[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 1 - Chủ nghĩa tự do cá nhân đang đến gần (Hết chương 1)
Nhận xét về các nhãn hiệu: Tại sao lại là “Người theo chủ nghĩa tự do cá nhân”?
Một số người nói rằng họ không thích các nhãn hiệu. Nói cho cùng, mỗi người chúng ta là một thực thể quá phức tạp, không thể dán nhãn bằng một từ, dù đấy có là từ đen hay trắng, đồng tính hay tự nhiên, giàu hay nghèo, hoặc bằng thuật ngữ chính trị như xã hội, phát xít, tự do khai phóng, bảo thủ, hay tự do cá nhân. Nhưng nhãn hiệu cũng có ích, nó giúp chúng ta có được khái niệm chung, tiết kiệm từ ngữ, và nếu niềm tin của chúng ta là nhất quán và mạch lạc thì có khả năng là nhãn hiệu mô tả được nó. Dù sao mặc lòng, nếu bạn không dán nhãn cho triết lý hay phong trào của bạn thì người khác cũng sẽ dán nhán cho nó. (Đấy chính là cách mà hệ thống sáng tạo và tiến bộ của loài người trong những điều kiện của thị trường tự do được gọi là “chủ nghĩa tư bản” – thuật ngữ ám chỉ việc tích lũy tiền bạc, mà nền kinh tế nào cũng làm. Karl Marx, kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa tư bản, đã gán cho hệ thống này cái tên đó). Vì vậy mà tôi sẽ sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa tự do cá nhân” để mô tả triết lý chính trị của tôi và phong trào thúc đẩy triết lý đó.
Tại sao người ta lại chọn thuật ngữ rắc rối “chủ nghĩa tự do cá nhân” để mô tả triết lý chính trị này? Từ này có quá nhiều âm tiết. Có thể là một lựa chọn không thật phù hợp. Nhưng có lý do về mặt lịch sử trong việc chọn từ này.
Có thể tìm thấy những thành tố của chủ nghĩa tự do cá nhân trong trước tác của triết gia cổ đại Trung Quốc là Lão Tử cũng như trong những khái niệm luật pháp của người Hy Lạp hay người Do Thái cổ đại. Trong thế kỷ XVII, những tư tưởng của chủ nghĩa tự do cá nhân đã được thể hiện dưới hình thức hiện đại trong các trước tác của những người theo phái Leveller và John Locke. Ở Anh, hồi giữa thế kỷ XVII, người ta đã bắt đầu gọi những người chống lại quyền lực của hoàng gia là Whigs hay đơn giản là đối lập hoặc trí thức nhà quê (đối lập với cung đình).
Trong những năm 1820, những người đại diện cho giai cấp trung lưu trong Nghị viện Tây Ban Nha bắt đầu được gọi là những người tự do (Liberates). Họ đấu tranh với những người chủ nô (Serviles), đại diện cho quý tộc và chế độ quân chủ chuyên chế. Đáng tiếc là, thuật ngữ Serviles, để chỉ những người ủng hộ quyền lực nhà nước đối với cá nhân, không tồn tại được lâu. Nhưng từ tự do (liberal), để chỉ những người bảo vệ tự do và chế độ pháp quyền, thì lan ra rất nhanh. Đảng Whig (Whig Party) được gọi là Đảng tự do (Liberal Party). Hiện nay người ta gọi triết lý của John Locke, Adam Smith, Thomas Jefferson và John Stuart Mill là chủ nghĩa tự do (liberalism).
Nhưng vào khoảng năm 1900, thuật ngữ người theo phái tự do (liberal) đã có thay đổi. Những người ủng hộ chính phủ to lớn và muốn hạn chế, cũng như kiểm soát thị trưởng bắt đầu tự gọi mình là những người theo phái tự do. Joseph Schumpeter, một nhà kinh tế học, nhận xét: “Một lời ca tụng tột đỉnh, dù là không cố tình, kẻ thù của hệ thống kinh doanh tư nhân cho là khôn ngoan khi tự dán cho mình nhãn hiệu đó”. Vì vậy mà hiện nay chúng ta gọi triết lý của quyền tự do cá nhân, thị trường tự do và chính phủ có quyền lực hạn chế, tức là triết lý của Locke, Smith và Jefferson là chủ nghĩa tự do cổ điển.
Nhưng chủ nghĩa tự do cổ điển không phải là danh xưng phù hợp với triết lý chính trị hiện đại. Từ “cổ điển” nghe có vẻ cũ kĩ, lỗi thời và cứng nhắc. (Ngoài ra, trong giai đoạn mù mờ về lịch sử như hiện nay, nếu bạn tự gọi mình là người theo trường phái tự do cổ điển thì nhiều người sẽ nghĩ rằng bạn là người say mê Teddy Kennedy. Một số người ủng hộ tư tưởng chính phủ có quyền lực hạn chế bắt đầu sử dụng danh xưng của những kẻ thù cũ của mình là “bảo thủ”. Nhưng hiểu đúng, chủ nghĩa bảo thủ nếu không có nghĩa là bảo vệ chế độ quân chủ chuyên chế và trật tự cũ thì ít nhất cũng là không muốn thay đổi và muốn giữ nguyên hiện trạng. Sẽ là kì quặc khi gọi chủ nghĩa tư bản thị trường tự do – một hệ thống tiến bộ, năng động và luôn luôn thay đổi mà thế giới từng biết – là hệ thống bảo thủ. Edward H. Crane từng đề nghị các môn đồ của Locke và Smith tự gọi mình là “những người theo phái tự do thị trường” (market liberals), giữ lại từ tự do, với mối liên hệ về mặt từ nguyên với từ tự do (liberty), đồng thời tái khẳng định cam kết của những người theo phái tự do với thị trường. Thuật ngữ này được những nhà khoa bảng tự do-thị trường đón tiếp một cách nồng nhiệt, nhưng dường như lại không được các nhà báo và xã hội chấp nhận.
Thuật ngữ phù hợp cho những người ủng hộ xã hội dân sự và thị trường tự do chắc chắn phải là người xã hội chủ nghĩa (socialist). Thomas Paine đã phân biệt rõ xã hội với chính phủ, còn Albert Jay Nock, một người cầm bút theo trường phái tự do cá nhân, thì gọi tất cả những việc mà người ta làm một cách tự nguyện – vì tình yêu hay vì lòng từ bi hoặc vì lợi nhuận – là “quyền lực xã hội”, quyền lực này luôn luôn bị quyền lực của chính phủ đe dọa. Cho nên chúng ta có thể nói rằng, những người ủng hộ quyền lực của xã hội là những người xã hội chủ nghĩa, còn những người ủng hộ quyền lực của nhà nước là những người quốc gia (statists). Nhưng, lạy Chúa tôi, từ xã hội chủ nghĩa, tương tự như từ tự do, đã bị những người chẳng ủng hộ xã hội dân sự, cũng chẳng ủng hộ tự do chiếm đoạt mất rồi.
Ở nhiều khu vực trên thế giới, những người ủng hộ tự do vẫn được gọi là người theo phái tự do (liberal). Ở Nam Phi, những người theo phái tự do, như Helen Suzman, bác bỏ hệ thống của chủ nghĩa phân biệt sắc tộc (racism) và đặc quyền kinh tế (gọi là apartheid), ủng hộ quyền con người, chính sách không phân biệt chủng tộc và thị trường tự do. Ở Iran, những người theo phái tự do đứng lên phản đối nhà nước thần quyền và hướng đến “chủ nghĩa tư bản dân chủ” kiểu phương Tây. Ở Trung Quốc và Nga, những người theo phái tự do là những người muốn thay chế độ toàn trị trong tất cả những khía cạnh của nó bằng hệ thống của chủ nghĩa tự do cổ điển, với thị trường tự do và chính phủ hiến định. Thậm chí, ngay ở Tây Âu, những người theo phái tự do vẫn được coi là người ủng hộ cho một phiên bản tù mù của chủ nghĩa tự do cổ điển. Ví dụ, những người theo phái tự do ở Đức thường tham gia Đảng dân chủ tự do, đối lập với chủ nghĩa xã hội của Đảng dân chủ xã hội và chủ nghĩa nghiệp đoàn của Đảng dân chủ Cơ đốc giáo và chế độ gia trưởng của cả hai đảng này. Bên ngoài nước Mỹ, ngay cả các nhà báo Mỹ cũng hiểu được ý nghĩa truyền thống của từ “người theo phái tự do”. Năm 1992, trong bài tường thuật gửi đi từ Moskva, tờ Washington Post tường trình rằng “những nhà kinh tế học theo trường phái tự do phê phán chính phủ vì đã không thực hiện được việc tái cơ cấu một cách nhanh chóng và để cho những xí nghiệp quốc doanh làm ăn kém hiệu quả tiếp tục sản xuất ra những hàng hóa mà chẳng ai cần”. Những nhà khi tế học theo trường phái tự do, ví dụ, Milton Friedman, ở Mỹ, cũng đưa ra những lời phê phán tương tự, nhưng họ lại bị tờ Post gọi là những nhà kinh tế học bảo thủ.
Ở Mỹ, đến những năm 1940, từ “người theo phái tự do” đã bị những người ủng hộ chính phủ lớn chiếm đoạt. Một số người theo phái tự do cổ điển tiếp tục chống cự trong một thời gian, họ kiên quyết khẳng định rằng chính họ mới là những người theo phái tự do chân chính và những người được gọi là theo phái tự do hiện nay ở Washington thực ra là đang tái lập trật tự cũ của quyền lực nhà nước mà những người theo phái tự do từng chiến đấu để lật đổ. Nhưng những người khác chấp nhận thuật ngữ mới. Trong những năm 1950, Leonard Read, người sáng lập Quỹ giáo dục kinh tế (Foundation for Economic Education), bắt đầu tự gọi mình là người theo phái tự do cá nhân. Từ này, từ lâu đã được sử dụng để chỉ những người ủng hộ khái niệm tự do ý chí (đối chọi với thuyết quyết định luận), và tương tự như từ tự do (liberal), từ này cũng có xuất xừ từ từ liber (tự do) trong tiếng Latin. Danh xưng này đã được một nhóm đang lên của những người theo phái tự do cá nhân trong những năm 1960 và 1970 chấp nhận một cách từ từ. Đảng tự do cá nhân được thành lập năm 1972. Nhưng thuật ngữ này đã bị những người theo phái tự do cá nhân được xem là vĩ đại nhất - trong đó có Ayn Rand, bà này tự gọi mình là “người ủng hộ triệt để chủ nghĩa tư bản”, còn Friedrich Hayek, thì tiếp tục gọi mình là người theo phái tự do hay Whig già – bác bỏ.
Trong cuốn sách này, tôi sẽ sử dụng thuật ngữ đương đại. Tôi gọi những tư tưởng mà tôi ủng hộ và phong trào tìm cách thúc đẩy những ý tưởng này là chủ nghĩa tự do cá nhân. Chủ nghĩa tự do cá nhân có thể được coi là triết lý chính trị áp dụng những ý tưởng của chủ nghĩa tự do cổ điển một cách kiên định; theo đuổi những luận cứ của chủ nghĩa tự do, tức là những luận cứ đưa đến kết luận rằng cần phải giới hạn vai trỏ của chính phủ một cách nghiêm khắc hơn và bảo vệ quyền tự do cá nhân một cách trọn vẹn hơn là những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển có thể làm. Trong nhiều trường hợp, tôi sẽ sử dụng từ “những người theo phái tự do” theo nghĩa truyền thống của từ này, tôi gọi những người hiện bị gọi nhầm là người theo phái tự do là những người theo phái tự do khai phóng ủng hộ nhà nước phúc lợi hay những người dân chủ xã hội. Và tôi phải nói rằng những tư tưởng của chủ nghĩa tự do cá nhân và phong trào tự do cá nhân bao quát hơn bất kỳ đảng phái chính trị nào, trong đó có Đảng tự do cá nhân. Nhắc đến chủ nghĩa tự do cá nhân không nên được hiểu là ám chỉ Đảng tự do cá nhân, trừ phi điều đó được nói một cách rõ ràng.
Những hệ tư tưởng cũ đã không chịu được thách thức của thời gian. Khắp nơi – từ thế giới hậu cộng sản cho tới các chế độ độc tài quân sự ở châu Phi và những nhà nước phúc lợi trì trệ, phá sản ở châu Âu, ở Bắc và Nam Mỹ - chúng ta đang chứng kiến hậu quả của tình trạng áp bức và chủ nghĩa quốc gia. Đồng thời, chúng ta cũng đang chứng kiến những bước đi nhằm tìm kiếm những giải pháp theo đường lối của chủ nghĩa tự do cá nhân: chính phủ hiến định ở Đông Âu và Nam Phi, tư hữu hóa ở Anh và châu Mỹ Latin, chế độ dân chủ và pháp quyền ở Hàn Quốc và Đài Loan, và đòi hỏi giảm thuế ở tất cả các khu vực trên thế giới. Chúng ta thậm chí còn thấy người dân tại nhiều nơi trên thế giới - Quebec, Croatia, Bosnia, Bắc Ý, Scotland và nhiều nước ở châu Phi, chưa nói 15 nước cộng hòa Liên Xô cũ – đang thách thức những nhà nước (quốc gia) to lớn, có tính cưỡng ép và cứng nhắc mà họ đang phải chịu đựng và đòi hỏi phân quyền. Chủ nghĩa tự do cá nhân cung cấp lựa chọn thay thế cho chính phủ cưỡng bức, một sự lựa chọn mà những người yêu hòa bình và làm việc có hiệu quả khắp mọi nơi đều sẽ thấy là hấp dân.
Không, thế giới của chủ nghĩa tự do cá nhân không phải là thế giới hoàn hảo. Sẽ vẫn còn bất bình đẳng, nghèo đói, tội ác, tham nhũng, người với người còn đối xử tàn bạo với nhau. Nhưng, khác với những nhà tiên tri của các tôn giáo, khác với những người mơ mộng hão huyền của trường phái xã hội chủ nghĩa hay những người theo phái gia trưởng đầy mộng mơ của thời Chính sách mới và Xã hội vĩ đại, những người theo phái tự do cá nhân không hứa với bạn một vườn đầy ắp hoa hồng. Karl Popper có lần nói rằng cố gắng tạo ra thiên đường trên cõi thế nhất định sẽ tạo ra địa ngục trần gian. Mục tiêu của chủ nghĩa tự do cá nhân không phải là xã hội hoàn hảo mà là xã hội tốt hơn và tự do hơn. Nó hứa hẹn một thế giới, trong đó những người đúng đắn, tức là chính bạn, sẽ tìm được những biện pháp đúng đắn nhằm đưa ra nhiều quyết định hơn nữa. Kết quả sẽ không phải là chấm dứt vĩnh viễn tội ác, nghèo đói và bất bình đẳng mà là ít tội ác, ít nghèo đói và bất bình đẳng hơn – thường là ít hơn hẳn – so với phần lớn các giai đoạn trong quá khứ.
(Hết Chương 1).
Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.