[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương V: Về chính quyền dân trị ở nước Mỹ (Phần 3)

[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương V: Về chính quyền dân trị ở nước Mỹ (Phần 3)

TÍNH BẤT ỔN ĐỊNH VỀ HÀNH CHÍNH Ở HOA KÌ

Ở Mĩ, những hành động xã hội thường ít để lại dấu vết so với những hành động của gia đình. − Báo chí, đó là những tượng đài lịch sử duy nhất. − Làm cách nào mà sự bất ổn định đến cùng cực về hành chính lại gây tác hại được tới nghệ thuật cầm quyền.

Những con người chỉ đến với quyền lực chút đỉnh, rồi sau đó lại hoà lẫn vào đám đông, mà bản thân đám đông này cũng thay đổi diện mạo từng ngày, dẫn đến việc những hành động của toàn xã hội ở nước Mĩ để lại ít dấu vết hơn là những hành động của một gia đình bình thường. Nền hành chính công ở đó hoạt động gần như bằng lệnh miệng và theo truyền thống. Ở đó người ta chẳng viết cái gì hết, hoặc là viết những điều dễ cuốn theo chiều gió, như là những bài thơ ghi lại của Sybille chép ra để rồi mất hút.

Những tượng đài lịch sử duy nhất của Hoa Kì là các tờ báo. Nếu thiếu một số báo, toàn bộ chuỗi thời gian như bị đứt gãy, hiện tại và quá khứ không chắp nối được với nhau nữa. Tôi không hồ nghi chút gì là trong năm chục năm nữa sẽ khó mà thu thập đủ những tư liệu chính xác chi tiết về tồn tại xã hội của người Mĩ so với những tư liệu thu thập được của người Pháp về cuộc sống thời Trung cổ. Và nếu có một cuộc xâm lăng của bọn man di vào Hoa Kì, thì muốn hiểu rõ chuyện đó, hẳn là phải lục tư liệu ở các quốc gia khác thôi.

Tính bất ổn định trong nền hành chính bắt đầu xâm nhập vào thói quen con người. Gần như tôi có thể nói rằng ngày nay thị hiếu mỗi con người ở Mĩ cũng là sự bất ổn định. Chẳng ai quan tâm về chuyện có ai làm gì trước mình. Không cần đến phương pháp. Không làm sưu tập. Không thu thập tư liệu, ngay cả khi dễ thu thập. Khi ngẫu nhiên có những tư liệu nào đó, thì cũng chẳng bảo quản cẩn thận. Trong hồ sơ của tôi có những tư liệu bản gốc do các cơ quan hành chính công cung cấp cho tôi để trả lời dăm ba điều tôi hỏi. Ở Mĩ, xã hội dường như sống ăn đong từng ngày, như một đạo quân đi dã ngoại. Tuy vậy, nghệ thuật cầm quyền rõ ràng là một khoa học hẳn hoi. Và mọi khoa học muốn tiến lên đều cần kết nối các khám phá của nhiều thế hệ liên tiếp. Một con người, trong khoảng đời ngắn ngủi, quan sát được một sự việc, một người khác có một ý tưởng; người này tìm ra một phương tiện, người kia một công thức; nhân loại thu lượm và chuyển giao những thành quả khác nhau đó của kinh nghiệm cá nhân và tạo thành các khoa học. Thật khó khăn là việc các nhà hành chính Mĩ học hỏi được lẫn nhau điều gì đó. Vì vậy mà họ đóng góp vào công việc điều hành xã hội những ánh sáng họ thấy tản mạn ngay trong lòng công việc chứ không phải từ những kiến thức riêng. Nền dân trị, bị đẩy như vậy tới những giới hạn tận cùng, làm phương hại cho nghệ thuật cầm quyền, xét về mặt này, nó thích hợp hơn với một quốc gia đã hoàn thiện việc giáo dục hành chính hơn là cho một quốc gia còn bỡ ngỡ trong việc này.

Vả chăng điều này không chỉ liên quan đến khoa học hành chính. Tuy nhiên, chính quyền dân trị, dựa cơ sở trên một ý tưởng thật là đơn giản và tự nhiên, luôn luôn giả định sự tồn tại một xã hội rất văn hiến và rất uyên bác. Trước hết, người ta coi xã hội đó là đương thời của thời đại đầu tiên xuất hiện trên thế giới; song nhìn kĩ, ta lại thấy ngay nó hẳn là xuất hiện sau cùng.

NHỮNG GÁNH NẶNG CÔNG CỘNG DƯỚI THỜI DÂN TRỊ MĨ

Trong mọi xã hội, công dân đều được phân chia ra thành những tầng lớp nhất định. − Bản năng của từng tầng lớp trong việc điều hành công việc tài chính của nhà nước. − Tại sao chi phí công cộng có xu hướng gia tăng khi nhân dân đứng ra cầm quyền. − Cái gì khiến cho những tiêu pha tốn kém ở nước Mĩ lại không đáng sợ lắm. − Việc sử dụng từng xu công quỹ trong nền dân trị.

Chính quyền dân trị có tính chất kinh tế không? Trước hết cần biết xem ta định so sánh chuyện “kinh tế” đó với cái gì đã.

Câu hỏi sẽ dễ giải quyết nếu ta định xác lập một sự so sánh giữa một nước cộng hoà dân chủ và một nền quân chủ chuyên chế. Ta sẽ thấy rằng những chi phí công ở nước cộng hoà dân chủ cao hơn nhiều so với nước quân chủ. Nhưng ở các nhà nước tự do cũng thế thôi, nếu đem so với các nhà nước không tự do. Rõ ràng là sự chuyên quyền làm hại cho con người ở chỗ nó cấm đoán họ sản xuất, tệ hại hơn cả việc tước đoạt thành quả sản xuất của họ. Nó làm khô cạn nguồn tài phú và lắm khi nó lại tôn trọng cái sự giàu sang đi tước đoạt được. Ngược lại, sự tự do đẻ ra ngàn lần nhiều sản phẩm so với những thứ nó phá huỷ, và với các quốc gia nào biết đến tự do thì những nguồn lực của nhân dân luôn luôn gia tăng nhanh hơn số tiền thuế dân phải nộp.

Điều lúc này tôi cho là quan trọng đó là so sánh giữa các quốc gia tự do, và trong những quốc gia này thì xác định xem nền dân trị có ảnh hưởng ra sao tới nền tài chính của nhà nước.

Quá trình hình thành của xã hội cũng như của mọi hình thái có tổ chức đều theo những quy tắc nhất định không thoát ra được. Những quy tắc đó gồm những thành phần ta thường bắt gặp khắp nơi và trong mọi thời kì.

Việc rất dễ làm là phân chia một cách lí tưởng toàn thể nhân dân thành ba giai tầng.

Giai tầng thứ nhất gồm có những người giàu. Giai tầng thứ hai gồm có những người tuy không giàu nhưng có cuộc sống dễ chịu về mọi mặt. Trong giai tầng thứ ba có những con người có ít tài sản hoặc chẳng có tài sản gì, và họ chỉ sống nhờ công việc lao động do hai giai tầng thứ nhất và thứ nhì cung cấp cho.

Những cá nhân nằm trong các phạm trù khác nhau đó có thể nhiều ít khác nhau tuỳ theo tình trạng xã hội. Nhưng ta không làm cách nào để không tồn tại ba tầng lớp đó.

Hiển nhiên là mỗi tầng lớp đó sẽ đem những bản năng riêng của mình dùng vào công việc điều hành tài chính của nhà nước.

Giả định là luật pháp nằm hết trong tay tầng lớp thứ nhất: có nhiều khả năng tầng lớp này sẽ chẳng chăm lo mấy đến chuyện tiết kiệm công quỹ, bởi vì một món thuế đánh vào một tài sản kếch xù sẽ chỉ bóc đi của nó một tí chút chẳng đáng là bao, và tác động chẳng mấy nhạy cảm.

Nay ta thử chấp nhận để một mình tầng lớp thứ nhì đứng ra làm luật. Ta có thể tin chắc là họ không phung phí tiền thuế, bởi vì chẳng có gì tai hoạ hơn khi một tài sản nhỏ lại phải chịu thuế nhiều.

Tôi cảm thấy rằng, trong các chính quyền tự do, thì cái chính quyền của tầng lớp trung gian không chắc là sáng suốt nhất và đặc biệt không chắc là nó độ lượng nhất, nhưng nó có tính kinh tế nhất.

Nay tôi giả định là tầng lớp thứ ba được đứng ra hoàn toàn làm luật pháp. Tôi thấy rõ có những khả năng chi phí công cộng gia tăng chứ không giảm, và đó là vì hai nguyên nhân như sau:

Đại bộ phận cử tri do chẳng có chút tài sản nào đến mức phải đóng thuế, nên toàn bộ tiền bạc đem tiêu vì lợi ích xã hội dường như chỉ có thể có lợi cho họ chứ không bao giờ có thể làm hại đến họ. Và những người có chút tài sản cỏn con dễ dàng nhận thấy các phương tiện quy định thuế sao cho thuế chỉ đánh vào người giàu và chỉ có lợi cho người nghèo, đó là điều người giàu không thể làm nổi khi họ làm chủ chính quyền.

Vậy là những quốc gia mà người nghèo được toàn quyền giao làm luật không sao hi vọng tiết kiệm nhiều công quỹ: các món chi tiêu này bao giờ cũng cao, hoặc giả vì thuế không thể chạm tới những người bỏ phiếu định ra mức thuế, hoặc giả vì thuế được định đến mức không thể nào thu được. Nói cách khác thì chính quyền dân trị là chính quyền duy nhất biểu quyết mức thuế mà mình lại có quyền không phải đóng.

Người ta sẽ mất công phản đối rằng chính là vì lợi ích của nhân dân mà phải nương nhẹ tài sản của người giàu, bởi vì sớm muộn thì chính người giàu sẽ nhận thấy tài sản đó cũng lại đẻ ra chuyện rầy rà. Nhưng phải chăng lợi ích của các ông vua lại là làm cho thần dân hạnh phúc và lợi ích những nhà quý tộc là biết mở cánh cửa hàng ngũ giai tầng mình đúng lúc? Nếu như lợi ích lâu dài có thể thắng được các đam mê và các nhu cầu tức thời, thì hẳn là sẽ chẳng khi nào có những kẻ cầm quyền tàn bạo và cũng chẳng khi nào có những nền quý tộc trị tuyệt đối.

Rồi có người cũng ngăn tôi ở đây và nói: Nào ai có thể hình dung có cái lúc lại đem giao việc làm luật pháp cho người nghèo? Ai giao đây? Đó chính là những người xây dựng chế độ phổ thông đầu phiếu. Vậy đó là phe đa số đang làm luật hay phe thiểu số đang làm luật? Hẳn là phe đa số rồi; và nếu tôi chứng minh được rằng người nghèo bao giờ cũng là phe đa số, liệu tôi có cần nói thêm rằng tại các quốc gia người nghèo được quyền bầu cử, thì chỉ có người nghèo đứng ra làm luật?

Thế mà chắc chắn là cho tới lúc này tại tất cả các quốc gia trên thế giới, cái gì có số lượng lớn hơn bao giờ cũng là cái bao gồm những kẻ không khi nào có tài sản hoặc những kẻ có tài sản quá eo hẹp khiến họ có thể không lao động mà vẫn sống trong dư dật. Phổ thông đầu phiếu vậy là thực sự đem lại cho người nghèo quyền cai quản xã hội.

Việc chính quyền nhân dân đôi khi gây khó chịu đến việc cai quản tài chính của nhà nước được thấy rõ trong một số nền cộng hoà dân chủ thời Cổ đại, ở đó công quỹ bị hao huỷ để cứu trợ những công dân cùng quẫn hoặc tiêu pha vào những cuộc vui chơi tổ chức cho người dân.

Nói rằng vào thời cổ đại người ta gần như không biết hệ thống dân cử là gì, nói vậy là đúng. Ngày nay, các đam mê của người dân khó diễn ra đối với các việc công. Song ta có thể thấy về lâu về dài thì thế nào người được uỷ nhiệm cũng phải làm cách nào cho thích hợp với tư tưởng những người uỷ nhiệm họ, và khuynh hướng cùng lợi ích của người dân sẽ phải thắng thế trong những người được họ uỷ nhiệm.

Vả chăng, những sự tiêu pha tốn kém ở các nước dân chủ cũng ít đáng sợ chừng nào tăng lên được số người dân thành chủ sở hữu, bởi vì một mặt, đó là do người dân bớt cần đến tiền của người giàu, và mặt khác, người dân sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi không bị gậy ông đập lưng ông vì chế độ thuế do mình đặt ra. Về mặt này, phổ thông đầu phiếu ở Pháp tỏ ra ít nguy hiểm hơn ở Anh, ở nước này hầu hết tài sản đến mức đóng thuế được gom trong tay vài ba người giàu. Nước Mĩ là nơi đại đa số công dân đều có tài sản, thì ở vào hoàn cảnh tốt hơn ở Pháp.

Cũng còn có những nguyên nhân khác nữa có thể tăng cao những chi phí công cộng trong các nước theo chế độ dân trị.

Khi giai cấp quý tộc cai trị, những con người điều hành công việc nhà nước, do hoàn cảnh của họ, đều không có lắm nhu cầu phải chi tiêu. An bài với số phận mình, họ thường chỉ đòi hỏi xã hội quyền lực và vinh quang mà thôi. Và được đứng bên trên đám đông quần chúng công dân vô danh, họ không bao giờ thấy rõ bằng cách nào mà cuộc sống tốt đẹp chung cho mọi người lại có thể đem lại vinh quang cho họ. Không phải vì họ vô cảm khi nhìn những nỗi khổ đau của người nghèo. Nhưng họ không sao cảm được những nỗi khốn cùng của người nghèo như đó chính là của họ vậy. Còn thì miễn là nhân dân có vẻ như thích nghi được thân phận của họ, thế là nhà cầm quyền thấy thoả mãn và chẳng còn cần gì nữa. Nền quý tộc trị hình như quan tâm đến sự tồn tại với quyền lực mình hơn là hoàn thiện cung cách cầm quyền.

Khi ngược lại, quyền lực công cộng nằm trong tay nhân dân, kẻ nắm quyền tuyệt đối tìm cách đến với cái hoàn thiện ở mọi mặt, ở bất kì đâu nó thấy khó chịu.

Tinh thần cải thiện khi đó vươn ra cả ngàn đối tượng khác nhau. Nó đi xuống tận từng chi tiết nhỏ nhặt, và nhất là nó vận dụng vào những thứ cần phải cải thiện không thể dùng tiền mà có nổi. Bởi vì đây là vấn đề cải thiện hơn nữa tình cảnh người nghèo mà họ không đủ sức tự làm việc đó.

Ngoài ra trong các xã hội dân chủ còn có một sự nhộn nhạo không mục tiêu rõ rệt. Trong các xã hội đó thường xuyên có một sự náo nức như lên cơn sốt được chuyển hướng thành sự cải tiến và đổi mới trên mọi phương diện, những cải tiến và đổi mới ấy lại hầu như bao giờ cũng đắt tiền.

Trong các nền quân chủ và các nền quý tộc trị, những kẻ có tham vọng hay ve vuốt thị hiếu tự nhiên của kẻ cầm quyền tuyệt đối là danh tiếng và quyền hành, và thường đẩy họ tới chỗ phải chi tiêu rất tốn kém.

Trong các nền dân trị, nơi mà kẻ cầm quyền tuyệt đối lại là những con người thiếu thốn, thì chỉ có thể giành được lòng tử tế của họ nhờ gia tăng cuộc sống ấm no hạnh phúc của họ lên; mà đó là điều hầu như không khi nào chỉ có thể dùng tiền mà đạt tới nổi.

Hơn nữa, khi nhân dân tự mình bắt đầu suy nghĩ về tình cảnh của mình, thì sinh ra cả loạt nhu cầu trước đó chẳng ai nghĩ đến, và chỉ có thể thoả mãn nhờ nguồn lực của nhà nước. Từ đó mà nói chung những gánh nặng công cộng dường như được gia tăng cùng với đời sống văn minh, và ta thấy thuế khoá cũng gia tăng cùng với sự lan toả của ánh sáng văn minh.

Sau hết còn có một nguyên nhân cuối cùng khiến cho chính quyền dân trị lại hay tốn kém hơn loại chính quyền khác. Đôi khi nền dân trị muốn tiết kiệm chi tiêu mà không tiết kiệm nổi, bởi vì nó không có cái nghệ thuật tiết kiệm.

Do chỗ nền dân trị thay đổi xoành xoạch quan điểm và tiền thì lại càng thay đổi nhanh hơn, xảy ra việc có các công trình điều hành kém hoặc xây dựng dở dang: trong trường hợp thứ nhất, nhà nước phải chi tiêu rất nhiều khoản bất cân xứng, trong trường hợp thứ hai, nhà nước chi tiêu mà chẳng làm ra sản phẩm nào hết.

VỀ NHỮNG BẢN NĂNG CỦA NỀN DÂN TRỊ NƯỚC MĨ TRONG VIỆC ẤN ĐỊNH CHẾ ĐỘ LƯƠNG CÔNG CHỨC

Trong các nền dân trị, những ai xây dựng chế độ lương cao lại không có cơ hội dùng lương đó. − Xu hướng của nền dân trị Mĩ nâng cao chế độ lương những công chức bậc thấp và hạ chế độ lương những công chức bậc cao. − Tại sao lại như vậy. − Bảng so sánh chế độ lương công chức ở Hoa Kì và ở Pháp.

Nói chung có một nguyên nhân vô cùng quan trọng đã khiến các quốc gia theo chế độ dân trị tiết kiệm chế độ lương công chức.

Trong các nước dân trị, những người định ra các chế độ lương, vốn là rất đông, nên họ rất ít cơ may có khi nào được hưởng vào đấy.

Ngược lại, trong các nước quý tộc trị, những ai xây dựng chế độ lương cao hầu như luôn luôn có hi vọng mong manh được hưởng. Đó là những khoản lương vốn tự tạo cho chính mình, hoặc chí ít cũng là những nguồn lợi họ chuẩn bị cho con cái về sau.

Dẫu sao cứ phải thừa nhận rằng nền dân trị chỉ tỏ ra chi li với những thành phần chính yếu của nó thôi.

Ở nước Mĩ, những công chức bậc dưới được trả lương cao hơn nơi khác, nhưng các công chức bậc cao lại được trả lương thấp hơn rất nhiều.

Những tác động trái ngược đó lại có cùng nguyên nhân. Trong cả hai trường hợp, nhân dân đều ấn định lương cho công chức. Nhân dân chỉ nghĩ đến nhu cầu của mình thôi, và sự so sánh này là đủ để thấy rõ chuyện đó. Khi bản thân ta sống ung dung sung túc, dường như là chuyện tự nhiên khi thấy như thể ai ai cũng như mình. Nhưng khi đến tay ta phải quyết định thân phận các công chức bậc cao của nhà nước, khi đó ta lại quên mất quy luật cũ, và ta chỉ còn hành động lối ngẫu nhiên thôi.

Người nghèo không thể có một ý niệm rõ rệt về những nhu cầu của các tầng lớp trên của xã hội. Một số tiền coi là nho nhỏ với người giàu có thể coi là một món tiền thần kì đối với kẻ nào chỉ cần no đủ là đã thoả mãn. Và anh ta cho rằng anh thống đốc bang lại được chu cấp hai nghìn écu là hạnh phúc lắm rồi, điều đó làm cho thiên hạ ganh tị rồi.

Giả sử bạn tìm cách giảng giải cho anh ta rằng người đại diện một quốc gia to lớn cần ra ngoài với một vẻ uy nghi nào đó trước con mắt người lạ, thì anh ta có thể hiểu ngay. Nhưng khi anh ta nghĩ lại ngôi nhà đơn sơ của mình và những thành quả khiêm tốn nhờ sức lao động anh ta bỏ ra, anh ta sẽ nghĩ ngay đến việc mình có thể làm được những gì với món tiền lương được bạn coi là không đủ chi dùng, và anh ta sẽ kinh ngạc và như thể hốt hoảng khi được nhìn thấy ngần ấy tiền của.

Thêm vào đó còn có chuyện người công chức bậc thấp hầu như sống cùng mức độ với mọi người trong khi viên công chức bậc cao kia lại thống trị họ. Người công chức bậc thấp có thể kích thích mối quan tâm của nhân dân, nhưng người công chức bậc cao bắt đầu làm nảy sinh trong lòng người dân sự ganh tị.

Điều này thấy rõ ở Hoa Kì nơi đồng lương như thể bị giảm dần trong khi quyền lực của người công chức lại to dần lên.

Dưới thời đại quý tộc trị, xảy ra điều trái ngược là các công chức bậc cao nhận được rất nhiều bổng lộc, trong khi công chức bậc thấp lắm khi không đủ sống. Thật dễ tìm cho ra vì sao lại có chuyện như thế trong những nguyên nhân tương tự như chúng ta đã chỉ ra ở bên trên kia.

Nếu nền dân trị không hiểu nổi những thú vui của người giàu hoặc ganh tị với chúng, thì về phía họ, nền quý tộc trị không hiểu chút gì về cảnh khốn cùng của người nghèo, hoặc đúng hơn là họ tảng lờ chúng đi. Nói cho thật đúng thì người nghèo chẳng hề là đồng loại của kẻ giàu; đó mà một tồn tại sống thuộc chủng loại khác. Vì thế mà giai cấp quý tộc chẳng mảy may lo lắng tới thân phận các nhân viên cấp dưới. Họ chỉ nâng lương cho họ khi họ từ chối phục vụ với đồng tiền công quá rẻ mạt.

Chính cái xu hướng dè sẻn tằn tiện của nền dân trị đối với các công chức quan trọng đã khiến nó làm cho chính quyền này có những xu hướng tiết kiệm mạnh mẽ không có trong loại chính quyền đó.

Đúng là nền dân trị cung ứng vừa đủ điều kiện cho người cầm quyền để họ sống được một cách lương thiện, nhưng nó lại chi những món tiền khổng lồ để cứu ứng những nhu cầu hoặc tạo điều kiện cho nhân dân vui chơi. Đó là một cách sử dụng tốt nhất sản phẩm do tiền thuế tạo ra, nhưng đó không phải là tiết kiệm.

Nhìn chung, nền dân trị đem lại ít cho người cầm quyền và đem lại nhiều cho người bị cai trị. Ta nhận thấy điều ngược lại diễn ra trong các nền quý tộc trị, nơi tiền bạc của Nhà nước đem lại lợi ích trước hết cho cái tầng lớp điều hành công việc.

KHÓ KHĂN TRONG VIỆC TÌM RA NHỮNG NGUYÊN NHÂN KHIẾN CHÍNH QUYỀN HOA KÌ TIẾT KIỆM

Ai mà định lục tìm trong các sự việc để thấy ảnh hưởng thực sự của luật pháp tới số phận loài người, thì rất dễ bị thiên hạ khinh thường, vì đánh giá một sự việc thì chẳng có gì ghê gớm lắm.

Nhân dân không giống nhau, một cách tự nhiên thôi, có nơi con người tính tình nhẹ nhõm và vui vẻ, có nơi con người thận trọng và tính đếm. Điều này là do thể chất riêng hoặc do những nguyên nhân xa xôi nào đó nữa mà tôi cũng chịu.

Ta thấy có những dân tộc thích biểu diễn, thích ồn ào và vui vẻ, và họ chẳng hề tiếc rẻ khi đem một triệu đồng cho tiêu tan thành khói. Nhưng lại có những dân tộc khác chỉ thích những thú vui trong cô đơn và hình như họ xấu hổ nếu tỏ ra vừa lòng.

Có những nước người ta coi những toà nhà hoành tráng là có giá trị rất cao. Tại những nước khác, người ta chẳng coi trọng chút gì đến tác phẩm nghệ thuật, và họ khinh rẻ những gì không có chút sinh lợi. Cuối cùng có dân tộc thích tiếng tăm, còn những dân tộc khác thích nghĩ chuyện đem tiền làm gì cho có lợi.

Độc lập với các hình thức luật pháp, tất cả những nguyên nhân này đều ảnh hưởng mạnh mẽ tới cách điều hành công chuyện tài chính của nhà nước.

Nếu như không khi nào thấy người Mĩ đem tiền công quỹ đi tiêu vào những cuộc hội hè công cộng, thì đó không chỉ là vì nhân dân là người biểu quyết việc thuế khoá, mà còn vì người dân không khoái chuyện vui chơi.

Nếu họ không thích trang trí cho các toà kiến trúc và nếu họ chỉ thích những mối lợi vật chất và cụ thể, đó không phải vì họ là một quốc gia dân chủ, mà là vì họ cũng là một dân tộc thương nhân.

Những thói quen của đời sống riêng tư được tiếp nối trong đời sống công cộng. Và ta cần phân biệt rõ ở họ những sự tiết kiệm theo thể chế và những sự tiết kiệm theo thói quen và tập tục.

Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)

Dịch giả:
Phạm Toàn