Lẽ Thường (Common Sense) - Chương I

Lẽ Thường (Common Sense) - Chương I

Phần I

Bàn về Nguồn gốc và Cơ cấu của Chính quyền Nói chung, và về Hiến pháp của Anh quốc Nói riêng

Có một vài tác giả đã quá lầm lẫn giữa [hai thực thể] xã hội và chính quyền, đến nỗi không còn phân biệt được đâu là đâu nữa; dù hai thực thể này không những khác nhau, mà còn có nguồn gốc khác nhau. Xã hội được hình thành vì nhu cầu của con người, còn chính quyền được hình thành vì tính xấu của con người. Xã hội làm thăng tiến hạnh phúc một cách tích cực bằng sự kết hợp lòng lân mẫn của con người lại với nhau, còn chính quyền làm thăng tiến hạnh phúc một cách tiêu cực bằng cách ngăn chặn những thói xấu của con người. Một đàng cổ vũ cho sự giao dịch, một đàng tạo ra ngăn cách. Một đàng là kẻ đỡ đầu, một đàng là người trừng phạt.

Xã hội trong bất kỳ nước nào cũng đều là một phước lành, nhưng chính quyền, ngay cả trong một nước được cai trị khéo nhất, cũng là một sự xấu xa nhưng lại cần thiết, còn trong một nước bị cai trị tồi tệ, thì chính quyền là một điều cực kỳ tệ hại. Vì khi ta chịu đau khổ hay bị một chính quyền ngược đãi, mà cũng giống như ta sống trong một nước không có chính quyền, thì nỗi đau của ta càng tăng thêm gấp bội vì chính ta đã tạo ra cái phương tiện để hành hạ mình. Chính quyền cũng giống như y phục, là dấu hiệu của sự ngây thơ đã bị đánh mất; cung điện của vua chúa được xây trên những phế tích của địa đàng. Nếu những động lực của lương tâm thật là trong sáng, đồng nhất và con người buộc phải tuân theo, thì con người không cần đến nhà lập pháp; nhưng thực tế lại không phải như vậy, cho nên con người đành phải bỏ bớt một phần tài sản của mình để tạo ra những phương tiện hầu có thể bảo vệ cho tất cả. Con người làm việc này với tất cả thận trọng như kinh nghiệm đã dạy cho nó là giữa hai cái xấu, nên chọn cái ít xấu hơn. Vì lý do này ta thấy cứu cánh và cơ cấu thật sự của chính quyền là bảo đảm an ninh cho người dân; từ đó suy ra, bất kỳ một mô hình [chính quyền] nào mà có thể bảo đảm được điều đó cho người dân, mà vừa ít tốn kém, vừa mang lại lợi ích tối đa, thì đó phải là một mô hình được mọi người ưa chuộng.

Để có được một khái niệm rõ ràng và chính đáng về cơ cấu và cứu cánh của chính quyền, ta nên giả sử là có một số ít người định cư tại một nơi hẻo lánh nào trên trái đất và hoàn toàn không dính dáng gì đến toàn thể nhân loại. Họ sẽ được xem là những người đầu tiên của một nước, hay của thế giới. Ở trong tình trạng tự do thiên nhiên này, [thành lập] xã hội sẽ là ý nghĩ đầu tiên của họ. Cả ngàn động lực thúc đẩy họ phải nghĩ tới việc xây dựng một xã hội, vì sức của một người không thỏa mãn hết những nhu cầu của hắn, và tâm trí của con người cũng không chịu được sự cô độc triền miên, cho nên hắn bị buộc phải tìm sự trợ giúp và giải khuây từ những người khác cũng đều có nhu cầu tương tự. Bốn hay năm người kết hợp lại có thể dựng lên được một chỗ có thể ở được giữa rừng hoang, nhưng sức một người có thể phải làm việc cả đời mà vẫn không đạt được gì hết; khi đốn một thân cây xuống rồi, hắn không thể di chuyển hay dựng được nó lên; cơn đói khát khiến hắn phải bỏ dở công việc, và những nhu cầu khác nhau kéo hắn chạy theo những con đường khác. Bệnh tật, nói cho đúng hơn, ngay cả vận rủi, cũng có thể đưa đến cái chết, vì dù không đến nỗi trí mạng, nhưng vận rủi cũng khiến cho hắn không làm việc để kiếm ăn được và khiến cho hắn ở trong một trạng thái mà chết ngay còn sướng hơn là chết dần mòn.

Như vậy, những nhu cầu thiết yếu của đời sống, cũng giống như trọng lực, chẳng chóng thì chầy cũng khiến những người mới tới ở vùng đất này tạo thành một xã hội; phúc lợi của sự giúp đỡ lẫn nhau sẽ thay thế và khiến cho những bổn phận có tính chất ràng buộc bởi luật pháp và cả chính quyền nữa trở nên không cần thiết, nếu những người dân này đối xử hoàn toàn công bằng với nhau. Khốn thay, chỉ có ở trên trời mới không bị tính xấu xâm phạm, và điều không tránh được sẽ phải xảy ra, khi người ta vượt qua được những khó khăn ban đầu khiến họ phải sống với nhau thành xã hội, thì họ bắt đầu lơ là bổn phận và sự gắn bó với nhau, và sự chểnh mảng này đưa đến một nhu cầu thành lập một mô hình chính quyền nào đó để chữa những khiếm khuyết về đạo đức.

Người ta trong tình trạng xã hội này có thể sẽ tìm một nơi hội họp dưới một thân cây cổ thụ nào thuận tiện cho mọi người; đó sẽ là Nghị Viện của họ, và dưới tàn cây này toàn thể cư dân sẽ hội họp để bàn việc công cộng. Những luật lệ đầu tiên của họ có lẽ nên được gọi là quy định thì đúng hơn, và hình phạt cho những sự bất tuân này có lẽ chỉ là sự tẩy chay của cộng đồng. Mỗi người, do quyền tự nhiên của mình, sẽ có một ghế ngồi trong nghị hội đầu tiên này.

Nhưng khi cộng đồng này tăng trưởng, những quan tâm công cộng cũng sẽ gia tăng theo, khoảng cách mà những thành viên sinh sống cũng xa cách dần, và sẽ khiến cho sự hội họp trở nên bất tiện cho tất cả mọi người như lúc ban đầu số người chưa đông, nơi cư ngụ gần nhau, vấn đề công cộng còn ít và chỉ là những điều lặt vặt. Điều này dẫn đến một sự kiện thuận tiện hơn cho mọi người, đó là đồng ý để cho bộ phận lập pháp được điều hành bởi một số người đã được toàn thể chọn lựa, những người mà có cùng quan tâm với những người đã bổ nhiệm họ, và bộ phận này sẽ hoạt động theo cung cách như toàn thể cư dân sẽ làm, nếu họ có mặt. Nếu cộng đồng này tiếp tục gia tăng, thì cần phải mở rộng số đại biểu và để cho quyền lợi của mỗi vùng cũng được tham dự. Cho nên, cách tốt nhất là chia cả cộng đồng ra nhiều phần thuận tiện, mỗi phần gửi đúng số đại biểu về họp, và để cho những đại biểu này không họp thành một nhóm quyền lợi tách rời khỏi quyền lợi của cử tri, thì sự cẩn trọng cần thiết là có những cuộc bầu cử thường xuyên, vì những người được bầu ra có lẽ qua phương thức này sẽ trở về lại với đại khối cử tri và trong thời gian nghỉ mấy tháng này sự trung thành của họ với lợi ích công sẽ được bảo đảm và khiến cho họ trở nên thận trọng hơn và không tự gây hại cho chính họ trong tương lai. Vì sự thay đổi thường xuyên này sẽ tạo nên một quyền lợi chung cho mọi miền của cộng đồng, đương nhiên người dân sẽ ủng hộ và tương trợ lẫn nhau, và chính trên căn bản này (chứ không phải nhân danh cái tên vô nghĩa lý của nhà vua) là sức mạnh của chính quyền và sự hạnh phúc của người dân.

Đó là nguồn gốc và sự hình thành của chính quyền, nghĩa là một cơ chế được tạo nên chỉ vì đức hạnh không có khả năng để cai trị thế giới; đó cũng là cơ cấu và cứu cánh của chính quyền, tức là tự do và an ninh. Và dù cho ta có bị hoa mắt vì sự hào nhoáng của những màn trình diễn, tai ta có bị lừa bởi những âm thanh, thành kiến có làm méo mó ý kiến của ta, hay quyền lợi bôi đen sự hiểu biết của ta đến thế nào đi nữa, thì tiếng nói đơn giản của thiên nhiên và của lương tri cũng sẽ lên tiếng, và đó là những lời đúng đắn.

Tư tưởng của tôi về mô hình chính quyền được rút ra từ một nguyên tắc trong thiên nhiên mà không một kỹ xảo nào có thể phủ nhận được; đó là, sự vật càng đơn giản chừng nào, thì càng khó bị xáo trộn, và khi có bị xáo trộn thì cũng dễ sửa chữa. Vận dụng châm ngôn này, tôi sẽ đưa ra vài nhận xét về cái cơ chế chính trị đã từng được khoe khoang của Anh quốc. Cơ chế chính trị này, khi được dựng lên trong cái thời đại đen tối và nô lệ, quả là một cơ chế cao nhã, đáng nể. Khi thế giới bị kẻ bạo quân cai trị, thì thoát ra khỏi thời đại đó, dù chỉ một chút xíu thôi cũng đã là một sự cứu rỗi vinh quang. Nhưng cơ chế bất toàn này, dễ bị ảnh hưởng của biến động, và không có khả năng để thực hiện những gì đã hứa là, là điều ta có thể chứng minh dễ dàng.

Những chính quyền chuyên chế tuyệt đối (dù [sự hiện hữu của nó] là một sự đáng xấu hổ của bản tính con người) có một lợi điểm này, đó là sự đơn giản. Nếu người dân bị đau khổ, họ biết đâu là nguồn gốc nỗi khổ của họ, và cũng biết được thuốc chữa là gì, mà không bị rối trí vì có quá nhiều nguyên do và cách chữa trị. Nhưng cơ cấu chính trị của Anh quốc thì thật quá sức phức tạp đến nỗi đất nước phải chịu đau khổ trong nhiều năm mà vẫn không tìm ra được sự sai lầm nằm ở đâu; người thì bảo ở chỗ này, kẻ lại cho là ở chỗ kia, và mỗi một ông thầy thuốc chính trị lại đưa ra một toa thuốc khác nhau.

Tôi biết thật không dễ dàng để ta có thể vượt qua những định kiến địa phương lâu đời, nhưng nếu ta chịu khó phân tích những bộ phận tạo nên cơ chế chính trị của Anh quốc, ta sẽ thấy những bộ phận này là phần căn bản còn sót lại của hai nền chính trị chuyên chế, phối hợp với một vài chất liệu mới thuộc chế độ cộng hòa.

Thứ nhất: tàn tích của chế độ quân chủ chuyên chế được thể hiện nơi cá nhân của nhà vua.

Thứ hai: tàn tích của chế độ quý tộc chuyên chế được thể hiện nơi những công hầu khanh tướng (thuộc viện quý tộc).

Thứ ba: những chất liệu mới thuộc chế độ cộng hòa được thể hiện qua những người bình dân mà sự tự do của Anh quốc được duy trì nhờ đức hạnh của họ.

Hai cái tàn tích đầu, vì tính chất cha truyền con nối, không dính dáng gì đến nhân dân, vì thế, hiểu theo nghĩa hiến pháp, nó chẳng đóng góp được gì cho sự tự do của đất nước.

Nói rằng hiến pháp của Anh quốc là một sự kết hợp của ba quyền kiểm soát lẫn nhau là một chuyện nực cười, hoặc là những từ ngữ này chẳng có nghĩa lý gì hết, hoặc là chúng hoàn toàn mâu thuẫn với nhau.

Khi nói rằng Viện Bình dân là một cơ chế kiểm soát nhà vua, ta đã giả định hai điều:

Thứ nhất: Nhà vua là kẻ không thể tin được nếu không có ai kiểm soát, hay nói khác đi sự khao khát quyền lực tuyệt đối là căn bệnh tự nhiên của chế độ quân chủ.

Thứ hai: Viện Bình dân, được thành lập vì mục đích này, có nghĩa là cơ chế này khôn ngoan hơn hay là đáng tin hơn nhà vua.

Nhưng chính cái hiến pháp trao cho Viện Bình dân quyền kiểm soát nhà vua bằng cách ngăn giữ sản phẩm tiếp liệu cho triều đình, lại cho nhà vua cái quyền kiểm soát ngược lại Viện Bình dân bằng quyền phủ quyết, lại giả định rằng nhà vua là người khôn ngoan hơn những người đã được cho là khôn ngoan hơn nhà vua. Thật là một sự ngớ ngẩn!

Còn có thêm một điều quá đỗi khôi hài trong cấu trúc của chế độ quân chủ; chế độ này tách ta khỏi mọi nguồn thông tin, nhưng lại cho ta quyền hành xử trong những trường hợp cần sự phán đoán cao nhất. Vị trí của nhà vua [ở trong cung điện] bị tách rời khỏi thế giới bên ngoài tường thành, nhưng việc cai trị đòi hỏi nhà vua phải biết cặn kẽ về thế giới đó; vì thế những bộ phận khác nhau bị đối nghịch và triệt tiêu nhau một cách phản tự nhiên như vậy chứng nminh rằng cả cơ chế là một sự vô dụng và là điều ngớ ngẩn.

Một số tác giả đã giải thích hiến pháp Anh quốc như thế này: Nhà vua là một bộ phận, người dân là bộ phận khác; Viện Quý tộc hành xử nhân danh nhà vua, còn Viện Bình dân nhân danh quần chúng. Nói như vậy thì ta thấy rõ ràng là một nhà lại tự phân ra hai phần đối nghịch lại nhau, và mặc dầu cách diễn tả có nghe êm tai thế nào đi nữa, khi mổ xẻ ra ta thấy đó là những từ ngữ mơ hồ không có tác dụng gì cả. Một điều ta thấy một cách chắc chắn là khi ngôn từ được sử dụng để diễn tả một điều gì hoặc là không thể hiện hữu được, hoặc là quá rối rắm không thể hiểu được trong phạm vi ngôn ngữ, thì hiệu ứng cao nhất của những ngôn từ này chỉ là tạo nên những âm thanh rỗng tuếch, dù rằng nghe có vẻ êm tai, nhưng không giúp ích gì để mở mang trí tuệ. Sự giải thích này cũng vẫn chưa trả lời được câu hỏi đã nêu từ trước là Vì đâu mà nhà vua có được cái quyền mà người dân vẫn sợ không dám trao cho nhà vua, và lúc nào cũng sẵn sàng kiểm soát? Quyền lực đó không thể là món quà của những người dân khôn ngoan, cũng như bất cứ quyền lực nào cần phải có sự kiểm soát không thể là món quà của Thượng Đế. Thế mà hiến pháp Anh quốc lại có điều khoản cho rằng quyền lực này là có thật.

Nhưng điều khoản này không tương xứng với mục đích nó được tạo ra; cái phương thức được sử dụng hoặc là không thể, hoặc không đạt được cứu cánh và làm cho toàn bộ vấn đề bị hư hỏng; vì trong một guồng máy, vật gì nặng hơn sẽ có tác động lớn hơn trên những vật nhẹ, và khi guồng máy chuyển động bởi một bộ phận, thì ta cũng chỉ cần biết trong một hiến pháp phần nào là nặng ký nhất, vì đó chính là phần cai trị. Những phần còn lại, tuy có thể làm guồng máy chạy chậm lại, nhưng mà nếu vẫn không dừng được guồng máy, thì vẫn bị coi là không hữu hiệu. Nguồn lực tạo ra chuyển động đầu tiên rồi sẽ có trớn để đẩy guồng máy, và sự khiếm khuyết về tốc độ lúc ban đầu sẽ được bổ xung bởi thời gian.

Sự kiện triều đình giữ phần nặng trong hiến pháp Anh quốc, thiết nghĩ không cần phải bàn, vì đó là kết quả hiển nhiên của một nơi mà bổng lộc và địa vị được ban tặng, cho nên, mặc dù người dân đã đủ khôn ngoan để đóng và khóa lại cánh cửa quân chủ chuyên chế, nhưng vẫn còn khờ khạo để cho nhà vua nắm giữ chiếc chìa khóa.

Cái thiên kiến của người Anh cho rằng mô hình chính trị của họ gồm có vua, quý tộc và bình dân là hay hơn những mô hình khác phát xuất từ lòng tự hào dân tộc hơn là từ luận lý. Dĩ nhiên nếp sống của người dân Anh có an toàn hơn dân ở một số nước khác, nhưng ý muốn của nhà vua Anh cũng có hiệu lực như luật pháp của quốc gia của nhà vua tại Pháp, chỉ có một điểm khác là thay vì truyền lệnh qua miệng, ý muốn của nhà vua được truyền cho người dân qua một hình thái đáng sợ hơn gọi là đạo luật của quốc hội. Định mệnh của Vua Charles Đệ nhất chỉ khiến cho những nhà vua sau này cai trị tinh vi và khôn khéo hơn, chứ không công chính hơn.

Vì thế, nếu ta bỏ qua lòng tự hào dân tộc và định kiến ưa chuộng mô hình chế độ này hơn chế độ kia, thì sự thật rõ ràng là chính là nhờ ở hiến pháp của nhân dân, chứ không phải hiến pháp của chính quyền, mà nhà vua ở Anh không áp bức dân chúng như nhà vua của Thổ-nhĩ-kỳ.

Việc tìm hiểu những sai lầm trong hiến pháp theo mô hình Anh quốc vào thời điểm này là điều rất cần thiết; vì ta không thể nào bảo là mình công chính khi phán đoán những mô hình khác nếu chính ta còn đang bị thiên vị về một mô hình nào đó; cũng thế, ta không thể nào tự nhận xét về mình một cách đúng đắn nếu tâm trí ta vẫn còn bị những định kiến bướng bỉnh đóng cứng. Cũng như một người khi đã mê say một ả giang hồ, thì người đó không còn đủ tư cách để chọn lựa hay phán xét một người vợ; vì thế bất cứ một thiên kiến nào nghiêng về một cơ chế chính trị hủ bại cũng sẽ ngăn cản khiến ta không phân biệt được đâu là mô hình tốt đẹp.

(Còn nữa)

Nguồn: Học viện Công dân: Lẽ Thường (Common Sense) – Thomas Paine.

 

Dịch giả:
Nông Duy Trường