[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương II: Những lý thuyết không thuyết phục (Phần 2)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương II: Những lý thuyết không thuyết phục (Phần 2)

GIẢ THUYẾT ĐỊA LÝ

Một lý thuyết về nguyên nhân của sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới được chấp nhận rộng rãi là giả thuyết địa lý. Giả thuyết này cho rằng sự khác biệt lớn giữa các nước giàu và nghèo là do sự khác biệt về địa lý tạo ra. Nhiều quốc gia nghèo, chẳng hạn như những nước châu Phi, Trung Mỹ và Nam Á, nằm trong vùng nhiệt đới, bao gồm nhiệt đới cận chí tuyến bắc (tropic of cancer) và nhiệt đới cận chí tuyến nam (tropic of capricorn). Ngược lại, các nước giàu có xu hướng nằm ở các vùng ôn đới. Sự tập trung về mặt địa lý của đói nghèo và thịnh vượng đem đến cho giả thuyết địa lý một sức hấp dẫn bề ngoài, và do vậy trở thành xuất phát điểm cho lý thuyết và quan điểm của nhiều nhà chuyên môn và nhà khoa học xã hội. Nhưng sự thịnh hành của giả thuyết này không hề làm nó trở nên ít sai lầm hơn.

Ngay từ cuối thế kỷ 18, triết gia chính trị vĩ đại của Pháp Montesquieu đã ghi nhận và giải thích cho sự tập trung về mặt địa lý của sự thịnh vượng và nghèo đói. Ông lập luận rằng những người ở vùng khí hậu nhiệt đới có khuynh hướng lười biếng và thiếu tính hiếu kỳ. Kết quả là họ làm việc không chăm chỉ, thiếu sáng tạo, và đó là lý do khiến họ nghèo. Montesquieu cũng suy đoán rằng những người lười biếng có khuynh hướng được cai trị bởi những kẻ bạo chúa, cho thấy rằng vị trí nhiệt đới có thể giải thích không chỉ nghèo đói mà cả một số hiện tượng chính trị liên quan đến thất bại kinh tế, như chế độ độc tài chẳng hạn.

Lý thuyết cho rằng các nước nóng hẳn nhiên nghèo, mặc dù mâu thuẫn với những tiến bộ kinh tế nhanh chóng gần đây của các nước như Singapore, Malaysia và Botswana, vẫn còn được một số người ủng hộ mạnh mẽ, chẳng hạn như nhà kinh tế học Jeffrey Sachs. Các phiên bản hiện đại của quan điểm này không nhấn mạnh vào các tác động trực tiếp của khí hậu đối với nỗ lực làm việc hoặc tư duy, mà vào hai lập luận bổ sung: thứ nhất, các bệnh nhiệt đới, đặc biệt là sốt rét, rất có hại cho sức khỏe và do vậy cho năng suất lao động; và thứ hai, đất đai nhiệt đới hạn chế năng suất của sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, kết luận của những phiên bản mới này cũng không khác gì các phiên bản cũ: các vùng khí hậu ôn đới có lợi thế tương đối so với các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Tuy vậy, sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới không thể được giải thích bởi khí hậu, bệnh tật hoặc bất kỳ phiên bản nào của giả thuyết địa lý. Chỉ cần nghĩ về Nogales là đủ. Điều ngăn cách hai khu vực không phải khí hậu, địa lý, môi trường dịch bệnh, mà chính là biên giới giữa Mỹ và Mexico.

Nếu giả thuyết địa lý không thể giải thích sự khác biệt giữa phía bắc và nam của Nogales, hoặc giữa Bắc và Nam Triều Tiên, hoặc giữa Đông và Tây Đức trước khi bức tường Berlin sụp đổ, thì liệu nó có thể là một lý thuyết hữu ích để giải thích sự khác biệt giữa Bắc và Nam Mỹ, giữa châu Âu và châu Phi hay không? Câu trả lời đơn giản là không.

Lịch sử minh chứng rằng không có mối liên hệ giản đơn và lâu dài giữa khí hậu hay địa lý với sự thành công kinh tế. Chẳng hạn như không phải bao giờ vùng nhiệt đới cũng nghèo hơn vùng ôn đới. Như chúng ta đã thấy trong chương trước, tại thời điểm Columbus phát hiện châu Mỹ, khu vực phía nam của vùng nhiệt đới cận chí tuyến bắc và phía bắc của vùng nhiệt đới cận chí tuyến nam, mà ngày nay bao gồm Mexico, Trung Mỹ, Peru và Bolivia, đã sản sinh ra các nền văn minh vĩ đại Aztec và Inca. Những đế chế phức tạp và tập trung về mặt chính trị này đã xây dựng đường giao thông và thực hiện cứu trợ nạn đói. Người Aztec đã phát minh ra cả tiền tệ và chữ viết, và người Inca, mặc dù thiếu cả hai công nghệ chủ chốt này, đã ghi lại một lượng lớn thông tin bằng cách thắt nút dây thừng. Ngược lại, vào cùng thời đại với người Aztec và Inca, ở phía bắc và phía nam khu vực sinh sống của người Aztec và Inca, mà ngày nay bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Argentina, Chile, chủ yếu là nơi sinh sống của nền văn minh thời kỳ đồ đá, không có tiền tệ mà cũng chẳng có chữ viết. Do đó, việc vùng nhiệt đới ở châu Mỹ đã từng giàu có hơn nhiều so với vùng ôn đới đã cho thấy “thực tế hiển nhiên” về sự nghèo đói của vùng nhiệt đới theo giả thuyết địa lý không chỉ thiếu “thực tế” mà còn không hề “hiển nhiên”. Thay vào đó, sự giàu có ngày nay ở Hoa Kỳ và Canada là những ví dụ của sự “đảo chiều ngoạn mục” nếu so với trạng thái của những nước này trước khi người Âu châu tới.

Sự đảo chiều này rõ ràng không liên quan gì đến vị trí địa lý, mà như chúng ta đã thấy, lại liên quan đến cách thức các khu vực này bị chiếm làm thuộc địa. Sự đảo chiều này cũng không chỉ giới hạn ở châu Mỹ. Người sống ở Nam Á, đặc biệt là ở Ấn Độ và ở Trung Quốc, đã từng giàu có hơn so với người dân ở nhiều quốc gia châu Á khác, và chắc chắn là giàu hơn người Úc và New Zealand. Điều này cũng được đảo chiều, với Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản nổi lên thành những quốc gia giàu nhất ở châu Á. Bên cạnh đó, Úc và New Zealand đã vượt qua hầu như tất cả các nước châu Á về sự thịnh vượng. Ngay cả vùng hạ Sahara ở châu Phi cũng có một sự đảo chiều tương tự. Gần đây hơn, trước khi bắt đầu có sự tiếp xúc mạnh mẽ của châu Âu với châu Phi, khu vực miền nam châu Phi có mật độ định cư thưa thớt nhất, đồng thời mức độ phát triển nhà nước thấp nhất và hầu như không có biện pháp kiểm soát lãnh thổ nào. Thế nhưng Nam Phi ngày nay là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất ở vùng hạ Sahara của châu Phi. Tiếp tục ngược dòng thời gian thêm chút nữa, chúng ta cũng lại bắt gặp sự thịnh vượng ở vùng nhiệt đới. Một số nền văn minh tiền cận đại vĩ đại như Angkor ở Campuchia, Vijayanagara ở miền nam Ấn Độ, và Aksum ở Ethiopia, đã phát triển rực rỡ ở vùng nhiệt đới, cũng như các nền văn minh vĩ đại ở Thung lũng Indus của Mohenjo Daro và Harappa ở Pakistan. Với rất ít hoài nghi, lịch sử đã cho thấy rằng không hề tồn tại mối liên hệ giản đơn giữa vị trí nhiệt đới và sự thành công kinh tế.

Rõ ràng là các bệnh nhiệt đới gây ra nhiều đau khổ và nâng cao tỷ lệ tử vong trẻ em ở châu Phi, nhưng chúng không phải là lý do khiến châu Phi nghèo. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh tật là do tình trạng nghèo đói và do các chính phủ không thể hoặc không sẵn sàng thực hiện các biện pháp y tế công cộng cần thiết để loại trừ chúng. Nước Anh vào thế kỷ 19 cũng không hề lành mạnh, song chính phủ từng bước đầu tư vào nước sạch, xử lý nước thải và sau cùng, vào dịch vụ y tế. Việc cải thiện sức khỏe và tăng tuổi thọ không phải là nguyên nhân cho sự thành công kinh tế của Anh, mà là một thành quả của những thay đổi chính trị và kinh tế trước đó. Điều này cũng đúng cho Nogales của Arizona.

Phần cuối cùng trong giả thuyết địa lý là vùng nhiệt đới nghèo bởi vì nông nghiệp nhiệt đới về bản chất không hiệu quả. Đất đai nhiệt đới mỏng, không thể giữ dưỡng chất, và nhanh chóng bị những cơn mưa nhiệt đới xối xả làm xói mòn. Chắc chắn là có một phần sự thật trong lập luận này, nhưng như chúng ta sẽ thấy, yếu tố có tính quyết định giải thích tại sao nhiều nước nghèo có năng suất nông nghiệp thấp, đặc biệt ở vùng hạ Sahara của châu Phi, không phải là chất lượng đất. Đúng hơn, năng suất nông nghiệp thấp là một hệ quả của cấu trúc quyền sở hữu đất và các khuyến khích mà chính phủ và các thể chế tạo ra cho nông dân. Chúng tôi cũng sẽ cho thấy sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới không thể được giải thích bởi sự khác biệt trong năng suất nông nghiệp. Sự cách biệt giàu nghèo to lớn trong thế giới hiện đại nổi lên vào thế kỷ 19 là do sự chênh lệch về công nghệ và công nghiệp chế tạo chứ không phải do sự khác biệt trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Một phiên bản có ảnh hưởng khác của giả thuyết địa lý là của nhà sinh thái học và sinh vật học tiến hóa Jared Diamond. Ông lập luận rằng nguồn gốc của sự chênh lệch giàu nghèo giữa các lục địa bắt đầu từ thời cận đại, cách đây 500 năm, nằm ở sự khác nhau trong kho tàng các loài động thực vật, và điều này ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp. Ở một số nơi, chẳng hạn như Fertile Crescent ở Trung Đông, có một số lượng lớn các loài có thể được con người thuần hóa. Ở các nơi khác, chẳng hạn như châu Mỹ, những loài này không tồn tại. Việc có nhiều loài có khả năng được thuần hóa đã làm cho các xã hội dễ dàng chuyển từ săn bắn hái lượm sang đời sống nông nghiệp. Kết quả là, nông nghiệp ở Fertile Crescent phát triển sớm hơn so với châu Mỹ. Mật độ dân số tăng lên cho phép chuyên môn hóa lao động, thương mại, đô thị hóa và phát triển chính trị. Điều quan trọng là, ở những nơi mà nông nghiệp chiếm ưu thế, đổi mới công nghệ đã diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với các phần khác của thế giới. Như vậy, theo Diamond, sự khác biệt trong kho tàng các loài động thực vật đã tạo ra sự khác biệt trong cường độ của hoạt động nông nghiệp, dẫn đến con đường thay đổi công nghệ và thịnh vượng khác nhau giữa các châu lục.

Mặc dù luận thuyết của Diamond là một cách tiếp cận có trọng lượng cho vấn đề mà ông tập trung nghiên cứu, nó không thể được mở rộng để giải thích sự cách biệt giàu nghèo trong thế giới hiện đại. Ví dụ, Diamond cho rằng sở dĩ Tây Ban Nha đã có thể thống trị các nền văn minh châu Mỹ là vì họ có lịch sử hoạt động nông nghiệp dài hơn, và do đó công nghệ ưu việt hơn. Nhưng nếu thế thì chúng ta cần phải giải thích tại sao người Mexico và Peru hiện đang sống ở các vùng đất trước đây của người Aztec và Inca lại nghèo. Mặc dù việc có lúa mì, lúa mạch và ngựa kéo có thể đã làm người Tây Ban Nha giàu có hơn người Inca, nhưng khoảng cách thu nhập giữa hai nhóm người không quá lớn. Thu nhập bình quân của người Tây Ban Nha có lẽ gấp chưa tới hai lần so với công dân của Đế chế Inca. Luận thuyết của Diamond ngụ ý rằng một khi người Inca được tiếp xúc với tất cả các loài động thực vật và công nghệ (vốn là kết quả của việc có những loài này) mà trước đây họ đã không thể tự phát triển được, thì họ sẽ nhanh chóng đạt được mức sống của người Tây Ban Nha. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Ngược lại, khoảng cách thu nhập giữa Tây Ban Nha và Peru trong thế kỷ 19 và 20 còn được nới rộng thêm ra. Ngày nay, mức sống trung bình của người Tây Ban Nha cao hơn sáu lần so với người Peru. Khoảng cách về thu nhập này có mối liên hệ chặt chẽ với sự chênh lệch về công nghệ hiện đại, chứ hầu như không liên quan gì tới tiềm năng thuần hóa động vật và khai hóa thực vật hay sự khác biệt nội tại trong năng suất nông nghiệp giữa Tây Ban Nha và Peru.

Trong khi Tây Ban Nha, mặc dù với một độ trễ nhất định, đã tiếp nhận các công nghệ như đầu máy hơi nước, đường sắt, điện, cơ khí hóa và công xưởng sản xuất, thì Peru hoặc là không tiếp nhận hoặc là có tiếp nhận nhưng rất chậm chạp và không hoàn hảo. Khoảng cách công nghệ này tồn tại cho đến tận ngày nay và tự tái tạo trên một quy mô rộng lớn hơn khi các công nghệ mới, đặc biệt liên quan đến công nghệ thông tin, đang tiếp thêm nhiên liệu cho sự tăng trưởng ở các nước đã phát triển và ở một số nước đang phát triển nhanh. Luận thuyết của Diamond không nói với chúng ta tại sao các công nghệ quan trọng này lại không lan tỏa và làm cân bằng thu nhập của toàn thế giới. Luận thuyết này cũng không giải thích tại sao nửa phía bắc của Nogales lại giàu hơn hẳn so với người anh em song sinh ở nửa bên kia của hàng rào biên giới, mặc dù cả hai nửa cùng có chung một nền văn minh cách đây 500 năm.

Câu chuyện của Nogales làm nổi bật một vấn đề lớn nữa trong việc áp dụng luận thuyết của Diamond: như chúng ta đã thấy, bất chấp các nhược điểm của đế chế Inca và Aztec vào năm 1532, chắc chắn là Peru và Mexico đã thịnh vượng hơn so với những vùng đất châu Mỹ mà sau này trở thành Hoa Kỳ và Canada. Bắc Mỹ trở nên thịnh vượng hơn chính là nhờ nó đã nhiệt thành tiếp nhận công nghệ và tiến bộ của cuộc Cách mạng công nghiệp. Dân chúng được học hành và đường sắt trải dài khắp Đại bình nguyên (Great Plains) - hoàn toàn trái ngược với những gì đã xảy ra ở Nam Mỹ. Điều này không thể được giải thích bằng sự khác biệt địa lý giữa Bắc và Nam Mỹ, mà nếu có nhấn mạnh đến sự khác biệt này đi chăng nữa thì thuận lợi sẽ thuộc về Nam Mỹ chứ không phải Bắc Mỹ.

Cách biệt giàu nghèo trong thế giới hiện đại phần lớn là kết quả của tình trạng chênh lệch trong việc phổ biến và áp dụng công nghệ, và luận thuyết của Diamond có bao gồm một số lập luận quan trọng về điều này. Ví dụ, ông lập luận, theo nhà sử học William McNeill, hướng đông-tây của lục địa Á-Âu (Eurasia) cho phép cây trồng, động vật và đổi mới lan truyền từ Fertile Crescent vào Tây Âu, trong khi hướng bắc-nam của châu Mỹ giải thích tại sao chữ viết, được tạo ra ở Mexico, đã không lan truyền sang Andes hoặc Bắc Mỹ. Tuy nhiên, hướng của lục địa không thể cung cấp một lời giải thích cho sự cách biệt giàu nghèo của thế giới. Hãy thử nhìn vào châu Phi. Mặc dù sa mạc Sahara là một rào cản đáng kể cho sự di chuyển của hàng hóa và ý tưởng từ phía bắc hạ Sahara của châu Phi, những rào cản này không phải là không thể vượt qua. Người Bồ Đào Nha, và sau đó những người châu Âu khác, đã từng dong thuyền quanh bờ biển và loại bỏ sự khác biệt về tri thức vào thời điểm khi khoảng cách thu nhập còn rất nhỏ so với hiện nay. Kể từ đó, châu Phi đã không thể bắt kịp châu Âu. Trái lại, khoảng cách thu nhập giữa hầu hết các nước châu Âu và châu Phi hiện nay còn lớn hơn nhiều so với trước đây.

Cũng cần nói rõ rằng lập luận của Diamond là về sự chênh lệch giàu nghèo giữa các lục địa chứ không phải trong phạm vi của các lục địa, mà đây mới là phần cốt yếu của chênh lệch giàu nghèo trong thế giới hiện đại. Chẳng hạn như, mặc dù hướng lục địa Á- Âu có thể giải thích việc nước Anh đã làm thế nào để hưởng lợi từ những đổi mới của Trung Đông mà không cần phải phát minh lại chúng, nhưng hướng lục địa lại không giải thích được tại sao cuộc Cách mạng công nghiệp đã xảy ra ở Anh chứ không phải là ở Moldova chẳng hạn. Bên cạnh đó, như bản thân Diamond đã chỉ ra, Trung Quốc và Ấn Độ được hưởng lợi rất nhiều từ sự phong phú của các loài động vật và thực vật và từ hướng của lục địa Á-Âu. Nhưng hầu hết người nghèo của thế giới ngày nay tập trung ở hai quốc gia này.

Bản đồ 4: Sự phân bố lịch sử của lợn và ngựa hoang (p.80)

Trong thực tế, cách tốt nhất để xem xét phạm vi luận thuyết của Diamond là nhìn vào các biến giải riêng của Diamond. Bản đồ 4 cho thấy số liệu về sự phân bố của Sus scrofa - tổ tiên của loài lợn hiện đại, và bò rừng ở châu Âu - tổ tiên của bò hiện đại. Cả hai loài này phân bố rộng khắp lục địa Á-Âu và cả Bắc Phi. Bản đồ 5 cho thấy sự phân bố của một số tổ tiên hoang dã của một số cây trồng đã được khai hóa, chẳng hạn như Oryza sativa, tổ tiên của gạo trồng ở châu Á và tổ tiên của lúa mì và lúa mạch hiện đại. Bản đồ này cho thấy tổ tiên hoang dại của gạo đã được phân phối rộng rãi trên khắp vùng Nam Á và Đông Nam Á, trong khi tổ tiên của lúa mạch và lúa mì đã được phân bố dọc theo một vòng cung dài từ Levant, qua Iran và vào Afghanistan và cụm lại ở các nước “stan” (Turkmenistan, Tajikistan và Krgyzistan). Những loài tổ tiên này có mặt ở phần lớn của lục địa Á-Âu. Tuy nhiên, sự phân bố rộng rãi của chúng gợi ý rằng sự chênh lệch giàu nghèo ở lục địa Á-Âu không thể được giải thích bằng một lý thuyết dựa trên phạm vi xuất hiện của các loài.

Bản đồ 5: Sự phân bố lịch sử của lúa, lúa mì và lúa mạch hoang (p.83)

Giả thuyết địa lý không những không giúp giải thích nguồn gốc của sự thịnh vượng trong suốt chiều dài lịch sử thế giới, và nhìn chung không chính xác khi nhấn mạnh vào vai trò của vị trí địa lý, mà còn không thể lý giải tình trạng cách biệt giàu nghèo được mô tả ở đầu chương này. Người ta có thể lập luận rằng bất kỳ một mô thức liên tục nào, chẳng hạn như thứ bậc thu nhập ở châu Mỹ hay sự khác biệt sâu sắc và lâu dài giữa châu Âu và Trung Đông, có thể được giải thích bằng yếu tố địa lý bất biến. Nhưng điều này không phải thế. Chúng ta đã thấy rằng các mô thức về cách biệt thu nhập ở châu Mỹ hầu như không thể do các yếu tố địa lý thúc đẩy. Trước năm 1492, chính các nền văn minh ở thung lũng trung tâm của Mexico, Trung Mỹ và dãy núi Andes mới là nơi có công nghệ ưu việt và mức sống cao hơn so với Bắc Mỹ hoặc Argentina và Chile. Trong khi địa lý không thay đổi, các thể chế do thực dân châu Âu áp đặt đã tạo ra sự đảo chiều về thứ bậc thịnh vượng (“reversal of fortune”). Tương tự như vậy, địa lý cũng không giải thích được nghèo đói ở Trung Đông. Tóm lại là Trung Đông đã từng dẫn đầu thế giới trong cuộc cách mạng thời kỳ đồ đá mới, và các thị trấn đầu tiên được xây dựng ở vị trí của Iraq ngày nay. Sắt lần đầu tiên được nung chảy ở Thổ Nhĩ Kỳ, và cho đến cuối thời Trung cổ, Trung Đông là nơi năng động về công nghệ. Như chúng ta sẽ thấy trong chương 5, điều kiện địa lý của Trung Đông không làm nên cuộc cách mạng thời kỳ đồ đá mới nở rộ ở vùng này, và một lần nữa, không phải do điều kiện địa lý làm cho Trung Đông nghèo.

Thay vào đó, nguyên nhân nằm ở sự củng cố và bành trướng của Đế chế Ottoman, và chính di sản thể chế của đế chế này đã khiến Trung Đông ngày nay nghèo.

Cuối cùng, các yếu tố địa lý không giúp giải thích không chỉ về sự khác biệt giữa các phần khác nhau của thế giới ngày hôm nay mà còn tại sao nhiều quốc gia như Nhật Bản hay Trung Quốc bị đình trệ trong một thời gian dài và sau đó bắt đầu một quá trình tăng trưởng nhanh chóng. Chúng ta cần một giả thuyết khác tốt hơn.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh