[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 2 - Cội nguồn của chủ nghĩa tự do cá nhân (Phần 5)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 2 - Cội nguồn của chủ nghĩa tự do cá nhân (Phần 5)

Thoái trào của chủ nghĩa tự do

Đến cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tự do cổ điển bắt đầu nhường chỗ cho những hình thức mới của chủ nghĩa tập thể và quyền lực của nhà nước. Làm sao lại xảy ra chuyện đó, nếu chủ nghĩa tự do đã thành công đến như thế - giải phóng biết bao nhiêu người khỏi gánh nặng của chủ nghĩa quốc gia và giải phóng những lực lượng dẫn đến sự cải thiện vô tiền khoáng hậu mức sống của người dân? Câu hỏi này đã làm đau đầu những người theo phái tự do và phái tự do cá nhân trong suốt thế kỷ XX.

Một trong những vấn đề là những người theo phái tự do đã trở nên lười biếng, họ đã quên lời cảnh báo của Jefferson “cảnh giác thường trực là cái giá của tự do” và nghĩ rằng chủ nghĩa tự do đã mang tới sự hài hòa xã hội và giàu có như vậy cũng có nghĩa là không ai còn muốn tái lập trật tự cũ nữa. Một số nhà khoa bảng theo phái tự do còn làm cho người ta có cảm tưởng rằng chủ nghĩa tự do là hệ thống đã hoàn bị, không thể làm được việc gì hay ho. Chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là nhánh Marxist, xuất hiện với một lý thuyết mới cần phải phát triển, đã lôi cuốn được nhiều nhà khoa bảng thuộc thế hệ trẻ hơn.

Cũng có thể là người ta đã quên mất rằng, xây dựng xã hội thịnh vượng là công việc khó khăn đến mức nào. Người Mỹ và người Anh sinh ra trong nửa sau thế kỷ XIX bước vào thế giới đang cải thiện rất nhanh về của cải, công nghệ và mức sống; họ không biết rằng thế giới không phải bao giờ cũng như thế Và, thậm chí, ngay cả những người hiểu rằng ngày xưa thế giới khác hẳn cũng có thể đã nghĩ rằng vấn đề nghèo khó trước đây đã được giải quyết rồi. Không cẩn phải bảo vệ những thiết chế đã giúp giải quyết vấn đề đó nữa.

Một vấn đề có liên quan nữa: Trong khi thảo luận, người ta đã tách sản xuất ra khỏi phân phối. Trong thế giới dư thừa, người ta bắt đầu coi sản xuất là đương nhiên và bắt đầu thảo luận “vấn đề phân phối”. Nhà triết học vĩ đại Friedrich Hayek đã nói trong một cuộc phỏng vấn như sau:

Cá nhân tôi tin rằng lý do dẫn các nhà khoa bảng, đặc biệt là trong thế giới nói tiếng Anh, đến với chủ nghĩa xã hội là ông John Stuart Mill, người vốn được coi là anh hùng của chủ nghĩa tự do cổ điển. Trong cuốn sách giáo khoa Những nguyên lí của môn kinh tế chính trị học (Principles of Political Economy) nổi tiếng, xuất bản 1848 và là cuốn sách giáo khoa được nhiều người sử dụng trong hàng chục năm, trong khi chuyển từ lý thuyết về sản xuất sang lý thuyết về phân phối, ông viết như sau: “Một khi đã có đồ vật thì người ta, từng người hoặc theo lối tập thể, có thể làm với chúng mọi thứ mà họ thích”. Nhưng nếu đúng như thế thì tôi công nhận rằng trách nhiệm đạo đức hiển nhiên là theo dõi để tài sản được phân phối một cách công bằng. Nhưng không đúng, vì nếu chúng ta làm với sản phẩm đó tất cả những gì chúng ta muốn thì người dân sẽ không bao giờ còn làm ra những sản phẩm đó nữa.

Ngoài ra, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, người ta nghi ngờ thái độ chấp nhận cảnh nghèo đói. Trước cuộc Cách mạng Công nghiệp, tất cả mọi người đều nghèo, không có vấn đề gì phải nghiên cứu hết. Chỉ sau khi đa phần dân chúng đã trở thành giàu có – theo tiêu chuẩn của lịch sử - thì người ta mới bắt đầu tự hỏi, vì sao một số người vẫn nghèo. Do đó, Charles Dickens than thở về lao động của trẻ em, thực ra lúc đó đã giảm nhiều và nhờ thế mà nhiều đứa trẻ đã sống sót, trong khi từ thời xa xưa phần lớn trẻ em đã chết vì lao động cực nhọc; và Karl Marx trình bày một tầm nhìn về thế giới hoàn toàn tự do và dư thừa. Trong khi đó, thành công của khoa học và kinh doanh đã dẫn đến ý nghĩ là các kỹ sư và giám đốc điều hành của công ty có thể thiết kế và điều hành toàn bộ xã hội như thể một công ty to lớn vậy.

Khẳng định theo lối công lợi của Bentham và Mill về “hạnh phúc nhiều nhất cho nhiều người nhất” làm cho một số học giả bắt đầu nghi ngờ đòi hỏi phải có chính phủ hạn chế và bảo vệ các quyền cá nhân. Nếu cái chính là tạo ra thịnh vượng và hạnh phúc thì tại sao lại phải vòng vo về bảo vệ các quyền? Tại sao không nhắm trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng cho nhiều người hơn? Một lần nữa, người ta đã quên mất khái niệm về trật tự tự phát, họ lờ đi những vấn đề của sản xuất, và tìm cách xây dựng những chương trình nhằm hướng dẫn nền kinh tế đi theo hướng đã được lựa chọn về mặt chính trị.

Tất nhiên, chúng ta không được lờ đi cái ước muốn đè đầu cưỡi cổ người khác từ xa xưa. Một số người đã quên mất nguồn gốc của tiến bộ kinh tế, tự do và sung túc làm rạn nứt gia đình và cộng đồng cũng làm cho một số người tiếc nuối, một số người khác thì thực sự tin rằng chủ nghĩa Marx có thể làm cho mọi người thịnh vượng và tự do mà không phải là việc trong những nhà máy tốt tăm và vất vả. Nhưng có nhiều kẻ lại sử dụng những tư tưởng này làm phương tiện tranh giành quyền lực. Vì Thiên Tử không còn thuyết phục được người dân từ bỏ quyền tự do và quyền sở hữu của họ, cho nên những kẻ tìm kiếm quyền lực lại sử dụng chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bình quân, thành kiến sắc tộc, đấu tranh giai cấp hay những lời hứa hẹn mù mờ rằng nhà nước sẽ giải quyết mọi vấn đề.

Đến giai đoạn chuyển tiếp giữa thế kỷ XIX và thế kỷ XX, một số người theo chủ nghĩa tự do còn lại đã mất hết hy vọng vào tương lai. Tờ Nation tung ra bài xã luận nói rằng “sự sung túc về vật chất đã làm lóa mắt thế hệ hiện nay, họ không còn biết nó từ đâu ra nữa” và thể hiện sự lo lắng cho rằng “nhất định sẽ xảy ra những cuộc chiến tranh quốc tế khủng khiếp trước khi người ta từ bỏ [chủ nghĩa quốc gia]”. Herbert Spencer xuất bản tác phẩm Chế độ nô lệ đang đến gần (The Coming Slavery) và trước khi chết, năm 1903, đã than thở rằng thế giới đang trở về với chiến tranh và tình trạng dã man.

Thực vậy, đúng như những người theo phái tự do lo sợ, thế kỷ hòa bình ở châu Âu, bắt đầu từ nhăm 1815, đã chấm dứt cùng với Thế chiến I. Lý do chính là chủ nghĩa quốc gia và tinh thần dân tộc chủ nghĩa đã thế chỗ cho chủ nghĩa tự do và cuộc chiến tranh này là đòn giáng chí tử vào chủ nghĩa tự do. Nhằm đối đầu với chiến tranh, các chính phủ ở Mỹ và châu Âu đã mở rộng lĩnh vực hoạt động và quyền lực của mình. Thuế khóa cắt cổ, cưỡng bách tòng quân, kiểm duyệt, quốc hữu hóa và kế hoạch hóa tập trung – chưa nói tới 10 triệu người chết trên chiến trường Flanders, trên chiến trường Verdun và những nơi khác – là tín hiệu rõ ràng rằng chủ nghĩa tự do, tức là thời đại vừa mới bước lên vũ đài nhằm thế chỗ cho trật tự cũ đã bị thời đại của siêu nhà nước choán chỗ.

Sự vùng lên của phong trào tự do cá nhân trong thời hiện đại

Trong suốt Giai đoạn Tiến bộ (Progressive Era), Thế chiến I, Chính sách Kinh tế Mới (New Deal) và Thế chiến II, nhiều nhà khoa bảng Mỹ đã nhiệt liệt tin vào chính phủ lớn. Herbert Croly, biên tập viên chính của tờ New Republic, viết trong cuốn Triển vọng của cuộc sống Mỹ (The Promise of American Life) rằng triển vọng sẽ được thỏa mãn “không phải bằng … quyền tự do kinh tế mà bằng mức độ kỷ luật nhất định, không phải bằng sự thỏa mãn một cách thừa mứa những ước muốn của cá nhân mà bằng sự tuân phục và sự hy sinh cá nhân ở mức độ cao”. Nhiều nhà báo “tiến bộ” và các nhà khoa bảng Mỹ cũng không cảm thấy ghê tởm trước chủ nghĩa tập thể đáng sợ đang bắt đầu xuất hiện ở châu Âu. Anne O'Hare McCormick viết trên tờ New York Times trong những tháng đầu tiên của chính sách Kinh tế Mới của Franklin Roosevelt như sau:

Bầu không khí [ở Washington] làm người ta nhớ lại Rome những tuần đầu tiên sau cuộc duyệt binh của bọn Áo đen, nhớ lại Moskva trong giai đoạn đầu của Kế hoạch năm năm… Một cái gì đó còn xác thực hơn hẳn sự mặc nhận đã trao cho Tổng thống quyền lực của một nhà độc tài. Quyền lực này là món quà miễn phí, tương tự như quyền lực mà người ta đồng thuận trao cho người được ủy quyền. . . . Nước Mỹ hiện nay đang đòi hỏi mệnh lệnh theo đúng nghĩa đen của từ này . . . Ông chủ Nhà Trắng hiện nay không chỉ có quyền lực nhiều hơn hẳn bất kỳ người tiền nhiệm nào khác, mà còn đứng đầu chính phủ nắm được nhiều quyền kiểm soát đối với nhiều hoạt động riêng tư hơn tất cả các chính phủ Mỹ từ trước tới nay. . . . [Chính quyền của Tổng thống Roosevelt] muốn thành lập một liên minh giữa ngành công nghiệp, lực lượng lao động và chính phủ theo mô hình nhà nước phường hội ở Italy.

Mặc dù một ít người theo phái tự do – nổi bật nhất là nhà báo H. L. Mencken - vẫn công khai phê phán, nhưng thực tế là giới khoa bảng nói chung và dân chúng đã im lặng đi theo xu hướng dẫn tới chính phủ lớn. Thành công rõ rệt của chính phủ trong việc giải quyết cuộc Đại khủng hoảng và chiến thắng trong Thế chiến II cũng thúc đẩy quan điểm cho rằng chính phủ có thể giải quyết được mọi vấn đề. Mãi khoảng hai mươi lăm năm sau khi chiến tranh kết thúc, tình cảm chống lại nhà nước quá khổ mới bắt đầu trở thành phổ biến.

(Còn nữa)

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press. 

 

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước