[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương I: Rất gần nhau mà rất khác nhau (Phần 4)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương I: Rất gần nhau mà rất khác nhau (Phần 4)

CÓ MỘT Ý TƯỞNG, KHỞI ĐỘNG MỘT HÃNG, VÀ NHẬN ĐƯỢC MỘT KHOẢN VAY

Cách mạng Công nghiệp đã bắt đầu ở nước Anh. Thành công đầu tiên của nó đã là cách mạng hóa sản xuất quần áo vải bông bằng cách sử dụng các máy mới được cung cấp lực bởi các bánh xe nước và muộn hơn bởi các động cơ hơi nước. Cơ giới hóa việc sản xuất vải bông đã làm tăng rất nhiều năng suất của những người lao động, đầu tiên trong ngành dệt may, và sau đó trong các ngành khác. Động cơ của những đột phá công nghệ trong khắp nền kinh tế là sự đổi mới sáng tạo (innovation), với mũi xung kích của các doanh nhân và các nhà kinh doanh mới háo hức áp dụng các ý tưởng mới của họ. Sự nở hoa ban đầu này đã nhanh chóng lan qua Bắc Đại Tây Dương sang Hoa Kỳ. Người dân đã thấy các cơ hội kinh tế to lớn sẵn có trong thích nghi các công nghệ mới được phát triển ở Anh. Họ cũng được truyền cảm hứng để phát triển các sáng chế riêng của mình.

Chúng ta có thể thử để hiểu bản chất của các sáng chế này bằng cách ngó xem ai đã được cấp bằng sáng chế. Hệ thống bằng sáng chế, mà bảo vệ các quyền tài sản trong các ý tưởng, đã được hệ thống hóa trong Đạo luật về các Độc quyền được xây dựng và ban hành bởi Quốc hội Anh năm 1623, một phần như một nỗ lực để ngăn chặn nhà vua khỏi ban một cách tùy tiện “các thư bằng sáng chế” cho ai mà ngài muốn – trên thực tế cấp các quyền độc quyền để thực hiện các hoạt động hay các công việc kinh doanh nhất định. Điều nổi bật về bằng chứng cấp bằng sáng chế ở Hoa Kỳ là, những người được cấp bằng sáng chế đến từ mọi loại xuất thân, mọi loại bối cảnh và mọi ngành nghề, chứ không chỉ là những người giàu và ưu tú. Nhiều người đã kiếm được bộn tiền hay trở nên giàu có dựa vào các bằng sáng chế của mình. Hãy xét Thomas Edison, người sáng chế ra đĩa ghi âm, bóng đèn điện và người sáng lập ra General Electric, vẫn là một trong những công ty lớn nhất thế giới. Edison đã là người con út trong bảy người con. Cha ông, Samuel Edison, đã theo nhiều nghề, từ tách các tấm ván làm ngói gỗ lợp nhà đến làm thợ may đến cai quản một quán rượu. Thomas đã ít được học chính thống ở trường nhưng đã được học tại nhà nhờ mẹ ông.

Giữa 1820 và 1845, chỉ có 19 phần trăm những người được cấp bằng sáng chế ở Hoa Kỳ đã có cha mẹ là các nhà chuyên nghiệp hay từ các gia đình chủ đất lớn có thể nhận ra được. Trong cùng thời kỳ, 40 phần trăm những người đã được cấp bằng sáng chế chỉ đã học tiểu học hay ít hơn, đúng như Edison. Hơn nữa, họ thường khai thác bằng sáng chế của mình bằng cách thành lập một hãng, lại giống như Edison. Hệt như Hoa Kỳ trong thế kỷ thứ mười chín về mặt chính trị đã là dân chủ hơn hầu như bất cứ quốc gia khác nào trên thế giới vào thời đó, nó cũng đã dân chủ hơn các nước khác khi nói về đổi mới sáng tạo. Điều này là cốt yếu cho con đường của nó để trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo nhất về mặt kinh tế trên thế giới.

Nếu bạn nghèo với một ý tưởng hay, thì một việc là lấy một bằng sáng chế, mà, rốt cuộc, cũng không tốn kém lắm. Là chuyện hoàn toàn khác để dùng bằng sáng chế đó để kiếm tiền. Một cách, tất nhiên, là bán bằng sáng chế cho ai đó khác. Đấy là cách Edison đã làm lúc đầu, để huy động một ít vốn, khi ông bán [bằng sáng chế về] máy điện tín Quadruplex cho Western Union lấy 10.000 USD. Nhưng bán các bằng sáng chế là một ý tưởng hay chỉ cho ai đó giống Edison, người đã có các ý tưởng nhanh hơn ông có thể đưa chúng vào thực tế. (Ông đã có một kỷ lục thế giới 1.093 bằng sáng chế đã được cấp cho ông ở Hoa Kỳ, và 1.500 trên toàn thế giới). Cách thực sự để kiếm tiền từ một bằng sáng chế là lập doanh nghiệp riêng của bạn. Nhưng để khởi động một doanh nghiệp, bạn cần vốn, và bạn cần các ngân hàng cho bạn vay vốn.

Các nhà sáng chế ở Hoa Kỳ một lần nữa lại gặp may. Trong thế kỷ thứ mười chín đã có sự mở rộng nhanh của trung gian tài chính và hoạt động ngân hàng mà đã là một nhân tố cốt yếu tạo thuận lợi cho sự tăng trưởng nhanh và công nghiệp hóa mà nền kinh tế đã trải qua. Trong khi vào năm 1818 đã có 338 ngân hàng hoạt động ở Hoa Kỳ, với tổng tài sản 160 triệu USD, vào năm 1914 đã có 27.864 ngân hàng với tổng tài sản 27,3 tỷ USD. Các nhà đầu tư tiềm năng ở Hoa Kỳ đã có rồi sự tiếp cận đến vốn để khởi động các doanh nghiệp của mình. Hơn nữa, sự cạnh tranh cao độ giữa các ngân hàng và các tổ chức tài chính ở Hoa Kỳ đã có nghĩa rằng khoản vốn này đã sẵn có với lãi suất khá thấp.

Cùng thứ đã không đúng ở Mexico. Thực ra, vào năm 1910, khi Cách mạng Mexic bắt đầu, đã chỉ có bốn mươi hai ngân hàng ở Mexico, và hai trong số đó đã kiểm soát 60 phần trăm tổng tài sản ngân hàng. Không giống Hoa Kỳ, nơi cạnh tranh là khốc liệt, hầu như đã không có cạnh tranh giữa các ngân hàng Mexic. Sự thiếu cạnh tranh này có nghĩa rằng các ngân hàng đã có thể tính lãi suất rất cao cho các khách hàng của mình, và thường đã giới hạn việc cấp tín dụng cho người có đặc quyền và người đã giàu rồi, những người sau đó sẽ sử dụng sự tiếp cận của họ đến tín dụng để tăng sự kìm kẹp của họ đối với các khu vực khác nhau của nền kinh tế.

Hình thức, mà ngành ngân hàng Mexico đã lấy trong các thế kỷ mười chín và hai mươi, đã là kết quả trực tiếp của các thể chế chính trị sau độc lập của nước này. Sự hỗn độn của thời đại Santa Ana được kế tiếp bởi một nỗ lực chết yểu của chính phủ Pháp của Hoàng đế Napoleon II để tạo ra một chế độ thuộc địa ở Mexico dưới Hoàng đế Maximillian I giữa 1864 và 1867. Người Pháp đã bị trục xuất, và một hiến pháp mới đã được thảo. Nhưng chính phủ được lập ra đầu tiên bởi Benito Juárez và, sau cái chết của ông, bởi Sebastián Lerdo de Tejeda đã mau chóng bị thách thức bởi một nhà quân sự trẻ có tên là Porfirio Díaz. Díaz đã là một tướng chiến thắng trong chiến tranh chống lại Pháp và đã nuôi dưỡng khát vọng quyền lực. Ông đã lập một đội quân nổi loạn và, vào tháng 11-1876, đã đánh bại quân đội của chính phủ ở Trận Tecoac. Trong tháng Năm của năm sau, ông đã tự bầu mình làm tổng thống. Ông đã tiếp tục cai trị Mexico ít nhiều không gián đoạn và theo cách ngày càng chuyên quyền cho đến khi bị lật đổ bởi cách mạng nổ ra ba mươi tư năm sau.

Giống Iturbide và Santa Ana trước ông, Díaz đã bắt đầu cuộc đời như một chỉ huy quân đội. Một con đường sự nghiệp như vậy vào hoạt động chính trị đã chắc chắn được biết đến ở Hoa Kỳ. Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, George Washington, cũng đã là một tướng thành công trong Chiến tranh Độc lập. Ulysess S. Grant, một trong các tướng Liên bang chiến thắng của Nội Chiến, đã trở thành tổng thống năm 1869, và Dwight D. Eisenhower, tổng chỉ huy các Lực lượng Đồng minh ở châu Âu trong Chiến tranh Thế giới II, đã là tổng thống Hoa Kỳ giữa 1953 và 1961. Tuy vậy, không giống Iturbide, Santa Ana và Díaz, không ai trong các nhà quân sự này đã dùng vũ lực để lên nắm quyền. Họ cũng đã không dùng vũ lực để tránh phải từ bỏ quyền lực. Họ đã tuân theo hiến pháp. Tuy Mexico đã có các hiến pháp trong thế kỷ thứ mười chín, chúng đã đặt ra ít ràng buộc về cái mà Iturbide, Santa Ana và Díaz đã có thể làm. Những người này đã có thể bị loại bỏ khỏi quyền lực chỉ bằng cùng cách họ đã đạt được nó: bằng sử dụng vũ lực.

Díaz đã vi phạm các quyền tài sản của nhân dân, tạo thuận lợi cho việc chiếm đoạt số lượng đất đai rộng lớn, và ông đã trao những độc quyền và các đặc ân cho những người ủng hộ ông trong mọi lĩnh vực kinh doanh, kể cả ngân hàng. Đã chẳng có gì mới về cách ứng xử này. Đấy chính xác là cái những kẻ chinh phục Tây Ban Nha đã làm, và cái Sata Ana đã làm theo bước chân họ.

Lý do mà Hoa Kỳ đã có ngành ngân hàng tốt hơn một cách cơ bản cho sự thịnh vượng kinh tế đã chẳng liên quan gì đến những sự khác biệt về động cơ của những người sở hữu ngân hàng. Thực vậy, động cơ lợi nhuận, mà làm nòng cốt cho bản chất độc quyền của ngành ngân hàng ở Mexico, cũng đã hiện diện cả ở Hoa Kỳ nữa. Nhưng động cơ lợi nhuận này đã được hướng một cách khác đi bởi vì các thể chế khác biệt hoàn toàn của Hoa Kỳ. Các chủ ngân hàng đã đối mặt với các thể chế kinh tế khác hẳn, các thể chế đã buộc chúng phải cạnh tranh mạnh hơn rất nhiều. Và việc này đã phần nhiều là bởi vì các nhà chính trị, những người soạn ra các quy tắc cho các chủ ngân hàng, bản thân họ đã phải đối mặt với các khuyến khích rất khác được tạo ra bởi các thể chế chính trị khác biệt. Thực vậy, vào cuối thế kỷ thứ mười tám, không lâu sau khi Hiến pháp Hoa Kỳ đi vào hoạt động, một hệ thống ngân hàng trông giống hệ thống, mà sau đó đã áp đảo ở Mexico, đã bắt đầu nổi lên. Các chính trị gia đã thử thành lập các độc quyền ngân hàng bang, mà họ đã có thể đưa cho các bạn và các đối tác của họ để đổi lại một phần lợi nhuận độc quyền. Các ngân hàng cũng đã mau chóng lao vào công việc kinh doanh cho các chính trị gia, những người điều tiết họ, vay tiền, hệt như ở Mexico. Nhưng tình hình này đã không thể duy trì được ở Hoa Kỳ, bởi vì các chính trị gia những người đã thử lập ra các độc quyền ngân hàng này, không giống như ở Mexico, đã phải tuân theo sự bầu cử và tái bầu cử. Tạo ra các độc quyền ngân hàng và cấp các khoản vay cho các chính trị gia là công việc kinh doanh tốt cho các chính trị gia, nếu họ có thể tránh thoát các hậu quả. Tuy vậy, nó không đặc biệt tốt cho các công dân. Không giống ở Mexico, ở Hoa Kỳ các công dân đã có thể kìm hãm và giải thoát khỏi các chính trị gia, những người lạm dụng chức vụ của mình để làm giàu cho mình hay tạo ra các độc quyền cho các cánh hẩu của mình. Kết quả là, các độc quyền ngân hàng đã sụp đổ. Sự phân bố rộng các quyền chính trị ở Hoa Kỳ, đặc biệt khi so sánh với Mexico, đã đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng đến tài chính và các khoản vay. Điều này, đến lượt nó, lại đảm bảo rằng những người có các ý tưởng và các sáng chế có thể được hưởng lợi từ chúng.

SỰ THAY ĐỔI PHỤ THUỘC VÀO CON ĐƯỜNG

Thế giới đã thay đổi trong các năm 1870 và 1880. Mỹ Latin đã không là ngoại lệ. Các thể chế, mà Porfirio Díaz đã thiết lập, đã không giống hệt các thể chế của Santa Ana hay của nhà nước thuộc địa Tây Ban Nha. Nền kinh tế thế giới đã phồn thịnh bột phát trong nửa sau của thế kỷ mười chín, và những đổi mới sáng tạo trong giao thông như tàu hơi nước và đường sắt đã dẫn đến sự mở rộng to lớn của thương mại quốc tế. Làn sóng này của toàn cầu hóa đã có nghĩa rằng các nước giàu tài nguyên như Mexico – hay, chính xác hơn elite ở các nước như vậy – đã có thể làm giàu chính mình bằng xuất khẩu các nguyên liệu thô và các tài nguyên thiên nhiên cho Bắc Mỹ hay Châu Âu đang công nghiệp hóa. Díaz và những cánh hẩu của ông đã thấy mình trong một thế giới khác và đang phát triển nhanh. Họ đã nhận ra rằng Mexico cũng phải thay đổi. Nhưng điều này đã không có nghĩa là nhổ cả rễ các thể chế thuộc địa và thay thế chúng bằng các thể chế giống như các thể chế ở Hoa Kỳ. Thay vào đó, sự thay đổi của họ đã là sự thay đổi “phụ thuộc vào con đường – path dependent” chỉ dẫn đến pha tiếp theo của các thể chế đã làm cho phần lớn Mỹ Latin nghèo và bất bình đẳng rồi.

Toàn cầu hóa đã làm cho các vùng bỏ ngỏ bao la của châu Mỹ, “các vùng biên cương mở-open frontiers” của nó, có giá trị. Thường các vùng biên cương này đã chỉ trống một cách huyền thoại, vì những người bản địa đã ở đó và họ đã bị truất quyền sở hữu một cách tàn nhẫn. Dẫu sao, sự tranh cướp các tài nguyên có giá trị mới này đã là một quá trình định rõ của châu Mỹ trong nửa sau của thế kỷ mười chín. Sự mở ra đột ngột của vùng biên cương có giá trị này đã không dẫn đến các quá trình tương tự ở Hoa Kỳ và Mỹ Latin, mà đã dẫn đến sự phân kỳ thêm, được định hình bởi những sự khác biệt thể chế hiện tồn, đặc biệt là những khác biệt liên quan đến ai có cơ hội có đất. Ở Hoa Kỳ, một chuỗi dài các hành động lập pháp, từ Sắc lệnh Đất năm 1785 đến Luật Trang ấp 1862, đã cho sự tiếp cận rộng rãi đến đất biên cương. Tuy những người bản địa đã bị cho ra ngoài lề, việc này đã tạo ra một vùng biên cương bình đẳng và năng động về mặt kinh tế. Trong hầu hết các nước Mỹ Latin, tuy vậy, các thể chế chính trị ở đó đã tạo ra kết quả rất khác. Đất vùng biên cương đã được phân cho những người có thế lực chính trị và những người giàu có và có các mối quan hệ, làm cho những người như vậy thậm chí hùng mạnh hơn.

Díaz cũng đã bắt đầu dỡ bỏ nhiều di sản thể chế thuộc địa cụ thể, cản trở thương mại quốc tế, mà ông thấy trước sẽ làm cho ông và những người ủng hộ ông giàu hơn rất nhiều. Mô hình của ông, tuy vậy, vẫn tiếp tục không phải là kiểu phát triển kinh tế mà chúng ta thấy ở phía bắc Rio Grandes mà là kiểu của Cortés, Pizzaro, và de Toledo, nơi elite trở nên rất giàu có trong khi những người còn lại bị loại trừ. Khi elite đầu tư, nền kinh tế tăng trưởng một chút, nhưng sự tăng trưởng như vậy luôn luôn dẫn đến thất vọng. Nó cũng đã xảy ra với sự trả giá của những người thiếu các quyền trong trật tự mới này, như những người Yaqui ở Sonora, trong vùng nội địa xa của Nogales. Giữa 1900 và 1910, có lẽ ba mươi ngàn người Yaqui đã bị lưu đày, về bản chất bị bắt làm nô lệ, bị tống đi lao động ở các đồn điền henequen [cây thùa sợi] ở Yucatán. (Sợi cây henequen đã là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị, vì nó có thể được dùng để làm dây thừng và dây bện). Sự dai dẳng kéo dài vào thế kỷ hai mươi của một hình mẫu thể chế đặc thù không thân thiện với tăng trưởng ở Mexico và Mỹ Latin được minh họa rõ bởi sự thực rằng, hệt như trong thế kỷ mười chín, hình mẫu đã gây ra trì trệ kinh tế và bất ổn chính trị, các cuộc nội chiến và đảo chính, khi các phe nhóm tranh giành nhau vì các lợi ích quyền lực. Díaz cuối cùng đã mất quyền lực cho các lực lượng cách mạng trong năm 1910. Cuộc Cách mạng Mexic được tiếp theo bởi các cuộc cách mạng khác ở Bolivia năm 1952, ở Cuba năm 1959, và Nicaragua năm 1979. Trong lúc đó, các cuộc nội chiến kéo dài đã nổ ra ở Columbia, El Salvador, Guatemala, và Peru. Sự chiếm đoạt hay sự đe dọa chiếm đoạt tài sản vẫn tiếp tục mau lẹ, với các cuộc cải cách nông nghiệp hàng loạt (hay các cuộc cải cách được thử) ở Bolivia, Brazil, Chile, Columbia, Guatemala, Peru, và Venezuela. Các cuộc cách mạng, những sự chiếm đoạt và bất ổn chính trị đã đến cùng với các chính phủ quân sự và các chế độ độc tài thuộc nhiều loại. Tuy cũng đã có một sự trôi dạt từ từ hướng về các quyền chính trị rộng lớn hơn, nhưng chỉ đến các năm 1990 thì hầu hết các nước Mỹ Latin mới trở thành các nền dân chủ, và thậm chí khi đó chúng vẫn sa lầy trong bất ổn.

Sự bất ổn này đã đi cùng với sự đàn áp và giết người hàng loạt. Báo cáo [của] Ủy ban Quốc gia cho Chân lý và Hòa giải năm 1991 ở Chile đã xác định rằng 2.279 người đã bị giết vì các lý do chính trị trong chế độ độc tài Pinochet giữa 1973 và 1990. Có lẽ 50.000 đã bị bỏ tù và tra tấn, và hàng trăm ngàn người đã bị đuổi việc. Báo cáo [của] Ủy ban Guatemalan về Làm rõ Lịch sử trong năm 1999 đã nhận diện được tổng cộng 42.275 nạn nhân có tên, tuy những người khác đã cho rằng có đến 200.000 đã bị giết ở Guatemala giữa 1962 và 1996, 70.000 trong thời chế độ của Tướng Efrain Ríos Montt, kẻ đã có khả năng phạm các tội ác này mà không bị trừng phạt đến mức hắn ta đã có thể ứng cử tổng thống trong năm 2003; rất may là hắn đã không trúng cử. Ủy ban Quốc gia về Người Mất tích ở Argentina đã đưa ra số người bị quân đội ở đó giết từ 1976 đến 1983 là 9.000 người, mặc dù nó lưu ý rằng con số thật có thể cao hơn. (Các ước lượng của các tổ chức nhân quyền thường đưa ra con số 30.000).

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh