[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương XIV: Chủ nghĩa tự do

[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương XIV: Chủ nghĩa tự do

Sống ở châu Âu trong giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến, Mises đã từng chứng kiến những biểu hiện tồi tệ nhất của chủ nghĩa dân tộc và rất căm thù nó. Ông cho rằng một trong những nguồn gốc của nó là chủ nghĩa can thiệp, chính sách này chắc chắn đòi hỏi kiểm soát nhập khẩu và nhập cư nhằm bảo vệ chính nó. Đơn cử như những biện pháp nhằm giữ cho đồng lương cao và lợi nhuận cao sẽ không hiệu quả nếu lao động và hàng hóa ngoại quốc tràn ngập thị trường nội địa. Ông biện luận rằng những rào cản như thế sẽ càng thúc đẩy lòng hận thù của người ngoại quốc, căng thẳng gia tăng và thường dẫn tới xung đột.

Nhưng chủ nghĩa tư bản dành cho nhà nước vai trò hạn chế hơn rất nhiều và muốn hoạt động một cách hữu hiệu thì nó cần buôn bán chứ không phải là chủ nghĩa bảo hộ. Thực ra, Mises giải thích, (mặc dù ông không phải là người đầu tiên đưa ra ý kiến này) buôn bán càng tự do và càng cởi mở thì càng hiệu quả. Và khi các dân tộc đã lệ thuộc vào nhau trên thương trường thì chiến tranh là chuyện không thể tưởng tượng được. Chỉ có dưới chế độ tư bản tự do hoàn toàn thì nền hòa bình mới có thể trở nên lâu bền được, Mises kết luận.

Mises không hoàn toàn đúng khi nói rằng các đối tác thương mại không bao giờ gây chiến với nhau, chiến tranh giữa các đối tác còn hay xảy ra hơn là các cuộc xung đột khác. Nhưng chắc chắn là quyền lợi của các công dân của một nước sẽ được đáp ứng một cách tốt nhất nếu duy trì được quan hệ hòa bình giữa các đối tác thương mại của họ. Có thể mâu thuẫn hiển nhiên đó đơn giản là thể hiện rõ một điểm khác, thường được Mises đề cập tới - đấy là quyền lợi của các chính trị gia thường khác hẳn với quyền lợi của dân chúng.

Khuôn khổ của chủ nghĩa tự do

Tuy nhiên, lí do chính để ta chọn chủ nghĩa tự do là vì nó hữu hiệu, Mises nhận định. Nó ngăn chặn, không để các nhóm xã hội xung đột với nhau và khuyến khích sự hợp tác tự nguyện giữa các cá nhân. Ví dụ, giai đoạn thương mại tự do và phi điều tiết thế kỉ XIX đã tạo ra đột biến về năng suất lao động và nâng cao mức sống cho số dân ngày càng gia tăng. Nhưng rất khó kêu gọi người ta ủng hộ chủ nghĩa tự do. Lợi ích to lớn nhất của nó là trong dài hạn, toàn dân sẽ giàu lên nhờ thương mại tự do - lại không được người ta nhìn thấy một cách rõ ràng bằng những lợi ích trực tiếp mà họ nhận được nhờ chính sách bảo hộ. Chủ nghĩa tự do cũng không hứa hẹn đặc quyền đặc lợi cho những người ủng hộ nó: mục đích của nó là cải thiện điều kiện sống cho tất cả mọi người.

Chủ nghĩa tự do cũng không có mục đích tạo ra một cơ cấu xã hội đặc thù nào đó hoặc một cách phân phối thu nhập nào đó. Nó chỉ thiết lập một khuôn khổ cho hòa bình, ổn định và bình đẳng trước pháp luật và trong khuôn khổ như thế, người dân có thể tự do hợp tác với nhau theo cách mà họ cho là thích hợp. Chủ nghĩa tự do không nói phải sản xuất cái gì, bao nhiêu, ai sản xuất. Nó đơn giản là kết quả của những mối tương tác phức tạp và tự nguyện giữa những con người tự do.

Mises khẳng định rằng khuôn khổ của chủ nghĩa tự do sẽ tạo ra sự hợp tác hòa bình và hữu hiệu giữa các cá nhân và các nhóm người. Dưới chế độ tự do, những sự khác biệt của chúng ta không phải là nguồn gốc của xung đột mà là cơ hội giao thương. Người ta càng có cách đánh giá khác nhau về một món đồ nào đó thì, bằng cách trao đổi, họ càng thu được nhiều lợi nhuận hơn. Quá trình trao đổi sẽ tạo điều kiện để chúng ta chuyên môn hóa và sử dụng năng lực của mình nhằm cải thiện điều kiện sống của chính mình, và như vậy là góp phần làm ra những vật phẩm mà từng người không thể làm ra được.

Nền tảng của chế độ tự do

Theo Mises, vai trò của nhà nước tự do không phải là buộc các cá nhân phải hành động theo cách thức cụ thể nào đó mà là giữ gìn khuôn khổ, tạo điều kiện cho họ hợp tác, đồng thời tối đa hóa lĩnh vực hành động tự nguyện và hạn chế đến mức tối thiểu nhu cầu sử dụng bạo lực. Muốn giữ được khuôn khổ đó thì phải bảo vệ ba điều sống còn sau đây: hòa bình, tự do và tài sản.

Hòa bình là yếu tố thiết yếu cho hoạt động kinh tế, ví dụ như đầu tư vào quy trình công nghệ mới đòi hỏi chúng ta phải đưa ra quyết định trên cơ sở giả định về tương lai. Chiến tranh làm cho tương lai trở thành mờ mịt, không thể nào dự đoán được. Ví dụ như nông dân sẽ không thể tin tưởng mà trồng cấy nếu nguy cơ bị lực lượng thù địch tịch thu đất đai hoặc phá hủy mùa màng là cao.

Tự do là yếu tố thiết yếu vì người ta không thể lựa chọn một cách hữu lí về mặt kinh tế nếu người khác buộc họ phải hành động thế này hay thế khác. Trong bất cứ trường hợp nào thì những người lao động tự nguyện cũng có năng suất cao hơn gấp nhiều lần nô lệ, tức là cao hơn những người bị buộc phải làm việc cho người khác.

Tự do là yếu tố thiết yếu để cho hệ thống chuyên môn hóa và giao thương phát triển. Nếu muốn cho dân chúng tiết kiệm và đầu tư vào hàng hóa tư bản thì họ phải biết chắc rằng các khoản đầu tư của họ sẽ được an toàn và họ sẽ được hưởng thành quả lao động của mình.

Lợi ích của chủ nghĩa tự do

Việc chủ nghĩa tự do phụ thuộc rất nhiều vào thiết chế sở hữu tư nhân có thể làm cho người ta nghĩ rằng những người giàu có và những kẻ tham lam sẽ thu được nhiều lợi nhất. Mises dứt khoát bác bỏ quan điểm này. Theo ông, sở hữu tư nhân là điều kiện tối cần thiết, nó làm cho sản xuất có hiệu quả và nâng cao mức sống nhờ quá trình chuyên môn hóa. Nhưng trong chủ nghĩa tự do, người ta không bị bắt buộc phải theo đuổi sự giàu sang về mặt vật chất: họ có thể và thực ra đang theo đuổi nhiều mục tiêu khác nữa. Và ngay cả những người không sở hữu gì cũng sẽ được lợi nhờ mức sống mà chủ nghĩa tự do tạo ra sẽ ngày càng được nâng cao và có thêm nhiều cơ hội sau khi đặc quyền đặc lợi và kiểm soát bị bãi bỏ.

Trong chủ nghĩa tư bản, đám đông những người tiêu thụ chứ không phải những người giàu có là người có quyền lực tối thượng. Người sản xuất không thể bán ép sản phẩm của họ cho bất cứ ai: người tiêu thụ sẽ mua theo sự lựa chọn của họ. Không phải vô tình mà thời của chủ nghĩa tư bản cũng là thời của sản xuất hàng loạt. Nó làm cho không chỉ người giàu mà ai cũng có cơm ăn, áo mặc và nhà ở: bây giờ thì ngay cả những món hàng xa xỉ như ô tô và tivi cũng được coi là đồ dùng đương nhiên của mọi người. Hiện thực của chủ nghĩa tư bản đối nghịch hoàn toàn với tiên đoán của Marx rằng lương của công nhân sẽ giảm xuống đến mức chỉ vừa đủ sống mà thôi.

Chủ nghĩa tự do còn tạo cho quần chúng nhân dân sức mạnh bằng một biện pháp quan trọng khác. Nó tạo điều kiện cho người ta lập kế hoạch. Lập kế hoạch không phải là công việc riêng của các cơ quan trung ương: tất cả chúng ta đều lập kế hoạch, Mises khẳng định. Vấn đề không phải là lập hay không lập kế hoạch mà là kế hoạch của ai chiếm ưu thế. Và vì chỉ có cá nhân mới biết nhu cầu, mục tiêu và cách đánh giá của anh ta, đặc biệt là trong nền kinh tế phát triển nhanh như hiện nay, Mises tin rằng tốt hơn hết là để cho mỗi người tự lập kế hoạch cho chính mình.

Chủ nghĩa tự do và bình đẳng

Tuy nhiên, sự kiện là chủ nghĩa tự do không hứa hẹn bình đẳng về thu nhập làm cho những người phê bình lo lắng cho số phận của những người lâm vào tình cảnh nghèo khó. Mises cho rằng sợ như thế là vô lí. Theo Mises, những người lao động nghèo trong các nền kinh tế đã phát triển hiện nay sống sướng hơn hẳn những người lao động tự cấp tự túc trên mảnh ruộng của mình thời tiền tư bản - đấy là nói những người có ruộng đất.

Mặc dù vậy, trong chủ nghĩa tư bản hầu như ai cũng có thể tìm được một vị trí phù hợp trong quá trình sản xuất nhằm phục vụ người khác và bằng cách đó, ít nhất cũng kiếm được một số thu nhập nào đó. Nếu không thì gia đình hoặc các tổ chức từ thiện có thể cung cấp. Phe phê phán có thể biện luận rằng từ thiện không đáp ứng được nhiệm vụ này: nhưng Mises cho rằng sự bùng phát lòng bác ái diễn ra trong thời kì tư bản chủ nghĩa. Cùng với sự gia tăng mức sống mà chủ nghĩa tư bản mang lại, sẽ càng có nhiều của cải hơn được dành cho công việc từ thiện và ngay cả những người có thu nhập khiêm tốn nhất cũng có thể tự bảo vệ mình bằng cách tham gia bảo hiểm. Chính chủ nghĩa bảo hộ đã ăn mòn đồng vốn của người dân và làm cho các tổ chức từ thiện trở thành nghèo thêm - điều đó dĩ nhiên sẽ dẫn đến đòi hỏi phải can thiệp nhiều hơn dưới hình thức trợ giúp về vật chất.

Những người phê bình đã hiểu sai bản chất của bất bình đẳng trong chế độ tự do, nó khác hẳn với bất bình đẳng trong thế giới tiền tư bản. Trong xã hội thị trường, tài sản không phải là đặc quyền đặc lợi mà là kết quả của việc làm lợi cho khách hàng. Người sản xuất chỉ thu được lợi nhuận khi họ còn làm cho khách hàng hài lòng.

Hơn nữa, những món hàng xa xỉ mà người giàu được hưởng không phải là những thứ mà chúng ta vĩnh viễn không bao giờ với tới được. Kinh tế thị trường là nền kinh tế năng động. Tất cả những điều mới mẻ - xe hơi, hệ thống vệ sinh, điện - ban đầu là những hàng xa xỉ chỉ dành cho người giàu, nhưng chẳng bao lâu sau đã trở thành “cần thiết” cho tất cả mọi người.

Mục tiêu của chính sách kinh tế chắc chắn phải là làm cho nhân loại ngày càng hạnh phúc hơn, và đấy là lí do vì sao chúng ta phải hiểu bản chất thật sự và nền tảng căn bản của môn khoa học về kinh tế.

Nguồn: Eamonn Butler (2014). Lược khảo Ludwig von Mises. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: Ludwig Von Mises―A Primer (2014)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường