Các giá trị Châu Á và chủ nghĩa tự do cổ điển (Phần 2/6)
Về sự áp đặt một cách giáo điều dân chủ và nhân quyền đối với các quốc gia đang phát triển
Những người ủng hộ các giá trị châu Á chỉ trích phương Tây vì áp đặt một cách giáo điều chương trình nghị sự về chế độ dân chủ tự do và quyền con người ở các nước đang phát triển. Họ lập luận rằng áp đặt như thế là không thỏa đáng vì nhiều nước, bao gồm cả nước phát triển phương Tây, đã phát triển trước, rồi mới có chế độ dân chủ. Do đó, việc khăng khăng có “nền dân chủ ngay bây giờ” chẳng khác gì cầm đèn chạy trước ô tô (Mahbubani, 2018a, trang 97–106).
Sâu xa hơn, lập luận này cho rằng có nhiều con đường để phát triển, và sẽ là sai nếu cứ đòi hỏi “một con đường tiêu chuẩn” theo phác đồ mà phương Tây đã đưa ra. Tiếp theo, cái mà các nước đang phát triển cần, không nhất thiết phải là chính phủ dân chủ bảo vệ nhân quyền, mà là “chính phủ mạnh mẽ và kiên định, một chính phủ cam kết cải cách triệt để” để “thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của nghèo đói” (Mahbubani, 2018a, trang 98–99).
Chúng tôi đồng ý với lập luận trên, nhưng trong một giới hạn nhất định. Đúng là không chỉ có một con đường duy nhất để phát triển, và con đường đạt đến sự thịnh vượng nhất thiết phải được tiến hành một cách tự nhiên, kết hợp từ các nguồn lực văn hóa của mỗi cộng đồng (sẽ được giải thích ở phần tiếp theo). Cải cách kinh tế sẽ không thành công nếu chúng bị áp đặt ngoại sinh từ các cơ quan phát triển của phương Tây xa xôi.
Sự thật là dân chủ tự do không phải là điều kiện cơ bản giúp tăng trưởng kinh tế thành công. Câu chuyện của Đông Á và Singapore là minh chứng rõ ràng cho vấn đề này, các chính phủ độc tài có thể song hành với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển nhấn mạnh dân chủ không phải là điều kiện tiên quyết để phát triển, mà sự phát triển bền vững đòi hỏi một tập hợp các định chế kèm theo, dựa trên thị trường, cả trong lĩnh vực chính trị lẫn kinh tế (Acemoglu & Robinson, 2012; Easterly, 2014). Mặc dù không đòi hỏi một chính phủ kiểu phương Tây buộc phải coi trọng nhân quyền hơn tất cả, nhưng vẫn phải có các ràng buộc đối với nhà nước thì khu vực kinh doanh tư nhân mới thịnh vượng.
Thịnh vượng nhất thiết là kết quả của việc các cá nhân có thể học hỏi được những lợi ích từ thương mại, chuyên môn hóa, trao đổi và đổi mới sáng tạo. Đến lượt mình hoạt động kinh tế có hiệu quả đòi hỏi một cơ sở hạ tầng chính trị thuận lợi, mang lại cho các tác nhân kinh tế sự tự tin, rõ ràng và đơn giản để họ thực hiện các nhiệm vụ của mình. Giống như một nhà nước cần đủ mạnh để tăng doanh thu, cung cấp hàng hóa công và tiến hành những khoản đầu tư cần thiết cho xã hội - nói cách khác, đảm bảo năng lực của nhà nước - đồng thời phải bị ràng buộc bởi một bộ quy tắc, nếu không sẽ thoái hóa thành chế độ cướp bóc. Nói cách khác, phát triển thành công đòi hỏi những điều kiện đã được nhắc đến một cách khéo léo trong cuốn sách mới nhất của Daron Acemoglu và James Robinson (2019) như một “Leviathan bị cùm” (Shacked Leviathan). Năng lực nhà nước cần có nhằm cung cấp hàng hóa công thiết yếu, xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện các khoản đầu tư cực kì cần thiết phải đi đôi với các ràng buộc đối với nhà nước, nếu muốn những việc vừa nói trở nên bền vững và không trở thành chế độ cướp bóc (Johnson & Koyama, 2017).
Nhiều học giả, trong đó có những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển, đã nêu rõ những biện pháp đơn giản này, nghĩa là tự do dân chủ, tự do chính trị không phải là điều kiện cần đối với tăng trưởng, miễn là tự do kinh tế còn tồn tại. Nói một cách đơn giản, ngay cả chính phủ độc tài, nhưng nếu duy trì thị trường tự do, thì chính phủ đó vẫn sẽ có thể đạt được tăng trưởng kinh tế. Nhìn bề ngoài, điều đó đúng theo thực tế. Tuy nhiên, chúng tôi lập luận rằng việc tách biệt giữa tự do kinh tế và chính trị này là sai lầm và nói thẳng ra là vô ích. Để tự do kinh tế diễn ra, như tự do mua bán, trao đổi và hợp đồng, chúng ta không nhất thiết phải có quyền tự do chỉ trích Lý Hiển Long trên sóng truyền hình quốc gia và tiến hành các cuộc biểu tình thường xuyên trên đường phố. Tuy nhiên, chúng ta cần kiềm chế cảm xúc theo cách nhất định. Nói cách khác, một số giới hạn về quyền lực chính trị là đặc trưng cho mọi xã hội phát triển thịnh vượng.
Dù khá gắn kết với nhau, song trường hợp của Singapore không liên quan với lập luận mà chúng tôi đưa ra. Mặc dù hệ thống chính trị Singapore có thể được mô tả một cách chính xác là độc tài, do những hạn chế về quyền tự do dân sự và những đàn áp trong quá khứ đối với xã hội dân sự và chính trị đối lập, nhưng nó không phải là một chính phủ trục lợi qua những quy định bóc lột của cải của tư nhân. Mặc dù bị hạn chế, song các cá nhân và doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước được hưởng một mức độ, phạm vi hoạt động để tự do theo đuổi các kế hoạch họ đưa ra. Mức độ tin cậy cao mà các nhà đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia và cộng đồng người nước ngoài dành cho Singapore là bằng chứng đầy thuyết phục cho điều đó.1
Do đó, chúng tôi cho rằng những người ủng hộ các giá trị châu Á là đúng khi cho rằng dân chủ tự do và nhân quyền không phải là điều kiện tiên quyết để phát triển thành công và các nhà lãnh đạo phương Tây đã thiển cận đến mức độ họ áp đặt điều này lên các nước đang phát triển. Những mối quan tâm này phù hợp với những hiểu biết của những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển. Tuy nhiên, chúng tôi nhấn mạnh điểm bổ sung: các ràng buộc về quyền lực chính trị vẫn cần thiết để đảm bảo rằng xã hội được đặc trưng bởi sự hợp tác xã hội hòa bình.
(còn nữa)
Chú thích:
(1) Property Rights Alliance. (n.d.). 2019 International Property Rights Index Singapore.
Retrieved from https://internationalpropertyrightsindex.org/country/singapore.
Nguồn: Bryan Cheang & Donovan Choy, Liberalism Unveiled Forging A New Third Way In Singapore, Chương 2, World Scientific, 2020