[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 9: Bản chất của chính phủ quá lớn (Phần 1)
Trong xã hội tự do, chính phủ có vai trò quan trọng. Chính phủ phải bảo vệ các quyền của chúng ta, phải tạo ra xã hội, trong đó, mọi người có thể sống và làm việc mà không sợ bị giết, bị hành hung, bị trộm cắp hay bị xâm lược. Theo tiêu chuẩn của hầu hết các chính phủ mà ta từng thấy trong lịch sử thì đây là vai trò vô cùng khiêm tốn. Đó là lý do vì sao cuộc Cách mạng Mỹ lại có tính cách mạng đến như thế. Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố: “các chính phủ được lập ra là để đảm bảo những quyền này”. Chứ không phải là “làm cho mọi người đều trở thành người đức hạnh”. Không phải là “để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Không phải là “để đảm bảo cho tất cả mọi người một mức sống xứng đáng”. Ý tưởng mang tính cách mạng chỉ đơn giản là hạn chế vai trò của chính phủ trong việc bảo đảm các quyền của chúng ta. Nhưng xin hãy tưởng tượng tất cả chúng ta sẽ sung sướng đến mức nào nếu chính phủ thực hiện được nhiệm vụ đơn giản này.
Đáng tiếc là, hầu hết các chính phủ đã không thực hiện được lí tưởng của Thomas Jefferson ở hai khía cạnh sau đây. Thứ nhất, họ không làm tốt nhiệm vụ là bắt giữ một cách nhanh chóng và trừng phạt những người xâm phạm các quyền của chúng ta. Thứ hai, họ tìm cách củng cố chính quyền, tập trung vào trong tay mình ngày càng nhiều quyền lực hơn, can thiệp vào nhiều lĩnh vực của đời sống của chúng ta, bắt chúng tôi nộp nhiều tiền hơn và tước đoạt các quyền tự do của chúng ta.
Khía cạnh mang tính cách mạng nhất của cuộc Cách mạng Mỹ là nó tìm cách tạo ra ngay từ đầu chính phủ với chức năng hầu như chỉ là bảo vệ các quyền cá nhân. Ý tưởng về những giới hạn của chính phủ đã hình thành và phát triển ở Anh và các nước châu Âu khác trong thời Trung Cổ. Các thành phố đã soạn thảo được những bản Hiến chương của mình và các hội nghị đã tìm cách kiểm soát nhà vua bằng những văn kiện như như Đại Hiến Chương Magna Carta (Anh) và Luật Vàng của Hungary (Golden Bull). Nhiều người định cư ở Mỹ - và một số người Anh ủng hộ họ, trong đó có Edmund Burke - coi cuộc Cách mạng này như quá trình giành lại những quyền của mình, như người công dân Anh. Những lời có cánh của bản Tuyên ngôn Độc lập và những điều khoản khắt khe của Hiến pháp đã vượt qua tất cả những nỗ lực trước đó trong việc tuyên bố về các quyền tự nhiên, tức là quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu và chỉ ủy quyền cho chính phủ mới những quyền lực cần thiết cho việc bảo vệ những quyền này mà thôi.
Ở đây chúng ta phải phân biệt giữa “chính phủ” và “nhà nước”. Hai thuật ngữ này đôi khi được coi là những từ đồng nghĩa, nhất là ở Mỹ, nhưng trên thực tế, chúng nói tới hai thiết chế vô cùng quan trọng nhưng lại dễ làm cho người ta nhầm lẫn. Chính phủ là tổ chức hoạt động trên cơ sở đồng thuận, chúng ta dùng nó để giải quyết các tranh chấp, để bảo vệ các quyền của chúng ta và đáp ứng một số nhu cầu chung. Ví dụ, hiệp hội chung cư có ban quản lý (chính phủ) nhằm phân xử những tranh chấp giữa các chủ sở hữu, quy định việc sử dụng những khu vực công cộng, bảo vệ người dân không bị những kẻ không mời mà tới quấy rầy và đáp ứng một số nhu cầu chung khác. Dễ dàng thấy rằng, vì sao mọi người lại muốn có một chính phủ, theo nghĩa này. Trong mỗi trường hợp như thế, người dân đều đồng ý với những điều kiện của chính phủ (hiến pháp, hiến chương hay điều lệ) và đồng ý để cho nó cai trị. Còn nhà nước là tổ chức có tính cưỡng chế, đòi hay được hưởng độc quyền trong việc sử dụng sức mạnh vật chất trong một vùng lãnh thổ nhất định và thực thi quyền lực đối với các thần dân của nó. Sự táo bạo và thiên tài của những người lập quốc Mỹ là họ đã tìm cách nhằm thành lập một chính phủ chứ không phải là thành lập nhà nước.
Về mặt lịch sử, nguồn gốc thực sự của nhà nước là chinh phục và bóc lột về kinh tế. Nhà xã hội học Franz Oppenheimer đã chỉ ra rằng, có hai biện pháp cơ bản nhằm tìm kiếm những phương tiện để đáp ứng các nhu cầu của chúng ta. “Đấy là lao động và cướp bóc, lao động của chính mình và tước đoạt bằng bạo lực sức lao động của người khác”. Ông gọi lao động và trao đổi tự do là tìm kiếm của cải bằng “biện pháp kinh tế”, còn chiếm đoạt sức lao động của người khác là “biện pháp chính trị”.
Từ nhận thức thấu triệt như thế, Oppenheimer viết, chúng ta có thể phát hiện được nguồn gốc của nhà nước. Trấn lột, cướp bóc và lừa đảo là những biện pháp mà những kẻ dùng vũ lực thường dùng nhằm chiếm đoạt những vật phẩm do người khác làm ra. Nhưng làm sao tổ chức và hợp thức hóa việc cướp bóc cho hiệu quả hơn! Theo Oppenheimer, “Nhà nước là tổ chức của các biện pháp chính trị”. Nhà nước xuất hiện khi một nhóm người chinh phục và ở lại để cai trị một nhóm khác. Bây giờ, những kẻ chinh phục không cướp bóc những người bị chinh phục và đi tiếp nữa mà ở lại và chuyển từ cướp bóc sang đánh thuế. Việc hợp thức hóa như thế mang lại một số lợi ích cho xã hội bị chinh phục, đó là lý do vì sao sự cộng sinh đó có thể tồn tại được trong một thời gian dài: bây giờ họ không phải trồng cấy hay làm nhà ở rồi sau đó bị cướp bất cứ lúc nào, những người dân hiền lành và làm việc có hiệu quả đơn giản là thích nộp cho những kẻ cai trị họ, ví dụ, 25% sản phẩm, nhưng biết trước rằng chỉ bị tước đoạt từng đó thôi và họ sẽ được những kẻ cai trị bảo vệ.
Nhận thức sâu sắc như thế về sự khác nhau giữa xã hội và nhà nước, giữa nhân dân và những kẻ cai trị, đã ăn sâu bến rễ trong nền văn minh phương Tây, xuất phát từ lời cảnh báo của Samuel với dân Israel rằng, nhà vua “sẽ bắt con trai của các ngươi, sẽ bắt con gái các ngươi, sẽ lấy ruộng của các ngươi” và quan niệm của Công giáo cho rằng nhà nước được hình thành trong tội lỗi. Những người theo phái cào bằng (Leveller), tức là những chiến sĩ đấu tranh kiên cường cho tự do ở nước Anh thời Charles I và Cromwell, hiểu rằng nhà nước ở Anh xuất hiện sau cuộc chinh phục đất Anh của người Norman, những người này đã tròng lên cổ người dân Anh tự do cái “ách Norman”. Sau đó một thế kỷ, trong khi tìm cách làm suy yếu tính chính danh của chế độ quân chủ Anh, Thomas Paine đã chỉ rõ: “Một tên khốn kiếp người Pháp đổ bộ với những tên cướp có vũ trang và tự coi mình là vua của nước Anh mà chưa được người bản địa đồng ý, nói một cách đơn giản là nguồn gốc cực kỳ ti tiện”.
Trong bài báo nhan đề “Lại bàn về chính cái đó” (More of the Same), xuất bản năm 1925, nhà báo HL Mencken đồng ý với quan điểm đó:
Một người bình thường…. nhìn thấy rõ rằng chính phủ là một cái gì đó bên ngoài anh ta và bên ngoài đa số đồng bào của anh ta – rằng nó là quyền lực tách rời, độc lập và thù địch với anh ta, anh ta chỉ kiểm soát được một phần và nó có khả năng gây ra cho anh ta những thiệt hại to lớn…. Người ta biết rằng [Chính phủ] không phải là ủy ban của nhân dân, được bầu ra nhằm thực hiện công việc của toàn dân, mà là một công ty tự lập và tự chủ, chủ yếu là bóc lột dân chúng nhằm đem lại lợi ích cho các thành viên của mình… Khi người công dân bị cướp, tức là có kẻ tước đoạt thành quả lao động của một con người cao quý, không để cho người đó hưởng thụ kết quả do sự cần cù và tiết kiệm của người đó mang lại; còn khi chính phủ bị cướp thì điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là một số thằng khốn nạn và một số thằng ăn hại có ít tiền ăn chơi hơn mà thôi.
Nhà nước dân chủ
Ở Mỹ, người ta thường khẳng định rằng tất cả những điều vừa nói có thể đúng vào thời cổ đại, hay là ở những nước mà tổ tiên của chúng ta đã ra đi, nhưng ở đất nước dân chủ “chúng ta là chính phủ”. Những người lập quốc Mỹ hy vọng rằng chính phủ dân chủ - hay, như họ thường nói, chính phủ cộng hòa - sẽ không bao giờ xâm phạm quyền của người dân hay làm bất cứ điều gì trái với lợi ích của người dân. Sự thật đáng tiếc là không phải tất cả chúng ta đều là chính phủ. Hầu hết chúng ta quá bận bịu với công việc, với việc sản xuất, chăm sóc gia đình, không có thì giờ theo dõi xem nhà cầm quyền đang làm gì. Người bình thường, chuyên tâm vào công việc sản xuất nào có thể đọc một trong số những dự luật ngân sách dày cả ngàn trang mà năm nào Quốc hội cũng thông qua để biết thực sự trong đó viết gì? Trong một trăm người Mỹ chưa có một người biết anh ta thực sự đóng bao nhiêu tiền thuế, vì các chính trị gia tìm mọi cách che giấu.
Vâng, cứ bốn năm hoặc hoặc lâu hơn thế một chút chúng ta lại có quyền tống khứ những kẻ bất lương ra khỏi cơ quan công quyền và đưa vào đó một nhóm bất lương mới. Nhưng, có nhiều yếu tố làm giảm giá trị của quyền đó:
• Trong phiếu bầu không có nhiều lựa chọn thay thế khác hẳn nhau. Lựa chọn giữa Bush và Clinton hay giữa Clinton và Dole, nói thẳng là chẳng có gì phấn khởi hết. Thậm chí Quốc hội năm 1994 được coi là cách mạng cũng hầu như không làm giảm được tốc độ phình ra của chính phủ liên bang.
• Chúng ta phải ký kết một hợp đồng trọn gói. Chương trình giải trí dành cho trẻ em mang tên Sesame Street gần đây cho thấy chuyện đó có nghĩa là gì. Muppets và bạn bè có 3 USD và chúng tìm hiểu về bầu cử thông qua quyết định xem nên mua bút chì màu hay nước trái cây.
Rosita: Các bạn đếm số người muốn mua bút chì màu. Sau đó, các bạn đếm số người muốn nước trái cây. Nếu có nhiều người muốn nước trái cây, thì mua nước trái cây cho tất cả mọi người. Nếu có nhiều người muốn bút chì màu, thì mua bút chì màu.
Telly: Nghe như dở hơi, nhưng nó hoạt động theo cách đó!
Nhưng tại sao không để cho mỗi đứa trẻ mua thứ mà nó muốn? Ai cần dân chủ cho những quyết định như thế? Có thể có một số lợi ích công cộng, nhưng nước trái cây và bút chì màu chắc chắn là không nằm trong số đó. Trong thế giới hiện thực, một ứng viên đề xuất thuế khóa cao hơn, hợp pháp hóa việc phá thai và rút ra khỏi cuộc chiến tranh ở Việt Nam; ứng viên khác hứa hẹn ngân sách cân bằng, được cầu nguyện trong nhà trường và leo thang chiến tranh. Nhưng nếu bạn muốn ngân sách cân bằng và rút khỏi Việt Nam thì sao? Trên thương trường, bạn có nhiều lựa chọn, trong đời sống chính trị bạn chỉ có vài phương án lựa chọn mà thôi.
• Người ta thường hành động theo cách mà các nhà kinh tế học gọi là “sự vô minh duy lý” (rational ignorance1). Nghĩa là, tất cả chúng ta đều dành nhiều thời gian để tìm hiểu những vấn đề chúng ta có thể tác động được, nhưng không tìm hiểu những vấn đề chính trị, tức là những vấn đề chúng ta không có bất cứ ảnh hưởng nào. Đấy là lý do vì sao hơn một nửa người Mỹ không thể nhớ được tên bất cứ vị thượng nghị sĩ nào. (Tôi tin chắc rằng độc giả cuốn sách này có thể, nhưng 54% những người được tờ Washington Post phỏng vấn đã không thể nhớ được). Và vì sao hầu hết chúng ta không biết gì việc ngân sách chi bao nhiêu cho chương trình Medicare (chăm sóc sức khỏe), chi bao nhiêu cho viện trợ nước ngoài hay cho bất kỳ chương trình nào khác. Một doanh nhân ở Alabama nói với tờ Washington Post: “Tôi không quan tâm tới chính trị. Tôi không theo dõi chính trị… Tôi phải kiếm sống”. Ellen Goodman, một nhà báo theo trường phái tự do, chuyên vận động cho một chính phủ tử tế, than phiền rằng một người bạn của chị đã bỏ ra mấy tháng để tìm hiểu những loại xe mới, còn chị thì nghiên cứu về đường, chất xơ, chất béo và giá các loại ngũ cốc khác nhau. “Người bạn đang muốn mua xe của tôi đã bỏ ra nhiều giờ để so sánh các hệ thống phun nhiên liệu có bỏ thì giờ vào việc so sánh các chương trình chăm sóc sức khỏe của quốc gia không?” Goodman hỏi. “Có thể là không. Tôi có dùng thì giờ nghiên cứu các loại ngũ cốc cho việc nghiên cứu hiệu ứng nhà kính đối với các loại ngũ cốc hay không? Có thể là không”. Chắc chắn là không – và tại sao họ phải làm việc đó? Goodman và người bạn của chị sẽ mua được những chiếc ô tô và những loại ngũ cốc mà họ cần, nhưng nghiên cứu chương trình chăm sóc sức khỏe thì mang lại cho họ lợi lộc gì? Giả sử sau khi đã bỏ ra khá nhiều công nghiên cứu những vấn đề về chăm sóc sức khỏe, kinh tế học và bộ máy quản lý hành chính, bạn của chị tìm được chương trình chăm sóc sức khỏe mà anh ta cho là ưu việt hơn. Sau đó anh ta chuyển sang nghiên cứu cương lĩnh tranh cử của các ứng viên, và anh ta phát hiện ra rằng ở đấy chỉ có những thông tin rất mù mờ về chương trình chăm sóc sức khỏe mà họ sẽ áp dụng, nếu trúng cử. Cuối cùng, sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng như thế, người cử tri thông thái của chúng ta sẽ chọn ứng viên. Đáng tiếc là cử tri này không thích quan điểm của ứng viên về bất kỳ vấn đề nào – đây là vấn đề hợp đồng trọn gói – nhưng anh ta quyết định bầu trên cơ sở chương trình chăm sóc sức khỏe. Ảnh hưởng của người cử tri này đối với kết quả cuộc bầu cử tổng thống chỉ là một phần một trăm triệu, sau đó, nếu ứng viên mà anh ta ủng hộ trúng cử thì vị tổng thống này phải đối mặt với một Quốc hội có quan điểm hoàn toàn khác về những vấn đề đó và nói gì thì nói, ứng viên của anh ta cũng chỉ là một kẻ dối trá. Bằng bản năng, nhiều người đã hiểu như thế và vì vậy mà tuyệt đại đa số cử tri không dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu chính sách của nhà nước. Nhưng nếu đưa cho chính người đó ba chương trình chăm sóc sức khỏe mà anh ta có thể lựa chọn thì có khả năng là anh ta sẽ bỏ thì giờ nghiên cứu những chương trình này.
• Cuối cùng, như đã nói bên trên, có nhiều khả năng là các ứng viên sẽ tự lừa mình, cũng như lừa các cử tri. Có thể khẳng định rằng trong tất cả những cuộc bầu cử tổng thống sau năm 1968, người Mỹ đều cố gắng bầu cho chính phủ nhỏ hơn, nhưng cũng trong khoảng thời gian đó, ngân sách quốc gia đã tăng từ 178 tỷ USD lên thành 1,6 ngàn tỷ USD. Trong chiến dịch tranh cử năm 1988, George Bush đã đưa ra một lời hứa mà cử tri nào cũng thấy: “Nhìn môi tôi này, không có những khoản thuế mới”. Nhưng rồi ông ta vẫn tăng thuế. Nếu chúng ta là chính phủ - vì sao chúng ta lại thực hiện nhiều chính sách mà chúng ta không muốn, từ đưa trẻ đi học bằng xe buýt và chiến tranh Việt Nam cho đến những khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ, thuế má cao đến mức chẳng có người Mỹ nào chấp nhận được, và cuộc chiến ở Bosnia?
Vâng, ngay cả trong chế độ dân chủ vẫn có sự khác biệt căn bản giữa kẻ cai trị và người bị trị. Mark Twain có lần đã nói: “Có thể dùng các sự kiện và số liệu chứng minh rằng ở Mỹ không có giai cấp tội phạm bẩm sinh nào, trừ Quốc hội”. Dĩ nhiên là Quốc hội của chúng ta cũng không tồi hơn đồng nghiệp của họ ở những nước khác.
Một trong những định nghĩa quyến rũ nhất và trung thực nhất về chính trị từ xưa đến nay được Lord Bolingbroke, lãnh tụ đảng Tory của Anh hồi thế kỷ XVIII, viết trong một bức thư như sau:
Tôi sợ rằng chúng ta vào triều đình với cùng những dự định mà tất cả các đảng phái khác đã từng làm, rằng động cơ của tất cả những hành động của chúng ta là nắm toàn bộ chính phủ trong tay mình, rằng quan điểm chính của chúng ta là giữ chặt quyền lực đó, để có thêm công ăn việc làm cho chính chúng ta và có thêm nhiều cơ hội tưởng thưởng cho những người giúp chúng ta vươn lên và phạt những kẻ chống lại chúng ta.
Những người theo phái tự do cá nhân công nhận ra rằng quyền lực dễ làm cho những kẻ nắm quyền thoái hóa, biến chất. Có bao nhiêu chính trị gia - dù họ có ý định tốt đến mức nào - có thể tránh lợi được việc lạm dụng quyền lực khá lớn của các chính phủ quá khổ hiện nay? Xin hãy nhìn vào những cố gắng không mệt mỏi của Thượng nghị sĩ Robert Byrd nhằm đưa toàn bộ tiền lương của các quan chức liên bang về bang West Virginia, hay những khoản đóng góp hào phóng của tập đoàn Archer-Daniels-Midland cho Thượng nghị sĩ Bob Dole và cuộc vận động của ông nhằm giành những khoản trợ cấp khá lớn cho tập đoàn này. Hoặc xin hãy lưu ý đến sự trùng hợp giữ bức thư của Bolingbroke và ghi nhận của viên trợ lí Nhà Trắng sau khi nhận được chỉ đạo của bà Hillary Clinton về việc sa thải các nhân viên của Phòng vận tải của Nhà Trắng: “Chúng ta cần sa thải những người này - Chúng ta cần đưa người của mình vào - Chúng ta cần chỗ trống”.
Câu chuyện về thống đốc bang Maryland, Parris Glendening, có thể coi là minh họa tuyệt vời cho điều mà chúng ta có thể gọi là định luật Bolingbroke. Glendening dường như là một người trong sạch, trung thực, ôn hòa, từng là giáo sư có tư tưởng kỹ trị, được bầu vào năm 1994. Ông ta có thể tạo ra ở Maryland một chính quyền to lớn, nhưng chí ít đấy sẽ là một chính quyền trong sạch. Và ông đã làm gì sau khi nhậm chức? Đây là mô tả của tờ Washington Post về ngân sách cho năm đầu tiên của chính quyền bang này: “Hành động quan trọng đầu tiên của Parris N. Glendening, sau khi nhậm chức thống đốc bang, là công bố ngân sách, mà những khoản chi lớn nhất được dành cho những khu vực đã dồn cho ông ta nhiều phiếu bầu nhất: quận Montgomery, quận Prince George và thành phố Baltimore”. Lord Bolingbroke gửi lời chào bạn. Vài ngày sau người ta mới biết rằng Glendening và viên trợ lý thứ nhất của ông ta đã nhận được hàng chục hàng ngàn USD tiền lương hưu do quận Prince George County - nơi Glendening đã làm quận trưởng trước khi được bầu làm thống đốc bang – trả trước bởi vì họ đã giải thích một cách sáng tạo luật lệ nói rằng có thể trả lương hưu trước thời hạn cho các nhân viên của chính phủ đã bị thiệt hại vì “buộc” phải rời bỏ công việc mà họ đang giữ. Glendening quyết định rằng ông “buộc phải rời bỏ” vì mỗi người chỉ được giữ chức quận trưởng nhiều nhất là hai nhiệm kì. Và ông ta đã “yêu cầu” các trợ lý hàng đầu của mình từ chức trước khi ông ta bàn giao công việc ở quận, nhĩa là họ cũng là nạn nhân “buộc phải bỏ việc” – sau đó ông ta lại thuê chính họ làm trợ lý cao cấp trong văn phòng thống đốc bang.
Tương tự như chú thỏ trong đoạn phim quảng cáo cho pin Energizer, con tàu chở tiền của Glendening tiếp tục di chuyển. Tháng 5 năm 1995, vị thống đốc này lại đề nghị cơ quan lập pháp chi 1,5 triệu USD tiền thuế của dân để giải cứu một công ty công nghệ cao đang gặp khó khăn ở quận Prince George, mà công ty này lại do một người ủng hộ ông ta lãnh đạo. Sau đó, vào tháng 8, Frank W. Stegman, bộ trưởng phụ trách vấn đề lao động, cấp phép và luật lệ, thuê vợ của Theodore J. Knapp, bộ trưởng phụ trách nhân sự và là đồng nghiệp của Stegman trong chính quyền quận Prince George, làm việc trong chính cơ quan của mình. Không phải là người vô ơn, sau đó Knapp đã đền ơn bằng cách đề nghị tăng lương cho Stegman thêm 10.000 USD nữa, vì lương anh này chỉ có 100.542 USD mà thôi. Nếu tất cả các chính khách tỏ ra trung thực đều hành động như thế thì những người khác sẽ như thế nào.
(Còn nữa)
Chú thích:
(1) Rational ignorance - sự vô minh duy lí là cách ứng xử của con người khi không thu thập được những loại tri thức nhất định do chi phí và bất trắc trong việc tìm kiếm thông tin.
Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.