Lẽ Thường (Common Sense) - Thư Ngỏ Gửi Hội Những Người theo Đạo Quaker
Kính gửi quý vị Đại biểu của Hội Những Người theo Đạo Quaker, hoặc những quý vị đã quan tâm đến bài viết của tôi, mang tựa đề “Lời Chứng Thời Xưa và Những Nguyên tắc của Đạo Quaker được Canh tân có Liên quan đến Nhà vua và Chính quyền, và tạo ra náo động tại nhiều miền trên đất Mỹ gửi đến cho tất cả mọi người.”
Tác giả của bài viết này, là một trong số ít người, chưa bao giờ mạo phạm tôn giáo bằng sự nhạo báng hoặc than phiền về bất kỳ một hệ phái tôn giáo nào cả. Trách nhiệm của con người với tôn giáo là đối với Thượng Đế chứ không phải đối với con người. Vì vậy, lá thư này gửi đến quý vị không phải là một lá thư về tôn giáo mà về chính trị, dù chỉ điểm sơ qua, một vài vấn đề mà những nguyên tắc tĩnh lặng của đức tin được tuyên xưng đã chỉ thị quý vị đừng dính vào. Như quý vị đã, dù không có thẩm quyền chính đáng để làm việc này, tự cho mình là đại điện cho toàn giáo phái Quakers; cho nên, tác giả của bài này, để ở ngang tầm với quý vị, đã vì nhu cầu mà đặt mình vào vị trí của những người đã tán thành những bài viết và nguyên lý mà qua đó lời chứng quý vị nhắm tới chỉ trích: Và người đó đã chọn tình huống đặc biệt này, để, quý vị có thể phát hiện nơi y cái tính chất kiêu ngạo mà chính quý vị không tự nhận thấy nơi chính mình. Vì cả y lẫn quý vị đều không được coi là ĐẠI BIỂU CHÍNH TRỊ.
Khi người ta đi trật khỏi đường ngay lẽ thẳng, chẳng trách gì họ sẽ bị vấp và ngã. Điều này được thể hiện rõ ràng trong cách thức mà quý vị dùng để làm lời chứng, rằng chính trị, (khi được quan niệm như một tập thể những người có một tín ngưỡng) không phải là con đường đúng đắn của quý vị; vì dù nó có vẻ rất thích hợp với quý vị, nó cũng chỉ là một mớ hỗn độn gồm cả xấu lẫn tốt đem trộn vào nhau một cách thiếu khôn ngoan, và điều kết luận rút ra từ đó thì vừa trái lẽ vừa trái với tự nhiên.
Trong hai trang đầu tiên [của luận cứ của quý vị] (và toàn bộ chưa tới bốn trang), chúng tôi phải công nhận sự cố gắng của quý vị, và cũng mong nhận được sự đối xử lịch sự tương xứng, vì tình yêu và ước vọng hòa bình không phải chỉ những người theo đạo Quaker mới có, mà đó là điều tự nhiên cũng như ước vọng của tất cả những ai thuộc những hệ phái tôn giáo khác nhau. Và trên căn bản này, khi ta đang gắng sức để kiến tạo cho mình một bản Hiến pháp Độc lập, thì ta mới vượt trội hơn nhau về niềm hy vọng, cứu cánh, và mục đích. KẾ HOẠCH CỦA CHÚNG TÔI LÀ HÒA BÌNH VĨNH CỬU. Chúng tôi cũng đã mệt mỏi vì những tranh chấp với Anh quốc và không thấy có một mục đích tối hậu nào khác hơn là sự phân cách vĩnh viễn. Hành động của chúng tôi trước sau như một, vì nhằm để trình bày một nền hòa bình vĩnh viễn và không bị gián đoạn, chúng tôi đành phải chịu những xấu xa và gánh nặng của hôm nay. Chúng tôi đang nỗ lực và sẽ tiếp tục nỗ lực để tách ra và giải kết một mối liên hệ mà đã khiến cho máu phải đổ đầy tràn trên đất nước của chúng ta; và mối liên hệ đó, nếu còn được giữ lại dù chỉ trên danh nghĩa không thôi, cũng sẽ là nguyên nhân trí tử tạo nên bởi những mối bất hòa trong tương lai của cả hai quốc gia.
Chúng tôi chiến đấu không phải để trả thù hay để chinh phục; cũng không phải vì kiêu căng hay vì nhiệt tình; chúng tôi không dám xúc phạm tới thế giới bằng hạm đội hay quân đội của mình, hay đi tàn phá thế giới để cướp đoạt của cải. Bên dưới những tàng lá nho trong vườn nhà, chúng tôi đang bị tấn công; ngay trong nhà, ngay trên mảnh đất quê hương, chúng tôi đang gánh chịu tai họa của bạo lực. Chúng tôi xem kẻ thù của mình là những tên thảo khấu và những kẻ trộm ngày, và vì chúng tôi không được luật pháp bảo vệ, nên phải trừng phạt những tên cướp này bằng phương tiện quân sự, và sử dụng đến lưỡi kiếm trong ngay cả trường hợp mà trước đây người ta vẫn dùng dây thòng lọng để treo cổ—Có lẽ chúng tôi thông cảm được nỗi khổ đau, nhục nhã và mất mát của những nạn nhân ở trên mọi miền của đất nước bằng một thứ tình cảm dịu dàng mà một số quý vị từ trong thâm tâm vẫn chưa cảm nhận được. Nhưng xin quý vị nên bảo đảm rằng sự sai lầm của quý vị không phải là nguyên do hay căn bản của những lời tuyên xưng của quý vị. Đừng đưa sự lạnh lẽo của linh hồn vào trong tôn giáo; cũng đừng trở thành những Cơ Đốc nhân mù quáng giáo điều.
Ôi những vị mục sư thiên vị về những nguyên lý đã được tuyên xưng của mình ơi. Nếu hành vi trang bị vũ khí được coi là tội lỗi, thì kẻ đầu tiên gây chiến mới phải là kẻ có tội, vì tất cả sự khác biệt nằm ở chỗ một sự tấn công có chủ ý và một sự tự vệ không tránh được. Vì thế, nếu quý vị giảng đạo từ lương tâm của mình, chứ không phải để tôn giáo của quý vị trở thành một trò hề chính trị, thì hãy tuyên bố giáo điều của quý vị cho kẻ thù của chúng ta đi, vì họ cũng đã vũ trang đó thôi. Hãy cho chúng tôi bằng chứng về sự thành tâm của quý vị bằng cách in ra và đệ trình cho triều đình Anh quốc, cho viên tổng tư lệnh tại Boston, cho những viên đô đốc và thuyền trưởng của những chiến hạm đang cướp bóc và tàn phá duyên hải của ta, và cho những tên sát nhân vô lại đang nhân danh Ngài Ngự, người mà quý vị đang tuyên xưng là thần dân.
Giả như quý vị có được tâm hồn lương thiện của Barclay,1 quý vị sẽ giảng về sự sám hối cho Ngài Ngự của quý vị; quý vị sẽ nói cho Nhà Vua Đê tiện về những tội lỗi của y và cảnh cáo y về hình phạt đời đời. Xin quý vị đừng dùng những lời chỉ trích mang tính chất thiên vị chỉ để nhắm vào những người đã bị thương tổn và lăng mạ, nhưng hãy cư xử như những mục sư trung tín, lớn tiếng tố cáo [những vi phạm] và KHÔNG CHỪA MỘT AI HẾT. Xin đừng nói là quý vị đang bị bách hại, cũng như đừng cố tạo ra ấn tượng chúng tôi là những người đang thống trách quý vị về những điều mà chính quý vị tự mang vào người. Vì chúng tôi sẽ làm chứng trước tất cả mọi người rằng chúng tôi không than phiền vì quý vị là những người theo đạo Quaker, nhưng chính vì quý vị đã giả danh chứ không phải là những người Quaker chính thống.
Than ôi! Dường như vì một phần đặc thù trong lời tuyên xưng, và một phần khác trong cách hành xử của quý vị mà tất cả những tội lỗi đều giảm xuống và chỉ có thể được nhận thức qua hành động tự vũ trang của người dân mà thôi. Quý vị, theo chúng tôi, đã nhầm lẫn giữa đảng phái với lương tâm; bởi vì cái đặc tính chính của những hành động của quý vị thiếu sự đồng nhất—Và đối với chúng tôi, thật khó mà tin được nhiều điều mà quý vị giả bộ đắn đo; bởi vì chúng tôi đã thấy đó là những hành vi do cùng một số người thực hiện, những người mà ngay khi vừa tuyên bố là không theo đuổi phú quý vật chất trần gian, thì ngay lập tức lại hăm hở săn đuổi như sợ hết giờ và với lòng khát khao mà chỉ có cái Chết mới thỏa mãn được.
Câu kinh thánh trong sách Châm Ngôn mà quý vị trích dẫn trong trang thứ ba của lời chứng của quý vị như thế này: “Khi tánh-hạnh của người nào làm đẹp lòng Thượng Đế, thì Ngài cũng khiến các thù-nghịch người ở hòa-thuận với người;”2 là một câu trích rất là thiếu khôn ngoan, vì nó cũng tương tự như một bằng chứng là tánh hạnh của nhà vua (mà quý vị đang muốn ủng hộ) KHÔNG làm đẹp lòng Thượng Đế, nếu không thì triều đại của nhà vua đã giữ được an bình.
Bây giờ tôi xin bàn đến phần sau cùng trong lời chứng của quý vị, và đối với phần này thì tất cả những gì đã bàn ở trên chỉ là phần giới thiệu.
“Từ khi chúng tôi được ơn gọi để tuyên nhận ánh sáng của đức Jesus Ki-tô, những nguyên tắc và sự suy xét mà chúng tôi đã giữ được thể hiện qua lương tâm của chúng tôi cho tới tận hôm nay: đó là việc xây dựng và phế bỏ vương triều hay chính quyền là một đặc quyền kỳ diệu của Thượng Đế vì những nguyên do mà chỉ có Ngài mới biết được. Đó không phải là việc của chúng ta mưu toan xía vào; cũng không phải để ta bận tâm với những việc quá sức của mình, chứ đừng nói tới việc mưu toan lật đổ hay khôi phục. Ta chỉ nên cầu nguyện cho nhà vua, cho sự an toàn của đất nước và điều lành đến với mọi người—làm như vậy thì ta có thể sống một đời sống bình an và thanh thản trong đức tin và sự lương thiện DƯỚI MỘT CHÍNH QUYỀN ĐÃ ĐƯỢC THƯỢNG ĐẾ HÀI LÒNG MÀ LẬP NÊN CHO CHÚNG TA”—Nếu đây quả thực là những nguyên tắc mà quý vị tuyên xưng, thì tại sao quý vị lại không tuân theo chúng? Tại sao quý vị lại không để cái công việc, mà quý vị gọi là Việc của Chúa, cho Ngài? Những nguyên tắc này buộc quý vị chờ đợi trong sự kiên nhẫn và khiêm nhường cho đến khi cái biến cố ảnh hưởng đến mọi người sẽ xảy đến theo ý của Thượng Đế. Vì thế, duyên cớ nào khiến cho quý vị phải đưa ra Lời Chứng Chính Trị, nếu quý vị thực sự tin tưởng vào những nguyên tắc này? Và sự kiện quý vị cho ấn hành lời chứng này đã chứng tỏ hoặc là quý vị không tin gì về những điều mình nói, hoặc không có đủ đức hạnh để thực hành những điều mình tin tưởng.
Những nguyên tắc của giáo phái Quaker có khuynh hướng khiến cho người ta trở thành những thần dân an phận của bất kỳ và mọi chính quyền nào được dựng lên để cai trị họ. Và nếu việc thiết lập lên và phế truất những ông vua hay chính quyền là đặc quyền của Thượng Đế, thì chắc chắn là Ngài sẽ không để cho ta chiếm lấy quyền này: như thế, chính cái nguyên tắc này buộc quý vị phải chấp thuận mọi điều, mà đã xảy ra, hay có thể xảy đến cho những ông vua là công việc của Thượng Đế. Oliver Cromwell ơi, xin cám ơn ông.3 Vua Charles Đệ nhất, như vậy, không phải bị giết vì tay người; và nếu kẻ cầm quyền hiện nay, kẻ đang hãnh diện bắt chước theo vua Charles, cũng gặp sự bất đắc kỳ tử, thì những tác giả và nhà xuất bản Lời Chứng của quý vị, vì tuân theo cái lý thuyết mà quý vị đã tuyên xưng, phải hoan nghênh sự kiện này. Các ông vua không bị lật đổ vì phép lạ, cũng như những sự thay đổi chính quyền không xảy ra bằng những phương thức nào khác hơn là những phương thức thông thường do con người thực hiện; và đó là phương thức mà chúng tôi đang sử dụng. Ngay cả sự phiêu tán của người Do Thái, dù được đấng Cứu Chuộc báo trước, cũng do vũ khí và bạo lực gây nên. Vì thế, nếu như quý vị không muốn trở thành phương tiện cho một phe, thì quý vị cũng không nên trở thành kẻ phá rối phía bên kia; mà nên chờ đợi sự ngã ngũ trong yên lặng. Trừ phi quý vị có thể đưa ra bằng cớ về quyền lực thiêng liêng để chứng minh rằng đấng Toàn Năng, người đã tạo ra cái tân thế giới này và đặt nó ở cái vị trí xa cách nhất, tách rời khỏi mọi phần của cựu thế giới, từ đông sang tây, nhưng lại không hài lòng về việc lục địa này đòi độc lập với cái triều đình Anh quốc thối nát và trụy lạc. Trừ phi quý vị có thể chứng minh được điều này, thì làm sao mà quý vị dám dựa trên nguyên tắc của mình để biện minh cho hành vi khích động những người mà “đã đoàn kết vững chắc với nhau vì cùng ghê tởm những bài viết, những biện pháp, như là chứng cớ của sự mong muốn và kế hoạch nhằm cắt đứt mối quan hệ sung sướng mà chúng tôi đã từng có với triều đình Anh, và sự thần phục chính đáng nhà vua, hay những quan lại do nhà vua phái đi.”
Đây chính là một cái tát vào mặt! những người mà trong đoạn văn ở trên đã thụ động và yên lặng từ bỏ cái quyền thiết lập, thay đổi, và truất phế vua chúa và chính quyền của mình và giao quyền đó cho Thượng Đế, bây giờ nhớ lại những nguyên tắc của mình, và đòi dự phần vào công việc này. Có thể nào sự kết luận, mà vừa được trích dẫn đúng đắn ở đây, có thể là kết quả của cái lý thuyết do quý vị đề ra? Sự bất nhất [trong lập luận] thiệt quá rõ ràng, không có ai là không thấy; sự vô lý và ngớ ngẩn của nó thiệt quá sức khôi hài; và những kết luận như vậy, chỉ có thể do những người mà sự hiểu biết đã bị làm cho tối tăm vì tinh thần hẹp hòi và tranh chấp của một đảng phái chính trị đang tuyệt vọng.
Tôi chấm dứt phần nhận xét lời chứng của quý vị tại đây (phần này không nhằm xúi giục ai ghét bỏ quý vị, mà chỉ để cho họ đọc và xét đoán một cách công bằng); tôi xin được thêm vào một nhận xét về câu sau đây: “việc xây dựng và phế bỏ vương triều,” phải hiểu là dựng một người thường lên làm vua, và phế bỏ một người đang là vua. Và xin giải thích xem điều này có dính dáng gì đến trường hợp hiện tại? Chúng ta không muốn dựng nên hay phế đi một ông vua, cũng không muốn tạo ra hay phá đi một chính quyền, mà chỉ muốn đừng có dây dưa gì với chuyện này cả. Vì thế, lời chứng của quý vị, dù nhìn dưới góc cạnh nào, cũng chỉ làm cho sự nhận định của quý vị mất giá trị, và còn vì nhiều lý do khác nữa, quý vị nên giữ những nhận định này cho riêng mình hơn là in và phổ biến ra.
Lý do thứ nhất là những lời chứng này có khuynh hướng làm giảm giá trị và sỉ nhục mọi tôn giáo, và là một điều cực nguy hiểm cho xã hội vì biến tôn giáo trở thành một phần tử trong những cuộc tranh luận chính trị.
Thứ hai, những lời chứng này phô bày ra cho mọi người thấy có một số người mà một số lớn đã từ chối việc ấn hành và cũng không ủng hộ những lời chứng chính trị, như đã được quan tâm tới ở đây.
Thứ ba, những điều này có khuynh hướng làm hỏng sự hài hòa và tình hữu nghị của lục địa mà chính quý vị, qua sự đóng góp hào phóng và lòng nhân đức đã góp một bàn tay để tạo ra; và sự bảo tồn sự hài hòa và hữu nghị này là kết quả quan trọng nhất của tất cả chúng ta.
Tới đây, tôi xin chào tạm biệt quý vị mà không có chút giận dữ hay oán trách trong lòng. Tôi thành khẩn ước ao rằng, đã là người và là Ki-tô hữu, quý vị luôn luôn được hưởng mọi quyền tự do về tôn giáo và dân sự; và để đổi lại, quý vị cũng sẽ là phương tiện giúp cho những người khác hưởng được những quyền này; nhưng [rủi thay], đó lại là cái thí dụ mà quý vị đã không thận trọng khi trộn lẫn tôn giáo với chính trị; đó là điều sẽ bị mọi cư dân của Mỹ chối từ và lên án.
Chú thích
(1) Robert Barclay là nhà thần học đầu tiên và vĩ đại nhất của giáo phái Quaker. Ông đã hệ thống hóa lý thuyết thần học của Quaker thành một hệ thống giáo lý và chứng minh rằng Quaker không có điều gì đi ngược lại với tín lý của Cơ-đốc hay chống lại triều đình Anh quốc cùng Anh giáo.
(2) Châm Ngôn 16:7
(3) Oliver Cromwell là một lãnh tụ và chính trị gia đầy thủ đoạn, đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Nội Chiến Anh (1642-1651) giữa Quốc Hội và Phe Bảo Hoàng. Phe Bảo Hoàng thua và Vua Charles đệ Nhất bị xử tử. Cromwell lên nắm quyền lãnh đạo như một vị hoàng đế, nhưng không nhận tước hiệu này (kiểu như Chúa Trịnh của VN chăng?) Một hệ quả của cuộc Nội Chiến là chế độ quân chủ tại Anh được thay thế bởi chế độ cộng hòa.
Nguồn: Học viện Công dân: Lẽ Thường (Common Sense) – Thomas Paine.