Giải phóng tình dục

Giải phóng tình dục

Tags: Văn hóa

Tôi không đề nghị rằng không nên coi trọng luân lý và tính tự chủ trong lĩnh vực tình dục, bởi cũng hệt như trong lĩnh vực ẩm thực chúng ta phân biệt kiềm chế ra làm ba thể loại, đó là về phép tắc, phong cách và sức khỏe.

Tôi không đề nghị rằng không nên coi trọng luân lý và tính tự chủ trong lĩnh vực tình dục, bởi cũng hệt như trong lĩnh vực ẩm thực chúng ta phân biệt kiềm chế ra làm ba thể loại, đó là về phép tắc, phong cách và sức khỏe. Chúng ta nhìn nhận những sự việc là sai trái như ăn trộm thức ăn, lấy quá khẩu phần trong một bữa ăn chung, và ăn uống theo những cách dễ làm hại cho sức khỏe. Những kiềm chế thuộc thể loại tương tự là thiết yếu khi sự việc có liên quan tới tính dục, nhưng trong trường hợp này chúng trở lên phức tạp hơn rất nhiều và đòi hỏi sự tự chủ lớn hơn. Hơn nữa, bởi mỗi người không có quyền sở hữu về người khác, việc tương đương với ăn cắp không phải là ngoại tình mà là cưỡng hiếp, một hành động hiển nhiên phải bị cấm bởi pháp luật. Những câu hỏi nảy sinh liên quan tới sức khỏe hầu như hoàn toàn có dính líu tới những bệnh hoa liễu, một chủ đề đã được đề cập trước đó liên quan tới mại dâm. Cố nhiên, ngoại trừ y học, hạn chế mại dâm chuyên nghiệp là cách tốt nhất để đương đầu với những tai họa này, và điều đó có thể được thực hiện tốt nhất qua việc nới rộng tự do của giới trẻ, điều đang nảy nở trong những năm gần đây.

Một thể loại đạo đức giới tính toàn diện không thể nhìn nhận thôi thúc tình dục đơn thuần như một ham muốn tự nhiên và như nguồn gốc của những mối đe dọa. Mặc dù cả hai quan điểm này là quan trọng, nhưng điều thậm chí còn quan trọng hơn là việc ghi nhớ rằng tình dục có liên hệ với một số những thành phẩm tuyệt vời nhất trong cuộc sống con người. Ba điều có liên quan sau dường như là trội hơn hẳn, đó là tình yêu trữ tình, hạnh phúc hôn nhân và nghệ thuật. Chúng ta đã nói về tình yêu trữ tình và hôn nhân [ở phần một]. Một số người nghĩ rằng nghệ thuật tồn tại độc lập với tính dục, nhưng quan điểm này ngày nay có ít người ủng hộ hơn so với thời gian trước kia. Có một điều rất rõ ràng là sự thôi thúc cho mọi thể loại sáng tạo thẩm mỹ, về tâm lý, luôn được kết nối với một hình thức ve vãn trong tình yêu. Sự kết nối này không nhất thiết là trực tiếp hoặc phải minh bạch, nhưng dẫu sao cũng không kém phần sâu sắc. Để thôi thúc tình dục có thể dẫn tới những biểu hiện nghệ thuật, một số điều kiện phải được đáp ứng. Cần phải có năng lực nghệ thuật; nhưng năng lực nghệ thuật, thậm chí trong cùng một chủng tộc, có vẻ xuất hiện thường xuyên tại một thời điểm nhất định, nhưng lại rất hiếm hoi vào một thời điểm khác. Từ đó chúng ta có thể chắc chắn kết luận rằng môi trường, đối nghịch với năng lực bẩm sinh, đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cảm xúc nghệ thuật.

Cần phải có một thể loại tự do nhất định, không phải là thể loại dựa vào hình thức tuyên dương người nghệ sĩ, mà là một thể loại tự do được thể hiện qua cách không ép buộc hoặc xui khiến người nghệ sĩ hình thành những thói quen biến anh ta thành một con người vô cảm với nghệ thuật. Khi Julius II bỏ tù Michelangelo, ông ta không hề gây trở ngại tới thể loại tự do mà người nghệ sĩ cần có. Ông ta bỏ tù Michelangelo bởi ông ta nhìn nhận Michelangelo là một nhân vật quan trọng, và không khoan thứ sự xúc phạm nhỏ nhất nào tới Michelangelo từ bất cứ kẻ nào có địa vị thấp hèn hơn so với Giáo hoàng. Nhưng nếu một nghệ sĩ buộc phải khấu đầu trước những khách hàng giàu có hoặc những hội viên hội đồng thành phố, và phải thích ứng tác phẩm của mình với những tiêu chuẩn nghệ thuật của họ, thì tính tự do nghệ thuật của anh ta sẽ bị đánh mất. Và khi anh ta, bởi việc lo ngại trước sự bài xích về mặt xã hội và kinh tế, bị ép buộc phải tiếp tục sống với mối kết giao đã trở lên quá sức chịu đựng, anh ta sẽ bị tước đi mất phần sinh lực cần có cho việc sáng tạo nghệ thuật. Những xã hội đề cao tính đoan chính theo truyền thống chưa bao giờ tạo ra được nghệ thuật có tầm vóc lớn. Nghệ thuật có tầm vóc lớn được sáng tạo bởi những người mà có lẽ sẽ bị hoạn nếu họ sống ở Idaho(6). Hiện tại nước Mỹ du nhập phần lớn những năng khiếu nghệ thuật từ châu Âu, nơi tự do vẫn còn nấn ná được, nhưng rồi sự Mỹ hóa châu Âu tất yếu khiến nó phải ngoảnh tới hướng những người da đen. Có vẻ như tổ ấm cuối cùng của nghệ thuật sẽ là đâu đó ở Thượng vùng sông Congo, nếu không thì sẽ là đâu đó trên những vùng cao xứ Tibet. Nhưng nó cũng không kéo dài lâu nữa cho đến lúc nghệ thuật sẽ bị triệt tiêu, bởi nước Mỹ đang sẵn sàng chất đống những phần thưởng cho những người nghệ sĩ nước ngoài, điều tất yếu dẫn tới sự tiêu tan khả năng nghệ thuật của họ.

Trước đây nghệ thuật đã từng có một nền tảng mang tính chất đại chúng, điều này lại phụ thuộc vào niềm vui cuộc sống. Trong khi đó, niềm vui của cuộc sống lại phụ thuộc phần nào vào tính tự phát trong phạm vi tình dục. Khi tình dục bị kìm nén thì chỉ còn có mỗi công việc, và cái cẩm nang trong lao động để đạt được ý chí làm việc chưa bao giờ sản sinh ra được một công trình nào đáng giá công sức bỏ ra. Tôi chưa được nghe kể rằng liệu đã có ai thu thập dữ liệu cho những thống kê về số lần giao cấu được thực hiện per diem(7) (hay chúng ta nên nói per noctem(8)) tại nước Mỹ, và tính bình quân thì ít nhất nó cũng không thua kém bất cứ quốc gia nào khác. Tôi không biết trường hợp này có khả dĩ hay không, và tôi cũng không việc gì phải lo lắng để có thể phải chối bỏ nó. Một trong những sai lầm nguy hiểm nhất của những nhà luân lý theo lối cổ truyền là việc quy tình dục về hành động giao cấu để họ có thể dễ dàng hơn trong việc công kích hành động này. Tôi chưa từng được nghe kể về một con người văn minh hay sống hoang dã rằng, trong bản năng, anh ta được thỏa mãn chỉ qua mỗi hành động giao cấu. Nếu cảm xúc dẫn tới hành động giao cấu muốn được thỏa mãn thì cần phải có sự ve vãn, tình yêu và tình bầu bạn. Không có những điều này, trong khi ham muốn thể xác có thể được làm dịu đi tạm thời, đòi hỏi về tinh thần không hề được giảm sút, và người ta không đạt được sự thỏa mãn thực sự.

Tự do trong tình dục mà người nghệ sĩ cần đó là tự do để yêu, chứ không phải là lối tự do thô thiển với mục đích giải vây nhu cầu thể xác nơi một người phụ nữ không quen biết; và tự do để yêu chính là điều mà nhà luân lý theo lối cổ truyền không muốn thừa nhận. Nếu nghệ thuật có thể hồi sinh sau khi thế giới bị Mỹ hóa, nước Mỹ nhất thiết phải thay đổi, rằng những nhà luân lý ở đó nên trở lên kém đoan chính hơn và những người vô đạo đức nên sống hợp với luân thường đạo lý hơn. Nói ngắn gọn thì cả hai bên nên nhìn nhận những giá trị liên quan tới tình dục ở một tầng cao hơn, và thừa nhận khả năng rằng niềm vui có thể là quý giá hơn so với tài khoản ở ngân hàng. Không có gì làm bức xúc những người đi du lịch ở Mỹ hơn là sự thiếu vắng những niềm vui. Niềm vui chứa đựng tính phóng đãng và sự say sưa, một sự việc mang tính lãng quên nhất thời và không phải là sự tự phô bày hoan hỉ. Con người hiện nay, trong khi thế hệ ông cha của họ từng vui nhảy theo những điệu nhạc từ kèn túi ở vùng Balkan hoặc tại những ngôi làng ở Ba Lan, giờ đây ngồi hàng ngày dính chặt bên những chiếc bàn làm việc, giữa những chiếc máy đánh chữ và điện thoại, nghiêm trang, quan trọng và vô dụng. Chạy trốn vào những đêm đi nhậu và nghe những âm thanh mới lạ, họ tưởng tượng rằng họ đang tìm thấy những niềm hạnh phúc. Nhưng trên thực tế thì họ chỉ tìm thấy một sự lãng quên cuồng dại và không hoàn hảo của một sự luân chuyển vô vọng của đồng tiền, điều lại sản sinh ra tiền, và họ sử dụng phần cơ thể của con người họ cho những mục đích này, trong khi phần tâm hồn đã được đem bán làm nô lệ.

Tôi không có ý định đưa ra giả thuyết, điều mà tôi không hề tin tưởng vào, rằng tất cả mọi thứ tốt đẹp nhất trong cuộc đời con người đều liên hệ tới tình dục. Về phần mình tôi không nhìn nhận khoa học, dù là thực nghiệm hay lý thuyết, có dính dáng gì tới tình dục, cũng như một số các hoạt động xã hội và chính trị quan trọng khác. Những cảm xúc dẫn tới những ao ước phức tạp của người đã trưởng thành có thể được sắp xếp dưới một vài khái niệm chính đơn giản. Quyền lực, tình dục và tình cha mẹ có vẻ đối với tôi là những nguồn cội của hầu hết mọi hành động của con người, ngoại trừ những hành động cần thiết cho sự tự bảo tồn sự sống. Một trong ba khái niệm này, quyền lực là thứ khởi đầu trước nhất và kết thúc sau cùng. Bởi đứa trẻ có rất ít quyền lực, nó bị chi phối mạnh bởi ước vọng có nhiều quyền lực hơn. Thực vậy, một tỷ lệ lớn những hành động của đứa trẻ xuất phát từ mong ước này. Điều mong ước nổi trội khác của đứa trẻ là sự kiêu hãnh – nguyện vọng được khen thưởng và nỗi sợ bị khiển trách hoặc bị bỏ rơi. Kiêu hãnh chính là yếu tố biến đứa trẻ trở thành một cá thể xã hội và giúp cho chúng có được những đức tính cần thiết cho một cuộc sống trong một cộng đồng. Kiêu hãnh là một đề tài dễ xoắn liền với chủ đề tình dục, mặc dù trên lý thuyết nó có thể được tách rời. Theo khả năng nhận thức của tôi, trong khi quyền lực có rất ít mối quan hệ với tình dục, sự say mê quyền lực, cũng không kém gì so với lòng kiêu hãnh, khiến đứa trẻ chịu khó học tập và rèn luyện gân cốt. Tính tò mò và việc mưu cầu kiến thức, tôi nghĩ, nên được nhìn nhận như là một nhánh của tính say mê quyền lực. Nếu kiến thức là quyền lực, thì say mê kiến thức là say mê quyền lực. Bởi thế khoa học, ngoại trừ một vài nhánh của môn Sinh học và Sinh lý học, phải được nhìn nhận là nằm ngoài phạm vi của những xúc giác giới tính. Bởi Hoàng đế Frederik II không còn nữa, ý kiến này phần nào mang tính giả thuyết. Nhưng nếu ông còn sống, ông ta chắc chắn sẽ tìm được câu trả lời bằng cách thiến một nhà toán học và một nhà soạn nhạc lỗi lạc và quan sát những ảnh hưởng trong công việc của mỗi người sau đó. Tôi cho rằng hiệu ứng trong trường hợp đầu là bằng không và trong trường hợp sau là đáng kể. Bởi tính ham học là một trong những yếu tố đáng giá nhất của bản chất con người, trong trường hợp quan niệm của chúng ta là đúng đắn, thì nó tồn tại một phạm vi hành động cực kỳ quan trọng không chịu sự chi phối của tính dục.

Nếu hiểu khái niệm quyền lực theo một nghĩa rộng bao trùm, nó cũng là một động lực cơ bản cho hầu hết mọi hoạt động chính trị. Ý tôi không muốn nói rằng một chính khách lớn là một người dửng dưng với những phúc lợi chung; mà ngược lại tôi cho rằng một chính khách là một con người mà ở ông ta cảm xúc phụ tử được hình thành rất rõ nét. Nhưng nếu ông ta không có niềm đam mê quyền lực ở một mức độ đáng kể, ông ta sẽ thất bại trong việc duy trì những công việc cần thiết cho sự thành công trong hoạt động chính trị. Tôi có quen nhiều cá nhân rất minh mẫn trong làng chính trị; nhưng nếu họ không có tham vọng cá nhân ở một mức độ đáng kể, hiếm khi họ có đủ nghị lực để hoàn thành mục tiêu họ đã đề ra. Trong một sự kiện công việc mang tính quyết định, Abraham Lincoln đã phát biểu một bài diễn văn dành cho hai vị thượng nghị sĩ cứng đầu, mở đầu và kết thúc với câu nói: “Tôi là Tổng thống của Hợp Chủng Quốc Hoa Kì, mang trên mình quyền lực to lớn.” Khó mà có thể phủ nhận rằng ông ta phần nào đã cảm thấy thích thú khi khẳng định sự thực đó. Trong toàn thể hệ thống chính trị, dẫu tranh đấu cho cái tốt hay cái xấu, động cơ kinh tế và sự đam mê quyền lực là hai động lực chính; việc cố gắng làm sáng tỏ chính trị dựa trên những nguyên lý của Freud theo tôi là một sai lầm.

Nếu chúng ta có lý trong những điều chúng ta vừa đưa ra, phần lớn những con người vĩ đại nhất, trừ trường hợp của những nghệ sĩ, được thúc đẩy trong những hoạt động trọng đại của họ bởi những động lực không liên quan gì tới tình dục. Nếu trong tương lai những thành tựu tương tự vẫn được thực hiện và trở lên phổ biến dưới những hình thức khiêm tốn hơn, thì tính dục nhất định không được phép làm lu mờ phần còn lại của đời sống cảm xúc và bản tính sôi nổi của con người. Lòng khao khát hiểu biết và ước vọng cải thiện thế giới là hai động cơ của sự tiến bộ, không có chúng thì xã hội con người sẽ đứng yên tại chỗ hoặc đi giật lùi. Có thể hạnh phúc quá trọn vẹn thậm chí sẽ làm yếu đi những thôi thúc tiến tới sự hiểu biết và cải tổ. Khi Richard Cobden(9) muốn kéo John Bright(10) về phe mình trong cuộc vận động cho tự do thương mại, ông đã dùng lời lẽ riêng tư dựa trên nỗi buồn của Bright về việc người vợ mới quá cố. Có lẽ nếu Bright không có nỗi mất mát riêng tư này, ông đã không có được sự thông cảm với những nỗi ưu phiền của những người khác. Qua sự tuyệt vọng trong thế giới thực tại nhiều người bị dồn vào thế đeo đuổi những ý niệm trừu tượng. Với một người có đủ nghị lực, nỗi đau có thể trở thành niềm kích thích có giá trị, và tôi cũng không phủ nhận rằng nếu tất cả chúng ta đều cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn, chúng ta sẽ không tự gắng sức để có thể trở lên hạnh phúc hơn. Nhưng tôi không chấp nhận quan niệm rằng gieo rắc nỗi đau cho những người khác thuộc về bổn phận của con người, chỉ bởi điều này mang một chút hy vọng mong manh cho một sự đơm hoa kết trái nào đó. Trong chín mươi chín của một trăm trường hợp, nỗi đau chỉ đem lại sự mục ruỗng. Trong trường hợp thứ một trăm thì tốt hơn là phó thác cho những biến động tự nhiên dành cho con người. Chừng nào còn có mất mát, khi đó vẫn còn nỗi đau, và chừng nào còn có nỗi đau, khi đó nhân rộng nỗi đau không phải là bổn phận của con người, ngay cả khi một vài sinh linh hiếm hoi biết cách biến đổi nó.

Tài liệu:

Bertrand Russell, Marriage and MoralsLiveright Paperbound Edition, 1970 ISBN 0-871 40-211-4
Bertrand Russell, Ehe und MoralVerlag Darmstädter Blätter, 2. Auflage, 1982 ISBN 3-871 39-082-8

Nguồn: Bertrand Russell, Giải phóng tính dục, Marriage and MoralsNgô Hải dịch, talawas, 31/5/2009

Chú thích:

(6) Idaho là một bang nằm ở miền Trung Tây nước Mỹ, nổi tiếng với lối sống cổ hủ.
(7) Tiếng La-tinh: từng ngày
(8) Tiếng La-tinh: từng đêm
(9) Richard Cobden, nhà hoạt động chính trị người Anh (1804-1865).
(10) John Bright, nhà hoạt động chính trị người Anh (1811-1889).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Dịch giả:
Ngô Hải