[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 26 - Ảnh hưởng (Phần 1)
Ảnh hưởng quả là khó lượng định. Trong tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty), Hayek đã tán đồng với Mill khi trích dẫn về “‘bài học mà mọi thời đại đều dạy cho con người, và luôn bị coi nhẹ: triết học tư biện (speculative philosophy), mà đối với những kẻ hời hợt thì dường như là một cái gì đó nằm rất xa khỏi đời sống công việc cũng như mối quan tâm bên ngoài của con người, trên thực tế lại chính là thứ có ảnh hưởng đến họ nhiều hơn cả.’” Chính ông cũng viết trong tác phẩm Chủ nghĩa quốc gia tiền tệ và sự ổn định quốc tế (Monetary Nationalism and International Stability), “Tôi coi việc cân nhắc tất cả các phương án lựa chọn, cho dù khả năng hiện thực hoá của chúng có thể xa vời đến đâu ở thời điểm hiện tại, không chỉ là đặc quyền mà còn là nghĩa vụ của nhà kinh tế học hàn lâm.” Ông kết luận tác phẩm Cuộc cách mạng ngược trong khoa học (The Counter-Revolution of Science), “Tôi nghi ngờ việc đánh giá quá cao lại có thể xảy ra đối với ảnh hưởng lâu dài của các ý tưởng.” Trong bài tái bút “Tại sao tôi không phải là nhà bảo thủ” (Why I Am Not a Conservative) ông viết, “nhiệm vụ của triết gia chính trị chỉ có thể là tác động đến công luận. Anh ta sẽ làm công việc này hữu hiệu chỉ khi không quan tâm tới những gì hiện đang khả thi về chính trị.” Trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do (Law, Legislation and Liberty) ông đã tán đồng khi trích dẫn G. Mazzini1, “ý tưởng thống trị thế giới cùng những biến cố của nó. Cách mạng là quá trình chuyển tiếp của ý tưởng từ lý thuyết sang thực tiễn.” Bản thân ông cũng viết trong tác phẩm Phi quốcgia hoá tiền tệ (Decentralisation of Money), “nhiệm vụ chủ yếu của nhà lý thuyết kinh tế hay triết gia chính trị là cần tác động đến công luận nhằm biến những gì mà hôm nay có thể không khả thi về mặt chính trị trở nên khả thi.”
Những dòng khép lại tác phẩm Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ (The General Theory of Employment, Interest and Money) của Keynes nằm trong số những câu mà Hayek ưa thích, khi Keynes hỏi về công trình của mình ở đây, “Liệu rằng việc thực hiện những ý tưởng này có phải là một hy vọng hão huyền hay không? Một cuốn sách khác với đặc điểm của cuốn sách này hẳn sẽ cần tới thậm chí chỉ để phác hoạ những biện pháp thực tiễn nhằm dần truyền sức sống cho chúng. Nhưng nếu các ý tưởng là đúng – một giả thuyết mà chính tác giả nhất thiết phải lấy làm cơ sở cho những gì mình viết ra – thì theo tôi việc tranh cãi về hiệu lực của chúng trong một thời gian sẽ là sai lầm. Các ý tưởng của các nhà kinh tế học và các triết gia chính trị, cả khi họ đúng cũng như khi họ sai, đều có sức mạnh lớn hơn nhiều so với những hiểu biết thông thường. Trên thực tế, thế giới bị chi phối bởi một nhóm nhỏ ấy. Những con người hành động, vốn tin mình hoàn toàn được giải phóng khỏi bất kỳ ảnh hưởng trí tuệ nào, thường lại là nô lệ của một nhà kinh tế học đã quá cố nào đó. Những kẻ điên khùng nắm quyền lực, hoang tưởng, đang cố nặn ra ý tưởng điên rồ của mình từ một nhà khoa học hàn lâm xoàng xĩnh nào đấy một số năm về trước. Tôi chắc rằng quyền lực của các nhóm đặc lợi (vested interestsi) đã bị thổi phồng lên rất nhiều khi so sánh với sự xâm lấn từ từ của các ý tưởng… Sớm hay muộn thì chính ý tưởng, chứ không phải các nhóm đặc lợi, mới là mối nguy cho cái thiện hay cái ác.”
Trong tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do, Hayek viết, “niềm tin từ lâu đã hình thành nên một bộ phận cơ bản của học thuyết tự do chủ nghĩa là về lâu dài chính các ý tưởng, và vì thế những người truyền sức mạnh thịnh hành cho các ý tưởng, mới chi phối quá trình tiến hoá.” Ông cũng lập luận ở đây, “nếu xét tác động trực tiếp đến những sự vụ hiện nay, thì ảnh hưởng của triết gia chính trị có thể là không đáng kể. Nhưng khi tư tưởng của triết gia đó đã trở thành tài sản chung, thông qua công trình của các sử gia và những người quảng bá, các nhà giáo và các nhà văn, và giới trí thức nói chung, thì chúng lại định hướng các diễn biến một cách hữu hiệu.” áp dụng chuẩn mực này cho chính Hayek sẽ cho thấy ông từng dự định và tìm cách định hướng quá trình tiến hoá xã hội.
Không tính đến thành công tức thời – hay theo ý kiến của Hayek, thiếu thành công tức thời – của tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do, thì nước Mỹ cũng đã sẵn sàng đón nhận một số những ý tưởng chứa đựng trong đó. Barry Goldwater2, ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hoà năm 1964 tranh cử với Lyndon Johnson3 là người chịu ảnh hưởng đáng kể từ Hayek. Theo Lee Edwards, nhà viết tiểu sử của Goldwater, “Lặp lại lời Hayek, người mà ông từng đọc khi còn là một doanh nhân trẻ ở Phoenix4 suýt soát hai mươi năm trước, Goldwater tán thành một chính phủ ‘chú tâm đến những trách nhiệm vốn có của nó về việc duy trì một môi trường tiền tệ và tài khoá ổn định, khuyến khích nền kinh tế tự do và cạnh tranh, và thi hành pháp luật và áp đặt trật tự’… Vị tổng thống mà Goldwater mến mộ là Thomas Jefferson5 còn triết gia chính trị của ông là F. A. Hayek.” Goldwater thỉnh thoảng trích dẫn Hayek trong các bài diễn văn, và trong cuốn tự truyện năm 1988, ông viết là suốt những năm đầu tiên ở Thượng viện, ông “đã chịu nhiều ảnh hưởng từ các công trình của giáo sư F. A. Hayek.”
Tác phẩm Lương tâm nhà bảo thủ (The Conscience of a Conservative) của Goldwater – do Brent Bozell (anh rể của William F. Buckley) viết hộ – xuất bản tháng 4 năm 1964, hai tháng sau khi cuốn Hiến pháp về quyền tự do ra đời. Nó trở thành một thành công đại chúng to lớn, minh hoạ nhận xét của Hayek: phẩm chất lớn nhất của cuốn Con đường tới nô lệ (The Road to Serdom) chính là ở sự súc tích của nó. Tác phẩm Lương tâm nhà bảo thủ dài suýt soát một phần tám cuốn Con đường tới nô lệ. Cuối cùng, hơn bốn triệu bản đã được bán ra, đưa Goldwater lên vị trí lãnh tụ của chủ nghĩa bảo thủ Mỹ.
Tuy thuật ngữ của Hayek và Goldwater có khác nhau song các quan điểm triết học chung của họ lại vẫn tương đồng. Goldwater viết, “nhà Bảo thủ” (Hayek hẳn sẽ nói “nhà Tự do”) “nhìn nhận chính trị là thứ nghệ thuật đem đến cho các cá nhân sự tự do tối đa mà vẫn nhất quán với việc duy trì trật tự xã hội. Nhà bảo thủ là người đầu tiên hiểu rằng sự thực hành quyền tự do đòi hỏi việc xác lập trật tự: một người không thể tự do nếu người khác có thể khước từ sự thực hành quyền tự do của anh ta.” Vấn đề cốt lõi là nhận ra rằng trật tự là đòi hỏi đầu tiên của bất kỳ xã hội nào. Nếu không có trật tự thì không thể đạt được điều gì cả. Chính vì lý do này mà tự do là sự thống trị của pháp luật.
Ronald Reagan6 ra mắt chính giới Mỹ qua chiến dịch tranh cử của Goldwater. Trong bài diễn văn thay mặt Goldwater được phát trên toàn quốc một tuần trước thềm cuộc bầu cử năm 1964, Reagan phát biểu là chỉ có “hoặc tiến hoặc lui: tiến tới giấc mơ lâu đời của con người – một thế giới tốt đẹp nhất trong tự do cá nhân nhất quán với pháp luật và trật tự – hoặc lui về với thể chế hỗn tạp của chủ nghĩa chuyên chế.” Trước câu phỏng vấn “Triết gia tư tưởng nào có ảnh hưởng đến thái độ xử sự của ngài nhiều nhất với tư cách một nhà lãnh đạo?” Reagan sau đó trả lời, “Tôi luôn là một độc giả ngốn sách – tôi từng đọc những quan điểm kinh tế của von Mises và Hayek.” Những gì trên đây gần đồng nghĩa với việc Reagan đã nghiên cứu Hayek. Trong số 74 nhà kinh tế học làm việc cho chiến dịch sáu mũi đặc nhiệm7 ở giai đoạn cầm quyền của Reagan thì có tới 20 người là thành viên Hội Mont Pelerin. Cựu bộ trưởng tư pháp Edwin Meese còn nhớ các quan chức cao cấp trong chính quyền Reagan chịu ảnh hưởng của Hayek gồm có Richard Allen, Glenn Cambell, Martin Anderson, và chính ông. Ông cũng nhớ Reagan từng trích dẫn và quen thuộc với các công trình của Hayek. Meese bổ sung là Friedman có ảnh hưởng quan trọng hơn đến chính quyền Reagan.
Jack Kemp – nhà vận động hàng đầu của Hạ viện cho dự luật cắt giảm thuế Kemp-Roth ở tất cả các ngành, được Reagan chấp thuận năm 1980, và cũng là ứng cử viên phó tổng thống của Robert Dole năm 1996 – gửi thư cho Hayek sau khi ông nhận giải Nobel Kinh tế, “Các cuốn sách của ngài, đặc biệt là Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty), đã khiến tôi khát khao chạy đua vào nghị viện.” David Stockman, giám đốc đầu tiên của Văn phòng Quản trị và Ngân khố (Office of Management and Budget) của Reagan, mô tả quá trình phát triển trí tuệ của mình, “Tôi lao đầu vào kinh tế học với niềm háo hức khác thường. Không lâu sau tôi đã trở thành môn đệ của F. A. Hayek.” Thêm một số ười khác nữa ở Mỹ chịu ảnh hưởng của Hayek, gồm các tác gia William F. Buckley, Frank Mayer, Thomas Sowell, R. Emmett Tyrell, và Giorge Will, các nghị sĩ Đảng Cộng hoà Tom Cambell, Ron Paul, Marc Sanford, Dana Rohrabacher, John Kasich, và Richard Armey, thượng nghị sỹ Phil Gramm, và William Weld, cựu thống đốc bang Massachusetts.
Ở Mỹ, Hayek nhìn chung có sức hấp dấn đối với cánh hữu – tự do cá nhân – trong dải quan điểm chính trị. Ở Anh, có một số lượng đáng kể mối quan tâm trí tuệ dành cho Hayek đến từ phía cánh tả, thông qua các tác gia hàn lâm như Lord Desai, John Gray, David Miller, và Raymond Plant, dựa trên mối quan tâm có tính lịch sử từ phía cánh tả của giới hàn lâm ở đây. Tuy nhiên ở Anh, sự quan tâm chủ yếu đến Hayek vẫn là từ phía cánh hữu, nổi bật hơn cả là Margaret Thatcher8 và Viện Nghiên cứu các Vấn đề Kinh tế (Institute of Economic Affairs). Nhà viết tiểu sử của Keynes, Robert Skidelski, cũng rất quan tâm đến Hayek.
Khi Reagan phát biểu về Liên bang Xôviết trong buổi họp báo lần đầu tiên với tư cách tổng thống rằng họ đã “thẳng thừng và công khai tuyên bố, đạo lý duy nhất mà họ thừa nhận là những gì sẽ thúc đẩy chính nghĩa của mình, có nghĩa là họ giữ cho mình cái quyền phạm bất cứ tội ác nào, nói dối, lừa gạt,” thì ông có thể đã diễn giải lời của Hayek ở đây. Khi nói Liên bang Xôviết là một “đế chế xấu xa,” Reagan đã diễn tả chính xác tư tưởng của Hayek. Vì luận đề của Hayek cho rằng triết gia chính trị và nhà kinh tế học là người định hướng các sự kiện, nên chắc chắn là thích đáng khi nói bốn nhà lãnh đạo chính trị bảo thủ hàng đầu của thế giới Anh-Mỹ trong thế kỷ 20 – Reagan, Thatcher, Goldwater, và Churchill – đều từng chịu ảnh hưởng của ông, cho dù theo những cách thức có hơi khác nhau.
Ghi chú:
(1) Giuseppe Mazzini (1805-1872): Nhà hoạt động yêu nước người Italia, người khuấy động phong trào vì một nước Italia độc lập, thống nhất với các trước tác và mưu toan chính trị của mình, tiến hành chủ yếu trong giai đoạn lưu vong ở London. (N.D.)
(2) Barry Morris Goldwater (1908-1998): Chính khách Mỹ, đảng viên bảo thủ của Đảng Cộng hoà, thượng nghị sỹ đại diện bang Arizona (1953-1965, 1969-1987). (N.D.)
(3) Lyndon Baines Johnson (1908-1973): Tổng thống thứ 36 của Mỹ (1963-1969), thay J. F. Kennedy bị ám sát năm 1963 bị ám sát và dành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 1964. (N.D.)
(4) Thủ phủ và là thành phố lớn nhất của bang Arizona. (N.D.)
(5) Thomas Jefferson (1743-1826): Tổng thống thứ ba của Mỹ (1801-1809), cha đẻ của bản Tuyên ngôn Độc lập. (N.D.)
(6) Ronald Reagan (1911-2004): Tổng thống thứ 40 của Mỹ (1981-1989). Nhiệm kỳ của ông được đánh dấu bởi sự phục hồi kinh tế, dính líu quân sự ở Grenada, Trung Mỹ, Lebanon và Lybia, và cải thiện quan hệ với Liên bang Xôviết. (N.D.)
(7) Joint Task Force-6: Thành lập năm 1989, là chiến dịch quân sự, với nhân sự chủ yếu từ Lục quân và Hải quân, nhiệm vụ chính thức là hỗ trợ các cơ quan thi hành pháp luật ở địa phương tiến hành “cuộc chiến chống ma tuý.” (N.D.)
(8) Sinh năm 1925, chính khách Đảng Bảo thủ Anh, thủ tướng Anh từ 1979-1990. Nhiệm kỳ của bà được đánh dấu bởi các biện pháp chống lạm phát, cuộc chiến ngắn ngủi ở quần đảo Falkland (1982), và sự chấm dứt thuế thân. (N.D.)