Các giá trị Châu Á và chủ nghĩa tự do cổ điển (Phần 6/6)

Các giá trị Châu Á và chủ nghĩa tự do cổ điển (Phần 6/6)

Giá trị châu Á, Văn hóa và Chủ nghĩa Tự do từ góc độ nhận thức luận

Như vậy, ở phần vừa rồi tác giả đã cố gắng cung cấp một số diễn giải về Nho giáo và tư tưởng của Đạo giáo - hai viên gạch quan trọng của triết học Trung Quốc cổ đại - có nhiều điểm thân thiện với chủ nghĩa tự do cổ điển. Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng những diễn giải trên chưa hẳn vẹn toàn vì một người rất dễ tìm thấy ở bất kỳ một triết lý nào đó, không riêng gì triết lý châu Á, những nguyên ý mà anh ta thích. Chúng tôi cũng xem xét hết sức nghiêm túc việc lên án chủ nghĩa vị chủng (hoặc có lẽ, cả quan điểm thượng đẳng văn hóa của phương Tây) mà các học giả nghiên cứu các giá trị châu Á đưa ra để chống lại những người theo phái tự do khai phóng phương Tây, một sự kết án mà chúng tôi muốn tránh. Theo đó chúng tôi không dựa vào Nho giáo, Đạo giáo, hay bất cứ một nguyên tắc đạo đức siêu nghiệm, phổ quát về tự do và tự chủ nào để biện luận ủng hộ chủ nghĩa tự do cổ điển, thay vào đó, chúng tôi dựa vào một nền tảng nhận thức luận khác hẳn.

Các học giả nghiên cứu các giá trị châu Á đã có một đóng góp quan trọng khi thách thức tuyên bố của phái tự do khai phóng phương Tây rằng những nguyên lý đạo đức của phái này có tính phổ quát. Họ nhấn mạnh rằng nhân quyền có thể không phổ quát như người ta vẫn nghĩ. Họ khẳng định rằng các giá trị của phái tự do như cá nhân chủ nghĩa, quyền tự do và tự chủ không phải là hiển nhiên trong rất nhiều xã hội, và hoá ra chúng bắt nguồn từ những trải nghiệm trong lịch sử hạn hẹp của phương Tây. Cần phải nhận thức được rằng có hàng triệu người sống trong những xã hội khác hẳn với phương Tây về mặt văn hóa. Nói cách khác, những người ủng hộ giá trị châu Á đã mang đến cho chúng ta một lý do quan trọng để xử lý vấn đề đặc thù văn hóa một cách thật nghiêm túc. Học giả hàn lâm hàng đầu về giá trị châu Á, Daniel Bell (2008), cũng bởi ý thức được tầm quan trọng của vấn đề, đã nhận xét rằng: Đóng góp vô giá của học thuyết chính trị Đông Á đối với học thuyết chính trị Anh-Mỹ là nó xem trọng tính đặc thù văn hóa lên trước tính phổ quát của tự do.

Do tồn tại một loạt giá trị khác biệt như thế, cho nên, đối với các xã hội Đông Á, việc áp dụng các thể chế của chế độ dân chủ tự do dựa trên các quyền con người phổ quát là không khả thi về mặt thực tiễn hoặc đáng mong ước về mặt quy chuẩn. Thêm vào đó còn có thành tố tính chính danh. Các thiết chế chính quyền có thể không cần sự đồng thuận dựa trên dân chủ để có được tính chính danh; chúng có thể được chính danh hóa bằng những tiêu chí khác, chẳng hạn như tính chính danh dựa trên thành tích, một nguyên tắc chính danh quan trọng trong chế độ nhân tài trị.

Lời đáp

Chúng tôi đưa ra hai luận điểm có liên quan mật thiết với nhau. Luận điểm đầu tiên, quan trọng là phải xem xét nghiêm túc vấn đề về đa dạng văn hóa chứ không chỉ về đặc thù văn hóa. Trong một thế giới đa dạng về văn hóa và có những tiêu chuẩn đánh giá đạo đức khác nhau, việc cho rằng khuôn mẫu lý tưởng về chế độ nhân tài trị Đông Á [theo “Mô hình Trung Quốc” (Bell, 2018)] phù hợp với bất kỳ xã hội nào, chứ không chỉ riêng xã hội Đông Á, là thiếu thành thực.

Luận điểm thứ hai, và ở tầng sâu hơn, bản sắc văn hóa không phải là một tổng thể tĩnh tại, bất biến, mà là một thứ không ngừng tiến hóa, tái thẩm định và thay đổi. Chỉ trong quá trình tiến hóa văn hóa ở cấp độ vi mô, các cá nhân mới “khám phá” ra con người thật của mình, bao gồm bản sắc văn hoá của mình. Vì những lý do trên, một chế độ tự do cổ điển nhấn mạnh vào cơ chế tản quyền và từ dưới lên là cơ sở tốt nhất cho phép các cá nhân và cộng đồng định hình bản sắc văn hoá của riêng họ.

Về vấn đề đầu tiên, nhiều người ủng hộ các giá trị châu Á không nghiêm túc xem xét sự đa dạng về văn hóa, một mối quan tâm đã được mổ xẻ thông qua quan điểm độc đáo của chủ nghĩa tự do cổ điển được trình bày trong cuốn sách này. Họ đã đúng khi xét tới yếu tố văn hóa tại các xã hội Đông Á có thể ảnh hưởng như thế nào đến việc ưu tiên và biện hộ cho các quyền, đồng thời cung cấp nền tảng đạo đức cho những thực tiễn chính trị khác nhau (Bell, 2008). Tuy nhiên, sự khác biệt văn hóa có lẽ còn đa dạng hơn rất nhiều so với những gì đã được đề cập, nhất là trong chính các xã hội Đông Á.

Đông Á xưa nay là một khu vực vô cùng hỗn tạp và đa dạng. Ở đó, có vô số các cộng đồng, với hàng nghìn ngôn ngữ và sắc tộc, một số trong đó đã hòa trộn với nhau qua nhiều năm. Thật không quá khi cho rằng không có một nền văn hóa hay một bộ giá giá trị đơn nhất - cho dù là Nho giáo hay một số biến thể khác - có thể bao hàm và vượt lên được sự đa dạng này. Sự đa dạng này không khỏi dẫn đến vấn đề bất đồng về luân thường đạo lý, điều mà nhiều nhà lý luận chính trị hiện nay vẫn đang thảo luận ngày càng sôi nổi. Làm thế nào để phân xử các đòi hỏi đạo đức khác nhau do các nhóm văn hóa đưa ra? Tại sao các giá trị gia đình, cộng đồng, và quốc gia cụ thể của Đông Á đáng mong muốn về mặt quy chuẩn hơn các giá trị của chủ nghĩa cá nhân phương Tây? Tại sao Nho giáo lại là đại diện hàng đầu cho các giá trị Á Đông? Làm sao chúng ta biết cách diễn giải Nho giáo nào là đúng? Đây thậm chí còn chưa chạm đến câu hỏi hóc búa là làm sao để áp dụng những thiết chế và luật lệ chính trị khác nhau trong thực tiễn mà phù hợp nhất với những lời răn dạy trừu tượng của Nho giáo. Có rất nhiều giải đáp khác nhau cho những câu hỏi đó, và hoàn toàn có thể đoán chắc được rằng sẽ có những bất đồng sâu sắc.

Trong một thế giới đa dạng các chuẩn tắc, nếu mục đích là cần tìm ra được giải pháp hòa giải  sự xung đột về mặt đạo đức, thì việc ủng hộ một chế độ cho phép các quan niệm khác nhau về cái tốt cùng tồn tại một cách hòa bình, thay vì suy tôn một lý tưởng công lý duy nhất có lẽ là tốt hơn cả (Gaus, 2015). Điều này được lý giải rõ nhất qua cái mà Adam Tebble - một người theo chủ nghĩa tự do từ góc độ nhận thức luận - gọi là “vấn đề tri thức văn hóa” (cultural knowledge problem), trong đó “tri thức về luân lý liên quan đến việc phân xử giữa các bản sắc và quan niệm khác nhau và có lúc xung đột nhau về lẽ phải, cũng như về những luật lệ, quy ước, và thông lệ cụ thể cấu thành chúng, không bao giờ xuất hiện toàn vẹn trong một hình thái có thể dễ dàng hiểu được”. Trước sự đa dạng, và gần như là bất đồng như thế về luân thường đạo lý, Tebble (2016) đã khắc họa một nhiệm vụ khôn ngoan hơn dành cho luận thuyết chính trị, đó là “không biện minh cho những thuật ngữ của phe phái chính trị ủng hộ hoặc thúc đẩy một bản sắc hoặc những quan niệm cụ thể nào đó về cái tốt, như thể vấn đề tri thức văn hóa đã được hóa giải”, mà thay vào đó “biện minh cho…một quy trình tạo điều kiện cho việc phân giải những quan niệm khác nhau và đôi khi là mâu thuẫn với nhau, cùng các quy tắc và quy ước cấu thành chúng.”

Bởi thế, chủ nghĩa tự do cổ điển, ủng hộ sự phân tán quyền lực, cho phép các nhóm, cộng đồng, và cá nhân khác nhau tự do gia nhập hoặc phân tách. Rõ ràng, một xã hội như thế sẽ hàm chứa được sự đa dạng văn hóa mà ngày nay tồn tại ở bất cứ xã hội nào của loài người. Nếu những người ủng hộ các giá trị châu Á nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho phép các cộng đồng sống theo những giá trị của riêng họ, chứ không áp đặt một lối suy diễn độc đoán phổ quát lên họ, sức hấp dẫn của chủ nghĩa tự do cổ điển chẳng phải là quá hiển nhiên hay sao.

Về vấn đề thứ hai, ở tầng sâu hơn và có liên quan đến vấn đề đầu, đó là không chỉ có sự đa dạng về văn hóa và các giá trị đạo đức, mà bản thân khái niệm “văn hóa” cũng rất “hay thay đổi”, thậm chí “không ổn định”, như triết gia Chandran Kukathas (2003, tr.80) chỉ ra trong bài tiểu luận nổi tiếng của ông về các quyền thiểu số. Ông chỉ ra rằng “tất cả những tổ chức của loài người, bao gồm các nhóm văn hóa, không phải là những thứ cố định mà biến đổi rất nhiều theo hoàn cảnh kinh tế, luật pháp và chính trị” (Kukathas, 2003, p. 78). Với quan niệm các bản sắc xã hội có tính lưu động này, ông ủng hộ một mô hình xã hội tự do được tổ chức giống như là quần đảo của các vùng thẩm quyền cạnh tranh và chồng lấn nhau.1

Dựa vào tính biến đổi, đa dạng, và lưu động của văn hóa, người ta có thể đặt câu hỏi về tính hữu dụng của khái niệm “các giá trị châu Á”. Thuật ngữ này tối nghĩa hơn là dễ hiểu. Chẳng có một bộ giá trị châu Á đơn nhất nào cả. Khu vực châu Á trong suốt chiều dài lịch sử của nó hàm chứa số lượng nhiều không đếm xuể các dân tộc, nhóm sắc tộc, và văn hóa, không chỉ riêng các giá trị Nho giáo, thứ thường định hình phần lớn cuộc tranh luận về các giá trị châu Á. Không chỉ có bản thân sự đa nguyên về các giá trị văn hóa ở châu Á, mà mọi nhóm văn hóa cụ thể, trong chừng mực mà chúng có thể được xác định, cũng là chủ thể của sự tái thỏa hiệp liên tục như những cá nhân riêng biệt tương tác và truyền tải những giá trị của họ. Đặc điểm văn hóa của khu vực Đông Á có thể sẽ rất khác trong nhiều năm tới, và quá trình tiến hóa này không hề theo một xu hướng biết trước cụ thể nào, và do vậy, việc dự đoán trước là điều không thể.

Bên cạnh sự đa dạng về các giá trị văn hóa và vấn đề phân xử đạo đức, ta nên nghiền ngẫm sâu hơn về khái niệm “bản sắc văn hoá”. “Bản sắc” của một người không tồn tại như một thực thể hoàn chỉnh, bất biến mà biến đổi và hoàn thiện liên tục thông qua vô số các tương tác xã hội. Để trở thành nền văn hóa chủ đạo của một xã hội, ngày nay chúng ta hiểu rằng, tự thân nó là một một sản phẩm của sự tiến hóa văn hóa qua nhiều thế hệ, khi mà các giá trị, chuẩn mực, và kinh nghiệm thực tiễn được nhiều nhóm người khác nhau thử nghiệm, mà dần dần một số trong đó vẫn đang được truyền lại cho đến tận ngày nay (Boettke, 1990b; Horwitz, 2015). Quá trình tiến hóa văn hóa là sản phẩm của “hành động con người, chứ không phải thiết kế của con người”, và không phải là một quá trình có thể dự đoán trước, với một điểm kết thúc cụ thể.

Hiểu được điều này đưa chúng ta đến luận điểm rằng chính khái niệm “các giá trị châu Á” cũng nằm trong quá trình thỏa hiệp liên tục, diễn ra mỗi ngày. “Nền văn hóa Á Đông”, trong chừng mực mà nó tồn tại, được hình thành từ những tương tác ngẫu nhiên của các cá nhân, những người mà bản thân họ có quan điểm riêng của mình - và có thể là mâu thuẫn với những người khác - về việc thế nào là một người châu Á, một người Đông Á, một người theo Nho giáo, v.v. Một người, do đó, có thể phạm phải lỗi của “chủ nghĩa duy lý kiến tạo” (constructivist rationalism), theo cách nói của Friedrich Hayek, dựng lên một học thuyết hoàn thiện về chính trị Đông Á và các thể chế đi kèm được cho là sinh ra từ quan niệm đó.

Các khía cạnh của bản sắc văn hóa châu Á đã trải qua nhiều tiến hóa theo thời gian, chứ không phải một thực thể tĩnh tại. Chẳng hạn, ẩm thực là một khía cạnh quan trọng trong đời sống xã hội ở Singapore. Nhà xã hội học Lily Kong (2015) đã cung cấp một nghiên cứu hữu ích về ‘kopitiam’, một nét văn hóa nổi bật ở Singapore. Cụ thể, bà đã cho thấy câu chuyện của nó “gắn chặt tới mức nào với diễn biến lịch sử và xã hội của sự di cư và sự đa dạng văn hóa", nguồn gốc của nó như cuộc phiêu lưu chủng tộc trong một Singapore thuộc địa, và cách mà nó đã tiến hóa trở thành một tâm điểm của đời sống xã hội hàng ngày hiện nay (Kong & Sinha, 2015, p. 127). Nhiều món ăn từ mọi nẻo xa xôi có mặt tại các kopitiam phản ánh sự giao thoa lẫn nhau của những luồng ảnh hưởng đa dạng ở đất nước Singapore đa văn hóa. Thậm chí ở cấp độ toàn cầu, văn hóa cũng luôn cạnh tranh và tiến hóa. Trái ngược với kỳ vọng của một số người, toàn cầu hóa đã không tạo ra một nền văn hóa phương Tây đồng nhất mà tạo điều kiện cho sự phá hủy sáng tạo về văn hóa, thúc đẩy sự đa dạng văn hóa (Cowen, 2002).

Do đó, thông qua quá trình tương tác xã hội hằng ngày - một quá trình ở cấp độ rộng lớn dẫn đến sự tiến hóa văn hóa - người ta mới khám phá ra thế nào là “Nho giáo” hoặc “sống theo giáo huấn của văn hóa Á Đông”. Cũng như tri thức cần thiết để thực hiện phối hợp kinh tế một cách duy lý không thể tìm thấy được trong một bộ não đơn lẻ, tri thức cần thiết để xã hội tự sắp xếp theo một bộ giá trị văn hóa bản thân nó không thể có được dưới dạng tập trung mà được khám phá thông qua một quá trình thử-sai. Xin hãy thử đặt khái niệm bản sắc dân tộc vào bối cảnh của Singapore. Bản sắc của Singapore là gì? Thế nào là “một người Singapore”? Bản thân nó là chủ đề để tranh luận, bất đồng, và thỏa hiệp.

Do vậy, chúng tôi mong muốn diễn ngôn về các giá trị châu Á trả lời một câu hỏi sâu sắc hơn: trước sự đa dạng về văn hóa và bản sắc mà mọi người tự nhận mình thuộc về, mà rất nhiều trong số đó không ngừng thay đổi, chúng ta phải làm sao để phân xử giữa các vấn đề đạo đức được đưa ra bởi những nhóm văn hóa khác nhau? Các học giả về giá trị châu Á chỉ trích học thuyết toàn diện về quản trị quốc gia (chủ nghĩa tự do khai phóng phương Tây). Họ đưa ra một lý tưởng luân lý khác, được cho là thích hợp hơn đối với các xã hội Đông Á: đó là chế độ nhân tài trị (Bell, 2018). Do đó, họ cần trả lời câu hỏi: cần những thể chế nào để ứng đối với sự đa nguyên về các đòi hỏi về văn hóa? Những thể chế nào cho phép người ta khám phá xác tín văn hóa của riêng mình?

Chủ nghĩa tự do từ góc độ nhận thức luận là đáng mong muốn về mặt quy chuẩn và khả thi về mặt thực tiễn, chính vì tồn tại sự đa dạng về văn hóa, mà mỗi nền văn hóa lại có những sở thích riêng về cách mà họ muốn được quản trị. Sẽ là không đủ nếu chỉ dừng lại ở việc chỉ ra rằng thế giới không chỉ có các giá trị Phương Tây theo nghĩa hẹp, và rằng các giá trị châu Á cũng có tính chính danh tương tự. Nền dân chủ tự do khai phóng phương Tây có thể không phù hợp với các xã hội Đông Á, nhưng phải chăng điều này có nghĩa rằng chế độ nhân tài trị là câu trả lời cuối cùng? Và dựa trên cơ sở nào để chúng ta quyết định phương án nào là tốt hơn? Thế giới đa nguyên về giá trị, vượt trên cả thế lưỡng phân đơn giản giữa một bên là nền dân chủ tự do khai phóng phương Tây và một bên là chế độ nhân tài trị của Đông Á. Sự nhấn mạnh của chủ nghĩa tự do từ góc độ nhận thức luận vào một trật tự thể chế đa trung tâm là hấp dẫn vì nó có thể hàm chứa sự đa dạng về văn hóa, tức tạo điều kiện cho các nhóm xã hội sống theo những cách phù hợp với những giá trị sâu sắc mà họ có (Kukathas, 2003; Pennington, 2011; Tebble, 2016; Gaus, 2017).

Không chỉ vậy, chủ nghĩa tự do từ góc độ nhận thức luận còn hướng tới một xã hội nơi mà mỗi cộng đồng khác nhau có thể trải nghiệm những quan niệm khác nhau về cái tốt, và cạnh tranh với nhau trong “quá trình tiến hóa”. Quá trình học hỏi thông qua thử-sai này cho phép mọi người trong quá trình sống với văn hóa của họ, đôi khi được “thoát ly” khỏi quy chuẩn khi họ ủng hộ những quan niệm khác về cái tốt. Một trật tự thể chế đa cực, chứ không chỉ tập trung vào một hồng tâm duy nhất, tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình này. Mối lo ngại chính đáng của những người ủng hộ các giá trị châu Á, những người tỏ ra hoài nghi về những tuyên bố mang tính bá quyền về tính phổ quát về đạo đức của phương Tây, không chỉ được lắng nghe mà còn được giải quyết trong phạm vi của chủ nghĩa tự do từ góc độ nhận thức luận. Chủ nghĩa tự do từ góc độ nhận thức luận ủng hộ mong muốn của bất kỳ một cộng đồng địa phương nào, đó là được tự do hành động theo tri thức riêng của mình, tuân theo các giá trị văn hóa và thể chế chính trị của riêng mình, nhưng không ủng hộ quan điểm cho rằng cần theo đuổi một mô hình nhà nước lý tưởng cuối cùng nào đó.

Daniel Bell (2008), người ủng hộ chủ nghĩa đặc thù Đông Á và cổ vũ chế độ nhân tài trị hàng đầu trong giới học thuật, khẳng định rằng với sự am hiểu tính liên văn hóa nhiều hơn giữa phương Đông và phương Tây, người ta có thể đạt được một “sự đồng thuận thực sự, không ép buộc” về quyền con người, một ý vay mượn từ lý thuyết gia theo phái cộng đồng, Charles Taylor. Đáp lại, chúng tôi cho rằng chúng ta nên đối mặt với khả năng cao là sự đồng thuận như thế là không thể đạt được, hoặc nếu có, thì cũng sẽ phải trả một cái giá khủng khiếp. Thay vì tìm kiếm sự đồng thuận, chúng ta nên cho phép nhiều loại cam kết được thực hiện đồng thời và đây chính là lý do tại sao xã hội tự do dựa trên tư hữu về tài sản, với chủ nghĩa can thiệp chính trị hạn chế, lại hấp dẫn về mặt đạo đức.

Kết luận

Những người ủng hộ các giá trị châu Á đã có những đóng góp quý báu ​​vào cuộc bàn luận chính sách bằng cách phê phán sự ngạo mạn của nhiều người theo phái tự do khai phóng phương Tây khi áp đặt chương trình nghị sự tự do khai phóng của họ lên những nước khác, và cả thói đạo đức giả, không tuân theo lý tưởng mà mình đặt ra. Họ cũng đúng khi coi trọng vấn đề đa dạng văn hoá và khẳng định rằng các nền dân chủ phương Tây không trải sẵn thảm đỏ để dẫn ai đó đi tới thành công. Chính trên tinh thần này mà chủ nghĩa tự do có thể được xem xét theo nghĩa cổ điển của nó, với điểm nhấn đặc biệt là sự khiêm tốn từ góc độ nhận thức luận. Những người ủng hộ các giá trị châu Á, với việc đề cao tư tưởng không can thiệp trong chính sách công, có thể tìm được nhiều điểm chung với chủ nghĩa tự do cổ điển.

 

Chú thích:

(1) Để đáp lại cuộc tranh luận về các giá trị châu Á, Chandran Kukathas đã có một lập luận tương tự như được trình bày ở chương này. Tuy nhiên, điểm khác biệt chính là ông (2000, p.48) tin rằng "các giá trị châu Á chẳng qua chỉ là một bộ các khẳng định gắn chặt với một niềm tin quốc gia nhân tạo, một loại binh khí để kiểm soát xã hội do giới tinh hóa nắm giữ nhằm làm dịu những ý kiến bất động hoặc chỉ trích". Chúng tôi công nhận rằng điều này có thể là đúng trong một số trường hợp, nhưng cũng cần phải xem xét nghiêm túc một lượng đáng kể các đóng góp về mặt lý thuyết của các học giả hàm lâm, xem Bell (2008) để đọc bản tóm tắt.

(2) 20Han, F. K. (2017, July 23). Is Singapore’s identity less clear today? The Straits Times. Retrieved from: https://www.straitstimes.com/opinion/is-singapores-identity-less-clear-today.

Nguồn: Bryan Cheang & Donovan Choy, Liberalism Unveiled Forging A New Third Way In Singapore, Chương 2, World Scientific, 2020

 

 

 

Dịch giả:
Hoàng Văn Trung
Hiệu đính:
Nguyễn Ngọc Minh Châu