Các thể chế (Phần 2)

Các thể chế (Phần 2)

Các thể chế tạo ra lợi ích từ thương mại

Nhiều độc giả có lẽ phần nào quen thuộc với cách hình dung lịch sử kinh tế theo thời gian giống như chuỗi những câu chuyện theo từng giai đoạn. Những nền kinh tế sơ khai nhất được hình dung dưới dạng trao đổi cục bộ bên trong một ngôi làng (hay thậm chí trong mội xã hội săn bắn và hái lượm đơn thuần). Dần dần, việc buôn bán phát triển vượt ra ngoài ngôi làng: trước tiên là đến vùng, có thể là một khu thương mại giống như chợ; sau đó đi xa hơn, thông qua các đoàn lữ hành hay các tuyến đường vận chuyển; và cuối cùng đến hầu hết các ngõ ngách trên thế giới. Ở mỗi giai đoạn, nền kinh tế gắn với sự gia tăng chuyên môn hóa và phân công lao động, và công nghệ không ngừng cải thiện năng suất. Câu chuyện của sự tiến hóa dần dần từ mô hình tự cung tự cấp mang tính địa phương đến sự chuyên môn hóa và phân công lao động có nguồn gốc từ trường phái lịch sử Đức. Tuy nhiên, bài viết này không có hàm ý rằng sự tiến hóa lịch sử của các nền kinh tế trên thực tế nhất thiết phải song hành với chuỗi các giai đoạn phát triển giao thương được mô tả ở đây.1

Tôi xin bắt đầu với sự trao đổi cục bộ trong ngôi làng hay thậm chí là trao đổi giản đơn trong xã hội săn bắn và hái lượm (phụ nữ hái lượm còn đàn ông săn bắn). Sự chuyên môn hóa trong xã hội này còn thô sơ và mang tính tự túc đặc trưng của các hộ gia đình riêng lẻ. Việc buôn bán quy mô nhỏ ở ngôi làng diễn ra trong mạng lưới xã hội "dày đặc" các ràng buộc phi chính thức, thứ góp phần hỗ trợ trao đổi cục bộ; và chi phí giao dịch trong bối cảnh này thấp. (Mặc dù các chi phí xã hội cơ bản của bộ tộc hay tổ chức làng xã có thể cao, nhưng chúng sẽ không được phản ánh dưới dạng các chi phí phụ thêm trong quá trình giao dịch). Mọi người đều có những hiểu biết rõ ràng về những người khác, và sự đe dọa sử dụng vũ lực chính là một áp lực liên tục để duy trì trật tự, vì các thành viên khác trong xã hội ý thức được sự đe doạ này.2

Tuy nhiên, khi việc buôn bán vượt ra ngoài phạm vi ngôi làng, khả năng xảy ra xung đột liên quan đến quá trình trao đổi tăng lên. Quy mô của thị trường gia tăng và chi phí giao dịch tăng nhanh bởi mạng lưới mối quan hệ mật thiết trong xã hội không còn nữa; vì vậy, cần nhiều nguồn lực hơn cho hoạt động đo lường và duy trì hiệu lực giao dịch. Trong trường hợp không có nhà nước để duy trì hiệu lực các hợp đồng, những giới luật mang tính tôn giáo thường được áp dụng làm các chuẩn mực ứng xử cho những người chơi. Tất nhiên, hiệu quả của chúng trong việc làm giảm chi phí giao dịch rất khác nhau, phụ thuộc vào mức độ trói buộc niềm tin vào các giới luật này.

Sự phát triển của thương mại đường dài, có thể thông qua các đoàn lữ hành hay các chuyến tàu dài ngày, đòi hỏi một sự thay đổi mạnh mẽ về đặc trưng của cấu trúc kinh tế. Điều này dẫn đến nhu cầu phải có những cá nhân chuyên môn hóa sâu vào hoạt động giao thương; đó là những người chuyên làm nghề buôn bán và sự phát triển của các trung tâm thương mại, có thể dưới dạng những nơi tụ tập tạm thời (như những hội chợ ở châu Âu) hay những thành phố, thị trấn ổn định hơn. Tính kinh tế nhờ qui mô, chẳng hạn trong trồng trọt, là đặc trưng của xã hội này. Sự chuyên môn hóa theo địa lý bắt đầu nổi lên như một đặc trưng quan trọng và sự chuyên môn hóa theo ngành nghề ở mức độ nào đó cũng đồng thời diễn ra.

Sự phát triển của thương mại đường dài đặt ra hai vấn đề chi phí giao dịch riêng biệt. Một là những vấn đề kinh điển về người đại diện (agency), điều này đã được giải quyết bằng việc sử dụng người thân tộc trong buôn bán đường dài. Nghĩa là, một thương nhân làm việc cố định ở một nơi sẽ gửi người họ hàng cùng hàng hóa của mình đi đàm phán bán hàng và đổi lại hàng hóa khác. Sự tốn kém trong đo lường kết qua hoạt động, mức độ gắn bó khăng khít trong dòng tộc, và giá phải trả cho "sự đào tẩu", tất cả quyết định kết quả của những giao kèo như vậy. Khi quy mô và số lượng giao dịch tăng lên, vấn đề người đại diện ngày càng trở nên hóc búa hơn.3 Vấn đề thứ hai liên quan đến việc đàm phán và duy trì hiệu lực của hợp đồng ở những vùng xa lạ trên thế giới, nơi mà không dễ để có được những phương thức hiệu quả để đạt được thỏa thuận và đảm bảo hiệu lực thực thi các hợp đồng. Duy trì hiệu lực không chỉ có nghĩa là thực thi những giao kèo mà còn là bảo vệ hàng hóa và dịch vụ trên đường đi khỏi cướp biển hay những kẻ trộm cắp v.v.

Những vấn đề duy trì hiệu lực trên hành trình buôn bán đã được đáp ứng bởi những lực lượng vũ trang bảo vệ tàu bè hay đoàn lữ hành, hay bởi sự chi trả phí cầu đường hoặc tiền "lót tay" cho những nhóm bạo động địa phương. Đàm phán và hiệu lực thực thi ở những nơi xa lạ trên thế giới thường đòi hỏi sự phát triển của các thước đo và cân được chuẩn hóa, đơn vị tính toán, phương tiện trao đổi, công chứng viên, lãnh sự, tòa án thương gia, và các vùng đất của thương nhân nước ngoài được bảo vệ bởi các hoàng thân nước ngoài để đổi lấy nguồn thu ngân sách. Bằng cách giảm thiểu chi phí thông tin và đưa ra những động lực khuyến khích cho việc thực hiện hợp đồng, mạng lưới phức hợp các thể chế, các tổ chức, và các công cụ trên đã tạo nên tính khả thi cho thực hiện giao dịch và cam kết trong thương mại đường dài. Sự pha trộn của các nhóm tự nguyện và nửa ép buộc, hay chí ít là các nhóm có thể tiến hành hiệu quả việc tẩy chay các thương nhân không tuân thủ những giao kèo, đã tạo điều kiện cho thương mại đường dài diễn ra.4

Sự mở rộng này của thị trường đòi hỏi những nhà sản xuất chuyên biệt hơn. Tính kinh tế theo quy mô dẫn đến sự khởi đầu của các tổ chức sản xuất được quản lý theo cấp bậc hành chính, với những công nhân làm việc toàn thời gian ở một nơi tập trung hoặc theo một quy trình sản xuất có tính dây chuyền. Ngoài ra, các thị trấn và một vài thành phố trung tâm bắt đầu nổi lên, và sự phân bố dân cư theo ngành nghề cho thấy sự tăng lên rõ rệt tỷ trọng lực lượng lao động tham gia vào khu vực sản xuất và dịch vụ, mặc dù phần lớn lực lượng lao động, theo truyền thống, vẫn làm trong khu vực nông nghiệp. Các giai đoạn phát triển cũng phản ánh một sự chuyển dịch đáng kể của xã hội theo hướng đô thị hóa.

Những xã hội như vậy cần hiệu lực thực thi hợp đồng hiệu quả và không mang tính cá nhân bởi vì mối quan hệ cá nhân, những ràng buộc tự nguyện và tẩy chay trở nên không còn hiệu lực nữa khi xuất hiện thêm những hình thức trao đổi phức tạp và ngày càng không mang tính cá nhân. Điều này không phải là những ràng buộc mang tính cá nhân và xã hội không còn quan trọng; chúng thậm chí vẫn có ý nghĩa trong thế giới đầy tính phụ thuộc như ngày nay. Tuy nhiên trong trường hợp thiếu vắng cơ chế thực thi hợp đồng không mang tính cá nhân một cách hiệu quả, lợi ích từ hành vi "đào tẩu" lớn đến mức có thể ngăn chặn sự phát triển của giao dịch phức tạp. Dưới đây là hai sự minh họa đề cập đến cơ chế tạo ra thị trường vốn và bàn đến sự tương tác giữa các thể chế và công nghệ được sử dụng.

Một thị trường vốn đòi hỏi sự đảm bảo quyền sở hữu theo thời gian và đơn thuần là sẽ không tiến triển ở những nơi mà nhà lãnh đạo chính trị có thể tùy tiện chiếm hữu tài sản hoặc thay đổi hoàn toàn giá trị của chúng. Việc thiết lập cam kết đáng tin cậy để đảm bảo quyền sở hữu theo thời gian buộc hoặc nhà cầm quyền phải thể hiện sự kiềm chế trong sử dụng vũ lực hoặc có cơ chế hạn chế quyền lực của nhà cầm quyền để ngăn chặn việc tùy ý chiếm hữu tài sản. Phương án đầu tiên hiếm khi thành công trong thời gian dài khi phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng tài chính ở khắp nơi của các nhà cầm quyền (phần lớn là do hậu quả của chiến tranh lặp đi lặp lại). Phương án sau lại đòi hỏi sự chuyển dịch cơ bản hệ thống chính thể như đã xảy ra ở Anh, như là kết quả của cuộc cách mạng Vinh Quang năm 1688, theo đó quyền lực tối cao thuộc về Quốc hội thay vì hoàng gia.5

Công nghệ gắn liền với sự mở rộng sản xuất đòi hỏi sự gia tăng vốn cố định đầu tư vào nhà máy và thiết bị, quá trình sản xuất liên tục, lực lượng lao động có kỷ luật, và mạng lưới vận tải phát triển; tóm lại, nó đòi hỏi phải có các thị trường sản phẩm và nhân tố sản xuất. Để phát triển được những thị trường trên cần phải đảm bảo các quyền sở hữu, điều này đòi hỏi phải có một chính thể và hệ thống tư pháp sao cho đảm bảo chi phí hợp đồng thấp, luật pháp linh hoạt thừa nhận tính đa dạng trong cơ cấu tổ chức, và tạo ra các cơ cấu quản trị phức hợp để hạn chế những vấn đề người đại diện trong các tổ chức cấp bậc hành chính.6

Trong giai đoạn cuối, giai đoạn mà chúng ta quan sát ở các xã hội phương Tây hiện đại, sự chuyên môn hóa đã tăng lên, lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp, và các thị trường đã mở rộng quy mô ra toàn quốc và trên toàn cầu. Tính kinh tế theo quy mô hàm ý tổ chức có quy mô lớn, không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực sản xuất mà còn trong lĩnh vực nông nghiệp. Tất cả mọi người sống bằng cách thực hiện một chức năng chuyên biệt và phụ thuộc vào mạng lưới rộng lớn các bộ phận kết nối với nhau để cung cấp vô số hàng hóa và dịch vụ cần thiết cho nhau. Phân công ngành nghề trong lực lượng lao động chuyển dịch dần từ sự phổ biến của các ngành nghề sản xuất sang các ngành nghề được xếp vào nhóm dịch vụ. Xã hội đa phần là xã hội đô thị.

Cũng trong giai đoạn cuối này, chuyên môn hóa đòi hỏi tỉ lệ ngày càng tăng các nguồn lực của xã hội tham gia vào hoạt động giao dịch, do đó khu vực giao dịch tăng lên và chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm quốc nội. Nguyên nhân là do sự chuyên môn hóa trong thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, cũng như hoạt động phối hợp giản đơn trong hoạt động kinh tế, đòi hỏi tỷ trọng ngày càng cao trong lực lượng lao động.7 Do đó, các hình thức tổ chức giao dịch với mức độ chuyên môn hóa cao xuất hiện. Chuyên môn hóa và phân công lao động toàn cầu đòi hỏi các thể chế và các tổ chức bảo vệ quyền sở hữu tài sản xuyên biên giới giữa các quốc gia để thị trường vốn (cũng như các hình thức giao dịch khác) có thể vận hành với cam kết đáng tin cậy cho những người chơi.

Những giai đoạn giản lược này dường như khớp nối với nhau thành một câu chuyện trôi chảy về sự tiến hóa trong hợp tác. Nhưng chúng có thực sự như vậy? Liệu nhất thiết phải có một kết nối nào đó để chuyển những người chơi từ những hình thức trao đổi ít phức tạp đến những hình thức phức tạp hơn không? Tình trạng bấp bênh của quá trình tiến hóa này không chỉ ở chỗ liệu các chi phí thông tin, tính kinh tế theo quy mô cùng với sự phát triển của cơ chế thực thi hợp đồng có cho phép và thực sự khuyến khích các hình thức giao dịch phức tạp hơn, mà còn ở chỗ liệu các tổ chức có động lực để tiếp thu kiến thức và thông tin cần thiết để thúc đẩy họ phát triển theo những hướng sản xuất mang tính xã hội hơn.

Trên thực tế, xuyên suốt lịch sử, không có bất kỳ lý do tất yếu nào cho sự phát triển này diễn ra. Thật vậy, hầu hết các hình thức tổ chức sơ khai mà tôi đã đề cập trong các phần ở bài viết này ngày nay vẫn còn tồn tại ở một số vùng trên thế giới. Vẫn còn tồn tại xã hội bộ lạc nguyên thủy; Suq (khu chợ địa phương của các quốc gia Hồi giáo đảm nhiệm chức năng thương mại trong vùng) vẫn đang nở rộ ở nhiều nơi; và trong khi hình thức buôn bán theo đoàn lữ hành đã biến mất, sự sụp đổ của nó (cũng như sự suy giảm dần dần của hai hình thức trao đổi "nguyên thủy" trên) đã phản ánh tác động của các ngoại lực hơn là sự tiến hóa bên trong. Ngược lại, sự phát triển của thương mại đường dài của người châu Âu đã khởi đầu cho sự phát triển theo chuỗi của các hình thức tổ chức phức tạp hơn.

Phần còn lại của bài viết này đầu tiên sẽ xem xét sự tiến hóa thất bại của một số hình thức trao đổi mang vẻ nguyên thủy và sau đó là sự tiến hóa của những thể chế diễn ra vào giai đoạn đầu của châu Âu hiện đại. Đoạn kết luận của bài viết này sẽ cố gắng giải thích lý do tại sao một số xã hội và các thể chế trao đổi tiến hóa được trong khi một số khác thì không, và áp dụng khung khổ phân tích đó cho bối cảnh phát triển kinh tế ở Tây bán cầu vào thế kỷ 18 và 19.

Chú thích:

(1) Trong một bài viết từ nhiều năm trước (North, 1955), tôi đã chỉ ra rằng nhiều nền kinh tế vùng đã phát triển ngay từ ban đầu như là các nền kinh tế xuất khẩu và đa tạo nên sự thành công của họ xung quanh khu vực xuất khẩu. Đây là điều trái ngược với lý thuyết lịch sử cũ về sự phát triển theo giai đoạn bắt nguồn từ trường phái lịch sử Đức, theo đó sự phát triển luôn bắt đầu từ hình thức tự cấp tự túc tại địa phương để dần dần tiến tới chuyên môn hóa và phân công lao động. Mô thức phát triển này được mô tả ở đây, mặc dù nó có thể không đặc trưng cho sự tiến hóa cụ thể đã xảy ra trong thực tế.

(2) Về một bản tóm tắt xuất sắc tổng luận nghiên cứu ngành nhân chủng học bàn về trao đổi thương mại trong các xã hội bộ lạc, xem Elizabeth Colson (1974).

(3) Thương nhân Do Thái ở Địa Trung Hải vào thế kỷ 11 "giải quyết" vấn đề người đại diện dựa trên mối quan hệ cộng đồng gần gũi với nhau, nhằm giảm chi phí thông tin và cho phép họ hoạt động như một nhóm để loại trừ và trả đũa những đại diện vi phạm bộ nguyên tắc thương mại của họ. Xem Avner Greif (1989).

(4) Tác phẩm Cross Cultural Trade in World History của Philip Curtin (1984) là một bản tổng luận tốt, nhưng ít tập trung vào phân tích và kiểm chứng các cơ chế cần thiết cho hình thức giao thương như vậy. The Cambridge Economic History, Quyển III (1966), có nhiều chi tiết hữu ích hơn về sự tổ chức giao thương như vậy.

(5) North và Weingast (1989) cung cấp lịch sử và phân tích về các thể chế chính trị của nước Anh thế kỷ 17 dẫn đến cuộc Cách mạng năm 1688 và những hệ quả đối với sự phát triển của thị trường vốn ở Anh.

(6) Xem North (1981), đặc biệt là chương 13, và Chandler (1977). Bài tiểu luận của Joseph Stiglitz (1989), "Markets, Market Failures, and Development," trình bày chi tiết một số vấn đề lý thuyết

(7) Khu vực giao dịch (tức phần chi phí giao dịch được thực hiện thông qua thị trường và do đó có thể đo lường được) của nền kinh tế Mỹ là 25% GNP trong năm 1870 và 45% GNP năm 1970 (Wallis và North, 1986).

Nguồn:  Douglass C. North, “Institutions”, The Journal of Economic Perspectives, Quyển 5, Số 1 (Mùa đông 1991)