Các giá trị Châu Á và chủ nghĩa tự do cổ điển (Phần 3/6)

Các giá trị Châu Á và chủ nghĩa tự do cổ điển (Phần 3/6)

Đạo đức giả và chính sách thất bại của phương Tây

Chính sách đối ngoại

Một vấn đề liên quan khác nữa được những người cổ vũ các giá trị châu Á xác định là ngay cả khi dân chủ tự do và nhân quyền là điều họ muốn, thì chính phương Tây lại không làm những gì mà họ rao giảng. Thái độ đạo đức giả mà họ thể hiện trên trường quốc tế không chỉ làm suy yếu thẩm quyền đạo đức của họ trong việc rao giảng các phẩm chất của tự do cho người khác, mà còn gây hại cho các nước đang phát triển mà họ tuyên bố giúp đỡ (Koh, 2000; Walker, 2008; Cromwell, 2012; Baraka, 2013). Trong khi tất cả các chính phủ, kể cả các chính phủ không nằm trong thế giới phương Tây, đều có các tiêu chuẩn kép, thì điều đáng nói là “chẳng có chính phủ nào bên ngoài thế giới phương Tây lại giả vờ đức hạnh như các chính phủ phương Tây thể hiện” (Mahbubani, 2008, trang 166). Nó khiến cho những người cổ vũ nhân quyền của phương Tây đặc biệt phẫn nộ.

Giáo sư Luật Quốc tế, Onuma Yasuaki (1999), có lập luận tương tự, rằng các chính phủ phương Tây và các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã không xem xét vị thế phụ thuộc mà các xã hội phi phương Tây đã trải qua trong trật tự quốc tế, chẳng hạn hoàn cảnh thuộc địa mà những nước này đã từng trải qua. Nếu lưu ý đến khía cạnh này thì ta mới hiểu được vì sao các xã hội phi phương Tây lại gạt sang bên lề những kêu gọi ủng hộ nhân quyền, coi đó như là “một khẩu hiệu đẹp đẽ khác mà các cường quốc hợp lý hóa các chính sách can thiệp của mình” (Yasuaki, 1999). Yasuaki còn nói rõ thái độ tự cao tự đại của những người theo chủ nghĩa tự do phương Tây khi họ chỉ trích các quốc gia khác vi phạm nhân quyền trong khi phớt lờ các vấn đề tương tự ở nước mình, đồng thời nghi ngờ về cái được giả định là phổ quát của những đòi hỏi về nhân quyền (Yasuaki, 1999).

Đúng là Hoa Kỳ đã có những hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở nhiều nước đang phát triển. Chính sách đối ngoại của Mỹ dựa trên niềm tin của chủ nghĩa tân bảo thủ rằng chế độ dân chủ tự do phương Tây có thể và nên được xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới, bằng vũ lực nếu cần thiết (Preble, 2019). Các chính sách xây dựng quốc gia này liên quan đến việc thực hiện có chủ đích các hoạt động bí mật của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), các vụ ám sát chính trị và cả việc kích động các vụ nổi loạn. Đặc biệt, các hoạt động của Mỹ ở Trung Đông cho thấy họ ủng hộ các chế độ độc tài vâng lời họ và bỏ rơi chính các chế độ đó khi luồng gió chính trị thay đổi (Bacevich, 2017; Carpenter, 2019). Chẳng hạn, sự phản đối gần đây của Mỹ đối với Qaddafi và al-Assad nói lên thói đạo đức giả mà những người cổ vũ các giá trị châu Á chỉ trích, vì đây là những nhà cầm quyền mà phương Tây từng ủng hộ.

Điều này liệu có đặt chủ nghĩa tự do vào thách thức không? Các chiêu trò phi tự do của phương Tây trên trường quốc tế đúng là đáng bị lên án. Nhưng không nên coi những thất bại trong chính sách đối ngoại này như một thiếu sót vốn có của chủ nghĩa tự do được. Lịch sử Hiến pháp Hoa Kỳ đã có truyền thống phong phú về việc nhấn mạnh tinh thần khiêm cung và chính sách không can thiệp trong các mối quan hệ toàn cầu. Quan điểm nhất quán của Jefferson “hòa bình, thương mại và tình hữu nghị thủy chung với tất cả các quốc gia & gắn kết các liên minh lại với nhau” đã tóm gọn truyền thống chính sách không can thiệp trong tư duy chính sách đối ngoại của Mỹ (Paul, 2007).

Tất nhiên, thật đáng tiếc, nhiều chính quyền Mỹ trong thời gian gần đây đã đi chệch khỏi nguyên tắc đúng đắn này. Chủ nghĩa đế quốc Mỹ trên toàn cầu cũng đã làm suy giảm an ninh quốc gia của Mỹ, hãy nhìn những con số chi phí kinh khủng khiếp của chính sách can thiệp và xây dựng quốc gia (Coyne, 2013; Bacevich, 2017). Vết thương do chính nước Mỹ tự gây ra này là hệ quả đã được cảnh báo bởi nhiều học giả tự do cổ điển rằng chủ nghĩa tự do thực sự đòi hỏi một chính phủ nhỏ gọn, và chiến tranh thường là nguồn gốc, nếu không muốn nói là căn nguyên của chế độ độc tài.

Thực tiễn Kinh tế

Về mặt kinh tế, Hoa Kỳ và các định chế toàn cầu do phương Tây thống trị, cũng cản trở việc biện hộ cho các chính sách tân tự do. Đồng thuận Washington đã được cổ vũ tại các nước đang phát triển sau Chiến tranh Lạnh, với việc nhấn mạnh ưu điểm của tư nhân hóa, tự do hóa và bãi bỏ quy định. Tuy nhiên, những điểm đặc trưng ưu việt ấy đã phản tác dụng, làm nảy nở tham nhũng và hình thành tầng lớp tinh hoa chính trị mới ở những quốc gia áp dụng những chính sách này. Điều này thực sự gây cản trở quá trình chuyển đổi thực chất sang một nền kinh tế hiệu quả hơn. Nga là một ví dụ. Không những không thực sự chuyển đổi được thành nền kinh tế thị trường, quốc gia này lại thoái hoá thành chế độ do một số các đầu sỏ cai trị, những kẻ vẫn tiếp tục kiểm soát quyền lực cho tới tận ngày nay (Guriev & Rachinsky, 2005). Nhà kinh tế học nổi tiếng Joseph Stiglitz (2003) đã viết rằng “cải cách tân tự do dẫn đến sự suy giảm kinh tế không thể nào biện bác được” ở Nga.

Những cuộc cải cách chính trị theo chủ nghĩa tân tự do này cũng gắn liền với thực hiện ‘có điều kiện’, theo đó người ta chỉ cung cấp tiền viện trợ khi nước được nhận viện trợ đáp ứng một số điều kiện. Nhiều người thừa nhận rằng viện trợ nước ngoài, trong trường hợp tốt nhất, cũng sẽ có kết quả cả tốt lẫn xấu, còn trong trường hợp xấu nhất thì sẽ dẫn đến hậu quả tai hại. Thật vậy, nhiều chương trình viện trợ của Mỹ đã mang lại lợi ích cho những nhà cầm quyền độc tài với hồ sơ nhân quyền kém cỏi. Cho đến năm 2009, Christopher và Matt Ryan đã chỉ ra Hoa Kỳ cung cấp gần “36 tỷ đô la đã giải ngân và gần 53 tỷ đô la trong tổng số những cam kết” và “hơn 46 tỷ đô la Viện trợ quân sự” cho các nhà độc tài xấu xa nhất thế giới, bao gồm Robert Mugabe, Bashar al-Assad, Hosni Mubarak và Muammar al-Qaddafi.

Do đó, những người cổ vũ các giá trị châu Á đều nhắm vào việc tố cáo các cơ quan phát triển của phương Tây. Tương tự như vậy, Kishore Mahbubani (2008, trang 262) cũng đã chỉ ra rằng “tuy nhiên, nếu người ta kể ra câu chuyện thật về viện trợ của phương Tây cho các nước đang phát triển thì rất có thể nó sẽ trở thành câu chuyện Lời nói dối lớn”. Ông giải thích thêm rằng các chương trình viện trợ đó không phải là không có yếu tố vị tha, mà là “quyền lợi hầu như luôn luôn lấn át lòng vị tha”, cung phụng các nhóm lợi ích với phí tổn mà những người hưởng viện trợ thực sự phải trả (Mahbubani, 2008).

Thú vị là, những thất bại về chính sách này mang lại cho chúng ta những lý do chính đáng để tìm hiểu những quan điểm thấu triệt của các nhà kinh tế chính trị học theo phái tự do cổ điển. Thứ nhất, các chương trình viện trợ hoàn toàn không phải là những đơn thuốc chính sách của những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển, mà phần lớn là cách tiếp cận từ trên xuống được thúc đẩy bởi bộ máy quan liêu không hoàn hảo. Rốt cuộc, tiền viện trợ lại rơi vào tay của các nhà tư vấn, các quan chức và những nhóm lợi ích, đấy là chuyện không bất ngờ, khi mà luôn tồn tại khả năng trục lợi (Easterly, 2006). Ngoài ra, còn có một quan điểm thấu triệt quan trọng khác: các phương tiện phi tự do không thể thiết lập được nền kinh tế thị trường tự do. Muốn chuyển đổi sang các nền kinh tế được vận hành bởi thị trường đòi hỏi phải có một nền văn hóa kinh tế và văn hóa chính trị hỗ trợ các thể chế thị trường. Không có nền văn hóa hỗ trợ như vậy đồng nghĩa với việc là cải cách thể chế sẽ bị đình trệ, do vậy bất kỳ chính sách tân tự do nào đang được thử nghiệm đều sẽ bị ảnh hưởng, dù họ có mong muốn đến đâu đi chăng nữa. Thật vậy, những cải cách tân tự do gượng gạo ở Đông Âu đã thất bại không phải vì thị trường tự do vốn khiếm khuyết, mà do người ta không nhận thức được ý nghĩa quan trọng của các thiết chế thị trường ủng hộ các cuộc cải cách (Nicoara & Boettke, 2015).

Như vậy, thất bại của các chính sách gọi là Đồng thuận Washington của các tổ chức toàn cầu đã dẫn lối đến những kiến thức quan trọng về kinh tế chính trị học mà các học giả theo phái tự do cổ điển đã viết: cải cách lâu dài và bền vững nhất phải là cây nhà lá vườn, tôn trọng các phong tục, giá trị và sự quan tâm của người địa phương. Khi có sự nhạy bén về văn hóa như vậy, các thể chế sẽ dễ “bám dính” hơn, và sẽ thúc đẩy tiến bộ (Boettke, Coyne, & Leeson, 2008).

Đóng góp độc đáo của quan điểm tự do cổ điển được đưa ra ở đây là, một mặt, nó thừa nhận những thất bại trong thực tiễn, dù là cố ý hay vô tình của những người theo chủ nghĩa tự do phương Tây trong các giai đoạn phát triển, nhưng đồng thời nó cũng tiếp tục bảo vệ các giá trị của quyền tự do thị trường như một con đường dẫn đến sự thịnh vượng. Do vậy, lập luận của chúng tôi có thể trái ngược với lập luận của học giả pháp lý Yash Ghai trong một tập sách đã được chỉnh sửa về thách thức nhân quyền ở Đông Á (xem Bauer & Bell, 1999). Ghai (1999) đã chỉ ra vì sao chế độ nhân quyền quốc tế đương thời không thể bảo vệ được các quyền kinh tế và xã hội, là những quyền cao nhất trong các quyền tự do dân sự. Luận cứ này được hình thành trên thái độ hoài nghi đối với nền kinh tế thị trường, mà theo ông đã nhanh chóng dẫn đến sự hủy hoại các quyền kinh tế và xã hội trong thời đại toàn cầu hóa (Ghai, 1999). Quan điểm tự do cổ điển của chúng tôi ủng hộ tinh thần phê phán đối với những cơ quan phát triển hiện hữu của phương Tây, nhưng chúng tôi bác bỏ kết luận này vì mong muốn sự kiểm soát chặt chẽ hơn các tập đoàn và hoài nghi của nó đối với toàn cầu hóa về kinh tế.

Một lần nữa, chúng tôi muốn khẳng định rằng những người cổ vũ các giá trị châu Á đã có đóng góp hữu ích theo nghĩa phá vỡ huyền thoại về sự vượt trội của phương Tây. Tuy nhiên, chúng tôi muốn đẩy cuộc thảo luận đi xa hơn bằng cách chỉ ra chính những thất bại này của phương Tây đã mang đến cơ hội cho một bài học quan trọng khác: phương Tây đã từ bỏ di sản tự do cổ điển của mình.

(còn nữa)

Nguồn: Bryan Cheang & Donovan Choy, Liberalism Unveiled Forging A New Third Way In Singapore, Chương 2, World Scientific, 2020

 

Dịch giả:
Hoàng Thị Mai
Hiệu đính:
Nguyễn Thị Lương