[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương VIII: Không Phải Trên Lãnh Địa Của Chúng Ta - Các Rào Cản Phát Triển (Phần 2)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương VIII: Không Phải Trên Lãnh Địa Của Chúng Ta - Các Rào Cản Phát Triển (Phần 2)

SỰ KHÁC BIỆT NHỎ NHẶT CÓ Ý NGHĨA

Chủ nghĩa chuyên chế sụp đổ ở Anh vào thế kỷ 17 nhưng lại trở nên vững mạnh hơn ở Tây Ban Nha. Quốc hội Tây Ban Nha, Cortes, chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Tây Ban Nha hình thành vào năm 1492 từ sự sáp nhập hai vương quốc Castile và Aragon thông qua cuộc hôn nhân của nữ hoàng Isabella và vua Ferdinand. Năm đó trùng hợp với sự kết thúc quá trình tái chinh phục, một quá trình lâu dài đánh đuổi người Ảrập từng chiếm đóng miền nam Tây Ban Nha và dựng lên các thành phố vĩ đại Granada, Cordova và Seville từ thế kỷ thứ 8. Nhà nước Ảrập cuối cùng trên bán đảo Iberia, Granada, rơi vào tay Tây Ban Nha vào cùng thời điểm Christopher Columbus đến châu Mỹ và bắt đầu chiếm cứ các vùng đất này cho nữ hoàng Isabella và vua Ferdinand, những người tài trợ cho chuyến viễn dương của ông.

Việc sáp nhập hai vương quốc Castile và Aragon cũng như các cuộc hôn nhân hoàng tộc và sự thừa kế sau đó đã tạo ra một siêu nhà nước châu Âu. Isabella băng hà năm 1504, và con gái bà Joana trở thành Nữ hoàng Castile. Joanna kết hôn với Philip thuộc hoàng tộc Habsburg, con trai của hoàng đế Maximilian I của Đế chế La Mã thần thánh. Vào năm 1516, Charles, con trai của Joana và Philip lên ngôi, trở thành Vua Charles I của Castile và Aragon. Khi phụ hoàng qua đời, Charles thừa kế Hà Lan và Franche-Comté, bổ sung vào lãnh thổ của ông ở bán đảo Ibera và châu Mỹ. Năm 1519, khi Hoàng đế Maximilian I băng hà, Charles cũng thừa kế lãnh thổ hoàng tộc Habsburg ở Đức và trở thành Hoàng đế Charles V của Đế chế La Mã thần thánh. Việc sáp nhập hai vương quốc của người Tây Ban Nha vào năm 1492 giờ đây tạo ra một đế quốc đa lục địa, và Charles tiếp tục sự nghiệp củng cố nhà nước chuyên chế do Isabella và Ferdinand khởi công.

Nỗ lực xây dựng và củng cố chủ nghĩa chuyên chế ở Tây Ban Nha được hỗ trợ mạnh mẽ bởi việc khám phá ra các kim loại quý ở châu Mỹ. Bạc được khai thác với số lượng lớn ở Guanajuato thuộc Mexico vào thập niên 1520, và chẳng bao lâu sau ở Zacatecas, Mexico. Việc chinh phục Peru sau năm 1532 thậm chí còn mang lại nhiều của cải hơn cho triều đình. Của cải này đạt được dưới hình thức phân phối theo tỷ lệ 1/5 cho hoàng gia bất kỳ bổng lộc nào thu được từ việc chinh phục và khai thác khoáng sản. Như ta đã thấy trong chương 1, một núi bạc được phát hiện ở thành phố Potosí vào thập niên 1540 càng rót vào kho báu của nhà vua Tây Ban Nha nhiều của cải hơn nữa.

Vào thời điểm sáp nhập Castile và Aragon, Tây Ban Nha là một trong những vùng đất thành công nhất về mặt kinh tế ở châu Âu. Nhưng sau khi hệ thống chính trị chuyên chế được củng cố, đất nước dần dần rơi vào sự sa sút kinh tế tương đối, và sau năm 1600 là sự sa sút kinh tế tuyệt đối. Hầu hết các đạo luật đầu tiên của Isabella và Ferdinand sau thời kỳ tái chinh phục đều nhằm sung công tài sản của người Do Thái. Khoảng 200 nghìn người Do Thái ở Tây Ban Nha được cho thời hạn bốn tháng để ra đi. Họ phải bán hết toàn bộ đất đai và tài sản với những mức giá rất thấp và không được phép mang vàng bạc ra khỏi đất nước. Một thảm kịch nhân loại tương tự như vậy cũng xảy ra hơn 100 năm sau. Từ năm 1609 đến 1614, Vua Philip III trục xuất người Moriscos, hậu duệ của người dân các bang Ảrập trước đây ở miền nam Tây Ban Nha. Cũng như người Do Thái, người Moriscos phải ra đi chỉ với những gì họ có thể mang theo và không được phép mang vàng bạc hay các kim loại quý khác.

Quyền sở hữu cũng không được bảo đảm trên các bình diện khác dưới sự cai trị của hoàng tộc Habsburg ở Tây Ban Nha. Philip II, người thừa kế ngai vàng của phụ hoàng Charles V vào năm 1556, tuyên bố không trả nợ vào năm 1557 và một lần nữa vào năm 1560, làm phá sản các gia tộc ngân hàng Fugger và Welser. Sau đó, vai trò của các gia tộc ngân hàng Đức được đảm trách bởi các gia tộc ngân hàng Genoa, và đến lượt họ cũng bị phá sản bởi việc quịt nợ của Tây Ban Nha tiếp theo dưới triều đại Habsburg vào các năm 1575, 1596, 1607, 1627, 1647, 1652, 1660 và 1662.

Cũng quan trọng hệt như tính bất ổn của quyền sở hữu ở đất nước Tây Ban Nha chuyên chế là tác động của chủ nghĩa chuyên chế đối với các thể chế kinh tế trong hoạt động thương mại và phát triển đế quốc thuộc địa Tây Ban Nha. Như ta đã thấy trong chương trước, thành công kinh tế của nước Anh nhờ vào sự mở mang thương mại nhanh chóng. Dù vậy, so với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nước Anh chỉ là người đến sau trong hoạt động thương mại Đại Tây Dương, và đã cho phép sự tham gia của nhiều thành phần xã hội tương đối rộng rãi trong các cơ hội thương mại và thuộc địa. Những gì làm đầy ngân khố của nhà vua Tây Ban Nha đã làm giàu cho tầng lớp thương nhân mới nổi lên ở Anh. Chính tầng lớp thương nhân này sẽ tạo thành nền tảng cho sự năng động kinh tế ngay từ đầu của Anh và trở thành thành lũy vững chắc của liên minh chính trị chống lại chủ nghĩa chuyên chế.

Ở Tây Ban Nha, những quá trình dẫn đến tiến bộ kinh tế và thay đổi thể chế đã không xảy ra. Sau khi khám phá ra châu Mỹ, Isabella và Ferdinand tổ chức hoạt động thương mại giữa các thuộc địa mới và Tây Ban Nha thông qua một phường hội thương nhân ở Seville. Các thương nhân này kiểm soát toàn bộ hoạt động giao thương và bảo đảm rằng triều đình được chia phần của mình trong của cải của châu Mỹ. Không có hoạt động thương mại tự do với bất kỳ thuộc địa nào, và mỗi năm, một đoàn tàu từ châu Mỹ sẽ quay về Seville, mang theo kim loại quý và hàng hóa giá trị. Việc độc quyền hóa thương mại trên diện hẹp này có nghĩa là một tầng lớp thương nhân rộng lớn không thể vươn lên thông qua cơ hội thương mại với các thuộc địa. Thậm chí thương mại trong phạm vi châu Mỹ cũng bị điều tiết chặt chẽ. Ví dụ như một thương nhân ở một thuộc địa như Tân Tây Ban Nha, hiện nay là Mexico, không được giao thương trực tiếp với bất cứ ai ở Tân Granada, hiện nay là Colombia. Việc hạn chế thương mại trong Đế quốc Tây Ban Nha làm giảm thịnh vượng kinh tế, và một cách gián tiếp cũng làm giảm lợi ích tiềm tàng mà Tây Ban Nha lẽ ra có thể đạt được thông qua giao thương với một đế chế khác thịnh vượng hơn. Tuy nhiên, sự hạn chế thương mại này hấp dẫn bởi vì nó bảo đảm rằng vàng bạc sẽ tiếp tục chảy về Tây Ban Nha.

Các thể chế kinh tế chiếm đoạt của Tây Ban Nha là hệ quả trực tiếp của việc xây dựng chế độ chuyên chế và một lộ trình thể chế chính trị khác với nước Anh. Cả hai vương quốc Castile và Aragon đều có Quốc hội đại diện cho các nhóm, hay các “đẳng cấp” khác nhau ở vương quốc. Cũng như với Quốc hội Anh, Quốc hội Castile cần được triệu tập để chấp thuận ban hành những loại thuế mới. Tuy nhiên, Quốc hội Castile và Aragon chủ yếu đều đại diện cho các thành phố lớn, chứ không phải cả nông thôn và thành thị như Quốc hội Anh. Đến thế kỷ 15, Quốc hội chỉ đại diện cho 18 thành phố, mỗi thành phố cử hai đại biểu. Vì thế, Quốc hội Tây Ban Nha không đại diện cho nhiều thành phần rộng rãi như Quốc hội Anh và không bao giờ phát triển thành một tập hợp các nhóm lợi ích đa dạng ganh đua đặt ra giới hạn đối với chủ nghĩa chuyên chế. Quốc hội Tây Ban Nha không thể ban hành luật, và thậm chí phạm vi quyền lực về thuế khóa của nó cũng hạn chế. Điều này khiến cho triều đình Tây Ban Nha dễ dàng gạt Quốc hội sang một bên trong quá trình củng cố chủ nghĩa chuyên chế. Thậm chí khi đã có bạc thu về từ châu Mỹ, Charles V và Philip II vẫn yêu cầu không ngừng tăng thuế nhằm tài trợ cho hàng loạt các cuộc chiến tranh tốn kém. Năm 1520, Charles V quyết định yêu cầu Quốc hội tăng thuế. Giới quyền thế đô thị lợi dụng thời điểm này để kêu gọi sự thay đổi to lớn hơn trong Quốc hội và quyền lực của Quốc hội. Sự chống đối này chuyển thành bạo loạn - cuộc Bạo loạn Comunero. Charles đã dập tắt cuộc bạo loạn bằng quân đội hoàng gia. Dù vậy, suốt thời gian còn lại của thế kỷ 16, chiến tranh liên tục nổ ra khi nhà vua ra sức giành lấy quyền ban hành thuế mới và tăng thuế cũ của Quốc hội. Mặc dù cuộc chiến này lúc được lúc thua, nhưng cuối cùng nhà vua vẫn thắng. Sau năm 1664, Quốc hội không còn nhóm họp nữa mãi cho đến khi nó được chỉnh đốn lại trong thời kỳ Napoleon xâm lăng Tây Ban Nha khoảng 150 năm sau.

Ở Anh, việc đánh bại chủ nghĩa chuyên chế vào năm 1688 không chỉ dẫn đến các thể chế chính trị đa nguyên mà còn dẫn đến sự phát triển một nhà nước tập quyền hữu hiệu hơn. Ở Tây Ban Nha, điều ngược lại đã xảy ra khi chủ nghĩa chuyên chế chiến thắng. Mặc dù nhà vua thắng thế đối với Quốc hội và tháo gỡ mọi ràng buộc tiềm ẩn đối với hành động của triều đình, việc huy động thuế của nhà vua vẫn trở nên ngày một khó khăn hơn, ngay cả khi đã cố gắng thương lượng trực tiếp với từng thành phố. Trong khi nhà nước Anh đang xây dựng một bộ máy thu thuế hiệu quả và hiện đại thì nhà nước Tây Ban Nha một lần nữa đi theo chiều ngược lại. Triều đình chẳng những không tạo ra các quyền sở hữu bảo đảm cho các nghiệp chủ và độc quyền hóa thương mại, mà còn bán cả chức tước, làm cho chúng trở thành cha truyền con nối, bán khoán hoạt động thu thuế, và thậm chí bán cả quyền miễn áp dụng công lý.

Ta có thể dự đoán được hậu quả của các thể chế chính trị và kinh tế chiếm đoạt này ở Tây Ban Nha. Suốt thế kỷ 17, trong khi nước Anh đạt được tăng trưởng thương mại và công nghiệp hóa nhanh chóng thì Tây Ban Nha quay cuồng trong tình trạng sa sút kinh tế lan rộng. Vào đầu thế kỷ, cứ năm người thì có một người sống ở các vùng đô thị. Đến cuối thế kỷ, con số này giảm phân nửa, chỉ còn 1/10, trong một quá trình tương ứng với sự bần cùng hóa ngày càng tăng của người dân Tây Ban Nha. Thu nhập của Tây Ban Nha giảm dần trong khi nước Anh trở nên giàu có.

Việc chủ nghĩa chuyên chế tồn tại dai dẳng và được củng cố ở Tây Ban Nha trong khi lại bị nhổ bật rễ ở Anh cũng là một ví dụ khác về những khác biệt nhỏ nhặt có ý nghĩa vào những thời điểm quyết định. Sự khác biệt nhỏ nhặt ở đây là sức mạnh và bản chất của các thể chế đại diện; còn thời điểm quyết định là khi khám phá ra châu Mỹ. Sự tương tác của hai yếu tố này đã đẩy Tây Ban Nha vào một lộ trình thể chế rất khác so với nước Anh. Các thể chế kinh tế tương đối dung hợp đạt được ở Anh đã tạo ra sự năng động kinh tế chưa từng thấy, đạt đỉnh cao vào cuộc Cách mạng công nghiệp, trong khi công nghiệp hóa không có nổi một cơ hội nào ở Tây Ban Nha. Cho đến lúc các kỹ thuật công nghiệp đang lan truyền ở nhiều nơi trên thế giới, nền kinh tế Tây Ban Nha đã sa sút đến mức nhà vua hay giới quyền thế sở hữu đất đai ở Tây Ban Nha thậm chí cũng không có nhu cầu ngăn chặn công nghiệp hóa nữa.

NỖI LO SỢ VỀ CÔNG NGHIỆP

Nếu như không có sự thay đổi thể chế chính trị và thay đổi quyền lực chính trị tương tự như đã từng xảy ra ở Anh sau năm 1688, thì gần như không có cơ hội gì để các nhà nước chuyên chế hưởng lợi từ sự phát minh đổi mới và các công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp. Ví dụ như ở Tây Ban Nha, tình trạng không đảm bảo quyền sở hữu và sa sút kinh tế lan rộng có nghĩa là dân chúng không có động cơ khuyến khích đầu tư và sự hy sinh cần thiết. Ở nước Nga và Áo-Hung, không chỉ đơn thuần là sự bỏ bê và quản lý sai lầm của giới quyền thế và sự sa sút kinh tế ngấm ngầm trong các thể chế chiếm đoạt đã ngăn cản công nghiệp hóa; mà đúng hơn, những người cai trị đã tích cực cản trở mọi nỗ lực du nhập các công nghệ mới và đầu tư cơ bản vào cơ sở hạ tầng như đường sắt mà lẽ ra có thể làm con đường dẫn truyền công nghiệp.

Tại thời điểm Cách mạng công nghiệp vào thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, bản đồ chính trị châu Âu hoàn toàn khác so với ngày nay. Đế chế La Mã thần thánh như một mảnh chăn chắp vá gồm hơn 400 chính thể, cuối cùng hầu hết đều kết hợp vào nước Đức, bao trùm phần lớn Trung Âu. Hoàng tộc Habsburg vẫn là một lực lượng chính trị lớn, và đế chế của họ, được gọi là Đế quốc Habsburg hay Đế quốc Áo-Hung, bao phủ một vùng rộng lớn khoảng 250 nghìn dặm vuông, ngay cả khi không còn bao gồm Tây Ban Nha, sau khi dòng họ Bourbons thôn tính ngai vàng Tây Ban Nha vào năm 1700. Về dân số, đó là nhà nước lớn thứ ba và chiếm 1/7 dân số châu Âu. Vào cuối thế kỷ 18, lãnh thổ Habsburg về phía tây bao gồm cả nước Bỉ ngày nay, khi đó gọi là Hà Lan thuộc Áo. Tuy nhiên, phần rộng lớn nhất là những vùng đất tiếp giáp xung quanh Áo và Hungary, bao gồm Cộng hòa Czech và Slovakia về phía bắc, cũng như Slovenia, Croative và các vùng rộng lớn của Ý và Serbia về phía nam. Về phía đông, nó cũng bao trùm phần lớn nơi mà hiện nay là Romania và Ba Lan.

Các thương nhân trên lãnh địa Habsburg kém quan trọng hơn nhiều so với ở Anh, và chế độ nông nô thịnh hành trên các vùng đất ở Đông Âu. Như ta đã thấy trong chương 4, Hungary và Ba Lan là trung tâm của thời kỳ Nông nô thứ hai ở Đông Âu. Không như các vị vua Stuart, vương triều Habsburg đã thành công trong việc duy trì sự cai trị mang tính chuyên chế cao độ. Francis I, vị hoàng đế cuối cùng của Đế quốc La Mã thần thánh từ năm 1792 đến 1806, và sau đó trở thành hoàng đế Áo-Hung cho đến khi ông băng hà năm 1835, là một người theo chủ nghĩa chuyên chế tột bực. Francis I không công nhận bất kỳ sự giới hạn nào đối với quyền lực của mình, và trên hết, ông muốn bảo toàn hiện trạng chính trị. Chiến lược cơ bản của ông là chống lại mọi loại thay đổi. Năm 1821, ông tuyên bố điều này trong một bài diễn thuyết, đặc trưng của các nhà vua Habsburg, trước các giáo viên trong một trường học ở Laibach rằng: “Trẫm không cần những nhà bác học, mà trẫm cần những công dân lương thiện thật thà. Công việc của các ngươi là đào tạo những người trẻ tuổi theo chiều hướng này. Những người phục vụ trẫm phải giảng dạy những gì trẫm ra lệnh. Nếu ai không làm được điều này, hay đến với những ý tưởng mới, người đó có thể ra đi, nếu không trẫm sẽ sa thải họ”.

Nữ hoàng Maria Theresa trị vì từ năm 1740 đến 1780 thường đáp ứng trước các đề xuất cải tiến hay thay đổi thể chế bằng tuyên bố: “Cứ để nguyên mọi thứ như thế”. Tuy nhiên, bà và con trai, Joseph II, người lên ngôi hoàng đế từ năm 1780 đến 1790, đã triển khai một nỗ lực xây dựng một nhà nước trung ương quyền lực hơn và một hệ thống hành chính hữu hiệu hơn. Tuy nhiên, họ làm điều này trong bối cảnh một hệ thống chính trị không có ràng buộc thực tế đối với hành động của chính họ và gần như không có yếu tố đa nguyên. Không có Quốc hội để có thể phát huy dù thậm chí chỉ là một chút kiểm soát đối với triều đình, mà chỉ có một hệ thống nghị viện và các đẳng cấp theo vùng, mà trong lịch sử từng có đôi chút quyền lực về việc thu thuế và tuyển dụng quân đội. So với các nhà vua Tây Ban Nha, thậm chí việc kiểm soát đối với hành động của các hoàng đế Habsburg Áo-Hung còn ít hơn, và quyền lực chính trị tập trung vào tay một số ít người.

Khi chế độ chuyên chế của hoàng tộc Habsburg củng cố vào thế kỷ 18, quyền lực của các thể chế ngoài triều đình càng suy yếu hơn. Khi một đoàn đại biểu nhân dân từ tỉnh Tyrol thuộc Áo kiến nghị lên Vua Francis về hiến pháp, ông đáp: “Vậy ra các ngươi muốn có hiến pháp!… Hãy xem nào, trẫm không lo điều đó, trẫm sẽ cho các ngươi một hiến pháp nhưng các ngươi phải biết rằng binh lính tuân lệnh trẫm, và trẫm sẽ không hỏi các ngươi đến lần thứ hai nếu trẫm cần tiền… Trong bất kỳ trường hợp nào, trẫm khuyên các ngươi nên cẩn thận về những gì các ngươi sắp nói”. Trước phản ứng này, các lãnh đạo thành phố Tyrol đáp: “Nếu hoàng thượng đã nghĩ vậy, thì tốt hơn là không có hiến pháp”. Và Francis tiếp lời: “Đó cũng là ý kiến của trẫm”.

Francis giải tán Hội đồng nhà nước mà Maria Theresa từng sử dụng như một diễn đàn để tham khảo ý kiến các bộ trưởng. Từ đó trở đi không có hội đàm hay thảo luận công khai về các quyết định của triều đình. Francis xây dựng một chế độ dùi cui và kiểm duyệt một cách thô bạo bất kỳ điều gì có thể coi là hơi cấp tiến. Bá tước Hartig, một cận thần lâu năm từng mô tả triết lý cai trị của ông là “duy trì không suy suyển một thẩm quyền tối thượng, và phủ nhận mọi yêu cầu của công chúng nhằm tham gia vào thẩm quyền đó”. Người hỗ trợ trong mọi lĩnh vực là Hoàng thân von Metternich, được bổ nhiệm làm ngoại trưởng vào năm 1809. Quyền lực và ảnh hưởng của Metternich thật ra còn tồn tại lâu hơn Francis, và ông là ngoại trưởng suốt gần 40 năm.

Trọng tâm của các thể chế kinh tế Habsburg là trật tự phong kiến và chế độ nông nô. Trên lãnh thổ đế chế, càng tiến về phía đông thì chủ nghĩa phong kiến càng trở nên nặng nề hơn, phản ánh xu hướng khái quát hơn về thể chế kinh tế mà ta đã thấy trong chương 4, khi ta đi từ Tây Âu sang Đông Âu. Khả năng lưu chuyển lao động bị hạn chế cao độ, và việc di dân là bất hợp pháp. Khi nhà từ thiện người Anh Robert Owen cố gắng thuyết phục chính phủ Áo thực hiện một vài cải cách xã hội nhằm cải thiện hoàn cảnh của những người nghèo, một trong các cấp phó của Metternich, Friedrich von Gentz đáp: “Chúng tôi hoàn toàn không muốn toàn thể dân chúng trở nên khá giả và độc lập… Làm sao chúng tôi có thể cai trị họ được?”

Ngoài việc chế độ nông nô làm cản trở hoàn toàn sự xuất hiện của một thị trường lao động và làm triệt tiêu các động cơ khuyến khích kinh tế hay sự phát động từ đông đảo người dân nông thôn, chủ nghĩa chuyên chế Habsburg còn phát triển mạnh nhờ vào các độc quyền và các biện pháp hạn chế thương mại. Nền kinh tế đô thị bị chi phối bởi các phường hội, hạn chế việc tham gia vào các ngành nghề. Thuế quan nội bộ tồn tại trong phạm vi nước Áo cho đến năm 1775, và ở Hungary cho đến năm 1784. Thuế suất rất cao đối với hàng nhập khẩu, và nhiều quy định cấm đoán công khai đối với việc xuất nhập khẩu hàng hóa.

Việc kiềm chế thị trường và tạo ra các thể chế kinh tế chiếm đoạt lẽ dĩ nhiên là đặc điểm của chủ nghĩa chuyên chế, nhưng Francis còn đi xa hơn. Các thể chế kinh tế chiếm đoạt không chỉ đơn thuần làm triệt tiêu động cơ khuyến khích cá nhân đổi mới hay áp dụng công nghệ mới. Trong chương 2, ta đã thấy ở Vương quốc Kongo, những nỗ lực thúc đẩy sử dụng cày bừa không thành công vì dân chúng không có động cơ, ứng với bản chất chiếm đoạt của các thể chế kinh tế. Vua Kongo nhận thấy rằng nếu ông có thể làm cho dân chúng sử dụng cày bừa, thì sản lượng nông nghiệp sẽ cao hơn, tạo ra nhiều của cải hơn để ông có thể hưởng lợi từ đó. Đây là động cơ tiềm tàng của mọi chính phủ, ngay cả các nhà nước chuyên chế. Vấn đề ở Kongo là dân chúng hiểu rằng, bất kể họ sản xuất ra bao nhiêu thì cũng bị triều đình chuyên chế chiếm đoạt, và do đó họ không có động cơ để đầu tư hay sử dụng công nghệ tốt hơn. Trên lãnh thổ Habsburg, Francis không khuyến khích dân chúng áp dụng công nghệ tốt hơn; trái lại, thật ra ông còn phản đối điều đó, và ngăn chặn sự truyền bá công nghệ mà dân chúng lẽ ra có thể sẵn lòng áp dụng với các thể chế kinh tế hiện hữu.

Sự chống đối đổi mới biểu hiện qua hai phương thức. Thứ nhất, Francis I phản đối sự phát triển công nghiệp. Công nghiệp tạo ra các nhà máy, và nhà máy sẽ tập trung người lao động nghèo ở các thành phố, nhất là ở thủ đô Vienna. Những người lao động này có thể trở thành những người ủng hộ các đối thủ của chủ nghĩa chuyên chế. Chính sách của ông là giữ nguyên giới quyền thế truyền thống cũng như hiện trạng chính trị và kinh tế. Ông muốn duy trì xã hội ở trạng thái nông nghiệp sơ khai. Francis tin rằng cách tốt nhất để làm điều này là ngăn không cho các nhà máy được xây dựng ngay từ đầu. Ông làm điều này một cách trực tiếp, ví dụ như ông cấm thành lập các nhà máy mới ở Vienna vào năm 1802. Thay vì khuyến khích nhập khẩu và áp dụng máy móc mới, nền tảng của công nghiệp hóa, ông cấm đoán điều này cho đến năm 1811.

Thứ hai, ông phản đối xây dựng đường sắt, một trong những công nghệ mới then chốt xuất hiện cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp. Khi kế hoạch xây dựng đường sắt phía bắc được trình lên Francis I, ông đáp: “Không không, trẫm sẽ không làm gì với nó cả, không thì cách mạng sẽ đến đất nước này”.

Vì nhà nước không đồng ý xây dựng đường sắt chạy bằng hơi nước, nên tuyến đường sắt đầu tiên xây dựng ở đế chế phải sử dụng ngựa kéo. Tuyến đường này đi từ thành phố Linz bên bờ sông Danube đến thành phố Budweis của người Bohemia bên bờ sông Moldau, được xây dựng có độ nghiêng và các khúc quanh, có nghĩa là sau này không thể chuyển sang sử dụng động cơ hơi nước. Vì thế, người ta tiếp tục sử dụng sức ngựa cho đến thập niên 1860. Nhà ngân hàng Salomon Rothschild, đại diện ở Vienna của một gia tộc ngân hàng vĩ đại, đã sớm ý thức về tiềm năng kinh tế của việc phát triển đường sắt. Anh của Salomon là Nathan ở Luân Đôn rất ấn tượng trước động cơ “Tên lửa” của George Stephenson và tiềm năng của xe lửa chạy bằng hơi nước. Ông liên lạc với em trai để khuyến khích em tìm kiếm cơ hội phát triển đường sắt ở Áo, vì ông tin rằng gia đình họ có thể kiếm được lợi nhuận béo bở thông qua việc tài trợ phát triển đường sắt. Nathan đồng ý, nhưng kế hoạch không đi đến đâu vì Hoàng đế Francis một lần nữa lại từ chối.

Việc phản đối công nghiệp và đường sắt hơi nước xuất phát từ mối quan ngại của Francis về sự phá hủy sáng tạo đi kèm với sự phát triển một nền kinh tế hiện đại. Ưu tiên hàng đầu của ông là bảo đảm sự ổn định của các thể chế chiếm đoạt và bảo vệ lợi thế của giới quyền thế truyền thống ủng hộ ông. Chẳng những gần như không được lợi từ công nghiệp hóa do nó sẽ làm xói mòn trật tự phong kiến thông qua thu hút lao động từ nông thôn về thành thị, mà Francis còn nhận thấy mối đe dọa mà sự thay đổi kinh tế lớn lao có thể gây ra cho quyền lực chính trị của ông. Vì thế, ông ngăn chặn công nghiệp và tiến bộ kinh tế, đồng thời duy trì sự trì trệ kinh tế, bộc lộ qua nhiều cách. Ví dụ, mãi đến năm 1883, khi 90% sản lượng sắt trên thế giới được sản xuất bằng than đá, hơn một nửa sản lượng trong lãnh thổ Habsburg vẫn sử dụng than củi kém hiệu quả hơn nhiều. Tương tự, ngay đến trước Thế chiến thứ nhất, khi đế chế sụp đổ, hoạt động dệt vải vẫn không được cơ giới hóa hoàn toàn mà vẫn còn thủ công.

Áo-Hung không phải là đế chế duy nhất lo sợ công nghiệp. Xa hơn về phía đông, nước Nga cũng có một hệ thống thể chế chính trị chuyên chế tương tự, được hun đúc bởi Peter Đại đế, như ta đã thấy ở phần đầu chương này. Cũng như Áo-Hung, các thể chế kinh tế của Nga có tính chiếm đoạt cao độ, dựa vào chế độ nông nô, duy trì ít nhất một nửa dân số bị trói chặt vào đất đai. Nông nô phải làm việc không công ba ngày một tuần trên đất đai của các lãnh chúa. Họ không thể bỏ đi nơi khác và không có tự do nghề nghiệp, đồng thời lãnh chúa có thể tùy ý bán họ cho một lãnh chúa khác. Triết gia cấp tiến Peter Kropotkin, một trong những người sáng lập chủ nghĩa vô chính phủ hiện đại đã mô tả sinh động sự vận hành của chế độ nông nô dưới triều đại Nga hoàng Nicholas I, người cai trị nước Nga từ năm 1825 đến 1855. Ông hồi tưởng lại thời thơ ấu của mình:

Câu chuyện về những người bị chia ly gia đình và làng quê của họ, bị bán đi, bị thua bạc hay bị đổi lấy một cặp chó săn, và bị đưa đến một vùng đất xa xôi của nước Nga… về những đứa trẻ bị tước đoạt khỏi tay bố mẹ và bán cho những ông chủ dã man tàn ác hay ăn chơi phóng đãng; về những trận đòn roi trong chuồng ngựa xảy ra mỗi ngày với sự ác nghiệt không ai muốn nghe; về một cô gái chỉ có thể giải thoát bằng cách trầm mình tự vẫn; về một ông lão già nua tóc bạc suốt đời phục vụ chủ và cuối cùng phải treo cổ dưới cửa sổ nhà chủ; và về những cuộc khởi nghĩa của nông nô bị các vị tướng lĩnh của Vua Nicholas I trấn áp bằng cách cứ 10 hay 15 người lại lôi ra một người rồi đánh bằng roi cho đến chết, và bằng cách phá hủy cả làng… Về cảnh đói nghèo mà tôi đã chứng kiến suốt những cuộc hành trình qua các làng quê, nhất là ở những nơi thuộc về gia tộc hoàng đế, không có lời nào đủ để mô tả nỗi bất hạnh cho những độc giả chưa từng nhìn thấy.

Cũng hệt như ở Áo-Hung, chủ nghĩa chuyên chế không chỉ tạo ra một hệ thống thể chế kinh tế cản trở sự thịnh vượng của xã hội, mà còn có nỗi lo sợ tương tự về sự phá hủy sáng tạo và nỗi lo sợ về công nghiệp và đường sắt. Nhân vật quan trọng trong bối cảnh này dưới thời vua Nicholas I là bá tước Egor Kankrin, người phục vụ trên cương vị bộ trưởng tài chính từ năm 1823 đến 1844 và đóng vai trò then chốt trong việc chống đối những thay đổi xã hội cần thiết giúp thúc đẩy thịnh vượng kinh tế.

Các chính sách của Kankrin là nhằm củng cố các cột trụ chính trị truyền thống của chế độ, đặc biệt là giới quý tộc có đất, và giữ nguyên xã hội nông thôn và nông nghiệp. Sau khi trở thành bộ trưởng tài chính, Kankrin nhanh chóng phản đối và đảo ngược đề xuất của nguyên bộ trưởng tài chính Gurev nhằm phát triển một Ngân hàng Thương mại thuộc sở hữu nhà nước để cho vay công nghiệp. Thay vào đó, Kankrin mở lại Ngân hàng Cho vay nhà nước từng bị đóng cửa dưới thời chiến tranh Napoleon. Ngân hàng này thoạt đầu được thành lập để cho các chủ sở hữu đất lớn vay tiền với lãi suất trợ cấp, một chính sách do Kankrin phê duyệt. Để vay tiền, ứng viên xin vay phải sử dụng nông nô làm “tài sản thế chấp”, cho nên chỉ có các chủ sở hữu đất phong kiến mới có thể vay được. Để tài trợ cho Ngân hàng Cho vay nhà nước, Kankrin chuyển giao tài sản từ Ngân hàng Thương mại, qua đó bằng một mũi tên bắn trúng hai mục đích: giờ đây không còn tiền cho công nghiệp vay nữa.

Có thể thấy rằng, thái độ của Kankrin được định hình bởi nỗi lo sợ rằng thay đổi kinh tế sẽ dẫn đến thay đổi chính trị, và thái độ của Nga hoàng Nicholas cũng thế. Việc đảm đương quyền lực của Nicholas suýt nữa đã sớm chấm dứt vào tháng 12/1825 bởi một cuộc đảo chính của các sĩ quan quân đội; họ đã có một chương trình thay đổi xã hội triệt để. Nicholas viết cho Đại công tước Mikhail: “Cách mạng đang ở ngưỡng cửa của nước Nga, nhưng ta thề rằng nó sẽ không thâm nhập đất nước này khi nào ta còn hơi thở”.

Nicholas sợ những thay đổi xã hội mà việc xây dựng một nền kinh tế hiện đại có thể mang lại. Như ông từng bộc lộ qua một bài diễn văn trong cuộc họp của các nhà sản xuất tại một cuộc triển lãm công nghiệp ở Moscow:

Cả nhà nước và các nhà sản xuất đều phải chú ý đến một vấn đề, bằng không thì chính các nhà máy sẽ trở thành họa chứ không phải phúc; đó là việc quan tâm đến những người lao động hiện đang gia tăng về số lượng hàng năm. Cần có sự giám sát năng động và gia trưởng đối với đạo đức của họ; nếu không dân chúng sẽ dần dần trở nên đồi bại và trở thành một tầng lớp bất hạnh vì họ gây nguy hiểm cho chủ nhân của họ.

Cũng như Francis I, Nicholas sợ rằng sự phá hủy sáng tạo hình thành từ một nền kinh tế công nghiệp hiện đại sẽ xói mòn hiện trạng chính trị ở nước Nga. Với sự hối thúc của Nicholas, Kankrin thực hiện các biện pháp cụ thể để làm chậm tiềm năng công nghiệp. Ông cấm một số cuộc triển lãm công nghiệp mà trước đây vẫn được tổ chức định kỳ để trưng bày các công nghệ mới và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ.

Năm 1848, châu Âu rung chuyển bởi hàng loạt các cuộc cách mạng bùng nổ. Đáp lại, thống soái quân đội Moscow A.A Zakrevskii, người phụ trách duy trì trật tự công cộng, viết thư cho Nicholas: “Để bảo toàn sự thanh bình và thịnh vượng mà vào lúc này chỉ có nước Nga được tận hưởng, chính phủ không nên cho phép tụ tập những người vô gia cư và những kẻ chơi bời phóng đãng; họ sẽ dễ dàng tham gia mọi phong trào, phá hủy nền hòa bình xã hội và sự bình yên cá nhân”. Lời khuyên của ông được truyền đến các bộ trưởng của Nicholas và vào năm 1849, một đạo luật mới được ban hành, áp đặt giới hạn nghiêm ngặt đối với số lượng nhà máy có thể được thành lập bất kỳ ở vùng nào của Moscow. Luật đặc biệt cấm khai trương nhà máy xe sợi len và bông cũng như các xưởng đúc sắt mới. Các ngành khác như dệt và nhuộm phải kiến nghị với thống soái quân đội nếu muốn mở nhà máy mới. Cuối cùng, hoạt động xe sợi bông chính thức bị cấm. Mục đích của luật là nhằm ngăn chặn sự tập trung hơn nữa những người lao động có tiềm năng nổi loạn trong thành phố.

Việc chống đối đường sắt cũng đi kèm với chống đối công nghiệp, cũng hệt như ở Áo-Hung. Trước năm 1842, chỉ có một tuyến đường sắt ở Nga. Đó là đường sắt Tsarskoe Selo dài 17 dặm từ Saint Peterburg đến khu dinh thự hoàng tộc ở Tsarskoe Selo và Pavlovsk. Cũng giống như sự phản đối công nghiệp, Kankrin nhận thấy chẳng có lý do gì để thúc đẩy đường sắt, mà ông lập luận rằng sẽ tạo ra sự lưu thông nguy hiểm về mặt xã hội: “Đường sắt không phải là kết quả của sự cần thiết tự nhiên, mà là sản phẩm của một nhu cầu giả tạo hay thói xa hoa. Nó khuyến khích sự đi lại không cần thiết từ nơi này đến nơi khác, hết sức điển hình trong thời đại của chúng ta”.

Kankrin bác bỏ vô số đơn xin xây dựng đường sắt, và mãi đến năm 1851 mới có một tuyến đường được xây dựng nối liền Moscow với Saint Peterburg. Chủ trương của Kankrin được kế tục bởi bá tước Kleinmichel, người đứng đầu cơ quan nhà nước phụ trách giao thông và xây dựng công cộng. Thể chế này trở thành trọng tài chính trong phán quyết về việc xây dựng đường sắt, và Kleinmichel sử dụng nó làm nền tảng để không khuyến khích việc xây dựng. Sau năm 1849, thậm chí ông còn sử dụng quyền lực để kiểm duyệt thảo luận của báo chí về việc phát triển đường sắt.

Bản đồ 13 trình bày hậu quả của chủ trương này. Trong khi nước Anh và hầu hết vùng tây bắc châu Âu đã có mạng lưới đường sắt chằng chịt vào năm 1870, đường sắt thâm nhập rất ít vào lãnh thổ nước Nga rộng lớn. Chính sách chống lại đường sắt chỉ được đảo ngược sau khi Nga bị đánh bại trong chiến tranh Krym với lực lượng Anh, Pháp và Ottoman vào năm 1853-1856, khi người ta nhận ra rằng tình trạng lạc hậu của mạng lưới giao thông đóng vai trò hệ trọng đối với nền an ninh của nước Nga. Ngoài khu vực của Áo và các vùng phía tây của đế chế, đường sắt cũng kém phát triển ở Áo-Hung, mặc dù cuộc Cách mạng 1848 đã làm thay đổi các vùng lãnh thổ này, đặc biệt là việc bãi bỏ chế độ nông nô.

Bản đồ 13: Đường sắt ở châu Âu năm 1870 (p. 295)

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh