[Tinh thần dân chủ] Chương 15: Thầy thuốc, hãy tự chữa bệnh (Phần 4)

[Tinh thần dân chủ] Chương 15: Thầy thuốc, hãy tự chữa bệnh (Phần 4)

TÀI CHÍNH CỦA CHIẾN DỊCH

Ít, nếu quả thật là có, các chế độ dân chủ trong thế giới đương đại giải quyết được vấn đề cung cấp tài chính cho các đảng chính trị và các chiến dịch tranh cử – đặc biệt là trong thời đại với những nhu cầu không thể nào thỏa mãn được vì quảng cáo trên truyền hình và đài phát thanh ngày càng đắt lên. Ở Hoa Kỳ, vấn đề còn gia tăng vì giải thích hiến pháp của Tòa án Tối cao được đưa ra năm 1976, nói rằng bất kì hạn chế bắt buộc nào đối với chi phí cho chiến dịch (tranh cử – ND) cũng đều vi phạm Tu chính án Thứ nhất về bảo đảm quyền tự do ngôn luận.1 Nhưng ở những nước với những giới hạn rất nghiêm khắc đối với việc chi tiêu cho chiến dịch, như ở Nam Hàn, vẫn thường xảy ra những vụ vi phạm pháp luật và trên khắp thế giới, cả trong những nền dân chủ đã được củng cố lẫn trong những nền dân chủ mới nổi, luật pháp về tài chính cho chiến dịch thường “nổi tiếng vì có nhiều vi phạm... Theo một chuyên gia làm việc cho quốc hội Pháp thì ‘số liệu thống kê công khai tài chính của đảng trong các tài khoản chính thức – ở Pháp, cũng như ở các nước khác – là những tác phẩm mang tính hư cấu’. Ở Italy, khai báo trung thực ‘hầu như không bao giờ xảy ra’. Ở Nhật Bản, các tài khoản được công bố ‘chỉ là phần nổi của tảng băng mà thôi.’”2. Tình hình sẽ tốt hơn hẳn nếu có những bộ luật thực tế và minh bạch hoàn toàn, cùng với lực lượng thực thi mạnh chứ không phải là đòi hỏi quá đáng hay những bộ luật rắc rối chỉ dẫn đến kết quả là vi phạm tràn lan và hoài nghi vì luật pháp không được thực thi. Một chương thì không thể nói hết được sự phức tạp của các điều luật và những cuộc tranh luận về tài chính của chiến dịch ở Hoa Kỳ, nhưng rõ ràng là hệ thống đã bị sụp đổ và cần cải cách.

Một trong những vấn đề quan trọng là cái gọi là những nhóm vận động “tiền mềm” được sử dụng số tiền không hạn chế để ủng hộ (hay phản đối) một chiến dịch miễn là chúng không thể hiện rõ trong thông điệp của họ. Một vấn đề khác là khả năng của các nhà tài trợ tích cóp ảnh hưởng thông qua những khoản đóng góp nhỏ được tập hợp lại, gọi là đóng góp “bó”. Nhưng, vấn đề lớn nhất là khoản tiền mặt cần thiết buộc các quan chức dân cử phải tổ chức các chiến dịch gây quỹ cho những cuộc bầu cử tiếp theo. Trong hai mươi năm qua, chi phí để giành chiến thắng cho cuộc đua vào hạ viện đã tăng gần gấp đôi, năm 2004 trung bình là 1 triệu USD, còn chi phí cho một ghế ở thượng viện cũng tăng tương ứng (trên 7 USD triệu vào năm 2004, có một số trường hợp lên tới trên 20 triệu USD.)3 Mặc dù có những điều khoản về việc chính phủ cung cấp
một phần tài chính cho các chiến dịch tranh cử tổng thống, việc cạnh tranh về tài chính cho cuộc đua giành chức vụ đã tăng gấp ba lần mức chi tiêu trong khuôn khổ quỹ liên bang cho phép mà phần lớn các ứng viên chính của cả hai đảng quyết định lờ đi.

Cải cách đầu tiên và dễ thực hiện nhất về tài chính của chiến dịch tranh cử là minh bạch hoàn toàn và ngay lập tức. Tất cả các khoản do các nhóm vận động “tiền mềm” chi phải được báo cáo, chỉ rõ những ứng viên được ủng hộ, không phụ thuộc vào việc khoản ủng hộ này gián tiếp đến mức nào. Tất cả các ứng viên, liên bang cũng như bang, đều phải – tương tự như ứng viên tổng thống hay ứng viên vào hạ viện – trong thời gian ngắn, lập báo cáo, đã số hóa, về tài chính của chiến dịch. Vì các ứng viên vào thượng viện không phải lập báo cáo tài chính, đã số hóa, phải hàng tháng sau, bản kê khai tài chính cuối cùng mới được công bố. Năm 2006, trong những cuộc đua căng thẳng ở các bang Missouri, Montana và Pennsylvania, sau khi bầu cử xong, những bản báo cáo chi tiết về các khoản tài trợ trong những tuần lễ cuối cùng mới được công bố.4 Từ năm 1997, Ủy ban Bầu cử Liên bang (Federal Election Commission – FEC) đã thúc đẩy việc thay đổi yêu cầu hoàn thiện hồ sơ của thượng viện, nhưng các thượng nghĩ sĩ đã phản đối cuộc cải cách này.

Còn cần cơ cấu giám sát phi đảng phái, độc lập hơn và nhất quán hơn. Những người có tư tưởng cải cách như nghị sĩ Cộng hòa John McCain và nghị sĩ Dân chủ Russ Feingold khẳng định rằng FEC gặp nhiều rắc rối vì cơ cấu thiếu hiệu quả, vì chính trị hóa trong việc chỉ định các thành viên và ảnh hưởng của quốc hội.5 Họ muốn bỏ FEC và thành lập Văn phòng bầu cử liên bang với đầy đủ quyền hành để đưa ra, quản lý và thi hành chính sách liên quan tới các đạo luật bầu cử liên bang. Văn phòng này sẽ có quyền đề xướng những hành động để thực hiện, đưa ra các mệnh lệnh ngừng-và-chấm-dứt, kiến nghị các thẩm phán liên bang tạm thời hạn chế các mệnh lệnh và những chỉ đạo khác, thực hiện việc kiểm toán và lãnh đạo việc công khai các khoản chi tiêu.

Cuộc cải cách nhiều tham vọng nhất và cũng khó thành công nhất vì nó chống lại một ngành mà không chính trị gia nào muốn làm mất lòng – giảm giá quảng cáo cao ngất ngưởng trên truyền hình và đài phát thanh. Quảng cáo trên truyền hình và đài phát thanh là chi phí lớn nhất trong các cuộc đua trên bình diện quốc gia và bang, và việc cung cấp cho các ứng viên thời gian phát sóng miễn phí hay giảm giá sẽ giảm đáng kể nhu cầu tiền mặt cho chiến dịch. McCain, Feingold và đảng viên Cộng hòa Dick Durbin đã từng giới thiệu dự luật mang tên “Our Democracy, Our Airwaves Act of 2003” (tạm dịch: Luật Nền dân chủ của chúng ta, Sóng vô tuyến của chúng ta năm 2003). Nếu được thông qua, luật này sẽ cung cấp cho các ứng viên liên bang và đảng đủ điều kiện một khoản tiền (voucher) để trả cho thời gian quảng cáo trên truyền hình và đài phát thanh.6 Phiếu giảm giá sẽ được tài trợ bằng khoản phí, được đề xuất là từ 0,5% đến 1% doanh thu hằng năm của các hãng truyền thông vì đã sử dụng sóng truyền hình và phát thanh. Ứng cử viên sẽ được tiêu chuẩn nhận phiếu nếu gây quĩ được 25.000 USD, mỗi người đóng góp 250 USD trở xuống và đồng ý hạn chế chi phí của mình ở mức độ nhất định và có ít nhất một đối thủ cũng gây quỹ được mức đó. Dự luật đã không được ủy ban thông qua, nhưng cách tiếp cận thì đáng được tái xem xét. Hay đơn giản hơn là, ứng viên được cung cấp một thời lượng miễn phí, “Hoa Kỳ nằm bên ngoài những nước dân chủ tiến bộ nhất về kinh tế vì không cung cấp cho các đảng chính trị và ứng viên thời lượng quảng bá chính trị miễn phí.”7

Chiến lược thay thế là cung cấp tài chính trọn gói hay một phần cho các chiến dịch tranh cử cho hầu hết các chức vụ liên bang hay tiểu bang. Cách tiếp cận này không còn thuộc lĩnh vực tưởng tượng nữa. Bẩy bang (trong đó có New Mexico và New Jersey) đã tài trợ toàn bộ ít nhất là cho một số chức vụ của bang và ba bang trong số đó – Arizona, Connecticut và Maine – tài trợ toàn bộ cho tất cả những cuộc đua vào cơ quan lập pháp và trong toàn bang.8 Nếu được áp dụng trong toàn quốc, thậm chí là một phần, có thể cung cấp cho các ứng viên tranh cử vào quốc hội ngân quĩ tương đương nhau cho tất cả các khoản đóng góp nhỏ (ví dụ, dưới 150 USD, giới hạn cho các cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ) trong những cuộc bầu cử sơ bộ để được đảng chỉ định và sau đó là mức cung cấp tài chính tối thiểu trong những cuộc bầu cử toàn quốc, có thể là phần bổ sung cho những khoản đóng góp nhỏ hơn (tới 250 USD hay thậm chí là 500 USD). Điều này sẽ ngăn chặn, không để cho các chiến dịch tranh cử khuyến khích việc mua bán ảnh hưởng bằng cách thu gom những khoản đóng góp nhỏ từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp thành những khoản đóng góp cực kì to lớn cho chiến dịch vận động.

Chú thích:

1. Buckley v. Valeo, 424 U.S. 1, 39 (1976).

2. Michael Pinto-Duschinsky, “Financing Politics: A Global View”, Journal of Democracy 13
(October 2002): 80.
3. Ibid.

4. Dan Morain, “Senators Move Donor Disclosures at a Snail’s Pace”, Los Angeles Times, February 3, 2007.
5. Democracy2l, “See No Bark, No Bile, No Point”, May 2002, p. 5, http://www.democracy21.org/vertical/Sites/%7B3D66FAFE-2697-446F-BB39-85FBBBA57812%7D/uploads/%7BB4BE5C24-
65EA-4910-974C-759644EC0901%7D.pdf.

6. Joseph E. Cantor, “Campaign Financing”, Congressional Research Service, December 15,2003, p. 4, http://fpc.state.gov/documents/organization/28105.pdf.
7. Pinto-Duschinsky, “Financing Politics: A Global View”, pp. 74-75.
8. Public Campaign Action Fund, http://wwv.publicampaign.org/where.

Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường