[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 26 - Ảnh hưởng (Phần 2)

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 26 - Ảnh hưởng (Phần 2)

Hayek rời Chicago vì lý do tài chính. Ông “lo nghĩ nhiều về sự chu cấp thiếu đầy đủ cho tuổi già của mình và vợ mà chức vụ ấy đem lại: thanh toán một lần vào độ tuổi nghỉ hưu tương đối sớm (sáu mươi lăm),” sẽ diễn ra vào năm 1964. D. Gale Johnson, người từng phục vụ trong chính phủ cũng như tại khoa kinh tế của Đại học Chicago, còn nhớ Hayek từng trao đổi với mình về chuyện nghỉ hưu. Hayek không tích luỹ được nhiều tài sản vì sự kiện ly hôn và cũng vì lối sống tương đối xa hoa đối với một giáo sư đại học của ông, với các kỳ nghỉ mùa hè tới dãy Alps ở Áo. Ông chưa bao giờ nhận bất kỳ khoản tiền bản quyền nào từ phiên bản rút gọn của tác phẩm Con đường tới nô lệ (The Road to Serfdom), cũng như không viết bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, mà đây thường lại là hình thức thanh toán hậu hĩnh nhất của công việc viết lách học thuật. Từ cuối những năm 1940 cho tới khi nhận giải thưởng Nobel Kinh tế năm 1974, tiền bản quyền từ các cuốn sách của Hayek chưa bao giờ vượt quá 5.000 bảng một năm và, như một nhà báo viết vào năm 1975, nó hẳn sẽ là “một con số cao ở bất cứ năm nào trong quãng thời gian này.” Tác phẩm Con đường tới nô lệ bán được 100.000 bản ở Anh hai hay ba năm đầu tiên, đem lại cho Hayek 30.000USD. Đến đầu thập niên 1960, tiền bản quyền mỗi năm từ cuốn sách này chỉ còn là một con số ít ỏi.

Ralph Horowitz, thành viên Hội Mont Pelerin, còn nhớ Hayek đã kể với mình rằng ông đã bị mất tiền tiết kiệm trong một vụ lường gạt tài chính (dù có lẽ là sau giai đoạn ở Chicago). Hayek không kiếm sống bằng công việc viết lách, nguồn thu nhập chủ yếu của ông suốt những năm tháng học thuật là từ các vị trí chuyên môn. Người thư ký cuối cùng và gắn bó lâu năm của ông, Charlotte Cubitt, còn kể là ông đã một lần nói với bà rằng mọi động thái của ông đều vì lý do tài chính. Hayek cũng từng nói, về việc rời khỏi nước Mỹ, là mặc dù “thích thú với môi trường trí tuệ của Đại học Chicago,” ông vẫn “chưa bao giờ có được cái cảm giác thân quen ở Mỹ” như khi ở Anh.

Hayek không chỉ ở mỗi Đại học Chicago suốt những năm tháng ở Mỹ. Ngoài một học kỳ tại Đại học Arkansas năm 1950, ông còn thuyết giảng về kinh tế chính trị tại Đại học Harvard niên khoá 1952-1953, và thuyết trình tại Đại học Virginia năm 1961. Sau này, trong hai năm 1968-1969, ông là giáo sư thỉnh giảng Flint tại Đại học California ở Los Angeles. Tuy chưa bao giờ có được bước đột phá tới ý thức đại chúng trong suốt thời gian ở Mỹ, song ông cũng đã tăng cường đáng kể hình ảnh của mình trong giới hàn lâm Hoa Kỳ, nhờ vậy mà có cơ hội ảnh hưởng rộng lớn hơn ở Mỹ, và qua đó trên phạm vi quốc tế.

Ông bình luận về thời gian ở Chicago, “Tôi rất hạnh phúc và trải qua mười hai năm trong Uỷ ban Tư tưởng Xã hội, với những quan hệ cá nhân rất thân thiện ở Khoa Kinh tế. Viner đã chuyển tới Đại học Princeton, nhưng Knight vẫn còn ở đây, và [tôi] nhanh chóng thiết lập quan hệ rất gần gũi với Friedman và Stigler. Tôi rất thích thú với quãng thời gian mười hai năm ở Chicago.”

Friedman nói rằng tương phản với khoa kinh tế, “ảnh hưởng của Hayek đến Đại học Chicago thể hiện rõ hơn rất nhiều qua các sinh viên mà ông thu hút, qua cái nhóm đã lập ra tạp chí New Individualist Review – ảnh hưởng của ông ở đây là rất mạnh mẽ và rất lớn.” Tạp chí New Individualist Review xuất bản từ năm 1961 đến 1968. Friedman cũng viết, khi tạp chí New Individualist Review ra đời thì là lúc mà “niềm tin vào ‘doanh nghiệp tư nhân, và sự áp đặt những hạn chế chặt chẽ nhất đối với quyền lực chính phủ’ và vào ‘sự cam kết vì tự do con người’ – trích từ bài xã luận giới thiệu tập 1, số thứ nhất – đang sa sút ngay cả tại những nước của cái gọi là thế giới tự do. Tuy nhiên, đồng thời cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy phản ứng trí tuệ trước các quan điểm tập thể chủ nghĩa, và trỗi dậy mối quan tâm đến triết học của chủ nghĩa tự do cổ điển. Hai tổ chức đặc biệt góp phần vào việc dẫn dắt và định hướng sự hồi sinh này: Hội Mont Pelerin và Hội Cá nhân Chủ nghĩa Liên Đại học (Intercollegiate Society of Individualists)… Hội Cá nhân Chủ nghĩa Liên Đại học (ISI) là tổ chức của những người có độ tuổi trẻ hơn. Nó xúc tiến thành lập chi hội trong các sinh viên đại học và sau đại học ở các khu trường. Thành viên của các chi hội này cũng là một nhóm thiểu số, nhưng cũng là nhóm thể hiện tính chất độc lập, thống nhất, vị tha, và có tầm nhìn vượt quá quy mô của mình.” Các tổ chức khác mà Hayek từng tham gia ở Mỹ còn có Quỹ Giáo dục Kinh tế (Foundation for Economic Education – FEE), Hiệp hội Philadelphia (Philadelphia Society), Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (American Enterprise Institute), và về sau, Quỹ Di sản (Heritage Foundation) và Viện Cato (Cato Institute).

Sự quan tâm đến Hayek ở Châu Mỹ Latin có lẽ là tiếp sau sự quan tâm đến ông ở thế giới nói tiếng Anh và thế giới nói tiếng Đức. Ngay từ thập niên 1950, tại các nước Châu Mỹ Latin đã có các quan chức chính phủ quan tâm đến công trình của ông. Alvaro Alsogaray, bộ trưởng kinh tế của Argentina từ năm 1959 đến 1962, về sau là đại sứ tại Mỹ, và là nhà sáng lập Viện Nghiên cứu Kinh tế Thị trường Xã hội (Institute of Social Market Economy), năm 1968 từng viết thư cho Hayek, “chúng tôi đang đạt tới đỉnh cao trong cuộc đấu tranh của mình và cương lĩnh kinh tế hiện nay của chính phủ dựa trên những ý tưởng mà ngài đã phát triển.” Một số nhóm chuyên gia cố vấn và các nhà khoa học hàn lâm tại các trường đại học ở Châu Mỹ Latin mấy chục năm gần đây đã chịu ảnh hưởng của Hayek. Manuel Ayau, tổng thống Guatemala và cựu chủ tịch Hội Mont Pelerin, gọi Hayek là “ngọn đuốc trí tuệ đối với các nhà tự do cá nhân ở Châu Mỹ Latin.”

Con trai Hayek, Larry, bản thân cũng là thành viên Hội Mont Pelerin, nhận xét là hội “rất” giống “bé yêu” của bố mình. Những năm 1950 hội thực sự là một tổ chức non trẻ, vấn đề tương lai của nó hãy còn để ngỏ. Max Harwell, sử gia và là cựu chủ tịch của hội, viết rằng ngay từ năm 1948 đã xuất hiện “những căng thẳng về đặc điểm và quy mô của hội và về chiến lược thích hợp nhằm vãn hồi và duy trì chủ nghĩa tự do.” Không phải tất cả đều nhất trí với quan niệm của Hayek về một hiệp hội trí tuệ chặt chẽ mà không có một tiếng nói ủng hộ nào, ngay cả một bài báo hay ấn phẩm về biên bản hội nghị cũng không nốt. Albert Hunold, thư ký gây quỹ, tìm cách để có một ấn phẩm của hội và liên tục bị Hayek khiển trách. Hội nghị năm 1958 và 1959 tổ chức ở Princeton và Oxford. Hartwell viết, “Tại các cuộc gặp này, hội bắt đầu rã đám.”

Sự đồng thuận chung trong phái Hayek/chống Hunold là Hunold đã ngăn cản hình thức hợp tác giữa các thành viên, vốn cần thiết để cho một hiệp hội tư nhân như Mont Pelerin trở nên có hiệu quả, hoà đồng, và lý thú. Tại các cuộc gặp năm 1958 và 1959, Hunold can thiệp vào chương trình đã được sắp đặt trước về các diễn giả và phiên họp, và về cơ bản cố gắng điều khiển toàn bộ diễn biến. Cơn giận bùng lên. Các mối quan hệ cá nhân trở nên căng thẳng. Những lời cáo buộc về nhập nhèm tài chính nhằm vào Hunold, và ông ta cũng đưa ra cáo buộc ngược lại. Năm 1959, trong một bức thư về các vấn đề của hội, Friedman, người ủng hộ Hayek mạnh mẽ, viết rằng “giọt nước làm tràn ly là thái độ quá quắt và ngang ngạnh ngày càng tăng của Hunold, tiếp tục chống lại các hoạt động của Hội đồng và không được sự đồng ý của Chủ tịch, và trên thực tế là chống lại yêu cầu của ông, lăng nhục và bôi nhọ các thành viên và những người giúp tổ chức hội nghị.” Hayek và Hunold là chủ tịch và thư ký từ khi thành lập hội.

Cuộc đối đầu đi đến hồi kết tại cuộc hội nghị năm 1960. Hartwell viết, “sự xung đột cho thấy nếu một nhóm nhỏ gồm những người biết nhau rất rõ bắt đầu cãi lộn, thì xu hướng thù địch ngày càng tăng bởi bên nào cũng cảm thấy mình bị những người bạn cũ phản bội. Ngoài ra, nếu các đấu sỹ lại còn rất thông minh thì họ sẽ tranh luận về cái casus belli (nguyên cớ) với kỹ năng hết sức điêu luyện và mổ xẻ lời lẽ của nhau hết sức tỉ mỉ. Những bức thư biến thành sự kết hợp giữa một bài viết uyên thâm và bản tóm tắt sự vụ của luật sư. Cuối cùng, nếu có một số chủ đề thực tế nào đấy liên quan, bất kể về quyền lực hay chiến lược, thì cảm xúc giận dữ lại được thổi vào cuộc xung đột, và toàn bộ câu chuyện vượt quá giới hạn hợp tình hợp lý và sáng suốt. Cuối cùng, thái độ bắt đầu cứng rắn và sự thoả hiệp trở nên không thể, vì thế một bên tất sẽ thắng và bên kia tất sẽ thua và bị gạt ra ngoài.” Hartwell nhận xét về bản thông cáo mà hai bên đều gửi trước thềm cuộc hội nghị năm 1960, “độ dài ngày càng tăng của các bức thư cùng tốc độ lưu hành mỗi lúc một nhanh của chúng đã cho thấy hết hoàn toàn, vì đó là sự công phẫn và sức mạnh tình cảm mà chúng biểu lộ. Các đấu sỹ tranh luận như thể liên quan đến các chủ đề lớn lao và lợi ích to lớn đang gặp phải rủi ro.”

Hayek rất không hài lòng về cuộc gặp tháng 9 năm 1960. Một tháng trước thềm hội nghị, ông đã gửi một bức thư tới tất cả thành viên, thông báo ý định từ chức chủ tịch, và bổ sung, “Tôi sẽ không tiếp tục muốn giữ liên hệ với một cái hội do tiến sỹ Hunold làm thư ký.” Các đồng minh của cả Hayek và Hunold đều cố gắng thu thập lá phiếu uỷ quyền cho hội nghị – George Stigler là đồng minh chủ chốt của Hayek trong việc thu thập các lá phiếu uỷ quyền từ các thành viên người Mỹ. Ngày thứ ba của hội nghị Hayek mới đến. Một thoả hiệp đã đạt được về cơ cấu lãnh đạo, theo đó Wilhelm Ropke (đồng minh của Hunold) trở thành chủ tịch và Hunold từ chức thư ký nhưng trở thành phó chủ tịch. Hunold lưu ý, tại cuộc gặp gỡ cuối cùng, khi các thành viên được yêu cầu hoan nghênh công lao của ông và Hayek đối với hội, thì ông nhận được sự tán thưởng bộc phát nhiều hơn Hayek.

Hayek hoàn toàn vắng mặt khỏi cuộc hội nghị năm 1961. Tại cuộc nói chuyện phiếm này, ba cuộc họp ban lãnh đạo đã được tổ chức trong một ngày, và là một thất bại đối với Hunold và Ropke, trong đó Ropke dự định Hunold sẽ kế nhiệm ông ta làm chủ tịch. Cánh người Mỹ đi đến kết luận, hoặc Hunold phải ra đi, hoặc họ sẽ rời khỏi hội. Tháng 12 năm 1961, Hunold và Ropke từ chức, và sự ra đi của họ kéo theo khoảng mười hai người năm 1962 nhằm ủng hộ họ. Trong bức thư giã biệt 10.000 chữ mà Hayek dụng ý gửi cho toàn thể thành viên Hội Mont Pelerin cuối năm 1961 – trước khi Hunold và Ropke từ chức – nhưng rồi ông lại không bao giờ thực hiện, ông dự định thông báo sự rút lui khỏi hội của mình bởi nó đã bị hai người này, những kẻ mà ông từng tin tưởng, huỷ hoại. Năm 1964, sau khi câu chuyện lắng xuống, Hayek được bầu làm chủ tịch danh dự Hội Mont Pelerin và vẫn là linh hồn dẫn dắt nó suốt những năm tháng cuối đời của mình.
Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh

Bài viết liên quan