Liệu tiền giấy có thành mồi lửa?

Liệu tiền giấy có thành mồi lửa?

Dù sẵn sàng hay không thì giới tài chính đang buộc phải đối mặt với khả năng về một tương lai không có tiền giấy và tiền xu truyền thống. Tiền mặt có phải đang lỗi thời? Chúng ta nên hoan nghênh hay nên lo sợ cho viễn cảnh tiền giấy bị tiêu hủy? Và sự biến mất của nó có ý nghĩa gì đối với thị trường và nền chính trị trong nước và trên toàn cầu?

Hai cuốn sách gần đây của những nhà kinh tế học nổi tiếng đã tạo tiền đề cho các cuộc tranh luận sắp tới, cụ thể là làm nổi bật hai câu hỏi. Thứ nhất, liệu tiền mặt có nên biến mất. Thứ hai, liệu tiền mặt sẽ thực sự biến mất. Kenneth Rogoff của Đại học Harvard và Eswar Prasad của Đại học Cornell có nhiều điều để nói về cả hai vấn đề này.

Tiền có làm thế giới xoay chuyển hay không?

Đối với Rogoff, tiền mặt là lời nguyền rủa. Ông khẳng định rằng tiền giấy “là nguồn gốc của những vấn đề tiền tệ và tài chính công khó giải quyết nhất hiện nay” và do đó cần được loại bỏ càng nhanh càng tốt. Ông nhấn mạnh hai vấn đề lớn. Một mặt, bằng cách cho phép các giao dịch ẩn danh lớn và diễn ra thường xuyên, tiền mặt chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc trốn thuế và các loại tội phạm khác. Những tờ tiền mệnh giá cao như “Benjamins” của Mỹ (tờ 100 đô la) hoặc tờ 1.000 franc của Thụy Sĩ có vai trò quan trọng trong một loạt các vụ phạm tội, từ buôn bán ma túy, rửa tiền đến lừa đảo và tống tiền.

Mặt khác, tiền mặt gây bất lợi cho chính sách tiền tệ. Sự hiện hữu của tiền mặt trên thực tế đặt ra một “giới hạn không được dưới 0” đối với lãi suất. Nếu mọi người có quyền chọn cách giữ tiền giấy, lợi tức tín phiếu kho bạc hoặc các chứng khoán có thu nhập cố định khác không thể giảm xuống mức dưới 0 quá nhiều, vì ít nhất lãi suất có được từ việc giữ tiền mặt này là bằng 0. Do đó, tiền mặt ràng buộc các ngân hàng trung ương, cấm ban hành những chính sách lãi suất âm.

The Curse of Cash (Tạm dịch: Lời nguyền của Tiền mặt) là đỉnh cao của chiến dịch mà Rogoff đã thực hiện trong hơn hai thập kỷ qua, và ông thẳng thắn bày tỏ sự ủng hộ một nền kinh tế “ít tiền mặt”. Nói một cách dễ hiểu hơn, nó là lời kêu gọi hành động, mà thực ra là tuyên ngôn cho thời đại của chúng ta. Tính khẩn cấp của việc này là hiển nhiên.

Ngược lại, Prasad lại thiên về lĩnh vực dự báo xu hướng kinh doanh. Ông tin rằng chúng ta đang ở trung tâm cuộc cách mạng tài chính được điều hành bởi “FinTech” - làn sóng đổi mới liên tục trong công nghệ tài chính đang phá vỡ đáng kể các phương thức kinh doanh truyền thống. Đi tiên phong là tiền số, một loại công cụ tài chính mới cảnh báo về một sự thay thế tiền giấy và tiền xu thông thường. Prasad tuyên bố rằng “kỷ nguyên tiền giấy đang dần đến hồi kết,” mặc dù ông vẫn do dự trong việc đưa ra bất kỳ dự đoán chắc chắn nào về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Câu từ của Prasad tương đối dễ hiểu, cho thấy sự hài hước mặc dù đây là đề tài khá phức tạp. Tuy nhiên, những phân tích trong tác phẩm cuối cùng cũng không đi đến kết luận nào cả, vì hầu hết các cuộc thảo luận đều kết thúc một cách thận trọng (hay đúng hơn là chẳng hữu dụng gì) với những từ ngữ như “seem” (dường như), “may” (có lẽ), “could” (có thể). Trong một cuốn sách mong muốn trở thành bách khoa toàn thư trong lĩnh vực mà nó bao trùm, bài học rút ra của Prasad là vẫn còn “nhiều câu hỏi chưa được trả lời”.

Quá trình phát hủy phương thức truyền thống của Fintech

Tiền số đang trở thành một trong những chủ đề nóng nhất trong giới tài chính, dẫn đầu là Bitcoin, đồng tiền mới tồn tại được một thập kỷ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, số lượng các loại tiền số mới kể từ đó đã tăng lên nhanh chóng như những bông hoa bồ công anh, có khoảng 9.000 mã token được niêm yết trên các sàn giao dịch khác nhau ngày nay. Đầu năm nay, giá trị thị trường của tất cả các tài sản mã hóa đã vượt quá 2.000 tỷ đô-la tăng gấp 10 lần trong hơn một năm.

Sự bùng nổ tiền số bắt nguồn từ sự khởi đầu của kỷ nguyên số trong những năm cuối của thế kỷ 20. Tiền giấy và tiền xu truyền thống là sản phẩm của một thế giới tín hiệu analog (tín hiệu tương  tự), mang bản chất vật hữu hình và phụ thuộc vào các tương tác trực tiếp. Ngược lại, tiền số được mã hóa dựa trên các chuỗi số 0 và 1, và có thể chuyển nhượng thông qua các mạng điện tử rộng lớn.

Một khi máy tính và internet trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, các nhà điều hành thông minh nhận ra rằng họ có thể tạo ra các đơn vị có sức mua hoàn toàn có thể được sử dụng thông qua không gian mạng. Một cuộc đua nổ ra nhằm sản xuất được loại tiền “ảo” có thể sử dụng dễ dàng như tiền giấy hay tiền xu thông thường để mua hàng hóa, dịch vụ hoặc bất động sản.

Trở lại những năm 1990, những nỗ lực đầu tiên hướng đến mục đích tạo ra tiền ảo đơn giản là tạo ra phương tiện hỗ trợ cho việc giải quyết các khoản thanh toán bằng phương thức điện tử. Những sáng kiến này từng được tờ báo The Economist đùa vui là “tiền điện tử phiên bản 1.0”, bao gồm việc cho phép người sử dụng giao dịch qua nhiều hệ thống thẻ và các hệ thống mạng khác nhau. Được vận hành trên nguyên tắc là người dùng phải trả trước toàn bộ, mỗi hệ thống hoạt động theo cơ chế giống như một phương tiện ủy quyền thuận tiện thay cho tiền giấy truyền thống - mà trên thực tế giống một tấm séc du lịch được tô điểm. Rất ít hệ thống đến được với công chúng.

Các mô hình tiếp theo, “tiền điện tử phiên bản 2.0”, biểu lộ những tham vọng lớn hơn, mong muốn tạo ra các phương tiện thay thế thực sự cho các loại tiền giấy và tiền xu truyền thống. Chẳng hạn như Flooz (có người phát ngôn là diễn viên hài Whoopi Goldberg) và Beenz. Nhưng tác động của những hệ thống này cũng vẫn còn hạn chế, vì hầu hết chúng được phát hành giống như một phiếu thưởng cho việc mua sản phẩm hoặc dịch vụ từ các nhà cung ứng được chỉ định; trên thực tế, hiệu quả của chúng chẳng khác gì các phiên bản điện tử cập nhật của tín phiếu thời cổ đại. Các kiểu phương tiện dành cho nhà cung cấp cụ thể (vendor-specific media) sống bám vào các chương trình dặm bay và các chương trình tương tự; nhưng họ đã không thể đưa ra một sản phẩm thay thế trực tiếp cho tiền tệ truyền thống. Hầu hết đã biến mất sau cuộc suy thoái ngắn của thị trường tài chính vào đầu thế kỷ này.

Buổi đầu của cuộc cách mạng

Sau đó Bitcoin ra đời, một sự đổi mới mang tính cách mạng được ra mắt năm 2009 bởi một người (hoặc nhóm người) giấu tên. Bitcoin có thể được coi như là “tiền điện tử phiên bản 3.0”. Được thiết kế như một hệ thống thanh toán phân tán độc lập với chính phủ và các định chế tài chính tư nhân, đồng Bitcoin đã tăng vọt về số lượng người sở hữu. Kể từ khi ra đời một cách bất ngờ, giá của Bitcoin đã tăng vọt từ 1 đô-la cho mỗi đơn vị lên tới 66.000 đô-la vào đầu tháng này (tháng 10/2021).

Đồng Bitcoin đã kéo theo sau nó rất nhiều loại tiền số khác, bao gồm các đối thủ cạnh tranh ngày càng nổi tiếng như Ether, Litecoin, và Ripple, đặc biệt là trong năm vừa qua. Prasad gọi Bitcoin là “ông tổ” của tiền số. Tiền số giờ đây là một phần chính thức của hệ sinh thái tài chính toàn cầu, và đã được tuyên bố là đồng tiền pháp định ở hai đất nước, El Salvador và Cuba.

Prasad nhận thấy ông khó có thể che giấu sự say mê của mình với Bitcoin, đồng tiền mà ông mô tả là “thực sự khéo léo và sáng tạo”. Những từ ngữ như “kỳ diệu”, “bậc kỳ tài”, và “thông minh” được ông phổ biến một cách rộng rãi trong suốt cuộc thảo luận.Với những ai thực sự muốn hiểu về cách thức tiền tệ hoạt động trong tất cả thời kỳ huy hoàng về kỹ thuật của nó thì không có phần giới thiệu nào hay hơn chương thứ tư của Prasad, nói một cách tỉ mỉ chi tiết về cuộc cách mạng Bitcoin.

Ở đó bạn sẽ tìm thấy hướng dẫn từng bước về nền móng của tiền tệ - cái gọi là công nghệ blockchain cho phép Bitcoin hoạt động mà không cần bất kỳ cơ quan trung ương đáng tin cậy nào quản lý nó. Không cần một cơ quan chính phủ hay một đơn vị tư nhân nào để xác thực các giao dịch. Thay vào đó, blockchain dựa hoàn toàn vào cơ chế đồng thuận công khai được quản lý thông qua một mạng đồng đẳng cảnh báo người tham gia về mọi giao dịch trong thời gian thực. Một sổ cái được chia sẻ công khai về các giao dịch được tạo ra và duy trì trong một hệ thống phi tập trung.

Cuốn sổ cái được coi là một blockchain vì một khi các giao dịch được nhập vào mạng sẽ được nhóm thành các khối dữ liệu và được xác thực, các khối sau đó được liên kết với nhau. Sự “kỳ diệu” đến từ việc ủy thác sự tin tưởng và xác minh cho cộng đồng. Như Prasad đã nói, “Đây là sức mạnh của con người ở mức tối đa, được chống lưng bởi năng lực tính toán.”

Quyền lực của người dân trong việc quản lý tiền bạc rõ ràng rất thu hút đối với những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân và những người chịu ảnh hưởng bởi nhà kinh tế học người Áo Friedrich von Hayek, từ lâu đã khẳng định về nhu cầu “tư hữu hóa” tiền tệ. Chính phủ, được điều hành bởi các chính trị gia, cũng đều thường xuyên lạm dụng quyền kiểm soát của mình đối với tiền “nhà nước”, sớm hay muộn cũng sẽ nhanh chóng tạo ra lạm phát. Trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy quá trình tàn phá đó hủy hoại các quốc gia như Venezuela và Zimbabwe.

Trái lại, tiền số được thiết kế dựa trên sức mạnh của thị trường nhằm giữ mức tăng trưởng của cung tiền phù hợp với hoạt động kinh tế thực. Những người say mê tiền số cho hay, lạm phát sẽ bị giới hạn bởi trí khôn của đám đông.

Những lỗ hổng của tiền số

Dù vậy nhưng tiền số cũng có những mặt trái không phải là không đáng kể. Đầu tiên và rõ ràng nhất là nguy cơ cạnh tranh giữa các loại tiền số có thể khiến các nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro lớn hơn bao giờ hết. Rất nhiều trong số hàng nghìn mã token hiện sẵn có không được hỗ trợ bởi bất cứ thứ gì ngoài những lời hứa suông. Ngay cả những cái gọi là “đồng tiền ổn định” như Tether hay USD Coin, về nguyên tắc được hỗ trợ hoàn toàn bằng nguồn dự trữ thông thường, trên thực tế thường khá thiếu minh bạch.

Những người quan sát thường ví tiền số ngày nay với những tờ giấy bạc ngân hàng tư nhân được lưu hành ở Hoa Kỳ trong suốt kỷ nguyên được gọi là free-banking (hệ thống ngân hàng tự do cạnh tranh) của thế kỷ 19. Nhưng hệ thống đó rất mong manh và thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị “rút tiền”, do sự dao động lòng tin thường xuyên của công chúng. Không phải lúc nào đám đông cũng thể hiện sự khôn ngoan nhất. Tại sao chúng ta nên kỳ vọng tiền số ngày nay ít hỗn loạn và ít biến động giá hơn? Chỉ trong năm qua, giá Bitcoin thăng giáng trên dưới khoảng hơn 50%. Prasad gọi hiện tượng này là “khác lạ … một chuyến tàu lượn điên rồ.” Những người khác có thể sẽ gọi nó là thứ bong bóng có thể nổ tung bất cứ lúc nào.

Thứ hai, viễn cảnh về sự biến động giá không được kiểm soát làm hạn chế tính hữu ích của tiền số như một phương tiện trao đổi. Ai muốn chấp nhận thanh toán bằng một đồng tiền mà giá trị của nó có thể giảm mạnh vào ngày hôm sau? Phải thừa nhận rằng, sẽ luôn có một số tác nhân thị trường, nhất là các phần tử tội phạm, những kẻ sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì coi trọng tính ẩn danh của tiền số.

Nhưng lý do này có thể biện bác, viện dẫn từ lời phàn nàn của Rogoff, rằng tiền mặt, cũng như tiền số, tạo tiền đề cho trốn thuế và các hoạt động bất chính khác. Tuy vậy, bản thân Rogoff gợi ý rằng mối đe dọa thực sự từ tiền số nằm ở chỗ khác. Ông nói, “Đúng, tiền số đã đặt ra những dấu hỏi quan trọng cho tương lai, nhưng với vai trò là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các định chế và cụ tài chính [của chính phủ], chứ không phải là với tiền giấy.” Prasad đồng ý, cho rằng sức hấp dẫn của các loại tiền số đối với các hoạt động phi pháp đang dần mất đi. Tuy nhiên, một số học giả ước tính rằng các hoạt động tội phạm vẫn chiếm tới 50% trong số các giao dịch Bitcoin.

Hơn nữa, giới kinh doanh hợp pháp dường như không bị thu hút bởi việc sử dụng thường xuyên các loại tiền số. Thay vào đó, các loại tiền số chủ yếu trở thành một phương tiện cho những nhà đầu tư thích mạo hiểm, đóng vai trò là một loại tài sản đầu cơ gợi lại hội chứng hoa tulip thế kỷ 17 ở Hà Lan, khi một bông hoa được bán với giá tương đương một dinh thự trên kênh đào Amsterdam Grand. Theo một nghĩa nào đó, mác “tiền số” là một thuật ngữ được sử dụng sai, bởi vì không có cái nào trong những loại đồng tiền mới này thực sự thể hiện cả ba chức năng truyền thống của tiền tệ: phương tiện trao đổi, đơn vị tính toán, và lưu trữ giá trị. Chúng cùng lắm thì cũng chỉ là các tài sản tài chính dễ thanh khoản.

Nhà nước vs. tiền số

Thấp thoáng trong toàn bộ cuộc tranh luận đang được khơi ra là khả năng có một mối đe dọa thực sự đối với cơ quan nhà nước trong các vấn đề tiền tệ. Các giao dịch thông thường được thực hiện bằng tiền số càng nhiều thì các cơ quan quản lý tiền tệ càng khó quản lý những hệ thống thanh toán hiện hành thông qua chính sách lãi suất truyền thống hoặc các nghiệp vụ thị trường mở. Nếu tiền mặt truyền thống gần như tuyệt chủng thì phần lớn quyền lực của các ngân hàng trung ương cũng sẽ bị mất đi.

Đó là lý do tại sao giờ đây chúng ta thấy sự quan tâm ngày càng tăng lên trên toàn thế giới đối với sự phát triển của đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDCs). Như Prasad đã chỉ ra, không có điều gì khó hiểu về đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Nó chỉ đơn giản là một đồng tiền được thừa nhận tồn tại được phát hành bởi một cơ quan quản lý tiền tệ ở dạng kỹ thuật số như một sự bổ sung hoặc thay thế cho tiền giấy và tiền xu thông thường. Để có một hướng dẫn rõ ràng về giá trị và rủi ro của một sự đổi mới như vậy, người đọc có thể giành nhiều thời gian tham khảo chương sáu tác phẩm của Prasad, chương này cung cấp một bài nghiên cứu kỹ lưỡng từng điểm một về trường hợp của CBDCs.

Cơ sở lô-gic cho CBDCs rất đơn giản: lấy lửa trị lửa. Nếu tiền giấy thông thường thật sự lỗi thời, các cơ quan quản lý tiền tệ nên tạo ra một phiên bản thay thế thu hút hơn. Trong bất kỳ cuộc đua nào với những đồng tiền số của khu vực tư nhân, CBDCs đều có lợi thế giành được ủng hộ một cách vững chắc bởi sự hoàn toàn tin tưởng và tín nhiệm của các chính phủ toàn quyền. Bahamas, một quốc gia đã tạo ra một CBDC của riêng mình - đồng đô-la cát - và những quốc gia khác như Thụy Điển và Uruguay cũng nhanh chóng đi theo hướng tương tự.

Ai sẽ thắng thế? Trong các bài viết khoảng năm năm trước, trước khi cơn sốt tiền số thực sự bùng nổ, Rogoff đã bày tỏ sự tin tưởng vào năng lực của chính phủ nhằm chống lại bất kỳ mọi mối đe dọa cạnh tranh từ khu vực tư nhân. Ông chỉ ra đây không phải lần đầu tiên xuất hiện đổi mới sáng tạo tiền tệ nổi lên từ khu vực tư nhân để đi trước đón đầu đồng tiền của chính phủ, ít nhất là trong một khoảng thời gian.

Ông khẳng định, trong mọi trường hợp trước đây, những đổi mới sáng tạo hoặc đã bị chế ngự bởi quy định hoặc bị chính phủ chiếm đoạt, do chính phủ có lợi thế hơn hẳn trong việc cung cấp một tài sản đảm bảo an toàn. Một vài chính phủ, nhất là Trung Quốc, đã bắt đầu đàn áp tiền số. “Nếu khu vực tư nhân đưa ra một cách thức hoạt động tốt hơn nhiều thì chính phủ cuối cùng sẽ chấp nhận và điều chỉnh khi cần thiết nhằm giành chiến thắng cuối cùng”, Rogoff nhận xét, không phải không có chút hoài nghi.

Nhưng Prasad thì không chắc chắn đến thế. Trong các bài viết gần đây, ông lưu ý rằng tiền số đã đi một chặng đường dài trong nửa cuối thập kỷ vừa qua. Ông thừa nhận các ngân hàng trung ương có khả năng vẫn là trung tâm. Nhưng điều đó không loại trừ sự cạnh tranh lâu dài giữa khu vực tư nhân và khu vực công. Các loại tiền số do tư nhân phát hành có lợi thế cạnh tranh của riêng chúng, bao gồm giao dịch nhanh hơn, chi phí thấp hơn và khả năng tiếp cận rộng rãi hơn với các sản phẩm và dịch vụ tài chính. Prasad kết luận: “Một tương lai huy hoàng” đang vẫy gọi - trước khi nói thêm, “có lẽ là thế”.

Nguồn: Benjamin J. Cohen, The Bonfire of the Currencies?, Project Syndicate, 29/10/2021