Tại sao Milton Friedman xem quyền lựa chọn trường học chỉ là bước đi đầu tiên chứ không phải cuối cùng
Hôm nay, chúng ta hãy cùng suy ngẫm về tầm nhìn của Milton Friedman trong việc tạo điều kiện cho các bậc phụ huynh, chứ không phải chính phủ, có quyền kiểm soát giáo dục của con cái họ.
Những người theo chủ nghĩa tự do và những người khác thường lưỡng lự về các lựa chọn trường học. Một mặt, họ có thể mong rằng độc quyền nhà nước trong giáo dục bị yếu đi, nhưng mặt khác họ cũng có thể từ chối ủng hộ các các cơ chế lựa chọn, ví dụ như voucher chọn trường và tài khoản tiết kiệm giáo dục, vì chúng vẫn chưa được triệt để. Thực vậy, hầu hết các chương trình lựa chọn hiện nay vẫn tiếp tục dựa vào ngân sách tài trợ cho giáo dục của người đóng thuế và không giải quyết được tận gốc bản chất bắt buộc của giáo dục tiểu học và trung học.
Những người hoài nghi cũng có thể có những lo ngại chính đáng rằng các chương trình lựa chọn giáo dục dựa vào tiền thuế sẽ dẫn đến tình trạng quy định quá mức đối với các trường độc lập và các trường tôn giáo trước đây, khiến cho tất cả các trường học sao chép y hệt như các trường học đại trà, mà không có một sự đa dạng thực chất nào.
Friedman đã phê phán các luật giáo dục bắt buộc
Milton Friedman cũng có những mối quan ngại giống vậy. Kinh tế gia được giải Nobel này, được biết đến rộng rãi như là một trong những người truyền bá ý tưởng về voucher và lựa chọn giáo dục kể từ nghiên cứu năm 1955 của ông: “Vai trò của Chính phủ trong Giáo dục.” Tầm nhìn của ông tiếp tục hiện thực hóa thông qua dự án quan trọng là EdChoice, trước đó còn gọi là Quỹ Friedman về Lựa chọn giáo dục mà ông cùng với người vợ Rose, cũng là một kinh tế gia, thành lập vào năm 1996.
Ngày 31 tháng 7 là sinh nhật của Milton Friedman. Ông đã mất vào năm 2006 khi ông 94 tuổi, nhưng những ý tưởng của ông vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng, đặc biệt là trong chính sách giáo dục.
Friedman nhìn nhận voucher giáo dục và các chương trình lựa chọn khác chỉ các biện pháp nửa vời. Ông cho rằng việc dựa vào tiền thuế và sự bắt buộc là những vấn đề lớn hơn, nhưng cũng công nhận rằng voucher là một điểm khởi đầu quan trọng cho phép phụ huynh giành lại quyền kiểm soát sự giáo dục con cái họ. Trong quyển sách nổi tiếng của họ, Free To Choose, được xuất bản lần đầu vào năm 1980, các tác giả nhà Friedman đã viết:
Chúng tôi coi kế hoạch voucher chọn trường như một giải pháp thành phần vì nó không ảnh hưởng gì tới việc cấp kinh phí cho trường học hay các luật bắt buộc tới trường. Chúng tôi muốn thúc đẩy cải cách xa hơn nhiều. (tr.161) |
Họ viết tiếp:
Các luật bắt buộc tới trường biện minh cho việc chính phủ kiểm soát các tiêu chuẩn của các trường tư. Nhưng bản thân các luật bắt buộc tới trường thì lại chưa có cơ sở biện minh gì rõ ràng. (tr.162) |
Các tác giả nhà Friedman đã thừa nhận rằng “quan điểm của họ về vấn đề này đã thay đổi theo thời gian,” khi họ nhận ra rằng “bắt buộc tới trường là không cần thiết để giúp trẻ đạt được trình độ biết chữ và kiến thức cơ bản,” và rằng “việc đến trường vốn đã gần như phổ cập ở Mỹ trước khi có các điều luật bắt buộc tới trường và chính phủ tài trợ cho việc đi học. Giống như hầu hết các luật, luật bắt buộc tới trường có cả chi phí và lợi ích. Chúng tôi không còn tin rằng các lợi ích thu được tương xứng với các chi phí nữa” (tr. 162-3).
Mặc dù vậy, họ thấy rằng voucher sẽ là một xuất phát điểm quan trọng để tước bỏ sự độc quyền trong giáo dục đại trà bằng cách trao lại quyền quyết định cho các phụ huynh. Nói một cách khác, lựa chọn trường học là một cách tiếp cận chính sách cần thiết nhưng chưa hoàn toàn đầy đủ để có thể giải quyết vấn đề căn bản là chính phủ kiểm soát nền giáo dục.
Voucher chọn trường chỉ là bước khởi đầu
Trong cuốn sách của họ, các tác giả nhà Friedman đã trình bày những kết quả tiềm năng của kế hoạch voucher chọn trường, trong đó phụ huynh có quyền sử dụng một phần hoặc tất cả chi phí giáo dục bình quân trên đầu một học sinh tại các trường công lập. Họ tin rằng voucher sẽ giúp tạo ra một thị trường giáo dục cạnh tranh hơn, khuyến khích khởi nghiệp trong giáo dục. Họ cảm thấy rằng các bậc phụ huynh sẽ được trao quyền nhiều hơn với quyền kiểm soát lớn hơn đối với giáo dục của con cái họ và do đó mong muốn hơn để cùng đóng góp thêm tiền cho giáo dục.
Họ đã khẳng định rằng ở nhiều nơi “trường công lập còn làm gia tăng sự phân tầng xã hội, bằng cách gán mác các loại hình trường học và chi phí học với đặc điểm của khu vực dân cư”, và họ cũng đề xuất rằng các chương trình voucher chọn trường sẽ mang lại sự hòa hợp và đa dạng hơn. (tr. 166-7)
Những người chỉ trích đã từng nói, và vẫn nói, các chương trình lựa chọn trường học sẽ phá hủy các trường công. Nhà Friedman đã phản hồi những chỉ trích đó, bằng một câu hỏi thích đáng: Nếu hệ thống trường công đang hoạt động rất hiệu quả, tại sao lại phải sợ cạnh tranh sòng phẳng với các trường ngoài công lập? Và nếu các trường công không hiệu quả thì tại sao mọi người lại phản đối việc loại bỏ các trường đó đi?
Điều mà tôi đánh giá cao nhất về quan điểm của nhà Friedman về voucher chọn trường và những triển vọng hứa hẹn của chính sách lựa chọn trường học là sự ủng hộ không ngừng nghỉ của họ dành cho các bậc phụ huynh. Họ tin rằng các bậc phụ huynh, chứ không phải các nhà trí thức hay các quan chức chính phủ, biết điều gì là tốt nhất cho học tập và phúc lợi của con cái họ và hoàn toàn đủ khả năng chọn lựa một cách sáng suốt cho con cái - nếu họ có cơ hội làm điều đó.
Họ đã viết:
Các bậc phụ huynh nhìn chung hứng thú lớn hơn với việc học hành của con họ và hiểu biết sâu sắc hơn những khả năng và nhu cầu của chúng hơn bất kỳ ai khác. Các nhà cải cách xã hội, và cụ thể là cải cách giáo dục, thường tự cho rằng các cha mẹ, đặc biệt là những người nghèo và có ít học vấn, có rất ít sự quan tâm tới giáo dục của con mình và không có năng lực để lựa chọn cho chúng. Đó là một sự phỉ bám vô cớ. Những bậc phụ huynh đó thường có rất ít có cơ hội để chọn. Tuy nhiên, lịch sử nước Mỹ đã minh chứng rằng, nếu có cơ hội thì họ thường sẵn sàng hy sinh rất lớn, và thực hiện một cách sáng suốt, vì phúc lợi của con cái họ. (tr. 160). |
Các chương trình Voucher chọn trường hiện nay
Ngày nay, các chương trình voucher trường học có ở 15 bang và Quận Columbia. Các chương trình này liên tục cho thấy rằng khi các bậc phụ huynh được phép từ chối chọn một trường công cấp quận được chỉ định, nhiều người đã tận dụng cơ hội đó. Ở Washington, D.C., các phụ huynh thu nhập thấp trúng voucher chọn trường thường gửi con của họ đến các trường tư.
Các khảo sát, đánh giá cấp độ liên bang trong ba năm gần nhất về những người tham gia chương trình voucher phát hiện rằng học sinh có voucher có thành tích học tập tương đương so với học sinh không có voucher ở các trường công, nhưng học sinh có voucher lại có nhiều tiến bộ có ý nghĩa thống kê ở những lĩnh vực quan trọng khác. Ví dụ, học sinh tham gia chương trình voucher có tỷ lệ nghỉ học thường xuyên thấp hơn so với các nhóm đối chứng, cũng như điểm hài lòng của học sinh cao hơn. Ngoài ra, chương trình cũng cắt giảm được chi phí đáng kể.
Theo Corey DeAngelis, Giám đốc của chương trình Lựa chọn Trường học (School Choice) tại Quỹ Reason và là một chuyên gia lão luyện về chủ đề này, các phân tích gần đây về chương trình voucher tại D.C “phát hiện các trường tư thục tạo ra kết quả học tập giống với các trường công nhưng với chỉ một phần ba chi phí. Nói một cách khác, chương trình Lựa chọn Trường học là một khoản đầu tư tuyệt vời.” Ở Winconsin, Milwaukee Các chương trình Lựa chọn của Phụ Huynh (Parental Choice Program) được thành lập vào năm 1990 và là một trong những chương trình voucher chọn trường lâu đời nhất ở Mỹ. Chương trình này hiện tại phục vụ hơn 28,000 học sinh đến từ các gia đình thu nhập thấp học tập tại 129 trường tư thục thành viên. Cũng giống như chương trình voucher tại Washington D.C., thống kê điểm kiểm tra của các học sinh sử dụng voucher ở Milwaukee cho thấy kết quả giống với học sinh của các trường công, nhưng các kết quả phi học thuật thì rất hứa hẹn.
Tăng cơ hội và giảm tội phạm
Nghiên cứu gần đây đã phát hiện những người nhận voucher chọn trường có tỷ lệ phạm tội và mang thai ngoài ý muốn thấp hơn trong giai đoạn thanh niên. Theo Howard Fuller, giáo sư giáo dục trường Đại học Marquette, người sáng lập của Liên minh Da màu về Lựa chọn giáo dục (Black Alliance for Educational Options), và một trong những người phát triển chương trình voucher Milwaukee, yếu tố quyết định chính là việc trao quyền cho phụ huynh – đặc biệt là đối với các gia đình thiểu số thu nhập thấp.
Trong một cuộc phỏng vấn với NPR, Fuller đã nói: “Những gì mà tôi muốn nói với bạn đó là có hàng ngàn trẻ em da màu ngày nay có cuộc sống tốt hơn nhờ có chương trình Lựa chọn của Phụ huynh Milwaukee,”. Ông nói tiếp: “Họ đúng ra đã không thể tiếp cận các trường học tốt hơn nếu như không có voucher.”
Trao lại quyền quyết định giáo dục con cái cho cha mẹ thông qua các biện pháp lựa chọn trường học là mục tiêu của Milton Friedman. Nó không phải là mục đích cuối cùng, vì nó không thể giải quyết triệt để yếu tố tài trợ và ép buộc của giáo dục công; nhưng nó vẫn là một bước khởi đầu quan trọng như nhà Friedman đã viết trong cuốn Free To Choose:
Truyền thống tự thân vận động quý báu và mãnh liệt của người Mỹ đã sản sinh ra nhiều tấm gương xuất sắc cho thấy lợi ích khi mà các bậc phụ huynh có thêm nhiều lựa chọn. (tr. 159)
Chúng ta hãy cùng tôn vinh tầm nhìn của ông trong việc trao quyền cho các bậc phụ huynh, chứ không phải chính phủ, để quyết định giáo dục thế hệ trẻ.
Nguồn: Kerry McDonald, Why Milton Friedman Saw School Choice as a First Step, Not a Final One, Foundation for Economic Foundation, 31/7/2019