[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 24 - Mill
John Stuart Mill, triết gia chính trị và kinh tế người Anh thế kỷ 19, là người mà Hayek thường được liên tưởng đến nhiều nhất. Việc tìm hiểu quá trình thay đổi quan niệm của Hayek về Mill sẽ làm sáng tỏ mối quan hệ trí tuệ giữa họ. Trong một cuộc phỏng vấn vào giai đoạn cuối sự nghiệp, Hayek phát biểu, “nhiều năm nghiên cứu của tôi về John Stuart Mill thực sự đã làm lung lay sự khâm phục được dành cho người mà tôi từng coi là một nhân vật vĩ đại thực thụ, kết quả là quan niệm hiện nay của tôi về John Stuart Mill trên thực tế rất có tính phê phán.” Việc xem lại những nhận xét của Hayek về Mill qua hàng chục năm sẽ cho thấy mức độ thay đổi quan điểm của ông. Năm 1942, trong bài giới thiệu tác phẩm Tinh thần của thời đại (The Spirit of the Age), ông viết rằng giá trị của việc tái bản tập luận thuyết này là ở chỗ “nó làm sáng tỏ một trong những giai đoạn phát triển lý thú nhất của một nhân vật vĩ đại ở thế kỷ 19.”
Trong tác phẩm John Stuart Mill và Harriet Taylor: Tình bạn và hôn nhân sau đó của họ (John Stuart Mill and Harriet Taylor: Their Friendship and Subsequent Marriage) của Hayek năm 1951, hoàn thành trước khi ông tới Chicago, có một số đoạn đề cập rất thiện chí đến Mill:
một trí tuệ hết sức đúng mực, cân bằng và kỷ luật, một người lựa chọn câu chữ có toan tính và cẩn trọng…
khả năng phi thường mà ông tự hào chính đáng trong cuốn Tự truyện (Autobiography), “thái độ sẵn sàng cùng khả năng học hỏi từ mọi người” của ông…
Mill, con người chân thành nhất…
Ông sẽ lại được thừa nhận là một trong những nhân vật thực sự vĩ đại trong giai đoạn của mình, một nhân vật luân lý vĩ đại có lẽ tốt hơn một nhà tư tưởng vĩ đại, và một người mà ngay cả những thành tựu thuần tuý trí tuệ cũng chủ yếu nhờ niềm tin sâu sắc của mình vào giá trị luân lý tối thượng của nỗ lực tư duy liên tục. Không phải bởi khí chất mà chính từ ý thức ăn sâu trong tâm khảm rằng đấy là nghĩa vụ của mình đã khiến Mill vươn lên trở thành “vị Thánh của Chủ nghĩa Duy lý” (the Saint of Rationalism), như Gladstone từng có lần mô tả ông một cách xác đáng.
Ông cũng đề cập đến “luận thuyết vĩ đại Bàn về tự do (On Liberty)” của Mill trong tác phẩm Con đường tới nô lệ (The Road to Serfdom).
Trong tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty), dù có một số đề cập tiêu cực đến một Mill “trẻ tuổi,” thì cuốn sách vẫn nhắc tới Mill nhiều hơn bất cứ một tác gia nào khác, và phần lớn những chỗ nhắc tới đều trích dẫn ông như một chuyên gia uy tín hay tỏ ý tán đồng với ông, cụ thể như:
Người ta không cần phải thông thái hơn các nhà tư tưởng vĩ đại trong quá khứ để có thể hiểu tốt hơn về những điều kiện cốt yếu của tự do cá nhân. Kinh nghiệm một trăm năm qua đã dạy chúng ta nhiều rằng một Madison hay một Mill, một Tocqueville hay một Humboldt, cũng không thể nào nhận thức được.
Cố nhiên, luận điểm kinh điển về sự khoan dung do John Milton và John Locke xác lập và được John Stuart Mill và Walter Bagehot nhắc lại là dựa trên sự thừa nhận đối với… sự vô minh (ignorance).
[về sự phân biệt của Hayek đối với “những biện pháp cưỡng bức của chính phủ và những hoạt động thuần tuý phục vụ”] Sự khác biệt này giống như điều mà J. S. Mill đã chỉ ra giữa sự can thiệp có tính chất “quyền hành” và “phi quyền hành” của chính phủ.
Chúng ta không thể hiểu được bản chất của việc phản đối sự “can thiệp của chính phủ” từ những người như Adam Smith hay John Stuart Mill trừ khi chúng ta xem xét nó dưới bối cảnh này [“pháp trị”].
Trong tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty), Hayek cũng ca ngợi Mill về những thứ Mill bàn về tầm quan trọng của triết học tư biện (speculative philosophy),theo đó việc chính phủ kiểm soát nền kinh tế là thảm hoạ đối với tự do,về ý nghĩa của việc chấp nhận hành động của chính phủ để thúc đẩy tri thức,và theo đó chính phủ kiểm soát giáo dục tiềm ẩn nhiều nguy hại.Hayek kết thúc đoạn văn một cách thấu đáo với nhận xét, “Chúng ta không thể nghĩ ra lời lẽ nào tốt hơn câu nói của Wilhelm von Humboldt 1 mà một trăm năm trước John Stuart Mill đã đặt nó ở đầu tác phẩm Bàn về tự do của mình: ‘Nguyên lý vĩ đại, chủ đạo xuyên suốt mọi luận điểm được đề cập trong những trang sách này là vai trò quan trọng tuyệt đối và thiết yếu của quá trình phát triển của con người với tính chất đa dạng phong phú nhất của nó.’”Độc giả có thể được dẫn dắt đi đến suy luận rằng Hayek dự định Hiến pháp về quyền tự do là phần dẫn nhập hoặc là phần kế tục của tác phẩm Bàn về tự do của Mill – trên thực tế, chính cái tiêu đề của nó đã có thể được hiểu là tác phẩm này gắn với công trình trước đó.
Tác phẩm John Stuart Mill và Harriet Taylor là một công trình học thuật xuất sắc mô tả mối tình lãng mạn và cuộc hôn nhân phi truyền thống trong thời đại Victoria 2của họ (Mill là bạn và người đồng hành chung thuỷ của Taylor mặc dù bà là vợ của một người đã quá cố khác). Cuốn sách ra đời từ một “sự tình cờ” trong giai đoạn chiến tranh, Hayek tìm được các bức thư trong một cuốn sách khi ông có thời giờ rãnh rỗi và người trợ lý Ruth Borchard tài giỏi bên cạnh mình. Điều này khiến ông “bắt tay vào dự án mạnh mẽ hơn rất nhiều so với dự định.” Ngoài cuốn sách này và ấn bản Tinh thần của thời đại (The Spirit of the Age) do ông biên tập, Hayek còn viết một số bài về Mill. John Robson, chủ biên xuất sắc của bộ Mill toàn tập (Mill’s Collected Works), nhận xét về nghiên cứu của Hayek liên quan đến Mill và Taylor là “câu chuyện đã được trình bày hấp dẫn,” và “công trình có tính chất khám phá của giáo sư Hayek.”Borchard cũng viết một cuốn tiểu sử về Mill và trong lời tựa cuốn sách ông đã bày tỏ “lời cảm ơn đặc biệt dành cho giáo sư F. A. Hayek.”
Nghiên cứu của Hayek có ảnh hưởng đáng kể đến Michael St. John Packe, tác giả Cuộc đời John Stuart Mill (The Life of John Stuart Mill, 1954) mà trong lời tựa cuốn sách Hayek đã gọi là “cuốn tiểu sử uy tín và đầy đủ mà chúng ta đã chờ đợi từ rất lâu.” Trong lời cám ơn của cuốn sách, Packe tỏ lòng biết ơn Hayek chỉ sau người thứ nhất là vợ mình, “Giáo sư F. A. Hayek, trước đây ở Trường Kinh tế London và hiện ở Đại học Chicago, là người mà tôi chịu ơn hơn rất nhiều so với những gì mà ông đề cập trong lời tựa cuốn sách. Trên thực tế, nếu không có nhiều năm nghiên cứu thành công của ông thì không thể có cuốn sách này cũng như bất kỳ cuốn tiểu sử nào khác về Mill; trong khi đó sự quan tâm thường xuyên và chỉ bảo đúng lúc của ông đã vượt quá những gì mà tôi có thể hy vọng.”
Trong lời tựa của cuốn Những bức thư thời kỳ đầu của John Stuart Mill, 1812-1848 (The Earlier Letters of John Stuart Mill, 1812-1848), thuộc bộ Mill toàn tập, Francis Mineka nhận xét, “công lao đưa đến việc hình thành ấn bản này thuộc về giáo sư F. A. Hayek … quyết định của ông nhằm tập hợp càng đầy đủ càng tốt thư từ cho tới hết năm 1848 là hoàn toàn đúng đắn.”Hayek tỏ ra lịch thiệp khi nhận xét trong lời giới thiệu công trình của Mineka, “việc lần tìm những bản thảo chưa công bố là loại công việc khám phá mà phần lớn mọi người đều thích làm như một trò tiêu khiển lúc rỗi rãi. Tuy nhiên, trong khi tôi là người chủ yếu được tận hưởng niềm vui khám phá, thì công việc hết sức nặng nhọc mà qua đó độc giả có được ấn bản này lại hoàn toàn chỉ nhờ một tay giáo sư Mineka.”
Sau đây là số lần đề cập đến các tác gia được lựa chọn trong bốn công trình lớn của Hayek về triết học xã hội – Con đường tới nô lệ, Hiến pháp về quyền tự do, Luật, luật pháp và tự do, và Sự tự phụ chết người.
SỐ LẦN ĐỀ CẬP TỚI CÁC TÁC GIẢ LỰA CHỌN |
|||||
|
CĐTNL |
HPVQTD |
LLP&TD |
STPCN |
TỔNG CỘNG |
Hume |
1 |
21 |
43 |
16 |
81 |
Smith |
- |
17 |
22 |
13 |
52 |
Mill |
3 |
28 |
10 |
10 |
51 |
Popper |
- |
8 |
25 |
13 |
46 |
Mises |
- |
20 |
10 |
5 |
35 |
Burke |
- |
21 |
10 |
4 |
35 |
Acton |
8 |
20 |
5 |
1 |
34 |
Locke |
2 |
10 |
15 |
5 |
32 |
Aristotle |
- |
8 |
11 |
12 |
31 |
Bentham |
- |
5 |
20 |
6 |
31 |
Marx |
5 |
6 |
4 |
13 |
28 |
Kant |
1 |
4 |
18 |
2 |
25 |
Friedman |
- |
7 |
3 |
- |
10 |
Menger |
- |
4 |
8 |
9 |
21 |
Kelsen |
- |
9 |
10 |
- |
19 |
Keynes |
2 |
6 |
4 |
7 |
19 |
Laski |
3 |
6 |
3 |
- |
12 |
Knight |
1 |
8 |
- |
2 |
11 |
Nhiều nhà bình luận nhận thấy sự tương đồng giữa Hayek và Mill. Robert Cunningham mở đầu một tuyển tập bài viết của nhiều tác giả, “năm 1859 trong tác phẩm Bàn về tự do, J. S. Mill đã mô tả lịch sử của tự do công dân hay xã hội (civil or social liberty), theo cách gọi của ông. Một trăm năm sau trong cuốn Hiến pháp về quyền tự do, Friedrich A. Hayek lại làm sáng tỏ học thuyết truyền thống về chủ nghĩa hiến pháp tự do (liberal constitutionalism).”Norman Barry viết, “ít ai nghi ngờ rằng Hayek đã bảo vệ chủ nghĩa tự do một cách hùng hồn và thuyết phục với lập luận thấu đáo nhất kể từ tác phẩm Bàn về tự do của Mill.”Theo John Gray, Hayek dự định tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do sẽ nhằm “kỷ niệm 100 năm sự kiện ra đời cuốn Bàn về tự do của John Stuart Mill.”Một câu trong bài phê bình của Henry Hazlitt về tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do từng nhiều năm được sử dụng như là lời trích dẫn đầu tiên in trên bìa sau cuốn sách nhằm lôi kéo sự quan tâm: “Một trong những công trình khoa học chính trị vĩ đại nhất của thời đại chúng ta… kế tục tác phẩm Bàn về tự do của John Stuart Mill ở thế kỷ 20.”
Hayek bắt đầu bộc lộ thái độ phần lớn tiêu cực đối với Mill ở công trình sau của mình, Luật, luật pháp và tự do (Law, Legislation and Liberty). Mill không còn là tác gia được trích dẫn nhiều nhất nữa (Hume, Popper, Smith, Bentham, Kant, và Locke nhiều hơn), và lúc này việc đề cập tới thường là không tán thành. Hayek phê phán Mill vì đã phổ cập thuật ngữ “công bằng xã hội” (social justice).Hayek cũng phê phán Mill qua lời chú thích câu nói sau của Hayek trong phần chính cuốn sách, ông gọi “chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa xã hội” là “hai mối đe doạ lớn nhất đối với nền văn minh tự do,” “Cả hai đều được John Stuart Mill nhìn nhận một cách đặc trưng như là những tình cảm ‘cao cả’ duy nhất còn lại trong con người hiện đại.”
Một trong những dẫn chứng nổi bật nhất về quan điểm tiêu cực sau này của Hayek đối với Mill xuất hiện trong phần có tựa đề “Quyền lực không hạn chế, khiếm khuyết tai hại của hình thái dân chủ đang thịnh hành” (Unlimited power the fatal defect of the prevailing form of democracy)của tác phẩm Luật, luật pháp và tự do. Hayek mở đầu phần này bằng nhận xét, “ảo tưởng bi kịch là ở chỗ sự áp dụng các trình tự dân chủ có thể dẫn tới việc không cần đến tất cả những sự hạn chế khác đối với quyền lực chính phủ. Nó cũng thúc đẩy niềm tin là việc ‘kiểm soát chính phủ’ bằng một cơ quan lập pháp được bầu cử dân chủ sẽ thay thế thoả đáng những sự hạn chế theo truyền thống.”Sau đó ông chú thích, “Về phương diện này James Mill 3 dường như là thủ phạm chính, mặc dù khó có thể tìm được một câu chuẩn xác nào trong Tiểu luận về chính phủ (Essay on Government) của ông. Nhưng chúng ta có thể phát hiện ra ảnh hưởng rõ ràng của ông đến con trai, chẳng hạn, khi J. S. Mill lập luận trong tác phẩm Bàn về tự do là “quốc gia không cần phải được bảo vệ trước ý chí của chính nó [nhấn mạnh được bổ sung].’”
Cách hiểu trích đoạn tương đối nổi tiếng này của John Stuart Mill là đáng ngạc nhiên vì nó rất thiếu chính xác. (Câu nói này của Mill, và những câu đứng trước, đã được nêu trước đó.)Những câu tiếp theo, cũng như những câu trước đấy, cho thấy hoàn toàn rõ ràng là quan điểm của Mill cũng giống y như của Hayek – trình tự bầu cử dân chủ không làm giảm tính chất đáng mong muốn của sự hạn chế quyền lực. Tiếp ngay sau đó, Mill nói về ý tưởng một quốc gia không cần phải được bảo vệ trước ý chí của nó, “lối tư duy này phổ biến trong thế hệ cuối cùng của chủ nghĩa tự do ở Châu Âu. Trong số các nhà tư tưởng chính trị của Châu Âu lục địa, nổi lên những ngoại lệ xuất chúng là những người vốn thừa nhận bất kỳ sự hạn chế nào đối với những gì chính phủ có thể thực hiện, ngoại trừ trường hợp chính phủ mà họ cho là không nên tồn tại. Tuy nhiên, trong lý thuyết chính trị và triết học, cũng như ở con người, thì thành công lại làm lộ ra những khiếm khuyết và bất cập mà thất bại có thể đã che dấu đi. Quan niệm rằng con người không cần hạn chế quyền lực của bản thân đối với chính mình có vẻ như là một chân lý hiển nhiên, khi mà chính phủ phổ thông là một thứ chỉ được mơ tưởng tới, hay được hiểu là đã từng tồn tại ở một thời kỳ xa xăm nào đấy trong quá khứ. Tuy nhiên, nền cộng hoà dân chủ đến lúc xuất hiện và có mặt ở nhiều nơi trên thế giới này… Bây giờ thì người ta đã nhận thức được rằng những cụm từ như ‘chính phủ tự thân’ (self-government) và ‘quyền lực của con người đối với chính mình’ không diễn tả đúng thực chất vấn đề. Vì thế, sự hạn chế quyền lực chính phủ đối với cá nhân không mất đi ý nghĩa quan trọng của nó khi mà những người nắm giữ quyền lực thường xuyên giải trình trước cộng đồng.”Chính xác là Hayek đã hiểu nhầm một trong những điểm mấu chốt của Mill trong luận thuyết Bàn về tự do.
Điều khiến cho sự hiểu nhầm này đáng ngạc nhiên hơn cả là trong tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do, Hayek cũng từng đề cập đến trích đoạn ấy của Mill, nhưng lại trong một văn cảnh hoàn toàn đối lập. Tức là trong Hiến pháp về quyền tự do Hayek đã hiểu chính xác Mill nhưng sau đấy lại hiểu sai trong cuốn Luật, luật pháp và tự do. Điều này khiến người ta đặt câu hỏi về mức độ phê phán sau này của ông đối với Mill dựa trên sự hiểu nhầm thay vì bất đồng thực sự, và việc liệu có phải giữa hai nhà tư tưởng không có nhiều điểm tương đồng hơn so với mức độ mà về sau Hayek nhìn nhận hay không. Trong phần chính tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do, Hayek viết, “ở vào giai đoạn tương đối muộn màng của lịch sử dân chủ hiện đại mà các lãnh tụ mị dân lại còn bắt đầu lập luận rằng vì quyền lực nằm trong tay nhân dân nên không còn cần phải hạn chế quyền lực ấy nữa.”Sau đấy ông chú thích, “Song hãy xem J. S. Mill lập luận chống lại quan điểm này trong tác phẩm Bàn về tự do, do R. B. McCallum biên tập.”Các trích đoạn từ tác phẩm Bàn về tự do nêu ra ở đây đều có trong ấn bản của McCallum mà Hayek đề cập tới.
Trong tác phẩm Sự tự phụ chết người (The Fatal Conceit) Hayek viết, Mill “đã chịu ảnh hưởng xã hội chủ nghĩa từ sớm, và từ thái độ thiên kiến này ông tỏ ra có sức thu hút mãnh liệt đối với các nhà trí thức ‘tiến bộ.’ Có lẽ ông từng đưa nhiều nhà trí thức đến với chủ nghĩa xã hội nhiều hơn bất kỳ cá nhân nào khác.”Hayek nhấn mạnh quá nhiều đến chủ nghĩa xã hội của Mill. Mặc dù đúng là trong cuốn tự truyện xuất bản sau khi mất, Mill nói rằng “lý tưởng của họ về tiến bộ cuối cùng (final improvement) dứt khoát sẽ đặt chúng tôi [Mill và Harriet Taylor] dưới cái tên chung của các nhà xã hội chủ nghĩa,” và sau ấn bản đầu tiên năm 1848 của cuốn Những nguyên lý kinh tế chính trị (Principles of Political Economy), (dưới ảnh hưởng của Taylor cùng các cuộc nổi dậy ở Châu Âu năm ấy) ông đã có nhượng bộ trước chủ nghĩa xã hội trong các ấn bản ngay sau đấy, thì chủ nghĩa xã hội mà ông nhìn thấy trước là những hợp tác xã công nhân nằm trong nền kinh tế cạnh tranh, chứ không phải kiểm soát nhà nước toàn bộ – định nghĩa của Hayek về chủ nghĩa xã hội.
Vẫn trong tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do, Hayek đã trích dẫn và tán thành Mill ở chỗ, “‘Nếu tất cả đường bộ, đường sắt, ngân hàng, cơ quan bảo hiểm, các công ty cổ phần to lớn, trường đại học, và các tổ chức cứu tế xã hội đều là chi nhánh của chính phủ; thêm vào đó, nếu các tập đoàn của thành phố và các ban bệ ở địa phương với tất cả những gì giờ đây đang được phó thác cho chúng, đều trở thành những đơn vị của chính quyền trung ương; nếu người lao động của tất cả các doanh nghiệp khác nhau này đều do chính phủ chỉ định và trả lương, và mọi thăng tiến trong cuộc đời đều trông chờ vào chính phủ; thì tất cả những tự do báo chí cùng hiến pháp phổ thông của cơ quan lập pháp cũng không làm cho đất nước này hay bất kỳ đất nước nào khác có được tự do khác với trên danh nghĩa.’”Trong cuốn cuối cùng của tác phẩm Những nguyên lý kinh tế chính trị, Mill viết, gần như theo thuật ngữ Hayek trong tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do, “có một vòng tròn xung quanh mỗi con người cá nhân mà chính phủ không nên được phép bước qua; trong cuộc sống của mọi người, khi đến tuổi trưởng thành, có một phần mà ở đó bản thể cá nhân của người đó phải ngự trị chứ không chịu sự chi phối của bất kỳ cá nhân nào khác hay của công chúng nói chung.”
Mặc dù tư tưởng của Mill tiến hoá qua nhiều giai đoạn với những trọng tâm khác nhau, thì cam kết cuối cùng và có tính quyết định của ông vẫn là chủ nghĩa tự do, không hề có chút gì là chủ nghĩa xã hội nhà nước. Ông kết thúc luận thuyết Bàn về tự do, tác phẩm mà ông đã tiên đoán chính xác là sẽ tồn tại lâu hơn bất cứ công trình nào khác của mình, “Giá trị của một nhà nước, về lâu dài, là giá trị của những cá nhân cấu thành nó; một nhà nước kìm hãm nhân dân, để họ có thể trở thành những công cụ ngoan ngoãn hơn trong tay mình, ngay cả khi phục vụ cho những mục đích có lợi, thì sẽ nhận ra rằng với những con người thấp hèn, không thể đạt được điều gì lớn lao thực sự; và sự hoàn hảo của cỗ máy mà nó đã hy sinh mọi thứ rốt cục sẽ không giúp ích được gì cho nó, bởi thiếu cái sức mạnh vô cùng quan trọng mà nó đã từng thích loại bỏ để cho cỗ máy ấy vận hành trơn tru.”
Những năm 1950 Hayek có tham dự một số cuộc hội nghị quốc gia và quốc tế về trí tuệ và khoa học hàn lâm. Năm 1955, ông tham gia đại hội thế giới của các nhà trí thức đến từ các nền dân chủ Phương Tây tổ chức ở Milan với chủ đề “Tương lai của tự do” (The Future of Freedom). Sau một tuần tương đối hoà đồng với các nhà trí thức đại diện cho quan điểm chính trị cánh tả, cánh hữu và trung dung, ông bắt đầu công kích. Theo lời Scymour Martin Lipset, thành viên tham gia đại hội:
Trong một bài diễn văn bế mạc, giáo sư Hayek đã công kích các đại biểu bởi họ đang chuẩn bị chôn vùi tự do thay vì cứu lấy nó. Ông bức xúc trước tâm thế chung của đại hội. Điều khiền ông phiền lòng là sự đồng thuận giữa các đại biểu, bất kể quan điểm chính trị, theo đó các chủ đề truyền thống vốn ngăn cách cánh tả và cánh hữu hiện giờ tương đối không còn quan trọng. Trên thực tế tất cả đều nhất trí rằng sự gia tăng hoạt động kiểm soát của nhà nước vốn đã diễn ra ở nhiều nước sẽ không dẫn đến sự giảm sút tự do. Các nhà xã hội chủ nghĩa sẽ không còn cổ suý cho chủ nghĩa xã hội; họ cũng lo lắng như các nhà bảo thủ trước nguy cơ về một nhà nước toàn quyền. Các chủ đề về hệ tư tưởng ngăn chia cánh tả và cánh hữu chung quy lại chỉ còn là việc tăng giảm chút ít sở hữu nhà nước và kế hoạch hoá nền kinh tế. Dường như không ai tin rằng việc chính đảng nào chi phối chính sách trong nước của từng quốc gia là điều tạo ra nhiều khác biệt. Hayek thực sự tin rằng sự can thiệp của nhà nước là xấu và có tính độc đoán cố hữu, ông thấy mình nằm trong nhóm thiểu số với những người vẫn nhìn nhận nghiêm túc sự chia rẽ trong phái dân chủ.
Hayek đọc bài diễn văn khai mạc nhân dịp hội nghị kỷ niệm mười năm ngày thành lập Hội Mont Pelerin năm 1957, và khi nhắc tới mục đích của hội trong bản bản Tuyên cáo Mục tiêu của nó, “nhằm góp phần vào sự gìn giữ và làm cho xã hội tự do tốt đẹp hơn,” ông nhận xét là tình hình xem ra đã ít u ám hơn khá nhiều so với năm 1947, mặc dù ông vẫn chưa lạc quan. Hội nghị năm 1957 tại St. Moritz, Thuỵ Sỹ, đã đem lại sức sống mới cho hội. Hội nghị năm 1954 tại Venice chỉ thu hút được 41 thành viên, so với 59 thành viên năm 1953. Năm 1956, chỉ 25 thành viên có mặt tại Berlin. Năm 1957 hội đã có 167 thành viên. Năm 1957, hội nghị kỷ niệm mười năm thành lập là cuộc nhóm họp lớn nhất cho đến thời điểm ấy, với 73 thành viên cùng 49 quan khách tham dự. Tại cuộc gặp này, Hayek đọc tham luận “Tại sao tôi không phải là một nhà bảo thủ” (Why I Am Not a Conservative), sau đấy trở thành phần tái bút tái phẩm Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty). Năm 1955 tại Milan, Hayek chống lại chủ nghĩa tự do hiện đại (modern liberalism); năm 1957 ông phát biểu chống lại chủ nghĩa bảo thủ lỗi thời.
Các buổi họp theo chủ đề từ các cuộc hội nghị Mont Pelerin suốt thập niên 1950 cho phép hình dung về các chủ đề mang tính nhất thời cũng như có tính thường xuyên hơn. Trong số các tham luận có “Nhà đương cục sắt thép Châu Âu” (European Iron and Steel Authority), “Sự bành trướng của Liên bang Xôviết ở các nước chưa phát triển” (Soviet Expansion in Underdeveloped Countries), và “Chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa thực dân” (Liberalism and Colonialism). John Davenport, nhà phê bình sách của tạp chí Fortune, là thành viên Hội Mont Pelerin. Ông còn nhớ tại cuộc hội nghị ở St. Moritz, Hayek đã có “cuộc đối đầu nổi tiếng” với Russell Kirk, nhà tư tưởng bảo thủ người Mỹ, và lưu ý rằng Kirk không bao giờ được bầu vào hội “cho dù có nhiều bạn bè.”Sau đó Kirk chỉ trích hội trên tạp chí bảo thủ National Review. Ông viết, trong những năm đầu tiên, các thành viên của hội đã truyền bá những “tín điều tự do chủ nghĩa”và thái độ thù địch Thiên Chúa giáo. Aaron Director, Milton Friedman, và Giorge Stigler đã bày tỏ trong bức thư phản hồi, “những người tham dự hội nghị lần thứ nhất còn không có được một lập trường thuần tuý và tiêu biểu nào, còn nói gì đến sự ‘trung thành cứng nhắc với các tín điều tự do chủ nghĩa thế kỷ 19 và thái độ thù địch có tính duy lý đối với Thiên Chúa giáo.’”Một số thành viên ban đầu của hội, trong đó có Walter Eucken và Wilhelm Ropke, là những người theo Thiên Chúa giáo.
James Buchanan còn nhớ ông được “mời vào hội Mont Pelerin năm 1957. Tôi không biết ai là người đề cử mình, nhưng tôi biết chắc ai cũng thừa nhận hội thực sự là của Hayek và bất kỳ thành viên mới nào cũng phải được chính Hayek phê chuẩn. Đến năm 1957, số thành viên đã tăng lên ít nhiều từ một nhóm nhỏ ban đầu, tuy nhiên cuộc gặp gỡ vẫn còn những khía cạnh mang tính chất câu lạc bộ với sự căng thẳng ngấm ngầm giữa các thành viên ở trung tâm Châu Âu và ở Mỹ (các thành viên ở Mỹ phần lớn có liên hệ với Đại học Chicago). Những ai trong số chúng tôi mang trong mình dòng máu tự do cá nhân – dân tuý (libertarian-populist) thì đều có quá nhiều thái độ tôn kính dành cho Hayek, và nhất là cho Ludwig von Mises, người có vẻ như đòi hỏi sự xu nịnh. Hayek chi phối nhóm, và ông được đối xử với thái độ tôn trọng gần với kính sợ, điều này là hoàn toàn phù hợp. Đóng góp trực tiếp của ông vào các cuộc thảo luận lúc nào cũng sâu sắc và thích đáng.”
Christian Gandil, một thành viên kỳ cựu của Hội Mont Pelerin, còn nhớ những người Châu Âu chi phối các cuộc gặp gỡ đầu tiên nhiều hơn so với số đến từ Mỹ, trong khi số sau lại chi phối các cuộc gặp tiếp theo. Ông cũng nhớ là các hội nghị đầu tiên thân mật hơn rất nhiều so với sau đó.
Thập niên 1950 là thời gian Hayek đạt đến sự thoả nguyện cá nhân. Đồng thời ông cũng trải qua những âu lo về mặt đạo đức trước quyết định rời bỏ vợ và con cái, Helene (còn gọi là “Lena”) là tình yêu của đời ông, người bạn thân thiết nhất từ thuở thiếu thời, và cuộc hôn nhân giữa họ là một giấc mơ lâu dài và sâu lắng trở thành hiện thực.
Friedman nhận xét, người vợ thứ hai của Hayek là một “phụ nữ rất thông minh.”Thỉnh thoảng bà tham dự seminar của Hayek ở Chicago, dịch tác phẩm Cuộc cách mạng ngược trong khoa học (The Counter-Revolution of Science) sang tiếng Đức, và theo Hayek, “trên thực tế đã dịch lại”cuốn Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty) sang tiếng Đức. Trong lời tựa tác phẩm Trật tự cảm giác (The Sensory Order), có lẽ là công trình khó nhất của Hayek, ông đã cám ơn bà, ghi nhận rằng “nếu không có vợ tôi dành thời gian phê bình sâu sắc bản thảo tác phẩm thì cuốn sách hẳn còn chứa đựng những điểm mơ hồ cùng sự diễn đạt cẩu thả nhiều hơn so với những gì chắc chắn vẫn sót lại trong đó.”Ngoài ra, Helene Hayek còn là một phụ nữ xinh đẹp, tuy khó tính. Trong một bức thư năm 1948, Hayek đã viết rằng Helene từng là đối tác nghiên cứu của ông trước khi họ chia tay nhau năm 1939.
Một kế hoạch được Hayek khởi xướng từ nửa cuối thập niên 1950 và dành thời gian đáng kể cho tới tận những năm đầu của thập niên 1960 là nỗ lực bất thành nhằm khôi phục truyền thống trí tuệ tại Đại học Vienna. Về cơ bản Hayek luôn là một người Châu Âu lục địa – trong cuốn Con đường tới nô lệ (The Road to Serfdom) ông viết, ông “phải vĩnh viễn là một người người nước ngoài, bất kể pháp luật có thể quy định thế nào đi chăng nữa.” Ông viết một số báo cáo và tìm kiếm tài trợ từ Quỹ Ford và Quỹ Rockeffeller (Ford and Rockeffeller Foundations) cho kế hoạch trên. Ông dự định thuyết phục các nhà trí thức xuất chúng quay lại Đại học Vienna nhằm phục hồi quá khứ học thuật vĩ đại của nó. “Ý tưởng là nhằm tạo dựng một cái gì đó giống như một học viện nghiên cứu cao cấp, và đưa tất cả những người tị nạn còn sống về đây – chẳng hạn như Schrodinger và Popper… – Ồ, tôi có một danh sách rất tuyệt!” Việc thay đổi chỗ ở thường xuyên của mình đã khiến ông nghĩ là có thể thuyết phục được các nhà khoa học hàn lâm khác chuyển về Vienna.
Chú thích:
(1) Baron (Karl) Wilhelm von Humboldt (1767-1835): Nhà ngữ văn học và nhà ngoại giao ngời Đức, nổi tiếng với khám phá của ông về mối quan hệ giữa văn hoá và ngôn ngữ và nghiên cứu về ngôn ngữ Basque. (N.D.)
(2) Nữ hoàng Victoria của Anh (1837-1901). (N.D.)
(3) James Mill (1773-1836): Nhà triết học, kinh tế học và nhà sáng lập chủ nghĩa vị lợi (utilitarianism) người Scotland, thân sinh của John Stuart Mill. (N.D.)