[Nền dân trị Mỹ] - Chương I: Cấu hình bề mặt của Bắc Mỹ

[Nền dân trị Mỹ] - Chương I: Cấu hình bề mặt của Bắc Mỹ

CẤU HÌNH BỀ MẶT CỦA BẮC MĨ

Bắc Mĩ chia thành hai vùng rộng lớn, một vùng xuôi xuống miền cực, miền kia hướng tới xích đạo. − Thung lũng Mississippi. − Những dấu vết nơi ta còn bắt gặp các cuộc cách mạng trên địa cầu. − Bờ Đại Tây Dương nơi đã lập ra các thực dân địa Anh. − Dáng vẻ khác nhau giữa Bắc Mĩ và Nam Mĩ vào thời phát hiện ra châu Mĩ. − Rừng Bắc Mĩ − Đồng cỏ. − Các bộ lạc thổ dân sống lang thang. − Vẻ ngoài, tập tục, ngôn ngữ của các bộ lạc đó. − Dấu vết những con người chưa ai biết tới.

Xét theo cấu hình bên ngoài, Bắc Mĩ có những nét chung dễ nhận ra ngay từ khi ta mới bắt gặp.

Có một sự ngăn chia rõ rệt giữa vùng đất với vùng nước, núi non với thung lũng. Một sự sắp xếp giản dị và bề thế lộ ra ở ngay nơi hỗn độn mọi vật và giữa vô cùng đa dạng cảnh sắc.

Có hai vùng rộng lớn phân chia Bắc Mĩ gần như đều nhau.

Một vùng có giới hạn ở phương Bắc là Bắc cực; phía Đông và phía Tây là hai đại dương. Tiếp đó vùng này đi dần xuống phía Nam, tạo thành một tam giác có các cạnh đều đặn gặp nhau ở mé dưới những hồ lớn của Canada.

Một vùng thứ hai bắt đầu khi vùng thứ nhất kết thúc và trải dài khắp phần còn lại của lục địa.

Một vùng hơi nghiêng về phía cực, vùng kia hơi nghiêng về phía xích đạo.

Các miền đất nằm trong vùng thứ nhất xuôi xuống ở mạn Bắc tạo thành một dốc nhẹ, khiến ta có thể nói các miền đất này như là một cao nguyên. Bên trong vùng đất đầy đặn mênh mông này ta không bắt gặp núi cao cùng thung lũng sâu.

Ở vùng đất này, sông nước dọc ngang như là ngẫu nhiên. Các con sông ở đây đan vào nhau, nối vào nhau, rời nhau, rồi lại gặp nhau, rồi mất hút trong cả ngàn đầm lầy, thỉnh thoảng lại rẽ ngang giữa một mê cung ẩm ướt do chúng tạo ra, và cuối cùng chúng chỉ đổ ra các biển băng ở Bắc cực sau khi đã chảy vòng vèo chán chê. Những hồ lớn chấm hết cho vùng này, không giống như phần lớn hồ ở bên Lục địa cũ, thường bị giam chân trong các dãy đồi hoặc núi đá. Bờ hồ ở đây bằng phẳng và chỉ cao hơn mực nước vài ba feet. Mỗi cái hồ như thế tựa như một cốc to lớn đựng nước đầy tới miệng: chỉ hơi thay đổi đôi chút trong cấu trúc địa cầu sẽ làm cho nó sóng sánh về phía cực hoặc về phía biển nhiệt đới phía Nam.

Vùng thứ hai hiểm trở hơn và rất sẵn sàng thành nơi ở thường xuyên của con người. Hai dãy núi dài phân chia vùng này suốt theo chiều dài: một dãy có tên là Allegheny đi dọc bờ Đại Tây Dương, dãy kia chạy song song với nó về phía biển Nam.

Khoảng không gian nằm giữa hai dãy núi rộng 228.343 dặm Anh vuông. Vậy là diện tích này nhiều hơn diện tích nước Pháp khoảng sáu lần.

Cả vùng lãnh thổ rộng lớn này tuy thế chỉ là một cái thung lũng. Thung lũng này đi từ dãy núi Allegheny xuống rồi đi ngược lên mà chẳng bắt gặp trở ngại gì cho tới tận ngọn dãy núi Rocky Mountains.

Dưới đáy thung lũng có một con sông vô cùng rộng. Con sông này nhận nước từ tất cả các triền núi đổ về.

Thời trước, người Pháp đặt tên sông này là sông Saint-Louis, để tưởng nhớ đến cái Tổ quốc xa vắng; còn người Anh điêng bản địa trong ngôn ngữ hoa mĩ của họ lại gọi đó là Cha các dòng nước, hay là sông Mississippi.

Sông Mississippi bắt nguồn từ nơi giới hạn của hai vùng lãnh thổ lớn tôi đã nói đến ở bên trên, từ đỉnh của cao nguyên ngăn cách hai vùng.

Gần dòng sông Mississippi còn có một con sông khác nước đổ vào các biển vùng Bắc băng cực. Còn riêng con sông Mississippi thì dường như đôi khi nó ngập ngừng không biết chảy đi đâu: rất nhiều lần nó đi vòng trở lại, rồi sau khi dòng chảy đã chậm lại giữa vùng hồ và đầm lầy, cuối cùng nó quyết định vạch một đường từ từ đi về Nam.

Khi thì hiền hoà trong lòng sông với cấu tạo đất sét được thiên nhiên đào sẵn cho, khi thì nó căng phồng trong giông bão, sông Mississippi tưới tắm cho hơn mười nghìn dặm đất dọc theo dòng nó chảy.

Ở khoảng cách sáu trăm dặm trước khi tới cửa sông, chiều sâu trung bình của sông này là 15 feet và các tàu sức chứa 300 tấn có thể lội ngược dòng chừng hai trăm dặm.

Có năm mươi bảy con sông lớn giao thông dễ dàng cung cấp nước cho sông Mississippi. Trong số những con sông cấp nước cho Mississippi có một sông dài 1.300 dặm, một sông dài 900 dặm, một sông dài 600 dặm, một sông dài 500 dặm, bốn con sông dài 200 dặm, chưa kể còn có vô vàn con suối ngang dọc rồi đổ cả vào lòng con sông Mississippi.

Thung lũng được sông Mississippi tưới tắm dường như được tạo ra cho riêng một con sông này. Mississippi tung hoành đem tới đây cả cái tốt lẫn cái xấu, và nó như là ông thần của cả vùng. Những vùng bao quanh sông phơi bày một thiên nhiên màu mỡ bất tận. Nhưng đi xa dần khỏi vùng này, các lớp thực vật cạn kiệt đi, đất đai nghèo đi, tất thảy đều đang héo hon hoặc đang chết. Không nơi nào những cơn chấn động lớn lao của địa cầu đã để lại nhiều dấu vết chứng tích rõ rệt hơn là ở thung lũng sông Mississippi. Toàn cảnh nơi đây xác nhận những gì nước đã tạo ra. Cả sự khô cằn cùng sự trù phú đều là công tích của sông Mississippi. Những đợt sóng đại dương nguyên thuỷ đã tích luỹ ở đáy thung lũng những thảm đất thực vật khổng lồ mà thời gian chưa làm cho bằng phẳng đi. Trên bờ hữu ngạn sông, ta bắt gặp những cánh đồng bất tận, bằng phẳng, hệt như bề mặt thửa ruộng nơi đó người thợ cày đã cho xe lu lăn qua. Ngược lại, khi ta càng tiến đến gần vùng núi, đất đai mấp mô hơn và khô cằn hơn. Có thể nói, đất ở đó bị chọc thủng lỗ chỗ, và những đá tảng nguyên thuỷ hiện ra đó đây, như những miếng xương của một bộ xương đã bị thời gian gặm nhấm hết thịt da. Cát có gốc granit cùng với đá tảng to tảng nhỏ phủ trên mặt đất. Vài ba cây thân mềm vất vả nhoi lên khỏi những chướng ngại đó. Ta ngỡ như một cánh đồng phì nhiêu bị che phủ bởi những mảnh vỡ của một toà lâu đài to lớn. Và quả tình khi ta phân tích đá và cát đó, ta dễ dàng nhận thấy các chất liệu tạo nên chúng tương đồng hoàn toàn với chất liệu tạo thành những đỉnh núi cằn cỗi và lởm chởm của dãy Rocky Mountains. Sau khi xô đẩy đất đá xuống đáy thung lũng, hẳn là nước cũng kéo theo một phần các đá tảng. Những tảng đá này lăn xuống các triền dốc gần kề nhất. Và sau khi viên nọ cọ viên kia và tự nghiền nhau, những mảnh vỡ bị giằng giật khỏi những đỉnh núi lại được rải xuống chân núiA

Xét toàn cục, thung lũng sông Mississippi là ngôi nhà hoành tráng nhất mà chúa đã chuẩn bị sẵn cho con người tới cư ngụ, vậy mà ta cũng có thể nói rằng nó vẫn mới chỉ là một hoang mạc mênh mông.

Trên triền dốc phía Đông của dãy Allegheny, giữa vùng chân núi và Đại Tây Dương, trải dài một dãy đá tảng và cát mà khi biển rút đi hình như đã quên đem theo. Vùng đất này chỉ trung bình rộng 48 dặm nhưng lại dài đến 390 dặm. Ở vùng lãnh thổ nước Mĩ này, đất chưa sẵn sàng cho công việc nhà nông. Thảm thực vật nơi đây nghèo nàn và không đa dạng.

Chính những công sức tài khéo của con người đã được tập trung vào cái bờ biển không mến khách này. Trên rẻo đất cằn này các thực dân địa Anh đã sinh ra và lớn lên, để rồi một ngày kia sẽ thành Hợp chúng quốc Hoa Kì. Cũng chính nơi này bây giờ ta bắt gặp trung tâm của sự hùng cường, trong khi ở sâu và xa nữa thì như là đang bí mật tụ hội những yếu tố thực thụ của một dân tộc vĩ đại đang nắm giữ cả tương lai lục địa, đó là điều không còn hồ nghi gì nữa.

Khi người châu Âu chạm chân tới bờ biển vùng đảo Antilles, và sau này là bờ biển Mĩ Latin, họ ngỡ mình tới những miền hoang đường vẫn được các nhà thơ ca tụng. Mặt biển lóng lánh ánh lửa nhiệt đới. Nước trong suốt đến lạ kì lần đầu tiên mở ra trước đôi mắt nhà du hành độ sâu của vực thẳm. Đó đây hiện ra những hòn đảo ngát hương thơm tựa hồ như những lẵng hoa bồng bềnh trôi trên mặt đại dương êm ả. Ở những chốn mê hoặc này, mọi cái ta nhìn thấy đều như thể được chuẩn bị cho mọi nhu cầu của con người, hoặc được tính toán cho khoái lạc của con người. Gần như cây cối nào cũng trĩu quả ngon lành, và những cây nào ít hữu dụng cho con người thì lại long lanh đầy màu sác hấp dẫn mắt nhìn. Trong một rừng những cây chanh nức hương, những cây vả dại, những cây sim lá tròn, những cây du và cây trúc đào, tất cả được những dây quấn đầy hoa bó chúng lại với nhau, vô vàn con chim hoàn toàn không thấy ở châu Âu đang bay, cánh của chúng lấp loá màu đỏ thẫm và xanh lam, và chúng pha giọng hót vào cảnh hài hoà của một thiên nhiên đầy chuyển động và đầy sự sốngB

Cái chết ẩn nấp phía sau cái áo choàng lóng lánh ấy. Nhưng con người khi đó vẫn chưa nhận ra. Và cái chết ngự trị lởn vởn trong cái khí hậu mà chẳng rõ vì sao lại có ảnh hưởng làm cho con người uể oải khiến nó gắn chặt với hiện tại và vô tư lự trước tương lai.

Bắc Mĩ hiện ra dưới một dáng vẻ khác: mọi thứ ở đó đều trầm hùng, nghiêm túc, trịnh trọng. Ngỡ như nó đã được tạo ra để trở thành lãnh địa của trí khôn, cũng như Cựu Thế giới là chốn ẩn náu của nhục cảm.

Một đại dương hiếu động mù sương bao phủ bờ bến nước Mĩ. Những khối đá tảng granit hoặc những dải cát làm đai lưng cho nước Mĩ. Những rừng cây bên bờ toả tán lá thẫm màu và u buồn. Ở đó chỉ mọc có thông, lạc diệp tùng, sồi xanh, ô liu dại và liễu.

Sau khi đi vào đất liền và vượt qua vành đai thứ nhất này, ta đi vào bên dưới bóng râm của vùng rừng trung tâm. Ở đó mọc chen chúc những loại cây to nhất từng mọc trên cả hai bán cầu: những cây ngô đồng, cây đinh tán, cây phong thân ngọt và cây bạch dương Virginie đan cành lá vào với lá cành những cây sến, cây sồi và cây bồ đề.

Cũng giống như ở những cánh rừng đã rơi vào tay con người, ở đây cái chết tiến công không ngừng nghỉ. Nhưng chẳng có người nào chịu trách nhiệm dọn dẹp những mảnh vỡ do cái chết tạo ra. Vậy là những mảnh vỡ ùn lại đè chồng lên nhau: thời gian không đủ để nhanh chóng nghiền nát chúng và chuẩn bị những địa điểm mới. Thế nhưng, ngay giữa những mảnh vỡ đó, công việc tái sinh sản vẫn diễn ra không ngừng. Các loài cây leo và cỏ xuất hiện vượt qua mọi chướng ngại. Chúng bò dọc theo các cây to bị đốn ngã, len lỏi vào trong đống cát bụi, phá tan vỏ cây vẫn còn che phủ thân cây, và mở đường cho những cây non của chúng sinh sôi. Vậy là cái chết từng ngày lại đến như thể để giúp cho sự sống. Cả cái sống lẫn cái chết luôn luôn hiện diện, chúng dường như muốn pha trộn các công trình với nhau.

Bên trong những khu rừng này là bóng tối dày đặc. Hàng ngàn con suối chảy ngang dọc, mà bàn tay tài khéo của con người vẫn chưa đổi dòng được cho chúng, khiến cho bên dưới cánh rừng luôn luôn có độ ẩm vĩnh cửu. Khó mà thấy được ở đó vài bông hoa, vài quả dại, vài con chim.

Thiên nhiên ở đó thật tĩnh lặng, nó chỉ bị khuấy động khi có tiếng một cây già bị gãy đổ, tiếng thác nước trút vào một con sông, khi có tiếng trâu rống và gió rít.

Phía đông của con sông lớn có những chỗ các dải rừng thưa biến đi mất, thay vào đó là những đồng cỏ trải ra không bờ bến. Thiên nhiên đa dạng đến vô cùng đã từ chối hạt giống của các cây lớn cho những cánh đồng phì nhiêu đó, hoặc giả ta có thể nói rằng bàn tay con người đã tàn phá hết những cánh rừng xưa kia che phủ nơi đây? Đó là điều không khám phá nổi cả trong lời truyền tụng lẫn nhờ nghiên cứu khoa học.

Song các hoang mạc mênh mông đó vẫn không làm mất đi sự hiện diện của con người. Trong nhiều thế kỉ, có những nhóm người đã sống lang thang dưới bóng những cánh rừng hoặc trên những cánh đồng cỏ chăn thả. Từ cửa sông Saint-Laurent cho tới châu thổ sông Mississippi, từ Đại Tây Dương cho tới biển Nam, các nhóm cư dân hoang dã đó có những nét giống nhau, xác định rằng họ có chung nguồn gốc. Nhưng, còn lại thì họ chẳng giống với bất kì chủng tộc nào mà ta đã biết. Họ không trắng như người châu Âu, không vàng như phần lớn người châu Á, không đen như người da đen châu Phi. Da họ hơi đỏ, tóc họ dài và bóng nhẫy, môi mỏng và gò má nhô rất cao. Ngôn ngữ của các tộc dân hoang dã châu Mĩ khác nhau về từ, nhưng tất cả đều có chung quy tắc ngữ pháp. Các quy tắc đó khác xa ở nhiều điểm so với các ngôn ngữ chủ trì việc tham gia hình thành ngôn ngữ dùng cho con người.

Phương ngữ của người Mĩ dường như là sản phẩm của những kết hợp mới, trong đó thể hiện trí tuệ của những người đã đóng góp xây dựng nên ngôn ngữ ấy, điều mà người Anh điêng thời nay tỏ ra khó có khả năng tiến hànhC 

Thực trạng xã hội của các nhóm cư dân này cũng khác biệt về nhiều phương diện so với những gì được thấy ở bên châu Âu: có cảm giác là các nhóm cư dân này đã sinh sôi tự do trong hoang mạc nơi họ sinh sống, và chẳng giao tiếp gì với các chủng tộc văn minh hơn họ. Vậy là chẳng khi nào bắt gặp ở họ những khái niệm đáng ngờ và không nhất quán về thiện và ác, cái sự đồi bại sâu xa thường gắn với ngu dốt và thô kệch trong tập tục, thường xảy ra ở các quốc gia văn minh nhưng đã quay trở lại thành hoang dã. Còn người Anh điêng hể họ có được cái gì thì đó là của chính họ mà thôi: các tính tốt, các tật xấu, các định kiến, thảy đều của riêng họ, những thứ đã trưởng thành trong bản chất độc lập hoang dã của họ.

Tính thô kệch của những con người thuộc lớp bình dân trong các quốc gia văn minh không chỉ có nguyên nhân ở chỗ họ dốt và nghèo, mà do trót mang thân phận đó, nên họ không thể hàng ngày tiếp xúc được với những con người sáng láng và có tiền của.

Nhìn thấy sự bất hạnh và sự yếu đuối của mình, cái thứ hàng ngày đối nghịch lại rất rõ với cái sung sướng và quyền lực của một số người trong đồng loại, làm kích thích trong lòng họ cả sự tức giận lẫn sự sợ hãi. Cảm giác về sự thấp hèn và sự lệ thuộc của mình khiến họ khó chịu và làm nhục họ. Trạng thái thấp kém trong tâm hồn đó tái hiện lại trong tập tục cũng như ngôn ngữ của họ, những thứ này đều hỗn hào và hạ tiện.

Điều có thật này được chứng thực dễ dàng qua quan sát. Người dân ở các quốc gia quý tộc trị thô tục hơn bất cứ nơi nào khác, và ở các thành phố giàu sang thì thô tục hơn ở miền quê.

Ở những nơi đó, khi có sự gặp gỡ giữa những con người quá mạnh và quá giàu, những con người quá yếu và quá nghèo cảm thấy bị thân phận nghèo hèn hành hạ họ. Không tìm ra cách nào để lấy lại quyền bình đẳng, họ hoàn toàn tuyệt vọng buông mình xuống dưới tầm phẩm giá con người.

Ta không thấy có cái hệ quả buồn lòng này của sự đối nghịch các điều kiện trong đời sống hoang dã: người Anh điêng nước Mĩ, tất cả đều dốt nát và nghèo nàn, song tất cả đều bình đẳng và tự do.

Khi người Âu châu tới đây, người bản địa Bắc Mĩ chưa từng biết cái giá của giàu sang và họ dửng dưng trước hạnh phúc của người văn minh nhờ giàu sang mà có. Thế nhưng ta không thấy ở họ có tính thô tục. Ngược lại, trong cung cách sống của họ, có một sự dè dặt như đã thành thói quen và một thứ lịch sự quý tộc.

Hiền lành và mến khách trong hoà bình, tàn nhẫn trong chiến trận, tàn nhẫn vượt khỏi các giới hạn hung bạo con người từng có, người Anh điêng vẫn có thể nhịn đói để cứu giúp người xa lạ ban đêm tới gõ cửa ngôi lều của họ, và chính bàn tay họ có thể xé chân xé tay vốn đang run rẩy của kẻ tù binh. Những nước cộng hoà nổi tiếng thời cổ chưa từng được chiêm ngưỡng lòng dũng cảm vững mạnh hơn, những tâm hồn kiêu hãnh hơn, cái lòng thiết tha sự độc lập đến mức cố chấp hơn những gì đang được các cánh rừng hoang dại nơi Tân thế giới che giấu. Họ chẳng có mấy ấn tượng đối với người châu Âu cặp bến bờ xứ sở Bắc Mĩ. Sự có mặt của người châu Âu chẳng làm họ khát khao cũng chẳng gây sợ hãi. Có gì mà phải xung đột với những con người như thế? Người Anh điêng biết cách sống mà chẳng có nhu cầu, đau mà không kêu, và chết mà vẫn hát. Giống như mọi thành viên khác của đại gia đình loài người, những con người hoang dã đó cũng tin vào sự tồn tại một thế giới tốt đẹp hơn và sùng bái Chúa sáng thế dưới nhiều tên gọi khác nhau. Các quan niệm của họ về các chân lí trí tuệ lớn nói chung đều giản dị và triết líD

Cho dù những con người chúng tôi vừa mới phác hoạ tính cách họ ở đây có cổ sơ đến đâu chăng nữa, song chẳng vì thế mà ta dám nghĩ rằng còn có thể có những con người khác nữa văn minh hơn thế, tiến bộ mọi mặt hơn thế, lại đã từng tồn tại trước họ ở chính những vùng này.

Có lời truyền tụng ngấm ngầm, nhưng lại rất phổ biến trong phần lớn các nhóm cư dân người Anh điêng sống trên bờ Đại Tây dương, nói rằng xưa kia chốn ở của những nhóm cư dân đó là ở vùng phía Tây sông Mississippi. Dọc theo đôi bờ sông Ohio và trong thung lũng trung tâm, mỗi ngày ta vẫn còn bắt gặp những gò đống do bàn tay con người tạo nên. Khi ta đào vào bên trong những công trình đó thì, nghe kể lại rằng, chẳng ai bắt gặp gì hết ngoài những xương người, những dụng cụ lạ lùng, những vũ khí và những đồ dùng gia đình đủ loại làm bằng một thứ kim loại hoặc hao hao giống những đồ có công dụng các chủng tộc bây giờ chẳng còn nhớ nữa.

Người Anh điêng thời nay không thể cung cấp bất kì thông tin nào về lịch sử nhóm người vô danh đó. Những người sống ở đó cách nay ba trăm năm, vào lúc diễn ra cuộc phát hiện châu Mĩ, cũng chẳng nói được gì hơn khiến ta có thể suy ra để có dù chỉ là một giả thuyết. Những lời truyền tụng và những công trình xây cất dễ sập nhưng không ngừng xuất hiện đó của thế giới hoang sơ chẳng cung cấp manh mối gì hết. Thế nhưng có điều ta không thể nghi ngờ, nơi đó từng cư ngụ hàng ngàn con người như chúng ta. Khi nào thì họ tới đó, nguồn gốc họ ra sao, số phận họ và lịch sử của họ ra sao? Và khi nào thì họ đã bị diệt vong? Chẳng ai nói được gì về điều đó hết.

Điều cực kì khó hiểu! Đã có những nhóm người hoàn toàn biến khỏi trái đất mà đến cả tên gọi của họ cũng bị xoá mất. Ngôn ngữ họ bị mất, vinh quang của họ tan biến như một âm thanh không tiếng vọng. Nhưng tôi không hiểu liệu có không một trường hợp đơn nhất ít ra đã để lại một nấm mồ nhắc nhớ lại con đường họ đi ngang. Vì thế, trong tất cả những công trình của con người, công trình bền lâu nhất vẫn cứ là cái gì có thể phác hoạ lại được tốt nhất sự hư vô và những khốn cùng của con người!

Dù rằng cái xứ sở chúng ta vừa mới miêu tả được cư ngụ bởi vô số bộ lạc người bán địa, ta có thể nói một cách công bằng là vào thời kì phát hiện ra châu Mĩ, nơi đây mới chỉ là một hoang mạc. Người Anh điêng chiếm được vùng đất đó, nhưng không sở hữu nó. Chính là nhờ nông nghiệp mà con người chiếm hữu được đất đai. Thế nhưng những cư dân đầu tiên của châu Mĩ lại sống bằng săn bắt. Những định kiến không bao giờ xoá mờ của họ, những đam mê không kiềm chế được của họ, những tật xấu, và cả những đức tính hoang dã của họ nữa, đều đã đưa họ vào một cuộc tàn phá không sao tránh khỏi. Cuộc suy vong của các nhóm cư dân đó bắt đầu từ cái ngày người châu Âu đặt chân lên đôi mép nước của họ. Cuộc suy vong đó cứ tiếp tục mãi kể từ đó. Nó kết thúc vào thời nay. Đặt họ sống giữa những tài sản nơi Tân thế giới, Thiên Mệnh dường như chỉ sẽ cho họ một chút hoa lợi thừa ngắn ngủi. Họ ở đó tựa hồ như để chờ để đợi. Những bờ biển ấy, soạn sửa sẵn và đẹp cho thương mại và công nghiệp, những dòng sông sâu thế ấy, cái thung lũng bất tận của sông Mississippi kia, cả cái lục địa trọn vẹn đó, đã hiện ra như cái nôi cho một dân tộc vĩ đại mà bên trong nôi chưa đặt ai vào nằm.

Đó chính là nơi những con người văn minh sẽ phải thử xây dựng nên cái xã hội trên những nền móng mới, và bằng cách áp dụng lần đầu tiên những lí thuyết mà tới đó vẫn chưa từng ai biết đến hoặc nổi tiếng là bất khả thi, họ sẽ đem lại cho thế giới một quang cảnh mà lịch sử trong quá khứ không chuẩn bị sẵn.

CHÚ THÍCH

(A)

Xin hãy dõi theo hai cuộc viễn du bằng tiền của Quốc hội của thiếu tá Long lên các vùng đất miền Tây nơi người châu Âu chưa thâm nhập vào.

Nhân nói đến hoang mạc lớn của nước Mĩ, ông Long nói rằng cần phải kéo một con đường gần như song song với vĩ tuyến Washington (kinh tuyến 20 độ kéo theo vì tuyến Washington gần với kinh tuyến 99 độ kéo theo vĩ tuyến Paris − Tác giả chú thích) đi từ sông Rouge và đầu mút là sông Plate. Từ con đường tưởng tượng đó cho tới dãy núi Rocky Mountains bao lấy thung lũng sông Mississippi ở phía Tây là những đồng bằng mênh mông nói chung đều bị cát che phủ, hoặc rãi rác những tảng đá granit, không cày cấy được. Mùa hè, vùng này không có nước. Ở đó chỉ bắt gặp những đàn trâu và ngựa hoang rất đông. Ở đó cũng có vài bộ lạc du mục người Anh điêng, nhưng không đông.

Thiếu tá Long cũng nghe nói là cứ đi mãi theo một hướng lên phía sông Plate, thì bên phía trái vẫn là hoang mạc đó. Nhưng chính ông không có điều kiện kiểm chứng xem báo cáo đó có chính xác không. Long’s expedition (Chuyến thám hiểm của Long), tập II, trang 361.

Dù tin cậy những điều ông thiếu tá Long nói, nhưng ta không nên quên rằng ông chỉ đi thẳng một lèo qua cái xứ sở được ông nhắc tới, mà không rẽ ngang rẽ ngửa khôi cái đường thẳng ông đã đi.

(B)

Nam Mĩ, ở những vùng giữa hai miền nhiệt đới, có vô số loại thực vật gọi chung là cây leo (liane − ND). Chỉ một mình thảm thực vật vùng Antilles có hơn 40 loài khác nhau.

Trong số cây bụi duyên dáng nhất có cây grenadille. Theo lời miêu tả giới thực vật vùng Antilles của Descourtiz, loài cây leo đẹp đẽ này dùng tua vị bám vào cây lớn, và tạo thành những cổng vòm di động, những hàng cột phong phú và lịch sự với hoa đỏ thẫm pha xanh lam, và toả mùi vị ngào ngạt; tập I, trang 265.

Cây acacia có trái to, là loài cây leo rất lớn, mọc nhanh và bò từ cây này qua cây khác, có khi che phủ tới hơn nửa dặm; tập III, trang 227.

(C) VỀ CÁC NGÔN NGỮ NƯỚC MĨ

Người ta cho rằng các ngôn ngữ của người Anh điêng sống từ vùng Bắc băng cực cho tới mũi Horn đều được cấu tạo theo cùng một mẫu và có chung quy tắc ngữ pháp, từ đó mà có thể kết luận như thế rất đúng với sự thật rằng các dân tộc Anh điêng đều cùng một lò chui ra.

Mỗi nhóm cư dân trên lục địa Mĩ nói một phương ngữ khác. Nhưng các ngôn ngữ đích thực thì không có bao nhiêu, điều này lại càng dẫn tới xu hướng chứng minh rằng các dân tộc ở Tân thế giới không có nguồn gốc tương đối lâu đời.

Sau nữa, các ngôn ngữ nước Mĩ đều vô cùng có quy cách. Vậy là rất có thể các nhóm người sử dụng các ngôn ngữ đó không gặp các cuộc cách mạng to lớn và không bị bắt buộc hoặc tự nguyện phải hoà trộn với các dân tộc ngoại lai. Bởi vì nói chung sự hợp nhất nhiều ngôn ngữ trong một tiếng nói là nguyên nhân gây ra những bất quy tắc ngữ pháp.

Không xa xôi lắm, các ngôn ngữ Mĩ, đặc biệt là các ngôn ngữ Bắc Mĩ, đã thu hút sự chú ý nghiêm túc của các nhà nghiên cứu ngữ văn. Khi đó, lần đầu tiên người ta đã khám phá được rằng, cái thổ ngữ hoang dã kia là sản phẩm của một hệ thống tư tưởng rất phức tạp và những kết hợp vô cùng bác học. Người ta nhận ra rằng các ngôn ngữ đó rất phong phú và khi hình thành chúng, con người đã vô cùng quan tâm đến cái lỗ tai tinh tế của người nghe.

Hệ thống ngữ pháp của người Mĩ khác với mọi ngôn ngữ khác về mọi mặt, nhưng chủ yếu là ở mặt sau đây.

Một vài dân tộc châu Âu, đặc biệt là người Đức, có cái tài là khi họ cần thì kết hợp được những cách biểu đạt khác nhau và bằng cách đó mà đem lại một cái nghĩa phức cho những từ nhất định. Người Anh điêng đã phát triển nguyên tắc đó theo cách làm cho ta phải vô cùng kinh ngạc, và có thể nói là họ đã đạt tới chỗ tập trung nhiều ý tưởng vào chỉ một điểm. Ta có thể dễ dàng hiểu điều này qua thí dụ của ông Duponceau trong bộ Kỉ yếu Hội Triết học Mĩ (Mémoires de la Société philosophique d’Amérique).

Duponceau viết rằng, khi một người đàn bà ở Delaware chơi giỡn với con mèo hoặc con chó, ta nghe thấy người đó đôi khi nói một từ kuligatschis. Từ đó có cấu tạo như sau: k là dấu hiệu chỉ ngôi thứ hai, mày hoặc của mày; uli là một bộ phận tách ra từ wulit có nghĩa là đẹp, xinh; và gat lại là một bộ phận tách ra khác nữa của wichgat, có nghĩa là chân, cẳng; sau hết là schis phát âm là chise là một hậu tố rút ngắn âu yếm mang nghĩa bé bỏng bé nhỏ. Vậy là, chỉ trong một từ thôi, người đàn bà Anh điêng kia đã nói: Cái chân xinh xinh của mày.

Đây là một thí dụ nữa cho thấy những con người hoang dại nước Mĩ đã sung sướng biết bao khi kết hợp được các từ của mình.

Một chàng trai ở Delaware được gọi là một pilapé. Từ này được tạo thành bởi pilsit, trinh trắng, hồn nhiên, vô tư, và lénapé là “người”, vậy pilapé là con người trong sự trinh trắng vô tư hồn nhiên hoàn toàn.

Cái khả năng kết hợp các từ như vậy được thấy rất rõ và khá lạ kì trong việc tạo động từ. Hành động phức tạp nhất đôi khi chỉ cần diễn đạt chỉ với một động từ. Hầu hết các nét nghĩa uyển chuyển của ý tưởng tác động lên động từ và làm thay đổi nó đi.

Những ai muốn nghiên cứu chi tiết hơn nữa đề tài này, điều mà tôi chỉ mới lướt qua hết sức hời hợt, nên đọc:

1./ Thư tín giữa ông Duponceau với đức cha Hecwelder về đề tài ngôn ngữ người Anh điêng. Tìm các thư tín này trong tập I bộ Kỉ yếu Hội Triết học Mĩ (Mémoires de la Société philosophique d’Amérique), xuất bản tại Philadelphie năm 1819 tại nhà Abram Small, trang 356-464.

2./ Ngữ pháp ngôn ngữ Delaware hoặc Lenape, tác giả là Geiberger, kèm theo lời tựa của ông Duponceau. Tất cả được in trong cùng một bộ, tập III.

3./ Một bản tóm tắt vô cùng hay về các công trình này nằm ở cuối tập VI bộ Encyclopédie américaine (Bách khoa toàn thư Mĩ).

(D)

Charlevoix, tập I, trang 235, có viết về cuộc chiến tranh lần thứ nhất vào năm 1610 mà người Pháp ở Canada phải đương đầu với người Iroquois. Những người Iroquois này dù chỉ trang bị bằng cung tên vẫn chiến đấu tuyệt vọng chống lại người Pháp và đồng minh của Pháp. Charlevoix vẫn không phải là một hoạ sĩ lớn, nhưng đã làm cho đoạn văn ngắn dưới đây vẽ lên được sự đối lập về tập tục giữa người châu Âu và người hoang dã cùng với những quan niệm khác nhau của các chủng tộc đó đối với vấn đề danh dự.

Ông viết: “Người Pháp xông vào cướp lấy những tấm da hải li đang đắp lên những người Iroquois nằm dài ở đó. Người Huron là đồng minh của Pháp thấy tức giận vì cách đối xử với tù binh mà chỉ ‘nhẹ’ vậy thôi. Người Huron bắt đầu tiến hành những trò hành hạ độc ác thông thường đối với tù binh, và họ ăn thịt một trong số những tù binh đã bị giết chết, chuyện này khiến cho người Pháp thấy kinh tởm.” Charlevoix nói thêm: “Vậy là những con người hoang dã này lấy làm vinh dự vì thái độ dửng dưng mà chắc là họ sẽ phải ngạc nhiên vì thấy chuyện như thế không có được ở nước chúng ta, và họ cũng không hiểu rằng chuyện bóc lột đồ đạc trên người quân địch đã chết còn ít tồi tệ hơn là ăn thịt họ như là những con thú hung dữ.”

Cũng ông Charlevoix, trong một đoạn khác, tập I, trang 230, phác hoạ như sau về cuộc hành hình đầu tiên ông Champlain được chứng kiến, và cảnh người Huron trở về làng.

Ông viết: “Sau khi đi được tám dặm, các đồng minh của chúng tôi dừng chân, và lôi ra một trong những người bị bắt. Họ trút mọi điều trách cứ lên đầu người tù binh này, quy trách nhiệm mọi điều hung bạo phía anh ta đã tiến hành đối với những chiến binh dân tộc họ đã bị rơi vào tay chúng. Rồi họ tuyên bố anh ta sẽ bị đối đãi y hệt, và còn nói thêm rằng, nếu còn có lòng dũng cảm, anh ta sẽ chứng tỏ điều đó bằng cách chịu đựng mọi cực hình mà miệng vẫn hát.” “Người tù binh này cất tiếng hát một bài ca chiến trận, và tiếp tục hát mọi bài anh ta đã thuộc, nhưng bằng một giọng cực kì buồn”, Champlain nói tiếp vì ông là người vẫn chưa có thời gian để hiểu rằng toàn bộ âm nhạc của những con người hoang dã đều có vẻ gì đó thật là âm u. Việc hành hình anh ta, cùng với mọi điều kinh tởm mà chúng tôi sẽ nói tiếp dưới đây, khiến người Pháp kinh hãi, và họ tìm mọi cách nhưng vô vọng để chăm dứt chuyện kia. Đêm sau, một người Huron nằm mơ thấy họ bị theo đuổi, thế là cuộc tháo lui trở thành cuộc tháo chạy tán loạn, và những con người hoang dại đó không dừng chân ở bất kì chỗ nào họ cho là chưa hết hiểm nguy.

“Khi bắt đầu thấy những căn lều làng mình, họ liền chặt những cây gậy dài rồi lấy những mảng tóc và da đầu quân địch để chia nhau treo lên đó và giương cao mừng chiến thắng. Khi nhìn thấy cảnh đó, đàn bà chạy lại và lao xuống nước bơi ra đón các chiến binh, và khi bắt kịp các con thuyền, họ nhận lấy từ tay chồng họ những lượm tóc còn bê bết máu kia và đeo vào cổ.

“Các chiến binh đem tặng một trong những chiến lợi phẩm kinh hồn đó cho Champlain và cũng tặng thêm ông vài bộ cung tên, những thứ duy nhất tước được của người Iroquois mà họ định bụng chiếm giữ, nhờ ông đem dâng vua nước Pháp.”

Champlain sống một thân một mình suốt mùa đông giữa những con người man rợ đó, vậy mà con người ông cùng các thứ đồ đạc của ông không mảy may suy suyễn.

Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)

Dịch giả:
Phạm Toàn