[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 17 - Danh tiếng (Phần 1)
CHƯƠNG XVII. DANH TIẾNG
Tác phẩm Đường về nô lệ (The Road to Serfdom) đã được đón nhận tích cực khi xuất hiện ở Anh tháng 3 năm 1944. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn, nhưng lúc này vấn đề chỉ là thời điểm mà nước Đức Quốc xã sẽ bị đánh bại, chứ không còn là nếu nữa. Sau này, khi nhắc lại ấn tượng về sự đón nhận cuốn sách ở Anh, Hayek nói rằng ông “chỉ có thể cảm thấy hài lòng” trước thành công của nó. Thành công này dù “rất khác về mặt chất” so với ở Mỹ, nhưng “về mặt lượng thì không nhỏ hơn chút nào… Nhìn chung, tác phẩm được tiếp nhận theo tinh thần mà nó được viết ra, và luận điểm của cuốn sách đã được những độc giả mà nó hướng tới xem xét nghiêm túc.”1 Ông trở nên nổi tiếng ở Anh nhờ tác phẩm. Đường về nô lệ được phê bình trên những tờ báo, chuyên san, và tạp chí hàng đầu. Số lượng 2.000 bản in đầu tiên bán hết chỉ trong vòng mấy ngày. Theo sử gia trí tuệ Anh Richard Cockett thì nhà xuất bản của Hayek, Routledge, ngay lập tức cho tái bản thêm 1.000 cuốn, và trong “hai năm tiếp theo họ luôn hụt hơi trong cuộc đua nhằm đáp ứng nhu cầu to lớn của công chúng đối với cuốn sách.” Do việc phân phối giấy theo hạn mức thời chiến, Routledge đã không thể in nhiều như mong muốn. Mùa hè sau khi cuốn sách ra đời, Hayek đã nhắc đến nó với giọng phàn nàn là “cái cuốn sách không thể kiếm được ấy.”
Một câu hỏi nhỏ về dự định chính xác của tác giả – ông muốn cuốn sách sẽ có tác động thế nào. Ngày 30 tháng 5 năm 1943, Hayek gửi thư cho nhà xuất bản Routledge là ông vừa hoàn thành một công trình “bán đại chúng,” và có lẽ những gì ông viết ngày 9 tháng 8 năm 1943 thậm chí còn quan trọng hơn, “Tôi đã cố gắng hết sức nhằm hoàn thành tác phẩm sớm hơn nhiều so với dự định vì tôi tin là có nhiều dấu hiệu cho thấy thời gian đang trở nên khá thuận lợi cho việc đón nhận cuốn sách thuộc loại này, và tôi rất không muốn bỏ lỡ thời cơ. Tôi tin là quý vị sẽ thấy nỗ lực ấn hành nó trước mùa đông sẽ được bù đắp.” Tuy nhiên, những lời lẽ trên phần nhiều chỉ là sự quảng bá cuốn sách mà bất kỳ tác giả nào cũng muốn kéo nhà xuất bản của mình vào. Trong một bài diễn văn tháng 4 năm 1945, ông nói rằng mình từng chờ đợi không nhiều hơn vài ba trăm độc giả.
Tháng 11 năm 1943, ông gửi thư cho nhà xuất bản Routledge kèm theo “Mười hai điểm trong cuốn sách”: “Tôi không biết liệu quý vị có cho rằng phần kèm theo đây là quá ư màu mè hay không, nhưng sau khi đã đặt tên cho cuốn sách như thế, tôi chấp nhận chịu trách nhiệm về mọi khía cạnh của cuốn sách. Rốt cục, tôi vẫn tin điều mình nói là sự thực.” Một trong số những điểm được nêu là: “Liệu còn có tấn bi kịch nào mà chúng ta khả dĩ hình dung được lại lớn hơn tấn bi kịch mà ở đó nỗ lực nhằm định hình một cách có ý thức tương lai của chúng ta theo những lý tưởng cao cả lại vô tình sản sinh ra những thứ trên thực tế hoàn toàn trái ngược với những gì mà ta đang đấu tranh vì chúng?… Chế độ chuyên chế là cái thế giới mới mà chúng ta dùng để mô tả sự hiện thân không mong đợi nhưng lại không thể tránh khỏi của chủ nghĩa xã hội, khái niệm mà nó vẫn được gọi trong lý thuyết… Chúng ta sẽ không bao giờ ngăn chặn nổi sự lạm dụng quyền lực nếu như chúng ta không sẵn sàng hạn chế quyền lực theo cách thức vốn đôi khi có thể cản trở việc sử dụng quyền lực cho những mục đích đáng mong muốn… Thế hệ chúng ta đã quên mất rằng chế độ tư hữu là sự đảm bảo quan trọng nhất đối với tự do.”
Ông coi phản ứng của Lady Barbara Wootton, một tác gia xã hội chủ nghĩa, là tiêu biểu cho thái độ đón nhận cuốn sách ở Anh. Hayek thuật lại lời Wootton, “‘Ngài biết không, tôi từng muốn chỉ ra một số những vấn đề mà ngài chỉ ra, nhưng bây giờ thì ngài đã thổi phồng vấn đề lên đến mức khiến tôi phải chống lại ngài.’” Hayek thuật lại, “các nhà xã hội chủ nghĩa Anh, chỉ ít trường hợp ngoại lệ, đã chấp nhận cuốn sách như một tác phẩm được viết với niềm tin tốt đẹp, nêu lên những vấn đề mà họ sẵn sàng xem xét.” Ở Anh cuốn sách được đón nhận như một luận điểm nghiêm túc, dù cường điệu, chống lại chủ nghĩa xã hội nhà nước, chứ không phải là một tác phẩm luận chiến thành công.
Keynes viết cho Hayek hai bức thư về tác phẩm Đường về nô lệ, một trước và một sau khi đọc nó. Trong bức thư đầu tiên, ngày 4 tháng 4 năm 1944, Keynes cám ơn Hayek vì đã tặng mình một cuốn Đường về nô lệ. Cuốn sách “trông thật lôi cuốn. Đối với tôi nó mang bản chất của một toa thuốc mà tôi sẽ không đồng ý, song lại là thứ có thể phù hợp với mình ở chỗ nó giúp cho sức khoẻ bản thân… Một cái gì đó mà người ta không ưa nhìn thấy trước mặt nhưng cần được bày ra sau lưng.”
Bức thư thứ hai của Keynes về tác phẩm này đề ngày 28 tháng 6 năm 1944:
Hayek thân mến của tôi,
Chuyến đi đã cho tôi cơ hội đọc kỹ cuốn sách của anh. Theo tôi đây là cuốn sách rất tuyệt. Tất cả chúng tôi đều có lý do lớn nhất để tỏ lòng biết ơn anh vì đã trình bày tốt biết bao điều cần phải nói. Anh sẽ không trông chờ tôi chấp thuận tất cả những nhận định quả quyết về kinh tế trong đó đâu đấy. Nhưng về mặt luân lý và triết học, tôi thực sự nhất trí với toàn bộ cuốn sách; và không chỉ đồng ý thôi, mà còn là tán đồng với sự lay động sâu sắc…
Có một điểm quan trọng duy nhất mà tôi muốn phê bình cuốn sách. Anh thừa nhận chỗ này chỗ kia rằng vấn đề là biết vạch ranh giới ở đâu. Anh đồng ý là ranh giới cần phải được vạch ra ở đâu đó, và sự cực đoan logic thì không thể. Nhưng anh lại không hề chỉ dẫn gì cho chúng tôi về việc xác lập ranh giới ở đâu. Đúng là anh và tôi sẽ có thể đặt nó ở những chỗ khác nhau. Theo suy luận của mình, tôi phỏng chừng là anh đánh giá rất thấp tính khả thi của đường lối trung dung. Tuy nhiên ngay khi anh thừa nhận rằng sự cực đoan là không thể, và ranh giới phải được vạch ra thì anh đã sụp đổ với luận điểm của mình, bởi lẽ anh đang cố thuyết phục chúng tôi rằng ngay khi một người tiến thêm 1 inch theo hướng [nền kinh tế] kế hoạch hoá thì anh ta tất sẽ bị đẩy vào con đường trơn trượt và nó sẽ đến lúc dẫn anh ta tới bờ vực thẳm.
Một số phản ứng [tích cực] khác ở Anh từ những người không ngả theo quan điểm của Hayek gồm có George Orwell 1, người nói rằng “phần luận thuyết với nhận định tiêu cực của giáo sư Hayek có chứa đựng nhiều chân lý. Một điều chưa thể đã được nói đến quá thường xuyên – và dù với bất kỳ mức độ nào thì cũng không thể coi là nó đã được nhắc đến đầy đủ – rằng chủ nghĩa tập thể không mang bản chất dân chủ cố hữu, mà ngược lại, nó trao cho một nhóm thiểu số chuyên chế những quyền lực mà ngay cả quan toà của toà án dị giáo Tây Ban Nha cũng không bao giờ mơ tới.” Arthur Cecil Pigou bổ sung, “dù chúng ta có có đồng ý với giáo sư Hayek hay không thì cũng chỉ rất ít người sau khi đọc xong lời kêu gọi khẩn thiết được viết ra một cách đáng thán phục này mới không bị cuốn hút và khơi dậy thái độ quan tâm bởi cách xử lý vấn đề của ông, và càng ít người khép lại cuốn sách mà không có cảm giác tôn trọng và đồng cảm với tác giả.” Và Richard Tawney nhận xét, “Cuốn sách của giáo sư Hayek được viết với cảm xúc thực sự cùng thái độ chân thành đáng trân trọng. Sự trung thực và khả năng của ông thì không còn phải bàn cãi.”
Hayek thuật lại, “Thái độ đón nhận cuốn sách ở Mỹ lại hơi khác.” Lịch sử xuất bản tác phẩm Đường về nô lệ ở Mỹ, cùng với ấn tượng của Hayek, là cả một câu chuyện thú vị. Trong lời tựa cho ấn bản năm 1956 của cuốn sách ông viết, “Khi chấp bút tác phẩm, tôi chỉ bận tâm chút ít đến tính hấp dẫn mà nó có thể mang lại cho độc giả Mỹ. Lúc này là đã hai mươi năm kể từ thời điểm cuối cùng tôi có mặt ở nước Mỹ với tư cách một nghiên cứu sinh, và suốt thời gian ấy ít nhiều tôi đã không có được thông tin đầy đủ về quá trình phát triển tư tưởng ở Mỹ. Tôi không thể chắc chắn luận điểm của mình có liên quan trực tiếp đến bối cảnh nước Mỹ tới mức độ nào, và tôi không hề mảy may ngạc nhiên khi cuốn sách trên thực tế bị ba nhà xuất bản đầu tiên khước từ.” Sau đó ông chú thích, “Tôi không hề biết rằng điều đó dường như không xuất phát từ bất kỳ sự nghi ngại nào về thành công của cuốn sách mà lại là từ sự thiên kiến chính trị, như về sau điều này được chính người đã giới thiệu nó với một nhà xuất bản thừa nhận, tới mức mà người ta đã trả lời là cuốn sách “‘không thích hợp cho một nhà xuất bản tiếng tăm ấn hành.’”
Có phải tác phẩm Đường về nô lệ phần nào đã bị cấm đoán khi tới Mỹ? Cơ sở để Hayek đưa ra nhận định trên là từ hai sự khẳng định của William Miller, một qua bài viết của William T. Couch và một qua chính công trình của William Miller. Trong tác phẩm Ngành công nghiệp sách (The Book Industry) năm 1949, Miller đã viết về xu hướng “xuất bản thương mại” ngày càng tăng của các nhà xuất bản đại học – đó là việc đưa ra những tác phẩm không chỉ dành cho giới khách hàng học giả mà là cho thị trường rộng hơn. “Việc các nhà xuất bản đại học có xu hướng trên được chỉ ra qua sự kiện Nhà xuất bản Đại học Chicago ấn hành và quảng bá cuốn Đường về nô lệ của Friedrich A. von Hayek, tác phẩm gây xúc động mạnh mẽ này từng ít nhất bị một nhà xuất bản thương mại nổi bật khước từ dù hoàn toàn ý thức được tiềm năng thương mại của nó.”
Sau đấy một số năm, Couch viết một bài về “sự kiểm duyệt bí mật do các nhà tự do chủ nghĩa tiến hành,” và gửi thư cho Miller để hỏi về nhận xét bí ẩn của ông trong cuốn Ngành công nghiệp sách. Miller hồi âm, “Về câu hỏi của ông liệu tôi có ý định chỉ ra rằng cuốn sách ấy không thích hợp cho một nhà xuất bản tiếng tăm xuất bản hay không, tôi xin trả lời đó là điều tôi nói, không chỉ là gợi ý. Tình cờ tôi có cơ hội được góp ý như thế với nhà xuất bản lớn mà mình là người đọc bản thảo, và sau đấy tôi cũng nhân cơ hội nói rằng theo tôi thì cuốn sách sẽ bán rất chạy. Tuy vậy, tôi lại đề nghị họ khước từ nó và hãy hài lòng với điều ấy, và theo tôi thì họ đã hài lòng với quyết định của mình.” Nói cách khác, Miller không chỉ là nguồn gốc của thông tin theo đó tác phẩm Đường về nô lệ bị khước từ vì lý do chính trị, mà chính ông ta còn là người đề nghị thế.
Milton Friedman từng nhận xét về bầu không khí trí tuệ thịnh hành thời kỳ ấy. Trả lời câu hỏi, “Trong lời giới thiệu ấn bản năm 1956 của cuốn Đường về nô lệ, có dấu hiệu nhất định cho thấy là nó từng ít nhiều bị cấm đoán. Ông nghĩ gì về điều này?” Friedman đáp, “Tôi không hề có chút nghi ngờ nào. Các bạn không hình dung nổi xu hướng quan điểm giai đoạn từ năm 1945 đến 1960 hay 1970. Tôi gặp khó khăn một thời gian để tìm cách giải thích điều đó, bởi nó thực sự không thể tin được. Chúng tôi cũng từng có kinh nghiệm như thế. Tôi xuất bản cuốn Chủ nghĩa tư bản và tự do (Capitalism and Freedom) năm 1962. Tức mười bảy năm sau thời điểm năm 1945. Đây là cuốn sách đến nay đã bán được gần một triệu bản. Nó đã không hề được bất kỳ một ấn phẩm nào ở Mỹ phê bình, ngoại trừ tờ American Economic Review. Có điều thật không thể hiểu nổi là vào lúc ấy – tôi là giáo sư chính thức tại Đại học Chicago và rất nổi tiếng trong giới hàn lâm – một cuốn sách của một người với cùng cương vị nhưng ở phía đối lập cũng sẽ không được phê bình trên mọi ấn phẩm, tờ New York Time, tờ Chicago Tribune… Vâng, bằng chứng này là hết sức rõ ràng về bầu không khí trí tuệ đó.”
Thời gian ấy Miller còn là một nhân vật rất nhỏ bé trong ngành công nghiệp xuất bản Mỹ, người đọc bản thảo của nhà xuất bản. Hơn thế, như chính Miller nhận xét trong cuốn Ngành công nghiệp sách, có nhiều lý do tại sao các nhà xuất bản không chấp nhận tác phẩm. Đề cập cụ thể đến các nhà xuất bản đại học, ông bình luận, “Không ai có thể biết được số lượng các tác phẩm thương mại có lợi nhuận; giống như đa số sách thương mại thông thường, hầu hết chúng đều có thể lỗ.”
Không thể biết liệu ban đầu tác phẩm Đường về nô lệ có bị bất kỳ ai khác ở Mỹ ngoài William Miller cự tuyệt vì lý do thiên kiến chính trị hay không. Hai nhà xuất bản ở Mỹ, Macmillan và Harper, viết trong thư từ chối: “Giáo sư Hayek là một nhân vật ít tiếng tăm nằm ngoài dòng chảy tư tưởng đương thời, cả ở đây cũng như ở Anh,” và “Cuốn sách được viết quá chi tiết dài dòng và ông ta có thể viết toàn bộ những gì cần nói trong khoảng nửa số trang. Đồng thời, nó hoàn toàn mang phong thái tiêu cực đến mức không hề để cho độc giả bất kỳ manh mối nào về phương hướng suy xét tư tưởng hay chính sách.”
Hayek ký hợp đồng với Nhà xuất bản Đại học Chicago đầu tháng 4 năm 1944, khoảng một tháng sau khi cuốn sách ra đời ở Anh. Việc thương thảo với các nhà xuất bản khác ở Mỹ đã diễn ra hàng tháng trước đó, khi cuốn sách chưa xuất hiện ở Anh, và vì thế thời điểm mà vấn đề về sự hấp dẫn tiềm tàng của nó ở Mỹ – điều mà Hayek không chờ đợi – được đặt ra là hoàn toàn không chắc chắn. Bên cạnh đó, việc phân phối giấy theo hạn mức thời chiến đã trói buộc quyết định xuất bản ở Mỹ cũng như ở Anh.
Các bài phê bình từ sự uỷ thác của Đại học Chicago đã bày tỏ thái độ như sau:
- …một công trình bậc thầy… toàn bộ cuộc thảo luận được đặt ở trình độ tư duy trí tuệ và học thuật rất cao… Cuốn sách là một tác phẩm tài hoa, tuy nhiên lại hạn chế về phạm vi và cách giải quyết vấn đề hơi một chiều. Tôi nghi ngờ khả năng nó sẽ chiếm được thị trường rộng lớn ở đất nước này, hay thay đổi quan niệm của nhiều độc giả…
- Cuộc thảo luận hiện hành giữa những người ủng hộ và phản đối tự do kinh doanh đến nay vẫn chưa diễn ra ở trình độ rất cao. Cuốn sách của Hayek có thể khởi đầu một cuộc tranh luận uyên thâm hơn ở đất nước này… Cuốn sách gần như hoàn toàn mang tính phê phán, không phải là xây dựng. Kỹ thuật của nó là trắng đen rõ ràng. Nó không chấp nhận nổi sự thoả hiệp. Cuốn sách được viết với cảm xúc cùng sự rõ ràng đến cháy bỏng của một tác gia cố chấp vĩ đại. Hayek bày tỏ thái độ chân thật của một người đã nhìn thấy viễn cảnh mối nguy hiểm mà người khác chưa thấy. Ông cảnh báo những người anh em của mình với thái độ nôn nóng đáng mến.”
Jim Powell, sử gia về chủ nghĩa tự do, đưa ra đoạn tóm tắt sau về sự kiện xuất bản cuốn Đường về nô lệ ở Mỹ. Powell viết, “Hayek uỷ quyền cho Fritz Muchlup, khi đó đang làm việc tại Washington, cố tìm một nhà xuất bản ở Mỹ, nhưng không thành công. Ông ta đưa bản in thử của nhà xuất bản Routledge cho giáo sư kinh tế Aaron Director 1[anh vợ của Friedman] tại Đại học Chicago, người từng gặp Hayek năm 1943 khi cả hai giảng dạy tại Trường Kinh tế London. Director chuyển bản in thử cho Frank Knight… Kight rõ ràng đã đưa nó cho William T. Couch, một người bạn theo chủ nghĩa tự do cổ điển tại Nhà xuất bản Đại học Chicago (University of Chicago Press), nhà xuất bản đồng ý ấn hành cuốn sách… Đó là bản in với kích thước nhỏ thời chiến, khoảng 4 7/8 x 6 3/4 inch.
Ở Mỹ, ấn bản cuốn sách ra đời muộn hơn sáu tháng so với ở Anh, ngày 18 tháng 9 năm 1944. Cũng như tại Anh, số lượng đầu tiên là 2.000 bản in, rất không tương xứng với một nước Mỹ rộng lớn và giàu có hơn. Theo một bài viết trên tạp chí của nhà xuất bản Harper năm 1945, thì đó là “dấu hiệu hợp lý về nhu cầu được chờ đợi đối với một tác phẩm có vẻ như là cuốn sách trí tuệ nghiêm túc dành cho giới học giả.” Cuốn sách chủ yếu là một công trình học thuật, độc giả chủ định là người Anh, liên quan đến nước Anh, và của một tác giả người Áo hoàn toàn chưa được biết đến ở Mỹ.
Theo John Scoon, biên tập viên của nhà xuất bản, thì một trong những điều khoản mà Nhà xuất bản Đại học Chicago đặt ra cho Hayek khi chấp nhận ấn hành cuốn Đường về nô lệ là phải “cụ thể trong trường hợp áp dụng vào nước Mỹ thay vì chỉ trực tiếp hướng cuốn sách đến các độc giả trong phạm vi nước Anh.” Vấn đề này đã được giải quyết nhờ bài giới thiệu của John Chamberlain, tác giả và nhà phê bình sách nổi tiếng của các tờ New York Times, Wall Street Journal cùng những ấn phẩm khác trong suốt sự nghiệp của mình, tên ông xuất hiện nổi bật trong ấn bản lần thứ nhất. Đầu tiên Wendell Willkie, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hoà năm 1940, được liên hệ mời viết bài giới thiệu cho ấn bản ở Mỹ của cuốn Đường về nô lệ, nhưng ông ta từ chối.
Chamberlain đã dành lời ca ngợi tác phẩm trong bài giới thiệu của mình. Ông khẳng định, “cuốn sách của Hayek là lời cảnh báo, là lời hiệu triệu trong kỷ nguyên của thái độ do dự. Nó nói với người Anh và qua đó với người Mỹ: Hãy dừng lại, nhìn, và lắng nghe. Tác phẩm Đường về nô lệ mang tính chất nghiêm túc, logic và đòi hỏi cao. Nó không phải dành cho việc chỉ đọc lấy lệ. Nhưng logic của nó lại không thể bác bỏ: ‘việc làm đầy đủ,’ ‘an sinh xã hội,’ và ‘sự thoát khỏi túng thiếu’ không thể có được trừ khi chúng xuất hiện như là hệ quả của một hệ thống giải phóng sức mạnh tự do cá nhân. Khi ‘xã hội’ và ‘và lợi ích toàn thể cộng đồng’ được lấy làm tiêu chuẩn thử vàng chi phối hoạt động nhà nước, thì không một cá nhân nào có thể hoạch định sự tồn tại của chính mình.” Chamberlain kết luận, “người ta chỉ có thể mong muốn lượng độc giả lớn nhất khả dĩ cho tác phẩm Đường về nô lệ.”
Mong muốn của ông đã trở thành hiện thực. Ngày 24 tháng 9 năm 1944, Đường về nô lệ là nội dung bài phê bình chủ yếu trên tạp chí New York Times Book Review. Henry Hazlitt, tác gia nổi bật trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, phụ trách chuyên mục trên tờ Newsweek, là người đã không tiếc lời khen ngợi. Ông hào hứng viết, với tác phẩm Đường về nô lệ, “Friedrich A. Hayek đã thủ bút nên một trong những cuốn sách quan trọng nhất của thế hệ chúng ta,” và phần còn lại của bài phê bình cũng với giọng điệu tương tự. “Nó nhắc lại cho thời đại chúng ta cái chủ đề giữa tự do và quyền lực với sức thuyết phục và sự chặt chẽ trong chính lập luận mà John Stuart Mill từng khẳng định với thế hệ của ông qua luận thuyết vĩ đại, ‘Bàn về Tự do’ (On Liberty). Nó soi sáng mạnh mẽ theo chiều hướng phát triển của thế giới suốt nửa thế kỷ qua, đầu tiên hãy còn chậm, nhưng giờ đây với tốc độ không ngừng tăng. Nó là lời kêu gọi lay động hướng tới tất cả các nhà kế hoạch hoá và xã hội chủ nghĩa thiện tâm. Không ai có thể nhận ra sức mạnh và sức thuyết phục đầy đủ của cuốn sách trừ khi đọc xong nó. Thậm chí nếu tác giả không phải là người có gốc gác nước ngoài thì bất cứ ai hẳn cũng sẽ thừa nhận văn phong tiếng Anh của ông thật cầu kỳ nổi bật. Giọng văn sang trọng, chừng mực và dung hoà.” Tương tự Chamberlain, Hazlitt cũng nhận định về “sự trớ trêu kỳ lạ theo đó truyền thống tự do vĩ đại của Anh, truyền thống với những Locke và Milton 2, Adam Smith và Hume, Macaulay 3 cùng Mill và Morley 4, Acton 5 và Dicey 6, sẽ tìm thấy trên quê hương mình người bảo vệ có khả năng nhất – không phải là người Anh bản địa mà lại là một người Áo lưu vong.”
Sau bài phê bình của Hazlitt, Nhà xuất bản Đại học Chicago nhận ra là nó đang nắm trong tay một tác phẩm ăn khách. Ngay lập tức nó đặt in lần hai với 5.000 bản, sau một số ngày lại đặt tiếp lần ba 5.000 bản, và tăng số lượng này lên 10.000 bản ngày hôm sau. Scoon, biên tập viên nhà xuất bản, còn nhớ đến tuần đầu tiên của tháng 10, “nhiều cửa hàng sạch veo sách và chúng tôi ngập chìm trong đống công việc phức tạp với những in ấn, đóng bìa, vận chuyển và phân phối cho khách hàng cả ở Mỹ và Canada.”
Chú thích:
(1) Aaron Director (1901-2004): Nhà kinh tế học người Mỹ, sáng lập tờ tạp chí rất có ảnh hưởng Journal of Law and Economics (1957, ông đồng chủ biên với Ronald Coase). (N.D.)
(2) John Milton (1608-1674): Nhà thơ và học giả người Anh, nổi tiếng nhất với bản trường ca Paradise Lost (1667). (N.D.)
(3) Thomas Babington Macaulay (1800-1859): Sử gia, nhà văn và chính khách người Anh. Các tác phẩm chính: History of England (1849-1861), Lays of Ancient Rome (1842). (N.D.)
(4) John Morley (1838-1923): Chính khách và nhà viết tiểu sử người Anh. Tác phẩm chủ yếu là Voltaire (1872) và Oliver Cromwell (1900). (N.D.)
(5) John Emerich Edward Dalberg Acton (1834-1902): Sử gia người Anh, thủ lĩnh của phòng trào Công giáo La Mã Anh chống lại thuyết giáo hoàng bất khả sai lầm (papal infallibility). (N.D.)
(6) Albert Venn Dicey (1835-1922): Luật gia và nhà lý thuyết hiến pháp người Anh, tác phẩm chính là cuốn The Law of the Constitution (1886). (N.D.)