Lẽ Thường (Common Sense) - Chương IV (Phần 2)

Lẽ Thường (Common Sense) - Chương IV (Phần 2)

Có một số người sẽ nói rằng sau khi ta làm huề với Anh quốc, thì nước Anh sẽ bảo vệ chúng ta. Nói như thế chẳng phải là dại dột lắm ư, nếu ta nghĩ là Anh quốc sẽ giữ hải quân đóng trong những hải cảng của ta? Lý lẽ thông thường cho ta thấy rằng cái sức mạnh mà đã từng muốn đè nén chúng ta, so với những sức mạnh khác, thì khó lòng và bất xứng để trở thành một sức mạnh bảo vệ chúng ta. Sự xâm chiếm có thể được tiến hành dưới tình hữu nghị giả dối; và chính chúng ta, sau cuộc kháng chiến lâu dài và can đảm, cuối cùng lại bị lừa trở thành nô lệ. Còn nếu tàu chiến của nước Anh không được phép đậu trong hải cảng của ta, tôi xin hỏi làm thế nào mà nước Anh bảo vệ chúng ta được? Một lực lượng hải quân ở cách ba bốn ngàn dặm chẳng giúp được gì nhiều, và trong trường hợp khẩn cấp lại càng vô dụng. Vì thế, nếu từ nay về sau ta phải tự bảo vệ, thì tại sao ta lại không tự đảm nhiệm việc này?

Cái danh sách những chiến hạm của Anh quốc vừa dài, vừa kinh khủng, nhưng chưa tới một phần mười của những chiến hạm này có thể tham chiến được cùng một lúc, con số thì có đó nhưng chỉ để đếm và tên của tàu vẫn được giữ trong danh mục một cách trang trọng, dù cái tàu đó chỉ còn lại một miếng ván tàu: và chưa đến một phần năm những dụng cụ trên chiếc tàu đó có thể sử dụng được và chỉ để làm đồ phụ tùng. Vùng biển Đông và Tây Indies, Địa-trung-hải, Phi châu, và những vùng khác mà nằm dưới quyền kiểm soát của Anh khiến cho hải quân Anh phải đáp ứng nhu cầu [bảo vệ] cho những vùng này. Phần vì có thành kiến, phần vì không quan tâm, ta đã có một quan niệm sai lầm về hải quân Anh quốc, và cho rằng ta cũng cần có một lực lượng tương ứng để đối phó với hải quân Anh, và vì lý do đó đã giả thiết rằng ta cũng cần có một lực lượng hải quân to lớn như vậy, một điều mà hiện nay không thực tế, nhưng lập luận này đã được những kẻ Tory “nằm vùng,” theo phái bảo hoàng, cổ xúy để làm nản chí công cuộc của ta từ lúc khởi đầu. Lập luận này thật quá sai với sự thực; vì nếu Mỹ chỉ cần có một phần hai mươi lực lượng hải quân của Anh, thì Mỹ đã quá mạnh so với hải quân Anh rồi; bởi vì ta không có và cũng không tuyên bố là phần đất ngoại quốc nào thuộc thẩm quyền của ta, nên toàn bộ lực lượng sẽ được sử dụng để bảo vệ vùng duyên hải của ta, vùng biển mà trên đường dài có lợi điểm gấp hai lần hơn lực lượng mà phải đi ba hay bốn ngàn dặm mới có thể tấn công chúng ta, cùng với khoảng đường dài khi trở về để tu sửa và tăng cường lực lượng. Và mặc dù Anh quốc, với hạm đội sẵn có, có thể kiểm soát sự giao thương của ta với Âu châu, ta lại có một lợi thế hơn để kiểm soát giao thương giữa Anh đối với vùng biển Tây Indies,4 vì vùng biển này nằm ngay trong vùng lục địa Mỹ châu nên số phận vùng này hoàn toàn nằm trong tay ta.

Nếu ta không nghĩ là phải giữ một lực lượng hải quân trong thời bình, thì cũng có vài phương thức có thể áp dụng được. Nếu ta trả một số lệ phí cho những nhà buôn để đóng tàu và mướn họ phục vụ trên những chiếc tàu có hai mươi, ba mươi, bốn mươi hay năm mươi súng (tiền lệ phí này tỷ lệ với sự thiệt hại và mất mát gây ra cho nhà buôn), thì chỉ cần năm mươi hay sáu mươi tàu chiến như vậy, trên mỗi tàu chỉ cần vài vệ binh thường trực, cũng đủ cung cấp cho ta một lực lượng hải quân đủ mạnh mà không bị mang cái gánh nặng ác hại mà Anh quốc vẫn lớn tiếng than phiền; đồng thời cũng không bị những thiệt hại như hạm đội của Anh, trong thời bình thì chỉ nằm chờ mục nát ở trên ụ. Kết hợp sức mạnh của thương mại và quốc phòng là một chính sách khôn ngoan; vì khi sức mạnh và sự giàu có nằm trong tay ta, ta không cần phải sợ bất kỳ kẻ thù nào ở bên ngoài.

Ta có rất nhiều những vật liệu cần cho quốc phòng. Những cây gai dầu mọc rất xum xuê nên ta không cần phải mua thừng chão. Mỏ sắt của ta có chất lượng cao hơn sắt của các nước khác. Vũ khí cá nhân của ta tương đương với bất kỳ nước nào trên thế giới. Ta có thể chế đại bác một cách dễ dàng. Chất hỏa tiêu và thuốc súng ta đang sản xuất hàng ngày. Kiến thức của ta đang được cải tiến từng giờ. Sự quyết tâm là một đặc tính nội tại của người Mỹ và ta đã chứng tỏ được lòng can đảm từ trước đến giờ. Vì vậy, chúng ta muốn cái gì? Tại sao ta lại lưỡng lự? ta không thể mong đợi điều gì từ nước Anh ngoại trừ sự hủy hoại. Nếu nước Anh lại được đưa vào trong chính quyền của Mỹ thêm một lần nữa, thì lục địa này sẽ không đáng cho ta sinh sống. Sự ganh ghét sẽ luôn luôn xảy ra, sự nổi loạn sẽ xảy ra liên miên; và ai sẽ là người đứng ra dẹp loạn? Ai sẽ liều mạng mình để buộc đồng bào của mình phải vâng phục ngoại bang? Sự khác biệt giữa Pennsylvania và Connecticut, liên quan đến vài vùng đất chưa được xác định rõ ràng, cho thấy vai trò tầm thường của chính quyền Anh quốc, và chứng minh một cách đầy đủ là không có một quyền lực nào có thể điều hòa những vấn đề của Lục địa [một cách hữu hiệu] bằng chính cái chính quyền của Lục địa.

Một lý do nữa tại sao bây giờ là thời điểm thích hợp hơn so với những lúc khác, là, khi ta càng có ít người, thì càng còn nhiều đất chưa có người ở. Những vùng đất này thay vì bị nhà vua xài phí phạm cho những kẻ tùy tùng, có thể được ta dùng để trả không những những món nợ hiện tại của ta, mà còn nguồn yểm trợ liên tục cho chính quyền. Không có nước nào dưới bầu trời này có được sự thuận lợi như thế.

Tình trạng non trẻ của những thuộc địa, như người ta vẫn thường gọi, không phải là một tình trạng đối nghịch mà là ủng hộ cho sự độc lập. Chúng ta có một số dân vừa đủ, chứ nếu mà đông hơn, thì ta lại có thể kém đoàn kết hơn. Điều này đáng để cho ta ghi nhận rằng khi một nước càng có đông dân hơn, thì quân đội của nước đó càng ít và nhỏ hơn. Về phương diện quân sự, quân số thời xưa đông hơn quân số thời hiện đại: và lý do thì cũng rất hiển nhiên. Vì giao thương là hệ quả của sự gia tăng dân số, người ta do đó, bị thu hút vào những dịch vụ thương mại mà không còn để ý đến điều gì khác. Giao thương làm giảm đi tinh thần ái quốc cũng như quốc phòng. Lịch sử có đủ bài học để dạy cho ta rằng những thành tích can đảm nhất vẫn luôn luôn được thực hiện trong những nước còn non trẻ. Nước Anh vì sự gia tăng thương mại đã bị mất tinh thần chiến đấu. Thành phố Luân-đôn, không kể đến dân số, cứ cam chịu sự sỉ nhục với sự kiên nhẫn của một tên hèn. Người ta khi càng có nhiều điều để mất, thì họ lại càng ít muốn mạo hiểm. Những người giàu có, coi vậy cũng chỉ là nô lệ cho sự sợ hãi và chịu khúm núm vâng phục quyền lực nhưng vẫn ăn ở hai lòng khi cần thiết để bảo vệ quyền lợi của họ.

Tuổi trẻ là thời điểm thuận tiện nhất để gieo trồng những tập quán tốt, điều này đúng với cá nhân cũng như với quốc gia. Ta có thể nói là rất khó khăn, hay bất khả, để tạo ra một chính quyền trên Lục địa này chỉ trong nửa thế kỷ. Những sự khác biệt về quyền lợi được tạo ra bởi sự gia tăng thương mại và dân số sẽ tạo ra sự hiểu lầm và hỗn loạn. Thuộc địa này sẽ chống thuộc địa kia. Những thuộc địa nào có khả năng có thể coi thường sự trợ giúp của thuộc địa khác, và khi mà những kẻ vừa tự hào vừa dại dột kiêu hãnh về những sự khác biệt cỏn con đó, thì bậc thức giả phải than lên rằng sự liên hiệp các thuộc địa chưa từng được hình thành. Vì thế thởi điểm hiện tạithời điểm đúng đắn nhất để thành lập liên hiệp các thuộc địa. Mối dây thân thuộc giữa các thuộc địa khi còn non trẻ và tình hữu nghị giữa các thuộc địa khi cùng chịu hoạn nạn, là hai trong những yếu tố có tính chất lâu dài và không thể thay đổi được. Sự liên hiệp hiện nay của chúng ta được đánh dấu bởi hai đặc tính này: chúng ta còn trẻ và chúng ta cùng chịu gian nan; nhưng sự hòa hợp của chúng ta đã chống lại được những khó khăn đó, và tạo nên một vùng đất đáng ghi nhớ cho hậu duệ của ta được sống trong vinh quang.

Thời điểm hiện nay, tương tự như vậy, là một thời điểm đặc biệt, mà mỗi nước chỉ có được một lần, tức là thời điểm mà nước đó tự thành lập cho mình một chính quyền. Phần lớn các quốc gia đã bỏ lỡ cơ hội này, và vì thế mà phải chịu nhận luật pháp do những kẻ chinh phục áp đặt, thay vì tự mình làm luật cho chính mình. Đầu tiên, họ có một ông vua, rồi mới xây dựng một mô hình chính quyền; trong khi đó, những điều khoản hình thành chính quyền phải được quyết định trước, rồi mới cử người ra để thi hành. Nhưng hãy học lấy sự khôn ngoan từ sự sai lầm của những nước khác, để mà nắm lấy thời cơ hiện tại—XÂY DỰNG MỘT CHÍNH QUYỀN ĐÚNG ĐẮN NGAY TỪ ĐẦU.

Khi Chinh phục Vương William thống trị được Anh quốc, nhà vua đã dùng lưỡi kiếm ban hành luật bắt dân Anh phải tuân theo; và chỉ đến khi chúng ta cùng đồng ý với nhau rằng nếu cái trung tâm chính quyền của Mỹ không được tạo ra một cách hợp pháp và có thẩm quyền, thì ta vẫn sẽ phải đối đầu với mối nguy là cái chính quyền đó sẽ bị những kẻ vô lại may mắn chiếm cứ và đối xử với ta như dân Anh bị William đối xử. Thế thì, còn đâu là tự do của ta? Còn đâu là tài sản của ta? Về phương diện tôn giáo, tôi cho rằng đó là một bổn phận không thể thiếu được của mọi chính quyền để bảo vệ những tín đồ tuyên xưng đức tin của họ, và tôi thấy rằng, về phương diện tôn giáo, đó là bổn phận chính mà chính quyền phải thi hành. Ta hãy ném tung sang một bên sự nhỏ mọn của tâm hồn, sự ích kỷ của nguyên tắc, mà những kẻ tuyên xưng đức tin một cách chật hẹp cứ muốn giữ rịt lấy, thì khi đó ta sẽ được giải phóng khỏi sự sợ hãi. Sự ngờ vực là bạn đồng hành của những tâm hồn nhỏ nhen và là sự suy sụp của mọi xã hội tốt lành. Riêng về phần tôi, tôi hoàn toàn tin tưởng và ý thức rằng đó là ý chỉ của Đấng Toàn Năng khi để cho con người có nhiều ý kiến và sự đa dạng khác nhau về tôn giáo: Điều này tạo nên một lãnh vực rộng lớn hơn cho lòng tốt của Cơ đốc nhân. Nếu chúng ta cùng suy nghĩ theo một hướng, thì khuynh hướng tôn giáo của ta sẽ thiếu đi sự thử thách cần thiết. Và trên nguyên tắc phóng khoáng này, tôi xem những người theo hệ phái tôn giáo khác nhau trong vòng chúng ta như những đứa con cùng chung một gia đình, chỉ khác nhau bởi cái tên gọi trong danh xưng Cơ đốc.

Ở trang 40,2 tôi đã đưa ra vài ý nghĩ về đặc tính của hiến chương Lục địa, (vì tôi chỉ định đưa ra những gợi ý, chứ không phải kế hoạch chi tiết) và bây giờ, tôi xin được nhắc lại chủ đề này, qua nhận định rằng, cái hiến chương này phải được hiểu là một giao ước nghiêm chỉnh gồm những bổn phận mà toàn thể chúng ta cùng ký kết để yểm trợ quyền của những phần riêng biệt, dù đó là tôn giáo, tự do cá nhân, hay tài sản. Một sự thỏa thuận qua thương thảo rốt ráo về quyền lợi của mọi phía được tôn trọng sẽ tạo nên những người bạn về lâu về dài.

Tương tự như vậy trong một phần đã bàn ở trên, tôi đã nhắc tới sự cần thiết phải có một sự đại diện rộng rãi và bằng nhau, và không có vấn đề chính trị nào đáng để cho ta quan tâm hơn là vấn đề này. Một con số nhỏ những cử tri, hay con số nhỏ những đại biểu đều gây ra nguy hiểm như nhau. Nhưng nếu con số đại biểu không những vừa nhỏ vừa không bằng nhau, thì sự nguy hiểm càng gia tăng. Thí dụ khi những “Quân Tình nguyện”3 đệ trình kiến nghị đến Hạ viện Pennsylvania; chỉ có 28 đại biểu có mặt, trong số đó có tám đại biểu thuộc quận Buck bỏ phiếu chống và có bảy đại biểu thuộc quận Chester cũng bỏ phiếu chống. Thành thử cả tỉnh này coi như được cai trị bởi hai quận mà thôi, và sự nguy hiểm này vẫn thường được nhắc tới. Một hành động khác tương tự đã xảy ra trong nhiệm kỳ vừa qua mà ta cũng khó lòng bào chữa cho hành vi này, là Hạ viện đã tự tiện cho mình quyền lực trên cả những đại biểu của tỉnh. Điều này phải là một điều cảnh báo cho người dân, khi trao quyền lực của mình cho người khác. Khi các đại biểu tới họp thì được trao cho một bản hướng dẫn đã được soạn sẵn, một hành vi mà ngay cả một học sinh cũng thấy là không hợp lý và đúng nguyên tắc, nhưng đã được một vài người, [thực ra là] một số rất ít người bàn soạn với nhau ngoài phiên họp, chấp thuận và đưa vào trong phòng họp, rồi thì được biểu quyết thông qua và áp dụng cho toàn bộ thuộc địa. Như thế, giả sử rằng toàn thể thuộc địa biết được là Hạ viện đã có ý đồ riêng về một số những chương trình công cộng cần thiết, thì người dân sẽ chẳng ngần ngại gì mà cho rằng những đại biểu đó không xứng đáng nhận được lòng tin của quần chúng.

Những điều cấp thiết khiến cho ta dễ chấp nhận nhiều thứ miễn sao thuận tiện thì thôi, sự kiện này nếu cứ để tiếp tục thì sẽ khiến cho ta bị thoái chí. Lợi và quyền là hai điều khác nhau. Khi những tai ương xảy ra cho Mỹ khiến ta cần phải bàn thảo với nhau, thì ta chưa có sẵn một phương pháp nào hết, hay là có được một phương pháp thích hợp cho thời điểm đó, để mà chỉ định những thành viên từ quốc hội của những thuộc địa lại [thành một ủy ban]—những người mà sự khôn ngoan của họ đã bào tồn được lục địa này không bị suy tàn— để bàn thảo biện pháp ứng phó.  Nhưng với một khả năng gần như chắc chắn là chúng ta không thể KHÔNG có một Quốc Hội, những người ủng hộ cho sự thiết lập một trật tự tốt đẹp [cho quốc gia], phải thừa nhận rằng cái phương thức chọn lựa đại biểu cho cơ quan đó, đáng cho ta phải dành thì giờ cân nhắc. Và tôi xin đặt câu hỏi này cho những học giả nghiên cứu về con người, là chẳng phải sự đại diện và bầu cử là một quyền lực quá lớn để trao cho chỉ một cơ quan nắm giữ? Khi ta hoạch định [mô thức của chính quyền] cho hậu thế, ta cần phải nhớ rằng đức hạnh không có tính di truyền.

Đôi khi ta học được những nguyên lý tuyệt hảo từ kẻ thù của mình, và vẫn thường bị sửng sốt vì những sai lầm họ phạm phải; Ngài Cornwall (một trong những đại thần của Bộ Ngân khố) đã coi bản kiến nghị của Quốc hội New York với sự miệt thị, bởi vì ông ta nói, cái cơ quan đó chỉ có 26 đại biểu, một con số cỏn con như vậy thì chẳng thể nào đại diện hợp cách cho toàn thể được. Chúng ta phải cám ơn ông ta về nhận xét thực thà này.4

ĐỂ KẾT LUẬN, một số người có thể xem những điều kết luận sau đây là lạ lùng, hoặc là họ vẫn cứ không chịu suy nghĩ như vậy, điều đó không quan trọng. Nhưng đã có những lý do mạnh mẽ và nổi bật để chứng minh rằng không có điều gì có thể giải quyết sự vụ giữa ta và Anh quốc một cách mau chóng cho bằng một sự tuyên bố xác định và công khai về sự độc lập của Mỹ. Một số những lý do này gồm có:

THỨ NHẤT. Theo một tập quán giữa các nước, khi có hai nước đang đánh nhau, thì một số những nước khác không dính dáng gì đến sự tranh chấp giữa hai nước, có thể đứng ra làm trung gian và đưa ra những điều kiện sơ bộ cho hòa bình: nhưng nếu Mỹ tự xem mình là thần dân của Anh quốc, thì không có nước nào dù có ý tốt đến đâu có thể điều giải được. Vì thế, trong tình trạng hiện tại của ta, ta và Anh quốc cứ tiếp tục tranh chấp với nhau mãi mãi.

THỨ HAI. Thật là phi lý nếu ta giả thiết rằng Pháp và Tây-ban-nha sẽ giúp cho ta phương tiện, nếu ta chỉ nghĩ là dùng sự trợ giúp đó nhằm tu sửa mối bất hòa và củng cố lại quan hệ giữa Anh và Mỹ; bởi vì những nước đó sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng.

THỨ BA. Nếu ta vẫn tuyên xưng là thần dân của Anh quốc, thì dưới mắt các nước khác, chúng ta trở thành những kẻ phiến loạn. Điều này sẽ trở thành tiền lệ và có thể tạo nên mối nguy hiểm cho nền hòa bình tại ngay nước của họ, vì người dân vừa là thần dân vừa là phiến loạn có vũ trang. Chúng ta, trong tình trạng hiện tại, có thể giải quyết được sự nghịch lý này. Nhưng để kết hợp được hai ý tưởng thần phục và chống đối, cần phải có một tư tưởng tinh tế hơn và quá cao siêu khiến cho giới bình dân không hiểu nổi.

THỨ TƯ. Giả như ta có một bản tuyên cáo và gửi bản tuyên cáo này đến những nước khác; trong bản tuyên cáo này ta nêu lên những nỗi khổ sở mà ta đã gánh chịu và những phương thức hòa bình mà ta đã sử dụng để yêu cầu Anh quốc thay đổi nhưng không có kết quả gì hết; đồng thời tuyên bố rằng, vì không còn có thể sống hạnh phúc và an ninh dưới sự cai trị tàn bạo của triều đình Anh quốc, ta đã bị buộc phải cắt đứt mọi quan hệ với nước Anh; và cam đoan ý định hòa bình của ta cũng như ý muốn giao thương mậu dịch đối với họ. Văn bản này sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng tốt đối với Lục địa của ta hơn là đưa một chuyến tàu chỉ để chở những thỉnh nguyện thư sang Anh quốc.

Với tình trạng hiện tại là thần dân của Anh quốc, những nước khác sẽ không tiếp chúng ta và cũng không lắng nghe cảnh ngộ của chúng ta. Tập quán chung của mọi nước đều không cho phép việc này xảy ra, cho đến khi ta trở nên độc lập và trở thành một quốc gia ngang hàng với những nước khác.

Những điều này, đối với nhiều người có thể vừa lạ lùng, vừa khó khăn; nhưng cũng giống như những điều khác mà ta đã bỏ lỡ, sẽ dần dần trở nên quen thuộc và dễ chịu, và cho đến khi nền độc lập được tuyên bố, Lục địa này sẽ giống như một người cứ liên tục trì hoãn hết ngày này đến ngày khác và không chịu làm những điều mà dù họ biết đó là những việc phải làm, nhưng họ không cảm thấy hứng thú gì lắm, vừa không muốn làm, vừa ước ao rằng tự nó sẽ qua đi, và vì thế cứ bị sự cần thiết đó ám ảnh.

(Còn nữa)

Chú thích

(1) Tây Indies (West Indies) là vùng biển gồm những hòn đảo thuộc địa của Anh nằm trong vùng biển Caribbean bao gồm một phần Vịnh Mễ-tây-cơ, Bắc Mỹ, phía đông Trung Mỹ và phía bắc của Nam Mỹ.

(2) Trang 40 theo ấn bản năm 1776.

(3) Quân Tình nguyện (Associators): khi chiến tranh xảy ra giữa Anh và Mỹ, song song với việc trưng binh của chính quyền thuộc địa, người dân có thể tình nguyện lập những đoàn hương quân để chiến đấu cùng với quân chính phủ.

(4) Độc giả nào muốn hiểu rõ hơn về hệ quả của sự chọn lựa số lượng đại biểu vừa đông vừa bằng nhau, nên đọc những tài liệu nghiên cứu chính trị của Burgh – (ghi chú của Paine)

Nguồn: Học viện Công dân: Lẽ Thường (Common Sense) – Thomas Paine.

Dịch giả:
Nông Duy Trường