[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 2 - Cội nguồn của chủ nghĩa tự do cá nhân (Phần 4)
Hình thành thế giới tự do
Tương tự như Cách mạng Anh, giai đoạn trước cuộc Cách mạng Mỹ là giai đoạn của những cuộc tranh luận nảy lửa về ý thức hệ. Ở Mỹ thế kỷ XVIII, các tư tưởng tự do thậm chí còn áp đảo hơn cả ở Anh thế kỷ XVII. Thực vậy, có thể nói rằng, ở Mỹ, hầu như không có tư tưởng phi tự do nào, chỉ có những người theo phái tự do bảo thủ, tức là những người kêu gọi người Mỹ tiếp tục kiến nghị các quyền một cách hòa bình, tương tự như người Anh đã làm và những người theo phái tự do cấp tiến, tức là những người bác bỏ, thậm chí, ngay cả chế độ quân chủ hiến định và kêu gọi độc lập. Người theo phái tự do cấp tiến có ảnh hưởng nhất là Thomas Paine. Có thể coi Paine là người cổ động đến từ bên ngoài, là nhà truyền giáo lưu động của tự do. Pain sinh ở Anh, ông đến Mỹ để giúp tiến hành cách mạng và khi nhiệm vụ hoàn thành, ông lại vượt Đại Tây Dương để giúp người Pháp làm cách mạng.
Xã hội và chính phủ
Đóng góp lớn nhất của Paine vào sự nghiệp cách mạng là cuốn sách mỏng với nhan đề Lẽ thường (Common Sense), mà có người nói là bán được 100.000 bản trong có vài tháng, tại một đất nước lúc đó mới có 3 triệu dân. Tất cả mọi người đều đọc, người nào không biết đọc thì nghe người khác đọc trong các quán rượu và tham gia thảo luận các tư tưởng của nó. Lẽ thường không chỉ là lời kêu gọi độc lập. Tác phẩm này trình bày lý thuyết của chủ nghĩa tự do cá nhân cấp tiến về các quyền tự nhiên và nền độc lập. Trước hết, Paine phân biệt giữa xã hội và chính phủ: “Nhu cầu tạo ra xã hội, còn thói xấu của chúng ta tạo thì ra chính phủ. . . . Dù trong hoàn cảnh nào, xã hội cũng là phúc lành, còn chính phủ thì trong hoàn cảnh tốt nhất vẫn cứ là cái ác cần thiết, còn trong hoàn cảnh xấu nhất thì là các cái ác không thể nào chịu đựng nổi”. Sau đó ông lên án cội nguồn của chế độ quân chủ: “Nếu chúng ta có thể giật tung bức màn che tăm tối của thời thượng cổ . . . thì chúng ta sẽ thấy ông vua đầu tiên cũng chỉ là một tên cầm đầu lũ đầu trộm đuôi cướp, chính những hành động hung bạo và xảo quyệt đã làm cho hắn ta trở thành kẻ đứng đầu lũ trộm cướp đó”.
Trong cuốn Lẽ thường và trong những trước tác phẩm về sau, Paine phát triển tư tưởng cho rằng xã hội dân sự có trước chính phủ và nhân dân có thể tương tác một cách hòa bình nhằm xây dựng trật tự tự phát. Niềm tin của ông vào trật tự tự phát càng được củng cố khi ông thấy xã hội tiếp tục hoạt động sau khi các chính phủ thực dân bị tống cổ khỏi các thành phố và các khu định cư ở Mỹ. Trong các trước tác của mình, Paine đã kết hợp một cách tài tình lý thuyết về quyền cá nhân với phân tích mang tính thực chứng về trật tự tự phát.
Nhưng, cả Lẽ thường lẫn Của cải của các quốc gia, xuất bản năm 1776, năm đều không phải là cột mốc duy nhất trong cuộc đấu tranh vì tự do. Thậm chí đấy cũng không phải là những sự kiện quan trọng nhất trong cái năm đáng nhớ này. Vì, trong năm 1776 các thuộc địa ở Mỹ đã thông qua Tuyên ngôn Độc lập, văn kiện, có thể được coi là tác phẩm vĩ đại nhất trong lịch sử trước tác của chủ nghĩa tự do cá nhân. Thomas Jefferson (1743-1826) đã tuyên cáo với toàn thế giới quan điểm của chủ nghĩa tự do bằng những từ ngữ hùng hồn như sau:
Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng, mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng Tạo hóa đã ban cho họ một số quyền bất khả tương nhượng, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Rằng các chính phủ được lập ra là để đảm bảo cho những quyền này, chính phủ có những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân. Rằng khi một hình thức chính quyền nào đó đã trở thành nhân tố phá hoại đối với những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó.
Ảnh hưởng của những người Levellers và của John Locke là rõ ràng. Jefferson đã trình bày ngắn gọn ba điểm chính: nhân dân có những quyền tự nhiên, mục đích của chính phủ là bảo vệ những quyền này, và nếu chính phủ vượt quá những giới hạn phù hợp với nó thì nhân dân có quyền “thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó”. Do ngôn ngữ hùng hồn của ông trong việc tuyên xưng các tư tưởng tự do và vai trò – kéo dài trong suốt cuộc đời - mà ông đã thực hiện trong cuộc cách mạng tự do, làm thay đổi toàn bộ thế giới, mà nhà báo George F. Will (1941-) đã gọi Jefferson là “con người của thiên niên kỷ”. Tôi hoàn toàn đồng ý với định nghĩa đó. Nhưng cần phải ghi nhận rằng trong khi viết bản Tuyên ngôn Độc lập, Jefferson đã không trình bày được điều gì quá mới mẻ. John Adams, có thể do ghen tị với sự quan tâm quá lớn của mọi người đối với Jefferson, sau đó mấy năm đã nói: “Trong [Tuyên ngôn] không có tư tưởng nào mới, tất cả đã được bàn nát nước trong Quốc hội trước đó hai năm rồi”. Còn chính Jefferson thì nói rằng “trong khi viết đã không tham khảo bất kỳ tác phẩm nào”, mục tiêu của ông “không phải là tìm những nguyên tắc mới hay luận cứ mới” mà chỉ là “diễn đạt suy nghĩ và tình cảm của người Mỹ mà thôi”. Những tư tưởng được trình bày trong Tuyên ngôn, ông nói, là “tình cảm của ngày đó, được thể hiện trong khi nói chuyện, trong thư từ, trong các bài tiểu luận hay trong những cuốn sách đơn giản viết về quyền nói chung”. Ở Mỹ, những tư tưởng tự do đã giành được chiến thắng cực kỳ vang dội.
Giới hạn chính phủ
Sau chiến thắng trong cuộc chiến tranh giành độc lập, người Mỹ bắt tay vào thực hiện những tư tưởng mà những người theo phái tự do ở Anh đã phát triển trong suốt thế kỷ XVIII. Nhà sử học nổi tiếng ở trường đại học Harvard (Harvard University), Bernard Bailyn, viết trong tiểu luận, xuất bản năm 1973, với nhan đề Những chủ đề chủ yếu của cuộc Cách mạng Mỹ (The Central Themes of the American Revolution) như sau:
Những tư tưởng quan trọng nhất của chủ nghĩa tự do cá nhân cấp tiến thế kỷ XVIII đã biến thành hiện thực. Thứ nhất, niềm tin cho rằng quyền lực là xấu, có thể là cần thiết, nhưng là sự cần thiết xấu xa; quyền lực dẫn đến tha hóa bất tận; và nó phải bị kiểm soát, bị giới hạn và ngăn chặn bằng tất cả những biện pháp, phù hợp với mức độ tối thiểu của trật tự dân sự. Những bản hiến pháp thành văn, phân chia quyền lực, dự luật về quyền (bills of rights) và những hạn chế đối với cả hành pháp, lập pháp và tòa án; hạn chế quyền ép buộc và khởi sự chiến tranh – tất cả đều thể hiện sự bất tín nhiệm sâu sắc đối với quyền lực, vốn là trung tâm tư tưởng của cuộc Cách mạng Mỹ và từ đó trở đi, đây vẫn là di sản không bao giờ phai mờ của chúng ta.
Hiến pháp của Mỹ được xây dựng trên những tư tưởng của Tuyên ngôn độc lập nhằm thiết lập chính phủ thích hợp với dân tộc tự do. Nền tảng của nó là nguyên tắc: các cá nhân có quyền tự nhiên trước khi chính phủ được thành lập và tất cả quyền lực của chính phủ là do các cá nhân trao cho để bảo vệ các quyền của họ. Trên cơ sở nhận thức như thế, những người chấp bút bản Hiến pháp này đã không thiết lập cả chế độ quân chủ lẫn chế độ dân chủ vô giới hạn, tức là chế độ dân chủ với quyền lực vô giới hạn, chỉ bị hạn chế bởi những cuộc bỏ phiếu của người dân. Thay vào đó, họ đã liệt kê một cách cẩn thận (Điều I, Mục 8) các quyền của chính phủ liên bang. Bản Hiến pháp này – lý thuyết gia và kiến trúc sư của nó là James Madison, người bạn, đồng thời là người hàng xóm của Jefferson – đúng là một cuộc cách mạng thật sự vì đã lập nên chính phủ với những quyền lực được người dân ủy quyền, được liệt kê một cách rõ ràng và vì vậy mà cũng là quyền lực hạn chế.
Khi có người đề xuất Tuyên ngôn nhân quyền (Bill of Rights), nhiều người trong số những người chấp bút bản Hiến pháp cho rằng không cần thiết, vì những quyền được liệt kê đã giới hạn đến nỗi chính phủ không thể can thiệp vào quyền của các cá nhân. Cuối cùng, người ta quyết định đưa thêm Dự luật nhân quyền vào, theo lời của Madison là “để cho thật sự chắc ăn”. Sau khi đã liệt kê những quyền đặc biệt trong tám tu chính án đầu tiên, Quốc hội khóa đầu tiên còn đưa vào thêm hai tu chính án nữa, tức là hai tu chính án tóm tắt toàn bộ cơ cấu của chính phủ liên bang vừa được thành lập: Tu chính án Thứ chín như sau: “Một số quyền được liệt kê trong Hiến pháp không được diễn giải nhằm phủ nhận hoặc coi thường những quyền khác được nhân dân giữ lại”. Tu chính án Thứ mười như sau: “Những quyền không được Hiến pháp giao cho Hợp Chúng Quốc và các bang không bị Hiến pháp cấm thì thuộc quyền của các bang hay thuộc quyền của nhân dân”. Một lần nữa, ở đây ta lại thấy những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa tự do: nhân dân đã có các quyền trước khi họ lập ra chính phủ, họ giữ lại những quyền mà họ không giao cho chính phủ một cách dứt khoát, và chính phủ liên bang không có những quyền được ghi một cách rõ ràng trong Hiến pháp.
Ở cả Mỹ và châu Âu, thế kỷ sau cuộc Cách mạng Mỹ là thế kỷ truyền bá chủ nghĩa tự do. Các bản hiến pháp thành văn và các dự luật nhân quyền đều nhằm bảo vệ quyền tự do và bảo đảm chế độ pháp quyền. Nói chung, các phường hội và các công ty độc quyền đều đã bị xóa sổ, tất cả các ngành đều để ngỏ cho cạnh tranh, trên cơ sở chất lượng. Tự do báo chí và tự do tôn giáo, nói chung, được mở rộng, quyền sở hữu được bảo đảm hơn, thương mại quốc tế được tự do.
Các quyền dân sự
Chủ nghĩa cá nhân, các quyền tự nhiên và thị trường tự do đương nhiên là đã dẫn đến công tác tuyên truyền cho việc đưa những quyền dân sự và chính trị tới cho những người chưa được tự do, cũng như chưa có quyền lực – chủ yếu là những người nô lệ, nông nô và phụ nữ. Tổ chức bài trừ chế độ nô lệ lần đầu tiên trên thế giới được thành lập ở Philadelphia vào năm 1775, chế độ nô lệ và nông nô ở phương Tây đã bị bãi bỏ trong vòng một trăm năm sau đó. Trong những cuộc tranh luận ở Nghị viện Anh về việc đền bù cho những chủ nô vì số “tài sản” mà họ bị mất, một người theo phái tự do cá nhân, Benjamin Pearson, đã trả lời rằng ông “nghĩ là chính những người nô lệ phải được đền bù”. Năm 1775, tờ Pennsylvania Journal của Thomas Paine đã đăng những lời kêu gọi bảo vệ quyền phụ nữ khuấy động lòng người. Ở Anh, năm 1792, bà Mary Wollstonecraft, một người bạn của Paine và những người theo phái tự do khác, cho xuất bản cuốn Biện hộ cho những quyền của phụ nữ (A Vindication of the Rights of Woman). Hội nghị phụ nữ đầu tiên được tổ chức ở Mỹ vào năm 1848, khi phụ nữ bắt đầu đòi hỏi những quyền tự nhiên mà đàn ông da trắng đã đòi vào năm 1776 thì cũng là lúc người ta bắt đầu đòi những quyền đó cho người da đen. Nói theo ông Henry Sumner Maine (1822-1888), một nhà sử học người Anh, thì thế giới đang chuyển từ xã hội của địa vị sang xã hội của hợp đồng.
Những người theo phái tự do còn đấu tranh chống lại bóng ma lúc nào cũng hiện diện: Chiến tranh. Ở Anh, Richard Cobden và John Bright khẳng định không mệt mỏi rằng thương mại tự do sẽ gắn kết người dân của các dân tộc khác nhau một cách hòa bình và làm giảm khả năng xảy ra chiến tranh. Những giới hạn mới đối với chính phủ và thái độ hoài nghi ngày càng gia tăng của xã hội đối với nhà cầm quyền làm cho các nhà lãnh đạo chính trị khó can thiệp vào công việc của các nước khác và khó gây chiến hơn. Sau những rối loạn do Cách mạng Pháp gây ra và sau thất bại chung cuộc của Napoleon vào năm 1815, phần lớn nhân dân châu Âu đều được hưởng một nền hòa bình tương đối trong suốt một thế kỷ. Chỉ có vài trường hợp ngoại lệ là cuộc chiến tranh ở Crimea và những cuộc chiến tranh vì thống nhất dân tộc.
Thành quả của chủ nghĩa tự do
Công cuộc giải phóng sức sáng tạo của con người đã tạo ra tiến bộ đáng ngạc nhiên về khoa học và của cải. Tờ tạp chí Nation, lúc đó là tờ tạp chí theo đường lối tự do thực sự, trong khi nhìn lại, năm 1900, đã viết: “Sau khi được giải thoát khỏi sự can thiệp làm người ta bực mình của các chính phủ, người dân đã dành hết sức lực của mình cho việc giải quyết những nhiệm vụ thực sự của họ - cải thiện điều kiện sống, với những thành quả tuyệt vời như chúng ta đang thấy hiện nay”. Không thể kể ra hết được những tiến bộ công nghệ của thế kỷ XIX: động cơ hơi nước, đường xe lửa, điện báo, điện thoại, điện và động cơ đốt trong. Nhờ quá trình tích lũy tư bản và “phép mầu của lãi suất kép” ở châu Âu và Mỹ mà rất nhiều người đã bắt đầu được giải thoát khỏi công việc lao động nặng nề vốn là điều kiện sống tự nhiên của nhân loại từ xa xưa. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm và tuổi thọ trung bình gia tăng chưa từng thấy. Vào năm 1800, nhìn lại quá khứ, người ta sẽ thấy, đối với đa phần nhân loại, thế giới chẳng thay đổi bao nhiêu trong suốt cả ngàn năm; nhưng đến năm 1900, thế giới đã thay đổi đến mức khó nhận ra.
Tư tưởng tự do tiếp tục phát triển trong suốt thế kỷ XIX. Jeremy Bentham đưa ra lý thuyết công lợi, tức là tư tưởng cho rằng chính phủ phải thúc đẩy “hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất”. Mặc dù cơ sở triết học của lý thuyết này khác với cơ sở triết học của các quyền tự nhiên, nhưng nói chung, Bentham vẫn rút ra những kết luận tương tự về chính phủ hạn chế và thị trường tự do. Alexis de Tocqueville đến Mỹ để nghiên cứu cách thức hoạt động của xã hội tự do và trong giai đoạn từ năm 1834 đến 1840 đã cho xuất bản tác phẩm kể lại những điều ông quan sát được với nhan đề Chế độ dân chủ ở Mỹ1 (Democracy in America). John Stuart Mill xuất bản tác phẩm Bàn về tự do2 (On Liberty) – biện hộ mạnh mẽ cho quyền tự do cá nhân - vào năm 1859. Năm 1851, Herbert Spencer, một nhà bác học lỗi lạc – hiện nay tác phẩm của ông bị người ta lờ đi và thường bị xuyên tạc một cách bất công – cho xuất bản tác phẩm Thống kê xã hội (Social Statics), trình bày “luật về quyền tự do như nhau” của ông. Tác phẩm này là lời tuyên bố rõ ràng và khá sớm cương lĩnh của chủ nghĩa tự do cá nhân hiện đại. Nguyên tắc mà Spencer quảng bá là: “Mỗi người đều có thể đòi quyền tự do đầy đủ nhất, nhằm thể hiện tất cả năng lực của mình, với điều kiện là không cản trở quyền tự do tương tự như thế của những người khác”. Spencer nhấn mạnh rằng “luật về quyền tự do như nhau hiển nhiên là được áp dụng cho tất cả mọi người – cả phụ nữ lẫn đàn ông”. ông còn phát triển những lời phê phán chiến tranh của phái tự do cổ điển nhằm phân biệt giữa hai kiểu xã hội: xã hội công nghiệp, nơi người dân sản xuất và buôn bán trong hòa bình và tự nguyện tham gia vào các hiệp hội và xã hội quân phiệt, trong đó chiến tranh giữ thế thượng phong và chính phủ kiểm soát đời sống của các thần dân nhằm thực hiện những mục tiêu của mình.
Trong thời kì vàng son của mình, nước Đức đã sản sinh ra những người cầm bút vĩ đại theo trường phái tự do, như Goethe và Schiller và những nhà bác học và triết gia có những đóng góp to lớn vào tư tưởng tự do như Immanuel Kant và Wilhelm von Humboldt. Kant nhấn mạnh quyền tự chủ của cá nhân và tìm cách xác lập các quyền và quyền tự do cá nhân trên cơ sở những đòi hỏi của chính lý trí. Ông kêu gọi phải có “một bản hiến pháp hợp pháp, tức là bản hiến pháp bảo đảm cho mỗi người quyền tự do trong khuôn khổ của pháp luật, sao cho mỗi người đều được tự do tìm kiếm hạnh phúc theo cách mà người đó cho là tốt nhất, với điều kiện là người đó không vi phạm quyền tự do và những quyền hợp pháp của những người đồng bào của mình”. Trong tác phẩm đã trở thành kinh điển, với nhan đề Lĩnh vực và trách nhiệm của chính phủ (The Sphere and Duties of Government, - có ảnh hưởng mạnh tới tác phẩm Bàn về tự do của Mill, Humboldt khẳng định rằng sự phát triển toàn diện của cá nhân đòi hỏi không chỉ tự do mà còn đòi hỏi “sự đa dạng của hoàn cảnh”, ý ông muốn nói đến sự đa dạng của hoàn cảnh và điều kiện sống – thuật ngữ hiện đại gọi là “lối sống khác nhau” - mà người dân có thể thường xuyên thử và lựa chọn. Hồi đầu thế kỷ, Benjamin Constant, người Pháp, là người theo trường phái tự do nổi tiếng nhất châu lục. “Ông yêu tự do cũng như những người khác yêu quyền lực vậy”, một người đương thời nói như thế. Tương tự như Humboldt, Benjamin Constant coi tự do là hệ thống, trong đó, người dân có thể phát hiện và phát triển cá tính và quyền lợi của mình một cách tốt nhất. Trong tiểu luận quan trọng của mình, ông so sánh ý nghĩa của tự do trong các nước cộng hòa cổ đại – tham gia một cách bình đẳng vào đời sống xã hội – với tự do trong thời hiện đại – tự do nói, viết, sở hữu tài sản, buôn bán và theo đuổi quyền lợi riêng tư của cá nhân mình. Chiến hữu của Constant, Madame de Stael, một tiểu thuyết gia, có thể được nhiều người biết đến nhất vì đã nói: “Tự do đã cũ, chế độ chuyên chế là mới”, ám chỉ nỗ lực của những người ủng hộ chế độ chuyên chế nhằm tước đoạt những quyền tự do đã giành được với giá đắt và đã được ghi trong những bản tuyên ngôn trong thời Trung cổ.
Một người Pháp nữa theo phái tự do là Frederic Bastiat, ông là một người nhiệt tình ủng hộ thương mại tự do trong Quốc hội và viết nhiều tiểu luận dí dỏm và thẳng thắn tấn công nhà nước và tất cả những hành động của nhà nước. Bài tiểu luận cuối cùng của ông với nhân đề Cái thấy được và cái không thấy được (What Is Seen and What Is Not Seen) đưa ra một quan điểm thấu triệt quan trọng về tất cả những việc chính phủ làm – xây cầu, trợ cấp cho nghệ thuật, trả lương hưu – đều có những hậu quả rõ ràng và đơn giản. Tiền được lưu thông, có thêm công ăn việc làm và nhân dân nghĩ rằng chính phủ làm cho kinh tế phát triển. Nhiệm vụ của nhà kinh tế học là nhìn thấy những cái không dễ nhìn thấy như thế - nhà không được xây dựng, quần áo không được mua, công ăn việc làm không có – vì thuế khóa mà những người đáng lẽ sẽ tự mình sử dụng những đồng tiền đó đã bị thu hết. Trong tác phẩm Luật pháp (The Law), ông tấn công khái niệm “cướp bóc hợp pháp”, theo đó nhân dân dùng chính phủ nhằm tước đoạt thành quả lao động của những người khác. Còn trong tác phẩm Thỉnh nguyện thư của những người làm nến phản đối sự cạnh tranh của mặt trời (The Petition of the Candlemakers against the Competition of the Sun), bằng cách giả đò thay mặt những người làm nến muốn Quốc hội che mặt trời vì mặt trời làm cho người dân không sử dụng nến vào ban ngày, ông chế nhạo các nhà công nghiệp Pháp muốn được bảo vệ khỏi cạnh tranh. Đây là tác phẩm chế nhạo từ rất sớm những đạo luật “chống bán phá giá”.
Dĩ nhiên là những người theo phái tự do cá nhân là những người dẫn dắt phong trào đòi bãi bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ. Những người lãnh đạo phong trào đòi bãi bỏ chế độ nô lệ gọi chế độ này là “ăn cắp người”, vì nó phủ nhận quyền sở hữu của con người đối với thân thể của mình và ăn cắp chính cái tôi của con người. Luận cứ của họ tương tự như luận cứ của những người Levellers và John Locke. William Lloyd Garrison viết rằng, mục tiêu của ông không chỉ là bãi bỏ chế độ nô lệ mà là “giải phóng toàn bộ giống người khỏi sự cai trị của con người, khỏi tình trạng nô lệ của cái tôi, khỏi sự cai trị của sức mạnh bạo ngược”. Một người đòi bãi bỏ chế độ nô lệ nữa là Lysander Spooner, ông này sử dụng những luận cứ của quyền tự nhiên để chống lại chế độ nô lê và đi đến kết luận rằng, không có bất kỳ hợp đồng nào, kể cả Hiến pháp, mà người đó không tự mình ký trước đó, có thể trở thành cơ sở để người đó từ bỏ những quyền tự nhiên của mình. Tương tự như vậy, Frederick Douglass đã đưa ra những luận cứ ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lệ trên cơ sở của chủ nghĩa tự do cổ điển: quyền tự chủ và quyền tự nhiên.
(Còn nữa)
Chú thích:
(1) Alexis De Tocqueville, Nền dân trị Mỹ, Phạm Tòan dịch, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2008.
(2) John Stuart Mill, Bàn về tự do, Nguyễn Văn Trọng dịch, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2007.
Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.