[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương III: Tạo ra thịnh vượng và đói nghèo (Phần 2)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương III: Tạo ra thịnh vượng và đói nghèo (Phần 2)

CÁC THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ CHIẾM ĐOẠT VÀ DUNG HỢP

Tất cả các thể chế kinh tế đều do xã hội tạo ra. Ví dụ, các thể chế kinh tế của Bắc Triều Tiên được thực thi đối với dân chúng từ khi Đảng Cộng sản tiếp quản đất nước vào thập niên 1940, trong khi các thể chế của thuộc địa châu Mỹ La-tinh được áp đặt bởi những kẻ chinh phục người Tây Ban Nha. Nam Triều Tiên rốt cuộc có những thể chế kinh tế rất khác so với Bắc Triều Tiên vì dân chúng khác nhau với các quyền lợi và mục tiêu khác nhau, đã đi đến quyết định về cách thức cơ cấu xã hội khác nhau. Nói cách khác, Nam Triều Tiên có nền chính trị khác.

Chính trị là quá trình trong đó xã hội chọn các luật lệ để cai trị xã hội. Chính trị bao quanh các thể chế, bởi lý do đơn giản là: tuy các thể chế dung hợp có thể tốt đối với sự thịnh vượng kinh tế của một quốc gia, một số người hay nhóm người, như giới quyền thế ở Bắc Triều Tiên hay các chủ đồn điền mía đường ở thuộc địa Barbados, sẽ khấm khá hơn nhiều thông qua việc thiết lập các thể chế có tính chiếm đoạt. Khi có sự xung đột thể chế, điều xảy ra sẽ phụ thuộc vào việc những người nào hay nhóm người nào sẽ thắng thế trong trò chơi chính trị - ai có thể giành được nhiều ủng hộ hơn, thu được nhiều nguồn lực hơn, và hình thành các liên minh hữu hiệu hơn. Nói vắn tắt, việc ai thắng ai sẽ phụ thuộc vào sự phân phối quyền lực chính trị trong xã hội.

Các thể chế chính trị của xã hội là yếu tố then chốt quyết định kết quả của cuộc chơi này. Đó là những luật lệ điều khiển các động cơ khuyến khích trong chính trị. Các thể chế chính trị sẽ quyết định cách thức chính phủ được chọn như thế nào và bộ phận nào của chính phủ có quyền làm điều đó. Các thể chế chính trị sẽ quyết định ai có quyền lực trong xã hội và quyền lực đó có thể được sử dụng vào mục đích gì. Nếu quyền lực được phân phối một cách hạn hẹp trong một số ít người và không bị giới hạn, thì các thể chế chính trị có tính chất chuyên chế, điển hình như các nền quân chủ chuyên chế thống trị khắp thế giới xuyên suốt phần lớn lịch sử. Dưới các thể chế chính trị chuyên chế như ở Bắc Triều Tiên và châu Mỹ La-tinh thời thuộc địa, những người có thể sử dụng quyền lực này sẽ có khả năng thiết lập các thể chế kinh tế làm giàu cho chính bản thân họ và củng cố quyền lực trong khi xã hội phải chịu tổn thất. Trái lại, những thể chế chính trị trong đó quyền lực được phân phối rộng rãi trong xã hội và có giới hạn là những thể chế đa nguyên. Thay vì đặt vào một cá nhân duy nhất hay một nhóm thu hẹp, quyền lực chính trị được đặt vào một liên minh rộng rãi hay nhiều nhóm.

Rõ ràng có mối quan hệ mật thiết giữa tính đa nguyên và các thể chế kinh tế dung hợp. Nhưng điểm mấu chốt để hiểu lý do tại sao Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ có các thể chế kinh tế dung hợp không phải chỉ là các thể chế chính trị đa nguyên mà còn là các nhà nước hùng mạnh và đủ tập trung của họ. Sự tương phản rõ rệt là với đất nước Somalia ở Đông Phi. Như ta sẽ thấy về sau trong quyển sách này, quyền lực chính trị ở Somalia từ lâu đã được phân phối rộng rãi - gần như đa nguyên. Trên thực tế, không có một nhà nước thực sự có thể kiểm soát hay phê chuẩn mọi hành động của dân chúng. Xã hội bị chia cắt thành nhiều bè phái đối lập không thể chế ước lẫn nhau. Quyền lực của một phe phái này chỉ được hạn chế bằng súng ống của một phe phái khác. Sự phân phối quyền lực này không dẫn đến các thể chế dung hợp, mà chỉ mang lại sự hỗn loạn, và nguyên nhân gốc rễ của nó là tình trạng thiếu tập trung chính trị và thiếu khả năng thực thi luật pháp và trật tự của nhà nước Somalia để nâng đỡ các hoạt động kinh tế, thương mại, hay ngay cả nền an ninh cơ bản của dân chúng.

Max Weber, người mà chúng ta đã gặp trong chương trước, đã đưa ra định nghĩa nổi tiếng nhất và được chấp nhận rộng rãi về nhà nước, đồng nhất nó với “độc quyền bạo lực chính thống” trong xã hội. Không có sức mạnh độc quyền và mức độ tập trung quyền lực này, nhà nước không thể đóng vai trò cưỡng chế thực thi pháp luật và trật tự, huống hồ là cung cấp các dịch vụ công hay khuyến khích và điều tiết các hoạt động kinh tế. Khi nhà nước không thể đạt được sự tập trung chính trị, xã hội chẳng mấy chốc sẽ rơi vào hỗn loạn, như ở Somalia.

Chúng ta sẽ gọi những thể chế chính trị có tính tập trung và đa nguyên là những thể chế chính trị dung hợp. Khi một trong hai điều kiện này không được đáp ứng, chúng ta sẽ gọi đó là các thể chế chính trị chiếm đoạt.

Giữa các thể chế kinh tế và các thể chế chính trị có sự hòa hợp mạnh mẽ. Các thể chế chính trị chiếm đoạt tập trung quyền lực vào tay một nhóm thiểu số quyền thế và việc sử dụng quyền lực này gần như không có giới hạn. Khi đó, các thể chế kinh tế thường được giới quyền thế này cơ cấu sao cho họ có thể bòn rút nguồn lực từ phần còn lại của xã hội. Vì thế, các thể chế kinh tế chiếm đoạt tự nhiên sẽ đi đôi với các thể chế chính trị chiếm đoạt. Trên thực tế, các thể chế kinh tế chiếm đoạt vốn dĩ phụ thuộc vào các thể chế chính trị chiếm đoạt để tồn tại. Các thể chế chính trị dung hợp sẽ phân phối quyền lực rộng rãi và có xu hướng nhổ bật gốc rễ những thể chế kinh tế tước đoạt nguồn lực từ nhiều người bằng cách dựng lên các hàng rào cản trở tham gia thị trường và ức chế sự vận hành thị trường để chỉ làm lợi cho một số ít người.

Ví dụ, ở Barbados, hệ thống đồn điền dựa vào sự bóc lột nô lệ hẳn sẽ không thể tồn tại nếu không có các thể chế chính trị giúp đàn áp và loại trừ hoàn toàn người nô lệ ra khỏi quá trình chính trị. Người ta cũng không thể hình dung nổi một hệ thống kinh tế làm bần cùng hóa hàng triệu người vì lợi ích của một nhóm quyền thế thu hẹp ở Bắc Triều Tiên nếu như không có sự thống lĩnh chính trị hoàn toàn của họ.

Mối quan hệ hòa hợp giữa các thể chế kinh tế và chính trị chiếm đoạt mang lại một vòng lặp phản hồi mạnh mẽ: các thể chế chính trị giúp giới quyền thế kiểm soát quyền lực chính trị chọn lựa những thể chế kinh tế không có các áp lực ràng buộc hay đối lập.

Các thể chế này cũng giúp giới quyền thế cơ cấu các thể chế chính trị tương lai và sự tiến hóa của thể chế. Đến lượt mình, các thể chế kinh tế chiếm đoạt sẽ làm giàu cho chính giới quyền thế này, rồi của cải kinh tế và quyền lực sẽ giúp củng cố hơn nữa sự thống lĩnh chính trị của họ. Ví dụ, ở Barbados hay châu Mỹ La-tinh, thực dân có thể sử dụng quyền lực chính trị để áp đặt một hệ thống thể chế kinh tế mang lại cho họ cơ ngơi hoành tráng bằng tổn thất của phần đông dân số còn lại. Những nguồn lực mà các thể chế kinh tế này tạo ra giúp giới quyền thế xây dựng quân đội và các lực lượng an ninh để bảo vệ quyền lực chính trị độc quyền chuyên chế của họ. Ý nghĩa của quá trình này là các thể chế chính trị và kinh tế chiếm đoạt hỗ trợ lẫn nhau và có xu hướng tồn tại dai dẳng.

Trên thực tế còn có những yếu tố bổ sung cho sự hòa hợp giữa các thể chế kinh tế và chính trị chiếm đoạt. Khi giới quyền thế trong các thể chế chính trị chiếm đoạt hiện tại bị thay thế bởi những người mới thì những người mới này cũng gặp phải rất ít sự giới hạn quyền lực. Vì thế, họ có động cơ duy trì các thể chế chính trị này và tạo ra một hệ thống thể chế kinh tế tương tự, như Porfirio Díaz và giới quyền thế xung quanh ông đã làm vào cuối thế kỷ 19 ở Mexico.

Về phần mình, các thể chế kinh tế dung hợp được hun đúc trên nền tảng của các thể chế chính trị dung hợp, làm cho quyền lực được phân phối rộng rãi trong xã hội và hạn chế sự sử dụng quyền lực một cách tùy tiện. Các thể chế chính trị này cũng làm cho những người khác khó lòng chiếm đoạt quyền lực và làm xói mòn nền tảng của các thể chế dung hợp. Những người kiểm soát quyền lực chính trị không thể dễ dàng sử dụng quyền lực để thiết lập các thể chế kinh tế chiếm đoạt vì quyền lợi riêng của họ. Đến lượt mình, các thể chế kinh tế dung hợp sẽ tạo ra sự phân phối nguồn lực công bằng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tồn tại lâu dài của các thể chế chính trị dung hợp.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà vào năm 1618, Công ty Virginia cấp đất và trao trả tự do từ các hợp đồng hà khắc của họ cho những người dân định cư mà trước đây họ từng ra sức cưỡng bức; và ngay năm sau, cơ quan lập pháp cho phép người dân định cư bắt đầu tự cai trị. Các quyền kinh tế không đi đôi với quyền chính trị sẽ không được người dân định cư tin tưởng, bởi họ đã thấy những nỗ lực cưỡng bức họ một cách bền bỉ của Công ty Virginia. Các nền kinh tế này xem ra sẽ không thể ổn định và vững chắc. Trên thực tế, sự kết hợp giữa các thể chế chiếm đoạt và dung hợp nói chung là không ổn định. Các thể chế kinh tế chiếm đoạt trong các thể chế chính trị dung hợp không thể tồn tại lâu dài được, như thảo luận của chúng ta về Barbados cho thấy.

Tương tự, các thể chế kinh tế dung hợp sẽ không hỗ trợ và không được hỗ trợ bằng các thể chế chính trị chiếm đoạt. Hoặc là chúng sẽ chuyển hóa thành các thể chế kinh tế chiếm đoạt để làm lợi cho nhóm quyền lực thiểu số đang cầm quyền, hoặc là động học kinh tế mà chúng tạo ra sẽ làm các thể chế chính trị chiếm đoạt trở nên bất ổn, mở đường cho sự vươn lên của các thể chế chính trị dung hợp. Các thể chế kinh tế dung hợp cũng có xu hướng làm giảm quyền lợi mà giới quyền thế có thể tận hưởng thông qua việc gây áp lực cho các thể chế chính trị chiếm đoạt, vì các thể chế này phải đối đầu với sự cạnh tranh trên thương trường và bị ràng buộc bởi các hợp đồng và các quyền sở hữu của phần còn lại trong xã hội.

TẠI SAO KHÔNG LUÔN LUÔN CHỌN SỰ THỊNH VƯỢNG?

Các thể chế chính trị và kinh tế, suy cho cùng là sự chọn lựa của xã hội, có thể có tính dung hợp và khuyến khích tăng trưởng kinh tế. Hoặc các thể chế đó có thể có tính chiếm đoạt và trở thành chướng ngại đối với tăng trưởng kinh tế. Các quốc gia thất bại khi họ có các thể chế kinh tế chiếm đoạt được nâng đỡ bằng các thể chế chính trị chiếm đoạt, gây trở ngại và thậm chí ngăn chặn tăng trưởng kinh tế. Nhưng điều này có nghĩa là sự chọn lựa thể chế - nghĩa là chính trị học về thể chế - là trọng tâm trong việc tìm hiểu lý do thành công và thất bại của các quốc gia. Chúng ta phải tìm hiểu xem tại sao nền chính trị của một số xã hội dẫn đến các thể chế dung hợp giúp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, trong khi nền chính trị của rất nhiều xã hội trong suốt lịch sử đã và mãi đến ngày nay vẫn dẫn đến các thể chế chiếm đoạt gây hại cho tăng trưởng kinh tế.

Xem ra người ta có thể cảm thấy rõ ràng là mọi người sẽ có lợi trong việc tạo ra một kiểu thể chế kinh tế mang lại thịnh vượng. Vậy lẽ nào mọi người dân, mọi chính khách, và ngay cả một nhà độc tài hung hãn lại không muốn làm cho đất nước họ ngày càng giàu có?

Ta hãy quay lại với Vương quốc Kongo mà ta đã thảo luận trên đây. Dù vương quốc sụp đổ vào thế kỷ 17, tên nước vẫn được giữ lại cho quốc gia ngày nay (chỉ thay đổi từ Kongo thành Congo) mà về sau đã giành độc lập từ sự cai trị thuộc địa của Bỉ. Là một nền chính trị độc lập, Congo trải qua tình trạng sa sút kinh tế gần như triền miên và đói nghèo gia tăng dưới sự cai trị của Joseph Mobutu từ năm 1965 đến 1997. Tình trạng sa sút này vẫn tiếp tục sau khi Mobutu bị Laurent Kabila lật đổ. Mobutu tạo ra một hệ thống thể chế kinh tế có tính chiếm đoạt cao độ. Dân chúng trở nên bần cùng, nhưng Mobutu và giới quyền thế vây quanh ông, được gọi là Les Grosses Legumes (Rau Cải Lớn), trở nên giàu nứt đố đổ vách. Mobutu xây dựng cho mình một cung điện ở nơi ông ra đời, Gbadolite, phía bắc đất nước, với một sân bay đủ lớn để một chiếc phản lực siêu thanh Concord có thể hạ cánh, chiếc máy bay mà ông thường thuê từ hãng hàng không Pháp Air France để đi châu Âu. Ở châu Âu, ông mua những tòa lâu đài và sở hữu những vùng đất rộng lớn ở thủ đô Brussels của Bỉ.

Chẳng phải lẽ ra Mobutu nên xây dựng các thể chế kinh tế giúp gia tăng của cải cho người dân Congo thay vì khoét sâu thêm vào cảnh đói nghèo của họ hay sao? Nếu Mobutu xoay sở để gia tăng sự thịnh vượng của đất nước, biết đâu ông sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, mua một chiếc Concord thay vì phải đi thuê, có nhiều lâu đài và dinh thự hơn, thậm chí cả quân đội đông đúc và hùng mạnh hơn? Đáng tiếc cho người dân nhiều nước trên thế giới, câu trả lời là không. Những thể chế kinh tế tạo ra động cơ khuyến khích tiến bộ kinh tế có thể đồng thời cũng tái phân phối thu nhập và quyền lực theo cách khiến cho nhà độc tài và những người có quyền lực chính trị khác trở nên thiệt thòi hơn.

Vấn đề cơ bản ở đây là nhất thiết sẽ có sự tranh chấp và xung đột về các thể chế kinh tế. Các thể chế khác nhau có những hệ quả khác nhau đối với sự thịnh vượng của quốc gia, cách thức phân phối sự thịnh vượng như thế nào, và ai là người có quyền lực. Sự tăng trưởng kinh tế hình thành bởi các thể chế sẽ tạo ra cả người thắng và kẻ thua. Điều này thể hiện rõ ràng trong cuộc Cách mạng công nghiệp ở Anh, đặt nền móng cho sự thịnh vượng mà ta thấy ở các nước giàu trên thế giới ngày nay. Cuộc Cách mạng công nghiệp tập trung vào một loạt thay đổi công nghệ đột phá như động cơ hơi nước, giao thông và dệt sợi. Cho dù cơ giới hóa dẫn đến sự gia tăng khổng lồ của tổng thu nhập và cuối cùng trở thành nền tảng của xã hội công nghiệp hiện đại, nó vẫn bị nhiều người chống đối kịch liệt. Không phải vì thiếu hiểu biết hay thiển cận; mà là ngược lại. Đúng hơn, sự chống đối tăng trưởng kinh tế có lôgic riêng của nó, một lôgic mạch lạc một cách đáng tiếc. Tăng trưởng kinh tế và thay đổi công nghệ đi kèm với điều mà nhà kinh tế học vĩ đại Joseph Schumpeter gọi là sự phá hủy sáng tạo. Chúng thay thế cái cũ bằng cái mới. Những lĩnh vực mới thu hút nguồn lực từ những lĩnh vực cũ. Những doanh nghiệp mới giành lấy hoạt động kinh doanh từ những doanh nghiệp lâu đời. Công nghệ mới làm cho các kỹ năng và máy móc hiện tại trở nên lỗi thời. Quá trình tăng trưởng kinh tế và thể chế dung hợp mà sự tăng trưởng kinh tế dựa vào sẽ tạo ra cả kẻ thắng lẫn người thua trên đấu trường chính trị cũng như thương trường kinh tế. Nỗi lo sợ về sự phá hủy sáng tạo thường là cội rễ của sự chống đối đối với các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp.

Lịch sử kinh tế châu Âu cho ta một ví dụ sống động về hệ quả của sự phá hủy sáng tạo. Vào đêm trước của cuộc Cách mạng công nghiệp thế kỷ 18, chính phủ hầu hết các nước châu Âu do giới quyền thế và quý tộc truyền thống kiểm soát, mà nguồn thu nhập chính của họ là từ sở hữu đất đai và đặc quyền thương mại mà họ tận hưởng nhờ vị thế độc quyền và các hàng rào cản trở sự tham gia thị trường do nhà vua đặt ra. Nhất quán với ý tưởng về sự phá hủy sáng tạo, sự lan rộng hoạt động công nghiệp, nhà máy và các thành phố đã thu hút nguồn lực từ đất đai, làm giảm đặc lợi (địa tô) từ đất, và tăng tiền công mà các địa chủ phải trả cho người lao động. Giới quyền thế cũng nhìn thấy sự xuất hiện những doanh nhân và thương nhân mới làm xói mòn đặc quyền thương mại của họ. Nói chung, họ là những người thiệt thòi về kinh tế do công nghiệp hóa. Hiện tượng đô thị hóa và sự vươn lên của tầng lớp lao động và trung lưu có ý thức xã hội cũng thách thức độc quyền chính trị của giới quý tộc có đất. Vì thế, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lan rộng, giới quý tộc không chỉ là người thiệt thòi về kinh tế; họ cũng có nguy cơ trở thành những kẻ thua cuộc về chính trị, mất đi vị trí nắm giữ quyền lực chính trị. Với quyền lợi kinh tế và quyền lực chính trị bị đe dọa, giới quyền thế này thường tạo thành sự chống đối hùng hậu đối với công nghiệp hóa.

Giới quý tộc không phải là những người thua thiệt duy nhất do công nghiệp hóa. Tương tự như vậy, những người thợ thủ công có tay nghề tinh xảo đang được thay thế bằng máy móc cũng chống đối sự mở rộng công nghiệp. Nhiều người tổ chức lại để chống đối, gây bạo loạn và phá hoại những cỗ máy mà họ cho là chịu trách nhiệm trước tình trạng sa sút phương kế mưu sinh của họ. Họ được gọi là Luddites, một từ mà ngày nay trở thành đồng nghĩa với sự chống đối thay đổi công nghệ. John Kay, nhà phát minh người Anh đã phát minh ra máy dệt vào năm 1733, một trong những cải tiến đáng kể đầu tiên trong công cuộc cơ giới hóa ngành dệt, đã bị luddittes đốt nhà vào năm 1753. James Hargreaves, nhà phát minh máy xe sợi, một cải tiến công nghệ mang tính cách mạng trong việc xe sợi, cũng bị đối xử tương tự.

Trên thực tế, giới thợ thủ công kém hữu hiệu hơn nhiều so với giới quyền thế và địa chủ trong việc chống đối công nghiệp hóa. Không như giới quý tộc có đất, các luddites không có quyền lực chính trị - khả năng ảnh hưởng đến kết quả chính trị đi ngược lại mong muốn của những nhóm khác. Ở Anh, công nghiệp hóa vẫn diễn ra, bất chấp sự chống đối của luddites, bởi vì sự chống đối của giới quý tộc, cho dù thực tế, đã im hơi lặng tiếng. Ở Đế quốc Áo-Hung và Đế quốc Nga, nơi mà nền quân chủ chuyên chế và giới quý tộc có nhiều thứ để mất hơn, công nghiệp hóa đã bị ngăn chặn. Vì thế, nền kinh tế Áo-Hung và Nga bị chậm lại. Họ tụt lại sau các quốc gia châu Âu khác, khi tăng trưởng kinh tế ở các nước này cất cánh trong thế kỷ 19.

Bất chấp thành công và thất bại của các nhóm cụ thể, chúng ta có một bài học rõ ràng: các nhóm quyền lực thường chống lại tiến bộ kinh tế và chống lại động cơ của thịnh vượng. Tăng trưởng kinh tế không chỉ là một quá trình của nhiều máy móc tốt hơn và nhiều người có trình độ học vấn cao hơn, mà còn là một quá trình biến đổi và làm mất ổn định gắn liền với sự phá hủy sáng tạo lan rộng. Vì thế, tăng trưởng chỉ tiến lên nếu không bị ngăn chặn bởi những người thiệt thòi về kinh tế, thấy trước rằng đặc quyền kinh tế của họ sẽ mất đi, và bởi những kẻ thua cuộc về chính trị, lo sợ quyền lực chính trị của họ sẽ bị xói mòn.

Xung đột về nguồn lực khan hiếm, về thu nhập và quyền lực sẽ chuyển hóa thành xung đột về quy tắc của cuộc chơi, về những thể chế kinh tế quyết định các hoạt động kinh tế và quyết định ai sẽ hưởng lợi từ đó. Khi có xung đột, mong muốn của tất cả các bên không thể cùng được đáp ứng. Một số người sẽ bị đánh bại và thất vọng, trong khi những người khác thành công trong việc bảo toàn những kết quả họ mong muốn. Vấn đề ai là người chiến thắng trong cuộc xung đột này sẽ có ý nghĩa và tác động cơ bản đối với quỹ đạo kinh tế của đất nước. Nếu những nhóm chống lại tăng trưởng chiến thắng, họ có thể ngăn chặn tăng trưởng kinh tế một cách hữu hiệu, và nền kinh tế sẽ trì trệ.

Lôgic về lý do khiến giới quyền thế không nhất thiết muốn thiết lập những thể chế kinh tế thúc đẩy thành công kinh tế có thể dễ dàng được mở rộng cho việc chọn lựa thể chế chính trị. Trong một chế độ chuyên chế, giới quyền thế có thể thâu tóm quyền lực để thiết lập những thể chế kinh tế họ ưa thích, liệu họ có quan tâm đến việc thay đổi thể chế chính trị để làm cho thể chế trở thành đa nguyên? Nói chung là không, vì điều này sẽ pha loãng quyền lực chính trị của họ, làm cho việc cơ cấu các thể chế kinh tế phục vụ quyền lợi riêng của họ trở nên khó khăn hơn, hoặc trở nên bất khả thi. Ở đây một lần nữa ta cũng thấy nguồn gốc của xung đột. Dân chúng khốn khổ vì các thể chế kinh tế chiếm đoạt không thể hy vọng những kẻ cai trị chuyên chế tự nguyện thay đổi thể chế chính trị và tái phân phối quyền lực trong xã hội. Con đường duy nhất để thay đổi các thể chế chính trị là ép buộc giới quyền thế phải tạo ra các thể chế đa nguyên hơn.

Không có lý do gì để các thể chế chính trị tự động trở thành đa nguyên, và cũng hệt như vậy, không có xu hướng tự nhiên nào hướng tới sự tập trung chính trị. Chắc chắn sẽ có động cơ để tạo ra các thể chế nhà nước tập trung hơn trong xã hội, nhất là trong những xã hội không hề có sự tập trung chính trị. Ví dụ, ở Somalia, nếu một bè phái nào đó tạo ra một nhà nước tập trung có năng lực áp đặt trật tự trên cả nước, điều này có thể dẫn đến lợi ích kinh tế và làm cho bè phái này giàu có hơn. Điều gì cản trở hiện tượng này? Một lần nữa, rào cản chính đối với sự tập trung chính trị cũng là nỗi lo sợ thay đổi: bất kỳ bè phái, băng nhóm hay chính khách nào ra sức tập trung quyền lực vào tay nhà nước cũng sẽ tập trung quyền lực vào tay họ, và điều này có thể gặp phải sự phẫn nộ của các bè phái, băng nhóm và cá nhân khác, những đối tượng sẽ trở thành kẻ thua cuộc về chính trị trong quá trình này. Thiếu sự tập trung chính trị không chỉ có nghĩa là thiếu luật pháp và trật tự trong phần lớn lãnh thổ mà còn có nghĩa là có quá nhiều tác nhân có quyền lực đủ lớn để ngăn chặn hay tàn phá mọi thứ, và nỗi lo sợ về sự chống đối và phản ứng bạo lực sẽ cản trở nhiều người lẽ ra đã có thể trở thành những người tập trung quyền lực chính trị. Sự tập trung chính trị chỉ có thể xảy ra khi một nhóm người có quyền lực đủ lớn so với những nhóm khác để xây dựng một nhà nước. Ở Somalia, quyền lực khá cân bằng, và không một nhóm nào có thể áp đặt nguyện vọng của họ lên nhóm khác. Do đó, tình trạng thiếu tập trung chính trị cứ tồn tại một cách dai dẳng.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh