[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 10: Những vấn đề của thời đại (Phần 4)
Giải phóng người nghèo
Hoàn cảnh của người nghèo, đặc biệt là những người sống trong các khu ổ chuột ở các thành phố, là một trong những vấn đề lớn nhất của nước Mỹ hiện đại. Lời kết án cho rằng thị trường tự do bỏ người nghèo lại phía sau cũng là một trong những lời chỉ trích phổ biến nhất nhắm vào chủ nghĩa tự do cá nhân. Sự thật là, như đã nói bên trên, người nghèo ở Mỹ hiện nay có đời sống vật chất cao hơn nhiều so với hầu hết các dân tộc trên thế giới từng được hưởng trong suốt chiều dài của lịch sử. 40% người Mỹ sống dưới mức nghèo khổ có nhà riêng, 92% hộ nghèo có TV màu và tuổi thọ trung bình là 70. Nhưng “tốt hơn hơn ngày xưa” là chưa đủ.
Ở Mỹ, có những người nghèo, những người thực sự sống trong cảnh bần hàn, thiếu thốn không chỉ vật chất mà còn không có cả niềm hy vọng nữa. Họ co mình lại vì sợ bọn tội phạm trong khu vực của mình; họ không có việc làm và không có hy vọng cải thiện được điều kiện sống của bản thân; họ không hy vọng rằng con cái của mình có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn, và con cái của họ cũng chẳng dám ước mơ gì cao xa. Những người này thường bị gọi là hạ lưu. Khu vực của họ có đặc điểm là có nhiều bà mẹ đơn thân (hơn 80%), hầu như không nhà nào có bố, tuyệt đại đa số sống dựa vào phúc lợi xã hội, và tỷ lệ tội phạm cực kỳ cao. Mặc dù thời nào cũng có người nghèo, dường như trong vài thập kỉ gần đây tình cảnh của giai cấp hạ lưu đang ngày càng xấu đi. William Julius Wilson, một nhà xã hội học nổi tiếng, viết: “Trong những năm 1940 và 1950, mùa hè, người da đen ở khu Harlem và những khu ổ chuột khác đã không cảm thấy ngại khi ngủ trong công viên, trong những cầu thang thoát hiểm và trên mái nhà, còn người da trắng cũng thường xuyên đến những quán nhậu và vũ trường trong những khu vực này”. Hơn hẳn mọi con số thống kê, lời nhân xét mang tính lịch sử như thế cho thấy rằng, chỉ trong một thế hệ, tình hình trong những khu phố nghèo của chúng ta đã xấu đi đến mức nào.
Nhiều người quan tâm đến người nghèo khẳng định rằng chính phủ phải chi nhiều hơn cho những chương trình trợ giúp. Tuy nhiên, kể từ vào năm 1965, chúng ta đã chi hơn hơn 5 nghìn tỷ USD cho chương trình giảm nghèo. Hiện nay, mỗi năm chúng ta chi hơn 300 tỷ. Nhưng tình hình ngày càng xấu đi. Tỷ lệ người nghèo - từ khi kết thức Thế chiến II đến những năm 1960 đã giảm đáng kể - đã chững lại sau khi Xã Hội Vĩ Đại được khởi động và kể từ đó cho đến nay, đã gần như không thay đổi.
Vấn đề hiện nay là người nghèo ở đô thị bị mắc vào trong một cái bẫy. Một mặt, những quy định của chính phủ, như luật lương tối thiểu và giấy phép hành nghề, làm cho những người có tay nghề thấp khó tìm việc làm. Mặt khác, các chương trình phúc lợi xã hội giúp người ta sống sót mà không cần làm việc. Dễ dàng dính mắc mãi trong cái bẫy phụ thuộc này.
Hầu như không có người nào ở Mỹ phải sống dưới mức nghèo khổ nếu họ làm ba việc sau đây: học hết trung học, không có thai ngoài hôn nhân và có việc làm, bất cứ việc gì. Lúc đầu, tiền lương có thể không cao hơn mức nghèo đói, nhưng những người đã có kinh nghệm làm việc sẽ không làm mãi công việc có mức lương tối thiểu như thế. Những người lập chính sách phải đặt cho mình câu hỏi: Làm sao khuyến khích những người Mỹ nghèo, đặc biệt là thanh niên nghèo, đưa ra những quyết định có thể dẫn họ thoát khỏi hoàn cảnh nghèo khó? Chúng ta phải công nhận rằng ba bước đơn giản để thoát nghèo nói trên dường như không hấp dẫn nếu bạn học ở ngôi trường trung học nằm trong khu vực chẳng có mấy người có việc làm. Nhận trợ cấp phúc lợi dường như là lựa chọn hợp lý. Trên thực tế, một công trình nghiên cứu được tiến hành vào năm 1996 đã phát hiện ra rằng trợ cấp phúc lợi (trong đó có trợ giúp về y tế và nhà ở) còn cao hơn cả công việc với mức lương tối thiểu ở cả 50 bang và cao hơn mức lương khởi điểm của thư ký ở 29 bang.
Sự thật nghiệt ngã là khi nhà nước phúc lợi còn tạo điều kiện cho những người phụ nữ - hoặc những cô gái tuổi teen - không chồng mà có con và có thể sống được mà không cần làm việc thì tỷ lệ trẻ sinh ngoài giá thú sẽ rất cao (theo số liệu mới nhất: 68% trẻ em da đen và 23% trẻ em da trắng) và trình trạng trong các khu ổ chuột vẫn sẽ là tội phạm, nghèo đói và tuyệt vọng. Những cuộc cải cách nửa vời - chương trình phúc lợi tìm việc làm (workfare), chương trình phúc lợi học tập (learnfare), giới hạn trong hai năm – không có tác dụng. Cách duy nhất có thể phá vỡ cái vòng luẩn quẩn: mẹ không chồng, con không cha, nghèo đói, tội phạm và phúc lợi xã hội là công nhận rằng phúc lợi xã hội tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết chúng.
Không còn phúc lợi xã hội, những người có khả năng nhận phúc lợi sẽ sống ra sao? Nhiều người sẽ tìm được việc làm. Để thúc đẩy quá trình đó, chúng ta phải loại bỏ những rào cản đối với những công việc không đòi hỏi tay nghề. Bãi bỏ luật lươnh tối thiểu để mọi người có thể nhận được công việc làm đầu tiên, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với họ, và từ đó họ sẽ học được những kỹ năng làm việc, tạo điều kiện cho họ tìm được việc làm với đồng lương cao hơn. Bãi bỏ luật cấp phép kinh doanh, tức là những đạo luật cản trở người ta làm thợ uốn tóc, làm lái xe taxi..v.v... Giảm thuế và thủ tục hành chính quan liêu để cho nhiều người có thể khởi nghiệp. Và giảm tội phạm – tôi sẽ bàn thêm về vấn đề này sau – để người ta có thể mở thêm doanh nghiệp trong những khu ổ chuột. Trong cuốn sách đã trở thành kinh điển, xuất bản năm 1969, nhan đề Nền kinh tế của các thành phố (The Economy of Cities), Jane Jacobs viết”: “Nghèo không cần nguyên nhân. Chỉ có thịnh vượng mới cần nguyên nhân”. Bà nói đúng; chúng ta muốn cho nhiều người có công ăn việc làm, để cho chính họ trở thành những người ăn nên làm ra.
Tất nhiên là một số thiếu nữ tuổi teen vẫn sẽ có thai, một số người khác không đủ sức khỏe để làm việc hoặc cần giúp đỡ. Nhiều người trong số họ sẽ sống dựa vào gia đình, tổ chức nền tảng của xã hội dân sự. Gia đình có thể giúp những thành viên thất cơ lỡ vận bằng hai biện pháp chủ yếu: đơn giản nhất, tất nhiên là, giúp họ nơi ăn chốn ở hoặc cung cấp tiền bạc hay những sự hỗ trợ khác - nhưng cũng có thể truyền đạt cho họ những giá trị và giúp họ học cách hành xử đúng đắn. Khi biết rằng phúc lợi không phải là của chùa, các bà mẹ sẽ tích cực hơn trong việc dạy bảo con gái của họ về tầm quan trọng của việc học hành và tránh thai. Không có nhân viên xã hội nào có thể có được sự kết hợp đúng đắn giữa tình yêu và sự nghiêm khắc bằng người trong gia đình.
Khi người ta gặp thất bại cả trong công ăn việc làm lẫn trong quan hệ gia đình thì các thiết chế khác của xã hội dân sự sẽ tham gia, đặc biệt là các tổ chức từ thiện. Trong Chương 7, chúng ta đã bàn về giúp đỡ lẫn nhau, đấy là thành phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo và nó phải có vai trò quan trọng hơn nữa; ở đây chúng ta sẽ tập trung vào từ thiện. Trong những cuộc thảo luận gần đây về việc cắt giảm những chương trình phúc lợi của chính phủ, nhiều tổ chức từ thiện hàng đầu đã cảnh báo rằng, họ không thể nhận hết tất cả trách nhiệm của chính phủ, họ nói rằng không đủ tiền. Vâng, tất nhiên là không đủ. Nhưng vấn đề là, các chương trình của chính phủ đã thất bại. Giải pháp không phải là xây dựng lại những chương trình đó. Nếu chính phủ thôi khuyến khích thói vô trách nhiệm, thì sẽ không cần nhiều từ thiện. Và các tổ chức từ thiện tư nhân có thể làm được nhiều việc hơn, với ít chi phí hơn, bộ máy quán lý hành chính quan liêu của chính phủ. Ngôi nhà Hy vọng của ni cô Connie Driscoll ở Chicago chuyên giúp đỡ những người phụ nữ vô gia cư với chi phí chưa đến 7 USD một ngày, trong khi những ngôi nhà do chính phủ tài trợ chi tới 22 USD một ngày. Tuy nhiên, Ngôi nhà Hy vọng có thành tích thật đáng nể: chưa đến 6% phụ nữ đã tới đây tá túc lại ra đứng đường. Từ năm 1906 ở Washington, D.C, đã có tổ chức có tên là Sứ mệnh Phúc Âm (Gospel Mission). Tổ chức này quản lý một ngôi nhà dành cho người vô gia cư, một kho thực phẩm và một trung tâm cai nghiện ma túy. Nguyên tắc cơ bản của tổ chức này là không cho không ai bất cứ thứ gì. Muốn ngủ ở đây một đêm, mỗi người phải trả 3 USD hay làm việc một tiếng đồng hồ. Đức cha John Woods, giám đốc Tổ chức, nói: “Từ bi là giúp người ta thoát chốn bùn lầy nước đọng, chứ không phải cúi đầu xuống đó rồi nói vài lời an ủi. Những người này phải có trách nhiệm”. Gần hai phần ba những người cai nghiện ma túy ở đây không còn sử dụng ma túy nữa. Trong khi trung tâm cai nghiện do chính phủ quản lý ở gần đó chỉ có tỷ lệ thành công là 10%, với chi phí cao hơn gấp 20 lần.
Có hàng ngàn tổ chức từ thiện nhỏ, chuyên giúp đỡ người nghèo trong khu vực, hoạt động rải rác trên khắp nước Mỹ. Mỗi năm người Mỹ đóng góp cho hoạt động từ thiện 125 ngàn tỷ USD và 20 tỷ giờ làm việc. Nếu thuế khóa giảm đi và nhân dân biết rằng chính phủ hoạt động từ thiện thay cho xã hội dân sự thì họ sẽ đóng góp nhiều hơn nữa.
Nếu bạn không tin rằng tổ chức từ thiện tư nhân có thể thay thế những khoản trợ cấp phúc lợi của chính phủ, thì xin hãy tự hỏi: Giả sử bạn chơi sổ số được 100.000 USD với điều kiện là bạn phải dùng số tiền đó để giúp đỡ người nghèo. Bạn sẽ nộp cho Bộ Y tế Mỹ, cho Sở Y tế địa phương hay cho cơ sở từ thiện tư nhân? Hầu như tất cả mọi người sẽ không ngần ngại chọn tổ chức từ thiện tư nhân.
Tội ác
Mức độ tội phạm mang tính bạo lực làm cho các thành phố của chúng ta trở thành khó sống, đẩy tầng lớp trung lưu ra ngoại thành và làm cho tình hình xã hội càng thêm căng thẳng. Mặc dù người ta nói với chúng ta rằng tội phạm đã giảm trong mấy năm qua vừa qua, cần phải xem xét vấn đề theo quan điểm lịch sử. Năm 1951, ở thành phố New York xảy ra 244 vụ giết người; trong những năm 1990, dân số hầu như giữ nguyên, nhưng mỗi năm trung bình xảy ra 2.000 vụ. năm 1965, ở Milwaukee có 27 vụ giết người và 214 vụ cướp; năm 1990 thành phố này có 165 vụ giết người và 4.472 vụ cướp của. Và mấy năm tới tình hình có thể còn tệ hại hơn nhiều. So với năm 1995, năm 2000 nước ta sẽ có thêm 500.000 thanh niên tuổi teen. Các nhà tội phạm học cảnh báo rằng họ sẽ dễ phạm tội hơn và có xu hướng bạo lực hơn so với những thế hệ trước, chủ yếu là do nhiều người người trong số họ lớn lên mà không có cha và được nuôi dạy trong cộng đồng không có cha. Giáo sư John Dilulio, Jr., thuộc Đại học Princeton (Princeton University) đã phỏng vấn những tù nhân bị giam giữ trong trong nhà tù bị canh phòng nghiêm ngặt nhất và phát hiện ra rằng họ sợ những kẻ ăn thịt người còn trẻ hiện nay.
Yêu cầu đầu tiên của xã hội văn minh là bảo vệ công dân khỏi nạn bạo hành. Chính phủ của chúng ta đã thất bại thảm hại trước nhiệm vụ này, và chúng ta cần một cách tiếp cận mới nhằm đối phó với tội phạm. Trước hết, chúng ta nên nhớ rằng, theo Hiến pháp, đấu tranh chống tội phạm là nhiệm vụ của chính quyền các bang và chính quyền địa phương. Hiến pháp không trao quyền cho việc thiết lập bộ luật hình sự cho toàn liên bang; “luật về tội phạm” của liên bang gần đây hoàn toàn là lý do chính trị và trong trường hợp tốt nhất, cũng không có ảnh hưởng đối với tỷ lệ tội phạm. Thứ hai, chúng ta nên nhớ rằng khoảng 80% các loại tội ác - giết người, hiếp dâm, hành hung và trộm cắp – là do 20% những tên tội phạm hình sự thực hiện. Các cơ quan thực thi pháp luật của các bang nên tập trung nguồn lực của họ nhằm chống lại những kẻ tái phạm nhiều lần và nguy hiểm và đưa chúng ra khỏi đường phố.
Về lâu dài, việc quan trọng nhất mà các bang có thể làm để giảm mức độ và số lượng tội phạm là thay đổi hệ thống phúc lợi xã hội, tức là hệ thống làm gia tăng số trẻ em sinh ngoài giá thú. Hiện nay, những thanh niên không cha, đặc biệt là các thanh niên lớn lên trong những cộng đồng không có đàn ông, là những thủ phạm chính trong các thành phố của chúng ta. Các ông bố thường dạy con trai cách đối phó với thói hung hăng bẩm sinh và chỉ cho chúng con đường trở thành những người đàn ông mạnh mẽ và biết tự kiềm chế. 72% những kẻ giết người vị thành niên và 70% những kẻ bị tù dài hạn là những đứa trẻ không cha.
Trong ngắn hạn, việc quan trọng nhất mà các bang có thể làm nhằm giảm tội phạm là hợp pháp hóa ma túy. Chính sách hiện hành của chúng ta đẩy giá thuốc lên cao ngất trời và làm cho buôn bán ma túy trở thành công việc mang lại nhiều lợi nhuận nhất và là lựa chọn đầy quyến rũ đối với nhiều thanh thiếu niên trong các khu ổ chuột. Do chất lượng trường học trong các khu ổ chuột quá thấp, nhiều thanh niên chỉ thấy có mấy lựa chọn: “kiếm tiền lẻ” ở của hàng McDonald, sống bằng quỹ phúc lợi hoặc buôn bán ma túy. Nhưng, tương tự như cấm rượu trong những năm 1920, cấm ma túy chắc chắn sẽ dẫn đến hiện tượng: bọn tội phạm chính là những người buôn bán ma túy. Người nghiện buộc phải thực hiện những hành động phạm pháp để kiếm tiền mua ma túy, nếu ma túy được hợp pháp hóa thì sẽ rẻ hơn (và an toàn hơn). Bắn giết nhau là biện pháp giải quyết tranh chấp duy nhất mà những kẻ buôn bán ma túy có thể sử dụng. Nếu ma túy được sản xuất bởi các công ty có uy tín và được bán trong các cửa hàng rượu thì sẽ ít người bị chết vì quá liều và ma túy rởm, và cũng sẽ có ít người trở thành nạn nhân của những vụ cướp bóc, trấn lột và thanh toán nhau (là hậu quả của cấm đoán). Nếu phải đặt giới hạn cho quyền lực của nhà nước đối với cá nhân, thì chắc chắn nhà nước không được phép quản lý những thứ chúng ta có thể đưa vào cơ thể của mình. Cấm ma túy không chỉ là biện pháp đàn áp mà còn phản tác dụng.
Bỏ các biện pháp cấm đoán ma túy, chúng ta sẽ giải phóng các nguồn lực của cảnh sát, thời gian xét xử và nhà tù cho những tội phạm mang tính bạo lực. Mục đích của chúng ta đối với những tên tội phạm đó là trừng phạt nhanh chóng, chính xác và nghiêm khắc. Sự nghiêm khắc của hình phạt áp dụng cho tội phạm mang tính bạo lực phụ thuộc vào tình hình tội phạm trong xã hội. Bởi tình hình tội phạm ở Mỹ là cực kỳ nghiêm trọng, có lẽ chúng ta phải tăng mức hình phạt đối với những tội như cướp, hành hung, hiếp dâm và giết người. Chúng ta có thể áp dụng không tha trước thời hạn (truth-in-sentencing), để cộng đồng biết rằng kẻ phạm tội đã thực sự thi hành bản án mà tòa đã tuyên; phạt nặng những kẻ tái phạm đến lần thứ ba (gọi là luật “three-strikes-andyou're-out”) những tội nghiêm trọng; và vì tình hình tội phạm nghiêm trọng trong giới vị thành niên cho nên cũng cần áp dụng những hình phạt nghiêm khắc hơn với những tên tội phạm vị thành niên.
Nhưng, trong khi thực hiện các chính sách đó, chúng ta cần phải khẳng định cam kết của mình đối với các quyền tự do dân sự. Những người theo phái bảo thủ thích phản bác “quyền của tội phạm”; thuật ngữ thích hợp ở đây là “quyền của bị cáo”, và đó là khác biệt quan trọng đối với những người vẫn nuôi ý định không bao giờ phạm tội, nhưng có thể tưởng tượng một ngày nào đó bị cáo buộc là phạm tội, đặc biệt là trong giai đoạn pháp luật đang phát triển như hiện nay. Chúng ta có thể cải thiện những nỗ lực trong việc bài trừ tội phạm mà không cho cảnh sát toàn quyền hành động trong việc khám xét xe cộ, văn phòng làm việc và nhà ở, thậm chí gõ cửa nhà mà không có lệnh; không để cho cảnh sát tạm giữ tài sản theo những quy định “tịch thu dân dụng” ngày càng lỏng lẻo hơn; không để chúng ta trở thành nạn nhân của hiện tượng nghe lén và những hình thức giám sát điện tử khác.
Giải pháp được nhiều người ủng hộ nhưng không làm giảm được tội phạm là kiểm soát súng. Ở Hoa Kỳ, có hơn 200 triệu khẩu súng nằm trong tay tư nhân, và không có biện pháp kiểm soát vũ khí nào có thể làm thay đổi được tình trạng đó. Những công dân tuân thủ pháp luật có quyền tự nhiên và quyền hiến định là giữ và mang vũ khí theo người, không chỉ để săn, mà để tự vệ và là biện pháp cuối củng trong việc bảo vệ tự do.
Cuối cùng, giải pháp xử lý tội phạm thường bị bỏ qua: tư nhân hóa. Bảo vệ các quyền là mục đích cơ bản và chính đáng của chính phủ, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là chính phủ thi hành nhiệm vụ này hiệu quả hơn những công việc khác. Hiện nay, ở Mỹ có khoảng 1,5 triệu cảnh sát tư nhân, tức là gấp khoảng 3 lần số cảnh sát làm việc cho các bang và chính quyền địa phương. Cách đây không lâu, sau khi đi mua sắm, tôi mới vào nhà ăn, vì vậy khi đi ra thì đã khá muộn. Tôi đi trên đường phố vắng tanh vắng ngắt, các cửa hàng đều đã đóng hết, nhưng tôi nhận ra rằng mình không sợ. Vì sao? Bởi vì tôi đang đi trong một trung tâm mua sắm, tức là cộng đồng tư nhân. Các cộng đồng tư nhân có nhiều động cơ và nhiều khả năng duy trì trật tự hơn là chính phủ, đó là lý do vì sao ngày càng có nhiều người mua hàng ở trung tâm mua sắm và thậm chí là sống trong các cộng đồng tư nhân, có hàng rào. Trong lĩnh vực này, cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, thu hẹp giới hạn của xã hội chính trị và dựa nhiều hơn vào xã hội dân sự sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tất cả chúng ta.
(Còn nữa)
Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.