Chế độ nhân tài trị và Chủ nghĩa tinh hoa ở Singapore: Điều gì khiến cả hai bên đều sai khi tranh luận về chế độ nhân tài trị? (Phần 2/3)
Bất kỳ quốc gia nào tìm cách cai trị toàn xã hội dựa trên một nguyên lý triết học bao trùm sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn và khiếm khuyết. Mô thức quản trị đất nước dựa trên chế độ nhân tài trị của Đảng Hành động Nhân dân cũng không phải là ngoại lệ. Từ đầu thế kỷ 21, triết lý nhân tài trị của đất nước này, với tất cả những lợi ích của nó, đã ngày càng chịu nhiều soi xét và phê phán.
Có lẽ phân tích có giá trị nhất về triết lý nhân tài trị của Đảng Hành động Nhân dân là của Kenneth Paul Tan. Tan (2011b) khẳng định rằng theo kinh nghiệm của ông, chế độ nhân tài trị hướng đến bốn tiêu chí chính. Một là mang lại cơ hội bình đẳng cho tất cả người dân bằng cách đảm bảo mọi người đều tiếp cận được với giáo dục, nhà ở, và y tế. Hai, chế độ nhân tài trị là một công cụ chính sách công để phân bổ nguồn lực, hướng đến tìm ra những nhân tài sáng giá nhất cho đất nước. Những người lãnh đạo như vậy được hướng nghiệp ngay từ khi còn trẻ để trở thành công chức nhà nước hàng đầu, thông qua hệ thống giáo dục có tính cạnh tranh cao và các học bổng chính phủ có uy tín của Singapore. Khi gia nhập cơ quan chính phủ, các công chức phải liên tục tuân theo một hệ thống đánh giá nghiêm ngặt (Quah, 2010). Ba, lý tưởng của chế độ nhân tài trị là “bất cứ ai đều có thể thành công nếu làm việc chăm chỉ”; đây là động lực kinh tế giúp các cá nhân cạnh tranh với đồng nghiệp của mình và phấn đấu trở nên xuất sắc. Bốn, chế độ này hứa hẹn sẽ mang đến cho người chiến thắng những công việc với mức lương hấp dẫn, cuộc sống sung túc, và địa vị xã hội nói chung.
Đây là những khía cạnh mà Tan dựa vào để phê phán hệ thống nhân tài trị của Đảng Hành động Nhân dân mà theo ông là đầy rẫy những mâu thuẫn trong quá trình thi hành các chính sách trong thực tế. Theo Tan, việc áp dụng chế độ nhân tài trị của Đảng Hành động Nhân dân là phản bội lại nguyên tắc của Đảng này, tạo điều kiện cho một nhóm thiểu số những tinh anh trong giới chính trị cấp cao sinh sôi nảy nở.
Những gì mà lời chỉ trích này đặt ra đó là ngay từ đầu, hệ thống của Singapore đã lảng tránh và xem nhẹ các vấn đề bất bình đẳng kinh tế cơ bản.
Mặc dù các quy tắc của cuộc chơi giúp chọn ra người có thành tích tốt nhất, thế nhưng những người chơi (người Singapore) lại không có xuất phát điểm kinh tế - xã hội như nhau. Điều này thể hiện rõ ràng nhất qua cách mà của cải và những lợi thế xã hội của những gia đình có đặc quyền, đặc lợi giúp họ vượt lên trước những người khác trong việc học hành. Các nhà phê bình cho rằng các quy tắc của xã hội theo chế độ nhân tài trị của Đảng Hành động Nhân dân trước đây đã tạo lợi thế cho tầng lớp thượng lưu người Singapore, chủ yếu là các gia đình có thể gián tiếp được “dọn đường” dưới hình thức vô vàn các lớp học thêm. Đây là lời chỉ trích mà ta thường gặp về hệ thống giáo dục mang tính cạnh tranh cao của Singapore, nơi mà các bậc cha mẹ có ý tốt tham gia vào cuộc đua kịch tính đến phút cuối bằng cách gửi con của họ đến các lớp học bồi dưỡng ở độ tuổi ngày càng sớm hơn (Gee, 2012). Một bài báo đăng trong tờ The Straits Times vào năm 2015 đã viết rằng cứ 10 phụ huynh thì có đến 7 người đăng ký cho con vào các lớp học bồi dưỡng trong ngành giáo dục có học phí hàng tỷ đô-la đang bùng nổ, mặc dù họ phải thừa nhận rằng việc này không tác động nhiều đến điểm số của con họ (Davie, 2015). Vì một trong những tiêu chí để vào được các lớp này là ở gần trường học, nên một số cha mẹ người Singapore đã chuyển chỗ ở đến sống ở gần trường tốt nhất để tăng cơ hội trúng tuyển cho con.
Kết quả là, ưu thế có được nhờ của cải và nguồn vốn xã hội đã vấy bẩn chế độ nhân tài trị của Singapore. Trong khi người ta luôn nói rằng phẩm chất chỉ là đánh giá khách quan về những cá nhân xứng đáng nhất, nhưng trên thực tế, các đánh giá đều dựa trên các yếu tố về bối cảnh kinh tế - xã hội khác nhau, như là “quyền thừa kế, quan hệ hôn nhân, quan hệ xã hội, vốn văn hóa, các cơ hội phát sinh từ quá trình phát triển của nền kinh tế, và sự may mắn đơn thuần” (Tan, 2008, tr. 10). Trong một nhận định có liên quan chặt chẽ về vấn đề này, Barr (2006) khẳng định rằng mô hình nhân tài trị của Đảng Hành động Nhân dân có khuynh hướng kỳ thị một cách có hệ thống với những người không phải người gốc Hoa, vốn là những nhóm thiểu số ở nước này. Những lời chỉ trích của ông dựa trên thực tế là những người gốc Hoa, vốn chiếm đa số ở nước này, nhận được hầu hết các học bổng có giá trị nhất của chính phủ và các vị trí lãnh đạo cấp cao trong các cơ quan chính phủ, đó là các chứng cứ lên án những gì ông tin là tiết lộ “một màn kịch về chế độ nhân tài trị” trong chính quyền của Đảng Hành động Nhân dân.
Thách thức thứ hai với mô hình nhân tài trị của Đảng Hành động Nhân dân là lời cáo buộc cho rằng hệ thống này đã bị thao túng vì mục tiêu chính trị và hoạch định chính sách. Các nhà phê bình cho rằng hệ thống nhân tài trị đã và đang ngày càng bị những kẻ hưởng lợi đầu tiên cấu kết với nhau để thao túng. Điều này khiến cho những người chiến thắng đầu tiên trong xã hội nhân tài trị của Đảng Hành động Nhân dân dần đẩy cán cân chính trị nghiêng theo góc nhìn riêng của họ về khái niệm của một nền quản trị tốt. Điều này chủ yếu được thể hiện theo hai cách. Một là, phẩm chất đã được vạch riêng theo nghĩa hẹp về chuyên môn học thuật hoặc sự nhạy bén trên thương trường. Việc tuyển dụng chính trị là bằng chứng rõ ràng nhất cho điều này, nơi mà “... Đảng Hành động Nhân dân tuyển những người có thành tích hàng đầu từ các cơ quan nhà nước, quân đội, các ngành pháp lý và y tế, giới học viện và cộng đồng doanh nghiệp” (Tan, 2008, tr. 14)1. Ngoài ra, những người giành được những học bổng danh giá của chính phủ hầu hết đều là những cá nhân có thành tích học tập gương mẫu (Barr, 2006). Hai là, các mưu toan chính trị ngày càng được “chuyên môn hóa” nhằm dành việc ra quyết định quốc gia cho các nhà kỹ trị ưu tú trong bộ máy quản lý, viện cớ là “quản trị hiện đại quá phức tạp, không thể có sự tham gia của đông đảo quần chúng” (Tan, 2008, tr. 16). Tóm lại, trong khi các tuyên bố của Đảng Hành động Nhân dân về chế độ nhân tài trị hứa hẹn những lý tưởng đầy hoa mỹ về cạnh tranh công bằng và phần thưởng cho người xứng đáng nhất, nhưng trên thực tế, ranh giới để quyết định bộ phận lãnh đạo đang ngày càng bị tầng lớp tinh hoa giữ chức vụ lãnh đạo vạch ra để loại bỏ phần lớn người dân Singapore.
Chủ đề nổi bật trong các bài phê bình này là chỉ ra những mâu thuẫn quan trọng trong các phát ngôn về chế độ nhân tài của Đảng Hành động Nhân dân. Các nhà phê bình luôn cho rằng các quy tắc hiện hành chỉ mang lại lợi ích theo hệ thống cho một tầng lớp ngày càng thu hẹp những công dân ưu tú, những người có đủ nguồn lực để luôn đi trước một bước trong cuộc đua này. Vì những mâu thuẫn này nên cộng đồng chính trị của Singapore không thể được coi là nhân tài trị thực sự. “Chế độ nhân tài trị”, như cách diễn giải của chính quyền, đóng vai trò như một công cụ tư tưởng hữu ích để bảo vệ một chế độ quản trị tinh hoa và nhằm “biện minh cho chính quyền độc tài và định hướng thân tư bản” (Tan, 2008, tr. 11). Mặc dù Tan thừa nhận rằng trong quá khứ đất nước đã trải qua chế độ nhân tài trị nhưng cuối cùng ông vẫn kết luận rằng, sự ra đời của toàn cầu hóa trong thế kỷ 21, đi kèm với những công nghệ thông tin truyền thông tân tiến, và sự gia tăng bất bình đẳng về thu nhập sẽ ngày càng mở ra các thế giới quan khác, làm cho những mâu thuẫn này trở nên sâu sắc hơn nếu không được giải quyết.
(còn nữa)
Chú thích:
(1) Sau nhiều năm gặp những chỉ trích tương tự, trong những năm gần đây chính phủ đã phản ứng bằng cách chuyển rời trọng tâm chính sách giáo dục ra khỏi sự xuất sắc về mặt học thuật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán học (STEM), nhưng cũng khuyến khích “một hệ thống kỹ năng nhân tài trị”, như là theo đuổi sự sáng tạo trong nghệ thuật (Ong, 2018).
Nguồn: Bryan Cheang & Donovan Choy, Liberalism Unveiled Forging A New Third Way In Singapore, Chương 3, World Scientific, 2020