[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 2 - Cội nguồn của chủ nghĩa tự do cá nhân (Hết chương 2)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 2 - Cội nguồn của chủ nghĩa tự do cá nhân (Hết chương 2)

Các nhà kinh tế học Áo

Trong khi đó, ngay cả trong những giờ phút đen tối nhất của chủ nghĩa tự do, những nhà tư tưởng vĩ đại tiếp tục xuất hiện và tiếp tục hoàn thiện những tư tưởng của chủ nghĩa tự do. Một trong những tư tưởng gia vĩ đại nhất là Ludwig von Mises, một nhà kinh tế học người Áo chạy trốn chế độ phát xít Đức; lúc đầu, năm 1934 tới Thụy Sĩ và năm 1940 thì tới Mỹ. Tác phẩm Chủ nghĩa Xã hội (Socialism) của Mises chỉ ra rằng xã hội chủ nghĩa không thể hoạt động được vì không có sở hữu tư nhân và hệ thống giá cả thì không thể nào xác định nên sản xuất cái gì và sản xuất như thế nào. Người học trò của ông, Friedrich Hayek nói về ảnh hưởng mà cuốn Chủ nghĩa xã hội đã gây ra đối với một số nhà trí thức trẻ có triển vọng nhất trong thời gian đó như sau:

Khi cuốn Chủ nghĩa xã hội xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1922, nó đã tạo được ảnh hưởng khá sâu sắc. Từ từ, nhưng nó đã làm thay đổi một cách cơ bản quan điểm của nhiều người theo phái duy tâm trẻ, đang quay lại các trường đại học sau khi Thế chiến I kết thúc. Tôi biết vì tôi là một trong số những người đó. . . . Chủ nghĩa xã hội hứa sẽ thực hiện những hy vọng của chúng tôi về một thế giới hợp lý hơn và công bằng hơn. Thế rồi cuốn sách xuất hiện. Hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan.

Một trí thức trẻ nữa đã bị Mises làm cho mất niềm tin vào chủ nghĩa xã hội là Wilhelm Roepke, sau này được bổ nhiệm làm cố vấn trưởng cho Ludwig Erhard, Bộ trưởng Kinh tế Đức sau Thế chiến II và là kiến trúc sư trưởng của “Phép lạ kinh tế Đức” trong những năm 1950 và 1960. Một số người phải học lâu hơn. Nhà kinh tế học người Mỹ và là tác giả của những cuốn sách thuộc hàng bestsller, Robert Heilbroner, viết rằng trong những năm 1930, khi ông đang học kinh tế, thì luận cứ của Mises về sự bất khả thi của kế hoạch hóa “dường như không phải là lý do đặc biệt có sức thuyết phục để bác bỏ chủ nghĩa xã hội”.

Năm mươi năm sau, Heilbroner viết trên tờ New Yorker: “Hóa ra, tất nhiên là Mises đã đúng”. Muộn còn hơn không. Hành động con người (Human Action), kiệt tác của Mises, là một khảo luận toàn diện về kinh tế học. Đây là tác phẩm đầy đủ nhất về kinh tế học, mà Mises coi là môn khoa học về hành vi có chủ đích của con người. Ông là người kiên cường ủng hộ thị trường tự do, người chỉ ra một cách thuyết phục rằng mỗi hành động can thiệp của chính phủ vào hoạt động của thị trường đều làm cho của cải ít đi và mức sống của dân chúng nói chung sẽ suy giảm.

Người học trò của Mises, F. V. Hayek, không chỉ là một nhà kinh tế học sáng chói - ông đoạt giải Nobel năm 1974 – mà còn có thể là nhà tư tưởng xã hội vĩ đại nhất của thế kỷ này (Thế kỷ XX – ND). Các tác phẩm của ông như: Trật tự cảm giác (The Sensory Order), Cuộc cách mạng ngược của khoa học (The Counter-Revolution of Science), Hiến pháp của Tự do (The Constitution of Liberty), và cuốn Luật, Ban hành Luật, và Tự do (Law, Legislation, and Liberty) khảo sác các chủ đề khác nhau, từ tâm lý học và việc áp dụng sai các phương pháp của vật lý học vào các ngành khoa học xã hội tới pháp luật và lý thuyết chính trị. Trong tác phẩm nổi tiếng nhất với nhan đề: Đường về nô lệ (The Road to Serfdom)1, xuất bản năm 1944, ông cảnh báo các nước lúc đó  đang chiến đấu chống lại chủ nghĩa toàn trị rằng kế hoạch hóa kinh tế sẽ không dẫn tới bình đẳng mà sẽ dẫn tới hệ thống giai cấp-đẳng cấp, không dẫn tới thịnh vượng mà dẫn tới nghèo đói, không dẫn tới tự do mà dẫn tới chế độ nô lệ. Tác phẩm này đã bị các nhà khoa bảng theo đường lối xã hội chủ nghĩa và tả khuynh ở Mỹ và Anh tấn công dữ dội, nhưng có rất nhiều người mua (có lẽ đấy là một trong những lý do làm cho các tác giả của những cuốn sách hàn lâm ghen tức với nó) và đã truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi trong việc khám phá những tư tưởng của chủ nghĩa tự do cá nhân. Tác phẩm cuối cùng của Hayek, Sự tự phụ chết người (The Fatal Conceit), xuất bản năm 1988 khi ông đã gần chín mươi tuổi, trở lại với vấn đề đã chiếm phần lớn mối bận tâm về học thuật của ông: trật tự tự phát, xuất hiện từ “hành động của con người chứ không phải từ dự định của con người”. Thái độ tự phụ chết người của các nhà khoa bảng, ông nói, là họ nghĩ rằng những người thông minh có thể thiết kế một nền kinh tế hay một xã hội tốt đẹp hơn so với những tương tác rõ ràng là hỗn loạn của hàng triệu người với nhau. Các nhà khoa bảng đó không nhận thức được rằng, có rất nhiều thứ họ không biết hay thị trường tận dụng tất cả những kiến thức khu biệt của mỗi người trong chúng ta.

Những người theo trường phái tự do cổ điển cuối cùng

Một nhóm các nhà văn và nhà tư tưởng đã không để cho người ta quên những tư tưởng của chủ nghĩa tự do. H. L. Mencken được mọi người coi là nhà báo và nhà phê bình văn học, nhưng ông nghĩ rất sâu về chính trị; ông nói rằng lý tưởng của mình là “một chính phủ gần như không còn là chính phủ nữa”. Đứng trước Chính sách Kinh tế Mới và đường lối chính trị trên miệng hố chiến tranh mà Mỹ tiến hàng trong suốt thế kỷ XX, những người như Albert Jay Nock, tác giả cuốn Nhà nước, Kẻ thù của chúng ta (Our Enemy, the State), Garet Garrett, John T. Flynn, Felix Morley, và Frank Chodorov luôn luôn suy nghĩ về tương lai của của chính phủ hiến định và có quyền lực hạn chế. Henry Hazlitt, một nhà báo chuyên viết về kinh tế học là cầu nối giữa các trường phái này. Ông làm việc trong tòa soạn tờ Nation và tờ New York Times, ông còn giữ hẳn một mục trên tờ Newsweek, ông đã ca ngợi hết lời cuốn Human Action của Mises và phổ biến kiến thức về kinh tế thị trường tự do trong một cuốn sách mỏng với nhan đề Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), làm người ta nhớ tới ẩn ý của Bastiat về “những điều nhìn thấy được và những điều không nhìn thấy được”. Mencken nói về ông như sau: “Trong lịch sử loài người, ông là một trong số ít các nhà kinh tế học thực sự biết viết”.

Trong năm 1943 đen tối, giữa Thế chiến II và nạn diệt chủng Do Thái (Holocaust), trong khi chính phủ có quyền lực nhất trong lịch sử của Mỹ liên minh với một lực lượng toàn trị nhằm đánh bại một lực lượng toàn trị khác thì có ba người phụ nữ tuyệt vời xuất bản những cuốn sách có thể được coi là khởi đầu cho phong trào tự do cá nhân hiện đại. Rose Wilder Lane - con gái của Laura Ingalls Wilder, tác giả cuốn Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên (Little House on the Prairie) và những câu chuyện khác về chủ nghĩa cá nhân Mỹ - cho xuất bản một tiểu luận lịch sử làm say đắm lòng người, với nhan đề Khám phá tự do (The Discovery of Freedom). Isabel Paterson, nhà văn và nhà phê bình văn học, cho xuất bản tác phẩm Chúa của máy móc (The God of the Machine), bảo vệ chủ nghĩa cá nhân, coi đó là nguồn gốc của sự tiến bộ trên thế giới. Còn Ayn Rand thì cho xuất bản tác phẩm Suối nguồn (The Fountainhead).

Ayn Rand

Suối nguồn (The Fountainhead) là cuốn tiểu thuyết ngồn ngộn những sự kiện viết về kiến trúc và tính toàn vẹn. Đề tài chủ nghĩa cá nhân của tác phẩm không phù hợp với tinh thần thời đại và những người điểm sách đã công kích nó một cách quyết liệt. Nhưng nó đã tìm được những độc giả mà nó nhắm tới. Ban đầu doanh số có chậm, nhưng sau đó thì tăng lên nhanh chóng. Tác phẩm này nằm trong danh sách những tác phẩm bán chạy nhất của tờ New York Times trong suốt hai năm sau đó. Hàng trăm ngàn người đã đọc tác phẩm này trong những năm 1940, và cuối cùng, hàng triệu người đã đọc nó, tác phẩm này đã làm hàng ngàn độc giả tiếp tục làm quen với tư tưởng của Ayn Rand. Rand tiếp tục sáng tác và năm 1957 đã cho xuất bản một cuốn tiểu thuyết Atlas nhún vai (Atlas Shrugged), thậm chí còn thành công hơn cả cuốn trước, rồi bà thành lập hiệp hội những người chia sẻ triết lý của mình, mà bà gọi là Chủ nghĩa khách quan (Objectivism). Mặc dù triết lý chính trị của bà là chủ nghĩa tự do cá nhân, nhưng không phải tất cả những môn đồ của chủ nghĩa tự do cá nhân chia sẻ quan điểm của bà về siêu hình học, đạo đức và tôn giáo. Cách trình bày quá thẳng thắn của bà và sự sùng bái bà sau đó cũng làm một số người không thích.

Tương tự như Mises và Hayek, Rand đã chứng minh tầm quan trọng của hiện tượng nhập cư, không chỉ đối với nước Mỹ mà còn đối với chủ nghĩa tự do cá nhân nữa. Mises đã chạy trốn Đức quốc xã, Rand chạy trốn những người cộng sản, sau khi họ giành được chính quyền trên quê hương bà. Có lần, sau khi phát biểu, một người đã hỏi bà: “Tại sao chúng tôi phải quan tâm đến những điều mà một người ngoại quốc như bà nghĩ về chúng tôi?”, bà đã trả lời với lòng nhiệt tình thường thấy: “Tôi tự quyết định trở thành một người Mỹ. Còn bạn đã làm được gì, ngoài việc bạn được sinh ra ở đây?”

Hồi sinh thời hậu chiến

Chẳng bao lâu sau khi tác phẩm Atlas nhún vai, Milton Friedman, một nhà kinh tế học ở Đại học Chicago (University of Chicago) cho in tác phẩm Chủ nghĩa tư bản và tự do (Capitalism and Freedom), trong đó, ông khẳng định rằng không có tài sản tư nhân và tự do kinh tế thì cũng không thể có tự do chính trị. Friedman nổi tiếng như một nhà kinh tế học – ông nhận giải Nobel kinh tế năm 1976 – là nhờ những công trình về lý thuyết tiền tệ. Nhưng nhờ tác phẩm Chủ nghĩa tư bản và Tự Do, và mục trên tờ Newsweek mà ông giữ trong một thời gian dài và chương trình truyền hình và cuốn sách in năm 1980 với nhan đề Tự do lựa chọn (Free to Choose), ông đã trở thành người theo chủ nghĩa tự do cá nhân nổi tiếng nhất thuộc thế hệ cũ ở Mỹ.

Một nhà kinh tế học nữa, Murray Rothbard, tuy không nổi tiếng bằng, nhưng có vai trò quan trọng trong việc xây dựng cả cấu trúc lý thuyết cho tư tưởng của chủ nghĩa tự do cá nhân hiện đại cũng như phong trào chính trị, đấu tranh cho những tư tưởng đó. Rothbard đã viết một chuyên luận đồ sộ về kinh tế học với nhan đề Con người, Nền kinh tế và Nhà nước (Man, Economy, and State); một cuốn lịch sử dài bốn tập về Cách mạng Mỹ, nhan đề Hoài thai trong tự do (Conceived in Liberty); một cuốn sách giáo khoa về lý thuyết về quyền tự nhiên và tác động của nó với nhan đề Luân lý học tự do (The Ethics of Liberty); một bản tuyên ngôn của chủ nghĩa tự do cá nhân nổi tiếng nhan đề Vì một nền tự do mới (For a New Liberty); và rất nhiều những tập sách mỏng và các bài báo in trên các tạp chí và bản tin. Những người theo trường phái chủ nghĩa tự do cá nhân so sánh ông với Marx, người tạo ra lý thuyết kinh tế-chính trị tích hợp và Lenin, nhà tổ chức không mệt mỏi phong trào chính trị có tính triệt để.

Năm 1974, cùng với việc xuất bản tác phẩm Vô chính phủ, Nhà nước và Không tưởng (Anarchy, State and Utopia) của Robert Nozick, một nhà triết học thuộc đại học Harvard (Harvard University), chủ nghĩa tự do cá nhân đã bất ngờ giành được sự tôn trọng của nhiều người trong giới hàn lâm. Nozick trình bày những luận cứ thông minh và logic sắc bén nhằm ủng hộ cho các quyền và đi đến kết luận rằng:

một nhà nước tối thiểu, bị giới hạn vào trong các chức năng hẹp là bảo vệ chống lại vũ lực, trộm cắp, gian lận, thực thi hợp đồng, v.v., là biện minh được; bất kỳ nhà nước nào mở rộng hơn quy mô tối thiểu ắt sẽ vi phạm những quyền không buộc phải làm những việc nhất định của mọi người, và vì thế không biện minh được; và ý tưởng về nhà nước tối thiểu cũng truyền cảm hứng tương tự như ý tưởng về quyền vậy.

Ông kêu gọi hợp pháp hóa “những đạo luật của chủ  nghĩa tư bản giữa những người đã trưởng thành” một cách khá khôn khéo. Tác phẩm của Nozick - cùng với cuốn Vì một nền tự do mới của Rothbard và những bài tiểu luận của Rand về triết lý chính trị - trình bày những quan điểm của chủ nghĩa tự do cá nhân hiện đại, mà chủ yếu là khẳng định quy luật của Spencer về quyền tự do ngang nhau: Người ta có quyền làm tất cả những việc mà họ muốn, miễn là họ tôn trọng những quyền như thế của những người khác. Vai trò của chính phủ là bảo vệ các quyền cá nhân, không để cho những tên xâm lược nước ngoài và những tên giết người, hiếp dâm, cướp bóc, hành hung hoặc lừa gạt chúng ta. Nếu chính phủ tìm cách làm nhiều hơn thế thì nó sẽ tước đọat các quyền và quyền tự do của chúng ta.

Chủ nghĩa tự do cá nhân trong thời đại ngày nay

Chủ nghĩa tự do cá nhân đôi khi bị cáo buộc là cứng nhắc và giáo điều, nhưng trên thực tế, đấy chỉ là những nguyên tắc căn bản cho xã hội, trong đó, những con người tự do có thể sống với nhau trong hòa bình và hòa hợp, mỗi người tự làm những điều mà Jefferson gọi là “theo đuổi nghề nghiệp và cải thiện điều kiện sống theo cách riêng của mình”. Các xã hội được tạo ra trên khuôn khổ của chủ nghĩa tự do cá nhân là những xã hội năng động và sáng tạo nhất từng thấy trên trái đất, những tiến bộ chưa từng có trong khoa học, trong công nghệ, và mức sống kể từ cuộc cách mạng tự do hồi cuối thế kỷ XVIII. Trong xã hội dựa trên chủ nghĩa tự do cá nhân, lòng từ thiện lan tràn rộng khắp, đấy là kết quả của lòng bác ái của các cá nhân, không cần bất cứ sự ép buộc nào của nhà nước. 

Chủ nghĩa tự do cá nhân cũng là nền tảng năng động và sáng tạo cho hoạt động trí tuệ. Ngày nay chính tư tưởng của những người quốc gia mới là những tư tưởng cũ kĩ và mệt mỏi, trong khi những công trình nghiên cứu của những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân trong các lĩnh vực như kinh tế, pháp luật, lịch sử, triết học, tâm lý học, nữ quyền, phát triển kinh tế, quyền công dân, giáo dục, môi trường, lý thuyết xã hội, sinh học, các quyền tự do dân sự, chính sách đối ngoại, công nghệ, thời đại thông tin, và những lĩnh vực khác lại đang phát triển như vũ bão. Chủ nghĩa tự do cá nhân đã tạo lập được nền tảng cho việc nghiên cứu và giải quyết vấn đề, nhưng hiểu biết của chúng ta về tính năng động của xã hội tự do và phi tự do sẽ còn tiếp tục phát triển.

Hiện nay, sự phát triển về mặt trí tuệ của những tư tưởng của chủ nghĩa tự do cá nhân vẫn đang tiếp tục; ảnh hưởng của những tư tưởng đó cũng đang lớn dần lên, đấy là do số lượng những tờ tạp chí và những cơ sở nghiên cứu (think tank) theo đường lối của chủ nghĩa tự do cá nhân đang gia tăng một cách nhanh chóng, ngoài ra, đấy còn là do sự hồi sinh của thái độ ác cảm truyền thống của người Mỹ đối với chính phủ trung ương tập quyền và quan trọng nhất là, chính phủ lớn không thể thực hiện được những lời hứa hẹn của họ.

(Hết chương 2)

Chú thích:

(1)  F. A. Hayek, Đường về nô lệ, Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2009.

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.

 

 

 

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước