Thực hư về khoảng cách tiền lương của hai giới
Cuộc tranh đấu hiện nay về bình đẳng giới đã biến vấn đề tiền lương tương đối giữa nam giới và nữ giới trở thành gần giống với một cuộc đấu đá chính trị. Nhiều năm vừa qua, những người bênh vực thị trường tự do, có cả tôi, luôn là phe công kích với lý lẽ rằng vấn đề khoảng cách tiền lương nam nữ theo nghĩa nào đó chỉ là “hư cấu” mà thôi. Thời gian gần đây thì nhiều người chỉ trích đáp trả rằng đó không phải là hư cấu và những ai nghĩ ngược lại mới chính là những kẻ rêu rao những thứ hư cấu.
Té ra hai bên đều có lý. Khoảng cách tiền lương có thực là hư cấu hay không phụ thuộc chính xác vào cách lập luận của hai phía. Dưới đây tôi sẽ trình bày những quan điểm khác nhau này và làm rõ những điều ta có thể và không thể khẳng định là đúng hoặc sai về vấn đề khoảng cách tiền lương giữa hai giới.
Đâu là hư?
Suốt nhiều thập niên, để chứng minh thị trường phân biệt đối xử với nữ giới thì những người chỉ trích thường tuyên bố rằng phụ nữ chỉ kiếm được một phần nhỏ so với nam giới kiếm được. Lúc đầu, người ta nói rằng nữ giới chỉ kiếm được 65% so với tiền lương của nam giới. Giờ đây con số đấy đã vào khoảng 80%. Vậy ngay từ đầu chưa cần biết nguyên nhân tại sao, có thể thấy rằng khoảng cách này đã thu hẹp kể từ thập niên 70 của thế kỷ trước.
Nhưng tại sao người ta cho rằng chuyện đó là hư cấu? Có hai lý do. Thứ nhất, nếu những người chỉ trích khẳng định con số 80% có nghĩa là khi nam và nữ có cùng kỹ năng, kinh nghiệm, các ưu tiên và làm cùng một công việc thì phụ nữ chỉ được trả 80 cent trong khi đàn ông được trả 1 đô la thì họ đã lầm. Đó không phải là điều mà con số 80% phản ánh.
Con số đó thực ra là tỷ lệ tiền lương của nữ giới so với nam giới trong lực lượng lao động toàn thời gian, ở tất cả nghề nghiệp bất kể trình độ kĩ năng hay các lựa chọn của họ. Rằng 80% là con số tổng hợp - nó không phải là sự so sánh ngang bằng giữa nam và nữ làm cùng một công việc. Do đó, quan điểm cho rằng phụ nữ chỉ được trả 80% tiền lương so với nam giới là điều hư cấu.
Kế đó, một sự hư cấu khác là phần 20% chênh lệch tiền lương là bằng chứng cho thấy giới chủ phân biệt đối xử với phụ nữ. Một khi hiểu được xuất phát của những số liệu chênh lệch thì chúng ta biết chắc rằng quan điểm này cũng hoàn toàn là hư cấu. Để biết liệu có sự phân biệt đối xử ở đây hay không chúng ta cần tiến hành một so sánh ngang bằng.
Trên thực tế, đó chính là điều mà các nghiên cứu kinh tế về khoảng cách tiền lương nỗ lực thực hiện. Họ cố gắng cố định tất cả các yếu tố khác và so sánh những người lao động có các đặc điểm cá nhân và ở vị trí công việc càng giống nhau càng tốt, điểm khác duy nhất là một số là nam còn một số là nữ.
Nếu còn một khoảng cách tiền lương nào đó không được giải thích bởi kỹ năng và kinh nghiệm, thì các nhà kinh tế tạm giả thiết rằng nguyên nhân của khoảng cách đó là do sự phân biệt đối xử, trong khi đợi các nghiên cứu sâu hơn kiểm chứng. Các nghiên cứu này đi tới một đồng thuận là kỹ năng, kinh nghiệm và các ưu tiên lý giải cho phần lớn khoảng cách tiền lương. Vậy nên quan điểm cho rằng phân biệt đối xử về giới gây ra 20% khoảng cách tiền lương là hoàn toàn là hư cấu.
Đâu là thực?
Bạn sẽ để ý thấy tôi nói “phần lớn” của khoảng cách tiền lương được giải thích bởi các yếu tố khác thay vì sự phân biệt đối xử, chứ không phải tất cả. Các nghiên cứu kinh tế đi đến đồng thuận rằng vẫn còn khoảng 3 đến 5% của 20%, hay khoảng 15 đến 25% của khoảng cách tiền lương, không thể được giải thích bởi các khác biệt kinh tế và có thể là do sự phân biệt đối xử.
Vì vậy chuyện có sự phân biệt đối xử ở thị trường lao động không phải là hư cấu. Ngay cả khi các nghiên cứu kinh tế cho thấy hầu hết khoảng cách tiền lương được lý giải bằng các yếu tố khác thì cũng không thể cho rằng toàn bộ khoảng cách tiền lương xuất phát từ các thứ đó. Mặc dù các nghiên cứu kinh tế không kiểm nghiệm trực tiếp yếu tố phân biệt đối xử, thực tế là các loại nghiên cứu khác cũng hé lộ rằng sự phân biệt đối xử tồn tại trong thị trường lao động phù hợp với sự tồn tại của khoảng cách tiền lương (phần không được giải thích về mặt kinh tế)
Do đó những ai muốn lập luận rằng con số 80% chỉ là hư cấu cần phải cẩn thận và nói rất chính xác phần nào là hư cấu.
Có thể nói tóm tắt một cách chính xác nhất như sau: “Đó là sai nếu nói nữ giới chỉ được trả 80% so với nam giới khi họ làm cùng một công việc và có cùng kỹ năng, nhưng đó cũng là sai khi nói không có sự phân biệt đối xử theo giới trong thị trường lao động bởi các nghiên cứu cho thấy các yếu tố kinh tế không thể giải thích hoàn toàn được khoảng cách tiền lương của nam và nữ.”
Phân biệt đối xử ở thị trường lao động vs sự kỳ thị giới (sexism)
Để chính xác hơn nữa thì điều mà các nghiên cứu kinh tế chỉ ra là “sự phân biệt đối xử ở thị trường lao động” cùng lắm, chỉ giải thích được một phần nhỏ khoảng cách tiền lương giữa hai giới. Tuy nhiên nếu chúng ta nói sự kỳ thị giới cũng chỉ gây ra phần nhỏ khoảng cách tiền lương đó thì cũng là không chính xác. Ngay cả khi giới chủ hầu như không phân biệt đối xử giới tính vì không trả lương khác nhau đối với những nhân viên nam và nữ có năng lực giống nhau thì sự phân biệt đối xử do giới chủ gây ra không phải là hình thức kỳ thị giới duy nhất có thể dẫn đến sự khác biệt tiền lương.
Tất cả các nghiên cứu kinh tế đều nói rằng các khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ về kỹ năng, kinh nghiệm, và các ưu tiên lý giải được phần lớn khoảng cách tiền lương. Nhưng điều mà những nghiên cứu này không đề cập là sự kì thị giới tính đã gây ra khác biệt như thế nào về kỹ năng và tri thức (tức “vốn con người”) giữa đàn ông và phụ nữ trước khi họ gia nhập thị trường lao động. Các nghiên cứu đó cũng không đặt nghi vấn rằng liệu sự khác nhau của hai giới trong lựa chọn công việc và kinh nghiệm làm việc cũng là hậu quả của nạn kì thị giới hoặc do các ảnh hưởng khác của văn hoá, xã hội.
Ví dụ, nếu các bé gái khi còn thơ ấu đã được dạy rằng con gái không xuất sắc lắm trong toán và khoa học, và vì thế các bé không được khuyến khích học chuyên các môn đó và dẫn đến không có được mức lương cao hơn, thì những yếu tố này sẽ góp phần vào con số 80%. Nhưng hãy chú ý rằng việc này không phải là do giới chủ phân biệt đối xử. Nếu sự kì thị giới đẩy phụ nữ vào những lĩnh vực có mức lương thấp hơn, điều đó cũng không đồng nghĩa rằng họ phải nhận được mức lương thấp hơn so với đàn ông trong một công việc tương tự. Điều khiến phụ nữ nhận tiền lương thấp hơn là do sự kì thị giới ở những nơi khác chứ không phải trên thị trường.
Những người bảo vệ cho thị trường có thể biện hộ một cách chính đáng rằng thị trường có xu hướng không phân biệt đối xử theo giới, những sự kì thị giới vẫn tồn tại ở những nơi khác và do đó ảnh hưởng gián tiếp đến các kết quả kinh tế của hai giới.
Các ưu tiên, lựa chọn và văn hoá
Những nhà nữ quyền phê bình lý lẽ do những người như tôi đưa ra về các “ưu tiên” khác nhau của nam và nữ (để giải thích cho khoảng cách tiền lương) là có vấn đề.
Ví dụ, thực tế là nữ giới làm việc bán thời gian nhiều hơn nam giới, hay ít có khả năng tăng ca khi họ làm toàn thời gian, là những yếu tố giải thích sự khác biệt tiền lương theo giới tính. Nếu nữ giới dành thời gian cho gia đình nhiều hơn thì tiền lương họ sẽ giảm. Nếu phụ nữ ưu tiên các công việc ít rủi ro thì tiền lương của họ sẽ ít hơn thôi.
Những nhà nữ quyền biện hộ rằng những “ưu tiên” đó thực ra không thực sự là ưu tiên mà chẳng qua là sản phẩm của định kiến xã hội. Liệu phụ nữ có thực sự “chọn” làm tất cả việc đó hay họ chỉ cố đảm nhiệm vai trò về giới do xã hội chọn cho họ.
Không thể nói các yếu tố văn hoá xã hội là không quan trọng. Nhưng nếu ta đồng ý với điều đó thì có nghĩa là chính sách không còn vai trò quá cần thiết. Chúng ta đã nhận ra vấn đề không nằm ở giới chủ hay trong thị trường lao động. Thay vào đó, nếu nghĩ văn hoá xã hội mới là vấn đề cốt lõi, và rằng thế giới sẽ tốt đẹp hơn, tự do hơn nếu phụ nữ được trao quyền hơn để họ có thể học chuyên sâu toán và khoa học và có thu nhập cao hơn, thì chúng ta có thể thay đổi các định kiến văn hoá xã hội để giải quyết vấn đề này. Tương tự, ta có thể thuyết phục nam giới dành nhiều thời gian hơn để ở nhà chăm con và lo liệu công việc gia đình.
Giảm đi tình trạng kỳ thị giới tính thông qua các tiến trình tự nguyện và các định chế xã hội dân sự dường như là một lựa chọn phù hợp hơn so với dùng chính sách. Tôi cũng cho rằng những nền tảng tự do lâu đời về phẩm giá và sự phát triển cá nhân sẽ thúc giục chúng ta phải giải quyết sự kì thị giới tính vẫn còn tồn tại dai dẳng trong nền văn hoá của mình.
Đây là một trong các vấn đề mà chúng ta có thể đồng thuận với các nhà nữ quyền tiến bộ. Cùng nhau thay đổi nền văn hoá là giải pháp tốt hơn thay vì cố gắng áp đặt thị trường lao động bằng những cách không cần thiết.
Một lời giải thích trung thực
Khoảng cách tiền lương theo giới không đơn giản như những người bảo vệ thị trường hay những nhà hoạt động nữ quyền dựng lên. Mặc dù sự phân biệt đối xử ở thị trường lao động không gây ra toàn bộ khoảng cách này nhưng có lẽ nó cũng gây ra một phần nhỏ. Những phần không được lý giải bởi sự phân biệt đối xử ở thị trường lao động có thể là kết quả từ sự kì thị ngầm với phụ nữ trong nền văn hoá.
Ngoài ra, còn có một yếu tố phụ khác liên quan đến các thể chế. Thị trường lao động bị kiểm soát và cản trở làm giảm tính cạnh tranh trong chức vụ và lương bổng của mọi người, và tạo ra nhiều cơ hội xảy ra các phân biệt đối xử khả ố và vô lý. Thị trường càng kém tính cạnh tranh, càng nhiều hình thức quyền lực trỗi dậy, bao gồm cả quyền lực xuất phát từ sự thiên vị.
Thị trường lao động ngày nay còn xa mới đạt đến tự do, vậy cũng đừng ngạc nhiên khi thấy những kết quả không hề cạnh tranh và không tối ưu.
Những người yêu thị trường trong số chúng ta đừng ngại khẳng định sự phân biệt đối xử của thị trường lao động không phải là nguyên nhân chính, nhưng chúng ta cũng không nên ngại mà thừa nhận rằng sự kì thị giới mới chính là nguyên nhân quan trọng và chúng ta phải sẵn lòng đồng hành với những người bạn cánh tả để đẩy lùi nó ở mọi nơi khả dĩ.
Cả hai phía đều có những lý lẽ hư cấu của mình, và để có được bình đẳng giới chúng ta cần một lời giải thích trung thực về các dữ kiện xã hội và kinh tế.
Nguồn: Steven Horwitz, Truth and Myth on the Wage Gap, Foundation for Economic Freedom, 30/3/2017