vai trò như thế nào, khiến chúng có những ảnh hưởng sâu rộng trong dài hạn của các nền kinh tế? Mối quan hệ giữa ràng buộc chính thức và phi chính thức như thế nào? Làm thế nào mà một nền kinh tế phát triển được những ràng buộc phi chính thức để tạo ra những ràng buộc đối với hành vi của các cá nhân, khiến các hệ thống chính trị và tư pháp trở thành những lực lượng hiệu quả để đảm nhiệm vai trò thực thi hiệu lực của bên thứ ba? Rõ ràng chúng ta còn một hành trình dài để có được câu trả lời hoàn thiện, nhưng nghiên cứu hiện đại về các thể chế hứa hẹn cung cấp những hiểu biết sâu sắc mới về kết quả hoạt động kinh tế và thay đổi kinh tế.
■ Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến các biên tập viên của Tạp chí vì những lời nhận xét cho bản thảo trước, chúng đã mang đến những cải thiện lớn cho bài viết này; và cảm ơn Elisabeth Case vì đã giúp biên tập bài viết. Bài viết này dựa trên một phần của cuốn sách sắp xuất bản của tôi có tựa đề: Institutions, Institutional Change, and Economic Performance [Các thể chế, sự thay đổi thể chế và kết quả hoạt động kinh tế].
Chú thích:
(1) Khái niệm về sự phụ thuộc theo lối mòn được phát triển bởi Brian Arthur (1988, 1989) và Paul David (1985) để khám phá con đường thay đổi thuộc công nghệ. Tôi tin rằng khái niệm có khả năng giúp chúng ta giải thích tương đối để hiểu về thay đổi thể chế. Cả hai trường hợp lợi suất tăng dần đều là chìa khoá quyết định đối với sự phụ thuộc theo lối mòn, nhưng trong trường hợp thay đổi thể chế, quá trình phức tạp hơn bởi các tổ chức chính trị đóng vai trò chính trong quá trình đó.
(2) Các giai đoạn phát triển và suy tàn trong lịch sử Tây Ban Nha được tổng hợp trong North và Thomas (1973).
(3) Xem một nghiên cứu tóm tắt về sự phát triển của châu Mỹ Latinh tại Veliz (1980) hoặc Glade (1969).
Nguồn: Douglass C. North, “Institutions”, The Journal of Economic Perspectives, Quyển 5, Số 1 (Mùa đông 1991)