[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương IX: Những nguyên nhân chính dẫn đến việc duy trì nền cộng hoà dân chủ ở Hoa Kỳ (Phần 2)
VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA LUẬT PHÁP ĐẾN VIỆC DUY TRÌ NỀN CỘNG HOÀ DÂN CHỦ Ở HOA KÌ
Ba nguyên tắc chính yếu của việc duy trì nền cộng hoà dân chủ. − Hình thức liên bang. − Các thiết chế làng xã. − Quyền lực tư pháp.
Mục đích chính yếu của cuốn sách này là giúp hiểu rõ luật pháp ở Hoa Kì; nếu mục đích đó đã đạt, bạn đọc sẽ tự mình xét xem, trong số các luật này những luật nào thực sự nhằm duy trì nền cộng hoà dân chủ, và những luật nào gây nguy cơ cho nền cộng hoà dân chủ. Nếu như trong suốt những phần đã viết cho tới nay mà tôi chưa nói rõ được điều ấy, thì tôi sẽ cố nói rõ ít ra là trong một chương.
Vậy là tôi không đi lại con đường mình đã đi, và vài ba dòng là đủ để tóm tắt chính mình.
Có ba điều, hình như hơn mọi điều khác, tham gia đóng góp vào việc duy trì nền cộng hoà dân chủ ở Tân thế giới:
Một, là hình thức liên bang mà người Mĩ đã chọn, hình thức này cho phép Liên bang hưởng thụ được sức mạnh của một nước cộng hoà lớn và hưởng thụ được an ninh của một nước cộng hoà nhỏ.
Hai, đó là những thiết chế làng xã, những thiết chế này trong khi làm giảm nhẹ được tính bạo quyền của phe đa số, thì đồng thời cũng mang lại cho nhân dân sự thích thú Tự do và có được nghệ thuật sống tự do.
Ba, đó là điều ta bắt gặp trong cấu tạo của quyền tư pháp. Tôi đã cho thấy các toà án đã có ích biết bao trong việc chỉnh sửa những thiên lệch của nền dân trị, và bằng cách nào, một mặt vẫn không bao giờ ngáng trở những vận hành của phe đa số, mặt khác chúng vẫn có thể làm chúng chậm tốc độ lại và lái được chúng đi.
VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA TẬP TỤC TỚI VIỆC DUY TRÌ NỀN CỘNG HOÀ DÂN CHỦ Ở HOA KÌ
Trên kia tôi có nói rằng tôi coi tập tục là một trong những nguyên nhân chung to lớn có thể gán cho việc duy trì nền cộng hoà dân chủ ở Hoa Kì.
Tôi quan niệm tập tục ở đây theo nét nghĩa mà người cổ đại gán cho từ mores; không những tôi áp dụng nghĩa đó vào các tập tục chính cống, ta có thể nói đó như là những thói quen của tình cảm, mà đó còn là những khái niệm khác nữa của con người, các ý kiến khác nhau đang hoạt động trong quan hệ người với người, và còn là toàn bộ những tư tưởng tạo thành các thói quen tinh thần của con người.
Vậy là mang trong từ đó là toàn bộ trạng thái đạo đức và trí tuệ của một quốc gia. Mục đích của tôi không phải là thống kê các tập tục của người Mĩ. Bây giờ đây tôi chỉ tự hạn chế trong việc tìm xem trong các tập tục đó cái gì tạo thuận lợi cho việc duy trì các thiết chế chính trị (của người Mĩ).
VỀ TÔN GIÁO COI NHƯ MỘT THIẾT CHẾ CHÍNH TRỊ, NÓ PHỤC VỤ MẠNH MẼ CHO VIỆC DUY TRÌ NỀN CỘNG HOÀ DÂN CHỦ Ở HOA KÌ NHƯ THẾ NÀO
Bắc Mĩ là nơi có người theo một đạo Ki Tô dân chủ và cộng hoà. − Người Ki Tô giáo tới đất Mĩ. − Vì sao bây giờ người Ki Tô giáo lại là tầng lớp dân chủ hơn cả và cộng hoà hơn cả.
Bên cạnh mỗi tôn giáo, đều có một quan điểm chính trị gắn liền với nó nhờ những chỗ đôi bên gần gụi nhau.
Hãy để cho tư tưởng con người được tự do đi theo khuynh hướng riêng của mình, và nó sẽ giải quyết cái xã hội chính trị một cách đồng đều như nhau. Nếu tôi nói không quá lời, tôi bảo rằng nó sẽ tìm cách làm hài hoà đất với trời.
Cư dân trên bộ phận lớn nhất châu Mĩ của người Anh là những con người sau khi đã thoát khỏi quyền uy của giáo hoàng rồi thì không còn nằm dưới quyền uy tôn giáo nào nữa. Họ đem theo vào Tân thế giới một đạo Ki Tô mà tôi chỉ có thể mô tả đúng nhất về nó bằng cách gọi nó là một tôn giáo dân chủ và cộng hoà: điều này sẽ tạo thuận lợi đặc biệt cho việc tạo dựng nước cộng hoà và nền dân trị trong mọi công việc. Ngay từ trên nguyên lí, thì chính trị và tôn giáo đã đồng tình được với nhau, và từ đó đôi bên không ngừng đồng tình với nhau.
Chỉ mới trong vòng năm mươi năm nay thì nước Ireland mới bắt đầu đổ vào lòng Hoa Kì những cư dân theo đạo Ki Tô. Về phía mình, đạo Ki Tô nước Mĩ cũng có những tân tín đồ: ngày nay ta gặp trong Liên bang hơn một triệu người Công giáo rao giảng những chân lí của Nhà thờ La Mã.
Những người theo đạo Ki Tô này tỏ ra vô cùng trung thành trong việc thực hành nghi lễ tôn giáo của họ, và họ cũng đầy nhiệt tình và hăng hái hoạt động cho tín ngưỡng của mình. Họ là tầng lớp mang tính chất cộng hoà nhất và dân chủ nhất từng có ở Hoa Kì. Sự kiện này thoạt nhìn thì thấy lạ, nhưng suy nghĩ kĩ rồi thì dễ dàng nhận thấy những nguyên nhân ẩn kín phía sau.
Tôi cho rằng mọi người đã nhầm khi coi đạo Ki Tô như một kẻ thù tự nhiên của nền dân trị. Trong những học thuyết công giáo khác nhau, với tôi thì đạo Ki Tô có vẻ như rất thuận lợi cho quyền bình đẳng về các điều kiện. Với người Ki Tô giáo, xã hội tín ngưỡng chỉ bao gồm có hai yếu tố: vị linh mục và nhân dân. Vị linh mục duy nhất đứng cao hơn các tín đồ; còn lại bên dưới ông ta thì tất cả đều ngang nhau.
Về mặt tín điều, đạo Ki Tô đặt tất cả các trình độ trí tuệ con người ngang hàng với nhau. Nó thu về một mối niềm tin của cả nhà bác học lẫn người vô học, kẻ thiên tài cũng như phần tử thô lậu. Nó áp đặt những thủ tục nghi lễ cho cả người giàu cũng như kẻ nghèo, nó bắt buộc cả kẻ mạnh cũng như người yếu phải tuân thủ những quy định khắc khổ như nhau. Nó không thoả hiệp với bất kì sinh mệnh không bất tử nào, và khi nó áp dụng những biện pháp như nhau cho mọi sinh mệnh người, nó muốn làm hoà lẫn mọi tầng lớp trong xã hội dưới chân một bàn thờ, vì tất cả đều cùng nhoà lẫn trước con mắt đức Chúa Trời.
Nếu như đạo Ki Tô biết làm cho tín đồ phải phục tùng, thì nó vẫn chưa chuẩn bị cho họ có khả năng sống bình đẳng. Nói chung, ta sẽ thấy điều ngược lại ở đạo Tin lành, đạo này dẫn dắt con người đến bình đẳng nhiều hơn là đến độc lập.
Đạo Ki Tô như thể một nền quân chủ chuyên chế. Vứt bỏ vị quân vương đi, và các điều kiện ở đó còn bình đẳng với nhau hơn là trong các nền cộng hoà.
Cũng có những khi ông linh mục Ki Tô giáo lại từ trong thánh đường đi ra ngoài đời và trở thành một thế lực trong xã hội, có vị trí vững vàng trong thứ bậc xã hội. Cũng có khi ông ta sử dụng ảnh hưởng tôn giáo của mình để bảo đảm kéo dài thêm một trật tự chính trị mà ông cũng có phần: khi đó ta cũng thấy các người Ki Tô giáo thành những người vì tinh thần tôn giáo mà đứng về phe quý tộc.
Nhưng một khi các vị linh mục bị tách ra hoặc tự tách ra khỏi chính quyền, như trường hợp ở Hoa Kì, khi đó chẳng có ai vì tín ngưỡng mà hơn được các tín đồ Ki Tô giáo trong việc chuyên chở cái tinh thần bình đẳng về điều kiện vào trong thế giới chính trị.
Nếu như các tín đồ Ki Tô giáo ở Hoa Kì, do bản chất tín ngưỡng của họ, mà không bị lôi cuốn mãnh liệt vào các quan điểm dân chủ và cộng hoà, hoặc ít ra là họ không tự nhiên chống đối lại, khi ấy vị trí xã hội của họ cũng như số lượng ít ỏi của họ như một quy luật lại dẫn họ đến được với cộng hoà và dân chủ.
Phần lớn các tín đồ Ki Tô giáo đều nghèo, và họ cần đến chế độ chính quyền của tất cả các công dân để chính họ cũng có thể tham gia vào. Người Ki Tô giáo thuộc phe thiểu số, và họ cần mọi người tôn trọng tất cả các lợi quyền của họ để bảo đảm cho họ thực thi đầy đủ các quyền ấy. Hai nguyên nhân đó có khi vô tình đẩy họ tới những học thuyết chính trị sẽ được họ tiếp thu với ít nhiệt tình hơn nếu họ giàu và ở thế lấn lướt.
Giới tu sĩ Ki Tô giáo Hoa Kì không bao giờ tìm cách đấu tranh chống lại khuynh hướng chính trị đó; đúng hơn là họ tìm cách biện bạch cho khuynh hướng ấy. Các linh mục Ki Tô giáo nước Mĩ chia trí tuệ người thành hai phần: một phần là các tín điều đã phát lộ cho mọi người, và họ tin theo không bàn cãi gì hết; một phần là chân lí chính trị, và các linh mục cho rằng Chúa Trời đã để phần việc đó cho con người tự do tìm tòi. Vì vậy mà, người Ki Tô giáo Hoa Kì vừa là những tín đồ ngoan đạo nhất và lại vừa là những công dân độc lập nhất.
Ta có thể nói rằng ở Hoa Kì không hề có một học thuyết tín ngưỡng nào tỏ ra thù nghịch với các thiết chế dân chủ và cộng hoà. Tất cả các tu sĩ đều nói chung một giọng; ý kiến dư luận của mọi người ở đó đều đồng tình với luật pháp, và có thể nói là ở Hoa Kì chỉ có một dòng tư duy người duy nhất ngự trị.
Có thời gian ngắn tôi ở một trong những thành phố lớn nhất của Liên bang, và tôi được mời dự một buổi hội họp chính trị mục đích là để cứu viện cho người Ba Lan, tìm cách gửi vũ khí và tiền bạc cho họ.
Tôi được gặp hai hoặc ba ngàn người họp lại với nhau tại một phòng họp lớn chuẩn bị sẵn cho họ. Liền đó, một linh mục mặc áo choàng tu sĩ tiến lên bục dành cho diễn giả. Những người dự họp sau khi cất mũ chào liền im lặng đứng nghiêm, còn vị linh mục thì nói như thế này:
Kính Chúa toàn năng! Kính Chúa của các đoàn quân! Kính Chúa, người đã trụ đỡ trái tim và cầm tay dẫn dắt cha ông chúng con khi cha ông chúng con bảo vệ những quyền lợi thiêng liêng của nền độc lập quốc gia; Chúa, người đã khiến cha ông chúng con toàn thắng một sự áp bức khả ố và đã mang lại cho quốc gia chúng con những điều tốt lành của hoà bình và tự do; kính Chúa, xin Người hãy ngoảnh lại bán cầu bên kia; xin hãy xót thương đoái nhìn một quốc gia anh hùng hôm nay đang chiến đấu như xưa kia chúng con từng chiến đấu để bảo vệ những quyền lợi cả trước kia lẫn hiện thời đều giống nhau! Kính Chúa, người đã tạo ra mọi con người theo cùng một khuôn mẫu, xin đừng để cho bạo quyền làm méo mó công trình của Người và duy trì bất bình đẳng trên trái đất. Kính Chúa toàn năng! Xin Người hãy canh giữ vận mệnh người dân Ba Lan, hãy giúp họ xứng đáng là những con người tự do; cầu mong cho sự khôn ngoan của Người ngự trị trong các hội đồng (cách mạng) của họ, cầu cho sức mạnh của Người trao cho cánh tay của họ; cầu xin Người gây kinh hoàng cho kẻ thù của họ, xin hãy chia rẽ các quyền lực đang tự tạo ra sự huỷ diệt chính họ, và xin Người không để cái bất công đã có từ năm mươi năm qua giờ đây lại được tung hoành khắp nơi. Kính Chúa, trong bàn tay mạnh mẽ của người đang cầm giữ con tim các quốc gia cũng như con tim mỗi con người, xin hãy làm cho mọi con tim liên kết lại vì chính nghĩa của lợi quyền chính đáng; xin Chúa hãy khiến cho dân tộc Pháp cũng vùng đứng lên và ra khỏi giấc ngủ do những kẻ cầm đầu bắt họ phải ngủ, để họ cùng đấu tranh một lần nữa cho nền tự do của thế giới này.
Kính Chúa! Xin Người đừng bao giờ ngoảnh mặt quay đi; xin hãy cho phép chúng con luôn luôn là những con người sùng tín nhất và tự do nhất.
Kính Chúa toàn năng, xin hãy nhận lời khẩn cầu hôm nay của chúng con; xin hãy cứu vớt người Ba Lan. Chúng con cầu xin Người nhân danh con trai yêu dấu của Người, đấng Jesus-Christ, người đã chết trên thập giá vì sự cứu rỗi của mọi con người. Amen.
Toàn thể cử toạ tĩnh tâm nhắc lại: Amen.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)