Sự lựa chọn lớn lao (Phần 3/3): Tự do hay sự cấp phép?

Sự lựa chọn lớn lao (Phần 3/3): Tự do hay sự cấp phép?

(Tiếp theo Phần 2)

Tự do hay sự cấp phép?

Trong cuốn sách The Republic [Cộng hòa], triết gia Plato đã để cho Socrates chế giễu chữ tự do trong chế độ dân chủ. Socrates hỏi người đàm đạo với mình, Glaucon

“Trước hết, họ không được tự do sao? Thành phố này chưa đầy ắp quyền tự do, kể cả tự do ngôn luận hay sao? Mọi người không được cấp phép làm những gì họ muốn sao?”

“Đó là những gì người ta nói, chắc chắn vậy” - ông nói

“Và ở đâu có sự cấp phép, rõ ràng ở đó mỗi người đều có thể điều khiển cuộc sống của mình một cách riêng tư bởi vì họ cảm thấy hài lòng với nó.” 25

Trong cuốn sách “The Republic”, kết quả tất yếu của những mối quan hệ như vậy chính là sự hỗn loạn và trái đạo đức. Theo Socrates,

“Và tận cùng của tự do trên tất cả các khía cạnh, bạn của tôi”, tôi nói, “xuất hiện trong một thành phố như thế này đó là khi người nô lệ được mua về, bất kể đấy là đàn ông và đàn bà, được hưởng tự do không hề ít hơn những người đã mua họ. Và chúng ta hầu như đã quên nhắc đến luật bình đẳng và tự do trong mối quan hệ giữa phụ nữ với đàn ông và giữa đàn ông với phụ nữ.”

“Chúng ta sẽ”, ông ta nói, “cùng với Aeschylus, được quyền nói bất cứ thứ gì chúng ta muốn chứ?” 26

Những người nô lệ sẽ hành động như thể họ đã được tự do giống chủ nô, còn phụ nữ sẽ nghĩ họ bình đẳng với đàn ông, và điều đó liệu có thể được cho phép? Người ta chỉ nói ra những điều họ muốn, nhưng chắc chắn chúng không thể thành hiện thực.

Plato (thông qua phát ngôn viên của mình Socrates) đã đề nghị loại trừ “tự do ngôn luận”, cũng như thủ tiêu quyền sở hữu và gia đình, ít nhất là với “tầng lớp giám hộ”; đối với nền dân chủ, ông đề xuất thành phố nên được cai quản bởi một “tầng lớp giám hộ” - được giáo dục bằng đạo đức và có thể đảm bảo rằng mọi người sẽ biết được vị trí của mình và làm đúng bổn vận đó. Những người này sẽ có trách nhiệm hướng dẫn các viên chức nhà nước và dạy cho họ biết đạo đức là gì; sự giáo dục này không thể áp dụng đại trà, vì những người này cần phải được hướng dẫn bởi những người có phẩm chất cao hơn họ. Nhiều triết gia cũng đi theo con đường của Plato, họ tin rằng mình thông minh hơn, khôn ngoan hơn, tốt đẹp hơn phần còn lại của loài người, và do đó họ có nghĩa vụ chấp nhận gánh vác quyền lực và sử dụng nó để định hướng hành vi, thậm chí suy nghĩ của những người khác về đạo đức, tiến bộ, sự ngoan đạo, sự trong sạch, trật tự, hay bất kỳ mục đích cao cả nào mà họ cho rằng chúng ta không thể có được. Đáng buồn thay cho những triết gia đạo đức đó rằng rất có ít những người thành công trong cuộc chiến giành quyền lực lại trở thành triết gia, đó là những kẻ có phẩm chất đạo đức thấp kém hơn, và vì thế, chế độ mà họ ủng hộ hiếm khi thể hiện được sự nhất quán và chặt chẽ rõ ràng như họ trù định.27 Họ thường buộc phải phá vỡ cái vỏ bọc tri thức ngạo mạn mà họ dựng lên trước đó.

Tự do không đòi hỏi việc hình thành một hệ thống quyền lực theo cách để cho một nhóm người ưu tú kiểm soát hành vi và cuộc sống của những người khác, mà cần một hệ thống các quy tắc luật pháp cho phép các cá nhân có thể tự kiểm soát chính mình trong phạm vi một bộ quy tắc thúc đẩy sự hợp tác.28 Các quy tắc giao thông có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự vận chuyển của hàng triệu người đến hàng triệu địa điểm khác nhau mà không cần đến một quyền lực trung tâm đưa ra những mệnh lệnh; chúng không hoàn hảo, nhưng những quy tắc đơn giản đã giúp hàng triệu người tránh khỏi va chạm và đến bất nơi nào họ muốn. Những quy tắc thường xuất hiện mà không cần bất kỳ ai chủ ý tạo ra và điều khiển chúng; thậm chí những quy tắc tạo ra trật tự xuất hiện không cần sự cai quản có chủ ý và là sản phẩm phụ của việc mọi người tương tác để đạt được mục đích của mình. Vấn đề là hầu hết mọi người, ngay cả những trí thức, mặc dù có rất nhiều bằng chứng ngay trước mắt, vẫn không hiểu được làm thế nào mọi người có thể phối hợp hành vi của họ chỉ đơn thuần dựa vào việc tuân theo những quy tắc được áp dụng cho tất cả. Họ có thể chỉ nghĩ tới trật tự khi có một người nào đó đưa ra mệnh lệnh. Mắt của họ đóng chặt với những trật tự phức tạp bao quanh mình. Xã hội tự do là một hệ thống rộng lớn với vô số trật tự tự động đan cài vào nhau, từ ngôn ngữ, đến giao thông, tiêu chuẩn đạo đức, thời trang, cho tới các thị trường tạp phẩm, giày dép, kem đánh răng và đồ đạc nội thất. Những hệ thống pháp lý khác nhau đưa ra những quy tắc về trật tự khác nhau, nhưng sẽ không thể hoạt động nếu mọi người không có khả năng điều khiển hành vi của mình, khi không có những định hướng hoặc kiểm soát có ý thức từ bên ngoài, sao cho tương thích với hành vi của người khác để thực hiện mục đích của mình, kết quả cuối cùng là sự hình thành những hệ thống trật tự mà những hình hài cụ thể của chúng không thể dự đoán trước.

Không chỉ các triết gia và chính trị gia ca tụng việc sử dụng quyền lực để kiểm soát người khác. Niềm tin rằng quyền lực, sức mạnh, hay thậm chí vũ lực là cách duy nhất để “xã hội vận hành” đã trở nên phổ biến. Họ tin rằng những người khác phải bị kiểm soát. Những người khác không có khả năng kiểm soát chính mình hay phối hợp hành động với những người đang tự kiểm soát cuộc sống và hành động của mình. Thật là một sự kiêu ngạo sai lầm khi cho rằng điều khiển có chủ ý có thể phối hợp hành vi của hàng triệu người tốt hơn hệ thống quy tắc cho phép mọi người tự do lựa chọn và phối hợp hành động một cách tự nguyện, mà theo lời Locke là “trong phạm vi cho phép của pháp luật; và nhờ đó, không phụ thuộc vào ý chí độc đoán của bất kỳ người nào ngoài chính mình”.

Những người tự do theo đuổi ý chí của họ trong khuôn khổ luật pháp. Họ tự chịu trách nhiệm về hậu quả của hành động của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sống tự do của người khác. Sự tôn trọng các quyền cá nhân và luật pháp tạo nên trật tự xã hội và sự hợp tác dựa trên nền tảng đạo đức, tạo ra của cải thông qua sự trao đổi và hài hòa lợi ích chung. Dĩ nhiên không phải tất cả mọi người đều nhìn theo cách này. Từ Plato đến Putin, những người ủng hộ quyền lực luôn coi việc phục tùng cho kế hoạch của họ là cách duy nhất để có một xã hội tốt đẹp, có trật tự, có đạo đức và thịnh vượng. Họ luôn muốn lấy đi sự gánh chịu trách nhiệm và sự tự do theo đuổi hạnh phúc của chúng ta, họ coi mình là bề trên, muốn hạ thấp chúng ta, nhưng vẫn bao biện là bị buộc phải dùng đến bạo lực để theo đuổi các kế hoạch của họ. Ảo tưởng của họ, trong trường hợp chúng được thực hiện, không đem đến trật tự, tinh thần nghĩa hiệp, đạo đức, và sự thịnh vượng. Trách nhiệm và tự do các nhân chỉ có thể đạt được khi quyền lực độc đoán và sự áp bức sụp đổ. Lời của Benfjamin Constant đến nay vẫn còn đúng: “Hãy để mặc họ tự giam hãm bản thân. Còn chúng ta phải nắm lấy trách nhiệm được sống hạnh phúc của chính mình”29.

Chú thích:

(25) Plato, The Republic, dịch bởi Alan Bloom (New York: Basic Books, 1968), trang 235, 557b. 

(26) Sách đã dẫn, trang 241, 563b-c. 

(27) Cuộc chiến giành quyền lực của các những người có học thức như Khieu Samphan, Huo Yuon, Ta Mok, và Saloth Sar [Pol Pot] ở Campuchia đã dẫn đến “Cánh đồng chết” khủng khiếp. Công cuộc chiếm đoạt quyền lực của các nhà cách mạng Khmer là một trong những trường hợp tồi tệ nhất, nhưng không phải là duy nhất; đó là lời cảnh báo về sự nguy hiểm của việc để cho những người trí thức giành được quyền lực. 

(28) Những quy luật chung, vốn không nhằm để tạo ra những kết quả cụ thể, tạo điều kiện cho sự xuất hiện của những hệ thống trật tự phức tạp có khả năng kết nối được nhiều tri thức hơn so với khi chúng được tạo ra với những mục đích cụ thể trong đầu. Xem “How Do You Know? Knowledge and the Presumption of Liberty”, tác giả Lode Cossaer và Maarten Wegge, trong Why Liberty, biên tập bởi Tom G. Palmer, (Ottawa, Illinois: Jameson Books, 2013), trang 97–110. Có thể tải sách tại http://studentsforliberty.org/wpcontent/uploads/2013/07/Why-Liberty-Final-Typeset-with-Cover.pdf. Nhà lý luận chính trị người Anh Norman Barry đã viết một bài luận bao quát và uyên bác về lịch sử tư tưởng: “The Tradition of Spontaneous Order”, Literature of Liberty, Tập V, Số 2 (Hè 1982): http://www.econlib.org/library/Essays/LtrLbrty/bryTSO. html. 

(29) “The Liberty of the Ancients Compared with that of the Moderns,” trang 326.

Nguồn: Tom G. Palmer, Self-Control or State Control? You Decide, Atlas Network 2016

Dịch giả:
Nguyễn Mai Hạ
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh