[Tinh thần dân chủ] Chương 14: Thúc đẩy dân chủ một cách hiệu quả (Phần 3)

[Tinh thần dân chủ] Chương 14: Thúc đẩy dân chủ một cách hiệu quả (Phần 3)

ĐẶT ĐIỀU KIỆN CHO NHỮNG KHOẢN VIỆN TRỢ PHÁT TRIỂN

Những hình thức giúp đỡ của các lực lượng dân chủ được nhắc tới bên trên có thể giúp xây dựng các thiết chế, các mạng lưới, các giá trị và khả năng, tức là những thứ hữu ích cho dân chủ. Nhưng muốn cho dân chủ hoạt động tử tế thì nhà cầm quyền phải tôn trọng nó. Như tôi đã khẳng định trong suốt tác phẩm này, niềm tin mang tính chuẩn tắc rằng dân chủ là hình thức chính phủ tốt nhất không phải là tất yếu. Rằng nó có thể xuất hiện một cách từ từ và có thể chỉ thực sự tới sau khi thay đổi cả thế hệ trong giới tinh hoa chính trị. Nhưng ngay cả nếu giới cầm quyền cam kết chỉ trên cơ sở những tính toán về quyền lợi kinh tế và chính trị của họ – rằng cái giá phải trả cho việc chống lại dân chủ cao hơn là giá phải trả nếu tạo điều kiện cho nó – thì cánh cửa cho sự chuyển hóa sẽ được mở.1 Dù động cơ có là gì chăng nữa thì những người dân chủ cũng có thể chuyển cam kết của giới cầm quyền thành ý chí chính trị để thực hiện công cuộc cải cách.

Các cố gắng của quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho thay đổi dân chủ cần phải chú ý nhiều tới câu hỏi về động cơ của giới cầm quyền. Điều gì làm cho giới cầm quyền độc tài, những người đã độc chiếm quyền lực trong nhiều năm, nếu không nói là hàng thập kỉ, từ bỏ nó hay chí ít là chấp nhận mạo hiểm khi tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng? Điều gì thuyết phục được chế độ độc tài khởi động một cách nghiêm túc quá trình tự do hóa về chính trị, với nguy cơ là cuối cùng họ sẽ bị mất quyền lực. Tại sao giới ăn trên ngồi trốc đầy quyền lực, thậm chí là được bầu theo lối dân chủ, đã vớ bẫm nhờ kho đụn của nhà nước lại quyết định chấp nhận hệ thống tư pháp độc lập, chấp nhận các ủy ban phòng chống tham nhũng nghiêm túc, và chấp nhận những cơ cấu về trách nhiệm giải trình khác? Trong lịch sử, nhà cầm quyền chuyên chế sáng suốt là của hiếm. Thường thì các nhà độc tài từ bỏ quyền lực và những tên vô lại chịu để cho người ta theo dõi kĩ lưỡng là vì họ cho rằng đấy là lựa chọn tốt nhất đối với họ. Một trong những đòn bẩy chính buộc họ phải chấp nhận tính toán đau đớn này là không còn nguồn lực để giữ vững liên minh cầm quyền và trả lương cho bộ máy đàn áp đang giúp họ giữ được quyền lực.

Một số chế độ có thể sống lay lắt bằng thu nhập từ xuất khẩu dầu khí. Cần phải có thời gian thì các chế độ dân chủ phương Tây mới tiến hành được cuộc cách mạng trong lĩnh vực năng lượng – thông qua việc bảo toàn và chuyển sang những nguồn năng lượng khác – làm cho giá dầu giảm một cách đáng kể. Đấy là biện pháp cực kì quan trọng trong việc hình thành những điều kiện thuận lợi cho dân chủ trong những nước sống nhờ dầu khí.2 Nhưng, nhiều chế độ độc tài còn sót lại – trong đó có những nhà lãnh đạo độc tài dân cử – đứng vững nhờ viện trợ nước ngoài, đấy chính là nguồn lực giữ cho nhà nước tiếp tục sống, trả lương cho quân đội, cảnh sát và các quan chức, và cung cấp cho dân chúng đủ để có thể tránh những vụ phản đối trên diện rộng. Đối với những nước đang phát triển mà không có nhiều dầu khí, các nhà tài trợ có thể làm nhiều việc nhằm thay đổi mối quan tâm và vì vậy mà thay đổi tính toán của giới chóp bu bằng cách đặt điều kiện cho những khoản viện trợ về cải tiến bộ máy quản trị và sau đó, tưởng thưởng cho những chính phủ làm tốt bằng những khoản viện trợ lớn hơn.

Việc đặt điều kiện – hay nói đúng hơn, sự lựa chọn, vì các nước được lựa chọn và tưởng thưởng trước cho tiến bộ mà họ đang thể hiện – là vấn đề còn gây tranh cãi. Nhiều người có ý định tốt tin rằng các nước giàu có ở phương Tây phải có trách nhiệm đạo đức trong việc chuyển giao của cải cho các nước nghèo trên thế giới, đặc biệt là châu Phi. Một số nhà kinh tế học còn đưa ra căn cứ về mặt trí tuệ cho quan niệm tùy tiện này bằng cách khẳng định rằng trở ngại lớn nhất đối với phát triển là thiếu nguồn lực.3 Các xã hội giàu có đúng là có trách nhiệm đối với những người nghèo trên thế giới. Nhưng không phải là trách nhiệm chuyển tiền, mà là giúp đưa những người bị đau khổ thoát khỏi tình trạng nghèo đói và áp bức làm tha hóa con người. Viện trợ là công cụ thúc đẩy phát triển và xóa đói giảm nghèo, không hơn, và ở những nơi mà công cụ này không có tác dụng thì phải xem lại. Như Steven Radelet, một trong những người phân tích chính sách viện trợ nước ngoài khách quan nhất, đã nhận xét: “Nhiều khoản viện trợ cho những nước mà chính phủ không có thái độ nghiêm túc đối với phát triển và không thể sử dụng một các hiệu quả đã bị lãng phí.”4

Đáng tiếc là quan niệm tùy tiện về đạo đức này thường làm người ta hiểu sai về quan hệ nhân quả giữa quản trị và tình trạng nghèo đói. Nhà kinh tế học ở Đại học Colombia, Jeffrey Sachs – người biện hộ hàng đầu cho những khoản viện trợ lớn – đã lộn đằng chân lên đầu khi ông khẳng định: “Bộ máy quản trị ở châu Phi kém cỏi vì châu Phi nghèo”. Châu Phi nghèo vì bộ máy quản trị của họ thối nát, và khu vực này sẽ không phát triển thật sự cho đến khi bộ máy quản trị của nó được cải thiện. Rót những khoản viện trợ hào phóng vào tay chính phủ tham nhũng và áp bức thì làm được gì cho người nghèo? Trong trường hợp đó, lợi ích quan trọng nhất của viện trợ là xoa dịu lương tâm của phương Tây, làm cho họ cảm thấy rằng đấy không phải lỗi của họ, nếu – như thường thấy trong những nước nghèo – một nửa hay hơn nửa dân số sống trong tình trạng cực nghèo, với thu nhập chưa đến 1 USD một ngày; một phần ba hay hơn một phần ba người trưởng thành mù chữ; cứ năm đứa trẻ được sinh ra thì hai đứa không sống đến năm bốn mươi tuổi, và 10% trẻ sơ sinh sẽ chết ngay trong năm đầu tiên.5 Nếu, như các sự kiện cho thấy, viện trợ làm cho tình hình xấu đi vì nó giúp cho các chính phủ tham nhũng và đàn áp tiếp tục tồn tại thì đấy là lỗi của phương Tây, và tăng gấp đôi mà không có phê phán và không ra điều kiện thì làm cho tình hình xấu gấp đôi.

Nếu phương Tây muốn thúc đẩy dân chủ trong những nước nghèo một cách hiệu quả thì họ cần một triết lí cấp viện và xóa nợ hoàn toàn mới. Viện trợ phải trở thành, như cách gọi hiện nay, khoản trợ giúp phát triển, chứ không phải là tiền bồi thường hay nhiên liệu để xây dựng ngành quan chức quản lý, xây dựng các công ty tìm kiếm lợi nhuận và các nhà cải cách lí tưởng, những người thường chẳng làm được gì nhiều. Thay đổi dân chủ trong các chế độ độc tài tham nhũng còn lại trên thế giới đòi hỏi phải thúc đẩy động cơ của nhà cầm
quyền và cách mạng trong chính sách viện trợ. Nếu còn tiếp tục cung cấp viện trợ mà không đặt điều kiện thì các nước và các tổ chức tài trợ sẽ chỉ làm được một việc là củng cố quyền lực của những nhà độc tài mà thôi. Nhưng, phải tuân theo những nguyên tắc nào? Nhiều xu hướng mới trong cuộc cách mạng này đã được trình bày trong báo cáo năm 2002 của USAID, nhan đề Foreign Aid in the National Interest (tạm dịch: Viện trợ nước ngoài vì quyền lợi quốc gia), nhưng mới được thực hiện một phần.6 Dưới đây là chương trình nghị sự đã được sửa lại một chút:

1. Mức độ trợ giúp tổng thể phải gắn một cách rõ ràng với thành tích phát triển của đất nước và những biểu hiện của ý chí chính trị ủng hộ cải cách bộ máy quản trị. Phải chấm dứt ngay những mô thức cũ, từng giúp các chế độ độc tài nhận nhiều hoặc nhận được nhiều viện trợ nước ngoài hơn là các chế độ dân chủ.7
2. Những chế độ thực hiện tốt phải được tưởng thưởng xứng đáng. Khi các nhà lãnh đạo chính trị thể hiện thái độ tôn trọng các thủ tục dân chủ và các quyền tự do và ý chí thực hiện các cuộc cải cách thì họ phải được giúp đỡ nhiều hơn, trong đó có xóa nợ, khuyến khích đầu tư nước ngoài và tự do hóa thương mại.
3. Thành tích trong quản trị phải được đánh giá theo các tiêu chuẩn tuyệt đối chứ không phải “phân loại theo đường cong” (tức là xếp hạng các nước theo phương pháp thống kê – ND). Nếu hầu như tất cả các nước có thu nhập thấp đều thiếu các thiết chế căn bản để ngăn chặn tham nhũng, thúc đẩy tính minh bạch và chế độ pháp quyền thì tưởng thưởng cho những nước kém hơn hẳn những nước khác sẽ chẳng mang lại nhiều tác dụng. Phải cần thời gian mới xây dựng được hệ thống tòa án và bộ máy quản lý nhà nước có đủ năng lực và hoạt động hiệu quả, nhưng mỗi chính phủ đều có thể thành lập được ủy ban phòng chống tham nhũng và ủy ban bầu cử độc lập và mỗi quốc hội có thể thông qua những đạo luật cho công dân quyền tự do thông tin và yêu cầu các quan chức khai báo tài sản. Mỗi chính phủ đều có thể quyết định chấp nhận nền báo chí độc lập và có tính phê phán và xã hội dân sự đầy sinh khí. Đây là những việc chỉ đòi hỏi ý chí chính trị, không đòi hỏi phát triển kinh tế hay năng lực của nhà nước.
4. Tưởng thưởng phải trên cơ sở thành tích đã được thể hiện chứ không phải trên cơ sở những lời hứa lặp đi lặp lại nhưng rồi lại bị vi phạm. Cách duy nhất để có thể thoát khỏi trò chơi chán ngắt về điều kiện viện trợ là gia tăng những khoản trợ giúp cho những việc chính phủ thực sự làm chứ không phải những việc họ nói là họ sẽ làm.
5. Tưởng thưởng phải được gắn với những thiết chế, thực hành và tiêu chuẩn quản trị tốt. Một mô hình rõ ràng là EU, điều kiện để trở thành thành viên của tổ chức này khá chi tiết và khắt khe. Khi Hoa Kỳ tìm cách đưa Mexico và Trung Mỹ vào Hiệp ước Tự do Thương mại khu vực Tây bán cầu thì họ cần phải gây áp lực để có những đòi hỏi tương tự như của EU, tất cả các thành viên đều phải ủng hộ dân chủ và nhân quyền. Nhưng sau khi gia nhập thì EU lại không làm kĩ như trước trong việc theo dõi kĩ và đòi hỏi quản trị tốt. Phải thường xuyên theo dõi các khoản trợ giúp phát triển và các cộng đồng thương mại tự do, viện trợ sẽ bị giảm hay ngưng nếu không tuân thủ các nguyên tắc quản trị tốt. Khi một nước được xóa nợ, các khoản nợ không được xóa ngay một lần mà được giảm dần (ví dụ, 10% một năm), nếu các thiết chế và tiêu chuẩn về trách nhiệm giải trình phát triển.
6. Khi không có cam kết với cải cách dân chủ và quản trị tốt thì giúp đỡ phải thông qua các NGO chứ không phải qua các cơ quan của nhà nước. Cụ thể, ở những nước không có ý chí chính trị nhằm tạo ra bộ máy quản trị tốt thì phải chấm dứt ngay những khoản viện trợ trực tiếp cho ngân sách nhà nước.Các nhà lãnh đạo phải biết rằng họ sẽ phải trả giá đắt vì quản trị tồi. Những khoản viện trợ nhân đạo và những dự án giúp đỡ về chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, dinh dưỡng nên thông qua các NGO và do các nhà tài trợ quản lý hoặc chí ít là theo dõi kĩ lưỡng.
7. Các nhà tài trợ chính phải phối hợp chặt chẽ với nhau để gây áp lực lên các chính phủ kém hiệu quả, lại cứng đầu cứng cổ. Viện trợ của Hoa Kỳ cho các nước đang phát triển chỉ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn trong toàn bộ số viện trợ mà những nước này nhận được. Để buộc giới chóp bu cầm quyền thay đổi toan tính của họ, các nhà tài trợ phải áp đặt điều kiện viện trợ chung.
8. Các nhà tài trợ phải sử dụng tiếng nói và lá phiếu của mình trong các cơ quan của Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển đa phương khác để chuyển các khoản trợ giúp từ các chính phủ tồi sang cho các chính phủ dân chủ hơn. Điều này đòi hỏi phải xem xét bản chất và chất lượng của bộ máy quản trị khi quyết định các khoản giúp đỡ.9 Phải thay đổi động cơ của nhân viên thường trú của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức phát triển quốc tế khác sao cho các quan chức này được tưởng thưởng vì những quyết định đã được cân nhắc kĩ về việc chấm dứt hay tạm ngưng tài trợ cũng như cung cấp viện trợ.10
9. Khi có thể xác định được các nhà cải cách tận tâm ngay trong bộ máy nhà nước, các nhà tài trợ cần làm việc với họ. Các nhà tài trợ phải củng cố sức mạnh của các bộ trưởng, của những người đứng đầu các cơ quan và các tỉnh trưởng có đầu óc cải cách không chỉ bằng cách cung cấp cho họ năng lực kĩ thuật và nguồn lực, mà còn giúp họ trong cuộc đấu tranh chính trị nhằm “xác định những người thắng chính và thua chính, xây dựng các liên minh và sử dụng chiến lược, thiết kế các chiến dịch quảng bá.”11 Ngay cả trong nhà nước tham nhũng, vẫn có thể tìm được những quan chức trung thực trong ngành tư pháp, trong quốc hội, trong các cơ quan phụ trách giải trình và trong các cơ quan hành pháp, những người muốn làm việc đúng.
10. Phải gia tăng đáng kể các khoản trợ giúp về chính trị nhằm cải cách bộ máy quản trị, xây dựng dân chủ và củng cố xã hội dân sự; phải dành tỉ lệ lớn hơn trong các khoản trợ giúp phát triển để đầu tư cho dân chủ và lĩnh vực quản trị. Một dollar đầu tư nhằm cải tiến bộ máy quản trị – làm cho nó có năng lực và hiệu quả hơn, có trách nhiệm hơn với nhu cầu xã hội, bị xã hội theo dõi kĩ lưỡng hơn, trung thực hơn, minh bạch hơn và có trách nhiệm giải trình hơn khi nắm giữ công quỹ và có ý thức tôn trọng pháp luật hơn – có tác động đối với phát triển kinh tế hơn một dollar đầu tư vào bất kì lĩnh vực nào khác. Không có lĩnh vực nào có nhiều ảnh hưởng theo cấp số nhân như thế. Có bằng chứng chắc chắn, như được trình bày trong chương 4, rằng gia tăng các khoản trợ giúp cho dân chủ và quản trị, sau một thời gian sẽ làm gia tăng mức độ tự do và dân chủ.12 Trong những trường hợp khó uốn nắn, tạo ra đòi hỏi dân chủ thông qua việc ủng hộ các tổ chức độc lập, các nhóm lợi ích, các phong trào xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng, các trường đại học và các viện nghiên cứu có thể là cơ hội chính trong việc thúc đẩy dân chủ.
11. Các nhà tài trợ phải sẵn sàng gia tăng đáng kể các khoản giúp đỡ phát triển, nhưng chỉ khi bộ máy quản trị đã được cải thiện. Điều này sẽ tạo điều kiện cho nhiều nước hơn nữa sử dụng viện trợ cho phát triển.

Suốt hàng thập kỉ, những người ủng hộ viện trợ phát triển đã kêu gọi các nước đã công nghiệp hóa đưa ít nhất là 0,70% thu nhập quốc dân (GNI) hàng năm vào các khoản viện trợ phát triển chính thức và các nước giàu đã chính thức cam kết với mục tiêu này tại Đại Hội Đồng Liên hiệp quốc năm 1970.13

Phần lớn các nước đã công nghiệp hóa còn lâu mới đạt được mục tiêu này, đặc biệt là Hoa Kỳ, quốc gia chỉ cung cấp từ 0,1 đến 0,2 GNI cho các khoản viện trợ mà thôi. Năm 2006, 22 nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thiếu “khoảng 100 tỉ,”14 chỉ cấp 104 tỉ (0,3% GNI toàn khối.)15 Theo công trình phân tích này, các nước giàu chỉ chi khoảng một nửa hoặc ít hơn mức mà họ phải làm. Sachs cho rằng nếu các khoản viện trợ cho các nước nước đang phát triển tăng lên đến 0,5% (không kể các khoản xóa nợ và trả lại) thu nhập của các nước giàu thì đến năm 2025 có thể xóa được tình trạng cực nghèo.16 Nhưng nếu các khoản viện trợ gia tăng đột ngột không được sử dụng cho phát triển thì đem lại tác dụng gì?

Viện trợ của Hoa Kỳ đang chuyển một cách chậm chạp theo hướng chọn lọc kĩ hơn và theo nguyên tắc cải cách viện trợ, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Tại hội nghị Nhóm 8 cường quốc công nghiệp (G8) năm 2005, các nhà tài trợ lớn hứa tăng gấp đôi viện trợ cho châu Phi vào năm 2010, coi đây là một phần của cam kết “gia tăng gấp đôi quy mô của nền kinh tế châu Phi vào năm 2015” nhằm “làm cho 10 triệu người thoát nghèo mỗi năm” và cải thiện đáng kể sức khỏe cộng đồng, “cứu sống hàng triệu người mỗi năm” và “chấm dứt xung đột ở châu Phi”. Nhưng những lời hứa này là dành cho các nước châu Phi để những khoản đầu tư lớn vào những lĩnh vực vừa nói và đầu tư vào “quản trị, dân chủ và minh bạch.”17

Hai năm sau, chẳng có bên nào tiến được xa trong việc thực hiện một phần giao kèo của họ, một phần là vì không có cơ chế độc lập để theo dõi và đánh giá.

Chỉ khi các nước xây dựng được các thiết chế nhằm bảo đảm trách nhiệm giải trình, minh bạch và tự do thì mới có thể thực hiện được “hợp đồng toàn cầu nhằm chấm dứt nạn nghèo đói” bao trùm mà Sachs nhắm tới. Lúc đó, việc thực hiện những đề xuất nhằm tăng gấp đôi viện trợ (giá trị ròng), cam kết trong một thời gian dài (thập kỉ), tạo điều kiện “nhân rộng” và làm cho nó trở thành dự đoán được (để không làm nản lòng hoặc gián đoạn đầu tư) mới có ý nghĩa.18

Chú thích:

(1) Đây là công thức mà Robert Dahl đã sử dụng để giải thích vì sao giới cầm quyền ở châu Âu và những nơi khác nhường đường cho dân chủ. Xin đọc tác phẩm của ông: Polyarchy: Participation and Opposition (New Haven, Conn.: Yale University Press, 1971), pp. 14-16.

(2) Đây cũng là điều cực kì quan trọng trong việc giải quyết thách thức lớn nhất mà nền văn minh nhân loại đang đối mặt: ấm nóng toàn cầu.
3. Người ủng hộ mạnh mẽ nhất và hùng hồn nhất cho quan điểm này là Jeffrey Sachs, The End of Poverty: Economic Possibilities of Our Time (New York; Penguin, 2005).
(4) Steven Radelet, “Foreign Assistance Reforms: Successes, Failures, and Next Steps”, Testimony for the Senate Foreign Relations Subcommittee on International Development, Foreign Assistance, Economic Affairs, and International Environmental Protection, June 12, 2007, p. 3, http://www.senate.gov/foreign/testimony/2007/RadeletTestimony070612.pdf. Radelet là cộng tác viên cao cấp ở Center on Global Development, một trong những nguồn phân tích tốt nhất về viện trợ và chính sách phát triển, www.cgd.org.

(5) United Nations Developmenl Program (UNDP), Human Development Report 2006: Beyond Scarcity: Power, Poverty and the Global Water Crisis (New York: Palgrave Macmillan, 2006), pp.286, 294, and 308.

(6) USAID, Foreign Aid in the National Interest: Promoting Freedom, Security, and Opportunity (Washington, D.C.: USAID, 2002), http://www.usaid.gov/fani/. Tôi là tác giả chính chương 1, “Promoting Democratic Governance”, và phần lớn các kiến nghị sau đây đều phỏng theo chương này, pp. 50-51.
(7) Từ năm 1960 đến năm 2001, các nước dân chủ và độc tài nghèo nhận được những khoản viện trợ trên đầu người gần như bằng nhau, nhưng các nước độc tài lại nhận được khoản viện trợ phát triển trên đầu người cao hơn, thế là các nước độc tài nhận được nhiều viện trợ hơn hẳn. Mặc dù mọi người đều cho rằng sau Chiến tranh Lạnh mọi sự đã thay đổi, từ năm 1990 đến năm 2001 với cùng thu nhập quốc dân trên đầu người thì các nước độc tài nhận được nhiều viện trợ hơn. Morton H. Halperin, Joseph T. Siegle, và Michael W. Weinstein, The Democracy Advantage: How Democracies Promote Prosperity and Peace (New York: Routledge, 2005), pp. 154-55, các bảng 5.1 và 5.2.

(8) Tôi đã trình bày những đề xuất này tại các diễn đàn học thuật và chính sách công khác nhau trong suốt mấy năm qua, khuyến nghị này, hơn bất kì khuyến nghị nào khác, thỉnh thoảng đã bị phản đối quyết liệt. Những người phê phán tôi hỏi: Cắt viện trợ cho những chính phủ tham nhũng quá mức có đẩy họ tới bờ vực thất bại hay không? Tại sao chúng ta lại trừng phạt dân chúng các nước này chỉ vì các nhà lãnh đạo thất bại? Lòng trung thực đòi hỏi phải công nhận nguy cơ trong việc giảm và thậm chí là ngưng hẳn trợ giúp những quốc gia được cai trị không tốt. Trong ngắn hạn, tình hình sẽ xấu đi. Nhưng tài liệu lịch sử cho thấy những nhà nước tham nhũng và đàn áp sẽ tiến dần tới tình trạng sụp đổ, ngay cả khi nhận được những khoản viện trợ hào phóng (đấy là những nước như Liberia, Sierra Leone, Somalia, Zaire/DRC, và hiện nay là Zimbabwe). Thực ra, viện trợ nước ngoài là một phần của vấn đề cơ cấu, giúp duy trì các chính phủ vô trách nhiệm và cung cấp nguồn lực cho các nhóm chóp bu đang tranh giành nhau chiếm đoạt quyền lực. Xin nhớ rằng sự lãng phí các nguồn lực và số tiền dành cho viện trợ trên thế giới chỉ có hạn, đường lối nhân đạo hơn và trách nhiệm hơn phải là chấm dứt việc ủng hộ các chính phủ tồi tệ nhất, trong khi đó huy động áp lực quốc tế để họ tiến hành những thay đổi căn bản trong lĩnh vực quản trị để có thể bắt đầu nhận lại những khoản trợ giúp phát triển. Xin đọc luận cứ tương tự trong Halperin, Siegle, and Weinstein, The Democracy Advantage, pp. 183-85.

(9) Trước đây các thiết chế tài chính quốc tế từng cấm đưa những nghiên cứu về chính trị như thế này vào báo cáo. Ibid., p. 157.
(10) Tổng các khoản tài trợ được chi ra là tiêu chí mà các nhà tài trợ dựa vào để “đánh giá hiệu quả của nhân viên”, điều này tạo ra động cơ ngược trong việc cung cấp “những khoản vay thường xuyên và lớn” ngay cả khi quản trị tồi. Ibid., P 157.

(11) Derick W. Drinkerhoff, “Asessing Political Will for Anri-Corruplion Efforts: An Analytic Framework”, Public Aministration and Development 20(2000): 249.
(12) Steven E. Finkel, Anibal Perez-Liñan, and Mitchell Seligson, “Effects of U.S. Foreign Assistance on Democracy Building: Results of a Cross-National Quantitative Study”, final report to USAID, January 12, 2006, p. 83, http://www.usaid.gov/our_work/ democracy_and_governance/publicattons/pdfs/impact_of_democracy_assistance.pdf.
(13) UN General Assembly Resolution 2626 (XXV), October 24, 1970, para. 43, http://www.un.org/documents/ga/res/25/ares25.htm. Trong năm 2006 chỉ có “Thụy Điển, Luxembourg, Na Uy, Hà Lan và Đan Mạch” là đạt mục tiêu 0,70% mà thôi. Năm 2006 Hoa Kỳ có mức trợ giúp ít nhất (0.17%), nhưng đây là nhà tài trợ lớn nhất nếu nói về giá trị tuyệt đối, “theo sau là Anh, Nhật Bản, Pháp, và Đức”. OECD, “Năm 2006 viện trợ phát triển của các nước OECD giảm 5.1%”, April 3, 2007, http://www.oecd.org/document/17/0,2340,en_2649 201185_38341265_1_1_1_1 ,OO.html.

(14) Anup Shah, “US and Foreign Aid Assistance”, Global Issues, April 8, 2007, http://www.globalissues.org/tradeRelated/Debt/USAid.asp.
(15) OECD, “Năm 2006 viện trợ phát triển của các nước OECD giảm 5,1%”, April 3, 2007, http://www.oecd.org/document/17/0,2340,en_2649 _20118S_38341265_l_l_l_1 ,00.html. Giảm 5% so với năm 2005, nhưng đây chủ yếu là do xóa khoản nợ lớn của Iraq và Nigeria trong năm đó.
(16) Sachs, The End of Poverty. pp. 298-99. Chính xác hơn, ông cho rằng mỗi năm cần từ 135 tỉ tới 195 tỉ USD (giá USD năm 2003) trong vòng một thập kỉ, tức trong thập kỉ tới, hàng năm cần “khoảng 0,44 đến 0,54% GNP của các nước giàu (p. 299). Nhưng vì phần lớn khoản viện trợ hiện nay là xóa nợ và một số được dùng để trả nợ cũ, cho nên có thể phải tăng gấp đôi.
(17) Chair’s summary, Gleneagles Summit of the Group of 8 (GS), July 8, 2005, http://www.g8.gov.uk/servlet/Frontpagename=OpenMarket/Xcelerate/ShowPage&c=Page&cld=1119518698846.

(18) Sachs, The End of Poverty, pp. 276-77. Ông còn khuyên các nhà tài trợ “hài hòa” các khoản viện trợ thừa mứa của họ để các nước nghèo có thể làm việc với một tập hợp duy nhất các kì vọng của các nhà tài trợ đã phối hợp với nhau.

Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường