Di sản của Bismarck (Phần 1)
Để hiểu về chức năng và tác động của nhà nước phúc lợi, chúng ta cần hiểu được nguồn gốc của nó. Nội dung này sẽ được trình bày dưới đây. Bài viết chỉ ra bản chất của nhà nước phúc lợi như là một hệ thống chính trị được tạo lập để duy trì quyền lực của những người tạo ra nó. Nhà nước phúc lợi bắt nguồn từ việc thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc từ thời nước Đức quân chủ đến những hệ thống đương thời ở châu Âu và châu Mỹ. Những nhà nước phúc lợi đó đã gạt sang một bên những định chế tự nguyện tồn tại trước đó. Những định chế đó mang đến cho chúng ta cái nhìn về những giải pháp khả thi - những hội đoàn của của những người tự trị, tự tôn, độc lập và thành đạt – mà không cần tới nhà nước phúc lợi.
----------------------------------------------------------------------
Cần phân biệt nhà nước phúc lợi với nhà nước theo chủ nghĩa xã hội. Thuật ngữ chủ nghĩa xã hội được sử dụng trong nhiều thập kỷ, hiểu theo cách tối giản nhất là nỗ lực để lập kế hoạch cho toàn bộ nền kinh tế, được biết như “nền kế hoạch hóa tập trung”, và thường đòi hỏi quyền sở hữu nhà nước đối với toàn bộ phương tiện sản xuất; cả hai mô hình nhà nước đều có mục đích sử dụng kế hoạch nhà nước để phân bổ vốn và lao động giữa những mục đích sử dụng có tính cạnh tranh. Nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ nỗ lực lên kế hoạch và chỉ đạo sản xuất giấy, xe cộ, thực phẩm, thuốc men, quần áo và những hàng hóa khác. Ví dụ về những nỗ lực hình thành nhà nước xã hội chủ nghĩa bao gồm Liên bang Xô Viết và các nước đồng minh, Cu Ba, và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trước khi chuyển hướng một phần cho phép sở hữu tư và cơ chế thị trường vận hành. Ngược lại, nhà nước phúc lợi không đòi hỏi sở hữu nhà nước toàn bộ phương tiện sản xuất, mặc dù có thể sở hữu nhà nước chiếm một phần đáng kể ở một số ngành, thường gắn liền với những dịch vụ nhất định, ví dụ như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, giải trí, và thậm chí nhà đất, tất cả những ngành đó đều gắn với “phúc lợi”.
Nhà nước phúc lợi không cần kiểm soát toàn bộ hoạt động sản xuất, nhưng phải chịu trách nhiệm cho phúc lợi, hoặc sự sung túc của nhân dân. Loại hình nhà nước này có chức năng rộng hơn so với một chính thể hạn quyền chỉ đảm bảo công lý, phòng thủ chống xâm lược, chế độ pháp trị, và có thể là một danh sách “hàng hóa công” hạn chế, như những người theo chủ nghĩa tự do truyền thống đề xuất. Nhà nước tự do cổ điển giới hạn chính nó vào nhiệm vụ kiến tạo những điều kiện hòa bình mà trong đó con người tự do đảm bảo sự sung túc (phúc lợi) của chính họ. Trái lại, nhà nước phúc lợi chịu trách nhiệm đảm bảo phúc lợi của người dân, chứ không chỉ đảm bảo điều kiện để họ tìm kiếm phúc lợi của chính mình; do đó, nhà nước phúc lợi có xu hướng chi phối, hoặc thậm chí độc quyền hóa trong cung cấp an sinh hưu trí, chăm sóc y tế, giáo dục và thu nhập tối thiểu, và thực hiện tái phân phối thu nhập, thường được biện minh dưới danh nghĩa phân phối thu nhập từ người “có của cải” sang người “không có của cải”, nhưng thực chất là đảo vòng quanh – hoặc đảo lộn – các khoản thu nhập giữa những người “có của cải”.1
Nhà nước phúc lợi không chuyển giao nguồn tài nguyên dành riêng hoặc thậm chí là ưu tiên cho người nghèo. Ở nhiều phương diện, người nghèo trở thành nạn nhân của nhà nước phúc lợi vì lợi ích của thế lực có khả năng thao túng hệ thống. (Ví dụ, nhà nước phúc lợi phân phát “tem thực phẩm” và những hình thức trợ cấp thực phẩm khác cho người nghèo nhưng cũng đồng thời nâng giá lương thực thông qua trợ cấp nông nghiệp, hạn chế nhập khẩu đối với lương thực có giá thành rẻ hơn, và áp giá thực phẩm tối thiểu). Nhà nước phúc lợi đạt được sự ổn định chính trị bằng cách hình thành những nhóm lợi ích ở mọi tầng lớp xã hội, từ nhóm người giàu nhất tới nhóm nghèo nhất. “Phân phối lại thu nhập” từ người giàu sang người nghèo không phải là mối quan tâm cốt yếu, vì nhiều khoản phân phối lại đi theo chiều hướng ngược, từ người nghèo tới người giàu. Ở những xã hội tương đối giàu có, đa phần khoản tái phân phối thu nhập được đẩy qua lại giữa những người thuộc tầng lớp trung lưu, vì tiền bị lấy từ túi của người này được bỏ vào túi người kia, trừ đi chi phí thực hiện và sự không hiệu quả của những bộ máy quan liêu, vận động chính trị và chủ nghĩa thân hữu.2
Nguồn gốc của nhà nước phúc lợi
Nhà nước phúc lợi ở hình thái hiện đại bắt nguồn từ cuối thế kỷ XIX ở Đức trong cuộc vận động chính trị và “xây dựng nhà nước” của chính khách người Đức Otto von Bismarck, Thủ tướng Thép, người đã đánh bại Pháp và Áo trên mặt quân sự và hợp nhất những bang khác của Đức trở thành “Đế chế thứ hai” trên nền tảng “Sắt và Máu”.
Bismarck thực hiện cuộc chiến tranh chính trị dài hơi chống lại những người theo khuynh hướng tự do thương mại cổ điển tại Đức; những người này ưa thích các biện pháp hòa bình để hình thành một quốc gia thịnh vượng; cũng như nền hòa bình với nước láng giềng, hơn là chiến tranh, thực dân hóa hay chủ nghĩa quân phiệt. Là một phần trong chương trình xây dựng nhà nước ở Trung Âu, Bismarck là người mở đường cho nhà nước phúc lợi, hệ thống từ đó trở đi xâm chiếm phần lớn không gian chính trị toàn cầu. Bismarck mở ra sự ra đời của nhà nước phúc lợi Đức thông qua một loạt các chế độ bảo hiểm bắt buộc dành cho tai nạn, sức khỏe, khuyết tật và tuổi già, mà ông thúc đẩy và thực hiện trong những năm 1880. Thủ tướng quân phiệt Bismarck gọi biện pháp đó là “nhà nước xã hội chủ nghĩa”, và vào năm 1882 ông tuyên bố rằng “Đa phần những biện pháp chúng tôi chọn để mang lại phúc lành cho đất nước mang tính xã hội chủ nghĩa, và nhà nước sẽ phải tự làm quen với một nhà nước có tính chất chủ nghĩa xã hội”.3
Nhà sử học A.J.P. Taylor giải thích rằng, “Bismarck muốn làm cho người lao động cảm thấy phụ thuộc hơn vào nhà nước, và sau đó là chính ông ta”.4 Hơn hết thảy mọi việc, đó là một âm mưu chính trị hình thành tầng lớp dân cư phụ thuộc thấm nhuần ý thức hệ của chủ nghĩa tập thể quốc gia.
Bismarck khẳng định mục đích của “nhà nước xã hội chủ nghĩa” là để tạo ra sự phụ thuộc, lòng trung thành, điều mà đế chế Đức hùng mạnh cần có để thống trị Châu Âu:
Bất cứ ai có khoản trợ cấp hưu trí cho tuổi già đều bằng lòng và dễ đối phó hơn rất nhiều so với những người không có khoản trợ cấp ấy. Hãy nhìn vào sự khác biệt giữa người đầy tớ tư nhân với công chức trong phủ Thủ tướng hay Tòa án; đối tượng thứ hai sẽ dễ dàng bị sai khiến hơn, vì anh ta có lương hưu để mong đợi5.
Tôi coi đó là một lợi thế quan trọng khi chúng ta có 700.000 người hưởng trợ cấp hàng năm từ nhà nước, đặc biệt những người thuộc những tầng lớp mà nếu như không có trợ cấp thì là lực lượng không có gì để mất khi có biến động; đó là những người lầm tưởng rằng họ thực sự hưởng lợi nhiều từ khoản trợ cấp đó.6
Taylor kết luận rằng “Chắc chắn an sinh xã hội tạo ra tầng lớp quần chúng ít độc lập hơn ở khắp mọi nơi; nhưng ngay cả những tông đồ cuồng tín nhất của độc lập cũng sẽ ngần ngại phá bỏ hệ thống do Bismarck sáng tạo nên và được sao chép lại ở tất cả các nước dân chủ khác”.7 Thật vậy, nhà nước phúc lợi đã tạo nên tầng lớp quần chúng “ít độc lập hơn ở khắp mọi nơi”, mà nói thẳng ra là phụ thuộc nhiều hơn ở khắp mọi nơi. Nhưng các nhà nước phúc lợi trên thế giới đã mở rộng tới đường ranh chết người, và đây là lúc chúng ta có thể, nên và phải dám phá bỏ “hệ thống tạo nên bởi Bismarck”.
Đó là sự sụp đổ vào những năm 1930 của nhà nước phúc lợi mở rộng quá mức ở nước Cộng hòa Weimar, tại thời điểm đó được biết đến rộng rãi như một nhà nước phúc lợi tiên tiến nhất trên thế giới;8 đây là nhà nước đã mở ra chế độ chuyên chính, chiến tranh, và tạo ra nhà nước phúc lợi cướp bóc và xấu xa nhất mà thế giới từng thấy, đó là Đế chế thứ ba. Như nhà sử học Götz Aly chỉ ra trong cuốn Hitler’s Beneficiaries: Plunder, Radical War, and the Nazi Welfare State [Di sản của Hitler: Cướp bóc, Chiến tranh chủng tộc, và nhà nước phúc lợi Đức quốc xã – ND], đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa quốc gia Đức, còn được gọi là đảng Quốc xã, tuyên truyền hai mơ ước lâu đời của người Đức: dân tộc và thống nhất tầng lớp. Đó là chìa khóa cho sự bành trướng của Phát xít Đức, từ đó chúng tạo nên sức mạnh chúng cần để theo đuổi mục tiêu vô đạo của mình. Lý tưởng của Volksstaat – nhà nước của dân và vì dân – khẩu hiệu mà nếu được chúng ta gọi vào ngày nay thì sẽ là nhà nước phúc lợi cho người Đức với dòng dõi chủng tộc phù hợp. Trong một trong số những tuyên bố chính của mình, Hitler hứa hẹn về “sự hình thành một nhà nước công bằng xã hội”, một xã hội kiểu mẫu “tiếp tục xóa bỏ mọi rào cản [xã hội]”.9
Aly tiếp tục nói, “Trong một trào lưu chưa từng có trong lịch sử, họ [những lãnh đạo chính trị của Đế chế thứ ba] hình thành những điều kiện tiền đề cho nhà nước phúc lợi xã hội hiện đại”.10 Nhà nước phúc lợi Quốc xã đã thiết lập một hệ thống phủ khắp trong cộng đồng Đức sự bảo trợ, sự phụ thuộc, và lòng trung thành; theo dẫn giải chi tiết của Aly, hệ thống ấy được nuôi dưỡng bằng cách tước đoạt tài sản của người Do Thái (từ tiền bạc, công việc kinh doanh, nhà cửa cho tới những chất hàn răng, đồ chơi trẻ con, và thậm chí là tóc), sung công tài sản của kẻ thù của nhà nước, và cướp bóc những nước châu Âu khác qua việc trưng thu và chủ động gây ra lạm phát tiền tệ tại những nước chiếm đóng. Hệ thống ấy là mô hình kim tự tháp với phần đáy ngày càng mở rộng, ở đó những người dân nộp tiền và chuyển ngược lên trên. Giống như tất cả những mô hình hình kim tự tháp khác, Đế chế thứ ba buộc cam chịu thất bại.
Không còn nghi ngờ gì nữa, nhà nước phúc lợi Quốc xã là một nhà nước phá hoại và xấu xa nhất trong lịch sử thế giới, nhưng khác với nhận thức của nhiều người, nó có mối liên hệ mật thiết với nhà nước phúc lợi ít xấu xa hơn mà chúng ta biết ngày nay. Tất cả nhà nước phúc lợi đều khởi đầu bằng cách loại bỏ nguyên tắc tự do cổ điển của chính phủ hạn quyền và tự do cá nhân. Họ tạo ra những hệ thống kiểm soát chính trị đối với cách hành xử của các đơn vị cử tri bằng cách cố tình tạo lập sự phụ thuộc, biện minh bằng học thuyết này hay khác về danh tính tập thể và mục đích tập thể.
Trong thế kỷ XVIII và XIX, chủ nghĩa tự do cổ điển loại bỏ chế độ nô lệ và nông nô, giải phóng người Do Thái và những dân tộc thiểu số tôn giáo khỏi thân phận đẳng cấp hạng hai, chiến đấu cho tự do tôn giáo, và giải phóng thương mại, nghiệp chủ và sự sáng tạo, dẫn tới sự cải thiện đáng kể nhất về tiêu chuẩn sống của các tầng lớp dân cư trong lịch sử nhân loại. Những thay đổi đó gây ra hiện tượng phản quang (backlash) văn hóa và chính trị chống lại chủ nghĩa tự do và hiện tượng hoài cổ về một quá khứ hòa thuận, đoàn kết, nơi mà động cơ “ích kỷ” là một thành tố của tình yêu cộng đồng; thành công của chủ nghĩa tự do gây ra những phản ứng dữ dội. Friedrich Engels, người cùng với Karl Marx tạo dựng một trong những hệ thống phê bình có tầm ảnh hưởng nhất về chủ nghĩa tự do, đã lên án chủ nghĩa tự do chính xác vì đã thúc đẩy hòa bình và đạt được lợi ích chung thông qua tự do thương mại:
Các người tạo ra sự thân thiết như huynh đệ giữa các dân tộc – nhưng đó chỉ là tình huynh đệ của những kẻ trộm. Các người hạn chế các cuộc chiến tranh – để kiếm lợi nhuận lớn hơn trong hòa bình, để đẩy tới đỉnh điểm sự thù địch cá nhân, và cuộc chiến cạnh tranh xấu xa! Khi nào các người hành động “vì tính nhân đạo thuần túy”, xuất phát từ nhận thức về sự đối lập vô ích giữa lợi ích chung và lợi ích cá nhân? Khi nào các người trở nên có đạo đức mà không vụ lợi hay che giấu đằng sau tâm trí những động cơ ích kỷ và vô đạo đức của các người?
Bằng cách loại bỏ tính dân tộc, hệ thống kinh tế tự do cố gắng hết sức phổ cập hóa sự thù hằn, để biến con người thành một lũ thú khát máu (vì mục đích gì khác chăng hỡi các đối thủ?) sẵn sàng ăn tươi nuốt sống nhau chỉ vì chúng có cùng mối quan tâm.11
Hơn nữa, Engels và những người khác khơi dậy những thù hận phi lí cũ kỹ về việc áp dụng lãi suất trên khoản cho vay, sự oán hận lâu đời đã kết hợp chủ nghĩa chống tự do và chủ nghĩa bài trừ Do Thái:
Tính vô đạo đức của việc cho vay có lãi suất, hay nói cách khác, hưởng thụ mà không cần lao động, là quá rõ ràng, mặc dù nó đã được bao hàm trong tài sản cá nhân, và từ lâu đã được thừa nhận bởi nhận thức khách quan phổ biến, thường đúng trong những vấn đề như vậy.12
Thị trường tự do làm cho các mối quan hệ kinh tế và xã hội liên tục biến động, khiến những bậc trí giả tinh hoa nổi giận, những người ao ước sự ổn định, bất biến và tính đạo đức trong quan hệ kinh tế:
Dao động liên tục của các mức giá cả do cạnh tranh đã tước đi vết tích cuối cùng của đạo đức trong sự trao đổi. Liệu ở đâu còn có trao đổi dựa trên nền tảng đạo đức trong vòng xoáy này? Trong hoàn cảnh giá cả lên xuống liên tục, mọi người phải tìm ra được thời điểm thuận lợi nhất cho hoạt động mua và bán; mọi người phải trở thành nhà đầu cơ – nói một cách khác, phải gặt nơi người đó không gieo hạt; phải làm giàu cho bản thân mình trên phí tổn của những người khác, phải tính toán dựa trên sự kém may mắn của người khác, hoặc để sự may rủi mang lại chiến thắng cho mình… Đỉnh cao của sự vô đạo đức chính là việc đầu cơ trên sàn chứng khoán, nơi mà lịch sử và cùng với nhân loại, bị đẩy xuống trở thành phương tiện đút lót cho tính hám lợi của những nhà đầu cơ tính toán hoặc mạo hiểm13.
Chủ nghĩa chống tự do và bài trừ Do Thái liên quan chặt chẽ với nhau. Trong bài viết “On the Jewish Question” [“Câu hỏi về người Do Thái” - ND], Karl Marx chỉ trích tự do kinh doanh đã Do Thái hóa toàn bộ châu Âu cơ đốc giáo, và tác động này giải thể những hình thức đoàn kết trước đó, và biến những người theo đạo Cơ đốc ở châu Âu trở thành bức tranh biếm họa của người Do Thái.14 Chủ đề đó được lặp đi lặp lại trong thế kỷ tiếp theo.
Khi chủ nghĩa tự do cổ điển tiếp tục mở rộng phạm vi của tự do tới nhiều người, những học thuyết chống tự do như chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa xã hội đã phản ứng dữ dội chống lại sự phát triển của nó và đạt tới đỉnh cao vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Như Sheri Berman, người biện hộ trung thành của chế độ nhà nước phúc lợi (còn được gọi là chế độ dân chủ xã hội), lập luận trong cuốn lịch sử chi tiết của mình The Primacy of Politics: Social Democracy and the Making of Europe’s Twentieth Century [Tính ưu việt của chính trị: Dân chủ xã hội và bộ mặt của châu Âu thế kỷ XX – ND],
Bước tiến của thị trường trong xã hội châu Âu đem lại sự bất an sâu sắc. Các nhà phê bình thất vọng về sự tôn vinh tư lợi và chủ nghĩa cá nhân quá khích, sự xói mòn các giá trị truyền thống và cộng đồng, và xáo trộn xã hội gia tăng, sự phân tán, và phân mảnh đem đến bởi chủ nghĩa tư bản. Kết quả là, có sự tăng đột biến luồng tư tưởng công xã vào cuối thế kỷ, và phong trào dân tộc chủ nghĩa lập luận rằng chỉ có sự hồi sinh của các cộng đồng quốc gia mới có thể đem lại ý thức đoàn kết, phụ thuộc và mục đích tập thể – những thứ mà xã hội châu Âu đang phân mảnh và mất phương hướng thật sự cần.15
Chủ nghĩa xã hội Mác-xít là một lời giải đáp chính trị, nhưng trong khi nó thu hút rất nhiều trí thức bởi những tuyên bố có vẻ khoa học về sự thay thế không thể tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản bởi chủ nghĩa cộng sản, thì những người khác từ bỏ nó khi những tuyên bố ấy không trở thành hiện thực, và họ chuyển sang hành động trực tiếp để tấn công và loại bỏ chủ nghĩa cá nhân tự do. Như Berman đã viết,
Mặc dù có sự khác nhau rõ ràng ở một số điểm quan trọng, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa xã hội quốc gia, và dân chủ xã hội đều có những điểm giống nhau đáng kể. Nhưng điều này chưa hoàn toàn được hiểu đúng. Cả ba chủ nghĩa đều coi chính trị là quan trọng nhất và mong muốn sử dụng sức mạnh chính trị để định hình lại xã hội và nền kinh tế. Họ đều kêu gọi đoàn kết cộng đồng và lợi ích tập thể. Họ đều xây dựng những tổ chức chính trị quần chúng hiện đại và tự coi mình là người đại điện, chẳng hạn như “đảng của nhân dân”. Và họ đều lựa chọn vị trí trung lập đối với chủ nghĩa tư bản – không mong muốn sự kết thúc của chủ nghĩa tư bản như những người theo chủ nghĩa Mác-xít nhưng cũng không tôn thờ nó một cách mù quáng như những người theo chủ nghĩa tự do, họ tìm kiếm “con đường thứ ba” với niềm tin rằng nhà nước có thể và sẽ kiểm soát thị trường mà không phá hủy chúng.16
Các “đảng nhân dân” của châu Âu, vốn mở đường cho nhà nước phúc lợi ngày nay, hầu như không còn có những lời lẽ hùng biện kích động lòng người đã đưa họ tới quyền lực. Tuy nhiên, họ đã để lại phía sau những khoản nợ không được chi trả dùng để thực hiện cho những lời hứa đao to búa lớn về việc chăm sóc từ lúc sinh ra cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay, những khoản nợ và lời hứa dở dang mà mô hình kim tự tháp bỏ lại phía sau, và những rối loạn kinh tế xã hội tại các cộng đồng đã quay ra chống lại chính họ. (Các cuộc bầu cử vào ngày 6 tháng 5, 2012 ở Hy Lạp phản ánh hệ quả của nhà nước phúc lợi bất tài không có khả năng tài trợ cho chính mình, theo đó Quốc hội được hình thành bởi liên minh những người theo chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa cực đoan của đảng cánh tả cấp tiến và đảng Bình minh Vàng có thiên hướng phát xít; các đảng này có thể gây ra những lo âu thực sự cho những người ủng hộ dân chủ tự do vốn có dù chỉ một chút kiến thức nhất định về lịch sử châu Âu thế kỷ XX).
(còn nữa)
Chú thích
(1) Các nhà nước phúc lợi cũng đề ra rất nhiều "pháp chế đạo đức" để định hướng hành vi tới những gì mà giới tinh hoa chính trị coi là có đạo đức. Những biện pháp này bao gồm việc cấm tệ nạn mại dâm, ngăn chặn hiện tượng "thoái hóa đạo đức," cấm chất gây say (bao gồm cần sa, rượu, thuốc phiện…), cấm kết hôn khác chủng tộc, trừng phạt và hình sự hóa các quan hệ tình dục tuổi vị thành niên, cấm hành vi được cho là quá nguy hiểm cho chính mình, và nói chung cấm những ý tưởng hay hành động được coi là không phù hợp với phúc lợi của người dân. Trong những năm gần đây, nhiều tập tục phổ biến đã thay đổi, và Nhà nước phúc lợi đôi lúc cũng thay đổi theo, nhưng lịch sử của các nhà nước "cấp tiến" là nhà nước kiểm duyệt và áp chế đạo đức.
(2) Daniel Shapiro đưa ra luận điểm rằng “chế độ phân phối của chính phủ nói chung ưu tiên tầng lớp trung lưu có kiến thức, có mối quan hệ và có động cơ tốt”. Daniel Shapiro, Is the Welfare State justified? [Biện hộ cho nhà nước phúc lợi?], trang 149.
(3) Trích trong Brink Lindsey, Against the Dead Hand: The Uncertain Struggle for Global Capitalism [Chống lại bàn tay chết chóc: Cuộc đấu tranh đầy bất trắc chống lại chủ nghĩa tư bản toàn cầu] (New York: John Wiley & Sons, 2002), trang 33.
(4) A.J.P. Taylor, Bismarck: The Man and the Statesmen [Bismarck: Con người và chính khách] (1955, New York: Sutton Publishing, 2003), trang 204. Taylor chỉ ra rằng một cấu phần trong kế hoạch của Bismarck đã bị bác bỏ trong Quốc hội Đức; đó là ông ta muốn "khoản đóng góp" trích trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Thay vào đó, Quốc hội Đức chỉ buộc người lao động phải trả một khoản đóng góp và khoản khác được thanh toán “bởi người sử dụng lao động”. Tuy nhiên, như các nhà kinh tế đều biết, một trăm phần trăm gánh nặng từ cả hai khoản “đóng góp” đó đều rơi vào vai người lao động, bởi vì khoản đóng góp của người sử dụng lao động nếu không bị nộp sẽ được trả cho người lao động dưới dạng tiền lương; người sử dụng lao động sẽ trả giá trị ccho những công việc đã hoàn tất, và không trả hơn, và không quan tâm đến việc người lao động nhận nhận được bao nhiêu bằng tiền mặt. Bismarck đi tiên phong trong ý tưởng nhà nước được hình thành bởi những “liên hiệp đoàn thể”, đại diện cho các nhóm lợi ích, thay vì các đại diện công dân với những quyền cá nhân. Như Taylor ghi nhận: “Ý tưởng đó chứa đựng nhiều hơn sự nhấn mạnh của ông vào các nhóm lợi ích thay vì qui tắc cơ bản. Những lời nói và phương kế này một lần nữa được những người biện hộ cho Chủ nghĩa Phát xít lựa chọn" (trang 204). Các loại thuế bổ sung đối với lao động dưới hình thức “phần đóng góp của người lao động” cho an sinh xã hội góp ngày càng chất chồng, dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ đại nghị của nước Cộng hòa Weimar, như Jürgen von Kruedener viết trong cuốn, "Die Überforderungen der Weimarer Republik als Sozialstaat,” Geschichte und Gesellschat , quyển 11, số 3 (1985), các trang 358-76, sự sụp đổ "là hậu quả của chủ nghĩa phúc lợi nhà nước quá đà, theo đó mức lương và gánh nặng tiền lương được xem như là một nguyên nhân chính". (trang 376).
(5) Trích dẫn trong A.J.P Taylor, Bismarck: The Man and the Statesman, trang 203.
(6) Bài phát biểu của tháng 5, 1889, trích từ David Kelley, A Life of One’s Own: Individual Rights and the Welfare State [Cuộc đời một con người: những quyền cá nhân và nhà nước phúc lợi] (Washington, DC: Cato Institute, 1998), trang 39.
(7) A.J.P Taylor, Biskmarck: The Man and the Statesman, trang 203. Taylor viết rằng Bismarck đã thực hiện một loạt những chương trình phúc lợi xã hội, và “Cuối cùng, ông nói về "quyền làm việc” và nghĩ về bảo hiểm chống thất nghiệp - bước cuối cùng để đi đến nhà nước phúc lợi của thế kỷ XX". (trang 204).
(8) Jürgen von Kruedener, "Die Überforderungen der Weimarer Republik als Sozialstaat” chỉ ra hệ quả chính xác của những điều mà Bismarck đã đi tiên phong; cái được gọi là “phần đóng góp của người lao động” của “an sinh xã hội” đã đã chất gánh nặng lên người lao động và tăng lên một cách đáng kể trong thời kỳ Cộng hòa Weimar. Kruedener kết luận rằng, “Cạm bẫy định mệnh, thực chất là bi kịch của nhà nước này, chính là việc nhà nước phúc lợi bị kéo căng một cách quá mức”. (trang 376).
(9) Götz Aly, Hitler’s Beneficiaries: Plunder, Racial War, and the Nazi Welfare State [Những người thụ hưởng của Hitler: cướp bóc, chiến tranh chủng tộc, và nhà nước phúc lợi Đức quốc xã] (New York: Henry Holt & Co., 2006), trang 13. Aly mô tả việc người Đức cướp bóc người Do Thái, trước khi cướp bóc phần còn lại của Châu Âu: “Cuối những năm 1937, công chức bộ Tài chính đã đẩy hạn mức tín dụng của nhà nước tới ngưỡng cao nhất có thể. Buộc phải đưa ra nhiều cách sáng tạo hơn bao giờ hết để tái tạo nguồn cho khoản nợ quốc gia, họ chuyển sự chú ý vào tài sản sở hữu bởi người Do Thái tại Đức, những tài sản đó sớm bị tịch thu và đưa vào quỹ được gọi là Volksvermögen, hay còn gọi là tài sản tập thể của người dân Đức. Khái niệm tài sản tập thể dựa trên ý thức hệ, dĩ nhiên không chỉ của riêng xã hội Đức, ám chỉ khả năng tước quyền chiếm hữu của những người được coi là “nước ngoài” (Volksfremden) hay “kẻ thù” (Volksfeinden)vì chủng tộc dòng chính” (trang 41). Lao động cưỡng bách, khác hẳn với khoản trợ cấp cho những công ty tư lớn, là sự phân phối lại nguồn lực từ những người Do Thái, người Ba Lan, người Ukraina, và những bị bắt làm nô lệ khác cho toàn bộ nhà nước. Sau khi tính toán số tiền thuế áp bởi Nhà nước lên “tiền lương” trả bởi công ty cho lao động bị cưỡng bách nhập ngũ (“60 tới 70% tiền lương được trả bởi những công ty đó”), Aly kết luận rằng nó đại diện cho 13 tỷ mác (tiền của Đức quốc xã – ND) (ngày nay là khoảng 150 tỷ USD) từ năm 1941 tới 1945: “Độ lớn của con số này ngược lại với giả định lịch sử truyền thống, đó là những công ty thu phần lớn lợi ích từ lao động nô dịch. Thay vào đó, việc bóc lột được thực hiện trên một phạm vi lớn, bởi toàn xã hội. Hàng tỷ mác trong tổng thu ngân sách nhà nước đến từ lao động nô dịch, giúp giảm bớt đáng kể một phần gánh nặng thuế khóa cho người đóng thuế gốc Đức. Và đây chỉ là một trong số lợi thế mà “những người đồng chí cùng chủng tộc tộc” (ethnic comrades) kiểm chác được từ việc họ chấp nhận chiến dịch của chính phủ, không chỉ đối với chiến tranh tiền lương chống lại những người khác mà còn tước quyền sở hữu đối với mọi thứ họ có”. (Trang 162-63).
(10) Như trên, trang 303.
(11) Friedrich Engels, “Outlines of a Critique of Political Economy” [Phác thảo phên phán kinh tế chính trị], trong Lawrence S. Stepelevich, ed., The Young Hegelians: An Anthology [Nhóm Hê-gen trẻ: tuyển tập] (Amherst, Y.Y.: Humanity Books, 1999), trang 278-302, trang 283.
(12) Như trên, trang 289.
(13) Như trên, trang 293.
(14) Xin đọc Jerry Z. Muller, “The Long Shadow of Usury: Capitalism and the Jews in Modern European Thought” [Vệt xám dài của cho vay nặng lãi: Chủ nghĩa tư bản và Người Do Thái trong lịch sử tư tưởng châu Âu hiện đại”], trong Capitalism and the Jews [Chủ nghĩa tư bản và người Do Thái] (Princeton: Princeton University Press, 2010”), trang 15-71.
(15) Sheri Berman, The Primacy of Politics: Social Democracy and the Making of Europe’s Twentieth Century [Tính ưu việt của chính trị: Chế độ dân chủ xã hội và sự hình thành của thế kỷ XX của châu Âu] (Cambridge: Cambridge University Press, 2006), trang 13-14.
(16) Như trên, trang 16-17.
Nguồn: Tom G.Palmer, Hướng đến kỷ nguyên hậu nhà nước phúc lợi, NXB Tri Thức, 2013